Số lần đọc/download: 13190 / 450
Cập nhật: 2015-03-02 12:48:56 +0700
Chương V ( 3) - 6. Tống, Kim Và Mông Cổ Ở Cuối Thế Kỷ XII
Sự ghìm nhau của Tống và Kim đến cuối thế kỷ XII đã giảm đi ít nhiều. Tống cắt thêm ít đất cho Kim, Kim rút bớt tiền nộp mỗi năm cho mươi vạn, hai bên đều xưng đế, vua Tống gọi vua Kim là chú, nghĩa là vẫn tự nhận là nước phụ dung của Kim. Sở dĩ vậy vì cả hai bên đều suy rồi.
Kim suy vì quốc gia đã phong kiến hoá, nhân dân đã Hán hoá, họ mô phỏng theo chữ Hán mà tạo ra một thứ chữ riêng, mở trường học, đã có một số người thông ngũ kinh, tứ thư, làm thơ văn như người Hán, vốn lại là bớt hung hãn.
Tống suy vì dân chúng thất vọng, cứ phải đóng thuế mỗi năm một nhiều, nỗi lên cướp bóc, trong lịch sử chỉ thấy ghi: "Tứ Xuyên nhiều giặc", "Giang Tây nhiều giặc"....đâu đâu cũng có giặc.
Trong khi đó thì mọi rợ ở phía Bắc Hắc Long giang, rợ Mông Cổ, thịnh lên rất mau và như một cơn lốc, tới đâu quét sạch tới đó, mới đầu diệt Kim, sau diệt Tống, sự tranh chấp giữa Tống, Kim do đó mà chấm dứt.
Mông Cổ mạnh lên.
Rợ Mông Cổ tự xưng là giống Thát Đát, gồm nhiều bộ lạc Hung nô, Thổ (Đột Quyết), Mông Cổ (nhiều nhất), sống bằng du mục, ở thế kỷ XI mà vẫn như rợ Hồ ở đầu đời Hán, có hàng triệu con ngựa cứ mùa đông miền Bắc cỏ chết hết thì dời xuống miền Nam rồi đến mùa hè lại trở lên miền Bắc. Họ ở liều, thức ăn chính là thịt và sữa ngựa, săn bắn và chiến đấu với các rợ khác, rất giỏi phi ngựa bắn cung, hung hãn, tàn bạo.
Thế kỷ XII họ lệ thuộc nước Kim, học được của Kim những chiến thuật mới. Có một sự trùng diễn ngẫu nhiên của lịch sử: Kim trước lệ thuộc Khiết Đan, bị một vua Khiết Đan tàn bạo, đàn áp quá mà nổi loạn, diệt được Khiết Đan, thì Mông Cổ cũng bị Kim ức hiếp quá mà qua thế kỷ XIII đánh lại Kim, Kim thua nhiều trận phải cắt đất, nộp bò, dê, đậu, gạo....., phong cho tù trưởng Mông Cổ tước vương, họ không thèm nhận, tư xưng là Đại Mông Cổ quốc.
Đến đời Thiết Mộc Chân (Témoudjie, Thái Tổ nhà Nguyên) Mông Cổ lại càng mạnh, diệt được nhiều bộ lạc ở Tây Vực, năm 1206 lên ngôi Đại Hãn (Hoàng đế). Hiệu là Thành Cát Tư Hãn (Genges Khan).
Năm 1210 Thành Cát Tư Hãn lại đánh Kim, chiếm được Tây kinh của Kim, Kim lại xin hoà, nộp vàng lụa, phụ nữ và dâng một công chúa cho Thành Cát Tư Hãn làm thiếp. Mông Cổ rút quân về để chuyển qua đánh phía Tây, chiếm được miền Tây Vực, thẳng tiến tới bờ phía bắc Hắc Hải, chiếm hết các nước lớn nhỏ trên đường hành quân, cuối cùng là Kiev của Nga. Sử chép rằng họ tới đâu thắng tới đó như vào chỗ không người vì họ tàn bạo, khát máu vô cùng, hễ thành nào chống cự lại thì họ sang phẳng, giết hết dân, không chừa một đứa con đỏ, sọ người chất cao như núi, điều đó đúng nhưng không phải chỉ vì vậy. Theo nhiều sử gia châu Âu gần đây thì Mông Cổ rất giỏi về chiến thuật, không một nước châu Âu nào thời đó bì kịp; trước khi tấn công họ chịu tìm hiểu kỹ tình hình chính trị của địch, địa thế, sức mạnh của địch, có lẽ họ biết dùng súng nữa mà Trung Hoa thời đó đã chế tạo được.
Tới Nga rồi, Thành Cát Tư Hãn trở về Trung Hoa đánh Tây Hạ, chưa xong thì chết. Tây Hạ hàng (1227). Thành Cát Tư Hãn chia những đất đã chiếm được cho bốn con, lập thành bốn hãn quốc.
Bọn nối ngôi đó sau còn Tây tiến hai lần nữa; lần thứ nhất chiếm Hồi Quốc, Đông Âu, Nhật Nhĩ Man......(1234), lần thứ ba chiếm Tây Bộ Á Tế Á (1251). Tôi chép lịch sử Trung Hoa nên không ghi lại dù vắn tắt những chiến công đó của họ; chỉ xin nói qua rằng khi họ chiếm được trọn Trung Hoa vào khoản năm 1280 thì đế quốc của họ - đế quốc của Mông Cổ- lớn nhất trong lịch sử cổ kim.
Việc chiếm trọn Trung Quốc là công của Oa Hoạt Đài (con của Thành Cát Tư Hãn) và Hốt Tất Liệt (Khoi Lai Khan) tức Nguyên Thái Tổ.
Oa Hoạt Đài (1) (Ogodei) đem quân đánh Kim, vây Biện Kinh 16 ngày không lấy được. Mông Cổ sai sứ vào xin Tống (vua Lí Tôn) hợp binh đánh Kim. Vua tôi nhà Tống muốn thừa diệp đó, diệt Kim để rửa nhục, mà quên rằng trước kia Tống giúp Kim diệt Liêu, sau bị Kim phản, trở lại hại Tống. Lần này cũng vậy, Tống giúp Mông Cổ diệt Kim (vua Kim phải tự ải - có sách nói nhảy vào lửa chết năm 1234) rồi cũng bị Mông Cổ phản trở lại hại Tống.
Kim làm chủ miền Bắc 120 năm, khi bị diệt, xin Mông Cổ trở về Mãn Châu sống đời du mục trở lại dưới quyền của Mông Cổ và tới thế kỷ XVI, họ mới trở lại làm chủ Trung Quốc, với tên Mãn Thanh.
Sau đó Oa Hoạt Đài đánh Cao Li ở phía Đông, Hốt Tất Liệt đánh Vân Nam, Thổ Phồn, Nam Chiếu ở phía Tây và Nam.
Năm 1260 Hốt Tất Liệt lên ngôi, tức vua Thế Tổ nhà Nguyên, năm 1264 dời đô từ Karakorum lại Yên Kinh (Bắc Kinh), năm 1268 vây Tương Dương, Tương Dương cố thủ 5 năm rồi mất (1273). Thế của Tống lúc này rất nguy. Đầu đời Cung đế, năm 1275 Mông Cổ đem quân theo Giang Đông tiến xuống, thừa tướng Tống là Giả Tự Đạo sai hai viên tướng đốc suất 13 vạn tinh binh, 2500 thuyền chiến cự địch, nhưng chưa xáp chiến quân Tống đã vỡ, Tống mất liên tiếp các đất Lưỡng Bồ, Kiến Khang, Trấn Giang, Thái Bình, Dương Châu, rồi Lâm An bị bức. Cung đế chiêu mộ quân cần vương. Văn Thiên Tường và Trương Thế Kiệt hưởng ứng, bàn kế chặn địch, nhưng tể tướng là Trần Nghi Trung chỉ muốn hoà, ba lần sai sứ xin nhường đất để Mông Cổ lui binh, lần cuối cùng chỉ xin giữ một tiểu quốc để tế tự, mà cũng bị cự tuyệt. Triều đình khiếp nhược như vậy mà dân chúng thì quyết chiến. Theo Will Durant trong sách đã dẫn, thì ở "Juining-fu" một vị thủ lãnh cố cầm cự cho đến khi tất cả những người già cả, các người tàn tật bị người trong thành ăn thịt hết, còn các người khoẻ mạnh thì chết vì chiến tranh hết, chỉ còn lại đàn bà để giữ thành, lúc đó ông mới cho nỗi lửa đốt thành và ông chết thiêu trong dinh của ông.
(1) có sách ghi là A Hoạt Đài
Tống vong tam kiệt
Quân Mông Cổ vào được Lâm An, bắt được Cung đế, thái hậu và mấy ngàn người đưa lên phương Bắc (1276)
Bọn di thần là Lục Tú Phu (tể tướng), Trương Thế Kiệt tôn vua Đoan Tôn lên ngôi, đưa xuống Phúc Kiến. Văn Thiên Tường đốc suất nghĩa quân chống Mông Cổ, mấy lần đều thua.
Năm 1277 Trương Thế Kiệt dắt Đoan Tôn xuống Quảng Đông, năm sau Đoan Tôn chết ở Can Châu (Quảng Đông). Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu lại lập em là Quảng Vương lên thay, đưa ra đảo Nhai Sơn (Quảng Đông). Mông Cổ bắt được Văn Thiên Tường rồi, tiến đánh Nhai Sơn. Không thể chống cự được nữa. Lục Tú Phu cầm kiếm xua hết cả vợ con phải gieo mình xuống biển, rồi cõng vua nhảy xuống theo (1279). Theo một học giả Nhật là Trung Sơn Cửu Tú Lang làm thống kê thì số trung thần nghĩa sĩ tử tiết là 274 người. Có người còn bản rằng hàng trăm người Trung Hoa noi gương đó cũng tự trầm mình chứ không chịu hàng Mông Cổ.
Trang sử cuối cùng của nhà Tống đó bi thảm nhất mà cũng vẻ vang nhất. Có thể nói là trang sử vẻ vang duy nhất của triều đình nhà Tống.
Văn Thiên Tường bị bắt về Yên Kinh, Trương Thế Kiệt vẫn chưa tuyệt vọng, dò đường thuỷ qua Việt Nam, mưu sự khôi phục. Nhưng giữa đường gặp bão, thuyền chìm, chết.
Văn Thiên Tường bị giam bốn năm ở Yên Kinh, Hốt Tất Liệt dụ dỗ ông, ông nhất định không chịu nhận uy quyền của vua Nguyên. Tôi chép lại dưới đây đoạn Will Durant khen khí tiết của ông.
"Trong một đoạn văn vào hàng nổi danh nhất của Trung Hoa, Văn Thiên Tường viết: "Ngục của tôi chỉ có hai con ma trơi chiếu sáng, không một ngọn gió nào thổi vào chỗ tối tăm, tịch liêu này cả.....Sống trong sương mù và trong không khí ẩm thấp, tôi thường nghĩ rằng sắp chết tới nơi, vậy mà trọn hai năm, bệnh tật hoài công lảng vảng chung quanh tôi. Riết rồi tôi thấy cái ngục nền đất ẩm thấp, hôi hám này là một cảnh thiên đường. Vì thế mà tôi giữ vững được ý chí, ngắm mây trắng trôi trên đầu mà lòng buồn mênh mông như vòm trời vậy"
"Sau cùng Hốt Tất Liệt sai người dẫn ông tới trước mặt mình hỏi: "Ngươi muốn gì" Văn Thiên Tường đáp: "Thiên Tường này đội ơn nhà Tống mà được làm tể tướng thì sao có thể thờ hai nhà được, ta chỉ xin được chết thôi". Hốt Tất Liệt chấp nhận. Khi lưỡi búa của tên đao phủ hạ xuống, ông quay mặt về Nam Kinh, như thể vua Tống còn ở đó, mà vái dài".
Will Durant chê hành động đó của Hốt Tất Liệt là "man rợ". Mấy hàng "nổi danh nhất" của Văn Thiên Tường. Will đã dẫn ở trên ít người được biết, nhưng bài chính khí ca của ông "tráng liệt như cầu vồng vắt ngang trời, mỗi lần ngâm lên thấy máu sôi trong lòng", nghe như một bài tiến quân ca, thì nhà nho Trung Hoa, Việt Nam thời xưa không ai không thuộc nó các vị như Phan Đìng Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Trung Trực......của ta tất đã nhiều đêm vung bảo kiếm, nhìn ngân hà mà ca:
Thiên địa hữu chính khí
Tạp nhiên phú lưu hình
Hạ tắc vi hà nhạt
Thượng tắt vi nhật tinh......
(Trời đất có chính khí
Lẫn lộn trong các hình
Dưới đất là sông núi
Trên trời là nhật, tinh......)
Bài đó tôi đã trích dịch trong Đại cương văn học sử Trung Quốc, cuốn III, trang 58
Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu được đời sau gọi là Tống vong tam kiệt (Ba hào kiệt thời Tống mất nước) . Có ba vị đó với Nhạc Phi, Tống cũng đỡ tủi.
Đế quốc Mông Cổ thế kỉ XIII