Medicine for the soul.

Inscription over the door of the Library at Thebes

 
 
 
 
 
Tác giả: Joseph Heller
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Catch 22
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 42
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 21
Cập nhật: 2023-06-18 15:51:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hạ Sĩ Whitcomb
ặt trời buổi sáng cuối tháng Tám nóng và oi, ngoài ban công không một ngọn gió. Cha tuyên úy chậm chạp lê bước. Gã chán nản và trĩu nặng oán trách bản thân khi bước ra không một tiếng động từ phòng làm việc của đại tá trên đôi giày nâu đế cao su mũi cũng cao su. Gã căm ghét bản thân vì cái mà gã coi là sự hèn nhát của mình. Gã đã định tỏ thái độ mạnh mẽ hơn nhiều với đại tá Cathcart về chuyện nâng chỉ tiêu bay lên thành sáu mươi, đã định nói ra với sự dũng cảm, logic và hùng hồn về chủ đề mà gã bắt đầu có cảm giác rất sâu sắc về nó. Thay vì thế gã lại thất bại thảm hại, một lần nữa nghẹn lời khi phải đối diện với một cá tính mạnh mẽ hơn. Đó là một trải nghiệm quen thuộc, nhục nhã, và lòng tự trọng của gã lại tụt xuống đáy.
Gã thậm chí còn nghẹn lời thêm một lần nữa chỉ một giây sau khi ra khỏi cửa khi phát hiện ra thân hình phì nộn tẻ nhạt của trung tá Korn đang ì ạch leo lên cầu thang đá vàng cong, rộng và vội vã tiến về phía gã không cảm xúc từ hạ sảnh khổng lồ đổ nát với những bức tường đá cẩm thạch đen mít toác và sàn tròn lát gạch ố bẩn cũng đầy vết nứt. Cha tuyên úy thậm chí còn sợ trung tá Korn hơn cả đại tá Cathcart. Tay trung tá trung niên, ngăm đen, với cặp kính không gọng lạnh lẽo, và quả đầu hói hình vòm mà gã luôn mân mê bằng những đầu ngón tay xấu xí này ghét cha tuyên úy và thường xuyên bất lịch sự với gã. Trung tá Korn giữ cha tuyên úy trong trạng thái sợ hãi thường trực bằng miệng lưỡi xỉa xói và đôi mắt mỉa mai láu cá mà cha tuyên úy chưa bao giờ đủ can đảm để nhìn thẳng vào lâu hơn một giây tình cờ. Vậy nên điều không thể tránh khỏi được là, mọi chú ý của cha tuyên úy, khi gã còn mải co rúm lại sợ sệt trước trung tá Korn, chỉ còn tập trung vào cơ hoành của trung tá, nơi đuôi áo sơ mi cuộn lên một đống bên trong chiếc lai quần xệ xuống và phồng lên khắp vùng thắt lưng khiến cho gã trông có vẻ nhếch nhác và thấp hơn nhiều so với chiều cao thực vốn đã khiêm tốn của mình. Trung tá Korn là một gã luộm thuộm, luôn có vẻ khinh khỉnh với làn da bóng dầu và những nếp nhăn hằn sâu chạy gần như thẳng xuống từ cái mũi nằm giữa đôi gò má đen màu trời nhập nhoạng và cả từ cái cằm vuông chẻ. Gương mặt gã khắc khổ, và gã chỉ nhìn qua cha tuyên úy mà không nhận ra khi hai người tiến tới gần nhau trên cầu thang và chuẩn bị lướt qua nhau.
“Xin chào Cha,” gã lạnh te nói mà không thèm nhìn cha tuyên úy. “Dạo này thế nào?”
“Chào buổi sáng, thưa sếp,” cha tuyên úy đáp lời, khôn khéo nhận thức rõ rằng trung tá không mong đợi một lời đáp lại nào nhiều hơn thế.
Trung tá Korn tiếp tục lên cầu thang mà không hề chậm bước, và cha tuyên úy phải cố kiềm lòng mới không nhắc gã thêm một lần nữa rằng gã không phải theo dòng Catholic mà là dòng Anabaptist, và rằng gọi gã là Cha như thế không cần thiết và không chính xác. Giờ thì gã gần như chắc mẩm rằng trung tá Korn đã nhớ chuyện đó rồi và việc gọi gã là Cha với vẻ ngây thơ vô tội đó chỉ là một trong những cách mà trung tá Korn dùng để chế nhạo vì gã chỉ là một giáo sĩ Anabaptist mà thôi.
Trung tá Korn đột ngột dừng lại khi gần như đã đi lướt qua và quay phắt lại trừng trừng nhìn cha tuyên úy đầy vẻ nghi ngờ. Cha tuyên úy sợ cứng cả người lại.
“Cha đang làm gì với quả cà chua kia thế, cha tuyên úy?” trung tá Korn thô lỗ cật vấn.
Cha tuyên úy kinh ngạc đưa mắt nhìn dọc cánh tay mình xuống quả cà chua mận mà đại tá Cathcart đã mời gã lấy. “Tôi lấy nó từ phòng làm việc của đại tá Cathcart, thưa sếp,” gã khó nhọc trả lời.
“Đại tá có biết rằng Cha lấy nó không?”
“Dạ có thưa sếp. Ông ấy đã đưa nó cho tôi.”
“Ồ, nếu vậy thì được,” trung tá Korn nói, giọng dịu hẳn. Gã mỉm cười lạnh lẽo, lấy ngón cái dúi đống đuôi áo nhăn nhúm trở lại vào trong quần. Mắt gã lấp lánh đầy vẻ láu cá tự mãn đặc trưng. “Đại tá Cathcart muốn gặp Cha vì chuyện gì vậy?” gã bất ngờ hỏi.
Cha tuyên úy cứng lưỡi lại phân vân trong chốc lát. “Tôi không nghĩ là tôi phải…”
“Cầu nguyện xin các biên tập viên của tờ The Saturday Evening Post phải không?”
Cha tuyên úy suýt cười. “Vâng thưa sếp.”
Trung tá Korn đang say đắm với trực giác của bản thân. Gã phá lên cười đầy vẻ miệt thị. “Cha biết đấy, tôi đã luôn e rằng ông ta sẽ nghĩ ra trò gì lố bịch khi đọc tờ The Saturday Evening Post tuần này. Tôi hy vọng Cha đã thành công trong việc chỉ cho ông ta biết đó là một ý tưởng tệ như thế nào.”
“Ông ấy đã quyết định không làm điều đó nữa, thưa sếp.”
“Vậy thì tốt. Tôi rất mừng vì Cha đã thuyết phục được ông ấy rằng các biên tập viên tờ The Saturday Evening Post sẽ không đăng hai lần cùng một câu chuyện chỉ để cho công chúng biết đến một gã đại tá vô danh nào đó. Mọi việc ở trong rừng thế nào, thưa Cha? Ngoài đó sống được chứ?”
“Vâng thưa sếp. Mọi thứ đều ổn thỏa.”
“Vậy thì tốt. Tôi rất vui khi biết Cha không có gì để phàn nàn. Nếu cần gì thì hãy cho chúng tôi biết nhé. Tất cả chúng tôi đều muốn Cha được thoải mái ngoài đó.”
“Xin cảm ơn sếp. Nếu cần gì thì tôi sẽ nói.”
Tiếng ồn ngày một nhiều đang vọng ra từ sảnh bên dưới. Đã gần tới giờ ăn trưa, và những người đến sớm nhất đã tràn vào các nhà ăn ở trụ sở liên đoàn, lính trơn và sĩ quan chia ra đi vào các phòng ăn nằm đối diện với nhau ở bên trong sảnh lớn cổ kính hình tròn. Trung tá Korn thôi mỉm cười.
“Cha đã ăn trưa với chúng tôi ở đây khoảng một hai ngày gì đó trước đây, phải không ạ?” gã hỏi đầy ẩn ý.
“Vâng thưa sếp. Đó là ngày hôm kia.”
“Tôi cũng nghĩ vậy,” trung tá Korn nói, ngừng lại một chút cho ý đồ của mình thấm vào người nghe. “Chậc, chuyện nhỏ ấy mà Cha. Tôi sẽ gặp lại Cha khi nào Cha lại tới lịch ăn ở đây.”
“Cảm ơn sếp.”
Cha tuyên úy không chắc theo lịch thì hôm nay sẽ phải ăn tại những nhà ăn nào với năm sĩ quan và năm lính trơn nào, bởi vì cơ chế xoay vòng do trung tá Korn tạo ra cho gã khá phức tạp, mà gã lại đã bỏ quên sổ ghi chép ở lều của mình. Cha tuyên úy là sĩ quan duy nhất thuộc trụ sở liên đoàn không sống trong tòa nhà trụ sở đá đỏ hay tại bất cứ công trình thứ yếu nào mọc lên lố nhố rời rạc khắp khu đất. Cha tuyên úy sống tại một khoảnh đất trống trong rừng, nằm chính giữa thẳng hàng với câu lạc bộ sĩ quan và chỗ đóng quân của phi đoàn đầu tiên trong số bốn phi đoàn trải dài từ trụ sở, cách đều mỗi bên khoảng bốn dặm. Cha tuyên úy ở một mình trong một căn lều vuông rộng rãi, kiêm luôn văn phòng. Âm thanh của những buổi tiệc đêm say sưa từ câu lạc bộ sĩ quan vọng tới chỗ gã và thường khiến cho gã mất ngủ mà trằn trọc trên chiếc giường xếp trong cuộc sống lưu đày thụ động, nửa ép buộc nửa tình nguyện này. Gã không thể đánh giá được chính xác hiệu quả của những viên thuốc an thần mà thỉnh thoảng gã vẫn uống để ngủ ngon hơn và cảm thấy tội lỗi về chuyện đó suốt cả mấy ngày sau.
Người duy nhất sống cùng với cha tuyên úy trên khoảnh đất trống trong rừng là hạ sĩ Whitcomb, trợ lý của gã. Hạ sĩ Whitcomb, một kẻ vô thần, là một thuộc cấp bất mãn luôn nghĩ mình có thể làm được tốt hơn nhiều so với những gì cha tuyên úy đang làm và, do vậy, luôn coi bản thân là một nạn nhân của bất bình đẳng xã hội. Tay này sống ở trong một lều riêng, cũng to rộng và vuông vắn như lều của cha tuyên úy. Gã xấc xược và thù địch ra mặt đối với cha tuyên úy ngay khi phát hiện ra rằng cha tuyên úy luôn sẵn lòng bỏ qua những chuyện đó. Ranh giới giữa hai lều trong khoảnh đất trống này không quá bốn, năm bước chân.
Chính trung tá Korn là người đã vạch ra kiểu sống này cho cha tuyên úy. Một lý do hay ho để bắt cha tuyên úy sống ngoài tòa nhà trụ sở liên đoàn là vì trung tá Korn có giả thuyết rằng sống trong lều giống như hầu hết các con chiên sẽ khiến cho cha tuyên úy phải giao tiếp gần gũi với họ hơn. Một lý do khác cũng hay ho không kém là việc cha tuyên úy lúc nào cũng ở trong trụ sở liên đoàn sẽ khiến cho các sĩ quan khác không được thoải mái. Giữ liên lạc với Chúa là một chuyện, và tất cả bọn họ đều ủng hộ điều này; nhưng có người loanh quanh ở bên suốt hai mươi bốn giờ một ngày lại là chuyện khác. Tóm lại thì, như lời trung tá Korn kể lại với thiếu tá Danby, viên sĩ quan điều hành mắt lồi hay bồn chồn của liên đoàn, cha tuyên úy tiếp nhận việc này khá nhẹ nhàng; gã không có mấy việc để làm ngoài lắng nghe những khúc mắc của người khác, chôn người chết, đến thăm những người bệnh phải nằm liệt giường và tổ chức các nghi lễ tôn giáo. Giờ thì cũng chẳng còn nhiều người chết để cho gã chôn nữa, trung tá Korn đã nói vậy, bởi vì gần như đã không còn đối kháng đến từ máy bay chiến đấu Đức và rằng gần chín mươi phần trăm các trường hợp tử vong còn lại, trung tá ước tính, đã bỏ mạng ở bên chiến tuyến địch hoặc biến mất giữa những đám mây, cha tuyên úy chẳng còn gì để chôn trong những trường hợp đó. Các nghi lễ tôn giáo thì dĩ nhiên cũng không có gì nặng nhọc, bởi vì chúng chỉ được thực hiện mỗi tuần một lần ở tòa nhà trụ sở liên đoàn và có rất ít người tham dự.
Thực ra mà nói thì cha tuyên úy đang dần yêu thích cuộc sống tại khoảnh đất trống ở trong rừng. Cả gã và hạ sĩ Whitcomb đều được cung cấp đầy đủ tiện nghi sao cho không ai trong bọn họ có thể kiếm được cớ nào để xin quay trở lại tòa nhà trụ sở liên đoàn. Cha tuyên úy xoay vòng bữa sáng, trưa và tối với các nhóm khác nhau trong tám nhà ăn của các phi đoàn và cứ năm bữa một lần gã lại tới ăn cùng với lính trơn ở trụ sở liên đoàn, và cứ mười bữa một lần gã ăn cùng với các sĩ quan ở đó. Hồi còn ở quê nhà tại Wisconsin, cha tuyên úy từng rất thích làm vườn, và cứ suy ngẫm về những cành lá thấp tè lởm chởm của đám cây cối còi cọc cùng đám cỏ dại cao ngang hông và những bụi cây rậm rịt gần như đang bao kín quanh mình, trái tim gã lại đong đầy nỗi nhung nhớ huy hoàng về sự màu mỡ sinh sôi và hoa thơm trái ngọt. Khi mùa xuân đến, gã từng mong mỏi được trồng những cây thu hải đường và cúc ngũ sắc thành một luống nhỏ quanh lều nhưng đã phải từ bỏ ý định trên vì e ngại hạ sĩ Whitcomb oán giận. Cha tuyên úy đành tận hưởng cảm giác riêng tư và biệt lập của không gian cỏ cây tươi tốt xung quanh và vẻ mơ màng đậm chất thiền định mà cuộc sống ở đó nuôi dưỡng. So với trước thì có ít người tới gặp gã để than thở về những rắc rối của họ hơn, và gã cũng tự cho phép mình biết ơn một chút vì điều đó. Cha tuyên úy không dễ hòa nhập và không cảm thấy thoải mái khi phải nói chuyện. Gã nhớ vợ và ba đứa con nhỏ, và nàng cũng nhớ gã.
Điều khiến hạ sĩ Whitcomb không hài lòng nhất ở cha tuyên úy, ngoài việc cha tuyên úy tín Chúa ra, chính là sự thiếu chủ động và thiếu năng nổ của gã. Hạ sĩ Whitcomb coi việc có ít người tham dự các nghi lễ tôn giáo là một biểu hiện đáng buồn cho địa vị của bản thân. Đầu óc gã điên cuồng nảy sinh ra các ý tưởng mới táo bạo để làm bừng sáng thế giới tâm linh vĩ đại mà gã mơ chính mình là người thiết kế - những bữa trưa khép kín, những buổi giao lưu tại nhà thờ, những bức thư theo mẫu gửi tới gia đình của những người bị giết hoặc bị thương ngoài chiến trường, sự kiểm duyệt, trò Bingo. Nhưng cha tuyên úy đã cản trở gã. Hạ sĩ Whitcomb phải bực bội hãm mình lại dưới ách kìm kẹp của cha tuyên úy, bởi vì ở bất cứ đâu gã cũng soi ra chỗ cần cải thiện. Chính những kẻ như cha tuyên úy, gã kết luận, phải chịu trách nhiệm vì đã khiến cho tôn giáo mang tiếng xấu đến vậy và biến cả hai thành những kẻ bị ruồng bỏ như thế này. Không như cha tuyên úy, hạ sĩ Whitcomb ghét cay ghét đắng cuộc sống ẩn dật ở trong rừng. Một trong những điều đầu tiên gã định làm sau khi phế truất cha tuyên úy là chuyển lại vào sống ở trong tòa nhà trụ sở liên đoàn, nơi gã có thể ở ngay trung tâm của mọi thứ.
Khi cha tuyên úy lái xe trở lại khoảnh đất trống sau khi thoát khỏi trung tá Korn, hạ sĩ Whitcomb đang ở ngoài trời oi bức để nói chuyện đầy vẻ mưu đồ với một người đàn ông mập mạp mặc áo choàng tắm nhưng màu hạt dẻ ngoài bộ pyjama vải flannel xám. Cha tuyên úy nhận ra chiếc áo choàng và bộ pyjama đó là y phục chính thức của bệnh viện. Không ai trong bọn họ có vẻ gì là đã nhìn thấy gã. Lợi của người lạ mặt kia bị bôi tím ngắt, sau lưng bộ áo choàng tắm nhưng kẻ trang trí hình một chiếc B-25 cắm đầu bay xuyên qua những chùm cam rực hỏa lực phòng không còn ở mặt trước là hình sáu hàng bom nhỏ xíu ngay ngắn biểu tượng cho sáu mươi trận mà nó đã tham gia. Cảnh tượng đó có sức thu hút tới mức cha tuyên úy phải dừng lại nhìn trân trối. Hai người bọn họ bèn ngừng trò chuyện và lặng phắc chờ gã đi khỏi. Cha tuyên úy vội vàng chui vào lều. Gã nghe thấy, hoặc tưởng tượng ra mình nghe thấy, tiếng họ cười khúc khích với nhau.
Một lúc sau hạ sĩ Whitcomb bước vào và trịch thượng hỏi, “Thế nào rồi?”
“Không có gì mới cả,” cha tuyên úy đáp, tránh ánh mắt của Whitcomb. “Có ai tới đây gặp tôi không?”
“Có mỗi gã Yossarian dở hơi ấy thôi. Đúng là một kẻ chuyên gây rối, phải không?”
“Tôi không chắc là anh ta có dở hơi không,” cha tuyên úy nhận xét.
“Ồ phải, cứ bênh gã nữa đi,” hạ sĩ Whitcomb nói với giọng tự ái, và giậm chân bước ra ngoài.
Cha tuyên úy không thể tin nổi rằng hạ sĩ Whitcomb lại bị tổn thương và rằng gã đã bỏ đi thật. Nhưng gã vừa nhận ra điều đó thì hạ sĩ Whitcomb lại quay trở vào.
“Anh lúc nào cũng đứng về phía người khác,” hạ sĩ Whitcomb buộc tội. “Anh không bảo vệ người của mình gì cả. Đó là một trong những điểm không ổn ở anh.”
“Tôi đâu có ý đứng về phía anh ta,” cha tuyên úy xin lỗi.
“Tôi chỉ phát biểu ý kiến thôi.”
“Đại tá Cathcart muốn gì vậy?”
“Không có gì quan trọng đâu. Đại tá chỉ muốn thảo luận xem liệu có thể cho cầu nguyện ở phòng tác chiến trước mỗi trận đánh hay không.”
“Được rồi, không muốn cho tôi biết thì thôi,” hạ sĩ ngắt lời và lại bước ra khỏi lều.
Cha tuyên úy cảm thấy thật kinh khủng. Dù gã có ý tứ tới đâu thì dường như gã luôn thành công trong việc làm tốn thương cảm xúc của hạ sĩ Whitcomb. Gã ăn năn nhìn xuống và nhận ra rằng người lính cần vụ mà trung tá Korn ép tới để dọn dẹp lều và trông coi đồ đạc cho gã một lần nữa lại bỏ bê nhiệm vụ đánh bóng giày cho gã rồi.
Hạ sĩ Whitcomb quay trở lại. “Anh không bao giờ tin tưởng tôi,” gã hùng hổ than vãn. “Anh không tin người của mình. Đó lại là một trong những điểm không ổn nữa của anh.”
“Tôi có tin mà,” cha tuyên úy trấn an gã trong cảm giác tội lỗi. “Tôi rất tin tưởng anh ấy chứ.”
“Thế những lá thư kia thì sao?”
“Không, không phải lúc này,” cha tuyên úy van vỉ, co rúm người lại. “Những lá thư thì không. Làm ơn đừng lôi chuyện đó ra nữa. Tôi sẽ cho anh biết khi nào tôi đổi ý.”
Hạ sĩ Whitcomb lộ vẻ điên tiết. “Vậy sao? Được thôi, anh cứ việc ngồi đó mà lắc đầu trong khi tôi phải làm mọi việc đi. Anh có thấy gã ở ngoài kia với cái đống hình vẽ in lên áo choàng tắm không?”
“Anh ta tới đây để gặp tôi à?”
“Không,” hạ sĩ Whitcomb nói, và lại bước ra.
Bên trong lều nóng và ẩm, cha tuyên úy cảm thấy chính mình đang dần ngấm sũng nước. Gã lắng nghe như một kẻ nghe trộm bất đắc dĩ âm thanh rì rầm nghèn nghẹt, không phân biệt nổi từng tiếng của những giọng nói đang thì thầm ngoài kia. Khi gã ngồi bất động bên chiếc bàn chơi bài bridge ọp ẹp được dùng làm bàn làm việc, môi gã mím chặt, mắt gã nhìn vô định, và gương mặt gã, với nước da nhợt nhạt màu hoàng thổ cũ kỹ, đầy những đám rỗ do mụn để lại, có màu sắc và cấu trúc của một vỏ quả hạnh chưa tách. Gã lục tung ký ức cố tìm chút manh mối cho nguồn cơn của thái độ cay cú mà hạ sĩ Whitcomb cứ nhằm vào gã. Vì một lý do gì đó mà bản thân gã cũng không thể hiểu thấu, gã đoán chắc rằng mình đã làm một điều gì đó sai trái không thể tha thứ được đối với Whitcomb. Dường như khó có thể tin nổi rằng một cơn giận dữ kéo dài như của hạ sĩ Whitcomb lại có thể bắt nguồn từ việc gã từ chối trò Bingo hay những lá thư theo mẫu gửi tới gia đình những người bị chết ngoài chiến trường. Phải chấp nhận sự vô lý do chính mình nghĩ ra này khiến cha tuyên úy nản lòng. Suốt nhiều tuần liền gã đã dự định sẽ có một buổi nói chuyện chân tình với hạ sĩ Whitcomb nhằm tìm hiểu xem điều gì đã làm phiền lòng tay này, nhưng chưa gì gã đã thấy xấu hổ vì những gì gã có thể phát hiện ra từ buổi nói chuyện đó.
Bên ngoài lều, hạ sĩ Whitcomb đang cười hinh hích. Người kia thì cười khùng khục. Sau vài giây mong manh, cha tuyên úy bỗng thấy râm ran một cảm giác kỳ dị, huyền bí rằng mình từng trải qua tình huống y hệt như thế này một lần nào đó tại một thời điểm nào đó trước đây hoặc ở kiếp trước. Gã gắng sức tóm lấy và nuôi lớn ấn tượng đó để có thể dự đoán, và thậm chí kiểm soát, những gì sắp xảy ra, nhưng nó đã tan đi vô ích, như gã đã dự đoán trước. Déjà vu. Cái cảm giác lẫn lộn phảng phất và tái hồi giữa ảo giác và hiện thực vốn là đặc tính của chứng loạn trí nhớ ấy như mê hoặc cha tuyên úy, và gã biết khá nhiều điều về nó. Gã biết, chẳng hạn như, nó được gọi là paramnesia, và gã cũng rất thích thú trước các hiện tượng thị giác hệ quả của nó như jamais vu, chưa từng thấy, và presque vu, gần như đã thấy. Có những khoảnh khắc khủng khiếp bất chợt xảy ra khi các vật thể, khái niệm và thậm chí cả những người mà gã đã từng sống cùng gần như cả đời đột nhiên, một cách không sao giải thích, khoác lên một khía cạnh xa lạ, bất thường mà gã chưa từng thấy bao giờ và điều đó đã biến bọn họ trở nên xa lạ hoàn toàn: jamais vu. Và có những lúc khác gã gần như trông thấy chân lý tuyệt đối trong những ánh chớp sáng lòa của sự thông tỏ gần như đến với gã: presque vu. Nhưng đoạn ký ức về một người đàn ông trần truồng giữa lùm cây trong đám tang Snowden đã khiến gã hoang mang triệt để. Đó không phải là déjà vu, bởi vì vào lúc chứng kiến chuyện đó gã không hề có cảm giác mình từng nhìn thấy cảnh một người đàn ông trần truồng trong tán cây ở đám tang Snowden bao giờ. Đó cũng không phải là jamais vu, không phải một ai đó, hay cái gì đó quen thuộc xuất hiện trong lớp vỏ không quen thuộc. Và dĩ nhiên nó chẳng là presque vu, bởi vì gã đã thực sự nhìn thấy anh ta.
Một chiếc xe Jeep khục khạc nổ máy ở ngay bên ngoài rồi gầm lên phóng đi. Liệu có thể nào người đàn ông trần truồng ở đám tang Snowden chỉ là một ảo giác? Hay đó chính là khải huyền đích thực? Cha tuyên úy run rẩy trước ý nghĩ ấy. Gã mong muốn vô cùng được tâm sự chuyện đó với Yossarian, nhưng mỗi lần nghĩ về sự kiện đó gã lại quyết định không nghĩ thêm về nó nữa, mặc dù giờ khi gã thực sự đang nghĩ về nó thì gã lại không chắc là trước đó đã có bao giờ gã thực sự nghĩ về nó chưa.
Hạ sĩ Whitcomb thong dong đi bộ trở về với nụ cười mỉa sáng lóa mới, đoạn xấc xược tựa khuỷu tay vào cây cột giữa lều cha tuyên úy.
“Anh có biết người khoác áo choàng tắm đỏ đó là ai không?” gã hợm hĩnh hỏi. “Đó là một C.I.D. bị vỡ mũi đấy. Gã từ bệnh viện xuống đây vì công chuyện. Gã đang thực hiện một vụ điều tra.”
Cha tuyên úy vội nhướng mày lên đầy vẻ xun xoe, thông cảm. “Tôi mong anh không gặp phải rắc rối gì. Liệu tôi có thể làm gì giúp anh không?”
“Không, tôi không gặp rắc rối nào cả,” hạ sĩ Whitcomb nhăn nhở đáp lời. “Là anh đấy. Họ sẽ trừng trị anh thẳng tay vì đã ký tên Washington Irving lên tất cả những lá thư mà anh đã ký tên Washington Irving. Anh nghĩ sao đây?”
“Tôi đâu có ký tên Washington Irving lên lá thư nào,” cha tuyên úy nói.
“Anh không phải nói dối tôi làm gì,” hạ sĩ Whitcomb trả lời. “Tôi không phải là người anh cần thuyết phục.”
“Nhưng tôi không nói dối.”
“Tôi không quan tâm xem liệu anh có nói dối hay không. Họ sẽ tới bắt anh vì đã chặn lại thư từ của thiếu tá Major nữa. Rất nhiều trong số đó có bí mật quân sự.”
“Thư từ gì cơ?” cha tuyên úy ai oán hỏi trong con giận dữ dâng cao. “Tôi chưa từng nhìn thấy bất cứ thư từ nào của thiếu tá Major.”
“Anh không phải nói dối tôi làm gì,” hạ sĩ Whitcomb trả lời. “Tôi không phải là người anh cần thuyết phục.”
“Nhưng tôi không nói dối,” cha tuyên úy phản đối.
“Tôi không hiểu tại sao anh phải hét lên với tôi như vậy,” hạ sĩ Whitcomb bật lại với vẻ bị tổn thương. Gã đã rời khỏi cột chính của lều và trỏ ngón tay thẳng mặt cha tuyên úy để nhấn mạnh. “Tôi đã đem lại cho anh ân huệ lớn nhất mà anh từng có được trong đời mình, còn anh thì thậm chí không nhận ra điều đó. Mỗi lần gã muốn tố cáo anh với thượng cấp thì có ai đó ở bệnh viện lại kiểm duyệt bỏ đi hết các chi tiết trong báo cáo. Suốt mấy tuần qua gã đã điên cuồng nhét anh vào đấy. Tôi chỉ đánh dấu đã kiểm duyệt vào thư của gã mà thậm chí không buồn đọc. Điều đó sẽ tạo ấn tượng tốt cho anh ở C.I.D. Điều đó khiến cho họ biết rằng chúng ta không sợ phải công bố toàn bộ sự thật về anh chút nào.”
Cha tuyên úy quay cuồng trong mớ bòng bong. “Nhưng anh đâu có quyền kiểm duyệt thư, phải không?”
“Tất nhiên là không,” hạ sĩ Whitcomb trả lời. “Chỉ có sĩ quan mới có quyền làm điều đó. Tôi đã kiểm duyệt nó dưới tên của anh.”
“Nhưng tôi cũng đâu có quyền kiểm duyệt thư. Hay là có?”
“Vụ đó tôi cũng lo cho anh luôn rồi,” hạ sĩ Whitcomb trấn an gã. “Tôi đã ký tên người khác cho anh.”
“Đó không phải là mạo danh à?”
“Ồ, vụ này anh cũng không phải lo luôn. Người duy nhất có thể phàn nàn trong một vụ án mạo danh là người bị mạo danh, và tôi đã cẩn thận giúp anh bằng cách chọn tên của người chết. Tôi dùng tên của Washington Irving.” Hạ sĩ Whitcomb nheo mắt nhìn sát mặt cha tuyên úy xem có dấu hiệu phản kháng gì không và rồi tự tin lướt tiếp với vẻ mỉa mai kín đáo. “Tôi khá là nhanh trí đấy chứ, phải không?”
“Tôi không biết nữa,” cha tuyên úy rền rĩ với giọng run rẩy, liếc sang một bên với khuôn mặt méo xệch kỳ dị vì đớn đau và bất lực. “Tôi e là tôi không hiểu được tất cả những gì anh đang nói với tôi. Sao việc anh ký tên Washington Irving thay vì tên tôi lại tạo ấn tượng tốt về tôi được?”
“Bởi vì họ sẽ tin rằng anh là Washington Irving. Anh không hiểu à? Họ sẽ biết rằng đó là anh.”
“Nhưng không phải là chúng ta đang cố xua tan đi hiểu lầm đó sao? Như thế này không phải là đang giúp cho họ chứng minh điều đó à?”
“Tôi mà biết là anh cạn nghĩ về chuyện này như vậy thì tôi đã chả cố giúp anh làm gì,” hạ sĩ Whitcomb căm phẫn tuyên bố, và lại ra khỏi lều. Một giây sau gã trở lại. “Tôi đã đem lại cho anh ân huệ lớn nhất mà anh từng có được trong đời mình, còn anh thì thậm chí không nhận ra điều đó. Anh không biết làm thế nào để tỏ lòng biết ơn. Đó lại là một trong những điểm không ổn nữa ở anh.”
“Tôi rất tiếc,” cha tuyên úy ân hận xin lỗi. “Tôi thực sự rất tiếc. Chỉ là vì tôi đã choáng váng tột độ trước tất cả những gì anh đang nói với tôi, choáng tới mức tôi thậm chí còn không nhận ra là mình đang nói gì. Tôi thật lòng rất biết ơn anh.”
“Vậy thì để cho tôi gửi những lá thư theo mẫu đi nhé?” hạ sĩ Whitcomb ngay lập tức ra yêu sách. “Tôi có thể bắt đầu thảo bản nháp đầu tiên được không?”
Miệng cha tuyên úy há hốc vì kinh ngạc. “Không, không,” gã rên lên. “Không phải lúc này.”
Hạ sĩ Whitcomb nổi điên. “Tôi là người bạn tốt nhất mà anh từng có nhưng anh thậm chí còn không biết,” gã khẳng định quyết liệt và đi ra khỏi lều của cha tuyên úy. Rồi gã lại vào. “Tôi luôn đứng về phía anh mà anh thậm chí còn không nhận ra. Anh không biết là anh đang gặp rắc rối nghiêm trọng tới mức nào à? Gã C.I.D. kia đã phi về bệnh viện để viết một báo cáo mới toanh về vụ anh và quả cà chua kia đấy.”
“Quả cà chua nào cơ?” cha tuyên úy hỏi, chớp mắt.
“Quả cà chua mận mà anh giấu trong tay lúc mới về đây ấy. Nó kia kìa. Giờ anh vẫn còn đang giữ nó trong tay phải kìa!”
Cha tuyên úy nới lỏng ngón tay ra và ngạc nhiên nhận thấy mình vẫn đang giữ quả cà chua mận mà gã nhận được từ phòng làm việc của đại tá Cathcart. Gã nhanh chóng đặt nó xuống bàn. “Quả cà chua này tôi nhận được từ đại tá Cathcart,” gã nói, và kinh ngạc với sự lố bịch trong lời giải thích của mình. “Đại tá cứ ép tôi phải nhận.”
“Anh không phải nói dối tôi làm gì,” hạ sĩ Whitcomb trả lời. “Tôi không quan tâm liệu có phải anh lấy trộm nó của đại tá hay không.”
“Lấy trộm ư?” cha tuyên úy thốt lên kinh hãi. “Tại sao tôi phải lấy trộm một quả cà chua mận kia chứ?”
“Đó cũng chính là điều cả hai chúng tôi đều chịu không thể hiểu nổi,” hạ sĩ Whitcomb nói. “Sau đó gã C.I.D. cho rằng rất có thể anh đã lấy trộm một số tài liệu mật giấu bên trong quả cà chua đó.”
Cha tuyên úy sụm xuống ủ rũ bên dưới khối tuyệt vọng nặng nề như núi. “Tôi không giấu giấy tờ quan trọng gì ở trong đó cả,” gã tuyên bố dõng dạc. “Thậm chí từ đầu tôi đã không muốn có quả cà chua ấy rồi. Này, anh có thể cầm lấy và tự đi mà kiểm tra.”
“Tôi không muốn.”
“Làm ơn hãy đem nó đi,” cha tuyên úy cầu xin gần như không ra tiếng. “Tôi muốn thoát khỏi nó.”
“Tôi không muốn,” hạ sĩ Whitcomb tiếp tục ngắt lời, và làm mặt giận hiên ngang đi ra, cố nén một nụ cười hân hoan vô bờ bến vì đã thiết lập được liên minh đầy quyền lực với gã C.I.D. và đã thành công thêm một lần nữa trong việc thuyết phục cha tuyên úy rằng gã thực sự rất bực mình.
Tội nghiệp Whitcomb, cha tuyên úy thở dài, và tự trách mình vì đã gây nên nỗi muộn phiền nơi người trợ lý. Gã ngồi câm lặng chìm trong nỗi u sầu buồn tẻ trĩu nặng, mong chờ hạ sĩ Whitcomb quay trở lại. Gã rất thất vọng khi nghe thấy tiếng bước chân lạo xạo hống hách của hạ sĩ Whitcomb nhỏ dần rồi lặng phắc. Gã không biết mình muốn làm gì tiếp nữa. Gã quyết định sẽ ăn một chiếc kẹo Milky Way và một chiếc Baby Ruth lấy trong tủ sắt kèm vài ngụm nước ấm từ bi đông cho qua bữa trưa. Gã cảm thấy như bị bao quanh bởi một làn sương mù choáng ngợp, dày đặc của những tình huống có thể xảy ra mà gã không thấy có chút le lói ánh sáng. Gã hết kinh sợ khi nghĩ tới phản ứng của đại tá Cathcart khi tin cha tuyên úy bị nghi ngờ là Washington Irving đến tai, rồi lại trở nên lo lắng vì cả những gì đại tá Cathcart hiện tại đã nghĩ về gã vì đã đề cập tới chuyện phải bay sáu mươi trận. Có quá nhiều điều bất hạnh trên thế gian này, gã suy tưởng, cúi đầu trầm tư trong những ý nghĩ bi thảm, và gã chẳng thể làm được gì để giúp giảm bớt bất hạnh cho bất cứ ai, nhất là cho chính bản thân gã.
Bẫy-22 Bẫy-22 - Joseph Heller Bẫy-22