Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.

Johann Goethe

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4816 / 79
Cập nhật: 2016-04-22 16:50:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17 -
au cuộc xô sát với Hưng mà Trọng gọi là sự kiện ngày thứ bẩy suốt đời không thể quên, Trọng phải ở lại cơ quan. Anh phải làm bản kiểm điểm, trình bày trước thủ trưởng và chờ án kỷ luật. Đó là những ngày nặng nề nhất đời Trọng. Vẻ ngoài, anh câm lặng, nhưng bên trong anh khóc thầm, tự khinh bỉ và xỉ vả mình.
Không khí trong phòng trầm xuống. Câu chuyện lan sang các phòng bạn. Mọi người nhìn anh, ái ngại và khó chịu. “ ồ, mình không ngờ hắn lại tồi tệ đến mức ấy”. Hình như người ta đều nghĩ vậy. Tuần lễ ấy, anh như một cái bóng âm thầm. Anh có cảm giác mình đang sa vào một cái mạng nhện càng quẫy càng rối. Hết giờ làm việc, anh vùi đầu vào sách, tìm một lời giải đáp cho hoàn cảnh bi đát của mình. Trớ trêu quá! Không một lời giải đáp. Các danh nhân thì sống ở một thời đã quá xa. Các anh hùng thì đều nẩy sinh trong hoàn cảnh chiến tranh. Tiểu thuyết tình yêu phương Tây xưa thì rặt những kiểu: Gặp gỡ, yêu say đắm, bị xúc phạm rồi đấu súng hoặc giã từ nhau. Nhạt nhẽo, vô bổ và rỗng tuếch. Anh tìm đến thuốc lá.
Những ngày ấy cheo leo bên bờ một vụ bùng nổ còn lớn hơn sự kiện ngày thứ bẩy suốt đời không thể quên vừa qua. Nhất là khi Trọng nhìn thấy mặt Hưng. Hưng bộc lộ thái độ căm ghét anh một cách công khai. Quan hệ giao tiếp giữa hai người hoàn toàn bị cắt đứt. Ông Chánh trở thành cái gạch nối giữa họ. Mỗi lần truyền đạt lại ý kiến của phòng với Trọng, ông Chánh đều có ý muốn vỗ về, an ủi anh. Một hôm, anh còn phát hiện ra một khía cạnh khác trong thái độ ông Chánh: Ông lo sợ anh quẫn rồi sinh liều!
Chính là thái độ đó của ông làm anh tự ái và giúp anh bừng tỉnh. Anh đâu có phải là con người tầm thường để ông đánh giá như vậy. Quá trình phục hồi của anh bắt đầu. Trong mỗi con người, ở suốt cuộc đời,, có một dạng cân bằng nhất định giữa môi trường và các quá trình vật chất bên trong cơ thể được điều hoà bằng hệ thần kinh. Cuộc sống tinh thần của con người ta cũng vậy. Chính là cái khuynh hướng tinh thần chủ đạo của Trọng, cái hệ thần kinh ấy, đã giúp anh điều chỉnh lại con người mình. Niềm tin yêu thiết tha vào cuộc sống, tình yêu mãnh liệt với công việc, trình độ nhận thức sâu sắc mọi vẻ dạng của cuộc sống, tính chủ động cứng cỏi trong việc chỉ huy bản thân mình của anh là những cái trụ giữ anh đứng vững trong cả những giây phút chông chênh như đang đi trên một sợi dây thép. Anh tìm được một vị trí cao hơn để phân tích những điều đã xẩy ra.
Trọng trở lại dần với sự cân bằng, điềm tĩnh. Và anh nhận ra những người yêu mến anh bấy lâu lo lắng ái ngại cho anh, bỗng nhiên được thở phào nhẹ nhõm.
“Lâu lắm em mới thấy anh cười đấy, anh Trọng ạ”. Cô Vân xinh xắn bảo anh vậy. Cô rót một cốc nước chè tươi đặt trước mặt anh. Anh đáp: “Rồi tất cả sẽ qua đi thôi, Vân ạ. Tôi muốn quên tất cả để làm việc”. Nhưng cô lại lắc đầu. Anh biết, cô vẫn lo ngại cho anh. Anh cũng chẳng muốn hỏi. Lát sau có cô kéo ghế lại gần anh, mắt ngập ngừng như có điều uẩn khúc. Lúc ấy trong phòng không có ai, giọng cô thì thầm, nhưng anh nghe rất rõ: “Anh Trọng ạ, em có điều muốn tâm sự với anh. Việc riêng của em thôi nhưng anh cũng nên biết. Là gần đây, anh Hưng cứ đi rêu rao khắp nơi là em phản bội anh ấy. Nhưng anh hiểu cho... Thật tình là lúc đầu vào làm việc ở đây, em cũng mến anh ấy thật. Nhưng rồi không hiểu tại sao em thấy cứ dần dần xa anh ấy. Nhất là sau mấy lần em đến chơi nhà anh ấy. Nhà anh ấy sang trọng, hay luộm thuộm, cái ấy em chẳng quan tâm. Nhưng em rất lấy làm lạ, anh ấy cho một cặp vợ chồng ở nhờ phòng trong. Cặp vợ chồng này còn trẻ, suốt ngày họ đùa nghịch chí choé với nhau. Có bận em đang ngồi chơi, anh chồng trêu chị vợ, chị vợ cười sằng sặc, chạy ra ngoài phòng anh Hưng. Nói anh đừng bảo bịa. Em ngượng chín cả mặt. Chị vợ mặc độc cái xu chiêng và cái xi líp... Mấy hôm sau em bảo anh Hưng: Thế mà chịu được à? Thì anh ấy cười, đáp: “Cái gì đã quen đi thì lại thấy vui, thấy thích, Vân à”. “Quen thế nào được những cái ấy, hả anh?”
Câu chuyện làm Trọng nổi gai rờn rợn. Anh cố gạt đi để không đắp thêm vào Hưng những điều bỉ ổi. Anh nhớ khuôn mặt cô Vân lúc ấy: Hai
con mắt ngơ ngác và cái miệng ho hó kinh sợ, biểu hiện sự trong sạch của tâm hồn cô.
Một buổi sáng Trọng dậy muộn. Anh còn đang gấp chăn thì ông Chánh đã vào. Ông mở cánh cửa kính, bỏ mũ bông, dập chân thình thịch, tập bài thể dục buổi sáng. Trời lạnh, hít thở được một lúc, ông quay lại, đưa tay lên xoa mặt, day thái dương, vuốt sống mũi. Ông chuyển sang tập khí công và thái cực quyền.
- Ơ, cậu không tập thể dục à, Trọng?
Trọng đang kéo cái bàn, đáp nhủng nhẳng:
- Mất thì giờ! Mà tôi thì lăn lội suốt ngày ở ngoài đê rồi, việc gì phải tập với tành...
- Cậu nói lạ!- Ông Chánh đi đến cái bàn đầy sách vở Trọng đọc đêm qua. Tưởng ông sẽ thuyết giảng một bài về lợi ích của môn thể dục, thì ông nhấc mấy quyển sách lên- Cậu vẫn nghiên cứu về mối đấy à? Cái này là hình vẽ máy gì mà trông buồn cười nhỉ? A! Cái máy Bông Sen...
Ông nói như không nghĩ. Nhưng hai con mắt của ông rọi vào mặt Trọng thì đầy ý tứ đến nỗi Trọng thót giật mình: “Không hiểu trên mặt mình còn vương nét u buồn, thất vọng nào nữa không nhỉ?”
- Tôi ấy mà, cậu Trọng ạ- Ông Chánh nói, giọng khàn khàn- Cả đời, năm nay là năm nhăm tuổi, kể từ ngày đi công tác, chưa bao giờ bỏ một buổi thể dục. Kể cả thời gian bị tù hai năm.
Câu nói sau cùng của ông Chánh khiến Trọng sửng sốt. Đáng lẽ đi rửa mặt thì anh ngồi phịch xuống ghế và buột ra một câu hỏi tưởng như là thừa:
- Ở tù đế quốc à?
- Tù đế quốc thì nói chuyện làm gì- Ông Chánh cười vô tư- Tù nói ở đây là tù của ta ấy chứ. Đang làm Chánh văn phòng huyện uỷ thì đùng một cái, có giấy từ xã lên gọi về. Cha mẹ ơi, họ quy mình là Quốc dân đảng. Thế là tống giam liền. Dạo đó là cải cách ruộng đất. Hai năm liền ở tù chung với bọn đầu trộm đuôi cướp. Oan Thị Kính! Nhục muốn chết. Nhưng lòng dặn lòng: Trung thành, đạo đức, gương mẫu không sai một li. Sáng nào cũng dậy đúng giờ, thể dục. Xong, gấp chăn màn rồi đi lao động... Đúng hai năm một ngày. Đảng sửa sai, phục hồi cho ngay, vì trong thử thách gay go như thế vẫn vững vàng.
Ông cười, nhẹ tênh. Trọng đứng dậy cùng ông. Ông vỗ vai anh, vừa thân mật vừa kẻ cả: “ Dẫu sao thì cũng như là bị bước hụt chứ đằng thẳng thì tớ chẳng lèm nhèm thế này đâu, Trọng ạ. Để hôm nào tớ cho cậu xem cái bằng khen, giấy khen của tôi, tôi giữ được, từ năm bốn tám, năm mươi kia”.
Ngoài cửa đã có tiếng nói cười tíu tít của ba cô gái, ông Chánh quay lại, vào việc sửa soạn cho một ngày làm việc mới.
Suốt buổi sáng ấy, Trọng ngồi ở thư viện, định hoàn chỉnh lại cái báo cáo về việc tìm, diệt mối mà không sao viết được một dòng nào. “Ông ấy nói thế là có ý khuyên mình. Nhưng chẳng lẽ mình đang bị tù?”
Ý nghĩ ấy làm Trọng bứt rứt. Chín giờ rưỡi, anh trở về cơ quan. Vào lúc đang tập thể dục giữa giờ, trong phòng chỉ có ông Chánh và Hưng. Có lẽ họ đã tranh luận thầm với nhau từ lâu rồi, nay thấy phòng vắng, họ thấy không cần giữ ý nữa, nên nói to hơn, nhất là giọng ông Chánh:
- Anh làm thế thì hơi quá. Người ta có sai thì cũng không nên dìm người ta xuống.
- Sao lại quá!- Hưng nói như quát- Cả ông nữa, tôi yêu cầu, ý kiến nào tôi đồng ý ông mới được phép báo cáo với Đảng uỷ.
- Tôi chỉ phản ánh dư luận...
- Dư luận nào?
- Tôi nghĩ, nếu anh có chót cầm cái báo cáo về vụ vỡ cống Lợi Toàn thì cũng có gì là quan trọng.
- Ông im đi!
Ông Chánh im bặt. Ông vốn tốt nhịn trước Hưng. Hơn nữa, lúc ấy, Trọng đã bước vào phòng.
Hưng kéo cái cặp da, đứng dậy, hầm hầm đi ra cửa. Trọng ngồi xuống bàn. Ông Chánh như là còn đang ngượng nghịu vì bị Hưng mắng, lúi húi tìm cái gì ở dưới đất. Lát sau, ông đi ra ô cửa sổ, nhìn xuống sân, rồi quay lại, cố ra vẻ tự nhiên:
- Sang tháng mười một rồi. Năm nay có khi rét sớm đấy. à cậu Trọng này, lúc nãy có ai gọi điện cho cậu. ở xa lắm, nghe lí nhí không rõ.
“Ai gọi điện cho mình nhỉ? Tháng mười một rồi. Vậy là đã hơn một tháng trời qua”. Trọng nghĩ. Ông Chánh đã đến trước bàn anh, trụt cái mũ lông, ngồi xuống ghế.
- Đời quả là không đơn giản thật!
Ông nói bâng quơ, mặt ngoảnh ra ngoài, tay lần mần sờ hàm râu, gặp cái râu dài, quặp móng tay lại dựt dựt. Câu nói ấy của ông lại như một tia sáng nữa rọi vào ông. Và Trọng bỗng hiểu, từ trước đến nay, anh đã đánh giá ông không hoàn toàn đúng. Ông thô sơ, giản lược, ông có nhiều nhược điểm thật, nhưng đều có thể cảm thông được. Ông hẹp hòi, hay xét nét, như ông nhận xét lá đơn của Trọng, cái đó là trình độ của ông, chứ không phải lòng dạ ông vốn độc địa. Ông đã bị mất đà, ông đang lấy lại đà. Cái thói hợm mình, hay dậy khôn người cũng như chút khát khao về chức vụ, tín nhiệm của ông là sự gắng gỏi vươn dậy để lấy lại thế thăng bằng đã bị mất. Và trong ông, thật ra vẫn có một cái gì đó trong sạch, sự trong sạch của lớp cán bộ đến với cách mạng như đến với mối tình đầu, được biểu hiện ra bằng sự chân thành, chân thành cả khi thô sơ, giản lược, và không bao giờ cố ý làm hại ai, hoặc làm hỏng công việc một cách có ý thức
- Không phức tạp thì không gọi là đời, bác Chánh ạ.
- Ấy thế! Ngay khi gia đình tôi. Bà ấy thì cốt cách con nhà nông, không có vấn đề gì. Nhưng mấy ông con thì... bất trị. Tóc tai để như người rừng. Bảo nó thì nó phê luôn mình là Mao-ít!
Mưa Mùa Hạ Mưa Mùa Hạ - Ma Văn Kháng Mưa Mùa Hạ