He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Tiêu
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: kmejoko
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3177 / 29
Cập nhật: 2016-03-29 17:21:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
ùa gặt tháng năm đã đến, đem lại cho thôn quê một cảnh tưng bừng, rộn rịp.
Tờ mờ sáng, trên các đường làng, trong các ngõ xóm, những thợ làm lũ lượt, bọn năm, bọn bảy, hái buộc bằng những sợi lạt vào đòn xóc vác trên vai, tay áo vén quá khuỷu, quần xắn lên quá gối, để lộ những bắp thịt rắn chắc và đỏ sẫm, vừa đi vừa trò chuyện. Những tiếng cười trẻ trung, những tiếng nói mạnh mẽ vang trong không khí mát. Trên các nóc nhà bếp, những tia khói lam bay tỏa trong sương, quyện vào các khóm tre, khe lá.
Những cô gái quê sắp sửa quang gánh đem cơm cho thợ làm. Nhiều cô trẻ đẹp và hơi có tính lẳng lơ cũng sắp đem những nụ cười tình tứ kèm với những câu vớ vẩn để quyến rũ bọn trai tơ. Vì thế mà sau mỗi mùa gặt lại có những chuyện tình duyên trai gái trong làng. Hết thảy các cô đều hớn hở, náo nức trong lòng duy một mình Hĩm là khác hẳn.
Tâm hồn Hĩm rạo rực, xao xuyến vì nóng gặp anh người nhà xinh trai. Từ ngày trở về quê mẹ. Hĩm sống trong chờ đợi. Chẳng sáng nào là Hĩm không thức dậy với hình ảnh người yêu. Tâm tình Hĩm thay đổi không chừng. Có lúc Hĩm đùa bỡn nghịch ngợm như trẻ thơ, có lúc Hĩm yên lặng ngồi trầm ngâm, có lúc Hĩm tai ác, chòng ghẹo trẻ cho đến khóc rồi cười ngặt nghẽo, có lúc Hĩm cau có gắt gỏng với hết thảy mọi người...
Mẹ Hĩm thấy Hĩm có nhiều tính khác thường, một hôm phàn nàn với Vót:
- Bác ạ, cái Hĩm bây giờ làm sao ấy. Tôi chỉ sợ cứ thế mãi rồi cháu nó thành điên mất.
Vót cười gượng:
- Sào! Cái tuổi mười chín đôi tươi vẫn thế. Chẳng sao cả.
- Ngày xưa bác cũng thế ạ!
Vót cười:
- Cũng gần như thế. - Thực thì Vót cũng cùng một ý tưởng như bà lý, sợ lâu ngày Hĩm thành điên, và đem lòng thương hại.
Nhưng rồi bà lý cũng quen mà chỉ nghĩ đến đời hiện tại của Hĩm. Bà giục Hĩm về với ông nghị, với con. Thoạt đầu Hĩm tỏ ý nhất định bỏ ông nghị, không bao giờ trở lại nữa. Sau thấy mẹ buồn vì mình. Hĩm khất lần, mai rồi lại mai.
Sáng hôm nay, khác hẳn mọi sáng, Hĩm trang điểm cẩn thận, lấy chiếc áo vải đồng lầm với chiếc quần nái mẹ vừa may cho, đem ra mặc rồi xăm xăm ra cổng.
- Đi đâu thế, con? - Bà lý lấy làm lạ thấy con ăn mặc, trang điểm hơn mọi ngày.
Hĩm dừng bước quay lại, tươi cười, nói:
- Con ra xem ruộng nhà lúa đã chín chưa để liệu ngày thuê thợ gặt.
- Ừ, nhưng con có nhớ ruộng nhà không?
Hĩm cười:
- Gớm! Sao lại chẳng nhớ! Mới vắng có ba bốn năm trời mà bu làm như lâu lắm rồi.
Hĩm thoăn thoắt bước mau. Mẹ Hĩm đứng cổng nhìn theo, nhủ thầm: “Trông con bé không đến nỗi vất vả khổ sở thì phải!” Hĩm chau mày mỗi khi gặp người chào Hĩm bằng cô nghị. Đến đầu làng, Hĩm quanh quẩn đi đi lại lại ngóng đợi. Một bà đội thúng đi chợ xã, dừng bước, hỏi:
- Cô nghị đi đâu đấy?
Hĩm không bằng lòng trả lời buông thõng:
- Tôi đi thăm đồng.
Bà kia chỉ tay, nói:
- Ruộng bà lý ở tận đằng kia, sau Văn Chỉ cơ mà. Cô nghị nhầm rồi.
- Thế à! - Bà kia đi, Hĩm cười nhạt nhẽo.
Bỗng một bọn thợ ở xa đi lại. Hĩm chẳng thấy người yêu đâu. Một người quen chào hỏi.
- Cô nghị đi đâu sớm thế? - Hĩm không trả trả lời, nghĩ thầm: “Sao trong làng mình, họ trọng vọng cái chức nghị hờ hững của mình thế! Họ có biết đâu mình không bằng con ở nhà ông nghị”. Và Hĩm nhếch một nụ cười đau đớn và chua xót...
Lại một bọn đằng xa, Hĩm đứng đợi với một ý tưởng thất vọng theo sau. Bọn ấy qua, Hĩm dằn lòng đợi bọn khác... cho đến khi trên đường cái chỉ còn lẻ tẻ một vài người đi chợ. Hĩm buồn rầu rẽ xuống bờ ruộng đi về lối Văn Chỉ, thỉnh thoảng ngoái cổ lại xem họa may còn sót bọn nào chăng. Hĩm nhìn qua ruộng nhà một lượt, rồi chán nản trở về.
- Ruộng nhà gặt được chưa, con?
Hĩm cố làm ra vui vẻ, đáp:
- Chưa, bu ạ. Chừng dăm hôm nữa mới chín.
Rồi lảng xuống bếp giúp con ở làm cơm. Ba sáng liền, Hĩm cùng trở về với nỗi thất vọng, với cái vui gượng ngoài mặt. Cả ngày, Hĩm thờ thẫn như người mất hồn, động mó việc gì bỏ dở việc ấy. Mẹ Hĩm chiều con, không trách mắng, nhưng hôm nào cũng giục Hĩm về với ông nghị, để Hĩm lại khất lần: “Xong gặt thế nào con cũng về đằng ấy”.
Một buổi chiều, vào lúc sâm sẩm tối, một anh thợ trai trẻ ăn mặc gọn gàng, vác đòn càn với hái đứng cổng gọi: “Có ai trong nhà cho tôi trọ một tối”. Hai con chó sồ ra sủa. Hĩm mừng quýnh, chạy vội ra cổng, hai chân díu lại, suýt ngã. Hĩm bật ra một tiếng “anh” rồi tái mặt đi. Hĩm cảm động quá. Anh thợ mặt đỏ bừng, cặp mắt sáng quắc nhìn Hĩm chòng chọc.
Mẹ Hĩm ở trong nhà bước ra, đứng trên thềm hỏi:
- Ai thế, con?
- Bác thợ làm ở trên Hu Trì xin vào trọ một tối đấy, bu ạ.
- Bảo bác ta sang trọ bên bà khán ấy. Nhà có cho ai trọ đâu.
Hĩm nhanh trí bịa đặt để lấy cớ giữ người yêu mong ngóng hằng tháng nay:
- Bu cứ cho bác ấy trọ, bu ạ. Con quen đấy mà. Mấy năm trước bác ấy vẫn gặt ở đằng ông nghị. Nhân tiện nhà còn hai thúng gạo chưa giã, để bác ấy giã thay vào công trọ.
- Ừ cũng được... Bác ấy có giã giúp ít nào thì giã chứ công với xá gì!
Anh thợ trẻ hớn hở đi vào, mồm leo lẻo:
- Được ạ. Cháu giã thì khỏe lắm, cả đêm cũng được, không chồn chân bao giờ. - Anh liếc nhìn Hĩm, nhếch mép cười ranh mãnh.
Hĩm đỏ mặt, cười theo, thì thầm: “Phải gió” và lườm anh chàng một cái rất tình. Trời chập choạng tối, bà lý chẳng biết gì hết.
Đêm ấy, Hĩm ngồi lỳ dưới bếp, vừa sàng sẩy vừa chuyện trò với anh trai trẻ giã gạo. Hĩm cười như nắc nẻ, nói như thánh thán, quên cả mẹ với hai em quanh quẩn gần đấy. Trong trí Hĩm không lúc nào nghĩ đến nỗi ngờ vực của họ.
Những lúc vắng, anh trai trẻ vừa giã vừa kể:
- Từ ngày Hĩm trốn đi, anh ngẩn ngơ nhớ, rồi chưa đây nửa tháng, anh tìm cớ thôi, không làm cho ông nghị nữa. - Anh ta nói thêm về cô em, con ông nghị - Cô em xem chừng cảm mình lắm. Lúc mình ra đi, cô em đứng cửa nhìn theo, thờ thẫn cả người.
Hĩm bĩu môi, chê:
- Xấu như ma, ác như quỷ mà lại hay làm bộ.
Anh trai trẻ kể tiếp:
- Anh đã lên Cẩm Phả tìm đến người em họ làm mỏ. Người ấy đã xin được cho anh chân bắn cốt mìn. Anh đã nhận lời và xin khất đến sau mùa gặt.
- Em thấy nói bắn cốt mìn nguy hiểm lắm cơ mà. Sao anh lại làm công việc ấy?
- Họ nói thế chứ nguy hiểm quái gì. Với lại người ta làm được thì mình cũng làm được. Rồi xem, có công việc gì lợi hơn mình thay đi chứ sao.
Bà lý xuống bếp. Hai người nói lảng sang chuyện khác.
Bà lý nói:
- Khuya rồi, cô nghị đi nghỉ thôi. Bác giã xong chưa?
- Thưa cũ, cháu giã xong rồi. Cụ còn công việc gì để cháu giúp.
- Thôi thế bác cũng đi nghỉ để mai còn lấy sức đi làm sớm.
Bà thấy hai người thân nhau quá, sinh ngờ, nhưng bà nghĩ ngay: “Có khi nào!”
Hĩm đứng dậy vươn vai:
- Chào bác Nghị - Rồi quay lại cười với mẹ - Tên bác là Nghị đấy, bu ạ. Từ nay bu chớ gọi con là cô Nghị kẻo là nhầm vợ bác ta mắt.
Bà lý ngạc nhiên, nhìn người trai trẻ:
- Tên bác là Nghị à?
- Vâng tên cháu là Nghị! - Anh ta không dám nhìn Hĩm cười, sợ mẹ Hĩm sinh nghi. Vì Hĩm bịa đặt ra thế chứ thực tên anh ta là Thu.
Sáng sớm hôm sau anh trai trẻ vác đòn xóc và hái ra đồng. Hĩm cũng xin phép mẹ đi thăm ruộng. Hai người song song vừa đi vừa nói những câu chuyện bâng quơ và cũng thấy nhẹ nhàng, khoan khoái...
Không khí trong như pha lê, cỏ cây xanh như ngọc thạch. Tiếng chim đua nhau hót thành một khúc đàn muôn điệu để hòa nhịp với tâm hòn phơi phới của cặp uyên ương.
- Anh đã có ai đón chưa?
- Chưa, anh cũng chẳng cần ai đón. Anh muốn cùng em suốt ngày lẫn vào các khe lúa. - Hai người nhìn nhau cười. Những nụ cười đầy ý nghĩa, Hĩm mê man không lưu tâm đến những tiếng chào “cô nghị” của những người làng quen thuộc. Anh trai trẻ phát cáu, nói gắt - Sao họ chào em bằng cô nghị mà em cứ để yên.
- Thây kệ họ. Ta rẽ xuống ruộng lúa cho rảnh mắt. - Lúc ấy cặp uyên ương vừa ra khỏi đầu làng. Chung quanh cánh đồng man mác. Những lũy tre xa xa như những cù lao xanh rì nhô lên khỏi mặt bể vàng chóe. Bầu trời lơ biếc với những khối mây trắng nõn như những nạo bông.
Cặp uyên ương tự trên đường làng rẽ xuống rồi biến vàp trong bể vàng.
- Hôm nay sao con về muộn thế? Trưa rồi còn gì.
- Con tạt vào chợ xem có tôm cá gì không để mua cho thợ làm vì mai ruộng nhà gặt được rồi đấy bu ạ. Con đã dặn bác Nghị với bốn người thợ nữa rồi.
- Ô hay! Thế mà con chẳng mua thứ gì về, mai lấy gì cho họ ăn?... Thôi được, để bu sang bác xã Khoan vay ít cá mòi khô cho họ ăn tạm bữa sáng cũng được. - Bà muốn chóng gặt xong để Hĩm còn trở về nhà ông nghị.
Sâm sẩm tối đã thấy anh trai trẻ vác đòn xóc cùng hái trở về. Hai con chó hình như đã quen hơi, cắn mấy tiếng rồi đi vào nằm mỗi con một xó. Đêm ấy cũng như đêm trước, câu chuyện của anh chị kéo dài cho mãi đến khuya.
Sáng hôm sau, Hĩm dậy thật sớm. Vả lại Hĩm trằn trọc suốt đêm có ngủ được đâu. Có lần Hĩm đã ngồi nhổm dậy, định mở cửa, liều xuống nhà ngang với anh trai trẻ nhưng sợ mẹ biết lại thôi.
Hĩm chạy lên chạy xuống tươi như hoa, nhanh nhẹn như con vành khuyên, cười nói nhí nhảnh với hết thảy mọi người.
Ông lý, cả ngày hôm trước lẫn cả ngày hôm sau, ở lỳ trong đám khao ông cựu mới, đánh tổ tôm và hút thuốc phiện. Thằng Chút xin phép nghỉ học để đi coi lúa. Thấy chị nó vui vẻ, nó sung sướng lắm, lúc nào qũng quấn quít bên chị. Nó có biết đâu rằng nó đã làm ngăn trở chị nó. Một lần chị nó khó chịu phát gắt, cốp sẽ vào đầu: “Chút! Không sắp sửa điếu đóm, bù dùi, cứ lẩn quẩn bên chị, mất cả công cả việc”. Chút xoa đầu phụng phịu rồi vâng lời chị, chạy xuống bếp ngồi bện bù dùi. Bọn thợ gặt vừa đến ăn uống xong cùng anh trai trẻ và thằng Quy ra đồng. Hĩm cũng sắp quang gánh mang nước cho thợ làm. Hĩm không thể xa vắng người yêu, dẫu chỉ một chốc lát.
Mấy người thợ được cô nghị săn sóc lấy làm hãnh diện. Họ vẫn một điều cô nghị, hai điều cô nghị, làm cho Hĩm khó chịu nói:
- Từ nay các bác đừng gọi tôi là cô nghị, tôi không thích đâu, cứ gọi tôi là chị Hĩm kẻo rồi - Hĩm nhìn anh trai trẻ cười - người ta lại nhầm tôi là vợ anh Nghị đây này.
Mọi người nhìn anh trai trẻ. Một người nói:
- Có, chúng tôi đâu dám thế!
Anh trai trẻ cười nói:
- Thì chúng ta cứ chiều lòng cô nghị, gọi là chị Hĩm cũng được. - Anh ta ngồi ung dung trên bãi cỏ, gọi như hạch sách - Chị Hĩm ơi! Rót cho tôi bát nước!
- Dạ, thưa anh, nước đây ạ. - Và Hĩm cầm bát nước chè nóng nâng hai tay, cúi xuống đưa đến tận mồm - Mời anh xơi nước.
Mọi người cười rất vui vẻ, rồi từ đấy họ cứ chị Hĩm mà gọi, trước còn ngường ngượng vì họ vẫn kính nể cô nghị, coi cô nghị như một bà cao quý lắm. Phải, cả huyện đã có mấy quan nghị. Gần bằng quan huyện cơ mà. Sau thấy Hĩm dễ dãi, nhí nhảnh, có phần lẳng lơ nữa, họ quen dần. Một anh trẻ nhất trong bọn dám bạo dạn ví von, suồng sã với cô nghị. Mọi khi anh trai trẻ hát xong, anh cất tiếng hát theo. Tiếng anh trong trẻo vang cả một khoảng đồng. Xa xa những tiếng hát khác vẳng tới như họa lại. Nhờ thế mà buổi gặt không đến nỗi tẻ.
Chiều. Phương tây đỏ ối như cháy. Một làn sương tỏa ra như bụi làm cho các màu dịu đi, mờ tối dần. Trên đường thợ gặt lũ lượt gánh lúa rảo về làng. Tiếng lúa đập vào nhau, rào rào như mưa.
Bọn thợ của bà lý đã về tới nhà, đương đập lúa trên những cối đá thủng và trên những vại đất úp. Bà lý đã mượn thêm ba cô giúp việc cho chóng xong để mai còn phơi phóng. Ba cô cầm những bó lúa đập rồi, rũ tơi và dàn ra khắp sân. Họ vừa làm vừa chuyện trò, đùa cười như nắc nẻ. Hĩm cũng nhập bọn để cười góp và nhất là để trêu ghẹo, cớt riễu bọn trai.
- Các chị hát lên!
- Cô nghị hát trước để chúng em theo - Và họ sung sướng được cô nghị nhập bọn.
- Ừ nhé! Tôi hát rồi các chị hát sau nhé! Nhưng mà các chị đừng gọi tôi là cô nghị cơ. Tôi không thích. Cô nghị ở đâu chứ ở đây không có cô nghị. Gọi tôi bằng chị Hĩm. Bảo ngoan nhé!
- Vâng, thế chị Hĩm hát đi! - Rồi chị em khúc khích cười.
- Nào hát! - Hĩm đằng hắng mấy cái rồi cất cao giọng hát lanh lảnh. Hĩm hát lên bổng xuống trầm, hay quá. Bọn thợ vừa đập vừa lắng tai nghe. Chị em thì thầm: “Cô nghị hát khá nhỉ, chúng mình khó lòng theo kịp”. Xong câu hát Hĩm hát thêm: “Ba đồng... một quả hồng dài... Bên ấy có tài thì cất tiếng lên”.
Bên trai yến lặng nhìn nhau cười. Hĩm hát tiếp luôn:
- Cất lên... một tiếng mà chơi... Cất lên tiếng nữa ăn cơi... giầu đầy. - Bên trai vẫn yên lặng. Hĩm nhìn anh trai trẻ giục - Anh Thu! Anh Thu! Cất tiếng lên rồi chúng em đãi cơi giầu đầy - Bọn trai ngơ ngác nhìn nhau. Anh nào là anh Thu?
Anh trai trẻ nhận tên mình. Anh trẻ nhất trong bọn hỏi:
- Sao ban nãy mình bảo tên mình là Nghị?
- Ấy trước tên tớ là Nghị, rồi sau tớ làm cho ông nghị họ mới đổi tên tớ là Thu. Vậy Thu cũng là tớ mà Nghị cũng là tớ. - Nói xong anh cười ranh mãnh.
- Thế chị Hĩm giục đằng ấy hát thì đằng ấy hát lên.
- Sao lại chả hát, nhưng để tớ lấy giọng đã nào. - Nghĩ một lát rồi anh trai trẻ cất tiếng:
Hôm qua... anh đến nhà chơi...
Thấy “cậu” nằm võng thấy “cô” nằm giường...
Thấy em... nằm đất anh thương
Anh về... mua gạch bát tràng anh xây...
Hĩm cảm động, đứng đờ người ra, đăm đăm nhìn người yêu. Hĩm biết người yêu đã chú ý đổi hai chữ “mẹ cha” ra làm “cậu cô” để nhắc lại những đêm Hĩm ốm nằm dưới bếp và tiếp liền những đêm ân ái cùng nhau. Tim Hĩm đập mạnh, người Hĩm nóng ran, tay chân Hĩm bủn rủn và cặp mắt, Hĩm sáng ngời, ướt lên, vì xuân tình bồng bột.
Người trai trẻ hát xong, anh trẻ nhất cất giọng hát liền theo. Anh ta hát trong hơn, dịu dàng hơn, nhưng Hĩm còn bận với tình yêu rào rạt trong lòng.
Chị em trở nên bạo dạn. Một chị chừng có tình ý với anh trẻ nhất, cất giọng hòa lại. Rồi tiếng hát từ chị nọ chuyền sang chị kia như một đàn chim ganh nhau hót.
Vót đi chợ Hộ về thấy tiếng hát vang bên hàng xóm, vội đi sang. Lũ cháu cùng theo sang với bà. Bà lý chạy ra mời ngồi trên thềm uống nước, ăn trầu, nghe hát. Lũ trẻ thích chí đuổi nhau, lăn lộn trên đống rơm tươi. Vót quát mắng: “Mẹ chúng mày vừa tắm rửa cho chúng mày đẩy nhé. Liệu mà rồi lại cái roi vào đít”. Nói thế mà Vót vẫn để mặc chúng nó đùa, quay vào nói chuyện làm ăn với bà lý, hoặc lắng tai nghe bọn thợ hát.
Ngày xưa còn trẻ, Vót rất thích hát đúm. Năm nào cũng vậy, cứ đến rằm tháng Tám, Vót nhập bọn với chị em đi sang làng Tiên hát giải. Bọn gái được Vót, sung sướng, phấn khởi như mở cờ. Bọn trai thấy Vót, đâm ra nát đảm, nhụt cả nhuệ khí. Vì anh em đã biết tiếng Vót đứng đầu bọn nào là bọn ấy đắt trai. Từ ngày Vót đi lấy chồng, ít khi thấy Vót đi hát đúm và khi đã có tuổi, có con cái, Vót nghỉ hẳn nhưng vẫn thích nghe hát.
- Sáng mai các bác sang bên tôi gặt hộ vài buổi nhé. Cả ba cô nữa. Rồi tôi treo giải thưởng. Bên nào được, tôi đãi cơi trầu đầy.
Ba cô thích chí cười khúc khích. Một cô bạo dạn nói:
- Xin cụ cho cả cô nghị nhập bọn chúng cháu, không có chúng cháu thua mất.
- Ừ, cả cô nghị nữa càng hay. Bọn trai họ những năm người kia mà.
Hĩm đang cúi xuống rũ rơm, đứng thẳng người lên, cười nói:
- Thưa bác, cô nghị không biết hát, chỉ có cháu Hĩm của bác biết hát thôi, bác ạ.
Vót cũng cười:
- Ừ thì cháu Hĩm... Cháu Hĩm cũng sang hát góp cho vui nhà.
Một cô trong bọn nói để lấy lòng Hĩm:
- Có cô nghị vào thì bọn chúng cháu chả sợ thua.
Hĩm chau mày, gắt sẽ:
- Nghị, nghị nào ở đây. Rõ khéo nhà chị này.
Chị kia cười, cũng nói sẽ:
- Ừ thì chị Hĩm. Cô nghị khó tính quá nhỉ.
Bà lý vui lây, quay ra nói với cả mọi người:
- Các người này! Bà xã nhà tôi hát hay và giỏi lắm đấy. Ngày xưa bà ta đi giựt giải bốn năm lần.
Vót thủng thỉnh đáp lại:
- Có thế thật. Nhưng bây giờ già quên nhiều câu hát rồi. Khó lòng mà địch được các bác ấy.
Chồng Con Chồng Con - Trần Tiêu Chồng Con