A book is to me like a hat or coat - a very uncomfortable thing until the newness has been worn off.

Charles B. Fairbanks

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ặp lại Katia, Pierre thấy tim mình tan nát bởi một cảm giác hòa trộn giữa nỗi đau bị cứa sâu thêm và lời hứa hẹn về một khoảnh khắc hạnh phúc tức thì, bất diệt. Cậu ngắm khuôn mặt cô, vẫn y nguyên, đúng là khuôn mặt xuất hiện trước mặt cậu ở cổng căn nhà tại Saint-Gabriel, vào cái ngày hè năm 1940 ấy, khi cô đến thông báo rằng bố cậu đã chết. Cậu nhớ lại cơn giận kìm nén nhưng cũng nhớ chuyện cậu đã cố bảo vệ cô trước mẹ mình, theo bản năng - nhớ chuyện cậu hận cô vì những lý do hiển nhiên, vừa hận vừa ngưỡng mộ, thậm chí đã ham muốn cô trước khi biết từ ham muốn có nghĩa là gì. Những thông tin ít ỏi của Costes lẽ ra phải làm sáng tỏ điều bí ẩn thì lại khiến nó dày đặc thêm. Sáu năm qua, cô chẳng hề thay đổi - có lẽ còn đẹp hơn - còn cậu thì, như người ta thường nói theo lối sáo rỗng, “đã trở thành một người đàn ông”. Khao khát chinh phục cô, niềm tin chắc mình có thể làm được thế tạo nên nỗi khoan khoái choán khắp người cậu; chuyện gì có thể xảy ra sau đó, chuyện gì đằng sau, chẳng có gì quan trọng hết. Katia cũng cảm động - vừa buồn bã, vừa vui sướng.
Họ cứ nhìn nhau như vậy mà không thể nói nên lời, tại quầy rượu vẫn còn yên tĩnh của khách sạn Métropole, họ lặng lẽ nghiền ngẫm một chuỗi những kỷ niệm và những chuyện lằng nhằng mà họ không thể gợi ra hay chia sẻ cùng ai khác.
Costes lẩn đi và Katia kể cho Pierre nghe về cuộc đời mình. Cô rời nước Nga khi còn nhỏ, học múa và học nhạc tại Paris, sơ tán về Marseille, rồi về Bayonne giữa cơn hỗn loạn hồi tháng Sáu năm 1940. Những cảnh tượng mà cô đã trải qua không thể tàn bạo và cảm động hơn, cao thượng và đê hèn hơn. Cô đã được lên một trong những chuyến tàu thủy cuối cùng đi Bồ Đào Nha, rồi tại Lisbonne chờ một chuyến vượt biển đi Mỹ, chờ cho đến nôn nao giữa đại dương, cảm thấy nhỏ lại, bị đè nén bởi sự bé nhỏ của cái đất nước trước đây chỉ trở nên to lớn thông qua sức mạnh đơn thuần từ những giấc mơ của cô và cất trong trái tim một nỗi nhớ khôn nguôi.
Đến được Mỹ rồi, cô lao vào cái xứ sở mới này - đất nước thứ ba của cô - cứ như cô có thể nhấn chìm ở đó cả quá khứ, cả tình yêu, và cả ngôn ngữ của mình... Cô thầm thì và cậu lắng nghe mê mải, đã si mê và biểu lộ ý muốn không để cô ra đi.
Cô nói với cậu rằng trong phòng ngủ của mình tại Brooklyn, cô thức suốt đêm với sách vở, nhắc lại các từ không mệt mỏi, gạch dưới các thành ngữ, nhắc lại các câu thơ của W.H. Auden:
Hell is neither here or there
Hell is not anywhere
Hell is hard to bear.
Địa ngục chẳng ở đây cũng chẳng ở đó
Địa ngục chẳng ở nơi nào
Địa ngục làm sao chịu thấu.
Cô si mê tiếng Anh, từ phép ẩn dụ các hình ảnh tục tĩu của ngôn ngữ đường phố cho đến vẻ đẹp như sét đánh của thi ca. Vô cùng say mê, bây giờ cô có khả năng nói, và nhất là viết, súc tích đến kỳ lạ. Cô coi nhà văn Joseph Conrad, tên thật là Korzeniowski, là thần tượng của mình.
Nhờ vốn tiếng Pháp và tiếng Nga, cô vào làm việc cho hãng thông tấn Reuters, và cuối cùng ở lại đó nhờ vốn tiếng Anh cùng khả năng diễn tả được mọi chuyện với rất ít từ, nhờ việc cô ghét pha loãng những câu chuyện bằng mớ hổ lốn những lời bình và tình cảm dạt dào: ngược lại cô thể hiện một sự khô khan đáng kinh ngạc, che đậy nơi sâu kín nhất trong trái tim mình (in her heart of hearts, một cách diễn đạt học được từ nhà văn Trollope, cô thấy nó lỗi thời một cách tuyệt vời) tất cả những gì có thể bộc lộ tâm hồn cô vốn đã quá lãng mạn vì sự hòa trộn giữa Xlavơ và Pháp. Cô sống như tu sĩ, hầu như không nhận lời uống một ly whisky nào sau giờ làm việc, giữ khoảng cách với tất cả những gì từa tựa như trò quyến rũ, chỉ đùa cợt nghiêm túc với những người đàn ông đã có vợ với điều kiện vợ của họ ở gần đó, tìm lại khả năng khiêu vũ của mình để lánh xa những kẻ độc thân.
Cô cảm thấy mình già, già khủng khiếp, có cảm giác đã để thất lạc trên đường biết bao cuộc đời mà cô không có điều kiện chăm lo: cuộc sống của bố mẹ cô, cuộc sống của người anh cả chắc đang đâu đó ở Nam Phi mà cô chẳng nhận được tin tức gì, cuộc sống của Louis, dĩ nhiên... Bây giờ cô nói chẳng hề giữ gìn ý tứ, chẳng sợ làm tổn thương cậu, chẳng xem cậu như là đứa trẻ cần bảo vệ mà như là người đàn ông đã trưởng thành có làn da thiêu cháy cô kể cả không hề chạm tay lên đó.
Pierre vui thích vì được cô chú ý, hào hứng vì có mặt cô. Cô ngừng nói và với một động tác nhẹ nhàng, cô chạm lên cánh tay cậu.
“Tôi làm phiền cậu rồi.
- Làm sao cô có thể nói ra những lời như vậy?
- Tôi đã luyện nói hàng giờ trước gương, đến mức chẳng còn biết dẫn dắt một cuộc nói chuyện thực sự nữa.
- Thế cô nghĩ tôi biết à?
- Hãy nói tôi nghe về cậu. Cho tôi biết cậu yêu ai đi.”
Cậu đỏ mặt và cô vui vẻ hối thúc cậu.
“Cậu có thể kể tôi nghe... Tôi đủ tuổi để có thể là...”
Cô định nói “mẹ cậu” nhưng kịp thời chữa lại, thói làm đỏm vào phút chót đã tránh cho cô khỏi bất nhã.
“... chị gái cậu.
- Tôi có chị gái. Chị ấy chết vì viêm màng não khi tôi lên bốn.
- Trời. Tôi rất lấy làm tiếc. Tôi không biết chuyện đó.
- Không sao. Cô biết đấy, suốt nhiều năm sau khi chị ấy qua đời, tôi vẫn chuyện trò, vẫn trao gửi những điều thầm kín với chị ấy, thế nên cô chẳng hề lạc đề đâu. Và tôi có thể nói với cô thế này: tôi chẳng yêu ai hết.
- Nhưng cậu có quan hệ với ai đó chứ.
- Có một phụ nữ ở Sài Gòn. Nhưng bây giờ kết thúc rồi.
- Cô ấy có đẹp không? Có đẹp hơn tôi không?
- Cô ấy quyến rũ, nhưng cô ấy không giống cô.
- Cậu có thích làm tình với cô ấy không? ”
Pierre lại đỏ mặt.
“Tôi không biết liệu có kể chuyện đó với cô được không...”
Cậu nghe thấy tiếng cô cười.
“Tôi đùa đấy mà, Pierre - trong một giây tôi cứ ngỡ trước mặt mình là cậu bé mười bốn tuổi cơ đấy. Kể tôi nghe về cậu đi, tôi xin cậu...”
Thở phào nhẹ nhõm - và thầm kiêu hãnh vì đã cho cô biết mình không còn là trai tân nữa - cậu gợi lại những khởi đầu muộn mằn và hỗn độn của người giải phóng đã chẳng giải phóng được gì, rồi những kỷ niệm về nước Đức: ngôi làng nơi họ phải can thiệp bởi quân đội Pháp đã tiến hành trả thù, việc mà quân phát xít có lẽ sẽ tự hào: cướp phá, giết người mau lẹ, cưỡng hiếp... Cậu vẫn còn nhớ tên lính trẻ mà họ đưa đi, hắn lải nhải: “Lũ khốn kiếp này, chúng ta sẽ có mười lăm ngày hay ho ấy thế mà...” Rồi sau đó, người phụ nữ có đôi mắt màu xám ám ảnh cậu ấy, người từ chối làm chứng, lấy cớ vết bầm máu là do bị cánh cửa tự đóng kẹp vào, chỉ yêu cầu được cho về nhà.
“Sau chuyện đó, cái từ ‘giải phóng’ chẳng còn đúng nghĩa nữa. Trước đây đó là sự say sưa, dân chúng hoan hô, cờ tam tài khắp các đường phố và làng xã - trước đây, chẳng có gì phải vứt bỏ. Nhưng sau đó, tôi nghĩ đến đôi mắt màu xám của ‘con đĩ phát xít’ và tôi tự nhủ rằng ta chẳng giải phóng gì hết và rằng ta không tự giải phóng - thậm chí không tự giải phóng bản thân mình. Khi đó Đông Dương, cô biết đấy... Biết bao nhiêu thứ cùng một lúc: tự do, được tránh xa cái cảnh tầm thường đó, tóm lại là bản thân tôi được trải qua một cái gì đó mới mẻ...
- Nhưng còn cậu, cậu không muốn cưỡng hiếp à? Chẳng phải vì thế mà cậu giận dữ đến thế sao?”
Pierre sốc khi cô có thể nói thản nhiên như thế. Cậu chưa bao giờ nói được chuyện đó. Cậu tìm cách né tránh.
“Tại sao cô hỏi tôi chuyện đó?
- Tôi đã thấy rất nhiều.
- Đó đơn giản là khủng khiếp. Cô nghĩ đến chuyện đó, tưởng tượng cảnh làm chuyện đó và... Chính thế tôi mới hiểu cái mà đạo Cơ đốc gọi là quỷ sứ: đó chính là quỷ sứ. Và nó đã có ở trong tôi - quá muộn để hy vọng rồi. Vì vậy, tuy tôi chưa từng trong hoàn cảnh làm chuyện đó nhưng một phần đen tối trong tôi có gì đó... ghen tị. Và dĩ nhiên tôi ghét chuyện đó, tôi tự khinh bỉ mình và căm ghét họ hơn nữa bởi lẽ trên thực tế tôi không thể chấp nhận được rằng mình thực sự giống họ - trong khi tôi lại đóng vai một kẻ khác.”
Cậu nhìn cô chằm chằm. Tại sao cô muốn nhìn thấu tâm hồn day dứt của cậu, những nơi sâu thẳm nhất, những nỗi sợ thầm kín nhất của cậu?
“Tôi cũng như cậu, cô nói, còn tệ hơn cậu.
- Cô nói thế để giúp tôi cảm thấy khá hơn, thật là tử tế nhưng tôi không tin.”
Katia mặc một chiếc sơ mi trắng chiết eo làm lộ rõ thân hình săn chắc, nữ tính. Thật là buồn cười khi tưởng tượng rằng cô có thể “tệ hơn cậu”, cậu vừa chiêm ngưỡng cái cổ của cô vừa nghĩ bụng. Cô cắt tóc ngắn, vẫn như vậy, và cô mỉm cười chăm chú lắng nghe. Lẽ ra họ có thể nhận thấy thời gian trôi qua khi mọi người đổ xô đến quầy rượu, rồi sự tĩnh lặng trở lại vào giờ ăn tối, nhưng họ chẳng thấy gì bên ngoài, người này đắm chìm trong người kia, cùng mơ mộng. Cậu không nhúc nhích, sợ rằng nếu đứng dậy thì phép mầu sẽ tiêu tan và Katia rời cậu ngay lập tức. Nhưng cô chẳng hề tỏ ra sốt ruột, hỏi cậu không biết chán về Sài Gòn, về các hoạt động quân sự mà cậu đã chứng kiến và các cơ hội hòa bình.
“Thế còn Leclerc thì sao? Ông ấy thế nào?”
Cậu mỉm cười nhớ lại hình ảnh cuộc đổ bộ của “chủ tướng”, tại hẻm Éden.
“Đó là một ông sếp, cậu nói.
- Sếp, leader, Führer, duce... Cái từ buồn cười thật.
- Đó chính là vị sếp của Fitzgerald trong tác phẩm Vương công cuối cùng: người có nhiệm vụ đào đường hầm xuyên qua một quả đồi, nói rằng ông sẽ đi qua lối đó, không hẳn vì đó là con đường tốt nhất, ngắn nhất và an toàn nhất, mà chỉ bởi vì ông là sếp, ông có tố chất truyền niềm tin ấy cho những người khác.
- Nhưng giữa niềm tin ấy và điều thần bí chẳng khác nhau là mấy...
- Chúng ta đang nói đến Leclerc chứ không phải Hitler. Nghe này, nếu chưa gặp ông ấy, hẳn là tôi còn ngờ vực hơn cả cô. Nhưng là thế đấy: Leclerc là Leclerc và cùng với ông ấy cũng là quân đội mới...
- Với những người khác với những kẻ cậu từng thấy ở Đức sao? Khác những người khiến cậu vô cùng ghê sợ sao?
- Đúng, khác.”
Cậu đã rơi vào thế bất lợi và cậu biết điều đó. Vậy là, khi chuyển sang đề tài về chiến tranh và quân đội, chính trị và tương lai, cuộc nói chuyện mất đi vẻ hấp dẫn. Còn một phút cơ may, sau đó cô sẽ đứng lên và bỏ đi mất.
“Cô đang ở đâu? cậu hỏi.
- Ở đây, tại khách sạn Métropole. Thế còn cậu?
- Gần nhà thờ lớn. Tôi đã làm tất cả để ra khỏi thành: một năm nay, sau các cuộc tàn sát của người Nhật, có nhiều âm khí ở đó. Nếu cứ ở đây, thì lâu dần đến cả tôi rồi cũng phải tin vào quỷ và các hung thần mất.
- Nếu cậu đến từ cùng một nơi như tôi, cậu sẽ tin thôi. Cậu ở nhà riêng ư?”
Cậu vừa cười vừa phác một cử chỉ bất lực rõ rệt.
“Giá mà tôi có thể! Không, chỉ là một căn phòng thuê của một thầy giáo trẻ, một gã ngồ ngộ, luôn bị ám ảnh về việc dạy tôi học tiếng Việt.
- Cậu dẫn tôi đến đó nhé?”
Cậu để cho câu hỏi vang vọng trong lòng: cậu vừa hiểu rằng cuối cùng cô đã chấp thuận mà không cần đến bất kỳ mẹo mực chinh phục hay quyến rũ nào: nàng là của cậu. Cậu nghĩ không thể đưa cô tới ngôi nhà phố Nhà Thờ vào lúc nửa đêm. Cô có cho cậu lựa chọn không? Họ tần ngần đứng dậy.
“Không thể được, cậu nói.
- Tôi biết. Đừng lo. Chúng ta đi thôi.”
Cô khoác tay cậu rồi họ rời quầy rượu. Ngoài đường phố các phu xe kéo và phu đạp xích lô đang ngủ. Họ tiến vào một con phố tối tăm dẫn ra bờ hồ. Một con chuột lao vào chân họ và cô hét lên.
Cậu bế bổng cô lên - cô thật nhẹ trên tay cậu.
“Tôi không có quyền thử hôn cô, cậu nói.
- Tại sao không?
- Lợi dụng một con chuột thì chẳng ra thể thống gì cả.
- Có thể con chuột cũng tiếp tay cho cậu.
- Nó là đồng minh của tôi. Tất cả các con chuột trong thành phố đều là đồng minh của tôi.”
Cậu đặt cô xuống. Hồ nước chìm trong bóng tối, chỉ có mảnh trăng lưỡi liềm ló ra giữa những đám mây; tạo nên một trong vô vàn những gam màu xám trên mặt nước và ngôi đền trên hòn đảo nhỏ. Cậu kể cho cô sự tích hồ Hoàn Kiếm nhưng cô không để ý nghe, gần như lơ đễnh.
“Cái ngày tôi đến thông báo về cái chết của bố cậu... Cậu ghét tôi lắm phải không?
- Giữa nhiều cảm xúc lúc đó thì có, có ghét.
- Cậu chưa từng nghĩ rằng tôi không bắt buộc phải tới sao?
- Ý cô muốn nói gì?
- Rằng đối với một người đàn bà là thủ phạm lôi kéo một người đàn ông đã có vợ vào chuyện ngoại tình, tôi xử sự thật buồn cười, có thể ví như tự dẫn xác đến hang hùm?
- Đúng thế, hẳn là cô có lý do.
- Tôi cố giữ mình đoan trang.
- Đối với mẹ tôi ư?
- Với cả mẹ cậu nữa. Đúng, tôi yêu bố cậu - và tôi nghĩ rằng ông ấy yêu tôi - nhưng chúng tôi không ngủ với nhau.
- Cô không cần phải... cụ thể đến thế.
- Tôi xin lỗi. Nhưng cậu nên biết tại sao tôi lại muốn cụ thể. Cậu không thấy khác khi không xảy ra chuyện gì sao?
- Không có chuyện gì ư?
- Dù sao thì cũng không phải cái mà người ta thường gọi là ‘có chuyện gì đó’. Tôi không biết liệu như vậy có bớt phần đáng chê trách hay không - cũng không biết liệu chuyện có như thế không - nhưng tôi chỉ nói với cậu những gì đã xảy ra và những gì không xảy ra.”
Pierre vẫn còn bị sốc bởi những từ “ngủ với nhau”, “ngoại tình”: cậu thấy những từ đó quá đáng, sỗ sàng. Một cụ già bán hàng từ dưới bóng cây đi ra mời họ mua chuối và dứa. Cậu gạt bà ra không chút nể nang.
“Cách đây mười năm, cô nói tiếp, tôi từng muốn bảo vệ cậu thiếu niên.
- Nhưng giờ cậu thiếu niên đó không cần được bảo vệ nữa sao?
- Còn phải xem.”
Cậu trả thù lời chế giễu bằng một cú hích.
“Đó là bởi tôi bị chàng trai trẻ đó quyến rũ.
- Tóm lại là chuyện trong nhà với nhau.”
Cậu buột ra lời bình luận ấy.
“Làm với người con trai những gì mà tôi chưa làm với người cha ư? Cứ theo suy diễn ấy, sao tôi không nghi ngờ luôn là cậu muốn trả thù cho bố? Tôi không muốn thanh toán nợ nần gì đâu, Pierre. Thế còn cậu thì sao?
- Không, tôi không biết, tôi không chắc. Tôi giận cô sao lại thành thực như vậy nhưng tôi muốn biết thêm: cô đã hôn ông ấy chưa? cô đã chạm vào ông ấy chưa? Và rồi tôi tự nhủ mình chẳng muốn biết gì hết. Và tất cả những gì tôi muốn lúc này - tất cả những gì tôi muốn kể từ khi gặp cô - đó là hãy ở lại bên tôi.”
Chính cậu cũng sững sờ về những lời từ miệng mình tuôn ra, giọng nghẹn ngào, hơi thở đứt quãng.
“Ngày mai tôi đi.”
Cậu tàn nhẫn buông ra, gần như điên tiết với cô, cứ như cô phản bội cậu.
“Tòa soạn không có phóng viên thường trú tại đây. Tôi phải tùy cơ ứng biến theo tình hình thời sự: cần phải có hòa bình, hay chiến tranh, và nhất là những gì có trước đó. Bây giờ hiệp ước đã được ký kết...”
Khắp nơi trên các bức tường người ta thấy những áp phích viết bằng tiếng Pháp và tiếng Việt có Leclerc và Giáp ký tên, cũng như các đội tuần tra hỗn hợp do tướng Leclerc áp đặt, xin một đội đến canh gác tòa biệt thự của mình. Những người Pháp tại Hà Nội lắc đầu hoài nghi, nếu không muốn nói là dè bỉu. Pierre lại tiếp tục.
“Cô thừa biết hòa bình sẽ không kéo dài mà.
- Vậy thì tôi sẽ quay trở lại.
- Biết đâu người ta sẽ phái người khác tới.
- Tôi sẽ là người quay trở lại.
- Vậy nếu như tôi trở về với cô?”
Cô mỉm cười.
“Thì sẽ thật tuyệt.”
Trong giây lát, trong đầu cậu thoáng hiện ra những hào quang của giấc mơ Mỹ, đầy ắp những chiếc ô tô dài màu đen với cánh cửa bóng loáng. Rồi nó nổ tung và tan biến.
“Một ngày nào đó, cô nói, khi cậu sẵn sàng.”
Cô cầm bàn tay cậu đặt lên cánh tay mình. Lúc đó cậu gần như buông theo cơn mộng mị thê thảm và chẳng khó khăn gì, cô đưa cậu về với những cảm giác mà người ta có thể hy vọng sống với chúng.
“Liệu cô có ở lại đây cho đến tận khi đi không?
- Nếu cậu nhúc nhích tôi sẽ giết cậu ngay.”
Cô quay người lại hôn cậu.
Những ngày sau đó, khi cô đã thực sự ra đi và một khoảng trống hình thành trong cậu, cậu mua một chiếc xe đạp và đạp vòng quanh hồ Tây, vào buổi hoàng hôn, sau đó ngồi xuống một bờ đất hẹp nhìn chiếc đĩa mặt trời màu cam pha xám lặn đi trong khi bầu trời chuyển dần sang màu đen, tắm trong đủ loại màu sắc, màu đỏ rực rỡ dĩ nhiên rồi, vô vàn sắc xanh lá cây, và cuối cùng màu xám, lúc nào cũng vậy, cậu kéo vào đó khuôn mặt của người phụ nữ ấy, người từng nói với cậu rằng cô sẽ quay lại.
Họ đã làm tình không phải trong phòng cậu tại phố Nhà Thờ mà trong phòng nghỉ của cô tại khách sạn Métropole, nơi cậu lẻn vào nhẹ nhàng mà không ai để ý. Cậu hối tiếc vì đã nói với cô về Inès. Nhưng mặc cho sự thành thực không đúng lúc, họ có thể coi đó như là lần đầu tiên. Mặc dù cậu đã nằm trong vòng tay Inès nhưng có lẽ cậu chưa bao giờ trải nghiệm cái run rẩy khi trao mình cho một người phụ nữ cũng run rẩy như thế với đôi mắt mở to ngạc nhiên, cậu chưa bao giờ biết đến một lời thú nhận yếu đuối lảng vảng ở tận cùng một cuộc trò chuyện yêu đương. Trong đêm hôm ấy, lần đầu tiên cậu ở điểm thăng bằng giữa người đàn ông và đứa trẻ, người tình am hiểu mọi chuyện, cậu thiếu niên tuyệt vọng xin được tha thứ, người đàn ông ra cú điếng người, chiếm đoạt và được chiếm đoạt trong khi cô len lỏi vào trong cậu và nói với cậu rằng cô yêu cậu.
Cậu ở Hà Nội chưa lâu lắm và cậu biết rằng tình trạng của mình không thể kéo dài; cô ra đi và cả cậu cũng sắp ra đi, và cái tên gọi Tự do! hay ho mà cậu những tưởng sẽ ghi dấu ấn cuộc đời sắp bị tống khứ đúng vào lúc người ta nói rằng có hy vọng.
Vào cái đêm hôm ấy, cậu để mình đi như một con thuyền cậu từng nhìn thấy trên hồ Tây, phía xa xa, rồi biến mất vào bóng tối, không ánh đèn, để đi câu mà dường như là đi câu linh hồn. Chuyến đi câu đó lúc nào cũng quá gần hay quá xa, không thể tránh được, bất khả, dù thế nào đi nữa cũng chắc chắn là không có thực.
Cậu cảm thấy rõ cô, quá mong manh giữa hai bàn tay cậu, và cảm giác cậu có thể bóp nát cô, cái cảm giác bạo lực gần như kinh khủng ấy lan tỏa xuống các đầu ngón chân ngón tay. Ngay trước đó, cậu chỉ yếu ớt và run rẩy, với ham muốn quyến rũ vụng về nhưng dữ tợn; ngay sau đó cậu biến thành người đàn ông có thể làm tất cả, một ông chủ không thương xót một cô gái đang rạo rực. Tại sao những lúc cậu phó mặc hoàn toàn lại ít được phó mặc đến như vậy? Cậu càng khám phá những thôi thúc bên trong mình thì cậu càng phục tùng chúng.
Họ ở bên nhau rồi cũng sớm chia tay, may mà bị tước đi mọi lời vì họ đã nói quá nhiều và khi làm tình lần đầu tiên (cái lần đầu tiên tương đối ấy với cả hai người), họ ngốn của nhau rất nhiều niềm vui và những lời nói ra may mà chẳng ăn nhập gì.
Buổi sáng, khi khép cánh cửa phòng cô lại, trong lúc cậu rời đi qua hành lang, rốt cuộc cũng không quá bất mãn, với kiểu vênh cằm hơi tự phụ, một người đàn ông may mắn, một người đàn ông đào hoa, cậu tự nhủ rằng rốt cuộc là trong có vài tháng - vả lại hai người ấy không đến nỗi là những cô xấu xí nhất, à há, không phải là những người dễ dãi nhất, chẳng phải cả hai người ấy đều nói rằng họ si mê cậu đó sao? trước khi hối tiếc đã có ý nghĩ dung tục này, tuy vậy vẫn không trừ bỏ nó, vẫn để nó phảng phất nơi cậu khi sức mạnh đêm qua vẫn còn dư vị dễ chịu trong lúc cậu bước xuống cầu thang lớn với vẻ phóng túng tự phụ của người đàn ông từ trên kia xuống.
Katia vẫn vùi mặt trong hai bàn tay một lúc lâu, một mình trên chiếc giường trải tấm ga nhàu nhĩ, lấy gối kê sát bụng rồi trở mình nằm nghiêng người, kiệt sức vì nỗ lực đã bỏ ra. Bởi cậu hỏi cô liệu cậu có ở lại được không, như cô đã hứa với cậu hôm qua, và cô đã nói không - bây giờ cậu phải đi - và chính vào lúc cô thể hiện với cậu một vẻ mặt không thể lay chuyển nổi, cô đã phải cắn môi để không hét lên bảo cậu giữ cô lại, đưa cô đi, muốn làm gì cô thì làm, chà đạp lên cái tự do mà cô đã giành được ấy, suýt đã thề với cậu rằng sống nô lệ còn tốt hơn trăm lần, rằng cậu nên cày nát cô và chiếm đoạt cô và đừng để lại gì thuộc về cô, con người cô hoàn toàn do cậu khai hóa. Đột nhiên cô nghiền ngẫm cái trống rỗng trong lòng, sự mong manh của tất cả những gì cô cứ ngỡ đã gây dựng trong đời mình. Cô nhớ lúc ở trong vòng tay một người đàn ông, vào một ngày giá lạnh khi cô đi đôi bốt lót da lông thú mới, dọc theo dòng sông East ứ đầy những khối băng, nheo mắt nhìn về hướng cây cầu Brooklyn, cô tưởng mình nghẹt thở vì tự do. Cô phá lên cười, một mình, và người đàn ông buông cánh tay cô ra. Cô từ chối giải thích, đành cười tiếp và đảm bảo với anh ta rằng chẳng có gì riêng tư hết, thế là người kia rời xa và bỏ cô lại. “Mình làm tổn thương tình cảm của anh ấy,” cô vừa nhắc lại vừa cố cảm thấy mình tội lỗi một cách tuyệt vọng, nhưng ngược lại cô chỉ cảm thấy một sự nhẹ nhõm vô hạn. Đi dọc bờ sông, cô để mình đắm trong một bản giao hưởng nội tâm, tạo nên từ những tiếng kêu không thành tiếng, những đoạn từ một bản nhạc tưởng tượng, đôi khi là những tiếng thét, nơi mà, vượt lên trên những gì thuộc về một câu chuyện, vượt lên trên cảnh lưu vong thường trực của cô, chỉ biểu lộ mỗi cảm giác tồn tại trong cô.
Còn lại gì từ chuyện đó trong khi cô cưỡng lại, bằng những cố gắng cuối cùng, ham muốn van xin chàng trai trẻ ấy ở lại, bảo vệ cô? Duy chỉ có bản năng sinh tồn ấy - mà nhờ nó cô giữ được khá nhiều uy lực cho bản thân - để yêu cầu cậu ra về. Phần còn lại, trong căn phòng trống trải, một sự tàn phá nội tâm, một sự tan vỡ đơn giản là được đẩy lùi. Có gì quan trọng nếu như Pierre là sự nối tiếp của người cha và cô có với người này những gì bị người kia từ chối? Cô thấy rõ rằng với lối sống và toàn bộ nỗ lực của mình, cho đến giờ cô không chịu cho tất cả những gì mình có thừa, không chịu cho những lời mà cậu lắng nghe với đôi mắt nhắm nghiền và không trả lời ấy - trong đêm ấy cô đã ở xa nhất có thể và đổi lại chỉ nhận được cơn cuồng nhiệt muốn sở hữu hết đợt này đến đợt khác.
Đến cuối buổi sáng, cô ăn mặc được chăng hay chớ rồi đi xuống cầu thang khách sạn. Trong sảnh, François Costes đang đi đi lại lại nhưng cô đi ra cửa, cứ như không nhận ra ông, cầu cho ông không nhìn thấy cô mặc dù biết rằng điều đó là không thể. Khi đã ở ngoài đường, cô dừng lại thở gấp, khiếp sợ hiểu ra rằng cô không xấu hổ, nhưng đơn độc.
Cả ngày hôm đó, rồi suốt ba ngày bay sang tận Paris, rồi quay về New York, cô cố gắng không ấp úng khi người ta hỏi đến, cô muốn chế nhạo nhưng là chế nhạo chính mình, cô muốn nói: “Giá mà các vị biết được tôi yếu đuối đến nhường nào, vì tôi chỉ chờ đến lúc được chết thôi.” Nhưng sự mãnh liệt dữ dội của khoảnh khắc sáng suốt đã trôi qua, cô thu mình trong nội tâm và như vậy, với đầy nghị lực, theo cách đã giúp cô sống sót, cô nghiêng đầu sang bên (thân hình cô khi đó ở một tư thế vô cùng duyên dáng, điều cô chẳng hay biết) và làm những gì phải làm, từ hành động này sang hành động khác, từ lời nói này sang lời nói khác. Nghĩ đến ngày mai thật quá xót xa nhưng cô thấy được an ủi phần nào khi nghĩ đến việc viết thư cho cậu và có thể, cậu sẽ trả lời.
Chiến tranh, cô nghĩ, đã lấy đi của tôi một người và đang trả cho tôi một người khác.
Chiến tranh - cơ may cho những đôi tình nhân.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước