The pure and simple truth is rarely pure and never simple.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Tác giả: Azit Nêxin
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 27
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1175 / 33
Cập nhật: 2018-04-21 22:51:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Đồng Hồ Của Ông Mấy Giờ Rồi Ạ?
ình như số cậu chỉ gặp những điều không may", - người ta vẫn thường nói với tôi như vậy. Tôi đành ngậm ngùi chịu vậy.
Hôm ấy tôi ra khỏi nhà sớm hơn mọi khi vì có ý định đi bán chiếc đồng hồ của mình.
Khi anh rơi vào tình cảnh buộc phải đem bán những đồ dùng cá nhân, thì bất giác anh sẽ cảm thấy sự thất bại chua cay trên bước đường đấu tranh sinh tồn của mình. Các bạn thế nào tôi không được rõ, riêng tôi vào những lúc như thế trong lòng thấy đau đớn lắm, còn cái vật mà tôi định đem bán đi ấy tôi cảm thấy như là nó sỉ vả tôi vậy. Hôm nay đây chiếc đồng hồ tôi đeo trên tay bỗng nặng như quả tạ.
Buổi tối hôm kia các vị khách đã tụ tập ở nhà tôi ăn uống và tranh luận gay gắt về những đề tài khá trừu tượng: bầu không khí chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ và thế nào là một công dân của nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Các vị khách đôi lúc tạm dừng tranh luận để thưởng thức một món ăn mới nào đó được đưa lên bàn, để không ngớt trầm trồ thán phục tài nghệ nấu nướng của bà chủ với những câu khen tỏ lòng kính trọng: "Thật đáng nể... Tuyệt đến thế là cùng... Chúng tôi thật biết ơn..." Sau đó cuộc trò chuyện chuyển sang nội dung tính chất như thế nào về nền hiện thực của chúng ta. Trong lúc các vị khách sôi nổi ăn uống, trò chuyện ồn ào, thì tôi sốt ruột sốt gan chưa biết này mai tôi sẽ bán chiếc đồng hồ đeo tay cho ai và như thế nào. Tôi thầm nghĩ: nếu tôi rao bán tại đây với các vị khách: "Tôi muốn bán chiếc đồng hồ này, có vị nào muốn mua không?" Thì điều này hết sức hài hước và bỗng phá lên cười. Vào đúng lúc ấy có một vị khách đang đưa ra những con số thống kê để chứng minh thêm cho những tư tưởng của mình về nền hiện thực ở Thổ Nhĩ Kỳ, nghe thấy tiếng cười của tôi ông ta cảm thấy phật ý, bèn nói:
- Vâng, ông cứ cười, tuy nhiên... Giới trí thức chúng ta ngày nay chỉ mới bắt đầu hiểu ý nghĩa của thống kê... Không có nó không thể đánh giá tình hình hiện thực trong nước...
Còn tôi, đâu có cười gì về ngành thống kê, hơn thế nữa càng không phải cười về hiện thực cay đắng của tổ quốc chúng ta. Để tránh bị tiếp tục hiểu lầm, tôi ngồi yên, nghiêm nét mặt và chăm chú nghe những ý kiến tranh luận khoa học. Nhưng chỉ được một lát, tự nhiên tôi lại chuyển sang quan tâm của riêng mình. Tôi đang mải suy nghĩ thì có người hỏi tôi:
- Này anh Khaxan, anh suy nghĩ thế nào về vấn đề này.
- Các vị nói rất đúng... Tôi xin chia sẻ ý kiến với các vị... - Nói rồi, tôi cầm lấy chai rượu rót vào những ly đã uống hết. Tôi muốn mọi người đừng chú ý đến tôi.
Chắc các bạn hiểu, sáng hôm sau tôi đi bán chiếc đồng hồ với tâm trạng như thế nào. Ra khỏi nhà, tôi vội nhảy lên xe buýt, sau đó xuống phà, sang thành phố. Tôi cứ mải miết đi, đi mãi... Tôi biết đi đâu và bán đồng hồ cho ai bây giờ? Tôi không dám dạm bán cho bạn bè và người quen. Có loại chợ ở đó hàng hoá là lúa, gạo, bông, vải, vàng bạc. Lại có loại chợ hàng hoá ở đó là phẩm giá con người. Ở loại chợ này giá trị của một người được bè bạn và người quen của anh ta xác định. Và nếu như vì nghèo túng mà anh ta buộc phải đem bán vật dụng cá nhân, thì giá trị của người ấy trong cái chợ phẩm giá tinh thần này sẽ bị hạ xuống. Thậm chí bè bạn sẽ ngại không muốn đến chơi với anh.
Tôi cứ thế đi mãi, đi mãi trên những đại lộ đông đúc người qua lại của các thành phố rộng lớn này. Chiếc đồng hồ trên tay tôi mỗi lúc lại thấy nặng thêm, cho đến một hôm, cả người tôi thấy nhẹ bỗng riêng cánh tay đeo đồng hồ thì nặng trĩu như đá đeo. Tôi thật quá ngỡ ngàng, hai năm trước đây tôi không hề có cảm giác này.
Tôi bèn nẩy ra ý định đến chợ trời xem sao. Phải đi vòng vèo mấy lượt tôi mới tìm được người chuyên mua đồ cũ để từ các loại bình hoa, bát đĩa, đồng hồ, bộ đồ ăn, dao dĩa... Tôi tháo chiếc đồng hồ và chìa cho ông ta:
- Ông có mua đồng hồ?
Ông ta cầm lấy xem xét kỹ bên ngoài, mở nắp ngắm nghía bên trong, rồi với vẻ dửng dưng đưa lại cho tôi:
- Bao nhiêu? - Ông ta hỏi buông thõng.
Hai năm trước tôi mua nó với giá hai trăm lia. Nhưng khi thấy người mua chỉ buông thõng một câu "bao nhiêu?", nên tôi chỉ dám giao giá:
- Tôi bán với giá năm mươi...
Người mua hàng không mở miệng to, cười khẩy nói dấm dẳng:
- Hai chục...
Tôi vừa định nói câu: "Tôi bán!" Thì có ai đó đến gần sau lưng, vỗ lên vai tôi. Tôi quay đầu lại thì thấy đúng vị khách tối hôm qua tranh luận sôi nổi về hiện thực Thổ Nhĩ Kỳ ở nhà tôi. Tôi bối rối, ngượng ngùng chào hỏi ông.
- Chào anh, - ông đáp, - anh làm gì ở đây thế?
Lúc này người mua đồ nói:
- Anh có bán giá hai mươi lia không? Thật ra, giá chiếc đồng hồ này không đáng thế đâu.
- Không, không tôi không bán, - tôi đáp.
- Không bán thì biến đi! Đừng có đùa kiểu ấy!
Chúng tôi bỏ đi.
- Mình đi qua đây, - tôi nói với anh bạn, - mua được cái đồng hồ này giá năm mươi lia... mình đưa cho ông thợ buôn đồ cũ này xem để biết giá thật của nó...
Người bạn không hề để ý gì đến câu trả lời của tôi mà nói:
- Buổi tối hôm qua rất là vui. Giá như tối hôm nào đó ta lại tụ tập thì hay lắm...
- Vâng, rất tuyệt... – Tôi đáp.
Chia tay xong với anh bạn, tôi còn đi lang thang mãi trong thành phố cho đến khi mệt lử. Tôi quyết định không bán đồng hồ nữa.
Trên đường về nhà tôi lại gặp không may. Tôi vừa bước vào xe buýt thì có một người bước vào theo liền. Chưa kịp ngồi yên vị, anh ta đưa mắt nhìn vào chiếc đồng hồ của tôi, hỏi:
- Xin lỗi ông, mấy giờ rồi ạ?
- Sáu giờ mười lăm phút, - tôi trả lời.
- Không đúng! – Anh ta xẵng giọng đáp cục cằn cứ như là không phải anh ta vừa hỏi giờ một cách lịch sự lúc trước.
Tôi quay mặt lại phía anh ta mới biết đó là một gã to béo, dáng đường bệ, cái cổ nung núc những thịt trễ ra thành ba ngấn. Hắn nhìn tôi vẻ cao ngạo... Tôi nhìn lại chiếc đồng hồ của mình chăm chú hơn: đúng, tôi nói sai.
- Sáu giờ mười tám phút, - tôi nói lại.
- Vẫn không đúng... Hắn ta nói.
Tôi lặng lẽ quay lưng về phía anh ta.
Nhưng hắn ta không hề tỏ ra bực mình.
- Tôi thấy chiếc đồng hồ của ông chạy sai nên mới cố ý hỏi giờ ông.
- Chạy sai à? Thế việc gì đến ông?
- Sai lại việc gì? Tôi là một công dân.
Hắn ta nói đi nói lại liền mấy lần "tôi là một công dân" một cách hãnh diện cứ như "tôi là một tổng giám đốc" hoặc "tôi là bộ trưởng" rồi lấy ngón tay gõ gõ lên mặt kính chiếc đồng hồ của mình, nói tiếp:
- Tôi cũng có đồng hồ, nhưng tôi vẫn hỏi giờ... Ông xem này: sáu giờ hai mươi lăm phút. Ông hãy lấy lại đi.
Tôi không đáp một lời.
- Ông hãy lấy lại giờ đi, thưa ông... đồng hồ ông chậm bảy phút...- hắn ta nói giọng như muốn doạ dẫm.
- Ừ, thì cứ coi là đồng hồ tôi chậm bảy phút thì đã sao đâu? – Tôi trả lời nhẩn nha.
- Như thế không thể được... Không nên!
Để tránh mặt gã, tôi nhích lên phía trước mấy bước. Hắn gào theo:
- Này, bỏ chạy à? Lấy lại kim đồng hồ đi!
- Rõ thật kỳ cục, đồng hồ của tôi, lấy lại giờ hay không lấy lại giờ là việc của tôi. Việc gì mà ông cứ lẵng nhẵng bám dai như đỉa đói thế?
- Nhưng tôi là một công dân.
Ô tô buýt dừng lại. Có thêm mấy người khách bước vào xe.
- Xin lỗi, đồng hồ ông mấy giờ rồi ạ? – Gã nọ lập tức đưa mắt nhìn vào tay ông khách đầu tiên vừa bước vào xe.
- Sáu giờ rưỡi...
Sau đó hắn lại hỏi người thứ hai?
- Thế còn đồng hồ ông?
- Đồng hồ tôi còn kém hai phút mới đầy sáu giờ rưỡi...
- Không đúng... Cả hai chiếc đồng hồ của các ông đều không đúng... Tôi yêu cầu các ông lấy lại giờ đi. Bây giờ đúng sáu giờ ba mươi sáu phút. Các ông hãy khẩn trương chỉnh lại kim đồng hồ đi...
Sau đó gã lại nhìn sang chiếc đồng hồ trên tay của một bà khách và nói:
- Ồ, thưa quý bà, đồng hồ quý bà chậm mười lăm phút...
Lúc ấy tôi đã đứng ở cuối xe mà hắn vẫn gào tới:
- Ông gì ơi, ông đã chỉnh lại giờ chưa?
- Xin ông, hãy để tôi yên.
- Nhưng ông cần phải lấy lại giờ.
- Nếu tôi không lấy lại giờ thì sao? Ông quan tâm đến điều đó để làm gì?
Hắn ta vẫn gào lên như cũ:
- Tôi là một công dân... Ông có hiểu không, tôi là một công dân...
- Ừ, thì mình ông là công dân, - một ông khách ngồi trên ghế xen vào, - còn chúng tôi đều là khách du lịch à?
- Tất cả ai có đồng hồ chạy không đúng, hãy lấy lại đi. Là một công dân, tôi có nghĩa vụ đòi hỏi điều này. Tôi không thể dửng dưng đi qua một công dân có đồng hồ chạy sai. Tại sao chúng ta không thể xây dựng được một nền công nghiệp, tại sao chúng ta không thể quen với nền văn hoá phương Tây, đang đạt tới trình độ văn minh hiện đại... Tất cả đều do nguyên nhân này.
- Sau đó hắn lại hướng về phía tôi, nói:
- Này nhé, chính người công dân này không biết giá trị của thời gian, giá trị của bảy phút. Ông ta là một người phương Đông lạc hậu... Đồng hồ của ông ta chậm hoặc nhanh bảy phút ông ta chẳng hề quan tâm đến...
Rồi bỗng hắn ta quay lại nói với người bán vé:
- Đồng hồ anh mấy giờ rồi?
- Tôi không có đồng hồ...- Người bán vé trả lời.
- Sao lại có người trên đời này không dùng đồng hồ nhỉ? Khi mà chúng ta không biết coi trọng thời gian, không biết tiết kiệm từng phút, từng giây thì chúng ta sẽ còn lẽo đẽo đi sau người ta mãi...
- Nhưng tôi không có đồng hồ, - người bán vé tiếp tục lẩm bẩm, - thì biết làm thế nào... Hay là ông có thì ông cho tôi!...
Một bà khách hỏi người công dân sốt sắng này:
- Nhưng làm sao ông biết đồng hồ của ông chạy chính xác? Có thể kim đồng hồ của ông khác với kim đồng hồ của mọi người?
Lập tức hắn ta chìa cho bà khách xem chiếc đồng hồ mà hắn đang đeo trên tay, rồi rút chiếc thứ hai trong túi áo gi lê ra, chiếc thứ ba từ túi trong ra... Sau đó hắn còn rút tiếp mấy chiếc từ các túi khác ra nữa và treo tất cả lên các ngón tay.
- Đây các ông các bà hãy xem đi! Tất cả chúng đều đã được hiệu chỉnh và cho chỉ số chính xác nhất.
Một bà khách đứng tuổi, lắc đầu một cách không hiểu, rồi nói dài giọng:
- A-a-a lão ta đúng là một... người điên...
Bà ngồi gần đưa mắt nhìn "bộ sưu tập" đồng hồ treo trên các ngón tay của người công dân lạ, rồi chua chát nhận xét.
- Này, ông có biết những chiếc đồng hồ này đang chỉ tám rưỡi rồi không?
Người công dân lạ hoảng hốt nhìn chằm chằm vào những chiếc đồng hồ chạy sai.
- Chà chà, bọn đểu cáng, chúng đã cố tình hại tôi lúc ở quán cà phê đây mà.
Tôi quá chán ngán câu chuyện vô duyên này, nên đành xuống xe trước hai ga.
- Đồng hồ của ông chậm bảy phút, nhớ lấy lại cho chính xác nhé!... – Hắn gào to với ra từ xe buýt.
Tôi về đến nhà, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn.
- Món cá anh hứa mua đâu! – Vợ tôi sấn sổ hỏi.
Tôi không bán được đồng hồ, - lấy tiền đâu ra để mua cá. Tôi làm ra vẻ như là quên.
- À à... quả là... anh đã định mua, rồi lại quên khuấy đi mất.
- Sao lại có thể quên? Tối hôm chúng ta có khách. Bây giờ biết làm thế nào? Cũng may là em chẳng trông đợi gì ở anh, nên đã mua rồi. Giờ thì mọi việc đã xong xuôi.
Sau đó các vị khách lục tục kéo đến, họ lại bắt đầu tranh luận về các đề tài trừu tượng. Các vị khách không sợ viêm họng, to tiếng thuyết phục nhau rằng, nguyên nhân sự lạc hậu của nước ta so với các nước phát triển là ở chỗ chúng ta không biết quý trọng thời gian.
- Đối với chúng ta mươi phút – nửa tiếng chẳng có ý nghĩa gì...
Không một ai để ý xem đồng hồ của mình chạy nhanh hay chậm...
Có lẽ thế. – Tôi nghĩ bụng và bỗng cười phá lên.
- Ông cười thì cứ cười, nhưng đáng tiếc là, điều đó đúng như vậy...
Tôi nhìn đồng hồ và hỏi:
- Mấy giờ rồi, các ông?
Một ông khách quay lại nhìn tôi và đáp:
- Đồng hồ của tôi đã trở thành...
Leo Lên Và Tụt Xuống Leo Lên Và Tụt Xuống - Azit Nêxin Leo Lên Và Tụt Xuống