Số lần đọc/download: 3733 / 102
Cập nhật: 2015-07-19 17:27:19 +0700
Chương 18
Ông Ủy viên trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam gấp cái hồ sơ cuối cùng lại. Trời đã gần sáng. Ông gỡ cặp kính ra, rút khăn lau mặt. Người cán bộ bảo vệ vẫn ngồi ngoài cửa.
- Đồng chí bảo vệ!
Người cán bộ bảo vệ bước vào.
- Thưa đồng chí, tôi chờ chỉ thị.
Ông Ủy viên vươn vai;
- Tôi cần gặp đồng chí Giám thị.
- Rõ.
- Và cốc cà-phê
- Rõ.
Ông Giám thị đã tới. Sau đó là cán bộ cần vụ bưng cà-phê. Uống hết ly cà-phê, ông Ủy viên tỉnh táo.
- Đồng chí giám thị, đồng chí công tác trại giam bao lâu rồi?
- Thưa đồng chí Ủy viên, gần ba mươi năm.
- Tôi có thể biết khái quát quá trình hoạt động của đồng chí không?
- Thưa, được ạ!
- Ta vào ngay đi.
- Sơ khởi, tôi là quản giáo rồi lên trực trại. Tôi đã công tác ở trại Lý Bá Sơn, trại Sơn La, trại Lào Kay. Tôi được điều về đây ngót sáu năm, từ Phó giám thị và hôm nay Giám thị.
- Sự nghiệp cách mạng của đồng chí chỉ quanh quẩn ở các trại giam?
- Vâng.
- Trong gần ba mươi năm công tác, đồng chí đã gặp ca nào giống ca này chưa?
- Tôi chưa hề gặp.
- Trước năm 1975, có ca nào nặng tính chất chống phá trại giam không?
- Thưa không.
- Từ năm 1975 tới nay có ca nào chống lao động không?
- Không.
- Tinh thần bọn sĩ quan ngụy từ ngày ở Nam Hà B ra sao?
- Tích cực lao động cải tạo.
- Bao nhiêu ca biệt giam?
- Bốn mươi.
- Lý do?
- Hát nhạc vàng và liên hệ mua bán đổi chác với dân.
- Đồng chí quả quyết chưa phát hiện ca nào chống đối chính trị cả chứ?
- Vâng.
- Tin tức hôm qua lọt sang Nam Hà A chưa?
- Tôi chưa nắm vững.
- Tôi nắm rồi. Nam Hà A chưa biết gì cả. Bọn tướng lãnh, nghị sĩ không đáng quan tâm. Bọn sĩ quan cấp trung tá mới cần đề phòng. Phân loại chúng nó ra. Bọn sĩ quan chiến đấu quan trọng hơn bọn sĩ quan văn phòng. Nhẫy dù, lính thủy đánh bộ, biệt kích nguy hiểm nhất. Đồng chí học tập kinh nghiệm đấy.
- Vâng.
- Cho chúng nó nghỉ lao động một tuần. Bơm cho chúng nó ít hơi hy vọng. Nói nửa kín nửa hở để chúng nó tưởng Mỹ sẽ chuộc chúng nó, đưa chúng nó sang Mỹ với gia đình chúng nó. Như thế, khí thế của chúng nó xẹp xuống, ta đủ thì giờ đối phó.
- Vâng.
- Cho nghỉ lao động, chúng hết dịp gặp dân và ta bảo mật vụ sách động hôm qua.
- Vâng.
- Chuyển công tác mấy đồng chí trực trại đi nơi khác.
- Vâng.
- Riêng hai mươi tám thằng mới đến, đối xử với chúng bình thường.
- Vâng.
- Tại sao đồng chí ra lệnh nhốt ba thằng?
- Tôi muốn dằn mặt chúng.
- Tại sao không cô lập chúng trước? Tại sao để chúng tự do tuyên truyền sách động? Tại sao không rút kinh nghiệm các nhà giam phía Nam? Đồng chí cần kiểm điểm.
- Vâng.
- Bằng mọi giá, mọi cách, bịt lấp tin tức vụ này.
-Vâng.
- Riêng hai mươi tám thằng phản động, cứ mặc xác chúng nó liên hệ với bọn cũ, chờ chỉ thị trung ương. Đồng chí đừng để bọn sĩ quan có đà tiến tới tranh đấu cho lũ nhóc.
- Vâng.
- Đồng chí có nhận ra sự sai lầm của đồng chí Cao Minh Chiếm không?
- Thưa không ạ!
- Thay vì tách ra, đồng chí ấy lại tụ chúng thành sức mạnh.
- Đồng chí thật sáng suốt.
- Tôi về Hà Nội bây giờ. Sẽ có chỉ thị sau. Nhớ cho chúng ăn cơm trắng suốt tuần với thịt lợn, tiêu chuẩn mỗi ngày một lạng cho một đứa…. Đồng chí cần hỏi gì thêm không?
- Thưa không.
- Đừng quên các cửa nhà chỉ mở khoá hai tiếng một ngày.
- Còn tắm giặt?
- Vệ binh dắt chúng ra suối, từng đội, hai ngày một lần. Năm mươi vệ binh coi chừng một đội đi tắm.
- Còn thăm gặp?
- Cho nhận quà, không cho gặp thân nhân.
Ông Ủy viên về Hà Nội. Ngay buổi sáng, cán bộ giáo dục tới từng phòng gọi vài người lên Ban Giám Thị làm việc. Giám thị đã cho những trại viên già thuộc sĩ quan văn phòng, những người an phận và cả tin mà y biết chắc là đã ùa vào đám đông chứ không dám đơn lẻ chống đối. Vậy thì năm mươi đại biểu của ba mươi đội được Giám thị mời ngồi ở hội trường, được uống nước trả Thái Nguyên, được hút thuốc Sông Cầu và được nghe Giám thị nói chuyện thân mật:
- Tôi rất tiếc vụ hôm qua. Cán bộ trực trại có khuyết điểm lớn. Nhưng đó là hiện tượng, không phải là bản chất. Tuy nhiên tôi đã ra lệnh điều mấy cán bộ trực trại công tác nơi khác để tránh mọi điều đáng tiếc nặng tính chất cá nhân. Tôi cũng đã ra lệnh cho các anh được nghỉ ngơi một tuần vì kết quả lao động sáu tháng cuối năm rất tốt. Do đó, vinh quang của lao động là một tuần liền, trại phấn đấu để các anh ăn cơm với thịt, tiêu chuẩn hơn cả cán bộ. Sự bồi dưỡng nằm trong chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước. Các anh cứ tin tưởng vào đường lối trước sau như một của Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh mà học tập tiến bộ để về sum họp gia đình. Gần đây, bọn đế quốc Mỹ đầu sỏ lại vừa tung tin chúng sẽ đổi đô-la lấy các anh đem về Mỹ với gia đình các anh luôn. Làm gì có chuyện đó, toàn tin tuyên truyền nhảm nhí! Giả thử Mỹ muốn đổi tiền lấy các anh, Đảng không bằng lòng thì sao?
Năm mươi trại viên nôn nao quá, không muốn nghe Giám thị rông dài nữa, chỉ muốn về ngay báo tin mừng cho các anh em khác. Nhưng Giám thị thích rông dài:
- Nó tưởng 2500 đô-la của nó mua được một người Việt Nam à? Chế độ ta quý trọng con người vô cùng, do đó, con người vô giá, con người là tài sản của tổ quốc. Nó gây sức ép cách mấy, ta vẫn từ chối.
Giám thị bỏ rơi chuyện Mỹ mua người.
- Việc đáng tiếc hôm qua, khuyết điểm về phía chúng tôi, chúng tôi đã tiếp thu và đã tỏ ra thái độ tích cực. Bốn cán bộ trực trại bị điều đi công tác nơi khác, chúng tôi không trả thù các anh. Về phía các anh, các anh cũng có khuyết điểm và phải nhận khuyết điểm để tiến bộ. Các anh toa rập với những người vừa nhập trại, chống lao động, hát nhạc chỉnh huấn, muốn gây bạo loạn. Trung ương không kịp can thịệp thì quân đội đã đàn áp các anh. Các anh chết, ai thương các anh ngoài vợ con cách anh? Nếu Mỹ nó đưa danh sách trao đổi các anh, chúng tôi gạch tên các anh đi, bảo các anh chết bệnh rồi thì nó làm gì, dám làm gì? Các anh nên tỏ thiện chí. Cán bộ sẽ phát giấy để các anh tự kiểm điểm vụ hôm qua. Có anh nào phản đối không?
Không ai phản đối. Năm mươi người uống trà, hút thuốc phì phèo. Họ về phòng, mang nguồn hy vọng cho toàn trại. Giám thị ra lệnh cho vệ binh canh gác cẩn mật ngoài hàng rào, bên trong bỏ ngỏ tự do, tù nhân tha hồ luận bàn tin Mỹ chuộc sĩ quan cải tạo giá 2500 đô-la một người.
Tự nhiên, hai mươi tám thần tượng sáng qua bị quên lãng. Trước hết, họ là tù nhân tư tưởng, họ là phản động, không hề là sĩ quan trình diện học tập. Giám thị không xếp họ vào thành phần những người được Mỹ chuộc tiền đưa sang Mỹ. Giám thị ngu nhưng Ủy viên khôn. Các sĩ quan xôn xao suy diễn tin "làm gì có chuyện đó" của Giám thị. Có vẻ ăn khớp với tình hình quá. Giám thị đuổi trực trại đi chỗ khác, bồi dưỡng cải tạo viên cả tuần. Cộng sản nói không là có, có là không. Nó đã nói không, chắc chắn sẽ có.
Lương Việt Cương buồn bã nói với Hoàng Sơn Trường:
- Đàn anh mình mãi mãi ngây thơ.
Trường thở dài:
- Dễ hiểu quá. Họ đi trình diện học tập, còn chúng ta bị bắt bỏ tù. Họ cải tạo chung với nhau, chúng ta bị bắt lẻ tẻ, lưu lạc khắp đề lao, khám lớn, trại tập trung, tự khai mửa máu, ăn đòn rạn tim. Còn họ tự khai tập thể một lần, lao động lè phè, thăm nuôi đều đặn. Không thể so sánh họ với chúng ta. Họ đã thua cuộc chiến cũ. Ta vừa khởi sự cuộc chiến mới. Họ có những trung tá, đại tá đã giải ngũ vì tinh thần văn phòng, cộng sản chưa gọi đã vội đi "trình diện sớm để về sớm" rồi cũng bày đặt thù nặng nghìn cân! Tôi thấy mấy anh già không có đầu, chiến đấu với họ cũng uổng mất chính nghĩa. Niềm hãnh diện của tôi là được đứng chung với du đãng Dzũng quan tài, Qúy dao, Hạnh búa,với lơ xe đò Lê Văn Thu, phu nhà đòn Vũ Bình Bắc, với em bé mồ côi Trần Văn Nam.
Cương nói:
- Họ sẽ vỡ mặt, nếu tin lời cộng sản.
Trường cười:
- Tôi mất kính rồi nhưng tôi có thể nhìn rõ tim họ. Ta nên để họ vỡ mặt vài lần, may ra họ khôn lớn. Tổng thống của họ để lại một câu: "Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hay nhìn kỹ những gì cộng sản làm." Họ đã nhìn kỹ mà họ cứ nghe.
Cường hỏi:
- Cậu có thất vọng về họ không?
Trường đáp:
- Khi tôi quyết định dấn thân, tôi không hề nghĩ đến họ nên chẳng có gì phải thất vọng. Có điều…
- Điều gì?
- Trong mọi địa hạt, đàn anh mình chết hết rồi!
- Phải thức tỉnh họ.
- Vô ích.
- Tôi cố gắng.
- Anh thử cố gắng xem sao.
Lương Việt Cương đã đến từng phòng, đứng ở cửa sổ, trình bầy với những người sĩ quan cải tạo về thủ đoạn của cộng sản và khuyên họ nên thận trọng về tin tức phóng ra từ miệng cộng sản. Nhiều sĩ quan cấp úy tin Cương. Các sĩ quan già vẫn khư khư lối suy diễn của mình. Lương Việt Cương muốn kể lại hình phạt hai mươi ngày đêm treo hai ngón tay cái bằng giây điện lên cao, mười đầu ngón chân chạm đất cho những ông trình diện học tập nghe. Sợ phí lời và đau đớn thêm, Cương bỏ về phòng.
- Sao? – Trường hỏi.
- Cậu nhận xét đúng. – Cương đáp. Những người trình diện học tập vả những người bị còng tay dẫn đến nhà tù khác hẳn nhau. Họ đầy mặc cảm với cộng sản. Chúng ta thì không. Họ đã cầm súng của Mỹ, lãnh lương do Mỹ viện trợ. Chúng ta thì chưa. Họ còn nhiều thứ để sợ mất nốt. Chúng ta đã chẳng còn gì. Quên họ là vừa.
Hai hôm sau, cả trại bận bịu làm bản tự kiểm cá nhân khuyết điểm với Ban Giám Thị. Hai mươi tám con sư tử không được phát giấy vì không phải là sĩ quan trình diện học tập. Người trình diện có cả trăm ngàn, họ chen lấn nhau xếp hàng ở những địa điểm trình diện. Họ nộp tiền ăn 10 ngày, đem mùng mền, quần áo, thuốc thang, ngồi chầu chực dưới nắng mưa để "đăng ký" một cách trịnh trọng và lễ độ tại bàn giấy của chú bộ đội nhãi ranh. Họ nghỉ ngơi ở các địa điểm trình diện rồi thong thả lên xe về trại học tập cải tạo. Họ làm một tờ tự khai duy nhất. Không ai hỏi cung họ cả. Nếu họ vào biệt giam là vì họ vi phạm Nội Quy, bị kỷ luật. Thế thôi.. Người bị bắt ít lắm. Họ bị còng tay, bịt mắt tống vào nhà lao, vào cachot. Họ bị còng tháng này sang tháng khác. Họ bị cưỡng bách viết tự khai. Họ can tội chống phá chế độ cộng sản sau năm 1975. Họ là những người lính bị chỉ huy bỏ rơi cút sang Mỹ hoặc trốn về chờ trình diện học tập vẫn ngạo nghễ chíến đấu trong rừng già vì danh dự quân đội, vì tổ quốc và đồng bào. Họ không bị xếp vào hàng ngũ "nguỵ quân, ngụy quyền".
Dzũng quan tài hậm hực:
- Đàn anh vỗ tay hay lắm, vỗ tay khi chắc ăn! Xét cho cùng, du đãng phản động ngon hơn nhiều.
Qúy dao đứng trước một phòng đang cặm cụi tự kiểm, chửi đổng:
- Anh nào cũng đòi ví mình với Hàn Tín! Ông Hàn Tín biết mình có tài, cần bảo vệ mạng sống để thi thố tài năng nên ông ấy không thèm chấp quân đồ tể, lòn trôn cho xong chuyện.! Còn các anh, các anh có tài mẹ gì mà ham sống? Các anh sống như chết rồi. Kệ các anh. Nhưng còn sống, sau này, đi đâu thì nên ngậm miệng và cúi mặt nhé! Tôi không vơ đũa cả nắm đâu, tôi nói một số các anh già sĩ quan văn phòng thôi.
Lương Việt Cương không có tác dụng bằng Dzũng quan tài, Quý dao. Hào khí du đãng phản động bốc ngất trời tù. Các sĩ quan cấp úy chiến đầu không làm tự khai từ đầu. Nhiều sĩ quan cấp tá xé bỏ tự khai làm dang dở. Nửa trại nộp tự khai. Những người không nộp, Ban Giám Thị chẳng có ý kiến gì. Vụ nổi dậy ở trại Nam Hà kể như xong xuôi. Rất đông cải tạo viên tưởng mình đã thắng. Riêng bầy sư tử thì bình thản. Nộp tự khai rồi những ông sĩ quan già ngồi rung đùi suy diễn tin tức Mỹ đòi chuộc cải tạo viên. Tin này đã cũ mèm ở các trại giam miền Nam. Mỹ nó "sang trang lịch sử", nó ném cả dân tộc Việt Nam vào miệng chó sói cộng sản, nó đứng nhìn chó sói rút ruột dân tộc Việt Nam không mảy may trắc ẩn mà còn tin nó bỏ tiền chuộc vài ngàn anh sĩ quan cải tạo, mà còn hân hoan cám ơ Mỹ thì…khó dùng chữ qua!
Sư tử lãng mạn đã quen cô đơn. Bây giờ sư tử say men cô đơn. Và sư tử chỉ còn tin ở chính mình, ở chính thế hệ tuổi trẻ của mình, thế hệ lập thuyết tiểu tư sản.