They say love is blind…and marriage is an institution. Well, I’m not ready for an institution for the blind just yet.

Mae West

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Mạnh Hùng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 287 / 20
Cập nhật: 2020-04-04 20:31:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ắng Mác-tư-nốp, người gặp khó khăn nhiều nhất là Đôn-gu-sin, trưởng trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca. Ông lâm vào tình trạng hết sức lúng túng: trong hơn năm mươi năm sống trên đời, đây là mùa xuân đầu tiên ông làm công tác ở nông thôn...
Trong tất cả những người thành thị về làm công tác ở huyện Tơ-rô-ít-xcơ, có lẽ Đôn-gu-sin là người “chức trọng quyền cao” nhất trước khi về nông thôn: ông là một phó vụ trưởng của Bộ luyện kim đen. Trong lý lịch của ông có ghi những chức vụ sau: đặc phái viên của Bộ dân ủy công nghiệp nặng tại một công trường xây dựng lớn ở miền Đông, giám đốc một nhà máy ở Đôn-bát, phó giám đốc một xí nghiệp liên hợp. Trong thời kỳ nội chiến, ông phục vụ ở một đơn vị quân đội đặc biệt, vào đoàn thanh niên năm 1918, vào Đảng năm 1925.
Trong số những cán bộ chuyên môn về công tác nông thôn, Đôn-gu-sin xử sự hơi khác thường. Ông không đề nghị Xô-viết huyện giúp đỡ về nhà ở. Trong lúc gia đình chưa về đây, ông thuê một phòng trong ngôi nhà của một đội trưởng sản xuất ở ngay khu vực trạm máy kéo, xin được ngân hàng nhà nước cho vay dài hạn một khoản tiền và bắt đầu dần dần mua gỗ cùng các vật liệu khác để làm nhà riêng ở Na-đê-giơ-đin-ca.
Hồi ấy, Mét-vê-đép đã nói với Mác-tư-nốp:
- Ông ta muốn tỏ ra rằng, ông ta đến ở đấy mãi mãi với chúng ta và không nghĩ đến chuyện về Mát-xcơ-va. Tung hỏa mù đấy thôi. Nay mai, nếu ông ta chuồn khỏi đây, dễ thường không bán nhà được chắc? Xây được ngôi nhà, ông ta lợi năm nghìn rúp là ít.
Mác-tư-nốp chỉ nhún vai, không tỏ ý gì cả.
- Để rồi xem. Đồng chí ấy đã năm mươi tư tuổi. Đồng chí ấy có nói với tôi: “Tôi đã đi khắp gầm trời, bây giờ tôi muốn thu xếp sống ở đây trong những ngày về hưu, khi tuổi già sức yếu không làm việc được nữa”. Để xem rồi đây đồng chí ấy làm việc như thế nào. Chưa chi đã vội nghĩ xấu về người khác làm gì.
Công tác quả thực không phải là dễ dàng. Khi về nông thôn, Đôn-gu-sin đã biết ông sẽ gặp những khó khăn lớn, nhưng ông không ngờ khó khăn lớn đến thế.
Na-đê-giơ-đin-ca là một trong những trạm máy kéo non trẻ, bị Bộ và tỉnh quên lãng. Nó được tổ chức sau chiến tranh tại một khu vực không dân cư và trong năm đầu tiên, sau khi đã cung cấp cho trạm một số máy kéo, những thiết bị rơ-moóc, mấy cái máy công cụ cũ rích cho xưởng sửa chữa và một khoản tiền nhỏ đi mua những thứ hết sức cần thiết, từ bấy đến nay, nhiều năm ròng, người ta không hề cho thêm lấy một xu làm vốn cơ bản. Mùa đông, máy kéo, máy gặt đập liên hợp, máy gieo, máy xới đều nằm trong tuyết, và khi sửa chữa thì hầu như toàn sửa chữa ở ngoài trời tuyết trắng, nếu không kể đến cái nhà kho mái lợp bằng rơm, tường bằng gỗ thanh không trát vách, với một cỗ động cơ dùng nhiên liệu dầu hỏa, chạy một cách ì ạch làm quay máy công cụ, nhà kho này chỉ chứa được nhiều nhất là ba cỗ máy đưa vào để sửa chữa.
Trạm Na-đê-giơ-đin-ca bị bỏ quên, và chính Da-ru-bin, trưởng trạm trước Đôn-gu-sin, cũng chẳng thiết tìm cách nhắc người ta nhớ đến trạm, để khỏi thêm bận bịu về việc xây xưởng mới, xây nhà ở tập thể cho trạm máy kéo và nhiều việc khác. Đa-ru-bin là một kẻ không có cá tính, là một trong những người lãnh đạo mà khi bị truất chức hay thuyên chuyển đi nơi khác, dân “không kể những chuyện huyền thoại, cũng không ca hát về họ”. Điều duy nhất Da-ru-bin khiến người ta nhớ đến mình, và điều này gần như trở thành một truyền thuyết, đấy là việc y chẳng biết mô tê gì về đường đi lối lại trong khu vực trạm máy kéo của y. Suốt ba năm làm trưởng trạm, y chỉ nhớ đường về nông trang “Đường đi đúng đắn”, vì vợ y làm bà đỡ trong nhà hộ sinh ở đấy, và đường đến một vài nông trang giàu có nhất, mặc dù y vẫn tự lái lấy chiếc xe “com-măng-ca”. Có lần y lái xe đến một đội máy kéo, mắng thợ lái máy kéo về việc cày ẩu, còn thợ lái máy kéo nhìn y ngạc nhiên: cái ông này ở đâu ra thế, ông là thủ trưởng của chúng tôi đấy ư? Thì ra đây không phải là đội máy kéo thuộc trạm của y, y đã đi nhầm đường sang huyện bên. Y không biết đường đến các nông trang, cũng không nhớ mặt thợ lái máy kéo của mình.
Ngoài ra, Da-ru-bin cũng không tôn trọng sự chính xác trong các biểu thống kê và các báo cáo gửi lên các tổ chức tỉnh. Sau khi Đôn-gu-sin bắt đầu hiểu rõ ít nhiều về máy kéo, còn Da-ru-bin được đưa đi khỏi huyện và đến nơi nào ở Cam-tsát-ca làm công tác thương nghiệp, Đôn-gu-sin phát hiện ra rằng trong số những máy vận hành trạm nhận được bảy máy đi-ê-den cần sửa chữa, thậm chí không phải là sửa chữa cơ bản, mà là sửa chữa phục hồi, còn tiền sửa chữa thì đã nhận rồi và tiêu hết rồi.
Đôn-gu-sin tiếp nhận trạm máy kéo trong tình trạng như thế này: tài khoản ở ngân hàng bị đóng, còn hai tháng lương chưa trả cho công nhân viên, nhiên liệu tiêu thụ quá mức quy định, không có xưởng sửa chữa máy, nhà cửa hầu như không có gì. Ngay cả cây đèn bàn trong căn phòng làm việc nhếch nhác của trưởng trạm cũng bị Da-ru-bin cuỗm về nhà, coi như của riêng.
Càng tìm hiểu kỹ tình hình trạm máy kéo, Đôn-gu-sin càng phẫn nộ và băn khoăn. Có lần, bấy giờ đã sắp sang xuân, ông đến huyện ủy gặp Mét-vê-đép và nói lên sự phẫn nộ của mình:
- Đồng chí Mét-vê-đép, mãi đến bây giờ, khi tuyết tan, tôi mới thấy rõ toàn bộ tài sản của trạm máy kéo, thấy những thiết bị của chúng tôi và tình trạng hiện nay của nó. Quả thực là tôi sửng sốt: làm sao Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích, đồng chí và đồng chí Ru-đen-cô hồi ấy làm chủ tịch Xô-viết huyện, lại có thể để cho Da-ru-bin rời khỏi huyện một cách yên ổn. Tội như thế đáng xử bắn! Hàng triệu bạc của nhà nước có phải chơi đâu!
Mét-vê-đép nghe Đôn-gu-sin nói, vẻ bực bội ra mặt.
- Đồng chí Đôn-gu-sin, đồng chí bắt đầu từ đó là sai rồi. Đổ lỗi cho người trưởng trạm trước mình sẽ không làm cho tình thế khá hơn lên được đâu. Đã đến lúc chính đồng chí phải làm được một việc gì có kết quả trông thấy ở trạm máy kéo. Đồng chí được đưa về đấy chính là để tổ chức công việc cho tốt.
- Thì tôi cũng biết rằng chẳng có gì là vẻ vang cho người lãnh đạo khi người đó lớn tiếng chửi tất cả những gì người khác đã làm việc trước mình, lấy đó làm cớ để bào chữa cho sự bê bối hiện nay. Nhưng đồng chí ạ, những điều tôi đã thấy thực không cách gì dung thứ được. Thực quả, tôi không thể làm thinh không nói đến chuyện ấy. Nếu tôi làm việc ở trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca ba năm và bàn giao trạm trong tình trạng như thế cho trưởng trạm mới, thì phải đưa tôi ra tòa xử tội như một tên phá hoại. Hai năm trước, trạm máy kéo nhận được năm máy thu hoạch lanh mới tinh, mà đồng chí biết đấy, huyện ta không trồng một héc-ta lanh nào cả. Một tên ngớ ngẩn nào đó, nếu không phải là một kẻ tệ hại hơn, đã gửi những cỗ máy ấy về tỉnh ta, tuy đáng lẽ phải gửi cho tỉnh khác, có thể là tỉnh Pơ-xcốp, tôi không rõ nơi nào trồng lanh, vả chăng, mãi tới gần đây, khi đã về địa phương nhà, tôi mới biết nông trang viên gieo trồng cái gì và gieo trồng như thế nào trên các cánh đồng. Còn Da-ru-bin không hề làm một việc gì, để những cỗ máy ấy được chuyển đến nơi cần thiết. Hắn không viết lên Bộ, không phản ảnh với ty nông nghiệp tỉnh, với tỉnh ủy, chẳng phản ảnh với cấp nào hết. Hắn để những cỗ máy ở khu nhà của trạm máy kéo, chỗ đường đi lối lại, ai cần một cái ê-cu, một cái ốc thì cứ đến mà tháo. Hiện giờ những cỗ máy ấy chỉ còn trơ bộ khung. Máy toàn máy mới, mỗi chiếc trị giá hàng vạn rúp. Còn máy gặt nữa! Trong số những thiết bị khác, tôi nhận hai mươi cỗ máy gặt ngựa kéo, những cỗ máy ấy được đưa về các nông trang, có giấy biên nhận hẳn hoi về trách nhiệm bảo quản. Tuần trước, tôi đến bốn nông trang kiểm tra xem những máy ấy ở đâu, tình trạng máy hiện nay như thế nào? Tôi không hề tìm thấy vết tích những cỗ máy ấy nữa! Ở nông trang “Chiến sĩ công xã”, tôi chỉ thấy trên đồng những bánh xe và khung một cỗ máy gặt của chúng ta. Thì ra ở các nông trang, người ta đã tháo tung máy ra, lấy đi từng bộ phận để sửa chữa máy gặt của mình. Tôi e rằng cả hai mươi cỗ máy của chúng ta đều chịu số phận như vậy. Theo như kỹ sư trưởng báo cáo với chúng tôi, trong năm cỗ máy gặt đập liên hợp ta mới nhận được năm ngoái, hai chiếc đã cần đại tu. Thế là thế quái nào? Vậy mà kẻ chịu trách nhiệm với nhà nước về hàng triệu bạc ấy đã đi nhận công tác ở tỉnh khác một cách yên ổn, vẫn giữ nguyên được thẻ Đảng!
- Da-ru-bin không phải là cán bộ chuyên môn thuộc quyền quản lý của chúng ta. Chúng ta không chịu trách nhiệm về việc điều động như thế.
- “Chúng ta không chịu trách nhiệm...” Da-ru-bin là đảng viên, đồng chí Mét-vê-đép và chúng ta cũng là đảng viên, - Đôn-gu-sin phản đối. - Tại một nơi nào ở Cam-tsát-ca hắn cũng sẽ lại phá hoại tài sản của nhân dân và làm hỏng việc! Hãy nói thẳng như thế này: các đồng chí phủi sạch tay, không muốn sinh chuyện lôi thôi. Phải ra quyết định, rồi lại phải trình bày với tỉnh, với Mát-xcơ-va để bảo vệ quyết định đó. Thôi thì cứ mặc cho hắn chuồn đi cho xong chuyện. Hắn muốn làm hại cho nhà nước ở đâu cũng được, miễn là không phải ở huyện ta. Ba năm trời không xây dựng được tý gì ở khu vực trạm máy kéo. Sao lại có thể như thế, tôi không hiểu! Thợ lái máy kéo đi bộ mười lăm ki-lô-mét từ làng đến trạm để sửa chữa máy kéo. Làm việc ba bốn giờ rồi đi bộ về nhà. Không có nhà ở tập thể. Không có vốn kiến thiết cơ bản, để xây dựng nhà ở tập thể. Nhưng vẫn có thể làm được một cái gì, dù là ít ỏi, bằng lực lượng của mình, bằng cách riêng của mình chứ, vẫn có thể tìm cách nào động viên lực lượng của quần chúng chứ! Mời vợ anh em lái máy kéo họp lại vào mùa thu khi trời hãy còn ấm, dùng xe đưa họ đến khu vực trạm máy kéo: “Đây, các chị xem, chồng các chị sửa chữa máy kéo trong hoàn cảnh như thế nào”, - như vậy thì chắc là các bà ấy sẽ tổ chức ngày lao động cộng sản, lấy đất trát vách cho cái nhà kho mà chúng ta vẫn gọi là xưởng máy. Ít nhất thì các máy công cụ cũng không bị vùi trong tuyết.
Mét-vê-đép lật giở giấy tờ trên bàn, ra bộ rất bận việc, không có thì giờ nói chuyện linh tinh, nhếch mép cười mỉa:
- Được, để rồi xem, để rồi xem công việc của đồng chí như thế nào. Đồng chí sẽ động viên quần chúng ra sao.
- Đồng chí Mét-vê-đép, - Đôn-gu-sin nói bằng giọng kiên quyết - tôi đề nghị đồng chí không chỉ xem xét xem công việc của tôi sẽ ra sao, mà còn giúp đỡ tôi nữa.
- Lại thế nữa kia đấy! - Mét-vê-đép ngẩng đầu lên. - Vậy ra đồng chí cho rằng hiện nay huyện ủy không giúp đỡ đồng chí?
- Thành thực mà nói, hiện giờ tôi thấy sự giúp đỡ ấy ít ỏi lắm, - Đôn-gu-sin vừa nói vừa nhìn vào cặp mắt kính dầy cộp của Mét-vê-đép, cặp mắt kính ấy không để cho người ta nhận rõ được màu mắt cũng như vẻ biểu hiện của đôi mắt. - Khi đồng chí gọi điện cho tôi và đòi hỏi đến ngày ấy phải sửa xong những chiếc máy kéo cuối cùng thì không thể nói rằng đồng chí đã mở ra cho tôi những triển vọng mới nào trong công tác, những triển vọng mà bản thân tôi không nhìn thấy. Tôi có là thằng thậm ngu thì mới không hiểu rằng cần sửa chữa xong toàn bộ máy kéo trước mùa xuân. Là một kỹ sư đã quen với máy móc, tôi biết rằng chẳng những cần sửa chữa máy kéo đúng kỳ hạn, mà còn phải sửa chữa cho tốt. Tôi cũng thừa biết rằng năm ngoái, Da-ru-bin là người đầu tiên trong tỉnh báo cáo rằng mình đã làm xong việc sửa chữa máy kéo trong mùa đông, nhưng đến vụ gieo trồng mùa xuân, một nửa số máy của hắn không làm việc được... Khi tôi ngồi họp thường vụ huyện ủy, ba người lên phát biểu liên tiếp gọi tôi là kẻ thiếu tinh thần trách nhiệm, không quý trọng lợi ích của nhà nước, không hiểu gì, không đánh giá đúng mức, không tôn trọng cái này cái nọ, vô ý thức và v. v.. thì tôi không thừa nhận đó là sự giúp đỡ. Điều đó không thể làm cho bất cứ ai phấn khởi trong công tác. Rời khỏi huyện ủy, tôi chỉ còn mang trong lòng một nỗi băn khoăn: nếu tôi là một kẻ biếng nhác như thế, chẳng hiểu biết gì cả thì bổ nhiệm tôi làm trưởng trạm máy kéo làm gì...
- Theo tôi nhớ, chưa hề có ai gọi đồng chí là kẻ biếng nhác, - Mét-vê-đép nói.
- Còn tai ác hơn nữa kia! Tôi còn bị gọi là kẻ tội phạm là đằng khác! - Đôn-gu-sin cười phá lên. - Chẳng phải ai khác, chính đồng chí đã gọi tôi như thế. Trong khi tại cuộc họp thường vụ, đồng chí nói rằng trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca phạm một sai lầm tội lỗi là làm hỏng kế hoạch sửa chữa máy kéo, lúc ấy tuy đồng chí không trỏ tay vào tôi, nhưng nói như vậy thì ai là kẻ tội phạm đầu sỏ? Đương nhiên là tôi, trưởng trạm máy kéo chứ còn ai?
Mét-vê-đép ngồi thẳng người lên trong ghế bành, gõ mấy ngón tay xuống bàn một cách nóng nẩy.
- Này Đôn-gu-sin, hãy vứt bỏ cái mưu toan ấy đi! Chúng tôi không để cho đồng chí làm như thế đâu! Không thành công được đâu! Không ăn thua đâu!
- Sao?
- Đồng chí không thể tước bỏ quyền lãnh đạo của huyện ủy chúng tôi. Trước kia cũng như sau này, chúng tôi sẽ luôn luôn đòi hỏi các đảng viên phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện những nhiệm vụ Nhà nước giao cho! Người lãnh đạo huyện không phải là đồng chí, mà là chúng tôi! Còn đòi hỏi dưới hình thức nào, điều đó xin để mặc chúng tôi. Cơ quan chúng tôi không phải là trường học dành cho các cô gái con nhà quý phái, chúng tôi nói năng không dè lời đâu. Chúng tôi không dành cho ai một ngoại lệ nào cả. Đối với chúng tôi, tất cả các trưởng trạm máy kéo và các chủ tịch nông trang đều ngang hàng nhau. Chúng tôi sẽ không chọn một hình thức mềm mỏng hơn cho những đòi hỏi của chúng tôi đối với một số đồng chí, vì chiếu cố đến việc trước đây họ đã giữ những chức vụ cao.
Đôn-gu-sin nhún vai.
- Địa vị trước kia của tôi chẳng đáng nói làm gì, vấn đề là chức vụ hiện nay của tôi... Tôi vẫn còn nhớ cuộc nói chuyện đầu tiên của chúng ta, vẫn trong phòng làm việc này, giữa tôi với đồng chí Mác-tư-nốp và đồng chí, khi tôi về đây. Hồi ấy các đồng chí đã hứa giúp đỡ chúng tôi.
- Đồng chí còn muốn giúp đỡ như thế nào nữa?
Đôn-gu-sin im lặng một lát.
- Đồng chí Mét-vê-đép, tôi đề nghị đồng chí tăng cường công tác lãnh đạo chính trị trong trạm máy kéo của chúng tôi. Bí thư khu vực của chúng tôi là đồng chí Khô-lô-đốp, cần giúp đồng chí ấy tìm ra cái chính trong công tác. Có lẽ đồng chí ấy cũng không phải là kẻ trống rỗng đâu, nhưng hình như đồng chí ấy chưa tìm thấy vị trí của mình. Khi thì đồng chí ấy lấy tư cách là trưởng phòng chính trị, tìm cách biểu lộ quyền hành đối với tôi khi thì biến thành cái bóng của tôi; chúng tôi cùng đi với nhau, và đồng chí ấy lặp lại y nguyên những lời tôi nói với các nông trang viên. Thật là bất nhã, nếu như tôi lại đi dạy đồng chí ấy nên tổ chức công việc của mình như thế nào. Nhưng việc ấy đồng chí có thể làm được và cần phải làm... Tôi còn muốn đề nghị với đồng chí điều này nữa: hãy quan tâm đến các tổ chức Đảng ở nông trang.
Mét-vê-đép bỏ kính, dùng mùi xoa lau mắt kính. Mắt anh ta cụp xuống, nhìn cái ngăn bàn hơi nhô ra. Mặt anh ta thường ngày hồng hào, nước da mịn nom như phớt một lớp phấn mỏng, lúc này bỗng đỏ lên, mồ hôi lấm tấm. Lông mày trái giật giật mấy cái.
- Sao? Đồng chí khuyên chúng tôi quan tâm đến các tổ chức Đảng ở nông trang à? - Mét-vê-đép nói, cố lấy giọng thật bình tĩnh. - Xin báo để đồng chí biết, trước kia cũng như hiện nay, bao giờ chúng tôi cũng quan tâm đến tổ chức Đảng ở nông trang. Tỉnh ủy và Ban chấp hành trung ương đòi hỏi chúng tôi như thế. Chúng tôi không chờ đồng chí bảo cho mới biết đâu... Còn về Khô-lô-đốp thì tôi sẽ ghi lại và sẽ kiểm tra xem tình hình thực giữa các đồng chí như thế nào, ai tìm cách biểu lộ quyền hành đối với ai. - Mét-vê-đép ghi vào quyển sổ để bàn. - Còn về các nông trang thì đồng chí không cần lo, đồng chí Đôn-gu-sin ạ. Đồng chí hãy cứ biết lo cho số máy kéo, máy gặt đập liên hợp, thợ máy kéo và thợ rơ-moóc của mình. Đừng xen vào những việc không ai nhờ đồng chí.
- Không, nói đồng chí bỏ qua cho, đồng chí Mét-vê-đép ạ... - Đôn-gu-sin bác lại, cũng cố tỏ ra bình tĩnh. - Tôi không có ý định trở nên giống Da-ru-bin, trưởng trạm cũ, kẻ không biết đường về các nông trang. Tôi sẽ biết đường về các nông trang, tôi sẽ đi trên những con đường ấy, hiện giờ xe tôi đã đi trên những con đường ấy. Trong các nghị quyết của hội nghị toàn thể Trung ương Đảng có viết: các trạm máy móc và máy kéo chịu trách nhiệm về toàn bộ việc sản xuất của nông trang, về mùa màng, về việc vắt sữa, về việc cắt lông cừu. Mà không phải chỉ chịu trách nhiệm về sản xuất thôi đâu. Việc thu mua, việc xây dựng, việc học tập của các nông trang viên, tất cả những việc đó trạm máy kéo đều phải chịu trách nhiệm. Vậy thì làm sao tôi lại có thể đừng xen vào việc của các nông trang?.. Đồng chí Mét-vê-đép, tôi không biết đồng chí quan tâm đến các tổ chức Đảng ở nông trang như thế nào, nhưng ở một số nông trang, tôi vẫn gặp những sự việc khiến tôi phải dựng tóc gáy lên. Đúng thế, trước đây tôi làm việc trong công nghiệp, tôi không quen với tình trạng quái gở như thế. Ở nhà máy không bao giờ lại có tình trạng một nửa số đảng viên trong tổ chức Đảng cứ lông bông, không có công việc nhất định và không tham gia tý gì vào đời sống sản xuất. Có thể tưởng tượng được cái chuyện như thế này không: những đảng viên không có quan hệ gì với nhà máy và với sản xuất cùng nhau họp bàn những vấn đề về đời sống của nhà máy? Họ là những đảng viên nhàn tản ư? Những thủ trưởng không có cặp ư? Ở nhà máy không có và không thể có chuyện ấy. Thế mà ở nông trang “Rạng đông” của đồng chí Bư-va-lức, tình hình chính là như thế đấy. Ở đấy có bốn người trước kia là chủ tịch nông trang, bị cách chức vì đã phạm đủ mọi thứ lỗi lầm, một người trước kia là nhân viên thu mua, một người trước kia là thủ kho. Họ không làm những công việc bình thường mà đi vơ vẩn trong xã, chờ dịp lại được giao một chức vụ nào đó, ít ra là một chân phân phối hàng trong hợp tác xã cung tiêu, hay quản lý bến đò ngang. Tổ chức Đảng gì mà như thế? Trạm máy kéo của tôi đã nhận được mười lá đơn của các nông trang viên khiếu nại về Tsai-kin bí thư tổ chức Đảng ở đấy; Anh ta phụ trách trạm làm kem sữa của nông trang. Anh ta tính gian cho các nông trang viên về tỷ lệ mỡ sữa. Đồng chí Mét-vê-đép, đồng chí hỏi tôi còn cần giúp đỡ gì nữa? Không phải tôi, mà các nông trang cần được giúp đỡ. Nếu chúng ta muốn phát động được phong trào rộng lớn trong quần chúng nông trang viên thì trước hết cần phát động các đảng viên. Trong đảng ta, xưa nay bao giờ cũng thế: đảng viên đi tiên phong.
- Cảm ơn đồng chí đã cho chúng tôi biết những điều đó, - Mét-vê-đép nghiêng đầu, gần như cúi chào một cách lịch thiệp. - Trong kế hoạch công tác tháng Tư của chúng tôi có ghi: thông qua cán bộ chỉ đạo của chúng ta, nghiên cứu kỹ về công tác của tổ chức Đảng ở nông trang “Rạng đông”, và đồng chí Tsai-kin bí thư tổ chức Đảng sẽ báo cáo tại Thường vụ. Đồng chí thấy đấy, không có đồng chí thì chúng tôi vẫn nắm được tình hình. Những điều đồng chí cho biết không phải là tin mới nhất đâu.
- Thế thì lại càng tệ! Tại sao các đồng chí cứ để mặc cho tình trạng ấy kéo dài mãi?
- Vậy đồng chí ra lệnh cho chúng tôi phải làm gì? Cách chức đồng chí bí thư chăng? Khai trừ những người trước đây là chủ tịch nông trang ra khỏi Đảng chăng? Đánh đập họ chăng? Ai sẽ cho phép chúng ta thi hành một quyết định như thế?..
- Tôi không biết ai sẽ có quyền cho phép. Cần nói chuyện với những đảng viên hiện không làm việc. Nếu họ không nghe ra, không chuyển, thì có thể cần phải khai trừ một vài kẻ ra khỏi Đảng. Dù sao cũng cần tìm hiểu kỹ về tổ chức Đảng ở đó!..
- Chúng tôi sẽ tìm hiểu đến nơi đến chốn. Nhưng đồng chí Đôn-gu-sin ạ dù sao đi nữa.; xin hãy lưu ý rằng đồng chí là trưởng trạm máy kéo, trước hết chúng tôi sẽ đòi hỏi đồng chí phải chịu trách nhiệm về hoạt động của các máy kéo, về chất lượng của việc gieo hạt, về thời hạn thực hiện các kế hoạch sản xuất giao xuống cho các đồng chí, chứ không phải về việc giáo dục các đảng viên, và về các phòng đọc sách ở nông trang. Đừng làm cho mình bị lạc hướng và đánh lạc hướng của chúng tôi, - đến đây, Mét-vê-đép không giữ được nữa: giọng nói của anh ta cuối cùng đã chuyển thành giọng quát tháo. - Và chúng tôi cũng không phó mặc các nông trang cho đồng chí muốn làm gì thì làm đâu! Trước kia cũng như sau này, huyện ủy vẫn lãnh đạo các nông trang! Chúng tôi biết trách nhiệm của chúng tôi! Còn đồng chí là trưởng trạm máy kéo, đồng chí hãy biết phận mình!..
- Những thói quen làm việc ở Bộ... - Mét-vê-đép lẩm bẩm, môi run run, đưa mùi xoa lên lau khuôn mặt đẫm mồ hôi nhìn về phía cánh cửa đã khép lại sau khi Đôn-gu-sin đi ra. - Y muốn biến trạm máy kéo của y thành một công quốc riêng biệt! Lại đi ra chỉ thị cho huyện ủy!.. Thấy chưa, y cho rằng các tổ chức Đảng, các cán bộ chỉ đạo của chúng ta đều phải giúp việc cho y! Đấy là những chức trách phụ trợ cho y... Được cứ đợi đấy, chúng ta sẽ làm cho mi mất thói hợm hĩnh! Mi sẽ trở nên nhũn như con chi chi! Mi sẽ phải đứng thẳng người trước cái bàn này, trong căn phòng này!
Còn Đôn-gu-sin lúc vào ngồi trong chiếc “com-măng-ca”
của trưởng trạm, - chiếc xe đã quá cũ kỹ, ông thừa hưởng được của Da-ru-bin, bánh xe thì không cùng cỡ, vành tại xe cong vẹo, khi xe chạy cứ long lên xòng xọc, buồng lái bằng gỗ dán đã tróc hết sơn, - ông nhún vai nghĩ: “Hoặc chẳng qua là anh ta không thông minh, tuy anh ta tự coi mình là người mác-xít có trình độ cao nhất huyện, hoặc là...”
Nhưng “hoặc là...” như thế nào nữa thì hiện thời chính Đôn-gu-sin cũng chưa biết rõ.
Quan hệ giữa ông với Mét-vê-đép ngay từ đầu đã như thế.
Khó khăn thứ hai của Đôn-gu-sin là ông hoàn toàn không biết gì về nông nghiệp. Thời gian đầu, ông tuyệt nhiên không hiểu gì về nông nghiệp, về mặt này ông ngây ngô đến mức kỳ cục. Có những người thành thị xuất thân từ nông thôn, ít ra trong thời thơ ấu xa xôi, họ cũng đã từng lùa ngựa ra bãi chăn thả ban đêm hay hái trộm dưa hấu trong vườn dưa. Đôn-gu-sin thì thời thơ ấu cũng như thời thanh niên và lúc đã đứng tuổi, không hề dính líu gì với nông thôn. Ông chỉ biết chút ít về nông thôn hồi ông phục vụ trong đơn vị quân đội đặc biệt đi truy lùng bọn phỉ. Còn sau này, ông chỉ thấy nông thôn qua cửa sổ toa xe lửa, khi ông có dịp đi đâu đó bằng đường sắt.
Đôn-gu-sin sinh trưởng trong gia đình một chủ xưởng thủ công nhỏ, làm đồ thiếc ở thành phố Vôn-xcơ trên bờ sông Vôn-ga. Ông nội Đôn-gu-sin là người Di-gan, bị đuổi ra khỏi trại của người Di-gan vì dan díu với một người đàn bà Nga. Bố Độn-gu-sin nom hình dáng là người Di-gan đã sống định cư từ lúc ra đời cho đến lúc chết. Về diện mạo, Đôn-gu-sin giống ông nội. Nhiều khi, ở một cái chợ nào đó, những người Di-gan tưởng Đôn-gu-sin là đồng bào của mình, liền nói với ông bằng tiếng Di-gan, nhưng ông chỉ dang hai tay ra và cười! Ông không biết một tiếng Di-gan nào.
Vợ của Đôn-gu-sin vốn là nông dân, sống ở nông thôn đến năm mười tám tuổi, đã từng làm công việc cày, bừa, bó lúa. Vì thế, thời gian đầu, khi vợ ông vẫn còn ở Mát-xcơ-va, Đôn-gu-sin thường nhờ vợ giải đáp cho mình những vấn đề nông nghiệp.
Đêm khuya, khi chỉ còn một mình trong văn phòng trạm máy kéo, ông gọi điện thoại ra trạm bưu điện và xin số điện thoại về căn hộ của mình ở Mát-xcơ-va.
- Li-u-đa đấy ư? Anh làm cho mình thức giấc ư?.. Đời sống thế nào?.. Cô-li-a có viết thư về không? Có thư của Na-đi-a không?., Ừ được, tốt... Nhà ấy à? Hiện thời anh mới chỉ thu về được một đống gỗ. Có lẽ phải một thời gian khá lâu nữa mới xong được. Mình sẽ phải tạm thời đến ở nhờ nhà... thì hiện nay anh cũng đang ở nhờ đấy, bà con rất tốt.., Không sao, không sao, chúng ta chịu đựng một thời gian rồi sẽ đâu vào đấy. Sắp sang xuân đến nơi rồi, mình hiểu đấy, lúc này anh chẳng bụng dạ đâu nghĩ đến chuyện dựng nhà dựng cửa... Mình ạ, anh muốn hỏi mình một điều. Anh đã lục lọi tất cả các sách hướng dẫn, tra cứu về các giống bò cái: bò Xen-ti-men... à Xim-men-tan, Cô-xtơ-rô-ma, Khôn-mô-gô-rơ-xcơ, I-a-rô-xláp, nhưng không tìm thấy giống bò I-a-lô- vai-a. Anh vẫn thường nghe nói giống bò I-a-lô-vai-a mà không hiểu nó là giống gì?.. Sao?..
Trong ống nghe thoạt tiên có tiếng nói ngái ngủ và bực bội của người đàn bà hiện đang ở Mát-xcơ-va xa xôi, rồi tiếng nói ấy trở nên vui vẻ, xen lẫn tiếng cười:
- Anh bạn thân mến của tôi ơi, đấy không phải là một giống bò.
- Thế là thế nào?.. Giải thích đi... Những con bò cái không có bê đi theo à? Người ta đã tách bê con khỏi mẹ có phải không?..
Trong ống nghe vang lên tiếng cười giòn tan.
- Trời ơi, rõ chán với anh, thật không hiểu sao người ta lại đưa những chàng công tử bột như thế lên làm trưởng trạm máy kéo kia chứ?
- Thôi được, đừng cười nữa, mình hãy giải thích cho anh đến đầu đến đũa đi.
- Đấy là những con bò cái không chửa. Mình hiểu chưa? Những con bò hoặc không có khả năng sinh đẻ, không rõ vì lý do gì, hoặc là quá ham thích rong chơi.
- À, thế thì hiểu rồi. Chúng không muốn đẻ con, để thân hình khỏi xề ra. Tất nhiên những con bò đẹp dáng như thế sẽ cho sữa ít hơn...
- Ừ, ít hơn. Hoàn toàn không có sữa nữa là khác!
- Được, bọn anh sẽ lưu ý... Mình ạ, còn một câu hỏi nữa. Người ta xới củ cải đường bằng máy gì? Anh không thấy loại máy xới nào ở trạm máy kéo của anh cả, mà hỏi thì cũng hơi ngượng. Ở đấy có một kỹ sư trưởng của trạm máy kéo vùng bên, bị người ta gán cho biệt hiệu là “Chim mai hoa” vì anh ta đã nói: “Cày di-a-bli-cô-vai-a”[22]. À, thế thì máy xới đất là cái như vậy đấy. Hiểu rồi... Thế có thực là gà mái không có trống cũng đẻ trứng được không?.. Không phải bà con nông trang viên lỡm anh chứ? Trong một trại chằn nuôi ở đây, anh thấy chỉ toàn là gà mái... Thực à?.. Thôi được, cám ơn. Không còn gì nữa, tạm thời thế là đủ. Anh định bỏ ra vài ngày đi xuống các nông trang, khi ấy sẽ còn nhiều điều phải hỏi. Quan hệ với cấp trên thế nào ấy à? Bình thường thôi... Không sao, sẽ ổn thỏa!.. Tại sao gọi điện khuya ư? Sau mười hai giờ đêm thì được tính giá rẻ. Thôi, ngủ đi. Xin lỗi, anh đã quấy quá mình. Hôn mình, tạm biệt!
Nhưng Đôn-gu-sin nhầm khi ông lo ngại rằng người ta có thể đặt cho ông cái biệt hiệu gì buồn cười, đại loại như “chim Mai hoa” gán cho một kỹ sư thiếu hiểu biết về nông nghiệp. Ở trạm máy kéo người ta thấy rõ Đôn-gu-sin thực tâm, nghiêm chỉnh bắt tay vào việc, ông về nông thôn không phải như người khách về thăm vùng quê, và họ sẵn lòng giúp ông nghiên cứu nông nghiệp, một lãnh vực lạ lẫm đối với ông. Chẳng ai có ý định chế nhạo “Sự ngu dốt” của ông về công việc nhà nông, chế nhạo việc trước hay ông chỉ quanh quẩn ở các thành phố. Mọi người đều biết trước kia ông là kỹ sư luyện kim, có thể ông là một chuyên gia cỡ lớn trong công nghiệp, còn việc ông chưa hề thấy người ta gieo gặt lúa mì như thế nào thì chẳng có gì là lạ. Hoàn cảnh khiến cho cuộc sống của ông trước đấy là thế. Luôn luôn ở các thành phố, các nhà máy, làm công việc luyện kim. Nông trang viên là những người chất phác, họ rất tế nhị và nhạy cảm với một người đến làm việc với họ, cho dù người đó là dân thành thị đặc sệt, miễn là họ thấy rằng người đó thực sự muốn sống và làm việc ở nông thôn và thực tâm muốn biết cái nghề canh tác đã có từ ngàn xưa của họ, không ngại trở dậy từ sáng tinh mơ, đi bộ trên đồng ruộng, vui lòng cùng họ ăn món súp nấu ngay ngoài đồng, và không dùng khăn mùi xoa sức nước hoa bịt mũi khi bước qua ngưỡng cửa chuồng lợn. Các nông trang viên đứng tuổi còn nhớ cả những công nhân trong số hai mươi nhăm ngàn người về nông thôn công tác, cả những cán bộ chính trị cũng không biết gì về nông nghiệp, nhưng là những cán bộ tổ chức giỏi, đã hoàn thành có kết quả những nhiệm vụ Đảng giao cho họ.
Rất nhiều người tình nguyện làm thày dạy cho Đôn-gu-sin. Ngay cả anh lái xe Vô-lô-đi-a vẫn lái chiếc “com-măng-ca” cho Đôn-gu-sin cũng sẵn lòng chỉ bảo cho ông (Vô-lô-đi-a còn trẻ măng, vừa làm xong nghĩa vụ quân sự và được phục viên). Nhiều khi, không cần ông trưởng trạm yêu cầu, anh dừng xe lại giữa đường, lẳng lặng đi sang rệ đường và gọi Đôn-gu-sin đến.
- Đồng chí Đôn-gu-sin, đây là đất cày vụ thu, cày không có lưỡi cày trước. Đồng chí thấy đấy, các rãnh cày, thân rễ đều ở trên. Còn đây là chỗ đất cày có lưỡi cày trước giống như cày lấp, cả bụi cỏ bị vùi xuống đáy. Có thể bừa sơ qua một lượt rồi gieo luôn. Còn cái này chúng tôi gọi là cày lỏi. Chắc là thợ lái máy kéo ngủ gật và cho máy chạy sai đường. Đấy kia, có một khoảnh hắn bỏ không cày. Còn cái này là gieo chéo, lúa mạch mùa thu. Đồng chí nhìn xem: những hàng nhỏ gieo khác nhau. Làm như vậy là nhằm mục đích như thế này.
Vô-lô-đi-a ngồi xổm xuống và bắt đầu dùng một búi cỏ khô vẽ xuống mặt đất, cho biết hạt được phân phối trong đất như thế nào khi gieo thường và khi gieo chéo, diện tích dinh dưỡng cho mỗi hạt tăng thêm như thế nào, và tránh được tình trạng cây nọ chèn lên cây kia ra sao, Tuy Đôn-gu-sin đã biết cách gieo như thế qua các kỹ sư nông nghiệp của mình và nhờ việc đọc sách, ông kiên nhẫn lắng nghe cả những lời giảng giải này của ông thày trẻ tuổi của mình, để khỏi làm anh ta mất hứng. Biết đâu lần khác anh chẳng kể cho ông nghe những điều ông chưa biết. Hồi ở trong quân đội, Vô-lô-đi-a đã tốt nghiệp trường dạy lái xe, và cũng trong thời gian đó anh đã học xong khóa trình về nông học, chuẩn bị để khi trở về nhà sẽ thi vào trường trung cấp nông nghiệp. Nhưng ở nhà, mẹ ốm, các em trai và em gái còn nhỏ cả, hoàn cảnh gia đình không cho phép anh đi học. Anh vào làm lái xe ở trạm máy kéo.
Trong mùa đông, nếu chưa phải bằng kinh nghiệm thực tế, thì ít ra về mặt lý thuyết, Đôn-gu-sin đã nắm được những nguyên lý canh tác và chăn nuôi. Ngày nào ông cũng bận tối mắt tối mũi: thôi thì trăm thứ việc trong phòng hành chính và trên khu vực trạm máy kéo. Lại còn lên tỉnh, lên huyện khi có giấy triệu tập, lại còn báo cáo, thống kê, hết hội nghị này đến cuộc họp kia. Mỗi lần được gọi lên tỉnh, Đôn-gu-sin thường mang theo một người nào trong các cán bộ chuyên môn của mình, một kỹ sư nông nghiệp hay cán bộ chăn nuôi. Trong suốt thời gian đi về, khoảng chừng mươi tiếng trên xe lửa, ông chuyện trò với người đó, khai thác kiến thức, tìm lấy những gì cần thiết và có ích cho mình. Khi họp đại biểu Xô-viết huyện, Đôn-gu-sin kiếm một chỗ ngồi ở cuối phòng họp cạnh một chủ tịch nông trang lâu năm, giàu kinh nghiệm, nếu ý kiến của những người lên phát biểu không có gì đáng chú ý, Đôn-gu-sin toàn thì thầm nói chuyện với chủ tịch nông trang, hỏi han về việc ông ta quản lý kinh tế như thế nào, gieo trồng những loại cây gì trong khoảng thời gian nào, làm cách gì nâng cao năng suất chăn nuôi, định khắc phục tình trạng thiếu gỗ hiện nay như thế nào để giải quyết tốt việc xây dựng.
Đôn-gu-sin chỉ ngủ bốn, năm tiếng một ngày. Trong phòng ông chồng chất những sách giáo khoa, những cuốn hợp tuyển các bài viết về nông học. Các tác phẩm của Đô-cu-tsa-ép, Ti-mi-ri-a-dép, Vi-li-am-xơ, Lư-xen-cô. Ban đêm ông đọc sách và những cuốn cần thiết thì đọc đi đọc lại mấy lần, ghi tất cả những điều chưa hiểu vào một quyển vở riêng để sau này hỏi các cán bộ chuyên môn của mình hay nhờ vợ giải đáp mỗi khi nói chuyện với vợ bằng điện thoại như thường lệ. Thậm chí trong số sách văn học, Đôn-gu-sin cũng chú ý trước hết đến những tên sách có dính líu đến nông nghiệp: “Mùa gặt”, “Mùa màng”, “Những người lái máy liên hợp”, “Luống cày sâu”.
Là một kỹ sư luyện kim, là một đảng viên lâu năm, Đôn-gu-sin coi việc mình về công tác ở nông thôn là chấp hành mệnh lệnh của Đảng. Ba mươi năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông có thói quen coi những nhiệm vụ Đảng giao cho chỉ là một mệnh lệnh cần chấp hành vô điều kiện, thậm chí không được đả động đến những khó khăn, làm việc quên mình, chỉ nghĩ đến công việc, còn tất cả những gì riêng tư thì gạt sang một bên. Cả quan hệ của Đôn-gu-sin với ty nông nghiệp cũng không ổn thỏa.
Là một người trước đây làm việc trong công nghiệp và mới được điều sang công tác nông nghiệp, Đôn-gu-sin cho rằng tác phong lãnh đạo của cơ quan cấp tỉnh này đối với các trạm máy móc và máy kéo quả là một hình thức phỏng nhại mỉa mai về sự lãnh đạo.
Trong mùa đông đã có chừng hai chục cán bộ quan trọng đủ các loại từ ty về trạm máy kéo của ông. Có trời biết họ về để làm gì. Họ được coi là cán bộ quan trọng chỉ là theo danh sách biên chế ở cơ quan của họ. Còn ở đây, trên “chiến trường”, họ là những cán bộ bình thường đi thu thập số liệu và không dám tự mình giải quyết bất cứ vấn đề gì, dù là to hay nhỏ. “Giải quyết như thế nào về bảy chiếc máy kéo “ĐT-54”? Trước đây Da-ru-bin đã nhận tiền sửa chữa và tiêu hết rồi” - “Chúng tôi không biết”. - “Cày sâu theo hệ thống của Man-tsép thì tốn chất đốt hơn mức quy định, vậy thì làm thế nào? Các đồng chí sẽ tăng thêm mức cung cấp chứ?” - “Chúng tôi không biết”. - “Ở các nông trang có cần đặt kế hoạch trồng thêm rừng phòng hộ cho mùa xuân không? Có cấp kinh phí cho việc đó không?” - “Chúng tôi không biết”. - “Các nông trang không ký hợp đồng với công ty cấp nước nữa, tự khoan lấy giềng bằng lực lượng của mình, nếu như tìm được thợ chuyên môn và thiết bị, như vậy được chứ? Công ty lấy tiền làm giếng đắt quá”. - “Chúng tôi không biết”. - “Liệu người ta có trả chúng tôi những máy liên hợp năm ngoái đã đưa về miền Đông để gặt hái không? Có phải đặt kế hoạch sửa chữa những máy ấy không? Hay sẽ được thay thế bằng máy mới”. - “Chúng tôi không biết”. - “Này, ít ra các đồng chí cũng giúp chúng tôi kiếm tấm lợp mái cho xưởng sửa chữa mới, nếu chúng tôi tự dựng lấy tường chứ?” - “Chúng tôi không biết”.
Hoài thời giờ mà nói chuyện với những cán bộ cấp trên “quan trọng” như thế!..
Giấy tờ từ ty nông nghiệp gửi về trạm máy kéo dần dần ít hơn trước. Hồi Da-ru-bin làm trưởng trạm, bưu kiện nhận được hàng ngày nặng tới gần một ki-lô-gam, bây giờ giảm xuống còn ba bốn trăm gam. Nhưng điện thoại của các phòng từ ty gọi về lại nhiều hơn trước. Chẳng mấy ngày ông trưởng trạm không được mời đến máy điện thoại mấy lần để nghe điện từ ty gọi về, chưa kể những cú điện thoại của các tổ chức huyện. Người gọi điện nói với giọng cáu kính, khăng khăng đòi nói chuyện với chính ông trưởng trạm, và người ta lùng tìm ông khắp mọi nơi trong khu vực trạm máy kéo. Ông hộc tốc chạy đến phòng hành chính, thở không ra hơi, nhưng té ra người ta chỉ cần lấy số liệu về lượng phân bón đã chở ra đồng trong hai ba ngày gần đây... kể từ sau bản báo cáo thống kê mười ngày trước đó. Cần có số liệu để làm bản báo cáo bất thường gì đó gửi lên tỉnh ủy.
Đôn-gu-sin kiên nhẫn chịu đựng một thời gian dài. Sáu bảy lần gọi điện thoại như thế là một ngày đi toi! Rồi sau ông cho đặt một máy điện thoại thứ hai trong phòng kế toán, ghép nó với máy điện thoại của mình và quy định như sau: khi có chuông điện thoại, một người nào trong số nhân viên kế toán sẽ nhắc ống nghe lên và hỏi xem ai ở đâu gọi điện đến. Nếu là người nào ở nông trang gọi điện thì không cần hỏi han gì thêm, cứ gõ vào tường báo hiệu cho Đôn-gu-sin, ông cầm máy nghe lên và nói chuyện. Nếu là điện thoại từ ty gọi về, thì người đến máy trước tiên phải hỏi han cặn kẽ xem người ta muốn nói chuyện về vấn đề gì, và tùy theo tính chất của vấn đề, sẽ để cho người gọi điện nói chuyện hoặc với kỹ sư trưởng nông nghiệp hoặc với kỹ sư chăn nuôi, hoặc với kỹ sư trưởng, hoặc chỉ với nhân viên thống kê. Bây giờ mới vỡ lẽ ra rằng trong đa số trường hợp, ông Ô-nu-phơ-ri Ác-chi-ô-mô-vích, nhân viên thống kê của trạm máy kéo hoàn toàn có thể làm cho các vị cán bộ cấp trên nóng tính và dễ sợ ở tỉnh hài lòng bằng những con số lấy trong chiếc cặp bìa nhàu nát và nhem nhuốc mà ông ta luôn luôn mang theo bên mình.
Cái máy điện thoại ghép đôi dường như biểu hiện thói làm việc quan liêu, nhưng là lối quan liêu khác thường, sự quan liêu của cấp dưới đối với cấp trên. Thực vậy, ngay trong mấy tháng đầu về nhận công tác, ông trưởng trạm máy kéo Na-đê-giơ- đin-ca đã được cả ty nông nghiệp coi là kẻ quan liêu sừng sỏ.
Có lần, phó ty gọi điện cho Đôn-gu-sin.
- Trưởng trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca đấy phải không?
- Phải.
- Tôi là Phê-đô-rốp đây. Có thể cho tôi biết họ mấy người lái máy kéo ưu tú đã tỏ ra xuất sắc trong đợt sửa chữa máy kéo vụ đông được không?..
- Không, tôi không thể cho biết được,
- Sao?
- Tôi không thể cho biết họ của những người lái máy kéo ấy được.
- Tại sao?
- Tôi không biết họ của thợ lái máy kéo.
- Đồng chí không biết họ của những người lái máy kéo dưới quyền mình, thế thì đồng chí là trưởng trạm thế nào nhỉ? Làm sao người ta lại cứ để cho đồng chí làm trưởng trạm được nhỉ?
- Ấy thế mà người ta vẫn cứ để đấy. Không có ai khá hơn thay tôi. Người ta đành chịu vậy.
Trong phòng làm việc của Đôn-gu-sin, ngồi cạnh ông là bí thư khu vực Khô-lô-đốp, nghe thấy cuộc đối thoại như vậy, mắt anh ta trợn ngược lên, Trên bàn trước mặt Đôn-gu-sin là bản mệnh lệnh ông mới ký, trong đó mười thợ lái máy kéo ưu tú được khen về thành tích sửa chữa máy. Khô-lô-đốp đưa một tay ra cầm lấy ống điện thoại, tay kia với tờ danh sách thợ lái máy kéo, Đôn-gu-sin bình tĩnh ngăn anh ta lại.
- Thế thì chúng ta sẽ làm thế nào bây giờ, đồng chí trưởng trạm? - Giọng nói cáu kỉnh vang lên ồm ồm trong ống nghe. - Có lẽ tôi phải đến trạm của đồng chí và dò hỏi tại chỗ để biết tên họ các thợ lái máy kéo ưu tú của đồng chí chăng? Rồi sau đó báo cho đồng chí biết chứ gì?
- Mời đồng chí về, chúng tôi sẽ rất hân hạnh được đón tiếp. Nhưng đồng chí Phê-đô-rốp này, đồng chí có biết họ của trưởng trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca không?
- Thế nào? Tôi không hiểu. Nhưng... Đồng chí hỏi như vậy là có ý gì? Đồng chí... Đôn-gu-sin?
- Đúng. Đôn-gu-sin. Trong tỉnh của đồng chí, số trưởng trạm máy kéo ít hơn số thợ máy kéo của tôi. Chào đồng chí Vích-to Ni-cô-lai-ê-vích. Hình như ban nẫy tôi chưa chào đồng chí.
- Chào đồng chí... Khri-xtô-phơ Đê-mi-a-nô-vích.
- Đa-ni-lô-vích. Họ tôi là Đa-ni-lô-vích. Không sao. Đồng chí nhớ ra họ của tôi rồi đấy ư? Thế thì tôi cũng nhớ ra họ của thợ lái máy kéo rồi, bây giờ tôi có thể cho đồng chí biết được. Ghi đi. Tô-rô-pốp Xê-mi-ôn I-lích... Đọc rõ từng chữ một này: Tê-ren-ti, Ôn-ga, Rô-man, Ôn-ga...
Không phải vì sống sung sướng mà Đôn-gu-sin dùng đến những biện pháp nghiệt ngã như thế để “giáo dục” cấp trên, và những biện pháp nghiệt ngã ấy, đến lượt nó, cũng không góp phần làm cho đời sống của ông trở nên tốt đẹp hơn. Dù sao Phê-đô-rốp và những cán bộ cấp trên khác cũng nắm trông tay cả những định mức, cả những khoản tín dụng, và mọi vấn đề cung cấp, kể cả tấm lợp mái, cả xi-măng, cả gỗ. Tục ngữ có câu: “Bé ngoan bú hai mẹ”. Lúc bé, không ai dạy Đôn-gu-sin cái lối sống khôn khéo ấy, còn về già mới học thì muộn rồi. Vả chăng, tính cách ông cũng không chấp nhận cái lối khôn khéo như thế.
Sau hết, cả Khô-lô-đốp cũng đâm ra giận Đôn-gu-sin. Mét-vê-đép giữ lời hứa sẽ nói chuyện với Khô-lô-đốp và giúp anh ta lập kế hoạch công tác. Nhưng cách nói chuyện của Mét-vê-đép lại khiến Khô-lô-đốp tưởng rằng Đôn-gu-sin hay lên huyện ủy than phiền về việc bí thư khu vực không hoạt động gì cả. Khô-lô-đốp bắt đầu hay đi một mình về các nông trang, không đi với trưởng trạm. Nhưng từ đó, anh ta có một quyển vở riêng, giống như nhật ký để ở nhà, tối tối anh ta ghi vào quyển vở ấy, tất cả những điều tệ hại đã phát hiện thấy ở nông trang và trạm máy kéo. Không phải bao giờ anh ta cũng cho Đôn-gu-sin biết những cái tệ hại ấy, anh ta ghi lại những điều đó không phải để cho trưởng trạm biết. Trong quyển vở đó, anh ta dành riêng một chỗ cho chính Đôn-gu-sin, ghi lại tất cả những “mánh lới” của Đôn-gu-sin, chẳng hạn như cỗ điện thoại ghép đôi và cuộc nói chuyện với phó ty nông nghiệp. Xét về mối quan hệ công tác giữa hai người, “cái hồ sơ đặc biệt” ấy của Khô-lô-đốp không báo trước điều gì tốt lành.
Những tin đồn hết sức trái ngược nhau về trưởng trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca bắt đầu đến tai Mác-tư-nốp đang nằm ở bệnh viện, cả vợ Mác-tư-nốp cũng kể với chồng những điều chị nghe người ta nói về Đôn-gu-sin. Ru-đen-cô, Gri-bốp, Su-kin và Rư-giơ-cốp cũng đến thăm anh. Biên tập viên tờ báo huyện Pô-xô-khốp và Xa-sa Tơ-ru-bi-txưn đưa cho anh xem những lá thư mà huyện ủy và tòa soạn nhận được từ trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca, cả thư có ký tên lẫn thư nặc danh. Một số những người viết thư gọi Đôn-gu-sin là diễn viên, là kẻ lừa bịp và quan liêu, một số khác nhiệt liệt bênh vực ông, coi ông là người cộng sản chân chính, còn cái danh từ quan liêu thì họ dùng để gọi những kẻ đã gây trở ngại cho Đôn-gu-sin ngay từ những ngày đầu ông về công tác ở trạm máy kéo. Có lần, Tơ-ru-bi-txưn còn đem đến cả bản báo cáo của Khô-lô-đốp gửi huyện ủy Tơ-rô-ít-xcơ (một bản sao gửi tỉnh ủy) về “những nghệ thuật”, theo như Khô-lô-đốp viết, của trưởng trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca. Bản báo cáo vạch từng chân tơ kẽ tóc mọi sai lầm Đôn-gu-sin đã phạm phải trong thời gian công tác ở trạm máy kéo.
Mác-tư-nốp viết mấy chữ cho Mét-vê-đép, đưa Tơ-ru-bi-txưn chuyển, bảo Mét-vê-đép đến bệnh viện gặp mình.
- Đồng chí Va-xi-li Mi-khai-lô-vích ạ, - Mác-tư-nốp nói, - vì lợi ích của công việc, tôi cho rằng cần chuyển Ma- ri-a Xéc-ghê-ép-na Boóc-dô-va ở trạm máy kéo Xê-mi-đu- bốp-ca về làm việc việc với Đôn-gu-sin ở Na-đê-giơ-đin-ca. Chị ấy sẽ vẫn làm công tác như trước: bí thư tổ chức Đảng của trạm máy kéo.
- Chồng chị ấy ở Bô-ri-xốp-ca đã hai lần đến tìm chị ấy. Anh ta khuyên chị ấy trở về với anh ta.
- Thực ư?.. Tại sao lại trở về? Có phải chị ấy bỏ anh ấy đâu? Anh ấy rời khỏi đây không đưa chị ấy theo, khi chị ấy đến với anh ta, anh ta không nhận chị ấy cơ mà.
- Tôi không biết câu chuyện giữa hai người như thế nào? Đại để là anh ta gọi chị ấy về Bô-ri-xốp-ca. Anh ta lại bắt đầu được tin dùng, hiện giờ anh ta là phó chủ tịch Xô-viết huyện. Trong thời gian này, chủ tịch Xô-viết huyện ốm nặng, đi điều dưỡng, Boóc-dốp thay quyền chủ tịch đã hơn hai tháng nay.
- Thì ra là thế đấy. Hẳn là đã có kẻ ngầm xui anh ta sửa chữa sai lầm về sinh hoạt chứ gì? Anh ta đã đoạn tuyệt với cô nhân viên thí nghiệm kia, để khỏi có vết xấu trong lý lịch và bảo Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na đem con về với mình chứ gì?.. Thế ý chị ấy ra sao? Chị ấy có định trở về với anh ta không?
- Hiện giờ chưa thấy chị ấy đề nghị gì với chúng ta cả.
- Nếu như chị ấy không đề nghị thì... Tôi cho rằng nên làm như thế này. Ở Xê-mi-đu-bốp-ca, bí thư khu vực là Côn-txốp, một cán bộ cứng. Đồng chí ấy với Glô-tốp làm việc với nhau không có gì vướng mắc, ông già cũng là một đảng viên không đem những cái nhỏ nhen đổi lấy lợi ích của Đảng. Nói chung, tình hình ở đấy ổn thỏa, cán bộ đoàn kết với nhau trong công tác. Còn quan hệ giữa Đôn-gu-sin và Khô-lô-đốp xem ra không ổn. Không phải là làm việc với nhau, mà là xung đột. Còn ai đúng, ai sai thì bây giờ khó phân biệt. Cả hai đều là người mới đối với chúng ta. Ta chưa biết kỹ về họ. Cần đưa thêm về đấy một cán bộ đã được thử thách của chúng ta. Đưa Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na về làm bí thư tổ chức Đảng.
- Thế thì đưa ai về làm bí thư tổ chức Đảng ở Xê-mi-đu- bốp-ca?
- Có thể bầu một đảng viên ở đó. Hỏi chị ấy xem chị ấy giới thiệu ai?
- Cứ luôn luôn điều động người từ nơi này sang nơi khác thật chẳng có lợi gì. Chị ấy làm việc ở Xê-mi-đu-bốp-ca chưa được bao lâu. Nhưng thôi, nếu đồng chí cứ muốn thế, thì tôi sẽ nói chuyện với chị ấy, và sẽ đem việc này ra bàn ở thường vụ, - Mét-vê-đép đành thuận theo, không lấy gì làm hài lòng lắm.
Khi chia tay với Mác-tư-nốp, Mét-vê-đép thận trọng chạm mấy ngón tay vào cánh tay phải buộc băng đặt trên tấm chăn của Mác-tư-nốp, và nói với giọng hơi bực bội:
- Nhưng đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích ạ, hiện giờ đồng chí được nghỉ để điều trị. Can gì đồng chí phải lo đến công việc của chúng ta. Đồng chí cứ việc nằm nghỉ, đọc tiểu thuyết. Tôi sẽ gửi đến cho đồng chí bộ tác phẩm hai quyển của Ô. Hen-ri, những truyện ngắn Mỹ. Tôi vừa mua hôm qua ở hiệu sách. Truyện hấp dẫn lắm.
- Sách đọc tôi có đủ rồi, - Mác-tư-nốp đưa tay trái khoanh một vòng xung quanh mình, trỏ những chiếc ghế đẩu của bệnh viện phủ khăn trắng, trên đó chồng chất sách báo và tạp chí. - Phải, đồng chí nói đúng. - Mác-tư-nốp nhếch mép cười. - Tôi đang được nghỉ để điều trị, xét về mặt hình thức, có thể nói là tôi không giải quyết công việc. Nghỉ việc vô thời hạn. Nói chung đồng chí có thể không cần đếm xỉa gì đến tôi và ý kiến của tôi. Chừng nào tôi còn ốm thì đồng chí là bí thư thứ nhất. Nhưng Va-xi-li Mi-khai-lô-vích ạ, hãy vứt bỏ chủ nghĩa hình thức đi. Nên gặp tôi thường xuyên hơn nữa. Dại bầy hơn khôn lỏi. Hay đồng chí cho rằng sau khi ra viện, tôi sẽ không trở về vị trí cũ nữa? Quen làm việc độc lập rồi phải không? Tôi chưa biết thế nào, cũng có thể tôi không trở về cương vị cũ. Tôi sẽ còn phải nằm chừng hai tháng nữa. Trong thời gian ấy sẽ có nhiều đổi thay, còn sau này thì tùy tỉnh ủy quyết định...
Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na đồng ý chuyển về trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca khi được biết rằng đây là đề nghị của Mác-tư-nốp. Vả chăng, chị cũng đã nghe đồn Đôn-gu-sin là một con người lý thú. Một tuần sau, tại cuộc họp đảng viên ở đấy, chị đã được bầu làm bí thư.
Có điện thoại của huyện ủy gọi về cho Khô-lô-đốp ở trạm máy kéo và báo cho biết Mét-vê-đép yêu cầu đến mười hai giờ trưa phải trình bày với anh những giao ước thi đua xã hội chủ nghĩa vụ xuân của tất cả các đội trưởng đội máy kéo và ba bốn thợ máy kéo ở mỗi đội.
Nhân dịp chuẩn bị lần cuối cùng trước khi cho máy ra đồng làm việc, tất cả các đội trưởng đều có mặt trong khu trạm máy kéo. Cả thợ máy kéo cũng có mặt ở đấy. Khô-lô-đốp tìm được Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na và cùng với chị, anh mau chóng, “trình bày đúng thể thức” những điều Mét-vê-đép cần. Trước khi chuyển những thông báo đó về huyện ủy bằng điện thoại, hai người đến gặp Đôn-gu-sin, đưa cho ông danh sách những thợ máy kéo đã làm giao ước.
Đôn-gu-sin chăm chú đọc tờ giấy, đọc xong ông mỉm cười, gạt tờ giấy sang bên, lấy cái bàn thấm chặn lên trên.
- Các đồng chí bảo là điện thoại gọi lúc mười giờ phải không? Và họ yêu cầu mười hai giờ phải trình bày với họ phải không? Thế là các đồng chí đã làm xong ngay phải không? Nhanh thật, nhanh thật đấy! Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na! Hồi đồng chí lái máy kéo, đồng chí cũng làm giao ước thi đua xã hội chủ nghĩa một cách bộp chộp thế này ư? Nêu lên luôn một con số chợt nảy ra trong óc phải không?
Boóc-dô-va đỏ mặt.
- Đồng chí Đôn-gu-sin, nếu tôi đã hứa cày được bao nhiêu héc-ta trong một vụ thì bao giờ tôi cũng cân nhắc xem tôi có thể làm như thế nào để đạt được kết quả đó, và hứa như thế nào thì tôi sẽ làm được như thế.
- Đồng chí bảo là bao giờ đồng chí cũng cân nhắc kỹ ư? Thế thì những người này, - Đôn-gu-sin rê ngón tay trên bản danh sách, - đã kịp cân, nhắc hết mọi việc vào lúc nào? Chẳng qua là họ vừa đi vừa nói với đồng chí, còn đồng chí vừa đi vừa ghi... - Đôn-gu-sin nói với Khô-lô-đốp. - Nếu đồng chí Mét-vê-đép cần những thông báo này để cho có hình thức thì đương nhiên đồng chí có thể điện ngay đi bây giờ cũng được. Nhưng tôi thì tôi không ký đâu. Tôi không thấy những con số mang từ trên trần nhà xuống ấy có ý nghĩa và ích lợi gì. Nếu đây là điều cần cho công việc thì tôi đề nghị đồng chí nói chuyện với Mét-vê-đép và thuyết phục đồng chí ấy đợi đến ngày mai. Hôm nay tôi bận việc khác, ngày mai chúng ta sẽ họp thợ lái máy kéo lại và nói chuyện cặn kẽ với họ. Chúng ta sẽ dành cả ngày để làm việc đó, nếu như không gặp trở ngại gì.
Khô-lô-đốp chẳng nói chẳng rằng, cầm lấy bản danh sách của mình, cho vào chiếc xắc-cốt mà anh ta luôn luôn mang bên mình bằng sợi giây đeo qua vai, và sang phòng bên, gọi điện về huyện ủy. Mét-vê-đép cho phép hoãn đến ngày mai.
Chuyện Thường Ngày Ở Huyện Chuyện Thường Ngày Ở Huyện - Va-Len-Tin Ô-Vet-Skin Chuyện Thường Ngày Ở Huyện