Số lần đọc/download: 1778 / 36
Cập nhật: 2017-08-29 15:43:50 +0700
Chốc Lát Tan-Da-Ni-A
T
ÔI XIN MƯỢN cái đầu đề bài ký Chốc lát ở Pa-ri của K. Pau-xtốp-xki. Đùa mà không cười, như một nhà văn bạn vong niên của tôi xưa kia, khi tôi ngờ ngợ văn anh có những câu mượn của người khác thì ông anh cười mà rằng: Của người ta hay quá, mình biết làm thế nào! Chốc lát ở Pa-ri.
Thoạt đầu tưởng K. Pau-xtốp-xki chỉ dừng chân, đâu đó đợi máy bay quá cảnh. Nhưng rồi thì biết được thực cái chốc lát của K. Pau-xtốp-xki ở thành phố hoa lệ bậc nhất Tây Âu ấy cũng đến vài ba tuần. Dẫu sao, cũng là chốc lát, cũng chỉ là chốc lát. Càng hiểu cái sâu sắc mộc mạc của hai chữ gọn ghẽ ấy. Cái chốc lát và cái cuộc đời, biết hay không biết, có khi chỉ chốc lát mà cũng là cả cuộc đời.
Lá bàng đỏ lẫn lá bàng xanh thẫm, nắng và nhiều gió. Trên cảng Đa-et-sa-lam, tiếng quạ kêu và diều hâu gào, “tí o” lượn vòng “xây giếng cho tròn” cả đêm trong sáng trăng.
Có những tình cờ, làm sao mà biết trước được đến đây tôi được quen hai bạn người Phi-lip-pin và Ni-ca-ra-goa. Mỗi chúng tôi một đất nước mãi chân mây cuối trời những Thái Bình Dương, những Đại Tây Dương nhưng lại thấy, ở Việt Nam hay ở Tan-da-ni-a hay ở quê hương các bạn, cả người và cảnh, đâu cũng thật lạ mà lại thật quen.
Bờ biển cảng lúc nào cũng lộng gió, cây cối loi thoi, sợ gió đến lùn cả thân mình. Cây xoài âm u bao bọc ngay trên đầu. Nhớ Bạch Long Vĩ ở Biển Đông quanh năm gió thổi vít còng cả lưng cây xuống.
Nhưng riêng những cây dừa thì vẫn cao lêu đêu. Dừa dâu ở Cái Bè chỉ bằng cây cau liên phòng hay rừng dừa Tam Quan đan lá ngang mắt. Cây dừa gầy và cao ở Đa-et-sa-lam giống dừa ở ao dừa Sấu Giá. Thân mốc xì, lặn nhẵn hết đốt, có lẽ được đến ngoài trăm tuổi điềm nhiên chơ chỏng giữa trời thế này. Suốt dọc biển, chỗ nào cũng lủa tủa, lao xao toàn một giống dừa cao cao.
Hoa cỏ vùng nhiệt đới phía trong đường xích đạo ở chỗ nào cũng thường họ hàng nhau. Cây phượng lá lăn tăn, cây xoài xanh già, bụi tre đằng ngà vàng chóe, dây hoa giấy tím ngẩn ngơ và giàn ti gôn đỏ đến rợ mắt và những đám cỏ gà xơ xác... Tất cả thành đường viền sặc sỡ dưới rừng dừa lênh khênh, ngất ngưởng ven biển Tan-da-ni-a. Chỉ một cái cây cũng cho ta biết được nhiều điều - nếu người đi đường không vô tình phí phạm cái chốc lát.
Rừng thông bốn phía vào Béc-lin, màu xanh trập trùng chẳng khác rừng thông trên Tủa Chùa, trên Đác Lây. Những ai biết rừng nước Cộng hòa dân chủ Đức, cây cổ thụ hay cây non, mỗi cây đều có tuổi, cây nào cũng mang lý lịch năm sinh viết trong mảng sơn trắng dưới gốc. Vào vườn thú ở Mát-xcơ-va, ngắm cây phong từ gốc lên ngọn, thấy được bàn tay người thày thuốc cây ở nhát cưa gọn, vết hắc ín, vết thuốc bôi chỗ trầy vỏ... Một ngọn cây, bất cứ ở đâu trong nước công nghiệp cũng được tổ chức, có tổ chức, như xã hội loài người.
Tôi cũng thấy tương tự thế, ở cây Hà Nội - cây quanh ta không xa rời cuộc sống con người bao giờ. Mỗi cây đường phố Hà Nội mang vết tích đời sống thành phố. Biết bao sẹo cây trong những năm máy bay Mỹ ném bom Hà Nội bây giờ đã lên da. Những cây nhập nội trồng các công viên nội thành đều in dáng dấp lịch sử từ thế kỷ trước để lại: cây pan-ma, cây cọ xước, cây chà là dại, toàn giống đại thụ lực lưỡng đã thích hợp thổ ngơi bản địa. Nhưng, lạ lùng sao, khá nhiều cây có hai gốc - không phải nạn dây tơ hồng hay cành tầm gửi nhẹ nhàng đâu, cây hai gốc hai ngọn hẳn hoi. Có cây ngọn thì chà là, ngọn cọ, nhưng gốc đề. Có cây ngọn cọ cùng mọc trên một gốc với ngọn đa. Có cây gốc cọ mà trên đầu lại tỏa ra vòm lá si xum xuê. Nghe như rỡn, mà lại là thật. Có biết đâu bởi con chào mào, con chim chích tha quả đa, quả đề, quả dướng đến đậu ngọn cây rỉa ăn rồi quệt mỏ, để rơi hạt vào khe lá. Giống đa, giống đề, giống si gân guốc, cực khỏe, nhoi nứt cả kẽ tường đá, xi măng, được ươm trong cây ẩm ướt, cứ mọc tơi tới. Đến bây giờ, cả trăm năm đã qua, các quan thực dân xâm lược cai trị thành phố chết đã được táng mả lâu rồi, thế mà còn lại vô khối cây cọ, cây chà là dại bị rễ cây si, cây đề quấn từ lưng cây thòng xuống, dữ dội, ác liệt, như đòn thù đương trói, đương bóp cổ kỳ chết cái bọn cây ở đâu đến đây. Nhiều rễ đề, rễ si, rễ đa đương núc, đến tan dần cây cọ, cây chà là. Ở quanh góc hồ Gươm, ở đường Điện Biên, đôi khi vẫn gặp những cây cổ thụ vật nhau, hình thù thật quái đản, - dấu vết thời sự của lịch sử.
Ở Đa-ét-sa-lam cũng vậy, thời thực dân qua đã lâu, nhưng những bức tranh cây, “bức tranh vân cẩu” còn tang thương ra đấy cảnh vật lộn sống còn. Sự tích cái cây bản địa bóp chết cây nhập nội cũng tợn tạo rất châu Phi. Hẳn cũng lại những con quạ phàm ăn đã tha cả quả muỗm, quả bàng vào cây cọ, ngoạm hết cùi rồi bỏ hạt đấy. Tôi trông thấy một cây bàng tán xanh đen nổi lên trên đầu thân cọ rụi xuống. Một cây xoài gốc loang lổ nửa cọ nửa xoài, cả cây cọ đã bị quấn núc đến phải chết chìm vào thân muỗm.
Ở Nam Mỹ, ở châu Đại Dương, ở châu Á và ở đây, cảnh và người còn lại biết bao khác nhau mà vẫn giống nhau. Ven biển Bắc Phi bờ nam Địa Trung Hải hay cảng Đa-ca trông ra Đại Tây Dương, hay ở Đa-ét-sa-lam, ở Nha Trang, ở Vũng Tàu, hai bờ Thái Bình Dương đều vẫn còn di tích thế kỷ đau thương vừa qua một cái gì đó. Như trên mỏm đá cảng A-đen. Tôi nhớ Cộng hòa nhân dân Y-ê-men hiên ngang đầu ngõ Hồng Hải. Những chiếc Bô-ing 727 hãng An-yen-đa đậu nối cánh ra tận mép nước cuối đường băng sân bay quốc tế A-đen. Sóng biển lao xao vẫy lên lẫn cánh bồ nông và hải âu trắng xóa. Bãi đất bạc cằn trong làn nắng gắt, tưởng như cây cối bao đời nay vẫn thế. Những cụm cỏ dừa cạn, cỏ xước, lá náng trước mảng tường đá lỗ châu mai cạnh căn nhà hoang tàn một tầng, hai tầng. Có phải đấy ngày trước là lô cốt biên phòng, đồn hải quan hay trạm gác bến riêng cho tàu buôn nô lệ vào cảng tải người. Không biết. Nhưng chắc đấy chỉ là dấu vết của một trong ba thứ ấy còn lại. Chẳng phải nhà lưu niệm cái gì, nhưng cũng không ai buồn dỡ đi. Nó chơ vơ cạnh tảng đá nham nhở vỏ hà. Ngoài cảng Đa-ét-sa-lam còn thấy chiếc cột cờ bằng sắt, hà bám ăn mòn cụt tròn đầu. Dấu vết những kẻ xâm lược châu Phi, từ dưới nước xông lên, bám bờ biển trước rồi mới dân dà chiếm sâu vào sa mạc. Những lá cờ, cờ quạt thời bọn cướp nước tàn bạo, các triều đế quốc Phổ, Bồ, Anh, Pháp chỉ còn rầu rĩ phảng phất trong tưởng tượng vàng ố của người nhớ lại.
Người đàn bà Ả Rập choàng chàng mạng đen âm u đến tận gót, hai bàn tay trổ hoa chàm xanh rêu. Tôi đương đi trong hân hoan tiếng trống và những cơn múa mãnh liệt, tung hoành, không thể để chàng mạng, sống áo nào vướng víu lấp đi được những nét hùng mạnh cực kỳ của con người khi hứng khởi nhất. Cũng như, giữa sa mạc cằn cỗi mà trong lòng sẵn kim cương và u-ra-ni-um giàu có không đâu sánh được và những đảo Pem-ba, đảo Dan-di-ba, mép biển cảng Đa-ét-sa-lam nước xanh ngọc chẳng khác đảo Thông của Cu Ba trong biển Ca-ri-bê. Nhưng trái ngược đến lạ lùng.
Chỉ có một điều bây giờ chúng ta không còn quằn quại trong u ám những thế kỷ trước. Ý nghĩa đoàn kết Á Phi, Mỹ La-tinh to lớn và thiêng liêng, chúng ta gặp nhau tưởng như tình cờ nhưng thật không rủi may chút nào, bởi chúng ta đương trong sự nghiệp lớn của con đường đi tới của mỗi đất nước.
Chị Da-la-na ở Phi-lip-pin, đất nước ấy đương quyết liệt, cuộc đấu tranh lan tới cả mỏm vịnh Xu-bích, căn cứ hải không quân Mỹ lớn nhất thế giới ngoài nước Mỹ, như mũi súng đế quốc đang kề vào lưng Ma-ni-la. Chị Da-la-na đến, đấy là tiếng nói của giai cấp công nhân Phi-lip-pin. Đồng chí thợ dệt Da-la-na đã đưa tới tiếng nói của những con người quyết định tương lai đất nước. Tôi không thể hình dung ra người đại diện lớn ấy lại là một phụ nữ nhỏ nhắn, duyên dáng, hoạt bát, không Hồng Kông, Đài Loan, không Nhật và chỉ có thể là Phi-lip-pin - người của tinh hoa dân lộc Vi-ga-ya tiếp xúc với các nền văn minh văn hóa láng giềng, đất nước ngót nghìn hòn đảo xinh tươi.
Chị Plô-ra thì từ thủ đô Ma-na-goa tới. Chị công nhân ngành luyện kim mà nét mặt và mầu da chị là sự chung chạ trộn lẫn lịch sử nghìn năm của Trung, Nam Mỹ da đỏ, da đen và da trắng. Chị Plô-ra - da mầu, chị cũng không còn biết gốc gác dòng họ thế nào nữa.
Chị Plô-ra cười nói:
- Không, tôi chỉ cần biết bọn độc tài Xô-mô-da tay sai Mỹ đã tan tành, nước Ni-ca-ra-goa độc lập rồi. Giờ đây Ma-na-goa từng phút sẵn sàng đánh lại đòn thù của đế quốc Mỹ.
Rồi chị nói:
- Nhất định như Việt Nam đánh Mỹ! Không lời nào chứa đựng hết được. Tôi được biết ở Cu Ba có năm Việt Nam, tháng Việt Nam, ngày Việt Nam. Giai cấp công nhân Ni-ca-ra-goa sẽ học tập nhân dân lao động Cu Ba như thế.
Tôi đã có lần đến La Ha-ba-na vào một “năm Việt Nam”. Năm Việt Nam ở Cu Ba không phải chỉ được nêu và giảỉ thích ở mít tinh với biểu ngữ, khẩu hiệu và những lời tốt đẹp ca tụng về cuộc kháng chiến nửa thế kỷ chống đế quốc của dân tộc Việt Nam anh em, mà các nhà máy, các nông trường, nông trang khắp Cu Ba đã sôi nổi thảo luận tinh thần Việt Nam và Cu Ba với sáng kiến Cu Ba. Tổng kết năm Việt Nam đem lại một vấn đề, một sáng kiến, một công tác mới, một thành tích mới của giai cấp công nhân và Đảng ở Cu Ba.
Trên sân thượng khách sạn Ki-li-man-gia-rô trông ra cảng, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận xét với nhau về những trái ngược thấy quanh mình và trong dĩ vãng, từ cái lô cốt cột cờ của người Anh hay người Bồ chơ vơ ngoài kia và câu chuyện cứ như xa như gần, như chuỗi đèn viền bờ biển tít tắp lóng lánh như một vệt sao ven Ngân Hà.
Đảo Pem-ba hùng vĩ trước mắt nom tựa con đồi mồi nổi lưng giữa biển. Cả hòn đảo này sản xuất ra đinh hương, vùng đặc sản lớn nhất, duy nhất trên thế giới. Thế mà không đâu ngửi thấy mùi thơm kỳ dị của đinh hương, ở các quán ăn nhan nhản quanh chợ Đa-ét-sa-lam, trong các thứ gia vị quen, người ta nghiện “mù tạt” Tuy-ni-di và tương ớt Đài Loan. Không thấy thoảng mùi đinh hương trong mật ong, trong miếng trầu têm mời khách, như ở Tân Đê-li, ở A-gra... những nơi phải nhập đinh hương của Tan-da-ni-a.
- Chúng ta đã nói về những trái ngược, khó hiểu, mà thật dễ hiểu. Bởi chúng ta cũng biết rõ cái quyền lực tàn khốc, xảo quyệt không thể lường hết chứ không huyền bí mơ hồ như sức mạnh ông trời của các đạo giáo ở đâu đâu...
Chị Da-la-na nói rồi ngồi im. Có lẽ chị đương nghĩ về những trái ngược lạ đời tương tự ở Ma-ni-la. Phần tôi, tôi nhớ lại hồi nước Pháp thực dân không hề biết mặt cái lá cao su, nhưng những công ty độc quyền siêu quốc gia đã chở cao su sống ở Cam-pu-chia, ở Việt Nam về các nhà máy bên chính quốc, cao su chế ra lốp xe, giày Ba-ta đế kếp rồi tải các thứ ấy sang Đông Dương bán cắt cổ chúng tôi.
Không biết những trái ngược đau lòng này có trong tưởng tượng và khát vọng của nhà văn Mỹ E. Hê-min-uây, nhà văn say mê Đông Phi, đã viết nhiều về vùng đất dữ dội này. Ki-li-man-gia-rô - ngọn núi cao nhất châu Phi và già lão vô dịch trên thế giới, biểu tượng hiên ngang của châu Phi ngày nay. Ki-li-man-gia-rô, tên của khách sạn năm sao đồ sộ trên cảng thủ đô của Tan-da-ni-a mà chúng tôi đương trọ. Ki-li-man-gia-rô, tên một truyện nổi tiếng của E. Hê-min-uây.
Ki-li-man-gia-rô... giữa thung lũng lòng chảo bao bọc những hồ nước lớn, những đồng cỏ cao nguyên phên giậu ngăn vùng đất thiên nhiên dành riêng cho cỏ cây có nước này với cát và nắng sa mạc đằng đẵng Trung Phi, trên biên giới Tan-da-ni-a và Kê-ni-a, trong một dãy núi trọc, trồi cao 6.010 thước đỉnh đá. Từ bên này sông Nin xuống phía nam, cả một góc trái đất, rặt những tảng núi lụ khụ trần trụi, đột ngột, đỏ gắt, xám vằn. Ngước trông lên đỉnh núi Ki-li-man-gia-rô, tôi chợt buồn cười so sánh với cái đầu bạc của E. Hê-min-uây. Các cánh rừng quấn quanh chỏm Ki-li-man-gia-rô cũng ví như chòm râu quai nón của nhà văn, mà trên kia vòm đá đỏ là vừng trán cao lừng lững, những tảng băng mênh mông là làn tóc bạc phẳng lặng. Giữa Châu Phi nóng cháy quanh năm, thế mà đã ba năm nay Tan-da-ni-a chưa có một trận mưa và cả năm không một giọt nước mưa thường cũng không lạ. Những đám cỏ ấy xác xơ ven đường, nhưng đỉnh Ki-li-man-gia-rô lưng trời đã vĩnh cửu triệu triệu năm băng đóng trắng rợn mắt.
E. Hê-min-uây chưa lần nào lên tới ngọn núi Ki-li-man-gia-rô, cũng chưa nhà leo núi nào đặt chân được lên đỉnh núi ấy. Nhân vật tên là Phờ-răng của E. Hê-min-uây mới mạo hiểm vào được chân núi đã bị đau nặng, Tôi không nhớ anh ta bị gãy chân hay kiết lỵ. Ngòi bút E. Hê-min-uây đã cực tả những ngày những đêm ghê rợn trên sườn núi, người ấy nằm đợi chết và đợi máy bay lên thẳng vào cứu. Cùng đi với nhà leo núi, là một người đàn bà. Họ cứ đợi, đợi mãi... Đến lúc hấp hối, người ấy nửa tỉnh nửa mê kể với người đàn bà sau cùng ở bên mình là anh ta đương mơ thấy bay ngang qua đỉnh băng đóng... Ki-li-man-gia-rô, Ki-li-man-gia-rô kia kìa.
Cái ước mơ tưởng tượng tìm thấy điều mong muốn bên ngoài sự sống, triết lý của một nhà văn Mỹ, những năm cuối đời đã bỏ nước sang cư ngụ ở La Ha-ba-na. Ước mơ của E. Hê-min-uây biểu hiện trong sáng tạo như tấm gương soi tỏ những trái ngược mà nhà văn gặp đầy rẫy khắp châu Phi, chính là tấm lòng, cuộc đời và khát vọng trong toàn bộ tác phẩm của E. Hê-min-uây sừng sững như đỉnh Ki-li-man-gia-rô trắng ngần giữa trời nắng chói lói kia.
Tan-da-ni-a một trong “những nước tiền tuyến” đối mặt đương đầu với Nam Phi. Một nhúm tên phân biệt chủng tộc ngông cuồng, một đất nước 25 triệu người bị chúng hành hạ coi là hạ đẳng - cái đỉnh của sự kiêu căng đế quốc và cũng là những cặn bã cuối cùng từ thời thực dân đế quốc Bắc Mỹ, Tây Âu còn rơi rớt lại, như một bêu riếu trước loài người. Còn đối với chúng, thói hung bạo như một thách thức, lại như một vẻ đẹp hoài cổ của một thế lực đã tàn lụi. Nhưng nhất quyết chẳng kẻ nào vùi dập được sức sống con người ở chính Nam Phi, ở Na-mi-bi-a, với sức lực quây quần hỗ trợ anh em ruột thịt Tan-da-ni-a, Dim-ba-u-ê, Bốt - xoa-na, Mô-dăm-bích, Ăng-gô-la và cả châu Phi cách mạng.
Sự thực và những trái ngược ở Nam Phi khó hiểu lại không khó hiểu khi ta biết từ thời còn mua bán nô lệ cho tới ngày nay, những công ty siêu quốc gia của Mỹ của Anh vẫn đương ngày đêm tối mắt đào bới được nhiều nhất thế giới những vàng, kim cương và u-ra-ni-um ở Nam Phi.
Chúng tôi không phải là khách đến Tan-da-ni-a có tổng thống xách gậy thống chế bịt bạc ra đón rồi duyệt đội binh danh dự để thấy đất nước hùng mạnh. Những ấn tượng lớn lao và trái ngược về Tan-da-ni-a mà tôi có được chỉ bởi những cuộc bát phố, chen vai đi vào chợ, ra cảng và các nơi ăn uống, vui chơi quần tụ. Một vùng phố xá, chợ búa nhộn nhịp rộn ràng mà cứ lặng lẽ như kiểu sinh hoạt người Phi. Dưa hấu, dưa hồng và sọ dừa, cam, chuối chồng chất khắp nơi. Khu dân cư đông đúc bao la vây quanh thành phố thuộc địa còn sót lại góc vườn hoa rườm rà kiểu Anh, một gác chuông nhà thờ Tin Lành, một dinh thự đổ nát ven biển...
Tự dưng, mấy hạt nước mưa lác đác rơi tiếng trầm tiếng thanh trên mặt đường, trên mái tôn như mưa đá mưa lẫn nắng, loáng thoáng bóng mây. Cả thành phố vội vàng bối rối đổ ra hứng mưa. Nhưng giọt nước trời chưa kịp đậu xuống vai, cơn mưa đã tạnh. Mấy năm rồi, chưa khi nào mưa lớn hơn, chỉ có mưa dứ như thế - cái nước trời hiếm hoi đến quái ác ở châu Phi.
Chị Plô-ra, nói chị đến Đa-ét-sa-lam càng nhớ Ma-na-goa đương sôi sục cách mạng, không hiểu tại sao. Còn chị Da-la-na thì vẫn lặng im nghe bạn nói, như thói quen. Tôi biết nói thế nào, khi Ma-ni-la, thành phố quê hương tôi, những tòa nhà cao tầng chen chúc giữa những phố xá nằm ngập ngụa ngổn ngang, lúc nhúc bốn phía. Chúng tôi là chủ vận mệnh đất nước, hay ai, chúng tôi chưa biết.
Không, không, Ma-ni-la của chị Da-la-na. Man-na-goa của chị Plô-ra, Hà Nội của tôi, Đa-ét-sa-lam của các bạn, nhất định thế và sự thực thế rồi - số phận và con đường mỗi dân tộc đương phát triển ở châu Phi, châu Á, ở Trung Mỹ giữa những thế lực giằng co, ánh sáng và bóng tối, địa ngục và hạnh phúc. Ở Cu Ba, Đảng của giai cấp công nhân đã đem đến một quang cảnh rực rỡ còn hiếm thấy trên trái đất, người da đen, da trắng, da đỏ, da màu hoàn toàn bình đẳng với tư cách chủ tập thể. Nhưng ở Nam Phi, lại Nam Phi đẫm máu và nước mắt, cũng người da đen ấy đã bị cấm ở chung phố với người da trắng, ai chống lại sự sỉ nhục ấy đã bị giết bị bỏ tù cả đời, có người bị giam liền 23 năm, như Nen-xơn Man-đê-la và còn đương bị giam.
- Nhưng các dân tộc ở Nam Phi đã quyết tâm chiến đấu.
- Nhân dân lao dộng Phi-lip-pin đương làm cho thế giới biết đất nước 900 hòn đảo xinh đẹp giàu có ấy của ai.
Chị Plô-ra nói:
- Việt Nam đã ngót nửa thế kỷ đánh giặc. Tấm gương Việt Nam. Chúng ta có tấm gương Việt Nam.
Các đất nước chúng tôi đã trỗi lên từ những bến bãi những con sông, những cánh rừng dài rộng nhất của trái đất. Dù bọn đồ tể Bô-tha ở Nam Phi, dù đế quốc Bắc Mỹ xảo trá hung hãn đến thế nào, chẳng qua cũng chỉ là những thủ đoạn vô vọng cuối cùng. Cả chính nghĩa thế giới đã đứng lên rồi.
Chúng tôi vẫn đương đi trong những khu phố lao động đông vui của Đa-ét-sa-lam. Mỗi nhà, mỗi góc phố, quanh các cổng chợ, sọ dừa, và cam chất thành gò, những xe tải chở ngô chạy đuổi nhau liên tiếp. Những cánh đồng ngô ngoài kia, đất hạn triền miên, giống ngô cũng phải thích ứng với thời tiết mà trổ ra sức sống, như giống ngô hốc đá trên cao nguyên Đồng Văn - cây ngô thấp loắt choắt, ở đây cũng thế, mỗi cây hai ba bắp hạt chắc, tròn xinh.
Chúng tôi đã ra tới ven biển. Gió khua ào ào trên hàng dừa.
Trong bóng mát gốc dừa tấp nập mọi công việc nhà chài, nhà thuyền. Những tấm lưới vàng hây phơi giăng kín các gốc dừa. Các cụ già, các chị xúm xít quanh những đống vỏ dừa đập giập bện thành chão. Từ thời xa xưa, ở châu Phi, người đi sông nước đã biết chỉ có thừng chão bằng vỏ dừa mới chịu được độ mặn nước biển.
Chiếc thùng tôn to tướng như cột tàu giữa khói um. Người ta sửa soạn bữa ăn trước khi ra khơi. Những người đàn ông cởi trần đen bóng, từ dưới thuyền vừa ghé, đội lên những bao bì cam vàng ối. Đương mùa cam, từ ngoài các đảo Pem-ba, Ma-phi-a, cả đêm thuyền cam nối nhau ghé vào đất liền trước gốc dừa. Mỗi dãy tàu đại dương trắng bạc mờ mờ đậu cạnh những con thuyền cổ sơ. Đấy cũng là hình ảnh vừa trái ngược lại vừa hài hòa, hình ảnh thiên nhiên và con người giàu có của những đất nước đương phát triển.
Đi đâu cũng không quên được cả nước Tan-da-ni-a múa hát, múa và hát châu Phi bộc lộ niềm tin mãnh liệt và lòng khát khao yêu đời.
Châu Phi đen - tôi đương đi vào giữa thế giới đen, trung tâm đen của những vùng đen. Đâu đâu cũng tiếng trống, tiếng hát và bừng bừng. Trên bãi cát bờ biển, giữa vườn cỏ dinh tổng thống.
Ngay bên đường chúng tôi đương qua, một người khuỳnh gối vần nghiêng mặt trống. Cả cái tang trống và tiếng trống cỡn lên dưới bàn tay kỳ dị chập chờn vả xuống mặt trống. Tiếng trống rầm rộ gọi tất cả các cô gái khắp bãi đến nhảy quanh tiếng trống. Những làn sóng ngực, sóng lưng cuồn cuộn, những tiếng đánh lưỡi đồng loạt, ngỡ như tiếng lạc đà gọi đàn quạ sa mạc.
Ôi mầu đen, mầu đen của huyền diễm bờ Ấn Độ Dương. Tiếng trống, trống cái, trống con, tiếng trầm tiếng đục bật ra nơi bàn tay, ngón tay, cùi tay. Châu Phi rừng rực trống và múa. Tiếng đánh lưỡi lại nổi lên như đàn ngựa đàn lạc đà hý rầm rập qua sa mạc.
Chị Da-la-na, công nhân dệt ở Ma-ni-la, chị Plô-ra, công nhân ngành luyện kim ở Ma-na-goa - quê chúng tôi ở những nơi hai đầu đại dương, chúng tôi đến Đa-ét-sa-lam những đêm những ngày trong tiếng trống và trong những cơn múa châu Phi. Phút chốc cảm nhận được sự cảm thông sâu xa - những đất nước và con người khao khát đương vùng lên.