Số lần đọc/download: 3204 / 40
Cập nhật: 2015-11-21 18:26:52 +0700
Chương 17 : Một Cảnh Đào Nguyên Ngoài Cõi Tục
Đ
êm hôm ấy trăng tỏ sao thưa, Ngô Cương diễn luyện rồi ngồi trên một mõm đá vuông vắn lòi ra, nhìn dưới làn sóng bạc thấy núi non trùng điệp mịt mờ.
Đột nhiên, Yêu Vương bên mình chàng cất tiếng hỏi:
– Nhai nhi! Cảnh sơn cùng trăng tỏ cũng thú lắm chứ?
Ngô Cương quay lại nói:
– Mời lão tiền bối ngồi xuống đây.
Yêu Vương ngồi tựa vào lưng Ngô Cương nói:
– Ngươi còn nhớ ngày lên núi này không?
Ngô Cương đáp:
– Đến nay cũng đã bốn độ trăng tròn.
– Ừ, phải rồi! Nay là vừa đúng bốn tháng, chúng ta sắp phải chia tay.
Ngô Cương ngơ ngác hỏi:
– Sao đã chia tay?
Yêu Vương đáp:
– Ngươi thông tuệ khác thường, vượt ra ngoài sự tiên liệu của lão. Lão phu dự định phải mất một năm để truyền thụ bản sự của mình cho ngươi. Ngờ đâu mới vỏn vẹn có bốn tháng mà ngươi đã học hết vốn của ta rồi …
Lúc này Ngô Cương cảm thấy xúc động. Bốn tháng trời chàng ở với Yêu Vương bất giác đã khiến chàng phát sinh tình cảm quyến luyến. Theo như sự quan sát của chàng thì Yêu Vương không phải là hạng người tàn ác như chàng đã tưởng tượng trước kia. Lão đúng là một bậc tiền bối võ lâm có công phu hàm dưỡng cao thâm. Hai người ngoài mặt không xưng sư đồ, nhưng thực ra chính là thầy trò vậy. Tự thâm tâm chàng từ lâu đã coi lão là sư phụ, có điều ngoài miệng không gọi mà thôi.
Ngô Cương nghe Yêu Vương nói tới chuyện chia tay, thì trong lòng cảm thấy như mất mát một điều gì. Chàng xấu hổ vì đã đối xử với lão có phần lầm lỗi.
Chàng cũng ngẩn ngơ không ngờ chỉ trong bốn tháng mà chàng đã học hết toàn bộ sở học của Yêu Vương được.
Yêu Vương lại nói tiếp:
– Ngô Cương! Hiện giờ ngươi chỉ còn kém về hỏa hầu và kinh lịch giang hồ. Dĩ nhiên những điều này không thể một sớm một chiều mà thành tựu chóng vánh được. Ngươi phải tự tìm cơ hội mà rèn luyện thêm. Chỉ có điều đáng tiếc là chúng ta không thành được danh phận thầy trò. Còn những điều đã truyền thụ cho ngươi thì lão phu cảm thấy hài lòng rồi.
Ngô Cương run lên đáp:
– Vãn bối cảm thấy rất hổ thẹn về lỗi lầm của mình.
Yêu Vương gạt đi:
– Bất tất phải thế! Thiên hạ vốn dĩ chân mà giả, giả thành chân, biến ảo không ngừng. Lão phu đây cũng không thể đoán trước được tương lai.
Mấy câu này tuy rất âm trầm lại tựa hồ cảm khái. Chàng chỉ ậm ừ cho qua chứ không hiểu được hết ý nghĩa sâu xa của chúng.
Yêu Vương ngẩng đầu nhìn vầng trăng tỏ, thủng thẳng nói tiếp:
– Sau khi trở lại giang hồ, ngươi bất tất đề cập đến danh tính lão phu nữa…
Ngô Cương thắc mắc hỏi:
– Tại sao vậy?
Yêu Vương đáp:
– Giữa lão phu và ngươi không có danh phận sư đồ.
Ngô Cương lẳng lặng nhìn lão với ánh mắt sâu thẳm. Chàng còn biết nói gì bây giờ?
Yêu Vương lại lấy trong bọc ra một gói giấy nhỏ, nói:
– Đây là những tấm mặt nạ mà lão phu đã dốc lòng chế tạo ra, trên đời ít ai nhận ra là giả diện. Ngươi hãy đem theo bên mình phòng khi dùng tới.
Ngô Cương đón lấy nói:
– Kính tạ lão tiền bối hậu tứ…
Yêu Vương ngắt lời:
– Khoan đã, lão phu còn chưa nói hết. Khắp thiên hạ hiện nay chỗ nào cũng có kẻ thù của ngươi, mà bọn chúng đều không phải loại tầm thường. Lão phu ân cần dặn dò, ngươi nên dùng trí để đối phó, chớ nên dùng lực. Động võ chỉ là hạ sách cuối cùng. Trong thiên hạ chẳng ai có thể một mình địch muôn người. Võ công dù cao tới đâu mà không phối hợp với kinh nghiệm cơ biến, thì chỉ có thể phát huy được một nửa uy lực.
Ngô Cương giác ngộ, xoay mình lạy phục xuống nói:
– Những lời của lão tiền bối đều là kim thạch lương ngôn. Vãn bối nguyện ghi vào phế phủ …
Yêu Vương lại hỏi:
– Ngoài ra ngươi có nhớ đã ưng thuận điều kiện gì của lão phu chưa?
Ngô Cương đáp:
– Khi nào vãn bối quên được.
– Hay lắm! Lão phu nói đến đây là hết. Bây giờ lão phu đi nghỉ. Ngươi cứ ngồi đây chơi một lúc nữa.
Dứt lời Yêu Vương lạng người vào trong động …
Ngô Cương đang tràn ngập những làn sóng tư tưởng. Chàng ngồi xuống mà không thể trấn tĩnh lại được.
Vầng trăng đã khuất sau sườn núi, dần dần lặn xuống. Cảnh vật tối dần đi, rồi không còn nhìn rõ nữa.
Khi Ngô Cương quay vào trong huyệt động, chàng không thấy bóng dáng của Yêu Vương đâu. Tuy chàng hơi ngạc nhiên, nhưng cũng không để ý đến mà cứ đi thẳng đến chỗ mình ngồi vận công nhập định.
Khi chàng tỉnh dậy thì ánh triều dương đã tràn vào cửa động. Chàng nhìn quanh không thấy bóng Yêu Vương đâu, liền cảm thấy có điều khác lạ, tự hỏi:
– Lão già đi đâu rồi? Trời sáng mà sao lão vẫn chưa quay trở về?
Bỗng chàng ngó thấy bốn chữ khắc vào đã vẫn còn mới nguyên: “Hữu duyên tái kiến”.
Vậy là Yêu Vương đã bỏ đi rồi. Chàng không ngờ lão ta nói đi là đi. Nhớ mối quan hệ thầy trò hữu thực vô danh này, chàng cảm thấy bồi hồi vô hạn. Chàng nhớ lại lời Yêu Vương dặn lại tối hôm qua: “Dù võ công có cao đến đâu mà không phối hợp với cơ trí kinh nghiệm thì uy lực chỉ phát huy một nửa”, quả là lời vàng ý ngọc. Những người thành danh trên giang hồ chẳng ai chỉ sính cường bằng cái huyết khí phương cương, và cũng chẳng ai dám ỷ mình là người có võ kỹ cao cường. Chàng chưa rõ võ công của mình hiện đã đạt đến trình độ nào, nhưng cũng tự hiểu là muốn báo thù rửa hận thì vẫn còn cách kẻ thù một khoảng xa.
Chàng nhớ lại những tao ngộ ly kỳ, từ lúc bị kẻ thù truy sát, bị bắt đưa vào U Linh địa cung rồi được hưởng trăm năm nội công một cách bất ngờ. Họa biến thành phúc, chàng lại bị Yêu Vương cưỡng bách phải học võ công. Mười năm trước đây, giả tỷ chàng gặp Yêu Vương, khi đó chàng chưa có thành kiến, thì đã bái sư rồi. Nhưng chàng đi theo Thái tổng quản đến chân trời góc biển hết năm này đến năm khác mà chẳng gặp một ai. Đến khi Thái tổng quản chết rồi, chàng đến tuổi luyện võ thì vừa dịp gặp kỳ tích.
Ôi mệnh vận! Ai mà liệu trước được? Người ta như con thuyền nhỏ giữa biển cả mênh mông, biết đâu là họa phúc?
Ngô Cương bất giác lấy cây Diêm Vương trâm cầm tay ngắm nghía vuốt ve. Chàng nghĩ thầm:
– Từ nay trở đi, nếu có cơ hội, ta cần làm những việc có ý nghĩa trong võ lâm, và lấy cây trâm này làm tín vật. Có thế mới gọi là chứng tỏ được chút lòng thành đối với ơn đức của Yêu Vương.
Chàng cất ngân trâm đi, nhìn quanh bốn phía thạch động mà chàng đã cư ngụ bốn tháng trời. Ngoài chút tro tàn không còn vật gì nữa, cả manh chiếu cũng không nốt. Chàng uể oải đứng lên, lẩm bẩm:
– Bây giờ ta đi thôi!
Ngô Cương bước ra khỏi thạch động. Trời thu trong xanh bát ngát, những dãy núi quen thuộc tắm ánh dương quang buổi sớm tạo nên khung cảnh mê người. Những ngọn núi trong tựa như thần linh, không mở miệng và cũng không tranh chấp với đời.
Ngô Cương tự hỏi:
– Bây giờ ta đi đâu?
Chàng chợt nhớ đến tấm Huyết Y kỳ thư, nhủ thầm:
– Nếu ta luyện thành thần công trên Huyết Y kỳ thư, phối hợp với võ công của Yêu Vương thì việc báo thù không còn là vấn đề khó khăn nữa. Thạch động này là nơi tham luyện thần công rất tốt, nhưng vẫn chưa đủ yên tĩnh.
Ngô Cương suy nghĩ một lúc rồi quyết định tìm chốn rừng sâu núi thẳm làm nơi tu luyện. Bất giác chàng quay về chỗ huyệt động cũ, quét dọn đống tro tàn và nhặt nhạnh chỗ gạo muối còn thừa. Chàng cảm thấy bội phục Yêu Vương đã xếp đặt chu đáo, chỗ gạo muối này đủ dùng trong nửa năm, chàng không còn phải lo về lương thực trong thời gian tới.
Ngô Cương đeo hai trăm cân gạo muối lên vai mà tựa hồ không. Chàng thu thập xong mọi thứ, nhìn quanh huyệt động một lần nữa rồi xuống núi, nhắm hướng Tây thi triển khinh công.
Giờ chàng đã học được khinh công mà Yêu Vương truyền thụ, lúc này đem ra thi triển, chạy trên núi cao, lưng mang mấy trăm cân mà không khác gì dưới đất bằng.
Chàng vượt qua hết trái núi này đến trái núi khác. Đến lúc mặt trời chiếu tới vực sâu thì chàng đã rong ruổi được mấy chục dặm. Trước mắt chàng là những ngọn núi kỳ hình quái trạng kéo dài hết tầm mắt. Chàng cứ thế chạy đi mãi.
Ngô Cương đi qua một khu rừng rậm chưa từng có dấu chân người. Trong rừng cảnh vật tối tăm âm u không thấy bóng mặt trời. Trước mắt chàng đột nhiên hiện ra hai ngọn núi cao ngất trời. Giữa khoảng hai ngọn núi ấy có một kẽ hở rộng chừng ba trượng, thẳng tắp từ đỉnh tới chân núi, tựa như một tòa núi lớn bị búa bổ làm đôi, rồi thu dọn thật bằng phẳng để lại ba trượng trống rỗng. Cảnh tượng này khiến cho người ta không khỏi kinh hãi trước bàn tay kỳ diệu của tạo hóa.
Ngô Cương ngẩng đầu trông lên, thấy một dây ánh sáng mặt trời rọi vào đá núi xanh xanh khiến cho người ta dao động tâm thần, ngơ ngẩn nhìn vẻ đẹp tự nhiên tuyệt mỹ.
Chàng dừng chân tại khoảng giữa khe núi khoảng thời gian uống cạn tuần trà để nghỉ ngơi, đoạn kiên quyết tiến vào trong xem xét.
Khe hở này dài chừng hơn trượng, bên trong lạnh lão kinh người, trên vách đá rêu mọc loang lổ thành những đồ hình kỳ dị. Đi qua khe núi, trước mắt chàng lại sáng lòa lên. Bên này cảnh vật thay đổi hẳn, chung quanh núi non trập trùng vây bọc một hồ nước biếc, giữa hồ nước lại có một hòn đảo nhỏ xanh xanh.
Bên hồ nước đá mọc lởm chởm, lác đác có những cây cổ thụ cao ngút trời, cùng những bông hoa núi mà chàng không biết tên, màu sắc rực rỡ điểm xuyết vào những khe đá.
Ngô Cương bất giác kêu lên: ” Thật là một cảnh đào nguyên ngoài cõi tục!”
Chàng đi men theo bờ hồ nghĩ bụng:
– Làm cách nào lên được hòn đảo kia mới hay. Một tiên cảnh nhân gian giữa chốn hồ xanh nước biếc thì còn gì thú vị bằng!
Đột nhiên chàng phát hiện ra phía bờ hồ bên phải có rất nhiều đống tro tàn, bụng bảo dạ:
– Thì ra đã có người đến đây, chứ ta không phải là người đầu tiên phát hiện ra chỗ tiên cảnh này. Nếu người nào muốn lánh đời mà vào đây ẩn cư thì thật là tuyệt diệu!
Ngô Cương trong lòng khoan khoái, tiếp tục đi về phía trước. Chàng vừa đi vừa tự hỏi:
– Nơi đây có người không? Nếu có thì ắt hẳn là một kẻ đến để tiềm tu.
Chàng đi vòng quanh nửa bờ hồ mà vẫn không phát hiện ra thêm gì khác, ngoài giống thủy điểu thấy người vội hoảng sợ thụp xuống nước. Trước mặt chàng không còn lối đi nữa. Hồ nước này ở chân núi, trừ phi lội xuống nước ra xa chừng mười trượng mới có thể sang mé bên kia trái núi, nơi bờ hồ dính vào đất liền.
Chàng đảo mắt nhìn bốn phía, thấy trên vách đá cao vài trượng dường như có một cái huyệt động. Chàng đề khí bám vào vách đá leo lên, thì quả nhiên thấy một huyệt động rất nông chỉ đủ cho một người nằm. Chàng đặt túi gạo muối xuống, phủi sơ qua huyệt động rồi ngồi xuống nhắm mắt dưỡng thần.
Tối đến mặt trăng mọc lên trên ngọn núi phía đông, chiếu xuống mặt hồ gợn sóng long lanh tựa hồ muôn ngàn con cá bạc nhảy múa. Hòn đảo nằm giữa hồ dưới ánh trăng càng thêm quyến rũ huyền bí.
Ngô Cương ngồi ngoài cửa động cúi xuống nhìn cảnh sắc trước mắt, bất giác ngơ ngẩn. Dường như bao nhiêu bụi trần tục lụy đều được nước hồ, ánh trăng gột sạch.Chàng cảm thấy tâm hồn thư thái, yên lặng luyện công. Trong đời chàng, đây là lần đầu chàng được thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ như vậy. Bất thình lình một tiếng hát trong bầu không khí tịch mịch vang lên:
Ly biệt rồi sinh tử bâng khuâng,
Tình chưa hết, ý chưa quên,
Chưa quên tiên phủ ngọn đèn lồng,
Ánh hào quang soi tỏ mặt uyên ương,
Sầu dằng dặc, lụy hai hàng,
Giọt lệ tương tư luống đoạn trường.
Tiếng ca bồi hồi da diết ra vẻ vô cùng u oán, nhưng âm vận thanh tao, réo rắt khiến người nghe cảm thấy tinh thần nhẹ nhõm nghe tiếng thê lương.
Ngô Cương thộn mặt ra, chàng tự nhủ:
– Ai vậy? Ai đã vào chốn thâm sơn bí cảnh này cất lên tiếng hát giữa cảnh khuya tịch mịch? Tiếng hát như gần như xa, không hiểu là đến từ giữa hồ hay trên bờ. Ngô Cương lắng nghe bài hát hết lần này đến lần khác, nhận định đây ắt hẳn là lời một người phụ nữ bị ruồng rẫy, cũng có thể là tiếng sóng lòng của một cô gái.
Đột nhiên, chàng chợt nghĩ đến một chuyện, gai ốc toàn thân chợt nổi lên: Tiếng hát này là của người hay quỷ? Nếu không phải là người thì là ai …
Tiếng hát ai oán trong trẻo vang lên không lấp được nỗi sợ hãi đang dâng lên trong chàng. Chàng cảm thấy toàn thân rung lên bần bật, bàn tay toát mồ hôi hột.
– Nếu tiếng hát phát ra tự quỷ nữ, thì quỷ nữ này lại không có dáng, có hình…
Qua một lúc khích động, chàng tự lý luận rồi từ từ bình tĩnh lại. Tiếng hát vẫn vang lên không ngớt, khiến người nghe như tỉnh như mê.
Bóng trăng ẩn xuổng sau ngọn núi mé tây. Toàn thể hồ nước đã chìm đắm trong bầu vũ trụ tối đen. Tiếng hát cũng theo ánh trăng lặn mà trầm trầm rồi im bặt. Một cảnh tịch mịch quạnh hiu khiến cho người ta không tự chủ được.
Ngô Cương suốt đêm không ngủ. Chàng ngồi đợi trời sáng.
Trời sáng. Nỗi khủng khiếp ban đêm tan biến hết. Ngô Cương muốn bỏ đi, nhưng lại không bỏ được một tiên cảnh nhân gian. Chàng tự hỏi:
– Nếu mình ở lại không biết có chuyện gì xảy ra không?
Tính hiếu kỳ thúc bách chàng ở lại để tìm cho ra sự thật về tiếng hát đêm qua. Chàng ăn một bữa no rồi lại đi dọc bờ hồ tìm kiếm, không bỏ sót một điểm khả nghi nào.
Giữa ban ngày, bao nhiêu nỗi khẩn trương không còn nữa. Nhưng hết ngày lại đến đêm, chàng không tìm được chút đầu mối nào, đành quay về chỗ huyệt động trên vách đá.
Ánh trăng vừa soi tỏ, tiếng hát lại vang lên.
Ngô Cương đánh bạo lần theo hướng tiến hát tìm đến. Nhưng chàng đi hết một vòng bờ hồ mà vẫn không nhận định rõ được tiếng hát phát ra từ phương nào. Chàng thừ người ra quay về huyệt động.
Sau cùng chàng đoán chắc tiếng hát phát ra từ trên hòn đảo nhỏ giữa hồ. Đảo cách bờ hồ chỗ gần nhất cũng ngoài bảy chục trượng, không có cầu cũng không có đò, không hiểu người đàn bà đó làm thế nào ma ra đảo được, chẳng lẽ y cách biệt thế gian đã lâu rồi, vĩnh viễn ở trên đảo này. Không biết y là người hay ma?
Suốt ba ngày ba đêm, chẳng có chuyện gì xảy ra. Chỉ khi trăng sáng là tiếng hát lại nổi lên. Chỉ có một bài ca, hát xong là lại bắt đầu lại.
Ngô Cương sau ba ngày ba đêm khẩn trương, chàng không nhẫn nại được nữa. Toàn bộ tâm niệm của chàng bị tiếng hát kia kiềm chế. Chàng cần phải quyết định: bỏ đi hay ở lại?
Sau một thời gian suy nghĩ, chàng quyết định ở lại, nhưng không lý gì đến tiếng hát nữa.
Đến ngày thứ tư, chàng bắt đầu trấn tĩnh tinh thần, tập trung tu luyện thần công trong tấm huyết thư.
Nửa trước tấm huyết y là Thiếu Dương thần công. Chàng theo yếu quyết bắt đầu nghiên cứu luyện tập. Đột nhiên chàng cảm thấy trong kinh mạch xuất hiện một luồng khí nghịch lưu, có đường đi trái ngược với khí lưu của Thiếu Dương thần công. Tình trạng nghịch chuyển khí tức đó khiến chàng cảm thấy rất lo lắng bồn chồn.
Sau khi ở cùng với Yêu Vương bốn tháng, chàng cũng đã có những kiến thức khá sâu về căn nguyên võ công. Chàng nhận thức rõ ràng võ công của Yêu Vương truyền thụ nhất định mâu thuẫn với Thiếu Dương thần công.
Nếu bây giờ bỏ không luyện võ công trên Huyết Y kỳ thư thì chàng quyết chẳng cam tâm. Chàng hận mình trước đây đã không kiên quyết cự tuyệt mà lại theo học võ công của Yêu vương.
Ngô Cương thử hết lượt này đến lượt khác mà vẫn không sao trừ bỏ được tình thế xung đột đó, cứ mỗi lần vận khí là chàng lại chịu một lần đau khổ. Hiện tại, công lực chàng luyện của Nhất Yêu trội hơn, nên thường đánh tan luồng khí dương cương do chàng luyện từ Thiếu Dương thần công ra.
Ngô Cương toan triệt bỏ võ công của Yêu Vương trong người nhưng không làm được. Nội thể chàng đã ngưng kết thành một luồng chân khí mà đường vận chuyển hoàn toàn phản lại với đường lối của Thiếu Dương thần công. Hai luồng chân khí hoàn toàn bài xích nhau, không ngừng tranh đấu với nhau quyết liệt, không sao hợp nhất lại trong nội thể.
Ngô Cương không ngừng suy nghĩ tính toán, thậm chí chẳng quản đến đau đớn ngày càng gia tăng, nhiều lần thử ra sức hợp nhất hai luồng chân khí trên lại. Ngày tháng trôi qua vùn vụt, Ngô Cương không nhớ mình đã vào đây bao lâu, chỉ cảm thấy mình luyện công theo khẩu quyết trên tấm Huyết y đã dẫn đến tình trạng hai luồng chân khí tranh đấu nhau ngày càng dữ dội, và hiện giờ hai bên đang ở thế quân bình.
Việc chuyên tâm rèn luyện nội công khiến cho Ngô Cương cuối cùng cũng ngộ ra là hai luồng chân lực này tuyệt chẳng bao giờ chịu dung hợp nhau, nếu cố công hợp nhất chúng lại thì rất có thể đưa đến hậu quả tẩu hỏa nhập ma, không chết cũng thành tàn phế. Vấn đề này khiến cho Ngô Cương lao tâm khổ tứ suy nghĩ mấy ngày trời, chàng tự hỏi:
– Có nên mại hiểm sinh mạng không? Nếu thành công, mình sẽ có bản lãnh quán tuyệt thiên hạ, nhược bằng thất bại thì mọi sự đều kết thúc.
– Phế bỏ võ công Huyết Y kỳ thư chăng? Như vậy thì sở học hiện tại của mình lại không đủ để đối phó với kẻ thù có võ công cao cường và các môn phái. Bằng không bỏ thì chỉ có đường mạo hiểm, không có cách nào khác.
Ngô Cương đem tinh thần Kinh Kha “Tráng sĩ một đi không trở lại”, quyết định mạo hiểm một phen. Chàng dùng chưởng lực đánh tan cửa động, lại lấy đá xếp vào bịt kín để phòng khi thất bại uổng mạng thì thạch động này sẽ là nơi chôn thây, việc bình tĩnh chuẩn bị sẵn cái chết như vậy không phải người thường nào cũng làm được.
Phong tỏa cửa động xong xuôi, Ngô Cương ngồi xếp bằng vận nội công. Hai luồng chân khí âm dương gặp nhau ở Đới mạch phía sau lưng, xung kích nhau mãnh liệt làm gân cốt cùng cơ thịt toàn thân chàng co rúm lại, các khớp xương dường như lìa khỏi vị trí, mồ hôi chàng tuôn ra ướt đẫm áo. Bất thình lình toàn thân chàng giật nảy lên như bị sét đánh, trí óc trở nên lờ mờ, trong thâm tâm chàng vụt xuất hiện ý nghĩ:
– Mạng ta đến đây là kết thúc.
Rồi chàng mê man đi không biết gì nữa.
Không biết trôi qua bao nhiêu thời gian, Ngô Cương dần dần hồi tỉnh lại. Ý thức được mình vẫn còn sống, chàng nhủ thầm: “Có lẽ đây chính là ý trời”. Chàng đã thành công. Hiện giờ toàn thân chàng chân khí đầy rẫy, thân thể chàng nhẹ bỗng như muốn bay bổng lên không trung.
Ngô Cương ngơ ngẩn ngồi dậy, không biết làm gì. Chờ cho cơ thể hoàn toàn phục hồi, chàng đứng phắt dậy, vung tay phóng chưởng ra mở cửa động mà chàng đã tự tay phong tỏa khi trước.
Bóng trăng dìu dịu soi vào huyệt động. Bỗng chàng lại nghe tiếng ca thần bí cất lên:
Ly biệt rồi sinh tử bâng khuâng,
Tình chưa hết, ý chưa quên,
Chưa quên tiên phủ ngọn đèn hồng
……………..
Ngô Cương tâm tình kích động, kêu to:
– Ta không chết đâu! Ta đã thành công rồi! …
Chàng cứ thế khoa tay múa chân reo mừng hệt như trẻ con trên vách đá.
o O o
Thu hết, đông tàn, thấm thoát đã qua nửa năm. Đối với những người nhàn rỗi thì quãng thời gian này khá dài, nhưng với những kẻ chuyên tâm công việc không lúc nào ngơi nghỉ thì chỉ như một cái chớp mắt mà thôi. Ngô Cương trong quãng thời gian này đã luyện thành tựu “Thiếu Dương thần công”, đồng thời cũng đã hiểu thấu được “Tham hóa kiếm pháp”. Võ công thành tựu, ý chí báo thù lại trỗi dậy trong chàng. Lúc chàng luyện võ, tâm chàng yên tĩnh như mặt nước hồ, nửa năm trôi qua mà chàng vẫn không hay biết. Nhưng bây giờ ngồ một ngày trời cũng khiến cho chàng cảm thấy bứt rứt, không nhẫn nại được.
Ngô Cương quyết định quay lại giang hồ. Bộ quần áo chàng mặc trong mình khi vào núi giờ đã không thể dùng được nữa. Chàng lấy ra bộ đồ nho sinh một xanh một trắng chàng đã mang từ đồn lính mặc lên mình, trân châu cùng tiền vàng chàng đeo trước ngực. Như vậy là chàng khỏi cần phải mang theo bọc cho thêm phiền. Những đồ đạc vặt vãnh còn lại chàng để trong động.
Đêm nay cũng là đêm trăng tỏ, nhưng trời lạnh làm ặt nước hồ đóng băng. Nguyệt sắc cũng trở nên ảm đạm thê lương.
Ngô Cương đã chuẩn bị sẵn sàng để sáng mai lên đường sớm.