Số lần đọc/download: 7834 / 17
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 17 -
P
hước vừa bước ra khỏi vũ trường Đông Phương thì nghe có người gọi mình. Anh quay lại và thấy bà Tuyên. Vốn chả ưa gì bà mợ đã từng gây sóng gió cho gia đình mình, anh mai mỉa:
- Còn sớm quá mà mợ đã về rồi sao? Bọn choai choai còn ở trỏng nhiều lắm.
Giọng bà Tuyên ngọt ngào:
- Mợ muốn nói chuyện với con.
Phước có vẻ cảnh giác:
- Chuyện gì?
Thái độ của anh làm bà Tuyên bật cười:
- Con đâu cần phải căng thẳng như vậy.
Phước lầu bầu:
- Người như mợ đề phòng vẫn tốt hơn.
- Mình qua quán café bên kia nhé?
Thấy Phước ngần ngừ, bà Tuyên nói tiếp:
- Chuyện mợ sắp nói liên quan đến quyền lợi thiết thực của con đấy.
Nghe nói tới quyền lợi. Phước vội gật đầu. Hai người đẩy cửa bước vào quán La Mi.
Bà Tuyên vào đề ngay:
- Dạo này con hay bị ba mắng lắm phải không?
Phước khó chịu:
- Ông bố già rồi. Ngoài việc mắng con chửi vợ ra còn biết làm gì nữa. Mẹ con tôi muốn yên chắc phải tìm cho ổng một bà vợ trẻ quá.
Bà Tuyên tủm tỉm:
- Ý kiến hay! Chỉ sợ Ổng hết... xí quách rồi thôi. Theo chỗ mợ biết, ổng không ham vợ lẽ bằng ham con nối dõi đâu.
Phước nhíu mày:
- Mợ muốn ám chỉ chuyện gì đây?
Đốt cho mình một điếu thuốc rồi phà khói thật điệu nghệ, bà Tuyên nhỏ nhẹ:
- Có một nguồn tin nói rằng ba con sẽ đổi người thừa kế sau này. Con có nghe tin ấy không?
Phước khựng lại một giây rồi lên giọng:
- Làm gì có chuyện đó! Mợ đừng bày đặt! Ngoài tôi ra còn mụn con nào nữa cho ổng đổi người chớ?
Bà Tuyên mỉm cười bí ẩn:
- Nghĩ thế là lầm. Vẫn còn người thừa kế chính thức hơn con rất nhiều đấy.
Phước bồn chồn nhìn bà Tuyên:
- Chẳng lẽ mợ và ba tôi có... có...
Bà Tuyên xua tay:
- Không! Chúng tôi không có gì hết. Nhưng với người đàn bà khác thì có. Một đứa con của tình yêu, lãng mạn như trong tiểu thuyết ấy. Lần này thì mẹ con thua chắc mà.
Phước hấp tấp hỏi:
- Bà ta là ai? Đứa con đó là trai hay gái? Nó mấy tuổi rồi? Tại sao lâu nay ba tôi im ỉm thế?
Bà Tuyên lấp lửng:
- Chuyện đó con hỏi ổng đi!
Phước xoa mặt với tất cả nóng nảy:
- Vậy mợ nói với tôi nhằm mục đích gì?
Rít một hơi thuốc, bà nói:
- Mợ chỉ muốn đánh động để con biết mà đối phó. Nếu không e mất cả chì lẫn chài đó!
- Hừ! Mợ tốt dữ vậy sao?
- Mợ không tốt! Thật đấy! Vì mợ đâu giúp được con, trái lại những lời vừa rồi chỉ làm con bận tâm, lo lắng thêm.
Phước ngả người tựa lưng vào ghế. Anh thấy hoang mang hơn bao giờ hết. Hôm trước chính tai anh nghe ông Thuần hầm hừ với mẹ về chuyện tước bỏ quyền thừa kế của mình. Lúc ấy anh nghĩ ông đang giận nên nói thế. Nào ngờ mọi việc không đơn giản như anh đã nghĩ.
Phước đổi giọng từ tốn hơn:
- Mợ có thể nói thêm đôi điều về chuyện này chớ?
- Chẳng hạn điều gì?
- Mợ nói rõ hơn về đứa con ngoại hôn ấy?
Bà Tuyên lửng lơ:
- Đó là một con bé xinh đẹp trạc bằng tuổi con.
Phước kêu lên như dẫm phải gai:
- Trạc bằng tuổi tôi? Mợ có lộn không vậy? Chuyện lớn như thế sao bây giờ mợ mới nói?
- Vì bây giờ mợ mới tìm được tung tích con bé.
Phước nuốt nước bọt phẫn uất:
- Ông bố tôi giấu kỹ dữ! Chà! Tự nhiên có một đứa em cùng cha để phải chia phần với nó thay vì được hưởng trọn, đúng là khó chịu thật!
Bà Tuyên cười thâm độc:
- Chỉ sợ con bị truất quyền chớ nói chi tới việc chia đôi chia ba cái gia tài khá đồ sộ ấy.
Phước vung tay:
- Tại sao lại truất quyền của tôi?
Bà Tuyên bảo:
- Con hỏi mẹ mình thì sẽ rõ ngay.
- Thế con bé ấy bây giờ đang ở đâu?
- Hôm khác mợ sẽ nói. Giờ mợ phải về, tối nay nhảy hơi nhiều, mệt lắm rồi.
Phước nằn nỉ:
- Khoan đã mợ...
Bà Tuyên che miệng ngáp
- Thôi! Mợ không nói gì nữa đâu! Đừng khoan với hụi!
Nhìn bà Tuyên õng ẹo bước ra cửa, Phước tức tối đập bàn.
Phước thở dài bên ly café vẫn còn nguyên. Anh nhìn đồng hồ rồi chán nản khi thấy còn sớm. Giờ này về nhà thật chán, nhưng anh phải về để nói với mẹ chuyện này xem hư thiệt thế nào. Nếu thật sự ba anh có một đứa con thì gay go đấy!
Đẩy cửa quán café, Phước bước ra ngoài. Anh chưa kịp ngoắt chiếc taxi vừa trờ tới thì nghe gọi.
Quay lại anh gặp Phong, thằng bạn cùng học đại học mở mấy năm liền.
Phong cười:
- Chà! Mất "Giấc Mơ II" bây giờ ngoắc xế hộp à? Nếu không chê chiếc Citi này, lên tao chở về.
Phước lên ngồi phía sau Phong:
- Làm gì có chuyện chê khi mình hoàn toàn vô sản. À! Bữa nay mày kiếm được đồng này không?
Phong nói:
- Tàm tạm! Tao phải về sớm nên đâu được bao nhiêu. Các bà ở lại khuya mới sộp. Nghĩ cũng tiếc... Nhưng hổng dám đâu! Tao vẫn còn... trong trắng.
Phước chưa kịp nói gì thì thấy chiếc Mazda trắng vọt qua. Anh nhíu mày khi nhận ra biển số xe của ba mình.
Vỗ vai Phong, anh bảo:
- Mày theo cái xe đó cho tao!
Phong dài giọng:
- Chuyện gì đây?
- Xe của ông lão nhà tao. Mình theo coi ổng chở ai, đi đâu.
- Mày làm trinh sát cho bà lão à?
Phước ậm ự.
- Hổng được sao? Đó cũng là quyền lợi của tao mà.
Phong chép miệng:
- Bà mày chịu chơi thật! Nghĩ mà thương bố già của tao suốt cuộc đời hết theo công trình thủy điện này, tới công trình thủy điện khác. Ngày này tháng nọ Ở trong rừng. Hôm nào bố già về là tao thất nghiệp vì không dám đi đâu.
- Mày không sợ mẹ à?
- Mẹ tao được mỗi cái miệng hay la. Mà la thì đâu có chết ai.
- Thế còn ông anh mày?
- Ôi giời! Ông cù lần ấy nhằm nhò gì. Năm nay năm cuối, ổng lo học trối chết chớ đâu để ý đến tao. Bởi vậy, ba tao vắng nhà là tao hoàn toàn tự do. Có điều lúc nào tao cũng nghiêm túc để làm gương cho nhỏ em.
Phước cà khịa:
- Em mày đẹp không? Tao đến quán phở mấy lần mà chưa gặp. Tiếc thật!
Phong tỏ vẻ phật ý:
- Ậy! Đừng rớ tới em tao mày! Nó còn bé lắm!
Phước im lặng. Hai người cùng nhìn vào chiếc Mazda trắng, nó đang từ từ ngừng lại trước một khách sạn. Phong cũng cho xe ngừng lại dưới một gốc cây.
Phong lại khen:
- Chà! Ba mày thật hết ý! Nếu mày cần đột nhập vào trong, ta dẫn cho.
- Mày biết chỗ này à?
- Ờ! Bà dì Út tao đang ở đây mà.
Phước hồi hộp nhìn cửa xe mở ra. Một người đàn bà ăn mặc sang trọng bước xuống chớ không phải một cô gái ăn sương rẻ tiền như anh nghĩ. Chắc là bà nhân tình của ông, bộ hai người mướn khách sạn để qua đêm à?
Lúc Phước còn miên man trong suy nghĩ, thì Phong lại kêu lên:
- Ủa, dì Út tao! Dì ấy quen với ba mày à?
Phước cũng thảng thốt:
- Dì mày hả?
Phong tỉnh bơ:
- Ôi dào! Chắc hai người là chỗ bạn bè cũ. Mày quá đa nghi rồi! Dì tao mới ở Mỹ về, có chồng, có con đàng hoàng...
Phước làm thinh, rồi anh vụt hỏi:
- Con dì mày là trai hay gái?
- Con trai! Lớn tuổi hơn cả anh Hai tao.
- Dì ấy chỉ có một đứa con thôi à?
Phong khó chịu:
- Ờ! Sao mày lại quan tâm kỹ vậy?
Phước không trả lời mà lại nói bâng quơ.
- Có khi nào hai người từng là bồ của nhau không nhỉ?
Phong nói:
- Chuyện gì lại không thể xảy ra. Nhưng hiện tại họ đã là cố nhân rồi. Chẳng lẽ mẹ mày ghen?
Phước nhìn ba mình khoác tay người đàn bà bước vào khách sạn rồi bảo:
- Đi! Tao phải về trước ông lão mới được.
Phong nhấn ga. Hai người im lặng với những suy nghĩ riêng của mình. Tới ngôi biệt thự bề thế của gia đình Phước, Phong thắng xe lại. Phước nhảy xuống.
- Vài hôm nữa mình đi uống café!
Phong nhún vai:
- Chuyện nhỏ!
Đợi Phong phóng xe đi rồi, Phước mới bấm chuông. Không phải đợi lâu, bà giúp việc già ra mở cổng.
Vừa lững thững đi vào Phước vừa hỏi:
- Mẹ tôi ngủ chưa?
- Bà vẫn còn coi phim ạ!
Phước ngần ngừ một chút rồi bước lên lầu, tới phòng mẹ, anh mệt mỏi nằm ì ra phô tơi. Dù đang dán mắt vào màn hình, bà Trinh cũng tỏ vẻ quan tâm:
- Sao hôm nay con về sớm vậy?
Phước trả lời nhát gừng:
- Cũng như mọi bữa chớ đâu có sớm.
Liếc về phía mẹ, anh dài giọng:
- Nhưng chắc sớm hơn ổng. Ba đâu rồi mẹ?
Bà Trinh hững hờ:
- Ông đi dự chiêu đãi gì đó của ngân hàng Trung Mỹ.
- Sao mẹ không cùng đi?
- Ôi dào! Chuyện làm ăn của đàn ông mẹ biết gì mà đi. Với lại hồi nào tới giờ ổng có gọi mẹ đi cùng đâu. Ổng bảo có đàn bà theo xui lắm.
Phước cười khẩy:
- Đi với vợ thì xui, với nhân tình thì hên.
Bà Trinh nhíu mày
- Con nói cái gì?
Phước thản nhiên:
- Con nói điều mẹ đã nghe đó! Mẹ dễ dãi quá coi chừng không còn chỗ đứng trong nhà này nữa.
Cầm rờ mốt điều khiểm âm thanh nhỏ lại, bà Trinh hỏi:
- Tự nhiên sao lên giọng với mẹ vậy?
Phước nhìn bà chằm chặp:
- Mẹ có biết ngoài con ra, ba còn một đứa con rơi nữa không?
Mặt bà Trinh tái đi:
- Ai nói với con thế?
Phước gằn giọng:
- Mợ Tuyên! Mợ ấy còn nói ba sẽ để lại quyền thừa kế cho nó. Hừ! Đúng là khó tin.
Bà Trinh hoang mang:
- Tại sao nó lại nói thế với con? Có gì chứng minh lời nói đó là đúng đâu? Nếu ổng có một đứa con rơi, chắc mẹ đã phải biết từ lâu.
Nhìn Phước, bà hỏi:
- Nó là trai hay gái, mẹ nó là ai, mợ Tuyên có nói không?
Phước hằn học:
- Nó là gái, trạc bằng tuổi con...
Bà Trinh thảng thốt:
- Lớn thế kia à? Không ngờ bao nhiêu năm qua ổng kín miệng như vậy.
Đứng dậy đi vòng vòng trong phòng, bà lầm bầm:
- Thật là khốn nạn... thật là khốn nạn...
Phước bực bội:
- Mẹ đừng chửi nữa! Phải tìm cách đi chớ! Chẳng lẽ con phải mất phần vì đứa con vụng trộm đó à?
Bà Trinh vẫn lảm nhảm:
- Chắc gì những lời mợ Tuyên nói là đúng. Mợ ấy vốn là kẻ thù của mẹ mà.
- Nhưng nếu đúng thì sao? Cho mẹ hay lúc nãy con bắt gặp ba vào khách sạn với một bà rất sang trọng. Nghe đâu bà ta mới từ Mỹ về. Hừ! Nếu mợ Tuyên nói sai thì đó cũng là một cảnh cáo.
Bà Trinh làm thinh nhưng Phước thấy rõ nỗi lo lắng hằn trên gương mặt bà. Sự lo lắng đó khiến tâm trí anh càng nặng nề hơn.
Phước buột miệng:
- Sao ba lại truất quyền thừa kế của con?
Bà Trinh gượng gạo:
- Tại ông ấy cho rằng con phá của, ham chơi chớ không ham học. Bây giờ phải tu tỉnh lại đi...
Phước cười nhạt:
- Nếu ổng muốn cho con ra rìa, có tu cũng chẳng nhằm nhò gì. Mẹ ráng mà lo liệu ấy!
Dứt lời Phước đá mạnh vào cánh cửa phòng rồi bước ra ngoài.
Đồng hồ thong thả gõ mười hai tiếng nhưng ông Thuần vẫn chưa về. Bà Trinh ngồi phịch xuống ôm mặt khóc.