Nguyên tác: Disgrace
Số lần đọc/download: 1076 / 18
Cập nhật: 2017-04-06 08:43:37 +0700
Chương 16
L
ucy tránh mặt ông suốt buổi sáng hôm sau. Cuộc gặp cô đã hứa với Petrus không diễn ra. Đến chiều, chính Petrus gõ vào cánh cửa sau, gọn gàng như mọi khi, đi ủng, mặc quần áo làm việc. Đã đến lúc đặt đường ống, anh ta nói. Anh ta muốn đặt ống PVC từ bể chứa nước đến ngôi nhà mới của anh ta, cách khoảng hai trăm mét. Anh ta có thể mượn dụng cụ, và có thể nhờ David giúp lắp bộ điều chỉnh được không?
- Tôi chẳng biết gì về bộ điều chỉnh. Tôi chẳng biết gì về hàn chì – Ông không còn tâm trạng nào giúp Petrus.
- Đây không phải là hàn chì – Petrus nói – Đây là lắp ống dẫn. Chỉ lắp thôi.
Trên đường đến bể chứa nước, Petrus nói về các loại bộ điều chỉnh khác nhau, về van áp suất, về các chức năng; anh ta diễn đạt bằng những lời lẽ bay bướm, chứng tỏ sự hiểu biết thành thạo. Anh ta nói đường ống mới sẽ chạy qua mảnh đất của Lucy, và cô đã có lòng tốt cho phép như thế. Cô ấy là người “biết nhìn xa trông rộng, chứ không phải là người lạc hậu”.
Petrus không đả động gì đến bữa tiệc hoặc gã thiếu niên có cặp mắt long lanh. Cứ như không có chuyện gì xảy ra.
Tại bể chứa nước, Petrus không cần ông lắp ống mà giữ ống, đưa dụng cụ cho anh ta – thực ra là một người phụ việc cho anh ta. Ông cũng không ghét việc đó. Petrus là người thạo việc, cứ nhìn cũng thấy tài khéo của anh ta. Chính thế, lại làm ông bắt đầu không ưa. Nếu Petrus lười biếng, ông sẽ ngày càng lãnh đạm với anh ta. Ông sẽ chẳng thích gì cái việc thơ thẩn với Petrus trên cái hòn đảo hoang vắng này. Chắc chắn ông sẽ chẳng muốn có một người chồng như Petrus. Một tính cách nổi bật. Người vợ trẻ có lẽ hạnh phúc lắm, nhưng ông không biết người vợ cũ sẽ nói ra sao.
Cuối cùng, lúc đã thấy đủ, ông cắt ngang dòng suy nghĩ:
- Petrus – ông nói – cái cậu thiếu niên đến nhà anh dự tiệc tối qua ấy, tên là gì và hiện ở đâu vậy?
Petrus bỏ mũ ra, lau trán. Hôm nay anh ta đội mũ lưỡi trai có phù hiệu Đường sắt và Cảng Nam Phi bằng bạc. Hình như anh ta có cả một bộ sưu tập các kiểu mũ.
- Ông David – Petrus vừa nói vừa cau mày – về việc ông bảo cậu ta là một thằng kẻ cắp ấy, thật là nặng nề. Cậu ấy rất cáu vì ông gọi cậu ta là kẻ cắp. Cậu ta đã kể với mọi người như thế. Còn tôi, tôi phải giữ hòa khí. Vì thế khó cho cả tôi nữa.
- Tôi không định kéo anh vào chuyện này, Petrus. Hãy cho tôi biết tên và địa chỉ của cậu ta, để tôi chuyển cho cảnh sát. Sau đó chúng ta để cho cảnh sát điều tra và đưa hắn cùng đồng bọn ra xét xử. Anh không liên quan gì, đấy là chuyện của pháp luật.
Petrus vươn vai, giơ bộ mặt ra đón ánh mặt trời rực rỡ:
- Nhưng bảo hiểm sẽ trả cho ông một chiếc ô tô mới.
Đây là một câu hỏi? Một lời tuyên bố? Petrus đang chơi trò gì vậy?
- Bảo hiểm sẽ không trả cho tôi một chiếc xe mới – ông giải thích, cố kiên nhẫn – Giả sử không bị phá sản vì tất cả những tên ăn trộm xe ở đất nước này, bảo hiểm cũng chỉ trả cho tôi một số phần trăm giá trị cái xe cũ. Như thế không đủ để mua xe mới. Vả lại, đây là chuyện nguyên tắc. Chúng tôi không thể để cho các công ty bảo hiểm tuyên án. Đấy không phải là việc của họ.
- Nhưng ông không thể lấy lại xe của ông từ cậu ta. Cậu ta không thể trả xe cho ông. Cậu ta không biết xe của ông đang ở đâu. Chiếc xe ấy đi mất rồi. Cách tốt nhất là ông mua cái xe khác bằng tiền bảo hiểm, lúc ấy ông lại có một chiếc xe.
Sao ông lại rơi vào cái cảnh bế tắc này? Ông thử một chiến thuật mới.
- Petrus, vậy tôi hỏi anh, cái cậu đó quan hệ thế nào với anh?
- Sao ông cứ muốn đưa cậu ấy cho cảnh sát? – Petrus nói tiếp, phớt lờ câu hỏi – Nó quá trẻ, ông không thể đưa nó vào tù.
- Nếu nó mười tám tuổi, có thể đưa ra xét xử. Mười sáu tuổi vẫn có thể.
- Nó chưa đến mười tám tuổi.
- Sao anh biết? Tôi thấy nó chừng mười tám, trông còn hơn cả mười tám.
- Tôi biết, tôi biết chứ! Nó chỉ là một thiếu niên, không thể vào tù, đó là luật, ông không thể đưa nó vào tù, ông phải để nó đi!
Với Petrus, dường như cuộc tranh cãi đã xong. Anh ta nặng nề quỳ một đầu gối xuống và bắt đầu ráp chỗ nối của đường ống lại.
- Petrus, con gái tôi mong có một người láng giềng tốt, một công dân tốt. Nó yêu vùng Eastern Cape này. Nó muốn lập nghiệp ở đây, nó muốn sống hòa thuận với mọi người. Nhưng làm sao nó có thể làm được điều đó khi bất cứ lúc nào nó cũng có thể bị những kẻ côn đồ tấn công, rồi lại trốn thoát không bị trừng phạt gì? Anh đã thấy rồi đấy!
Petrus đang cố lắp hai ống vào nhau cho vừa khít. Da bàn tay anh ta có nhiều vết nứt sâu và ráp; anh ta cằn nhằn khe khẽ lúc làm việc, chẳng có dấu hiệu gì chứng tỏ anh ta nghe thấy.
- Ở đây Lucy sẽ an toàn – anh ta bỗng tuyên bố - Mọi việc sẽ ổn thôi. Ông có thể để cô ấy lại, cô ấy sẽ an toàn.
- Nhưng nó không hề an toàn, Petrus! Rõ ràng nó không an toàn! Anh thừa biết chuyện xảy ra ở đây hôm hai mươi mốt.
- Vâng, tôi biết. Nhưng bây giờ thì ổn cả rồi. - Ai nói là ổn?
- Tôi nói.
- Anh nói? Anh sẽ bảo vệ nó chắc?
- Tôi sẽ bảo vệ cô ấy.
- Lần vừa rồi anh có bảo vệ đâu – ông nhắc lại – Anh đi vắng và đúng lúc ấy những tên du côn kia xuất hiện, còn bây giờ hình như anh là bạn bè với một tên trong bọn chúng. Tôi phải rút ra kết luận gì đây?
Ông gần như buộc tội Petrus; nhưng sao lại không kia chứ?
- Cậu thiếu niên ấy không có tội – Petrus nói – Nó không phải là kẻ phạm tội. Nó không phải là kẻ cắp.
- Tôi nói hắn không chỉ là kẻ cắp. Còn một tội ác nữa, nặng hơn nhiều. Anh nói anh biết đã xảy ra chuyện gì. Chắc anh thừa hiểu ý tôi.
- Cậu ta không có tội. Cậu ta quá trẻ. Đây là sự nhầm lẫn to lớn.
- Anh biết ư?
- Tôi biết – Cái ống đã lắp xong. Petrus gập cái bàn kẹp, xiết ống thật chặt rồi đứng dậy, duỗi thẳng lưng – Tôi biết. Tôi đang nói với ông đây. Tôi biết.
- Anh biết. Anh biết cả tương lai. Tôi có thể nói gì được? Anh đã nói rồi. Anh có cần tôi nữa không?
- Không, bây giờ thì không, bây giờ tôi phải đào để chôn ống.
Mặc cho Petrus tin vào ngành bảo hiểm, vẫn chẳng có hồi âm gì về những đề nghị của ông. Không có xe, ông cảm thấy như bị mắc kẹt ở nông trại.
Một buổi chiều trong bệnh viện, ông bộc lộ tâm tư với Bev Shaw:
- Lucy và tôi chẳng hòa thuận – ông nói – Tôi cho là chẳng có gì đặc biệt. Cha mẹ và con cái khó sống cùng nhau. Trong hoàn cảnh bình thường tôi sẽ đi khỏi đây, dọn đến Cape Town. Nhưng tôi không thể để Lucy ở lại nông trại một mình. Nó không an toàn. Tôi đang cố thuyết phục cháu nó chuyển giao công việc cho Petrus và nghỉ ngơi. Nhưng nó không nghe lời tôi.
- Ông phải để con cái tự do, ông David a. Ông không thể canh chừng Lucy mãi mãi được.
- Tôi đã thả lỏng Lucy từ lâu rồi. Tôi là một người cha ít che chở nhất. Nhưng tình hình hiện nay đã khác nhiều rồi. Lucy đang là một mục tiêu nguy hiểm. Chúng đã chứng tỏ cho chúng tôi biết điều đó.
- Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Petrus sẽ che chở cô ấy.
- Petrus? Petrus sẽ che chở cho nó kiểu gì vậy?
- Ông đánh giá Petrus quá thấp. Anh ta làm việc đầu tắt mặt tối từ chợ búa đến vườn tược vì Lucy. Không có Petrus, Lucy không ở nơi anh ta lúc này. Tôi không nói cô ấy nợ anh ta mọi thứ, nhưng cô ấy hàm ơn Petrus rất nhiều.
- Có thể là như thế. Vấn đề là chính Petrus hàm ơn Lucy những gì?
- Petrus là một anh chàng khá đấy. Ông có thể trông mong vào anh ta.
- Trông mong vào Petrus? Vì Petrus có ria mép, hút thuốc bằng tẩu và chống gậy nên bà tưởng anh ta là một người Bantu theo lối cổ. Nhưng chẳng đúng thế chút nào. Petrus chẳng phải là một người Bantu theo lối cổ, và còn lâu mới là một anh chàng khá. Theo tôi, Petrus đang rất thèm đẩy Lucy đi. Nếu bà muốn chứng cứ, chẳng cần gì xa hơn chuyện xảy ra với Lucy và tôi. Có thể đây không phải là sản phẩm trí tuệ của Petrus, nhưng anh ta hẳn đã nhắm một mắt lại, không báo cho chúng tôi, anh ta hẳn đã không biến đến một vùng lân cận.
Sự dữ dội của ông làm Bev Shaw sửng sốt.
- Tội nghiệp Lucy – bà lẩm bẩm – cô ấy đang phải trải qua nhiều thứ quá! - Tôi biết Lucy đã trải qua. Tôi ở đấy mà.
Cặp mắt to của bà nhìn ông chằm chặp.
- Nhưng ông không ở đấy, David. Cô ấy đã kể với tôi. Ông không có ở đấy.
Ông không ở đấy. Ông không biết đã xảy ra chuyện gì. Ông thất bại. Theo Bev Shaw, theo Lucy, ông không ở đấy? Ở trong căn phòng mà những kẻ đột nhập đang xúc phạm trắng trợn con gái ông? Chúng tưởng ông không biết đến vụ hãm hiếp? Chúng tưởng ông không đau đớn cùng con gái ông? Ông có thể là nhân chứng vì ông có khả năng tưởng tượng chứ? Hay chúng cho rằng, chẳng phải đàn ông ở chỗ một người phụ nữ lại dính líu đến chuyện cưỡng bức? Dù câu trả lời như thế nào đi nữa, ông cũng là người bị xúc phạm, xúc phạm đến trắng trợn vì bị coi là người ngoài cuộc.
Ông mua một cái tivi nhỏ, thay cho cái đã bị mất cắp. Tối tối, sau bữa ăn ông và Lucy ngồi bên nhau trên chiếc xôpha xem tin tức, rồi sau đó nếu còn có thể chịu được, xem tiếp chương trình giải trí.
Thực ra, trong ý nghĩ của ông cũng như của Lucy, cuộc viếng thăm đã kéo dài quá lâu. Ông đã chán cảnh sống chỉ có một chiếc vali, chán lắng nghe tiếng sỏi xào xạo trên đường. Ông muốn lại được ngồi bên bàn làm việc của ông, ngủ trong giường của ông. Nhưng Cape Town xa xôi quá, gần như là một nước khác. Bất chấp lời khuyên của Bev, bất chấp sự quả quyết của Petrus, bất chấp sự bướng bỉnh của Lucy, ông không chịu bỏ con gái lại. Đây là nơi ông sống vì hiện tại, vào lúc này, ở nơi này.
Ông đã phục hồi thị lực hoàn toàn. Da đầu ông đang lành; ông không cần phải bôi dầu nữa. Chỉ có cái tai là cần chăm sóc hàng ngày. Thời gian đã thực sự hàn gắn mọi sự. Có lẽ Lucy cũng
đang hồi phục, hoặc nếu không hồi phục thì cũng đang quên, mô sẹo đang lớn dần, bao quanh, bọc kín, vây chắn hồi ức ngày hôm ấy. Để đến một ngày, cô có thể nói “Cái ngày chúng ta bị cướp”, và chỉ nghĩ đến cái ngày họ bị cướp bóc.
Ông cố ở ngoài hết thời gian ban ngày, để Lucy tự do sống trong căn nhà. Ông làm vườn, khi mệt ông ngồi cạnh bể chứa nước, quan sát gia đình nhà vịt lao lên, nhào xuống, nghiền ngẫm tác phẩm về Byron.
Tác phẩm ấy chẳng hề nhúc nhích. Ông chỉ có thể nắm được từng đoạn. Những ca từ đầu tiên của hồi đầu vẫn cưỡng lại ông; những nốt đầu tiên vẫn lảng tránh ông như một cuộn khói. Đôi khi, ông sợ rằng các nhân vật trong truyện đã là bạn đồng hành hơn một năm qua của ông đang dần nhòa nhạt. Ngay cả Margarita Cogni, nhân vật cuốn hút nhất, có giọng nữ trầm say đắm chống lại người vợ dâm đãng Teresa Guiccioli của Byron mà ông rất muốn nghe cũng cứ trượt đi. Những mất mát của họ làm ông tràn ngập thất vọng, thất vọng như một màu xám xịt và nếu nhiều hơn, giống như một cơn đau đầu.
Ông đến bệnh viện Phúc lợi Động vật thường xuyên hết mức, làm bất cứ việc gì không cần đến kỹ năng: cho ăn, quét tước, dọn dẹp. Phần lớn súc vật họ chăm sóc là chó, mèo ít hơn: với lũ súc vật này, D Villages dường như có cả một kho kiến thức, có những loại thuốc riêng, có cách chữa chạy riêng của mình. Lũ chó mang đến thường bị các bệnh khó ở, gãy chân, nhiễm trùng, ghẻ lở, bị bỏ rơi, u lành hoặc u ác, vì tuổi già, vì thiếu dinh dưỡng, vì ký sinh trùng đường ruột, nhưng hầu hết vẫn còn khả năng sinh sản. Chính vì thế chúng sinh sôi ngày càng nhiều. Khi mang chó đến, người ta không nói thẳng ra:
- Tôi mang cho các vị con chó này để giết – nhưng đó chính là điều họ muốn; họ được tùy ý sử dụng, làm chúng biến đi, gửi chúng vào chốn lãng quên. Trong thực tế, họ gọi điều yêu cầu này là thanh lọc, như cồn làm sạch nước, không để lại cặn, không dư vị.
Vào các buổi chiều thứ Bảy, bệnh viện đóng cửa và khóa chặt trong lúc ông giúp Bev Shaw thanh lọc những con vật thừa trong tuần. Mỗi lần ông dẫn một con ra khỏi chuồng phía sau và dắt hoặc ẵm vào phòng mổ. Trong những giây phút cuối cùng của con vật, Bev chăm sóc chúng đầy đủ nhất, vuốt ve nó, nói chuyện với nó, làm nó thật dễ chịu. Thông thường, con chó không dễ bị mê hoặc nếu có mặt ông, người ông tỏa ra mùi tồi tệ (Chúng có thể ngửi được ý nghĩ của ông), mùi của sự xấu hổ. Song dù thế nào đi nữa, ông chính là người giữ cho con chó yên khi mũi kim tìm được ven và thuốc truyền vào tim, tứ chi nó quằn quại, mắt nó mờ đi.
Ông đã tưởng rồi sẽ quen với cảnh đó. Nhưng không thể quen nổi. Càng giúp giết chúng nhiều bao nhiêu, ông càng hốt hoảng bấy nhiêu. Một chiếu thứ Bảy, đang lái chiếc kombi của Lucy về nhà, ông phải đỗ lại ven đường để lấy lại thăng bằng. Những giọt nước mắt chảy dài trên mặt ông, bàn tay ông run rẩy.
Ông không hiểu có chuyện gì xảy ra với ông. Cho đến lúc này, ông vẫn ít nhiều hờ hững với lũ súc vật. Cho dù không tán thành sự tàn bạo trên lý thuyết, ông vẫn không thể nói bản chất ông
có tàn nhẫn hay không. Ông chỉ là một người tầm thường. Ông cho rằng có những người tàn nhẫn do công việc đòi hỏi, ví dụ những người làm việc ở lò giết mổ chẳng hạn, tâm hồn họ ngày càng chai cứng lại. Thói quen làm cho con người trở nên dày dạn: chắc hẳn trong nhiều trường hợp là như thế, nhưng trong trường hợp của ông thì không. Hình như ông không có khiếu trở nên cứng rắn.
Những điều diễn ra trong phòng mổ vẫn bóp nghẹt toàn thể con người ông. Ông tin rằng lũ chó biết thời khắc của chúng đã điểm. Bất chấp các thủ tục lặng lẽ và không đau đớn, bất chấp những ý nghĩ tốt đẹp mà Bev Shaw và ông cố nghĩ, bất chấp những cái túi kín khí đựng các xác chết mới làm, lũ chó trong sân vẫn đánh hơi được việc sắp diễn ra bên trong. Chúng rũ tai, cụp đuôi, hình như chúng cảm thấy cái chết thật nhục nhã; chúng ghì chặt chân, họ phải lôi, đẩy hoặc mang chúng qua ngưỡng cửa. Trên bàn, một số con đớp điên cuồng hết bên trái lại bên phải, một số rên rỉ thật ai oán; chẳng con nào nhìn thẳng vào mũi kim trong tay Bev, như thể chúng biết vật đó sắp làm hại chúng ghê gớm.
Khốn khổ nhất là có những con ngửi ngửi và cố liếm tay ông. Ông chẳng bao giờ thích chúng liếm tay, và phản ứng đầu tiên của ông là giật ra. Tại sao lại giả vờ thân thiết khi thật ra chỉ là một kẻ giết người? Nhưng rồi ông động lòng thương. Vì sao ông lại ngần ngại, ghê tởm những sự động chạm của một sinh linh sắp chết đến nơi? Vì thế ông để cho chúng liếm tay ông nếu chúng muốn thế, cũng như Bev Shaw vuốt ve và hôn hít chúng nếu chúng để yên.
Ông hy vọng ông không phải là người đa cảm. Ông cố không thương cảm những con vật ông giết hoặc thương Bev Shaw. Ông tránh nói thật với bà: “Tôi không biết bà làm việc đó ra sao”, để khỏi phải nghe bà đáp: “Phải có người nào đó làm thôi”. Ông không gạt bỏ khả năng rằng ở mức độ sâu sắc nhất, Bev Shaw có thể không phải là một thiên thần giải phóng, mà là một con quỷ; bên dưới bề ngoài thương cảm của bà có thể ẩn giấu một trái tim dai ngoách của đồ tể. Ông cố giữ cho đầu óc ông thật phóng khoáng.
Vì Bev Shaw là người phóng mũi tiêm, nên ông chịu trách nhiệm giải quyết các xác chết. Buổi sáng sau những vụ giết chóc, ông lái chiếc kombi nặng trĩu đến lò đốt rác trên khu đất thuộc bệnh viện Settlers, và ký thác những cái xác trong các túi màu đen cho ngọn lửa.
Chở những cái xác ấy ngay sau khi giết đến thẳng lò đốt rác và để chúng lại cho nhân viên lò đốt giải quyết sẽ đơn giản hơn. Nhưng như thế nghĩa là để chúng lại trên đống những thứ dọn dẹp, giặt rửa cuối tuần: những bông băng, đồ phế thải của bệnh viện, những thứ hôi thối bên lề đường, những phế thải nặng mùi của xưởng thuộc da – một sự pha trộn tùy tiện và khủng khiếp. Ông không nỡ làm nhục chúng như thế.
Vì thế cứ đến chiều Chủ nhật, ông chở những cái túi ấy về nông trại, chất sau chiếc kombi của Lucy, đỗ qua đêm, và đến sáng thứ Hai chở chúng lên chiếc xe đẩy ọp ẹp, đẩy qua chiếc cổng sắt đến chỗ ngọn lửa, nâng càng trút hết xuống rồi quay xe trở về, trong khi những người công nhân làm việc đó đứng và nhìn.
Hôm thứ Hai đầu tiên, ông để cho họ hỏa thiêu. Những cái xác để qua đêm đã cứng đờ. Những cái chân đã chết đập vào song sắt của xe đẩy, và lúc cái xe trở lại lò, con chó đã đen sì và nhe cả răng ra, lông cháy khét, cái túi bằng chất dẻo đã cháy hết. Lát sau, người công nhân dùng xẻng đập vào những cái túi để dốc các xác chết ra, đập gẫy những cái chân cứng quèo. Lúc đó, ông can thiệp và nhận tự làm lấy việc đó.
Lò thiêu đốt bằng than anthraxit, có một cái quạt hút khí qua ông khói; ông đoán sản xuất vào khoảng những năm 1950, khi xây dựng bệnh viện này. Lò hoạt động sáu ngày trong tuần, từ thứ Hai đến thứ Bảy. Ngày Chủ nhật nghỉ. Lúc đến làm việc, trước hết các nhân viên cùng cào bới tro từ ngày hôm trước ra, rồi mới nhóm lửa. Đến chín giờ sáng, nhiệt độ trong lò đạt một nghìn độ C, đủ nóng để đốt xương. Ngọn lửa được tiếp than đến nửa buổi sáng, cháy suốt buổi chiều rồi nguội dần.
Ông không biết tên nhóm nhân viên và họ cũng không biết tên ông. Với họ, ông chỉ là một người cứ thứ Hai lại đem cái túi ở Trạm Phúc lợi Động vật đến, và từ đó càng ngày càng đến sớm hơn. Ông đến làm việc của mình, rồi ông đi; ông chẳng thành một phần trong cái xã hội của lò thiêu, dù có hàng rào dây thép gai, cổng khóa và bản thông báo bằng ba thứ tiếng.
Hàng rào đã bị cắt để chui qua từ lâu; cổng và bản thông báo thì đơn giản là lờ đi. Lúc những người phục vụ buổi sáng mang những bao đựng phế thải bệnh viện đến, đã có một số phụ nữ và trẻ em chầu chực để bới nhặt những ống tiêm, hộp, những băng gạc có thể giặt giũ được, bất cứ thứ gì có thể đem bán, nhất là tìm kiếm thuốc tránh thai để đem bán cho các cửa hiệu muti hoặc buôn bán ngay trên đường phố. Có cả những kẻ lang thang, ban ngày lảng vảng quanh khu đất bệnh viện và đến đêm dựa vào tường lò thiêu hoặc có khi chui cả vào đường ống mà ngủ cho ấm.
Đây chẳng phải là một hội tương tế để ông thử tham gia. Nhưng lúc ông ở đó, họ cũng ở đó, và nếu như họ chẳng chú ý đến những thứ ông mang đến đổ, chẳng qua vì xác chó chết không thể đem bán hoặc ăn.
Sao ông lại nhận việc này? Để nhẹ gánh cho Bev Saw chăng? Vì chỉ cần đổ ụp các túi vào đống rác và lái xe đi là được rồi. Vì ích lợi của lũ chó chăng? Nhưng chúng đã chết, và chúng đâu có biết thế nào là vinh dự với nhục nhã đâu?
Vì chính ông vậy. Vì ý tưởng của ông về thế giới này, một thế giới trong đó con người không được dùng xẻng đập vào các xác chết chỉ để tiện cho công việc của mình.
Người ta đưa lũ chó đến bệnh viện vì không muốn có chúng: vì chúng quá đông đúc. Đó là nơi ông bước vào cuộc đời chúng. Có thể ông không phải là cứu tinh của chúng, loại người chẳng nhiều nhặn gì trên đời này, nhưng ông sẵn sàng chăm nom chúng khi chúng không thể, hoàn toàn không thể tự chăm sóc lấy mình, thậm chí cả Bev Shaw cũng phủi tay không chịu trách nhiệm về chúng nữa. Một người trông chó, có lần Petrus đã tự nhận như thế. Vậy thì, hiện giờ
ông trở thành một người trông chó, một người làm dịch vụ lễ tang cho chó, một nghi lễ thuộc về tâm lý, một harijan.
Thật lạ lùng là một người ích kỷ lại tự nhận việc phục vụ các con chó chết. Ắt phải có nhiều cách làm cho mình hữu ích cho thế giới, hoặc cho một quan niệm về thế giới này. Chẳng hạn, có thể làm việc nhiều giờ hơn trong bệnh viện. Hoặc có thể cố thuyết phục bọn trẻ con bới rác đừng nhồi nhét đầy người những chất độc hại. Thậm chí ngồi nhà với vở nhạc kịch về Byron cho có mục đích hơn, hoặc chăm chú dịch từng câu từng chữ như một công việc phục vụ cho loài người.
Nhưng có nhiều người khác làm những việc đó - phúc lợi cho động vật, khôi phục xã hội, thậm chí cả tác phẩm về Byron. Ông cứu vãn danh dự cho các xác chết vì chẳng có ai đủ xuẩn làm việc đó. Ông đang trở thành một người như thế: xuẩn ngốc, gàn dở và ương ngạnh.