Nguyên tác: The Road To Serfdom
Số lần đọc/download: 3827 / 159
Cập nhật: 2016-06-18 07:57:00 +0700
Chương 12: Cội Nguồn Tư Tưởng Của Chủ Nghĩa Phát Xít
Tất cả các lực lượng chống tự do đang tập hợp lại để chống đối mọi hiểu hiện của tự do.
A. Moeller Van Den Bruck
Nhiều người đã lầm khi cho rằng chủ nghĩa quốc xã chỉ là một vụ nổi loạn chống lại lí trí, là phong trào phi lí tính, không có một căn bản trí tuệ nào. Nếu quả vậy thì nó đã không nguy hiểm đến như thế. Nhưng đấy là quan điểm sai lầm và hoàn toàn thiếu căn cứ. Học thuyết của chủ nghĩa quốc xã là đỉnh điểm của một quá trình tiến hóa tư tưởng kéo dài, trong đó có sự đóng góp của các nhà tư tưởng có ảnh hưởng vượt rất xa bên ngoài ranh giới nước Đức. Dù ta có nghĩ như thế nào về tiền đề của nó thì ta cũng không thể phủ nhận sự kiện là tác giả của học thuyết này vốn là những người cầm bút có uy tín, những người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong toàn bộ tiến trình tư tưởng của châu Âu. Họ đã xây dựng hệ thống của mình một cách nhất quán và liên tục. Khi ta đã chấp nhận các tiền đề của nó thì ta không thể nào thoát ra ngoài logic của nó được nữa. Đấy đơn giản là chủ nghĩa tập thể đã được giải thoát khỏi mọi vết tích của truyền thống cá nhân chủ nghĩa, tức là giải thoát khỏi những điều có thể cản trở việc đưa nó vào thực tế.
Mặc dù các nhà tư tưởng Đức đã giữ vai trò quan trọng nhất, nhưng họ không phải là những người đơn độc. Thomas Carlyle và Houston Stewart Chamberlain, August Comte và George Sorel có vai trò không kém bất cứ người Đức nào. R. D. Butler đã làm rõ sự phát triển của luồng tư tưởng này trong tác phẩm The root of National Socialism (Gốc rễ xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa quốc xã) vừa được công bố mới đây của ông. Tác phẩm đưa ra kết luận rằng trong một trăm năm mươi năm qua xu hướng này vẫn có hình thức không thay đổi và thường tái phát một cách đáng lo ngại, song ý nghĩa của nó cho đến năm 1914 thì đã bị thổi phồng một cách quá đáng. Lúc đó nó chỉ là một trong những luồng tư tưởng trong một đất nước có thể là có nhiều quan điểm khác nhau hơn bất kì quốc gia nào khác. Rất ít người chia sẻ quan điểm này và phần lớn người Đức cũng khinh bỉ nó chẳng khác gì người dân các nước khác vậy.
Thế thì tại làm sao cuối cùng quan điểm của một thiểu số phản động đó lại được đa số dân Đức và hầu như toàn bộ thanh niên Đức ủng hộ? Đấy không chỉ là do thất trận[1], không chỉ là do những khó khăn sau chiến tranh và làn sóng dân tộc chủ nghĩa. Lại càng không phải là, như nhiều người muốn tin như thế, phản ứng của chủ nghĩa tư bản nhằm chống lại sự tiến công của chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, chính sự ủng hộ của phái xã hội chủ nghĩa đã giúp những người có tư tưởng như thế nắm được quyền lực. Không phải tư sản mà chính là sự thiếu vắng giai cấp tư sản đủ mạnh đã giúp họ leo lên đỉnh cao quyền lực.
Cái học thuyết đóng vai trò kim chỉ nam cho giới lãnh đạo ở Đức trong thế hệ vừa qua không hề mâu thuẫn với tinh thần xã hội chủ nghĩa trong chủ nghĩa Marx mà là mâu thuẫn với những thành tố phóng khoáng của nó, tức là mâu thuẫn với tinh thần quốc tế và dân chủ hàm chứa trong chủ nghĩa này. Và, khi càng ngày người ta càng nhận ra rằng các thành tố đó chính là vật cản cho việc biến chủ nghĩa xã hội thành hiện thực thì những người xã hội chủ nghĩa cánh Tả mới càng ngày càng tiến dần sang phía cánh Hữu. Đấy là liên minh của những lực lượng chống tư bản do những người cánh Tả và cánh Hữu lập nên, một sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội cấp tiến và bảo thủ, và liên minh này đã đào tận gốc trốc tận rễ mọi biểu hiện của chủ nghĩa phóng khoáng ra khỏi nước Đức.
Ở Đức, khởi kì thủy chủ nghĩa xã hội đã gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa dân tộc rồi. Điều đặc biệt là các ông tổ của chủ nghĩa quốc xã như Fichte, Rodbertus và Lassalle cũng đồng thời được mọi người công nhận là cha đẻ của chủ nghĩa xã hội. Khi chủ nghĩa xã hội lí thuyết, với vỏ bọc là chủ nghĩa Marx, đóng vai trò kim chỉ nam cho phong trào lao động Đức thì các nhân tố độc đoán và dân tộc chủ nghĩa đành lùi vào bóng tối. Nhưng chuyện đó kéo dài không lâu[2]. Từ năm 1914 trở đi trong hàng ngũ những người marxit lần lượt xuất hiện những thầy cả chuyên làm nhiệm vụ cải đạo, không phải những kẻ phản động và bảo thủ đâu, mà là cải đạo cho những người công nhân chuyên cần và những thanh niên mơ mộng thành tín đồ của chủ nghĩa quốc xã. Sau đó làn sóng của chủ nghĩa quốc xã mới đạt đến đỉnh cao và nhanh chóng phát triển thành chủ nghĩa Hitler. Thái độ hiếu chiến năm 1914 vốn là nguyên nhân cho vụ thất trận của Đức, chưa bao giờ được chữa trị hoàn toàn, lại là xuất phát điểm cho cái phong trào hình thành nên chủ nghĩa quốc xã với sự trợ giúp to lớn của những người xã hội chủ nghĩa.
Có lẽ người đầu tiên và là đại diện nổi bật nhất của xu hướng này là cố giáo sư Werner Sombart với tác phẩm Handler und Helden (Nhà buôn và anh hùng) khét tiếng, xuất hiện vào năm 1915 của ông. Sombart bắt đầu sự nghiệp như một người xã hội chủ nghĩa theo trường phái marxit, năm 1919 ông còn tự hào tuyên bố rằng đã hiến dâng phần lớn cuộc đời cho cuộc đấu tranh cho những tư tưởng của Karl Marx. Có thể nói ông là người đóng góp nhiều nhất cho việc truyền bá tư tưởng xã hội chủ nghĩa và lòng căm thù chủ nghĩa tư bản ra khắp đất Đức và nếu các thành tố của chủ nghĩa Marx đã thấm vào tư tưởng Đức, trước cuộc cách mạng Nga không có nước nào đạt được mức độ như thế, thì đấy phần lớn là nhờ công của Sombart. Có thời Sombart còn được coi là đại diện lỗi lạc nhất của giới trí thức xã hội bị đàn áp và chính vì những quan điểm cấp tiến mà ông không được nhận một chân giáo sư đại học. Ngay cả sau chiến tranh, các tác phẩm của ông vẫn có ảnh hưởng rất lớn cả bên trong lẫn bên ngoài nước Đức với tư cách là một nhà sử học (với cách tiếp cận marxit sau khi đã không còn là người marxit trong lĩnh vực chính trị nữa), ảnh hưởng của ông đặc biệt rõ trong các công trình của những người ủng hộ kế hoạch hóa ở Anh và Mĩ.
Trong cuốn sách viết về chiến tranh, người đảng viên xã hội chủ nghĩa gạo cội này đã hoan nghênh “Cuộc chiến tranh của Đức” vì đấy là cuộc đụng độ không thể nào tránh được giữa nền văn minh “con buôn” của Anh và nền văn minh cũng như văn hóa anh hùng của Đức. Thái độ khinh bỉ các quan điểm “con buôn” của người Anh, những người đã đánh mất hết bản năng chinh chiến, của Sombart thật là vô bờ bến. Trong con mắt của ông ta thì không có gì đáng khinh hơn là khát khao theo đuổi hạnh phúc riêng tư. Ông ta cho rằng châm ngôn đạo đức chủ yếu của người Anh là: “Để ngươi hưởng phúc và sống lâu[3]” là châm ngôn “bỉ ổi nhất do đầu óc con buôn tạo ra”. “Tư tưởng Đức về nhà nước”, như Fichte, Lassalle và Rodbertus định nghĩa, là nhà nước không phải được thiết lập hay hình thành bởi các cá nhân, cũng không phải là một tập hợp các cá nhân và mục đích của nó cũng không phải là để phục vụ cho quyền lợi của các cá nhân. Đấy là một Volksgemeinschaft (cộng đồng dân tộc) trong đó cá nhân chỉ có toàn nghĩa vụ chứ chẳng được hưởng bất cứ quyền lợi gì. Mọi đòi hỏi của cá nhân đều xuất phát từ tinh thần con buôn mà ra cả. “Tư tưởng năm 1789[4]” về tự do, bình đẳng, bác ái đều là các tư tưởng con buôn và chẳng có mục đích nào khác hơn là đảm bảo lợi thế cho các cá nhân.
Trước năm 1914, tất cả các lí tưởng anh hùng chân chính của Đức đều bị các lí tưởng con buôn của Anh, đời sống tiện nghi và nền thể thao Anh đe dọa xóa sổ. Người Anh không chỉ tha hóa hoàn toàn, người hoạt động công đoàn nào cũng chìm đắm trong “vũng bùn của tiện nghi” mà còn truyền bệnh cho các dân tộc khác nữa. Chỉ có chiến tranh mới giúp cho người Đức nhớ rằng họ là những chiến binh, họ là một dân tộc mà tất cả mọi hoạt động, đặc biệt là hoạt động kinh tế, đều nhằm để phục vụ cho mục đích chiến tranh. Sombart biết rằng các dân tộc khác khinh người Đức vì thái độ sùng bái chiến tranh của họ, nhưng ông ta lại coi đó là niềm tự hào. Chỉ có quan điểm con buôn mới coi chiến tranh là bất nhân và vô nghĩa mà thôi. Có một đời sống cao thượng hơn đời sống của cá nhân, đấy là đời sống của nhân dân, đời sống của đất nước và mục đích của cá nhân là hi sinh thân mình cho đời sống cao cả này. Chiến tranh là hiện thân của quan điểm anh hùng và cuộc chiến chống Anh là cuộc chiến chống lại lí tưởng đối địch, chống lại lí tưởng con buôn về tự do cá nhân và tiện nghi của người Anh, mà biểu hiện đáng khinh nhất là chiếc lưỡi dao cạo râu được binh lính Đức tìm thấy trong các chiến hào của quân Anh.
o O o
Nếu những lời công kích của Sombart lúc đó nghe có vẻ quá đáng ngay cả đối với người Đức thì lí luận của một giáo sư người Đức khác cũng dẫn đến tư tưởng tương tự nhưng với hình thức nhẹ nhàng hơn, mang tính hàn lâm hơn và vì vậy mà hiệu quả hơn. Đấy là giáo sư Johann Plenge, một người marxit có uy tín chẳng kém gì Sombart. Tác phẩm Marx und Hegel (Marx và Hegel) của ông đánh dấu sự phục sinh của tinh thần Hegel trong tư tưởng của các học giả theo trường phái marxit và không nghi ngờ gì rằng ông ta khởi đầu sự nghiệp của mình như một người xã hội chủ nghĩa chân chính. Trong rất nhiều tác phẩm viết trong thời kì chiến tranh của ông thì cuốn sách mỏng nhưng đương thời đã tạo ra những cuộc thảo luận rộng rãi với nhan đề đầy ý nghĩa: 1789 và 1914: năm tháng tượng trưng trong lịch sử tư tưởng. Tác phẩm này nói về cuộc xung đột giữa “các tư tưởng của năm 1789” tức là lí tưởng tự do và “các tư tưởng của năm 1914”, tức là lí tưởng của sự tổ chức.
Đối với Plenge, cũng như đối với tất cả những người xã hội chủ nghĩa, những người đem các quan điểm kĩ thuật vào giải quyết các vấn đề xã hội, thì tổ chức là bản chất của chủ nghĩa xã hội. Ông ta đã nhận xét rất đúng rằng tư tưởng về tổ chức là cội nguồn của phong trào xã hội chủ nghĩa phát sinh hồi đầu thế kỉ XIX ở nước Pháp. Gắn bó với tư tưởng trừu tượng là tự do, Marx và chủ nghĩa Marx đã phản bội lí tưởng cơ bản này của chủ nghĩa xã hội. Chỉ đến nay ta mới được chứng kiến sự trở về của tư tưởng tổ chức, một Sự trở về đang diễn ra khắp nơi, mà bằng chứng là tác phẩm của H. G. Wells (Wells là người được Plenge coi là một trong những nhà hoạt động nổi tiếng nhất của phong trào xã hội chủ nghĩa đương thời và cuốn Future in America (Tương lai ở nước Mĩ có ảnh hưởng rất lớn đối với ông ta), đặc biệt là ở Đức, chỉ có ở đây tư tưởng này mới được thực thi một cách trọn vẹn và thấu hiểu một cách đầy đủ mà thôi, Vì vậy chiến tranh giữa Anh và Đức đúng là cuộc xung đột giữa hai nguyên tắc đối kháng. Cuộc “Chiến tranh kinh tế thế giới” là giai đoạn thứ ba của cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử hiện đại. Vai trò của nó cũng quan trọng như Phong trào Cải cách và cuộc Cách mạng tư sản với tư tưởng phóng khoáng. Đây là cuộc đấu tranh của những lực lượng mới, những lực lượng thoát thai từ nền kinh tế tiến bộ của thế kỉ XIX, kết cục của nó sẽ là chiến thắng của chủ nghĩa xã hội và tổ chức, “Vì trong lĩnh vực tư tưởng, Đức là nước ủng hộ triệt để nhất giấc mơ xã hội chủ nghĩa, còn trên thực tế thì Đức cũng là kiến trúc sư quyền năng nhất trong việc thiết lập hệ thống kinh tế được tổ chức một cách chặt chẽ nhất. Chúng ta là thế kỉ XX. Dù chiến tranh có kết thúc như thế nào đi nữa, chúng ta vẫn là hình mẫu cho nhân dân các nước khác. Tư tưởng của chúng ta sẽ quyết định mục đích sống cho toàn thể loài người. Lịch sử thế giới đang chứng kiến một đại hí trường, cùng với chúng ta, một tư tưởng vĩ đại mới về cuộc đời nhất định sẽ giành chiền thắng, trong khi một trong những nguyên lí mang tầm lịch sử thế giới của Anh cuối cùng nhất định sẽ sụp đổ”. Plenge đã viết như thế.
Nền kinh tế thời chiến được thiết lập ở Đức năm 1914 là “kinh nghiệm xây dựng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới và tinh thần của nó là tích cực chứ không phải là tiêu cực, đấy chính là biểu hiện của tinh thần xã hội chủ nghĩa. Nhu cầu của chiến tranh đã đưa tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào nền kinh tế Đức, nhu cầu quốc phòng của chúng ta đã tặng cho nhân loại tư tưởng của năm 1914, tức là tư tưởng tổ chức của Đức, tư tưởng cộng đồng dân tộc (Volksgemeinschaft) của chủ nghĩa quốc xã… Chúng ta đã không nhận ra rằng toàn bộ đời sống chính trị trong nước cũng như nền công nghiệp đã vươn lên một tầm cao mới. Nhà nước và nền kinh tế đã tạo thành một thể thống nhất mới… Tinh thần trách nhiệm trong lĩnh vực kinh tế, đặc trưng cho công tác của người công bộc đã thấm vào mọi lĩnh vực của hoạt động riêng tư”. Cái thiết chế kinh tế mang tinh thần phường hội hoàn toàn mới mẻ của Đức mà theo Plenge là chưa chín muồi là “hình thức cao nhất, lần đầu tiên hiện diện trong đời sống của một số quốc gia”.
Ban đầu giáo sư Plenge còn hi vọng kết hợp lí tưởng tự do với lí tưởng tổ chức nếu các cá nhân hoàn toàn tự nguyện đặt mình dưới sự chỉ đạo của xã hội. Nhưng sau này các tàn dư của chủ nghĩa phóng khoáng như thế đã không còn xuất hiện trong trước tác của ông. Đến năm 1918 thì sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội và đàn áp chính trị đã định hình hoàn toàn trong tâm trí của ông. Ngay trước khi chiến tranh kết thúc ông ta đã viết trên tờ “Die Glocke” theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa như sau: “Đã đến lúc phải công nhận rằng chủ nghĩa xã hội là bạo lực vì nó chính là tổ chức. Chủ nghĩa xã hội phải giành lấy quyền lực chứ không phải là phá hoại nó một cách mù quáng. Và trong khi dân chúng đang đánh nhau thì câu hỏi quan trọng nhất, quyết định nhất đối với chủ nghĩa xã hội là: dân tộc nào thích sử dụng quyền lực hơn cả thì đấy chính là người lãnh đạo mẫu mực cho các dân tộc khác?”
Rồi ông ta đưa ra ý tưởng mà sau này sẽ trở thành cơ sở cho cái Trật tự Mới của Hitler: “Từ quan điểm của chủ nghĩa xã hội, mà chủ nghĩa xã hội là tổ chức, thì quyền tự quyết của các dân tộc chẳng phải là quyền gây ra sự hỗn loạn trong nền kinh tế cá nhân chủ nghĩa hay sao? Chúng ta có muốn bảo đảm cho cá nhân quyền tự quyết trong đời sống kinh tế hay không? Chủ nghĩa xã hội nhất quán chỉ có thể cho người dân quyền kết hợp trên cơ sở sự phân bố lực lượng do những điều kiện lịch sử quy định mà thôi”.
o O o
Lí tưởng được Plenge trình bày một cách rõ ràng như thế vốn được rất nhiều nhà khoa học và kĩ sư Đức cũng như hiện nay đang được các đồng nghiệp của họ ở Anh và Mĩ ủng hộ, họ chính là những người kêu gọi tổ chức toàn bộ đời sống xã hội theo kế hoạch tập trung. Đóng vai trò chủ đạo là nhà hoá học nổi tiếng tên là Wilhelm Ostwald, ông này đã phát biểu một câu nổi tiếng. Có người nói rằng ông ta đã phát biểu công khai: “Nước Đức muốn tổ chức châu Âu, cho đến nay ở đó vẫn chẳng có tổ chức gì cả. Tôi xin giải thích cho các bạn cái bí mật lớn nhất của Đức: Chúng tôi, hay có thể nói, dân tộc Đức đã phát hiện ra ý nghĩa quan trọng của tổ chức. Trong khi các dân tộc khác còn đang lặn hụp dưới chính thể cá nhân chủ nghĩa thì chúng tôi sống dưới chế độ có tổ chức rồi”.
Các ý tưởng giống hệt như thế cũng được truyền bá trong những nhóm thân cận với ông Walter Rathenau, một người nắm độc quyền trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu thô ở Đức. Mặc dù ông này có lẽ sẽ phải run bắn lên khi nhận chân được hậu quả của nền kinh tế toàn trị, nhưng ông ta xứng đáng giữ vị trí đáng kể trong lịch sử hình thành các tư tưởng quốc xã vì các trước tác của ông ta có ảnh hưởng hơn bất kì ai khác trong việc hình thành quan điểm kinh tế của thế hệ người Đức lớn lên trong và ngay sau chiến tranh[5]; và một số cộng sự gần gũi nhất của ông ta sau này đã trở thành những thành viên cốt cán trong Bộ chỉ huy Kế hoạch Kinh tế Ngũ niên của Goring. Friedrich Naumann, một người cựu marxit khác cũng có vai trò tương tự như thế: tác phẩm Miltteleuropa (Trung tâm châu Âu) của ông ta có lẽ là tác phẩm bán chạy nhất trong thời chiến tranh ở Đức[6].
Nhưng người có công trong việc phát triển một cách đầy đủ nhất và truyền bá một cách rộng rãi nhất các quan điểm này lại là ông Paul Lensch, một thành viên cánh Tả của Đảng Dân chủ Xã hội[7] trong Reichstag (Quốc hội Đức). Ngay trong những tác phẩm đầu tiên Lensch đã mô tả cuộc chiến như là “vụ xa chạy cao bay của bè lũ tư bản Anh trước sự thăng tiến của chủ nghĩa xã hội” và giải thích sự khác nhau một trời một vực giữa lí tưởng tự do của chủ nghĩa xã hội và quan niệm của người Anh về vấn đề này. Nhưng phải đến cuốn thứ ba, cũng là cuốn thành công nhất trong thời gian diễn ra cuộc chiến, với nhan đề Three Years of World Revolution (Ba năm cách mạng thế giới), thì tư tưởng của ông, dưới ảnh hưởng của Plenge, mới được trình bày một cách đầy đủ nhất[8]. Lensch đã đưa ra những phân tích khá lí thú và ở một số khía cạnh nào đó thì khá chính xác kết quả của việc áp dụng chủ nghĩa bảo hộ của Bismark. Chính sách bảo hộ như thế đã làm cho nền công nghiệp Đức phát triển theo hướng tập trung và tạo ra các công ty độc quyền to lớn, mà theo quan điểm marxit của ông ta thì đấy chính là biểu hiện của một nền công nghiệp phát triển cao.
“Các quyết định được Bismark thông qua năm 1879 đã đưa đến kết quả là nước Đức đã bước vào con đường cách mạng, nghĩa là trở thành nước có một hệ thống kinh tế tiên tiến và phát triển cao nhất thế giới hiện nay. Đức đại diện cho phía cách mạng còn kẻ thù chính của nó là nước Anh thì đứng về phía phản cách mạng. Sự kiện này chứng tỏ rằng nhìn từ quan điểm phát triển của lịch sử thì thể chế của đất nước, dù đấy có là tự do và cộng hòa hay quân chủ và độc tài, có ảnh hưởng rất ít đến việc nước đó có phải là nước phóng khoáng hay là không. Nói một cách đơn giản hơn quan niệm của chúng ta về chủ nghĩa phóng khoáng, về Dân chủ v.v… có nguồn gốc từ chủ nghĩa Cá nhân của Anh, theo đó một nước có chính phủ yếu là nước phóng khoáng và bất kì hạn chế nào đối với quyền tự do cá nhân cũng đều bị coi là độc tài và quân phiệt cả”.
Ở Đức, với “vai trò lịch sử” phải trở thành mẫu mực về kinh tế cho các nước khác, “cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội đã diễn ra một cách rất thuận lợi vì tất cả những điều kiện cần cho chủ nghĩa xã hội đều đã được thiết lập rồi. Vì vậy nhiệm vụ của tất cả các đảng xã hội chủ nghĩa là ủng hộ nước Đức trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù, để Đức có thể thực hiện được nhiệm vụ lịch sử của mình là thúc đẩy phong trào cách mạng trên toàn thế giới. Vì thế cuộc chiến tranh của khối Entente chống lại Đức làm người ta nhớ lại những cố gắng của giai cấp tư sản lớp dưới của thời tiền tư bản nhằm ngăn chặn sự suy sụp của chính giai cấp này”.
Việc tổ chức tư bản, Lensch viết tiếp, “đã được bắt đầu một cách vô thức trước chiến tranh, được tiếp tục một cách có ý thức trong thời kì diễn ra chiến tranh và sẽ tiếp tục một cách có hệ thống sau khi chiến tranh kết thúc. Đây không phải là vì tình yêu đối với nghệ thuật tổ chức cũng chẳng phải là chủ nghĩa xã hội được coi là nguyên tắc tổ chức xã hội cao hơn. Trên thực tế những giai cấp đóng vai trò tiên phong của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa về lí thuyết đang bị coi hay ít nhất trong một thời gian ngắn trước đây đã từng bị coi là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội đang lại gần, ở mức độ nào đó thì nó đã hiện diện rồi, chúng ta không thể sống thiếu nó được nữa”.
Chỉ còn những người phóng khoáng tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại xu hướng này mà thôi. “Những người thuộc giai cấp này đã vô tình lập luận theo cung cách của người Anh. Tầng lớp tư sản có học ở Đức thuộc loại người như thế. Các khái niệm chính trị của họ về “tự do” về “quyền công dân”, về hiến pháp và chế độ đại nghị xuất phát từ thế giới quan cá nhân chủ nghĩa, chủ nghĩa phóng khoáng của Anh là hiện thân của chúng, các phát ngôn viên của giai cấp tư sản Đức những năm 50, 60 và 70 của thế kỉ XIX đã đưa các khái niệm đó vào nước ta. Nhưng các khái niệm đó đã trở thành cổ lỗ và bị đập tan, cũng như chủ nghĩa phóng khoáng cổ lỗ của Anh đã bị cuộc chiến tranh này đập tan vậy. Điều cần phải làm hiện nay là thoát khỏi những tư tưởng chính trị do quá khứ để lại này và tìm mọi cách ủng hộ cho sự phát triển của các quan niệm mới về Nhà nước và Xã hội. Trong lĩnh vực này, chủ nghĩa xã hội còn phải chiến đấu một cách tự giác và kiên quyết nhằm chống lại chủ nghĩa cá nhân. Cũng liên quan đến vấn đề này, điều làm người ta kinh ngạc là giai cấp công nhân trong nước Đức được gọi là “phản động” lại giành được vị thế vững chắc trong đời sống của quốc gia hơn là tại Anh và Pháp”.
Kết luận của Lensch nói chung là chính xác và rất đáng được xem xét một cách cẩn thận: “Nhờ vào quyền phổ thông đầu phiếu mà những người dân chủ-xã hội đã chiếm được tất cả các vị trí mà họ có thể chiếm trong Reichstag (quốc hội), trong các hội đồng hàng tỉnh, trong các tòa trọng tài thương mại, trong các quỹ trợ giúp người ốm đau v.v…, họ đã thâm nhập rất sâu vào bộ máy của nhà nước. Với cái giá mà họ phải trả là, đến lượt nó, nhà nước lại có ảnh hưởng rất lớn đối với giai cấp công nhân. Kết quả hoạt động không ngừng nghỉ của những người xã hội chủ nghĩa trong suốt năm mươi năm qua là nhà nước đã không còn là nhà nước như hồi năm 1867, năm áp dụng quyền phổ thông đầu phiếu nữa và đến lượt mình Đảng Dân chủ-Xã hội cũng không còn là dân chủ-xã hội thời đó nữa. Nhà nước đã trải qua quá trình xã hội hoá, còn Dân chủ-Xã hội thì trải qua quá trình quốc hữu hoá".
o O o
Đến lượt mình, Plenge và Lensch lại trở thành những người dẫn đường cho những kẻ đóng vai trò trực tiếp cho sự hình thành chủ nghĩa quốc xã, đặc biệt là Oswald Spengler và Arthur Moeller van den Bruck, đấy là chỉ kể hai người nổi tiếng nhất[9]. Người ta có thể có quan điểm khác nhau về việc Oswald Spengler có thực sự là một người xã hội chủ nghĩa hay không, nhưng rõ ràng là tác phẩm Prussianism and Socialism (Tinh thần Phổ và chủ nghĩa xã hội) ấn hành vào năm 1920 đã thể hiện những quan điểm được nhiều người xã hội chủ nghĩa chia sẻ. Chỉ cần một vài trích dẫn là đủ chứng tỏ điều đó. “Tâm hồn xưa của nước Phổ và niềm tin xã hội chủ nghĩa, mà hiện đang căm thù nhau như hai người anh em, thực ra lại chỉ là một”. Còn các đại diện của nền văn minh phương Tây ở Đức, tức là những người theo phái phóng khoáng ở Đức, chỉ là “những đội quân vô hình của Anh mà Napoleon đã để lại trên đất Đức sau trận chiến trên sông Jena mà thôi”. Đối với Spengler thì những người như Hardenberg và Humboldt và những nhà cải cách phóng khoáng khác đều là “người Anh”. Nhưng cái tinh thần “Anh” đó sẽ bị cuộc cách mạng khởi đầu vào năm 1914 quét sạch.
“Ba dân tộc cuối cùng ở phương Tây đang theo đuổi ba hình thức tồn tại, được thể hiện bằng cái khẩu hiệu nổi tiếng: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Chúng xuất hiện bằng những hình thức chính trị như chế độ đại nghị phóng khoáng, chế độ dân chủ xã hội và chủ nghĩa xã hội độc đoán[10]… Tinh thần Đức, đúng hơn phải nói tinh thần Phổ, là: quyền lực thuộc về toàn thể… Mỗi người đều có vị trí của mình. Mỗi người đều là kẻ cai trị hay là kẻ bị trị. Từ thế kỉ XVIII chủ nghĩa xã hội độc đoán là như thế đấy, bản chất của nó là hẹp hòi và phi dân chủ, theo cách hiểu của chủ nghĩa phóng khoáng của Anh và chế độ dân chủ của Pháp… Ở Đức, nhiều thứ bị người ta ghét, nhiều thứ bị người ta coi thường, nhưng riêng chủ nghĩa phóng khoáng thì bị người ta khinh.
Cấu trúc của dân tộc Anh dựa trên sự phân biệt giàu nghèo, nhưng của Phổ lại dựa trên kẻ cai trị và người bị trị, Vì vậy giữa hai nước sự phân chia giai cấp cũng được hiểu một cách hoàn toàn khác nhau”.
Sau khi đã chỉ rõ sự khác nhau căn bản giữa hệ thống kinh tế cạnh tranh của Anh và hệ thống “quản lí kinh tế” của Đức và sau khi chỉ cho ta thấy (theo cách của Lensch) làm thế nào mà việc quản lí kinh tế một cách có chủ đích từ thời Bismark lại chuyển dần sang hình thức xã hội chủ nghĩa, Spengler tiếp tục:
“Ở Phổ đã tồn tại một nhà nước chân chính với ý nghĩa cao cả nhất của từ này. Nói chính xác, ở đây không có người nào là riêng tư cả. Bất cứ người nào sống trong một hệ thống làm việc chính xác như một cỗ máy đồng hồ cũng sẽ gắn bó với nó bằng cách nào đó. Vì vậy việc quản lí các công việc của xã hội không thể nằm trong tay các cá nhân riêng rẽ như chế độ đại nghị đòi hỏi. Đấy là bộ máy nhà nước và các chính khách có trách nhiệm chính là công bộc của xã hội, công bộc của toàn dân”, "Tư tưởng Phổ” đòi hỏi mọi người đều phải là viên chức nhà nước, tiền lương và tiền công đều do nhà nước quy định. Quản lí tất cả tài sản phải là nhiệm vụ của các viên chức ăn lương. Nhà nước tương lai phải là một Beamtenstaat (nhà nước của các quan chức). Nhưng “vấn đề quyết định không chỉ đối với nước Đức, mà đối với toàn thế giới, và nước Đức phải giải quyết cho toàn thế giới là: Trong tương lai thương mãi sẽ điều khiển nhà nước hay nhà nước sẽ điều khiển thương mãi? Tư tưởng Phổ và chủ nghĩa xã hội có chung một câu trả lời cho vấn đề này… Tư tưởng Phổ và chủ nghĩa xã hội cùng chiến đấu chống lại cái nước Anh ở giữa chúng ta”.
Từ đây đến lời tuyên bố của Arthur Moeller van den Bruck, một thánh tông đồ của chủ nghĩa quốc xã, rằng Chiến tranh Thế giới I là chiến tranh giữa chủ nghĩa phóng khoáng và chủ nghĩa xã hội, chỉ còn là một bước nhỏ. “Chúng ta đã thất bại trước phương Tây. Chủ nghĩa xã hội đã thua chủ nghĩa phóng khoáng[11]”. Cũng như Spengler, Bruck coi chủ nghĩa phóng khoáng là kẻ thù số một của mình. Moeller van den Bruck tự hào tuyến bố rằng “Ở Đức hiện không còn người theo tư tưởng phóng khoáng nào; có những nhà cách mạng trẻ tuổi, có những người bảo thủ trẻ tuổi. Nhưng ai có thể trở thành người phóng khoáng?… Chủ nghĩa phóng khoáng là triết lí mà tuổi trẻ Đức quay đi vì cảm thấy buồn nôn, cảm thấy tức giận và khinh bỉ vì không có gì lại xa lạ, lại ghê tởm và trái ngược với tư tưởng của họ đến như thế. Thanh niên Đức coi chủ nghĩa tự do là kẻ thù chính của mình”, Đế chế Thứ ba của Moeller van den Bruck hứa sẽ mang đến cho người Đức chủ nghĩa xã hội, thứ chủ nghĩa xã hội phù hợp với tính cách của dân tộc Đức, thứ chủ nghĩa xã hội đã giải thoát khỏi các tư tưởng phóng khoáng của phương Tây. Kết quả đã diễn ra đúng như thế.
Nhưng họ không phải là hiện tượng đơn lẻ. Ngay từ năm 1922 những người quan sát khách quan có thể thấy “một hiện tượng đặc biệt, mới nhìn thì có vẻ lạ” nhưng sau này sẽ trở nên bình thường ở Đức: “Nhiều người cho rằng cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản là sự tiếp tục của cuộc chiến tranh chống lại khối Entente trong lĩnh vực tinh thần và tổ chức kinh tế, họ coi đấy là con đường dẫn đến chủ nghĩa xã hội, là con đường đưa người Đức trở lại với những truyền thống tốt đẹp nhất và cao quý nhất[12]”.
Cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phóng khoáng, cái chủ nghĩa phóng khoáng đã chiến thắng nước Đức, là tư tưởng liên kết những người xã hội chủ nghĩa và những người bảo thủ vào một mặt trận chung. Ý tưởng này được Phong trào Thanh niên Đức, một phong trào mang tinh thần xã hội chủ nghĩa, tiếp thu và đây cũng chính là nơi sinh ra thứ hỗn hợp giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc. Từ cuối những năm 1920 cho đến khi Hitler nắm được chính quyền, các thanh niên tập hợp xung quanh tạp chí Die Tat, do Ferdinand Fried lãnh đạo, đã trở thành những người diễn giải chủ yếu của xu hướng này trong giới trí thức. Có lẽ thành quả đặc biệt nhất của nhóm này, lấy tên là Edelnazis (quốc xã-quỹ tộc), là cuốn sách của Fried có nhan đề Ende des Kapitalismus (Sự cáo chung của chủ nghĩa tư bản). Đây là hiện tượng đặc biệt đáng lo ngại vì nó rất giống với những tác phẩm được xuất bản ở Anh và Mĩ hiện nay, ở đây ta cũng thấy sự xích lại gần nhau giữa những người xã hội chủ nghĩa cánh Hữu và cánh Tả và sự khinh thường tương tự như thế với tất cả những biểu hiện của chủ nghĩa phóng khoáng cổ điển. “Chủ nghĩa xã hội bảo thủ” (và trong một số giới thì là “chủ nghĩa xã hội tôn giáo”) là những khẩu hiệu mà nhiều người cầm bút đã dùng để chuẩn bị không gian tinh thần đưa đến chiến thắng của chủ nghĩa quốc xã. “Chủ nghĩa xã hội bảo thủ” cũng là xu hướng đang giữ thế thượng phong hiện nay. Liệu đấy có phải là cuộc chiến tranh “trong lĩnh vực tinh thần và tổ chức kinh tế” chống lại các cường quốc phương Tây đã thắng trước khi cuộc chiến[13] thực sự diễn ra hay không?
Chú thích:
[1] Thất bại trong Thế chiến I (1914-1918) - ND.
[2] Và chỉ một phần. Ngay từ năm 1892, August Bebel, một trong những lãnh tụ của Đảng Dân chủ - Xã hội đã nói với Bismark (Thủ tướng Đức lúc đó - ND) rằng “Thủ tướng Đế chế có thể tin tưởng rằng phong trào Dân chủ Xã hội Đức chỉ là trường dự bị cho chủ nghĩa quân phiệt mà thôi”!
[3] Đây là câu trong Kinh Cựu ước: Sách thứ năm của Môi-se gọi là Phục truyền luật lệ kí - ND.
[4] Cách mạng tư sản Pháp - ND.
[5] Chiến tranh thế giới I - ND.
[6] Tác phẩm của Butler R.D., The Roots of National Socialism (Cội rễ của chủ nghĩa xã hội quốc gia) (1941), trang 203 - 209 đã đưa ra một bản tổng quan các trích dẫn quan điểm của Naumann, cũng là quan điểm đặc trưng cho sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc ở Đức, tương tự như các trích dẫn đã được trình bày trong cuốn sách này.
[7] Tức là Đảng theo đường lối xã hội chủ nghĩa - ND.
[8] Paul Lensch, Three Years of World Revolution (Ba năm cách mạng thế giới), với lời giới thiệu của J.E.M. (London, 1918). Bản dịch tiếng Anh tác phẩm này đã được những người nhìn xa trông rộng hoàn thành ngay trong thời chiến.
[9] Có thể nói như thế về những lãnh tụ tinh thần khác thuộc thế hệ đã sinh ra chủ nghĩa quốc xã như Othmar Spann, Hans Freyer, Carl Schmitt và Ernst Junger. Quan điểm của họ được Aurel Kolnai phân tích trong tác phẩm: The War against the West (Cuộc chiến chống phương Tây, 1938). Tác phẩm này có một khiếm khuyết là chỉ giới hạn trong giai đoạn hậu chiến trong khi những lí tưởng này đã được những người dân tộc chủ nghĩa tiếp thu từ trước, tác giả đã bỏ qua những người xã hội chủ nghĩa, tức là các tác giả thực sự của chúng.
[10] Công thức này của Spengler lại được Schmitt, một chuyên gia hàng đầu về luật hiến pháp của quốc xã, nhắc lại trong tuyên bố thường xuyên được trích dẫn của ông ta, theo đó sự tiến hoá của chính phủ diễn ra “qua ba giai đoạn biện chứng: từ nhà nước chuyên chế thế kỉ XVII-XVIII qua nhà nước trung lập phóng khoáng thế kỉ XIX sang nhà nước toàn trị trong đó nhà nước và xã hội hòa làm một” (Schmitt C., Der Huter der Verfassung, Tubingen, 1931, trang 79.
[11] Moeller van den Brock A., Socialismus und Aussenpolitik, 1933. trang 87, 90, 100. Các bài báo trong tập sách này, mà cụ thể là bài Lenin và Keynes bàn kĩ nội dung được thảo luận ở đây, được in lần đầu tiên vào khoảng năm 1919-1923.
[12] Pribram K., Deutscher Nationalism us und Deutscher socialism us. “Archiv fur Social-wissenschaft und Socialpolitik”. tập 49. 1922. trang 298-299. Tác giả còn trích dẫn nhà triết học Max Scheler, người chủ trương “sứ mệnh truyền bá chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới của nước Đức” và một người marxit là K. Korsch viết về tinh thần của một Volksgemeinschaft (cộng đồng dân tộc) mới.
[13] Ý nói chiến tranh Thế giới II - ND.