You are a child of the sun, you come from the sun, and that is something true with the Earth also... your relationship with the Earth is so deep, and the Earth is in you and this is something not very difficult, much less difficult then philosophy.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoàng Thu Dung
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Little rain
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 13523 / 37
Cập nhật: 2015-07-22 16:13:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
16
Phiên tòa kết thúc, mọi người lần lượt ra về, tôi bảo mẹ về trước và cứ ngồi lặng trên ghế, tâm trí rã rời chơi vơi.
Căn phòng lặng thinh, một sự im lặng đến khủng khiếp, cảm giác cô đơn như thấm trong từng tế bào, tôi gục đầu vào thành ghế nhắm nghiền đôi mắt. Hình như có tiếng động nhỏ, tôi ngẩng đầu lên, ở hàng ghế bên kia Trường Duy cũng ngồi bất động, nét mặt đăm chiêu lạnh lùng. Trong phòng không có ai ngoài hai chúng tôi.
Thời gian trôi qua nặng nề, chậm chạp, không biết là đã bao lâu, rồi Trường Duy đứng dậy, ngang qua chỗ tôi, anh dừng lại một chút, nhìn lướt toàn bộ người tôi, tôi đọc thấy trong mắt anh một sự chua chát thù hằn. Tôi nghênh mặt nhìn lại anh. Trường Duy cười mỉa mai rồi đi thẳng.
Tôi hiểu rằng vẻ tươi tắn trẻ trung của tôi làm Trường Duy bị xúc phạm, điều đó mơn trớn sự tự ái trong tôi. Anh đừng hòng thấy được ở tôi một dấu hiệu đau khổ nhé, không bao giờ đâu. Trong cảm giác hả hê chiến thắng, tôi đứng dậy, đi vượt qua mặt Trường Duy, cố tạo một dáng dấp thẳng đứng, kiêu hãnh... Và không thèm nhìn đến anh.
Ra cổng, tôi thấy Phúc Thanh và Phúc Yên đứng đón Trường Duy. Tự nhiên cảm giác hả hê vụt tắt, tôi đau điếng, tức giận đến cay đắng. Thấy tôi, Phúc Thanh lên tiếng giọng cực kỳ vui vẻ:
- Về vui nghe Phượng.
Tôi hơi dừng lại, nhìn tận mặt anh ta, cười khinh bỉ rồi bỏ đi. Tôi thoáng thấy khuôn mặt rụt rè nhưng hạnh phúc của Phúc Yên, nó như một mũi nhọn đâm sâu vào tim tôi và tôi càng điên khùng giận dữ. Ừ, ráng mà xây dựng hạnh phúc với nhau đi, hai bên thật xứng đôi vừa lứa đấy.
Trường Duy thích thú có một người vợ ngoan hiền lắm, một người vợ hở môi ra là chỉ biết vâng dạ và đầu óc chẳng có gì ngoài những ý nghĩ vớ vẩn, ai hét lên một tiếng là sợ hãi khóc rống lên như con nít... Một người vợ cả đời chẳng biết làm gì ngoài chuyện đi chợ và nấu ăn. Mà coi chừng nấu ăn cũng không xong đấy, không chừng mai mốt đi làm về rồi cả hai phải kéo nhau đi tìm cái gì ăn đỡ đói, lúc ấy tha hồ cho anh sung sướng, chứ có một người vợ như tôi thì khổ lắm.
Như thế cũng chưa hạnh phúc lắm đâu, rồi đây anh sẽ có một lũ con cũng đần độn và dở hơi như mẹ nó, lúc đó cho anh sáng mắt. Lúc đó anh có khao khát một đứa con thông minh như con tôi thì cũng chỉ biết đứng nhìn mà thôi... Chúc hai người có một thiên đường hạnh phúc trên mây và ráng giữ cho đám mây ấy đừng tan, chứ không thì coi chừng phải kéo nhau ra tòa ly dị nữa đấy.
Tôi cười gằn một mình, đầu óc hừng hực những ý nghĩ trả thù ma quỷ. Tôi không hay mình phải cố nghĩ như vậy để vùi lấp nỗi đau đớn cứ xé nát tim.
o O o
Một tuần sau Trường Duy bất ngờ đến tìm tôi. Buổi trưa ba mẹ đều ngủ, nhà vắng hoe, tôi nằm thu mình trong ghế dài. Trường Duy xuất hiện trước mặt tôi như một bóng ma, âm thầm và trầm buồn. Tôi ngồi lên, với tay lấy chiếc gối che bụng, lạnh lùng đưa mắt nhìn anh, không thèm cả chào hỏi. Trường Duy ngồi đối diện với tôi, đặt một chiếc hộp trên bàn.
- Tôi đến để gởi em đồ nữ trang mà em còn bỏ lại.
- Tôi không cần đến nó.
- Đây là nữ trang trong ngày cưới, nó là của em, em nên giữ lấy, biết đâu sau này em sẽ cần đến nó.
Tôi nhún vai:
- Tôi chẳng thấy việc gì phải giữ mấy món đó cả, nói đúng hơn tôi không muốn dính dáng bất cứ thứ gì của anh nữa.
Trường Duy lãnh đạm:
- Đó là việc của em, em muốn nghĩ thế nào thì cứ nghĩ, còn tôi thì chỉ làm điều tôi thấy cần làm - Anh rút trong túi áo một mảnh giấy, dằn dưới chiếc hộp - Còn đây là ngân phiếu của em, tôi đã dành cho em một khoản tiền trong ngân hàng, em toàn quyền sử dụng.
Tôi nhếch môi:
- Cám ơn, nhưng tôi không cần.
Trường Duy đứng dậy, khuôn mặt lạnh như tiền:
- Tùy em, xin chào.
Tôi nói với theo:
- Làm ơn mang những thứ này đi dùm tôi.
Nhưng Trường Duy không thèm ngoái lại, đi một mạch ra cổng.
Tôi ngồi im nhìn hộp nữ trang, đó là tất cả những gì Trường Duy đã tặng tôi trong ngày cưới, không hiểu sao tôi thèm có nó bên mình, trân trọng giữ gìn như một kỷ niệm thiêng liêng của một thời yêu nhau... Nhưng trong tình trạng này thì... Và cả tiền nữa, sau bộ phim vừa rồi tôi chẳng có được bao nhiêu, tôi cũng không hiểu mình đã tiêu xài trong khoản nào. Từ khi chia tay với Trường Duy tôi bắt đầu nghĩ đến tiền, có nghĩa là từ nay tôi phải tự lo tất cả nuôi con, ý nghĩ đó làm tôi thấy hoang mang, sợ hãi vô cùng.
Tôi nhìn tờ phiếu, với số tiền này tôi có thể sống thoải mái trong nhiều năm mà chẳng cần phải làm phim nữa. Bây giờ tôi mệt mỏi với phim trường lắm rồi, chỉ muốn nghỉ ngơi chờ ngày sinh mà thôi. Nhưng nhận nó có nghĩa là thừa nhận sự yếu đuối, sẽ làm Trường Duy khoái trá với ý nghĩ không có anh tôi sẽ không sống nổi và Phúc Yên sẽ cười nhạo tôi, rồi hai người ấy cùng thương hại tôi, trời, thật là không chịu nổi.
Buổi chiều tôi lẳng lặng gửi tất cả mọi thứ qua bưu điện trả Trường Duy, không một lời giải thích. Tôi muốn gây cho anh cảm giác hụt hẫng, bẽ bàng và bẻ gãy cá tính cao ngạo của anh, để anh thấy Như Phượng này không phải loại người dễ khuất phục.
Giờ đây tôi lại nghĩ đến ông Thịnh Vương, nghĩ đến số tiền cát sê ngoài sức tưởng tượng. Vâng, tôi cần tiền, cần ghê gớm. Tôi đã nhìn thấy trước viễn cảnh thiếu hụt của những ngày tháng nuôi con, biết lấy ai là người che chở, bởi vì tôi đâu thể dựa vào ba mẹ như xưa nữa.
o O o
Trưa nay tôi đến nhà Vĩnh Tuyên, anh đón tôi với vẻ ngạc nhiên và một thái độ đặc biệt ân cần.
- Phượng đến có chuyện gì vậy? Lâu không gặp thấy Phượng gầy quá.
Anh kín đáo nhìn khắp người tôi, một cái nhìn thương cảm, lo lắng. Tôi cười khẽ:
- Lúc này anh Tuyên có đi quay phim nào không?
- Tôi đang quay cho nhóm Thuý Hồng cũng sắp xong rồi.
- Anh bắt đầu hợp tác với tư nhân rồi à?
Vĩnh Tuyên cười:
- Ai mời thì tôi đi quay, không kén chọn gì hết – Anh nhìn tôi vẻ quan tâm - Phượng có cần gì không? Tôi biết khi đến tìm tôi là Phượng phải có chuyện gì đó?
- Chú Duy An sắp ra kịch bản chưa anh Tuyên?
- Hình như sắp... Nhưng tôi nghĩ... Phượng không nên làm phim nữa.
- Sao vậy anh Tuyên?
- Phượng cần giữ gìn sức khoẻ, bởi vì...
Tôi hiểu rồi, thật cảm động về những gì Vĩnh Tuyên lo cho tôi, điều đó làm tôi thấy tin anh hơn. Tôi nói thật:
- Phượng biết điều đó, nhưng không làm phim thì Phượng không có tiền... Thật ra lúc này thì chưa cần, nhưng mai mốt sinh xong rồi Phượng còn phải nuôi con.
Vĩnh Tuyên nhìn tôi chăm chú:
- Theo đúng luật thì khi ly hôn của cải phải chia đều chứ. Anh ấy không thể nhẫn tâm với Phượng như vậy.
Tôi lắc đầu:
- Anh ấy không nhẫn tâm, nhưng tự Phượng dứt khoát không nhận thứ gì hết.
- Phượng hành động như vậy để làm gì?
Tôi nhìn Vĩnh Tuyên thành thật:
- Phượng muốn chứng tỏ cho anh ấy thấy rằng, không có anh ấy Phượng vẫn sống được.
Vĩnh Tuyên lắc đầu cười khẽ:
- Phượng quyết đoán và tự ái cao quá, thật chẳng khác khi còn đi học chút nào.
- Đừng nói đến chuyện đó anh Tuyên, thật tình là Phượng muốn nhờ anh một việc và chỉ có anh Phượng mới dám nói sự thật.
Vĩnh Tuyên ngồi thẳng lên:
- Phượng nói đi.
Tôi ngập ngừng:
- Anh nhớ có lần Phượng kể với anh về ông Thịnh Vương chứ?
- Nhớ chứ, ông ấy là nhà làm phim mạnh nhất mà, nhưng sao vậy Phượng?
- Bây giờ Phượng muốn hợp tác với ông ấy.
Mặt Vĩnh Tuyên hơi cau lại, rồi anh điềm tĩnh:
- Tôi thấy cũng được, làm phim gì cũng được, vả lại ông ấy rất mong có hợp đồng với Phượng mà.
- Đúng là lúc trước có vậy, nhưng vì Phượng từ chối nên bây giờ Phượng khó mà đến đó đề nghị hợp tác được.
- Sao vậy?
Tôi lúng túng:
- Tại vì... Anh phải hiểu là... Một khi Phượng mở lời trước thì mình sẽ... sẽ...
- Sẽ mất thế. Thôi, tôi hiểu rồi và tôi sẽ thay Phượng làm điều đó, Phượng cứ yên tâm. Tôi sẽ có cách nói nào đó để ông ta tìm đến Phượng với giá hợp đồng cao nhất, Phượng đừng lo.
Biết rằng Vĩnh Tuyên bao giờ cũng thật sự lo cho tôi, nhưng khi nói ra cái điều trần trụi này, tôi vẫn thấy xấu hổ kỳ lạ, mặt tôi nóng bừng và chỉ biết ngồi yên lặng. Có lẽ hiểu tâm trạng của tôi, Vĩnh Tuyên tế nhị lảng chuyện:
- Từ ngày đó đến giờ Phượng có gặp lại anh ấy không?
- Không anh Tuyên ạ.
Vĩnh Tuyên nhíu mày như bận suy nghĩ một điều gì rất khó, cuối cùng anh ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt tôi:
- Phượng này, khi Phượng đã tin tôi rồi thì hãy xem tôi là người thân và hiểu đúng những gì tôi nói nhé. Tôi không muốn Phượng đi làm phim lúc này, tinh thần Phượng đang sa sút và lại có thai... Cho nên Phượng hãy...
Vĩnh Tuyên lúng túng một lát, rồi cương quyết:
- Tóm lại là... Tôi sẽ lo mọi thứ cho Phượng, lúc này tôi kiếm được khá nhiều tiền rồi, đừng từ chối nghe Phượng, đó là tôi nói rất thật, tôi...
Tôi quay mặt, chùi nhanh giọt nước mắt rớt trên mi. Làm sao nói được với Vĩnh Tuyên sự xúc động và tình cảm biết ơn đối với anh ấy, nhưng tôi không thể...
Vĩnh Tuyên nói khẽ:
- Đừng hiểu lầm tôi nghe Phượng, nhân danh tình bạn tôi nói điều ấy, tôi hoàn toàn không có ý định lợi dụng lúc Phượng yếu đuối để...
Tôi nhìn anh bằng đôi mắt chân thành nhất, biết ơn nhất:
- Phượng hiểu anh Tuyên rồi, làm sao Phượng dám nghĩ điều không tốt cho anh được chứ. Nhưng Phượng không cho phép mình nhận lòng tốt của anh mãi được, nếu giúp Phượng anh hãy...
Vĩnh Tuyên hơi buồn:
- Thôi được, tôi sẽ làm theo ý Phượng, nhưng Phượng nên nhớ, lúc nào tôi cũng ở bên Phượng hết.
Tôi từ giã Vĩnh Tuyên ra về lòng ngổn ngang. Lần đầu tiên trong đời mình, tôi thấy sợ hãi với cảm giác cô đơn thăm thẳm.
o O o
Bé Trường Sơn nằm trong nôi, cánh tay bé xíu huơ huơ trong không khí, vụng về và đáng yêu vô cùng. Tôi cúi xuống cười với con tôi, thằng bé thấy mẹ, cười toét miệng khoe những chiếc răng sữa. Tôi dịu dàng:
- Ngủ đi cưng của mẹ, ngủ ngoan mẹ thương nè.
Tôi đưa nhẹ chiếc nôi, hát khẽ:
- "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày thức đủ vừa năm
Gió mùa hè ai vè bạc phận..."
Tôi nhìn xa xăm ngoài cửa sổ, những đám mây trắng bồng bềnh trôi lơ đãng trên bầu trời cao vời vợi. Bây giờ là mùa thu, những làn gió lay lắt lướt ngoài cửa sổ càng gợi cảm giác hiu hắt. Tôi thở dài trong nỗi buồn mênh mang.
Nhìn con tôi trong giấc ngủ trẻ thơ vô tội, tôi lại chạnh nghĩ về đời mình. Vâng! "Bao năm qua em trở thành thiếu phụ, ngồi ru con như ru tình buồn... Xin một đời ghi dấu ăn năn, xin một đời ngủ yên dĩ vãng".
Nhưng làm sao vùi lấp nỗi buồn vào dĩ vãng cho được. Tôi bây giờ cô đơn trong đời thiếu phụ, còn Trường Duy thì hạnh phúc với một gia đình đầm ấm. Nếu ngày ấy tôi không quá cao ngạo, nếu ngày ấy tôi biết chắt chiu gìn giữ hạnh phúc, có lẽ bây giờ tôi không dang dở và con tôi không phải thiếu vắng tình thương của cha. Khi lòng tôi trầm láng để nhận ra đổ vỡ thì đã muộn rồi.. Tôi lắc đầu cố dằn cảm xúc yếu đuối.
Tôi đứng dậy, lấy xấp kịch bản tiếp tục đọc. Không nén được cái nhăn mặt bực bội, lần thứ ba tôi đạo diễn cho kịch bản của Phạm Tuấn, một người biên kịch "sản xuất" kịch bản với tốc độ chóng mặt. Tôi hiểu rằng mình phải khai thác tối đa những cảnh làm thích mắt thiên hạ, để lấp nội dung nghèo nàn của cốt truyện.
Từ lâu rồi tôi không còn cảm giác trân trọng khi viết lịch bản phân cảnh nữa và cũng xa rồi chú Duy An. Bởi vì, tôi cần tiền, hợp đồng làm phim với ông Thịnh Vương bao giờ tôi cũng có khoản thù lao cao nhất. Nếu ngày xưa tôi nhận lời khen làm niềm hạnh phúc, thì bây giờ tôi lấy tiền làm cứu cánh của niềm vui. Một sự thụt lùi thảm hại, nhưng biết làm sao được người ta phải sống theo biến đổi của cuộc đi, chứ không thể bắt buộc đời chiều theo ý mình muốn. Tôi đã học bài học ấy từ khi tôi hiểu thế nào là nỗi mất mát. Tôi xếp xấp kịch bản lại, khẽ thở dài.
Tôi lại thèm thuồng đứng bên chiếc nôi nhìn con tôi không chớp. Tim tôi rộn lên một cảm xúc khó tả vì những nét giống tạc Trường Duy ở con tôi. Từ chiếc cằm vuông vuông cương nghị đến nét môi gọn nghiêm khắc không cười và một cảm giác như đắc thắng chiếm lấy tôi, hai năm rồi chưa bao giờ tôi nguôi ngoai ý nghĩ trả thù. Tôi cũng không hiểu tại sao, chỉ biết rằng mỗi lần hình dung cuộc sống hạnh phúc của anh tôi chịu không nổi.
Bé Trường Sơn chợt mở mắt, rồi lồm cồm bò dậy, nhìn tôi cười toe toét. Tôi bồng nó lên hôn mê mải khuôn mặt bầu bĩnh của nó. Sao mà tôi yêu con tôi điếng cả ruột gan thế này, như đó là tất cả niềm hạnh phúc của đời tôi, vượt lên trên những tình yêu khác và là lẽ sống duy nhất trong tôi. Tôi đặt bé Trường Sơn xuống giường, bày đồ chơi ra, mẹ con tôi cùng chơi say mê. Cánh cửa chợt mở ra, mẹ tôi đi vào:
- Có cái chú gì tìm con ngoài kia, con ra tiếp khách đi, để bé Sơn đó cho mẹ.
Tôi đi ra phòng khách, chú Duy An ngồi ở đó, tôi reo lên:
- Chú An, lâu ghê không gặp chú.
- Phượng khoẻ chứ?
- Dạ khoẻ.
- Hình như Phượng vừa làm xong một phim phải không? Tôi nghe nói phim đó doanh thu cao lắm.
Tôi ngồi im, chú An có ý muốn phê bình tôi không đây. Tôi cười gượng:
- Dạ, Phượng cũng nghe nói người ta xem khá đông.
- Chúc mừng Phượng.
- Chú An nói mỉa Phượng phải không?
Chú Duy An lắc đầu:
- Hoàn toàn không phải, nghệ thuật mà, mỗi người đều có quan niệm riêng, Phượng kiếm được nhiều tiền thì chú mừng dùm chứ.
- Đã có vài bài báo phê phán mấy phim đó, chú có đọc không?
- Có, nhưng phê bình là quyền của họ, còn làm là việc của mình, Phượng quan tâm làm gì.
Được một người như chú An đồng tình thật là nhẹ, tôi nhìn chú đầy thiện cảm. Chú An mở cặp, lấy một xấp giấy đánh máy ra.
- Tôi vừa viết xong kịch bản mới, lần này chỉ muốn giao cho Phượng thôi.
Tôi ngồi im khó xử, rồi tôi lúng túng:
- Chú An thông cảm, Phượng đang làm một phim mới, định đầu tháng này bắt đầu quay.
Chú Duy An hơi thoáng thất vọng, rồi lấy lại vẻ mặt bình thường:
- Vậy hả?
Tôi ngồi im, thật ra tôi có thể nhận kịch bản này, vì quay bộ phim mới chỉ hơn một tháng là xong, nhưng tiền thù lao của hãng phim Bình Minh ít quá. Bây giờ tôi không thể vì chú Duy An nữa, tôi phải sống cho con tôi. Khi người ta cần tiền thì biết tìm bao nhiêu cho đủ.
Tiễn chú Duy An về rồi tự nhiên thấy buồn, xem như lần này tôi đã cắt đứt, đoạn tuyệt với khoảng đời làm nghệ thuật tốt đẹp của mình, xa rồi những người bạn đã một thời tâm đắc để hòa nhập vào thế giới khác với thế giới đã đưa tôi đến thành công. Chiều nay tôi buồn ghê gớm.
o O o
Trong căn phòng tối mờ mờ, trên chiếc giường rộng thênh thang chăn gối xô lệch, là cặp tình nhân đang dìm nhau vào cơn hoan lạc, đèn tắt, ánh sáng chỉ vừa đủ để nhìn thấy hiện thực mờ ảo và làm phát triển trí tưởng tượng của người xem một cách mạnh mẽ. Đó là phân cảnh cuối của bộ phim, một cảnh mà như ông Thịnh Vương muốn, phải là cảnh ăn khách nhất, thu hút nhất... Và hấp dẫn nhất trong toàn bộ phim.
Tối nay đích thân ông Thịnh Vương đến trường quay, hình như ông ta không tin lắm vào chỉ đạo diển xuất của tôi.
Mọi thứ bắt đầu, hai diễn viên vào vị trí, họ bắt đầu những thao tác tình tự, tôi để mặc họ diễn xuất theo bản năng... Chiếc áo của người nữ diễn viên vừa được tuột xuống quá vai, tôi hô to:
- Cắt đi, thế là đủ.
Ông Thịnh Vương nãy giờ im lặng quan sát bỗng lên tiếng:
- Cô cho diễn tiếp đi, thêm một chút nữa không sao đâu, màn này phải hấp dẫn thêm chút nữa.
- Nhưng còn phải kiểm duyệt, có thể người ta sẽ cắt phần này chú ạ.
Ông ấy xua tay:
- Bao nhiêu đây nhằm nhòm gì, cô cứ cho diễn tiếp đi.
Tôi do dự, nghĩ đến những dư luận có thể bùng nổ, tôi thấy ngại ngùng, nhưng ông Thịnh Vương cứng rắn:
- Cô cho diễn tiếp đi.
Tôi thở dài, thôi thì tùy ông ta, đối với loại hợp đồng thế này, quyền hạn của tôi chỉ còn phân nửa, nửa kia là dành cho người bỏ tiền kinh doanh nó. Cuối cùng cũng quay xong cảnh cuối, ông Thịnh Vương xoa tay có vẻ hài lòng.
- Phim này khá lắm, hy vọng tôi sẽ tiếp tục hợp đồng lâu dài với cô.
Tôi im lặng, nửa thấy bất mãn, nửa mong được tiếp tục như thế. Tôi không thích ông ấy, nhưng tôi cần làm việc với ông ta.
Và thật ngoài dự kiến của ông Thịnh Vương, bộ phim mới này có doanh thu cao nhất từ trước tới nay. Tôi trở thành đạo diễn sáng giá nhất đối với ông ta, chưa bao giờ, mỗi lần gặp tôi ông ấy lại vồn vã với tôi như vậy. Những cuộc họp mặt, những buổi chiêu đãi ở nhà ông ta, tôi bao giờ cũng là vị khách đặc biệt nhất. Tôi hiểu rằng sự ân cần của ông ấy đối với tôi tỉ lệ thuận với những lợi nhuận sau mỗi bộ phim, có một chút gì đó chua chát trong tôi và cảm giác đó biến thành sự hoảng sợ, xấu hổ thật sự.
Vì Sao Rơi Trong Đêm Vì Sao Rơi Trong Đêm - Hoàng Thu Dung Vì Sao Rơi Trong Đêm