No man can be called friendless who has God and the companionship of good books.

Elizabeth Barrett Browning

 
 
 
 
 
Tác giả: Tam Lang
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Xoắn
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6248 / 107
Cập nhật: 2015-12-02 16:21:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16: Sau Một Trận Thừa Sống, Thiếu Chết
hưng sau nghĩ ra, mình cũng thật khéo thừa nước mắt.
‘‘Cái đời, người ta phải lừa lọc nhau, xử tàn tệ với nhau mới sống được, thì sự mình ăn hiền, ở lành, thật thà như đếm, nó chỉ là cái trò cười của một thằng nhà quê ngu ngốc trước đám đông những kẻ thị thành.
‘‘Cái nghề làm xe kéo nó nuôi sống tôi cho đến bây giờ, từ sau hôm bị mẻ đòn thừa sống thiếu chết ở nhà cai xe, đã đưa tôi vào một đường đi khúc khuỷu, gồ ghề, con đường bẩn thỉu tối tăm của một phường trâu chó.
‘‘Bấy giờ tôi nghĩ: cái manh áo thâm nhà nho từ ngày còn ở Thái Bình đã bị chúng nó lột rồi thì tính cách nhà nho mình chẳng vứt đi, còn giữ làm gì nữa.
‘‘Ăn của chó phải gục đầu với chó. Tuy đã bảy năm giời làm nghề xe kéo mà từ hôm ấy, tôi mới thật hoàn toàn là một thằng cu li.
‘‘Hôm ấy là hôm nào, rồi đã xảy ra những chuyện gì? Đây, tôi kể cả lại đây cho mà nghe, nghe rồi mà ngẫm nghĩ.
‘‘Cách đây đã bốn năm, một hôm ở hàng cơm Ba Gà ra, trong túi tôi còn thừa được những bảy hào với hai xu lẻ. Tôi nhớ rõ vì hôm ấy vừa đếm lại tiền xong thì có người gọi tôi kéo lên nhà Dây thép Bờ Hồ.
‘Đến nơi, anh ta xuống xe, bảo tôi đỗ gác-đê. Vào nhà Dây thép được một lát, anh ta lại ra, bảo tôi đưa cho mượn năm hào, nói rẳng mua tem, chỉ có giấy hai mươi đồng mà ông ký dây thép thì không sẵn có tiền lẻ.
‘‘Tôi móc hà bao, lấy đúng năm hào đưa anh ta.
‘‘Từ lúc ấy, tôi cứ yên trí ngồi chờ. Người ta gọi, tôi bảo xe tôi gác-đê (garder = chờ), rồi lại thủng thỉnh đến chỗ hàng nước đầu hè làm hóp chè tươi, xin cái tăm rồi quay lại chỗ sân xe, ngồi xỉa.
‘‘Đợi mãi từ tám giờ sáng cho đến chín giờ, tôi thấy người này người khác tấp nập vào, ra, còn ông khách của tôi thì càng chờ càng mất vía. Tôi nóng ruột quá. Thấp thỏm, tôi mon men vào nhà Dây thép thăm dò.
‘‘Tôi không nhận ra được ai vì trong sở bấy giờ đông người, nên tôi lại ra, lại cứ chỗ cũ mà ngồi, nhưng vẫn cứ thấp thỏm.
‘‘Mười giờ hơn, khách ở trong đã vãn. Tôi lại sục vào tìm lần nữa thì thằng kia đã biến đâu mất từ lúc nào rồi.
‘‘Trời rét như cắt ruột mà tôi vã cả mồ hôi. Dở khóc dở mếu bước ra, tôi lồng đi tìm, đi hỏi.
‘‘Thấy thế, người qua đường, cả các anh em cu li cũng xúm quanh cả lại. Tôi kể chuyện, thì họ bảo chắc nó chuồn ra cửa đằng vườn ông Bôn-Be rồi.
‘‘Tôi vẫn chưa tin hẳn, cứ nghĩ bụng: một người áo xa tanh, khăn lượt xếp, sang trọng như thế, ai nỡ đi lừa mấy hào bạc của một thằng nghèo khổ đã phải làm cái nghề đi kéo xe tay. Rồi cứ quanh quẩn mãi ở đấy cho đến mười hai giờ, bấy giờ tôi mới biết mình nghĩ nhầm, mà người ta nói phải.
‘‘Tôi uất ức, kêu khóc rầm đường như một thằng điên dại. Làm thế nào cho có đủ thuế, mà một giờ rưỡi chiều đã phải đem tiền nộp cho cai xe rồi.
‘‘Từ lúc ấy đến hơn một giờ rưỡi, tôi cũng không kéo được thêm ai. Đang suy tính không biết nên kéo liều đi hay nên quay xe về thì trước mặt tôi đã sừng sững cái xe lết của cai Đ. tiến lại.
‘‘Tôi mất cả hồn vía, mắt thì hoa lên, chân tay cũng run lẩy bẩy. Thằng cai nhảy xuống xe quát hỏi; nó thấy tôi van lạy, chừng đã đoán tôi thiếu thuế, nên sấn ngay lại túm lấy ngực, lên gối, rồi dìm đầu tôi xuống, đánh túi bụi một hồi. Đánh rồi, nó lại bắt cởi cả hai lần áo, nắn áo, lại soát cả lưng tôi. Thấy trong túi có nguyên cái ống thuốc lào với hai hào hai, nó vứt ống thuốc đi, bỏ chỗ hào vào túi. Khám hết quần, nón, nó lại lật khám đến đệm mui. Giời rét, nó cũng chẳng trả áo cho tôi mặc vào, da dẻ tôi, những chỗ bị đòn, tím thâm tím bầm cả lại.
‘‘Nó hầm hầm không nói, bắt tôi cứ ở trần như thế kéo xe đi, rồi nó nhảy lên xe đạp đi kèm tôi. Dọc đường, nó chửi rủa không còn thiếu gì lời, vu cho tôi đã chuyển tiền cho người nhà, lại dọa về đánh một trận cho tôi biết tay, để từ giờ đừng ăn cắp như thế nữa.
‘‘Tôi muốn nói, nhưng cái tức đưa đầy lên đến cổ. Bị rét, bị đánh, tôi không cần gì cả. Nhưng nó chửi tôi là thằng ăn cắp, tôi ức quá, tôi có ăn không ăn hỏng của ai bao giờ.
‘‘Quẳng tay xe xuống, tôi sấn lại, đánh cho nó một quả đấm vào mặt, ngã quay lơ. Nó nghĩ tôi chạy, nên vừa bò dậy, vừa kêu lên, nhưng tôi vẫn nghiến hai hàm răng, sừng sững đứng nhìn vào mặt nó.
‘‘Chỗ ấy chỉ còn chừng vài chục bước nữa thì về đến nhà. Người nhà nó thấy tiếng kêu, đổ xô cả ra, nhưng nó cũng đã túm lấy đầu tôi, kéo được về đến cửa. Tức thì đánh, chứ thân hình tôi thế này, địch lại thế nào được với nó. Nó thì xương đồng da sắt, tôi, hai tay như hai ống sậy, trói chẳng nổi con gà.
‘‘Cái trận đòn hội chợ ở nhà nó hôm ấy, tôi nghĩ còn kinh cho đến bây giờ. Bác có biết nó làm những gì không? Thật tàn nhẫn quá.
‘‘Giam tôi vào một gian buồng hẹp, trói ghì cánh khuỷu tôi lại, bốn thằng nó chuyên tay nhau đấm đá. Đá chán, chúng nó thay lượt nhau túm tóc lật ngửa mặt tôi lên mà vả, rồi lại buộc thừng vào chỗ trói cánh khuỷu, giật tôi lên xà nhà.
‘‘Lúc mới, tôi còn hăng máu, không thấy gì. Sau, tôi thấy như hai cánh tay tôi lìa hẳn bả vai ra, hai má tôi bị lột mất lần da, mà hai mạn xương sườn cũng như rời từng cái một.
‘‘Lơ lửng giữa phòng, mặt tôi úp nhìn xuống đất. Dưới chân tôi, những viên gạch cứ quay như chong chóng. Tôi nhắm nghiền hai mắt. Trong tai tôi lại thấy vù vù như có tiếng bay của một đàn ong.
‘‘Rồi miệng tôi sùi bọt, mũi thì đổ máu, mắt tôi nảy đóm lên. Tôi mê man rồi thiếp đi dần, ngất đi lúc nào không biết.
‘‘Mở mắt ra, tôi thấy tôi nằm trên một mảnh ván để sát ngay dưới đất, đầu thì ướt như người mới gội, lại hâm hấp nóng như hơi chõ nước ngùn ngụt bốc lên.
‘‘Trong gian nhà ấy, trông nghiêng trông ngửa, tôi biết tôi chỉ có một mình. Vừa toan vùng dậy ngồi lên, tôi thấy vướng hai tay, mới biết cổ tay tôi đã bị sợi dây thừng trói chặt.
‘‘Lợi ráo, cả hai hàm răng cũng khô, miệng tôi đã se cả nước bọt. Đưa cả hai tay bị trói chụm làm một sờ lên trán, tôi thấy trán tôi nóng lắm. Tôi sốt. Người tôi nóng như điên lên.
‘‘Một lát, thằng cai lại vào, nó thấy tôi mở mắt thì đứng trâng tráo đấy mà nhìn. Nhìn chán, nó khạc nhổ vào mặt tôi mà chửi dồn: ‘Mẹ kiếp, mày đã biết tay bố mày chưa, hay còn bướng!’
‘‘Cổ ráo quá, tôi lạy van mãi, chúng nó cũng không thí cho được một ngụm nước. Bấy giờ, thật ra, tôi cũng không biết là chiều hay sáng, chỉ thấy ngoài sân, lấm tấm mưa phùn.
‘‘Một lát, nó sai người cởi trói tôi, rồi ném trả vào mặt cái áo nâu cánh lấm đầy bùn. Tôi cầm áo đứng lên, chạy ra sân chuồn ra cổng.
‘‘Ôm bộ xương rũ với một đống giẻ rách, tôi lom khom thất thểu trên đường. Được mấy hạt mưa bay vào mặt, vào lưng, tôi cũng thấy đỡ hẳn được con sốt nóng.
‘‘Người tôi bấy giờ mỏi mệt lắm. Trông chiếc đồng hồ của một nhà trong phố, mới biết bấy giờ đã chín giờ sáng, thì ra tôi bị cai xe bắt giam mất một ngày một đêm. Suốt nửa ngày với một đêm mê man, tôi không được lấy một hột nước hay hột cơm vào bụng.
‘‘Qua cái máy đầu Hàm Long, tôi vục mồm vào một thùng nước mà uống, cũng chẳng buồn nghe những câu chửi mắng của con mẹ có chiếc thùng.
‘‘Một trận ấy, tôi về ốm mất mười hai hôm. Vợ tôi, trước còn đem bán chiếc nồi đồng lấy tiền nuôi thuốc nuôi cơm, sau khánh kiệt trong nhà, nó phải khóc lóc đem bán cho chị em chiếc quần lĩnh Bưởi may mặc Tết.
‘‘Từ hôm ấy, tôi trông những người chung quanh tôi toàn như loài rắn loài rết... Thế rồi tôi phạm vào một tội ác 1, rồi tôi làm nghề ma cô đi dụ gái, rồi tôi nghiện thuốc phiện, rồi tôi ăn nói đểu cáng, vạch quần đứng đái vào chân ngay giữa phố không thẹn, vừa chạy xe ngoài đường vừa đánh trung tiện không ngượng..., nói tóm lại, nghĩa là tôi không còn trông thấy ai hết, cũng như thằng ra đồng đại tiện có ngượng gì với cái Vàng cái Vện đứng chực quanh".
Tôi Kéo Xe Tôi Kéo Xe - Tam Lang Tôi Kéo Xe