Số lần đọc/download: 491 / 27
Cập nhật: 2019-12-06 09:23:40 +0700
Phần 4 - Trạng Quỳnh Trên Nẻo Đường Đất Nước - 16 - Một Mâm Rượu, Một Bài Thơ Đường Luật
B
ị rớt thi hội, nhưng còn chân thủ khoa thi Hương, Cống-Quỳnh có thể được triều đình cho tập sự vài tháng rồi sơ bổ đi làm chức giáo thụ, tức quan coi việc học ở một phủ hay một huyện nào đó, nhưng Quỳnh nghĩ tức khí không thèm, để ngày ngày đi ngao du đây đó, mặc dù chúa Trịnh có nhiều lần cho gọi.
Nghe tiếng chợ gạo ở kinh kỳ là chợ buôn bán sầm uất lắm, Cống-Quỳnh đi chơi xem, Quỳnh thấy sự sầm uất chỉ toàn là cửa hàng cửa quán của Ngô khách (Hoa kiều) và những dẫy lầu xanh chằng chịt, nên tức cảnh làm một bài thơ, lén dán vào cửa chợ như sau:
Tiếng đồn Chợ gạo đất kinh kỳ,
Quỳnh tới dạo chơi chẳng thấy chi.
Ngô lớn ngô non răng trắng nhởn;
Đĩ già đĩ trẻ tóc đen sì.
Dán xong, Quỳnh bỏ đi một nước. Nghe đồn ở Tuyên-quang có nhiều phong cảnh lạ, sơn sơn thủy thủy rất hữu tình, Quỳnh đi bộ lên xem, tới một quán nước nọ, Quỳnh ghé vào nghỉ chân, tự xưng là thầy đồ. Cô hàng vốn cũng là gái thích văn thơ chữ nghĩa, nên nghe xưng thầy đồ, liền bảo: « Thầy đồ thì chắc thơ hay lắm, vậy thầy hãy tức cảnh cho em một bài thơ xem nào? »
Quỳnh đáp: « Gì thì hiếm, chớ thơ của tôi thì chứa cả quán này không hết, nhưng phải thế nào, tôi mới làm ».
Cô hàng thấy khách có vẻ kiêu ngạo, nói: « Nếu thầy làm hay, em đây sẽ mất cho bữa rượu ».
Quỳnh gọi đem rượu và đồ ăn ra rồi vừa vắt chân đánh chén vừa đọc lên sang sảng:
Bán hàng nay cô đã mấy tuổi?
Nước cô còn nóng hay là nguội?
Lủng lẳng trên treo dăm cái nem.
Lơ thơ dưới móc một buồng chuối.
Bánh rán bánh dày đều thoa mỡ
Khoai ngứa khoai lang cũng chấm muối.
Ăn uống xong rồi tiền chửa đủ.
Biết nhau cho chịu một vài buổi.
Vì thơ có tính chất đùa cợt, nên Quỳnh đọc đến đâu, khách ngồi trong quán phá lên cười đến đó, đồng thời lại vỗ tay khen hay, làm cô nàng đã thẹn đỏ mặt càng thẹn đỏ mặt thêm. Cô hàng tưởng chuyện chơi, không dè, ăn xong, Quỳnh đứng dậy cảm ơn rồi thản nhiên bước đi. Cô ả chạy theo đòi tiền, Quỳnh phân bua với khách khứa: « Có các ông các bà làm chứng đó, cô bảo hễ làm thơ hay thì mất cho bữa rượu, mà thơ hay thế, còn đòi cái khỉ khô gì nữa, và lại tôi đã nói là cô chỉ cho chịu (thiếu) chớ đâu không trả, mà còn đòi với hỏi, hay muốn bài thơ nữa… »
Cô hàng phần bị đuối lý, lại phần sợ bị nghe thơ kiểu này nên đành phải chịu mất toi một bữa rượu cho Quỳnh, và từ đó cô nàng cũng hết dám ti toe chứ nghĩa.