Số lần đọc/download: 3733 / 102
Cập nhật: 2015-07-19 17:27:19 +0700
Chương 17
C
huyến xe đêm di chuyển tù nhân có thêm tám người. Tám người này, từ đề lao Gia Định, khám Chí Hoà, ngục Đại Lợi vào Sa Ác đã bốn tháng. Họ còn trẻ và can tội phản động. Bốn người trốn trại. Bốn người chống lao động. Tất cả nằm hầm đá đặc giam hơn một tháng trời. Nhân vụ sách động của Đội 37, trại Sa Ác báo cáo khẩn về cục Quản Lý các Trại Giam thuộc Bộ Nội Vụ và Cục trưởng Cao Minh Chiếm ra lệnh đẩy cả hai đội 1 và 37 đến trại khác, Sa Ác đẩy luôn tám tù nhân biệt giam theo đội 37. Bây giờ họ đủ hai mươi tám người. Người thứ nhất là Đặng Cơ Bản lừng danh đề lao Gia Định mà, hầu hết, hai mươi người của Đội 37 đều biết tiếng. Người ta tưởng Bản đã được thả về, nào ngờ Bản vô Sa Ác nằm hầm đá biệt giam. Người thứ hai là Tư Sơn. Người thứ ba là Huỳnh Nghệ. Người thứ tư là Ngô Cát. Người thứ năm là Phạm Thành. Người thứ sáu là Doãn Lâm. Người thứ bẩy là Vũ Bình Bắc, Người thứ tám là Lê Văn Thu. Trong số tám người thì sáu người là sinh viên, học sinh; hai người cuối Lê Văn Thu – lơ xe đò và Vũ Bình Bắc- phu nhà đòn. Đến giai đoạn lơ xe đò, phu nhà đòn chống cộng sản thì cái thế tất bại của cộng sản gần kề. Con đường nào cũng dẫn tới một trại tập trung, do đó, hai mươi tám người chẳng tìm hiểu phương hướng chiếc xe chở mình đi.
Vụ chống công tác đào bom, khiêng bom đã làm thắm thiết tình nghĩa của những người tuổi trẻ và ném xuống mặt hồ cam đành của tù nhân Sa Ác một viên đá lớn. Người ta bỗng thấy giá trị của Dzũng quan tài, Qúy dao, Hạnh búa khi cần thiết. Sự khôn ngoan được phối hợp với lòng can đảm thành sức mạnh chế ngự tất cả. Nhà binh pháp Ngô Khởi, mấy nghìn năm cũ, đã nhìn rõ chất ngọc trong tâm hồn du đãng. Đời sau coi thường du đãng, chỉ khinh miệt họ và xử dụng họ vào việc đâm chém hèn mọn. Nếu Dzũng quan tài không phanh ngực áo đứng dậy thách thức súng đạn cộng sản, Qúy dao chưa đứng, Hạnh búa chưa đứng, toàn đội 37 chưa đứng. Họ thành công. Bài học đánh cộng sản đầu tiên của họ là đứng dậy một lượt, đứng đúng lúc.
Buổi trưa hôm sau, họ rời Rừng Lá, căn cứ số 5 thuộc tỉnh Phan Thiết. Như ở Sa Ác, họ bị đẩy vào căn nhà mái tôn thấp lè tè. Khác một chút với ở Sa Ác là họ bị nhốt đúng bẩy ngày mới được dẫn ra suối tắm giặt. Ngày thứ tám, Ban Giám thị gọi từng người lên làm việc. Từng người được vuốt ve khéo và bị doạ nạt khéo. Trần Thế Tưởng mất chức đội trưởng. Bây giờ, đội mang số 53, và đội trưởng là Đỗ Mậu Qúy. Đội 53 chưa có quản giáo, chưa được giao công tác cụ thể nào đã phải lên xe vận tải chuyển trại. Vẫn ra đi nửa đêm! Chuyến đi này không mấy xa. Gần sáng, họ đã đến trại mới. Ở trại này, Đội 53 cải danh thành Đội Kỷ Luật.
Chế độ dành cho Đội Kỷ Luật rất khắc nghiệt. Họ được ăn ít và bị lao động nhiều. Họ không được viết thư về gia đình, nhận thư của gia đình và nhận quà thăm nuôi. Họ sinh hoạt riêng. Căn nhà của họ bị vây giây thép gai, cô lập họ với các trại viên khác của trại cải tạo Gia Lay. Cứ một tuần đi làm thì một tuần nghỉ. Tuần nghỉ không được tắm giặt, không được đổi máng cầu tiêư. Hơn mọi cực hình là họ bị tịch thu hết thuốc lào, thuốc lá, ống điếu, diêm quẹt. Tuần lễ nghỉ lao động, cửa nhà bị khoá ín, chỉ mở ra hai bữa nhận cơm nước. Mùi phân tiểu hôi thối, khai nồng. Một hôm cuối tuần nghỉ lao động, người ta mở khoá cửa, dẫn Lê Văn Thu đi làm việc. Thu đi từ sáng, xế chiều vẫn chưa về. Anh em thắc mắc.Đặng Cơ Bản nói:
- Không có gì phải thắc mắc về Thu cả, dù nó chỉ là thằng lơ xe đò. Sống với nó ở Sa Ác mấy tháng, tôi hiểu nó. Nếu nó đầu hàng, nó đã đầu hàng công an Hà Nội, khỏi bị tù, khỏi bị tra tấn..Chuyến xe cuối cùng nó ra Bắc, chở toàn sĩ quan công an. Tài xế ra lệnh ngầm cho Thu nhẩy khỏi xe rồi tống xe xuống đèo, tiêu diệt gọn lũ sĩ quan công an đi phép đặc biệt. Người ta đẩy nó sang cả quân báo khai thác nó. Rốt cuộc, tổ chức của nó vẫn tồn tại và nó can tội "tình nghi thủ tiêu cán bộ". Nó đã trốn trại vài lần, lần nào cũng bị bắt và ốm đòn. Hẫy sống với Thu lâu hơn, các bạn sẽ yêu nó, phục nó.
Nửa đêm, Thu về, mặt mày sưng vù, hai bên mép ứa máu. Cửa nhà khép lại, khoá xong, mấy người công an khoá nốt cổng hàng rào khuất bóng, Thu mệt nhọc:
- Mới thêm chiếc xe đò rớt xuống đèo Hải Vân!
Anh em dìu Lê Văn Thu, đỡ nó nằm từ từ, xoa bóp chân tay, mình mẩy nó. Thiếu nước để ấp mặt Thu. Thiếu cả dầu cù-là. Gần sáng,người ta gọi Phan Tiến Dzũng. Rồi Huỳnh Nghệ. Rồi Trần Thế Tưởng. Tất cả đã trở lại phòng sau khi ăn no đòn tập trung cải tạo.. Lương Việt Cương nói:
- Nó bịp. Hồ sơ bọn mình kết thúc từ lâu. Nó bịa vụ xe đò rớt ở đèo Hải Vân để đánh Thu. Nó dằn mặt chúng ta, lôi Dzũng, Nghệ, Tưởng lên đánh tiếp. Nó còn đánh anh em mình nữa, chuẩn bị chịu đòn đi!
Chập tối,cậu phu nhà đòn Vũ Bình Bắc đi "làm việc". Khoảng 22 giờ, Bắc trở lại phòng, nói với anh em: – Nó không đánh tôi, không hỏi tôi nửa lời.
Nửa tiếng sau, Đội Kỷ Luật nhận "lệnh khẩn trương": Chuyển trại. Vũ Bình Bắc lo lắng trên xe. Trần Thế Tưởng trấn an bạn:
- Nó muốn chia rẽ chúng ta đấy. Bị đánh hay không bị đán thì cũng thế thôi. Nếu chúng ta ngu, chúng ta sẽ thù ghét nhau, thanh toán nhau, nhục mạ nhau, tố cáo lẫn nhau. Tôi nói thật, anh em ai chưa nếm đòn thù cộng sản, nên nếm thử, nếm xong coi sụ đấm đá của nó chả ra cái gì cả đâu.
Lần này, người ta chở Đội Kỷ Luật tới nhà lao Nha Trang. Đây là quân lao ngày xưa, nới nhốt lính đào ngũ và nhốt cộng sản Việt Nam. Những nhà tù ở nước Việt Nam từ 100 năm nay, đều do thực dân Pháp, phát xít Nhật, cộng sản Nga, tư bản Mỹ vẽ kiểu, bỏ tiền xây cất để nhốt người Việt Nam và cuối cùng, để người Việt Nam nhốt người Việt Nam.
Hồ sơ của Đội Kỷ Luật đã rõ bút tích phê phán và chỉ thị trừng phạt của ông Cục trưởng Cục Quản Lý Các Trại Giam Phía Nam. Sự có mặt của họ ở nhà lao Nha Trang chỉ là lịch trình lưu đầy của Cục trưởng Cao Minh Chiếm. Hai mươi tám người trong một phòng giam khá rộng, cửa sắt, chấn song sắt. Họ trở vể đời sống đề lao Gia Định, Chí Hoà, Đại Lợi. Cai ngụ Nha Trang tàn bạo hơn cai ngục Chí Hoà. Họ không chế đói, chết khát nhưng thường xuyên đói khát. Nhà lao cho ăn cầm hơi, uống cầm hơi. Một tuần một lần ra ngoài tắm, mỗi lần tắm năm phút đồng hồ. Qua hai tuần, mọi người quen nếp sinh hoạt nhà lao Nha Trang. Và tất cả cùng chung ý nghĩ: Ở tù, đâu cũng thế!
Đình Vượng nói:
- Tôi phải cám ơn cộng sản. Bất cứ lúc nào có tự do, trừ phi tôi chết, tôi sẽ viết cuốn sách ghi những điều tôi biết ơn cộng sản.
Vương Huy Dũng hỏi:
- Tại sao phải cám ơn cộng sản?
Đinh Vượng đáp:
- Tại vì, nhờ cộng sản, tôi biết thưong yêu thắm thiết và thù hận tha thiết; tôi biết hạnh phúc và đau khổ; tôi biết khinh thường vật chất; tôi biết sức chịu đựng của tôi và tôi biết tôi có thể chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta đừng mong cộng sản vuốt ve, chìu chuộng. Chúng ta phải cám ơn họ hành hạt chúng ta, đánh đập chúng ta để chúng ta mãi mãi tỉnh táo bằng nỗi thống khố.
Hoàng Sơn Trường nói:
- Tôi cám ơn cộng sản nhiều. Họ đã là cảm hứng để tôi viết chủ nghĩa tiểu tư sản. Có thể trong chúng ta đã có người muốn lập thuyết tiểu tư sản. Tôi hy vọng người ấy còn sống để tôi học hỏi. Hoặc người ấy đã chết thì tôi tiếp nối. Dẫu sao tôi vẫn muốn đi hết các nhà tù, các trại tập trung khổ sai lao động,
Nguyễn Kiến Thiết nói:
- Nếu người nào tình nguyện đi hết các nhà tù Việt Nam để không còn nhà tù ở Việt Nam nữa thì người ấy là tôi.
Ngô Tỵ nói:
- Tôi chỉ mong trở về múa lân. Tôi mơ nhất làm đội trưởng múa lân.
Trần Chiêm Đồng nói:
- Tôi hơi khác, tôi muốn làm lại tâm hồn…khách trú. Không, nước Việt Nam của chúng tôi, chúng tôi sẽ xấu hổ phải làm khách trú.
Mỗi người vẽ ra hình ảnh của ngày mai. Nhà tù, với họ, chẳng còn phải là hoả ngục hủy diệt con người. Mà là lò lửa tôi luyện những thanh thép phi thường cho xây dựng đất nước tương lai.
- Các cậu ạ – Trần Thế Tưởng nói – trong hai mươi tám người mình, chỉ có anh Cương và tôi đã lập gia đình. Tôi đã sáng tác xong một ca khúc, nhan đề Sàigòn mai anh về, tôi hát cho các cậu nghe nhé!
Và Trần Thế Tưởng hát:
"Sàigòn ơi, Sàigòn
Mai anh về, em thương
Để em khỏi nhớ
Để em thôi chờ mong
…..
Mai đây anh về
Xin làm cỏ biếc
Vướng chân em đi
Xin làm giọt mưa
Mưa râm rưng rức
Chạy theo bờ mi
….
Anh cầm tay em
Bàn tay khô héo
Anh nhìn mắt em
Gió lùa lạnh lẽo
Anh nhìn lòng mình
Mùa đông vây quanh
Cỏ non mùa xuân
Còn xanh dấu chân
Trăng non mùa hạ
Ướt đôi vai trần
Có xa không nhỉ
Ngày xưa thật gần
Có xa không em
Ngày xưa thật gần
….
Sàigòn ơi, Sàigòn
Em là quê hương
Lòng anh còn nhớ
Lòng anh còn thương…"
Nếu có tiếng lục huyền cầm đệm theo thì tuyệt. Nhưng đã tuyệt rồi. Kẻ thù cộng sản có thể nhìn rõ sự lãng mạn, bay bỗn của những người tù nhân tiểu tư sản. Những kẻ hò hét đâm chém, kêu gào máu trả nợ máu, có bao giờ biết thống khổ. Khi con người ngụp lặn giữa đại dương thống khổ,con người chỉ còn thích nói về thương yêu. Bản tình ca sáng tác trong ngục tù cộng sản. Hãy tìm một động từ giết chóc! Chẳng thể nào có. Hãy tìm một danh từ thù hận! Chẳng thể nào có. Bàng bạc chất thật của con người. Anh đi đánh cộng sản, anh nằm tù vì cộng sản, anh quằn quại vì cộng sản. Anh sẽ đem hạnh phúc cho dân tộc, anh sẽ không giết ai, anh làm cỏ biếc vướng chân em đi. Thế thôi, em yêu dấu
- Tôi cũng có một bài hát, nhan đề Giả sử mai đây khi ta trở lại- Lương Việt Cương nói. Bài tù ca hay tình ca của người tù tôi lẩm nhẩm riết rồi cứ ngỡ hát bài của ai. Tôi hát tặng anh em nhé!
Lương Việt Cương hát:
"Giả sử mai đây, khi ta trở lại trên đường
Gặp tuổi thơ ta cười ròn tan trong nắng
Đuổi bắt trái sao khô xoay tròn khi gió vắng
Ai gọi tên ta mà mùa thu rơi đỏ mặt
Giả sử mai đây ta về trên con phố cũ
Ai thắp lên cho ta những ngọn đèn trong sương
Có đôi mắt nào nhìn ta qua khung cửa kính
Ôi con gấu bông vàng từng dấu mùa kín mười phương
A, cuộc đời đâu có xa, còn y như ngày trước
Những bức tường nghiêng vả những khóm tầm xuân
Ai trèo lên cao mà vừa nghe huýt sáo
Mặt trời hiền dịu ơi, chờ ta qua mấy ngọn thùy dương
Bởi chiếc roi bạo lực chẳng thể vung hoài trong gió
Chú ngựa non reo tiếng lạc sau đồi
Các con ta dưới vầng trăng thuở nhỏ
Với ước mộng xanh như người thả bóng lên trời
Và em nữa, tất nhiên, vẫn là em thời trẻ
Của Sàigòn mở cửa những đêm vui
Em và Sàigòn ăn ô mai ngoài phố
Em và Sàigòn như một vệt son môi
Đã lâu lắm,dường như, ta không còn trẻ nữa
Con chim biếc bay rồi vườn vắng cây khô
Chợt một chiều nghe giòng sông nước chẩy
Gọi ta về thầm kể những đêm mưa
Ta bỗng thấy em đi giữa chiều áo lục
Dẫy phố dài thấp thoáng bóng dù xưa
Em tay bế con mắt nhìn đời rộng mở
Khi nắng hanh vàng mùa đã sang thu
Ôi, giả sử mai đây kh ta trở lại trên đời
Sẽ chẳng còn ai nhớ đến ta,chẳng còn em nữa
Thì trọn kiếp, ta xin làm người nghệ sĩ rong chơi
Đi đọc thơ ta nói chuyện với đời người…"
Âm điệu của bài tù ca vang vọng trong đêm khuya. Vương Huy Dũng thở dài:
- Buồn quá, anh Cương ạ!
Hoàng Sơn Trường cãi:
- Không buồi, phải nói là rất lãng mạn tiểu tư sản. Tôi đ4 nghe bài Sơn La và Côn Đảo của Đỗ Nhuận. Cộng sản họ thích rên siết trong tù. Chúng ta phơi phới. Chúng ta không hùng khí rẻ tiền, không than vản rẻ tiền. Chúng ta thật với tình cảm của chúng ta.
Hôm sau, cả đội bị cúp cơm trọn ngày vì tội hát nhạc đồi trụy. Hôm sau nữa, cả đội bị cúp tắm. Hôm sau nữa, từng người trong đội bị gọi ra, bị ăn đòn. Nhà lập thuyết Hoàng Sơn Trường bị lột kính cận và bị đập nát kính cận!
Ở nhà lao Nha Trang hai tháng, râu tóc rậm rạp, tua tủa như người tiền sử. Bệnh ghẻ tái phát. Sang tháng thứ ba, Đội Kỷ Luật bị đầy vào rừng già. Bây giờ, người ta chỉ định Lương Việt Cương làm đội trưởng và đội vẫn mang tên Đội Kỷ Luật. Ở trại Phú Khánh, như ở Sa Ác, Gia Lai, đội bị biệt giam một khu, lao động không giống giờ giấc các đội khác. Công tác của Đội Kỷ Luật là những công tác đột xuất. Nửa đêm, vệ binh đập cửa gọi thức để ra suối lặn xuống khiêng đá lên bờ. Giữa trưa, vệ binh thúc "khẩn trương" đi vác giây kẽm gai. Tội nghiệp Hoàng Sơn Trường mất kính, mò việc y hệt người mù!
Lương Việt Cương suy nghĩ mãi chưa tìm được cách cho nổ một vụ lớn để được chuyển trại. Ở Phú Khánh, Ban Giám Thị đầy đoạ Đội Kỷ Luật tàn bạo. Họ muốn anh em sưng phổi chết hết nên, mỗi sáng tinh mơ, bất kể mùa đông, họ chế ra trò chơi bắt tù lặn suối khiêng đá. Rút kinh nghiệm Sa Ác, họ không cho Đội Kỷ Luật tập họp chung sân với các đội khác.
Một đêm, Lương Việt Cương bàn với anh em chơi bạo một cú. Vài chiếc quần được cuốn lại thành một sợi giây. Phan Tiến Dzũng tự Dzũng quan tài tình nguyện đóng vai trò của đạo diễn Lương Việt Cương.
- Báo cáo cán bộ, phòng kỷ luật có người tự tử!
Cửa nhà tù bị đập thình thình. Tiếng hò hét loạn cả lên.
- Báo cáo cán bộ, phòng kỷ luật có người tự tử!
- Báo cáo cán bộ, phòng kỷ luật nổi loạn!
Vệ binh chạy rầm rầm về phía phòng biệt giam. Cả trại thức giấc nghe ngóng. Trực trại xuất hiện. Súng lên đạn. Vệ binh vây bên ngoài. Cửa phòng mở. Trực trại quét đèn pin. Dzũng quan tài đang toòng teng trên cây sà ngang, giả vờ há hốc miệng,le lưỡi.. Người ta gấp rút cứu Dzũng quan tài. Rồi bắt Đội trưởng Lương Việt Cương khiêng kẻ chán đời lên trạm xá. Sau vài lần "làm việc" với Dzũng quan tài để nắm vững lý do tự tử, trại báo cáo về Cục. Cao Minh Chiếm quyết định tống cổ cả bọn ra miền Bắc.
Và hai mươi tám con sư tử có mặt ở Nam Hà…