Tài giỏi không có nghĩa là không bao giờ phạm phải sai lầm, mà ở chỗ nhanh chóng chuyển bại thành thắng.

Bertolt Brecht

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 67
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1600 / 43
Cập nhật: 2016-06-20 21:15:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16: Bang Giao Thời Loạn
rong thời Nam - Bắc triều, triều Mạc (Bắc triều) và triều Lê (Nam triều), tuy coi nhau là kẻ thù không đội trời chung, nhưng cả hai đều thần phục nhà Minh và cố tìm mọi cách để được nhà Minh ban sắc phong cho mình. Hai bên biết rõ ý định cũng như mặt mạnh và mặt yếu của nhau, cho nên đã không ngần ngại tung ra các thủ đoạn để phá hoại lẫn nhau. Nói khác hơn, ngay cả trong lĩnh vực bang giao với nhà Minh, Nam triều và Bắc triều cũng có một cuộc chiến thực sự. Một trong những đỉnh cao ác liệt của cuộc chiến tranh này là sự kiện năm Bính Thân (1596). Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Bản kỉ tục biên, quyển 17, tờ 55 - b và 56 - a) chép như sau:
“Bấy giờ, bọn bề tôi nhà Mạc dùng nhiều quỷ kế đề tố cáo với nhà Minh rằng:
- Cái gọi là nhà Lê hiện thời, thực chất chỉ là của họ Trịnh. Chúng làm việc tranh giành, dấy binh để giết bề tôi đã thần phục của thượng quốc (ý nói giết dòng dõi của họ Lê - ND) và con cháu của họ Mạc chứ chẳng phải là quân lo hưng phục nhà Lê.
Vì lời tố cáo ấy, nhà Minh đã nhiều lần sai sứ tới cửa ải trấn Nam Giao (tức cửa ải Mục Nam Quan ngày nay - ND), mang điệp văn sang và hẹn đến cửa ải hội khám xem thực hư thế nào.
Ngày 29 (tháng giêng năm Bính Thân, 1596 - ND), vua Lê sai Hộ Bộ thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Thông Quận công là Đỗ Uông, cùng với quan Đô Ngự sử ở Ngự Sử Đài là Nguyễn Văn Giai, đi làm quan hầu mệnh, đến cửa ải trấn Nam Giao để trao đổi điệp văn và thư từ qua lại với viên Tả Giang binh tuần đạo (của nhà Minh) là Trần Đôn Lâm, lời lẽ rất khiêm nhường. Sau, (vua Lê) lại sai quan Hữu tướng là Hoàng Đình Ái, mang quân đến Lạng Sơn để làm hậu ứng, sai tộc mục là Hoàng huynh Lê Ngạnh, Hoàng huynh Lê Lựu, cùng với Công Bộ thị lang là Phùng Khắc Khoan, mang ấn An Nam Đô thống sứ ti và hai tờ có in mẫu ấn bằng mực của An Nam Quốc vương trước, 100 cân vàng, 1000 lạng bạc và mấy chục kì lão lên tận cửa ải trấn Nam Giao để chờ hội khám.
Ngày mồng 1 tháng 2, quan Tả Giang binh tuần đạo, kiêm án sát Đề hình sứ ti, Phó sứ Trần Đôn Lâm gởi điệp văn, đòi Vua phải thân hành tới cửa ải trấn Nam Giao để cùng hội khám.
Ngày mồng năm (tháng giêng năm Bính Thân - ND), Vua đích thân đốc suất bọn Hữu tướng là Hoàng Đình Ái, Thái úy là Nguyễn Hoàng và Nguyễn Hữu Liêu, Thái phó là Trịnh Đỗ và tướng lĩnh cùng binh lính, tổng cộng hơn một vạn người đến cửa ải trấn Nam Giao để hẹn ngày hội khám, nhưng lúc ấy nhà Minh tìm cớ dây dưa thoải thác, chỉ đòi lấy người vàng, ấn vàng theo lệ cũ, không đến khám, thành ra quá cả kì hạn.”
Tháng chạp năm Bính Thân (1596), vua Lê lại sai quan Hộ Bộ thượng thư, kiêm Đông Các Đại học sĩ, tước Thông Quận công là Đỗ Uông đi làm quan hầu mệnh, cùng đi còn có Quảng Quận công là Trịnh Vĩnh Lộc. Cũng sách trên (tờ 58 - b) chép:
"Lúc ấy, viên thổ quan đất Long Châu của nhà Minh, vì nhận nhiều của đút lót của họ Mạc, nên cứ về hùa với họ Mạc mà thoái thác, khiến cho việc chẳng thành, trong khi đó, tết nguyên đán cũng đã đến, bọn Đỗ Uông và Vĩnh Lộc đành phải về kinh.”
Sau nhiều phen hối lộ, tốn phí không biết bao nhiêu là của cải, đến tháng 4 năm Đinh Dậu (1597), mối bang giao giữa nhà Lê với nhà Minh mới trở lại bình thường.
Lời bàn: Họ Lê và họ Mạc lớn tiếng bêu riếu nhau khắp nước vẫn chưa cảm thấy vừa lòng, cho nên mới tìm cách bêu riếu nhau trên đất thiên triều là nhà Minh. Đương thời, họ chỉ cốt nói sao cho hả dạ căm tức, có biết đâu, cứ mở miệng nói mãi những điều chẳng tốt lành, thân danh cũng theo đó mà tan tành tơi tả. Ở đời, có phải lúc nào trình độ học vấn và trình độ hiểu biết về văn hóa cũng tương đương với nhau đâu!
Họ Lê và họ Mạc công kích nhau, rốt cuộc, chỉ có nhà Minh là thủ lợi. Quan lại thiên triều quả là thiên tài thay! Chuyện xưa kể rằng: Hai đứa trẻ nhà nọ có một quả chuối, nhưng cả hai đều tham, sau khi đã chia đôi rồi, đứa nào cũng cảm thấy phần mình ít hơn, bởi thế, chúng nhờ một anh hàng xóm chia hộ. Anh ta giơ hai nửa quả chuối ra và hỏi hai đứa rằng phần nào nhiều. Phần này - một trong hai đứa nhanh nhảu chỉ phần của đứa kia và nói như thế. Anh hàng xóm nhanh tay đưa lên miệng cắn một miếng thật to. Ăn xong, anh ta lại hỏi tiếp: Phần nào? Hai đứa đồng thanh chỉ về nửa quả chuối chưa bị cắn. Anh ta cắn một miếng còn to hơn miếng trước. Cứ thế, hết cắn bên này và hỏi, rồi lại cắn tiếp bên kia, cho đến khi hai nửa quả chuối đều vào hết bụng anh ta. Bấy giờ, hai đứa trẻ mới nhận ra mình dại, tên đại bợm lừa cho đến nỗi mất hết cả miếng ngon, nhưng muộn mất rồi.
Họ Mạc và họ Lê không phải là hai đứa trẻ, nhưng trong phép ứng xử với nhà Minh, chừng như cũng đáng coi là trẻ con. Nhà Minh không phải chỉ là anh hàng xóm chỉ tham miếng ăn nhất thời, ngược lại, còn là con hổ, khi đói, có thể xơi luôn cả hai đứa trẻ như thường. Con hổ bao giờ cũng là con hổ, đợi đến khi nó chồm tới vồ người mới bảo là nó dữ, phỏng có ích gì?
Việt Sử Giai Thoại - Tập 6 Việt Sử Giai Thoại - Tập 6 - Nguyễn Khắc Thuần Việt Sử Giai Thoại - Tập 6