Số lần đọc/download: 1952 / 50
Cập nhật: 2016-07-01 09:49:28 +0700
Chương 11: Buồn Vì Những Cuộc Nổi Dậy Của Người Mông Cổ
C
ó tiếng gõ nhẹ vào cửa phòng tôi. Đó là Manuela, bây giờ là giờ nghỉ trong ngày của cô ấy.
- Thầy đang hấp hối, - cô ấy nói nhưng tôi không thể xác định được ý mỉa mai mà có ấy pha trộn với điệu ca ai oán của Chabrot. - Nếu chị không bận, mình sẽ uống trà bây giờ nhé?
Cách kết hợp thoải mái thời của động từ, cách dùng thức điều kiện ở thể nghi vấn mà không đảo động từ, cách sử dụng cú pháp tự do vì Manuela chỉ là một phụ nữ Bồ Đào Nha nghèo khổ buộc phải sử dụng ngôn ngữ của nơi sống tha hương, cũng bốc mùi cũ kỹ như những cách nói được kiểm soát của Chabrot.
- Tôi gặp Laura ở cầu thang, - Manuela vừa nói vừa ngồi xuống, đôi lông mày nhíu lại. - Nó lại bám vào tay vịn cứ như đang buồn đi tiểu. Thấy tôi, nó quay đi.
Laura là con gái thứ hai của nhà Arthens, một cô gái hiền lành nhưng ít được các chàng trai để ý. Cô chị cả Clémence là hiện thân đau đớn của sự tước đoạt, một cô gái mê đạo sẽ làm khổ chồng con cho đến cuối chuỗi ngày buồn tẻ bằng những buổi lễ, những ngày hội của giáo khu và thú vui thêu dấu nhân. Còn Jean, cậu con trai út, là một con nghiện sống vật vờ. Hồi nhỏ, cậu ta là một thằng bé xinh xắn với đôi mắt tuyệt đẹp thường lẽo đẽo chạy theo bố mình như thể cuộc đời cậu phụ thuộc và việc đó, nhưng khi cậu ta bắt đầu nghiện ngập thì một thay đổi ngoạn mục đã diễn ra: cậu ta không nhúc nhích nữa. Sau quãng tuổi thơ phung phí vào việc chạy theo sau Thượng đế một cách vô ích, những vận động của Jean trở nên vụng về và từ đó cậu ta di chuyển theo kiểu giật giật, ngày càng dừng lâu hơn ở cầu thang bộ, trước thang máy và trong sân, đến mức đôi khi ngủ quên trên tấm thảm chùi chân của tôi hay trước cửa gian chứa rác. Một hôm, khi Jean đứng đờ đẫn trước bồn hoa hồng và hoa trà lùn, tôi hỏi cậu ta có cần giúp đỡ gì không và thầm nghĩ trông cậu ta ngày càng giống Neptune, với những món tóc xoăn không chải xõa xuống thái dương và đôi mắt luôn chảy nước bên trên chiếc mũi ướt và run rẩy.
- Không, không, - cậu ta trả lời tôi, ngắt từ theo nhịp giật của bước chân.
- Cháu có muốn ngồi không? - tôi gợi ý.
- Ngồi ư? - cậu ngạc nhiên nhắc lại. - Không, không, sao lại thế?
- Để nghỉ một chút.
- À vâââââng, - Jean trả lời. - À không, không.
Tôi để mặc cậu ta với bụi hoa trà và dõi theo cậu từ cửa sổ. Một lúc lâu sau, cậu ta dứt khỏi việc ngắm hoa và chậm chạp quay lại phòng của tôi. Tôi ra mở cửa trước khi cậu ta cố ấn chuông nhưng không ấn được.
- Cháu sẽ đi lại một chút, - Jean nói mà không nhìn tôi, đôi tai hơi rủ về phía trước mặt. Rồi nó gắng hết sức nói: mấy bông hoa kia... là hoa gì ấy nhỉ?
- Hoa trà phải không? - tôi ngạc nhiên.
- Hoa trà... - nó chầm chậm nhắc lại, - hoa trà... Vâng, cám ơn bà Michel, - cuối cùng nó nói bằng giọng rắn rỏi đáng ngạc nhiên.
Rồi nó quay gót đi. Suốt mấy tuần liền, tôi không nhìn thấy nó, cho đến sáng nay, một buổi sáng tháng Mười một, khi nó đi qua trước phòng tôi, tôi hầu như không nhận ra nó, nó thật tàn tạ. Vâng, suy sụp... Tất cả chúng tôi đều công nhận điều đó. Nhưng một chàng trai trẻ sớm đi tới điểm mà từ đó cậu ta không thể đứng dậy được nữa, và sự suy sụp quá rõ ràng, quá nhanh chóng khiến trái tim tôi thắt lại vì thương hại. Jean Arthens chỉ còn là một thân hình khốn khổ lê bước trong cuộc đời mong manh. Tôi kinh hãi tự hỏi không biết nó có làm được những động tác đơn giản để gọi thang máy không, đúng lúc đó Bernard Grelier đột nhiên xuất hiện, giữ lấy nó và nhấc bổng nó lên như nhấc một chiếc lông gà, vì thế tôi không cần giúp nó nữa. Tôi thoáng thấy người đàn ông đứng tuổi đầu óc chậm chạp đó bế trong tay thân hình bị hủy hoại của đứa trẻ, rồi họ biến mất trên cầu thang.
- Nhưng Clémence sẽ đến đấy, - Manuela nói; thật kỳ cục, cô ấy luôn theo sát dòng suy nghĩ thầm của tôi.
- Chabrot đã yêu cầu tôi bảo nó quay về, - tôi trầm ngâm trả lời. - Ông ấy chỉ muốn gặp Paul thôi.
- Vì buồn quá nên bà nam tước đã xì mũi vào chiếc khăn lau bát, - Manuela nói thêm về Violette Grelier.
Tôi không ngạc nhiên. Vào thời điểm kết thúc mọi chuyện, tốt nhất sự thật phải được nói ra. Violette Grelier là khăn lau bát, cũng như Pierre Arthens là khăn lụa, và mỗi người đối mặt với nó mà không còn lối thoát nữa, và kết cục vẫn phải là bản chất sâu xa của mình, cho dù có muốn tự ru mình bằng một ảo tưởng nào đó. Ở đây, cận kề sự giàu sang không làm cho người ta trở nên giàu sang, cũng như việc sống cạnh người khỏe không đem lại sức khỏe cho người ốm.
Tôi rót trà rồi chúng tôi cùng uống trong im lặng. Chúng tôi chưa bao giờ uống trà cùng nhau vào buổi sáng, và thay đổi thói quen uống trà lâu nay đem lại cho chúng tôi một vị rất lạ.
- Thật dễ chịu, - Manuela thì thầm.
Vâng, thật dễ chịu vì chúng tôi có được món quà kép, đó là qua việc phá vỡ trật tự các sự việc, thừa nhận sự không thay đổi của một thói quen mà chúng tôi đã cùng tạo ra để rồi hết buổi chiều này sang buổi chiều khác, thói quen đó ăn sâu vào thực tế đến mức trở nên có ý nghĩa và vững chắc, và khi bị thay đổi vào sáng nay, bỗng nhiên nó trở nên hết sức mạnh mẽ - nhưng chúng tôi cũng thưởng thức như thể chúng tôi biến nó từ một thứ rượu tiên quý giá trở thành món quà tuyệt diệu trong buổi sáng bất bình thường này, khi những động tác máy móc có một sức sống mới, khi hít, uống, đặt xuống, lại rót, nhấm nháp có nghĩa là được sinh ra một lần nữa. Những khoảnh khắc khi chúng tôi thấy được nền tảng của sự tồn tại của mình qua một thói quen mà chúng tôi lại tiếp tục với nhiều hứng thú hơn khi vi phạm nó, là những chiếc ngoặc đơn thần kỳ để trái tim sát cạnh tâm hồn, bởi vì cho dù chỉ thoáng qua nhưng rất rõ nét, một chút vĩnh cửu chợt tới làm thời gian nhiều thêm. Bên ngoài, thế giới gầm thét hay ngủ yên, chiến tranh ác liệt, con người sống và chết, có những dân tộc suy vong, có những dân tộc nổi lên rồi sẽ nhanh chóng bị nuốt chửng, và trong tất cả sự ồn ào và ác liệt đó, trong những phun trào và song đổi lại đó, trong khi thế giới vận động, hừng hực, xé nát và hồi sinh, cuộc sống của con người luôn hối hả.
Vậy thì hãy uống một chén trà.
Giống như Kakuzo Okakura, tác giả của Trà thư, cảm thấy buồn vì cuộc nổi dậy của các bộ tộc Mông Cổ vào thế kỷ mười ba không phải vì nó gây ra chết chóc và đổ nát, mà bởi vì nó đã hủy hoại thành quả quý giá nhất của nền văn hóa Tống, đó là nghệ thuật uống trà, tôi biết rằng trà không phải là loại đồ uống thứ yếu. Khi đã trở thành nghi thức, nó là tâm điểm của khả năng nhìn thấy sự vĩ đại trong những thứ bé nhỏ. Cái đẹp nằm ở đâu? Trong những vật to lớn mà rốt cuộc cũng buộc phải chết như những thứ khác, hay trong những thứ rất nhỏ vốn không có tham vọng gì, nhưng lại biết khảm vào khoảnh khắc một viên ngọc của vô tận?
Vẫn tiếp tục chính xác cùng những động tác đó và cảm nhận giản dị, chân thực và tinh tế, cho phép mỗi người, bằng cách không tốn kém, có thể trở thành một nhà quý tộc về khiếu thưởng thức bởi vì trà là đồ uống của người giàu cũng như của người nghèo, vì thế nghi thức uống trà có khả năng đặc biệt là đưa vào cuộc sống phi lý của chúng ta một chút hài hòa thanh thản. Vâng, vũ trụ dẫn tới sự trống rỗng, các linh hồn lạc lối khóc cho cái đẹp, những thứ nhỏ nhặt vây quanh chúng ta. Vậy thì hãy uống một chén trà. Yên lặng trở lại, chúng ta nghe thấy tiếng gió thổi bên ngoài, lá cây mùa thu xào xạc bay đi, con mèo ngủ trong ánh sáng ấm áp. Và, trong mỗi ngụm trà, thời gian thăng hoa.
SUY NGHĨ SÂU SỐ 6
Bạn xem gì
Bạn đọc gì
Trong bữa sáng
Và tôi biết
Bạn là ai
Sáng nào cũng vậy, trong bữa sáng, bố tôi uống một cốc cà phê và đọc báo. Nhiều loại báo, ví dụ như Le Monde, Le Figaro, Libération, và mỗi tuần một lần L'Express, Les Échos, Time Magazine và Courrier international. Nhưng tôi biết rõ là bố tôi thích nhất cốc cà phê đầu tiên cùng tờ Le Monde trước mặt. Ông say sưa đọc trong khoảng nửa giờ. Để có được nửa giờ đó, bố tôi thực sự phải dậy rất sớm vì ông bận suốt cả ngày. Nhưng mỗi buổi sáng, ngay cả khi có buổi làm việc đêm và chỉ được ngủ hai tiếng, ông vẫn dậy lúc sáu giờ và vừa đọc báo, vừa uống một cốc cà phê thật đặc. Mỗi ngày của bố tôi được xây dựng như vậy. Tôi nói "xây dựng" vì tôi nghĩ rằng mỗi lần là một công trình mới, cứ như tất cả bị biến thành tro trong đêm và cần phải làm lại từ con số không. Người ta thấy cuộc sống của bố tôi như thế này trong vũ trụ của chúng ta: cần phải không ngừng xây dựng lại hình ảnh người lớn của bố tôi, đó chính là tập hợp khập khiễng và phù du, rất đỗi mong manh, bao bọc bên ngoài sự thất vọng, và đứng trước gương tự kể cho mình lời nói dối mà mình cần phải tin. Đối với bố tôi, báo chí và cà phê là những chiếc đũa thần biến bố thành con người quan trọng. Hãy nhớ rằng bố tôi rất thỏa mãn với chúng: tôi chưa bao giờ thấy bố mình thanh thản và thư thái đến thế như trước cốc cà phê lúc sáu giờ sáng. Nhưng còn cái giá phải trả! Cái giá phải trả khi người ta còn sống một cuộc sống giả tạo! Khi các mặt nạ rơi xuống, vì xuất hiện khủng hoảng - và nó luôn luôn xuất hiện với mọi người - sự thật vô cùng khủng khiếp! Hãy nhìn ông Arthens, nhà phê bình ẩm thực ở tầng 7, đang hấp hối. Trưa nay, khi đi mua sắm về mẹ tôi lao vào nhà như cơn lốc. Vừa vào đến nhà, mẹ đã vội thông báo: "Pierre Arthens đang hấp hối!" Đó là mẹ thông báo cho Hiến Pháp và tôi. Bấy nhiêu đủ để nói với các bạn rằng câu hỏi đó không hề có hiệu quả. Lúc đó tóc tai mẹ tôi hơi rối, vẻ mặt thất vọng. Tối nay, khi bố tôi vừa về đến nhà, mẹ tôi vội lao ra để thông báo chuyện này. Bố có vẻ ngạc nhiên: "Tim ư? Nhanh thế sao?"
Tôi phải nói rằng ông Arthén là một người thực sự độc ác. Bố tôi là một đứa trẻ đóng vai người lớn không mấy kỳ cục. Nhưng ông Arthens... kẻ độc ác hạng nhất. Khi nói độc ác, tôi không định nói là xấu bụng, tàn bạo hay chuyên chế, mặc dù cũng hơi giống như thế. Không, khi nói "là một người thực sự độc ác", tôi muốn nói rằng đó là một người đã từ bỏ tất cả những gì tốt đẹp trong ông ấy đến mức có có thể nói đó là một cái xác trong khi ông ấy vẫn còn sống. Bởi vì những kẻ thực sự độc ác căm ghét tất cả mọi người, chắc chắn rồi, nhưng nhất là chính bản thân họ. Các bạn không cảm thấy như thế sao khi ai đó thù hận bản thân anh ta? Điều đó khiến anh ta chết trong khi vẫn còn đang sống, gây tê những tình cảm xấu và cả những tình cảm tốt để không cảm thấy ghê tởm khi là chính mình.
Pierre Arthens chắc chắn là một kẻ thực sự độc ác. Người ta nói rằng ông ấy là cha đẻ của ngành phê bình ẩm thực và quán quân trên thế giới về ẩm thực Pháp. Điều này chẳng làm tôi ngạc nhiên. Ý kiến của tôi là: ẩm thực Pháp là một sự đáng thương. Biết bao tài năng, tiền bạc, của cải cho một kết quả nặng nề như thế... Và các loại nước xốt, nhân nhỏi và bánh ngọt làm nứt cả bụng! Gu thật tệ... Và nếu không nặng nề, thì lại hết sức kiểu cách: người ta chết vì đói với ba củ cải nhỏ cách điệu và hai con sò Saint- Jacques trong thạch rau câu, đặt trong những chiếc đĩa giả thiết với những nhân viên phục vụ vẻ mặt coi như đưa đám. Thứ Bảy, nhà tôi đi ăn ở một nhà hàng rất cao cấp, đó là Napoléo's Bar. Cả nhà ăn mừng sinh nhật chị Colombe. Chị ấy vẫn yểu điệu chọn món ăn như mọi lần: những món ăn kiêu kỳ với hạt dẻ, thịt cừu với những loại rau thơm không thể đánh vần nổi tên, món kem sabayon với rượu Grand Marnier (kinh hoàng hết cỡ). Kem sabayon là biểu tượng của nền ẩm thực Pháp: một món ăn tưởng là nhẹ nhưng lại rất ngấy. Tôi không ăn món khai vị nào cả (tôi tránh nói với các bạn những nhận xét của chị Colombe về chứng chán ăn của con bé rắc rối là tôi), sau đó, tôi ăn món philê cá phèn nấu cà ri giá sáu mươi ba euro (với những miếng bí non và cà rốt giòn thái quân cờ đặt dưới cá), tiếp đó tôi ăn thứ ít dở nhất trong các món, giá ba mươi tư euro: kẹo tan làm từ sôcôla đắng. Tôi sẽ nói với các bạn rằng, với giá đó, tôi thích đăng ký ăn cả năm McDo hơn. Ít nhất như thế cũng không kiểu cách gì trong gu tồi cả. Và tôi thậm chí không tô vẽ thêm về phần trang trí của phòng ăn và bàn ăn. Khi người Pháp muốn thoát khỏi truyền thống "Đế chế" với đầy những màn trướng màu đỏ boóc-đô và vàng, họ lại rơi vào phong cách bệnh viện. Người ta ngồi xuống ghế Le Corbusier 1 (mẹ tôi gọi là "de Corbu"), ăn trong đĩa màu trắng hình thù đơn điệu đặc trưng của chủ nghĩa quan liêu xô viết và lau tay trong nhà vệ sinh bằng thứ khăn xốp mịn đến nỗi chẳng thấm được gì.
Những nét chủ yếu, sự giản dị, không phải như vậy. "Thế thì em muốn ăn gì?" chị Colombe hỏi tôi với vẻ bực tức vì tôi không thể ăn hết được món cá phèn đầu tiên. Tôi không trả lời. Bởi vì tôi không biết. Dù sao tôi cũng chỉ là một đứa con gái nhỏ. Nhưng trong các manga, nhân vật có vẻ ăn theo cách khác. Có vẻ như giản dị, thanh tao, có chừng mực, ngon lành. Người ta ăn như xem một bức tranh đẹp hay như hát trong một dàn hợp xướng hòa hợp. Không nhiều quá, cũng không ít quá: có chừng mực, theo đúng nghĩa tốt đẹp của từ này. Có thể tôi nhầm hoàn toàn; nhưng tôi cảm thấy ẩm thực Pháp già nua và lắm tham vọng, trong khi ẩm thực Nhật có vẻ... vâng, không trẻ cũng không già. Vĩnh cửu và thanh cao.
Tóm lại, ông Arthens đang hấp hối. Tôi tự hỏi ông ta thường làm gì mỗi buổi sáng để trở lại vai diễn kẻ độc ác thực sự của mình. Có lẽ là uống một cốc cà phê đặc và đọc về sự cạnh tranh hay dùng bữa sáng kiểu Mỹ với xúc xích và khoai tây rán. Còn chúng tôi làm gì mỗi buổi sáng? Bố tôi vừa đọc báo vừa uống cà phê, mẹ tôi vừa uống cà phê vừa xem vài cuốn catalogue, chị Colombe vừa uống cà phê vừa nghe đài Frace Inter, còn tôi vừa uống sôcôla vừa đọc manga. Trong lúc này đây, tôi đang đọc manga của Taniguchi, một thiên tài dạy cho tôi rất nhiều điều về con người.
Nhưng hôm qua, tôi đã hỏi mẹ liệu tôi có thể uống trà được không. Bà tôi uống trà đen trong bữa sáng, loại trà ướp hương cam bergamot. Ngay cả khi tôi không thấy món này khủng khiếp lắm, trà luôn có vẻ tử tế hơn cà phê, thứ đồ uống của kẻ ác. Nhưng tối hôm qua, lúc ở tiệm ăn, mẹ tôi đã gọi một cốc trà nhài và cho tôi nếm thử. Tôi thấy rất ngon, rất "tôi" đến mức sáng nay, tôi đã nói rằng đó là thứ mà từ nay tôi muốn uống trong bữa sáng. Mẹ nhìn tôi rất lạ (về "chưa hết thuốc ngủ") rồi nói "được, được, rận con của mẹ, giờ thì con lớn thật rồi."
Trà và manga đối lại với cà phê và báo: phong cách thanh lịch và sảng khoái đối lại với tính hung hăng đáng buồn trong những trò chơi quyền lực của người lớn.