Sự khác biệt giữa người thành công và những người khác không nằm ở chỗ thiếu sức mạnh, thiếu kiến thức, mà là ở chỗ thiếu ý chí.

Vince Lambardi

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
heo tháng năm tuổi thơ, tôi không còn thất vọng khi bố không viết thư cho tôi - không gọi điện - và vậy là cũng chẳng còn háo hức khi ông viết thư hay gọi điện nữa. Điều gắn kết ông với mẹ tôi cũng bí hiểm và mạnh mẽ như vậy kể từ khi họ chia tay nhau, nhưng đó không phải là chuyện dành cho trẻ con, ngay cả là con của họ. Tôi hận ông với lòng căm thù sâu kín và lặng lẽ mà tôi không bày tỏ cùng ai.
Tôi là người Saint-Gabriel (tỉnh Bouches-du-Rhône), là đứa cháu trai không lúc nào yên của một phụ nữ đáng kính và là đứa mà chẳng ai trong làng thực sự yêu mến. Tôi lớn lên, bà héo tàn đi, nhưng chúng tôi đều được trồng trên cùng một hố phân ủ nỗi cô đơn cay đắng. Bà tôi mất một ông chồng trong cảnh hỗn loạn của một cuộc chiến tranh và con trai bà bỏ trốn, rồi bị chôn vùi trong sự hỗn loạn của một cuộc chiến khác; bà nuôi dạy cháu trai một mình mà không hề phàn nàn hay đòi hỏi gì. Người ta gọi bà là một “bà thánh”, một “phụ nữ tuyệt vời” - điều đủ để cho bất kỳ những ai bình thường đều giữ khoảng cách với bà, trừ Jean, người lúc nào cũng trung thành.
Bà dành cho tôi tất cả sự trìu mến mà bà có thể trao và như thế thật chẳng nhiều nhặn gì vì những nỗi khổ đau đã khiến bà lung lay. Bà sống sót trong một thế giới của những nghĩa vụ, những điều nghiêm túc, những hy sinh mà bà toan truyền cho tôi sức nặng dưới cái tên “những chân giá trị” nhưng vô ích. Bà kể tôi nghe rằng khi còn bé, mẹ của bà bắt bà bò qua một cái hố mọc đầy cây tầm ma và bà đã ra khỏi đó với nước mắt đầm đìa, toàn thân ngứa ngáy bỏng rát.
“Kinh khủng quá! tôi kêu lên.
- Đó không phải là điều mà cụ nói với bà đâu. Cụ nói rằng cuộc sống là như vậy.
- Nhưng mà kinh khủng quá!
- Nhưng cuộc sống là như vậy.”
Mỗi khi vấp ngã hay tổn thương (và bà có thể bị như vậy theo nhiều cách), mặt bà chảy dài ra rồi bà lấy hơi nhiều lần, cảm giác như sắp hắt hơi. Trong vườn bà chuyện trò với những bông hồng, an ủi chúng, nhẹ nhàng thổi con bọ rùa bò trên ngón tay cái sây sát. Một con châu chấu hay một con bọ hung đến đậu trên vai bà và bà tưới cây trong tiếng rì rầm hòa lẫn với tiếng nước. Khi nhìn thấy một ai đó, nụ cười lập tức nhòa đi trên khuôn mặt bà.
Bố tôi đến không hề báo trước, vào một chiều tháng Mười một, và đúng lúc tôi tan học về, tôi thấy ông râu ria lởm chởm, cười ngượng nghịu. Tôi ôm hôn ông một cách vụng về và có thể ngửi thấy hơi thở ông nồng nặc rượu, mùi mồ hôi toát ra từ cơ thể và quần áo, trộn lẫn với nước xức sau khi cạo râu có mùi hạt tiêu. Chẳng có tình ca, chẳng có phiêu lưu - chẳng có câu thơ của Walt Whitman để truyền cho tôi lòng khâm phục người lữ hành này. Hẳn là với bàn chân và trái tim nhẹ tênh, ông vẫn sẽ lại lên đường, nhưng bà và tôi cảm thấy - hẳn có phần thái quá - rằng chính chúng tôi là những người trả giá cho cái tự do không có hạnh phúc ấy. Ông sai tôi đến siêu thị Casino mua một chai rượu whisky J&B và cả một gói Craven A ở quán Razet. Tôi chạy đến đó, dĩ nhiên rồi, và khi trở về, ông đã ngủ trên chiếc giường tuổi thơ của ông, bây giờ nó trở thành giường của tôi, hơi thở ngắt quãng phả ra giữa những chiếc răng vàng khè vì thuốc lá. Dẫu vậy, tôi vẫn quan sát ông như khi người ta thấy cha mẹ mình trần truồng: nhìn trộm, cảm giác vừa mê mẩn vừa kinh tởm.
Ông đánh thức tôi vào lúc nửa đêm, ra hiệu bí mật, gần như không một lời, ông kéo tôi đi theo. Chúng tôi men theo con đường hẹp dẫn đến đường cái có những công trường khai thác đá. Mặc dù công việc khai thác đã bị dừng từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng nơi này vẫn còn gây ấn tượng cho con mắt trẻ thơ của tôi và tôi tin sái cổ những tấm pa nô vẽ đầu lâu xương chéo có ghi: Chú ý. Nguy hiểm chết người. Trên đầu chúng tôi, dưới ánh sáng ma quái của mảnh trăng lưỡi liềm, các vách đá tạo thành một gian nhà khổng lồ mà trần nhà là bầu trời điểm đầy những ngôi sao. Với một người cha khác, một đứa con trai khác, vào một đêm khác, chuyến đi này có lẽ đã là một trong những kinh nghiệm giúp định hướng cho một cuộc đời, đầy những câu chuyện được kể thì thầm về truyền thống cổ xưa của xứ sở chúng tôi, đầy huyền thoại về sự sáng tạo thế giới.
Khi chúng tôi đến giữa công trường khai thác đá, ông cắt ngang qua bụi cây không một giây ngần ngừ. Tôi theo sát gót ông mà không hề phản kháng, khổ sở, sợ hãi, gai và cây tầm ma đập mạnh vào bắp chân tôi. Ông dừng lại khi chạm vào một mặt đá, và kéo tay tôi.
“Sờ đi,” ông nói.
Đá ráp và lạnh, như bộ da hóa thạch của một con vật thời tiền sử. Tôi rùng mình.
“Sờ đi,” ông nhắc lại.
Tôi cảm thấy các ngón tay mình lần theo một họa tiết, họa tiết hình vỏ sò được đẽo vào trong đá.
“Người ta nói rằng nhiều người đã tới đây và rằng đó là bàn thờ của họ nhưng bố không tin. Cái này có từ trước đó rất lâu - khi trái đất này vẫn còn chìm trong nước và chỉ có vài quả đồi nổi lên - khi vùng châu thổ sông Rhône rộng đến nỗi khắp nơi trong xứ sở không có giới hạn cố định giữa đất và trời, sông và biển.”
Tôi thấy rét và chán, tôi cựa quậy nhưng không dám nói với ông rằng tôi muốn trở về nhà.
“Cha của bố, ông nói, ông nội của con... Bố đã nói với con rằng ông là phó chỉ huy một đại đội đóng ở đây vào tháng Sáu năm 1940 rồi chứ? Chiến tranh diễn ra ở đâu đó nhưng ông phải đi tìm rượu vang đỏ cho quân nhân vì theo quy định của quân đội họ được quyền uống một lít rưỡi mỗi ngày. Thêm vào đó, họ còn chơi bóng đá. Con hiểu vì sao người ta gọi đó là cuộc chiến tranh kỳ cục rồi đấy. Và thậm chí sau khi đình chiến, họ đã quên những quy định đó...”
Ông giữ yên lặng sau khi nói điều đó. Răng tôi va vào nhau lập cập vì rét và ông có ý sưởi ấm cho tôi mà không thực sự chạm vào tôi, chỉ khoác lên tôi mỗi chiếc áo vest rộng gấp đôi cỡ tôi thường mặc.
Cuối cùng chúng tôi lên đường trở về nhà và chẳng ai thốt ra lời nào nữa - ông rút từ chiếc ba lô nhỏ ra một bình nước và tôi uống, gần như sặc giữa chừng khi phát hiện ra rằng đó là rượu vang đỏ chứ không phải nước. Ông không ngừng sẩy chân, cằn nhằn, rên rỉ, và tôi phải giữ lấy cánh tay ông để giữ ông khỏi ngã.
Khi về đến cửa nhà, ông đẩy tôi ra rồi ngồi xổm xuống mà nôn. Tôi đứng đằng sau ông như một thằng đần, chẳng biết phải làm gì. Ông tự xoay xở để đứng lên và tựa vào tôi đi đến tận phòng tắm. Ông ngồi lên bệ toa lét, ngực nhô lên vì nấc. Tôi cứ đứng đó, im lặng, đợi cho ông dịu đi. Sau đó tôi đưa cho ông một chiếc khăn ẩm để lau mặt và miệng; ông cầm lấy không nói một lời rồi trùm lên đầu, hai bàn tay nắm lấy hai mép khăn mạnh đến nỗi các khớp nối ngón tay trắng bệch ra. Sau đó ông chìa một bàn tay ra để tôi giúp ông đứng dậy rồi, bước thấp bước cao, chúng tôi trở về phòng ngủ.
“Con có đôi mắt kapo(1) như thằng sếp hãng xe Renault,” ông cười khẩy nói.
Sau đó ông bắt đầu nói nhưng tôi chẳng nghe thấy gì ngoài cơn tức giận và nỗi xấu hổ của ông. Các từ ngữ cào vào mặt tôi như những con côn trùng và cây ngấy trong khu rừng tối tăm và tôi chỉ còn nghĩ đến việc nín thở cho đến khi ông không nói nữa rồi cuộc sống của tôi bình thường trở lại, tôi hy vọng thế.
Khi ông nói xong, có lẽ ông đã nguôi giận, nhưng cơn giận trong tôi sâu đến nỗi tôi phải nghiến chặt răng để nín lặng và nuốt lại lời ông, chôn vùi từng từ một vào trong bụng, tự đưa ra lời hứa vô ích và trang trọng rằng không bao giờ được để chất độc này chảy trong máu mình.
***
Sáng hôm sau ông phạm phải da mặt khi đang cạo râu và ông giải thích cặn kẽ với tôi rằng người ta phải cạo râu theo cách thức bắt đầu từ bên sáng và kết thúc ở bên tối. Ông thấy trên mép tôi có lông tơ và tìm bằng được một chiếc dao cạo, mặc cho tôi phản đối. Tôi đứng trước bồn rửa trong phòng tắm, còn ông đứng đằng sau, và tôi phải bắt chước ông, làm cái bóng của ông - nhưng là một cái bóng lúc nào cũng chậm trễ, thực hiện quá mức vụng về các động tác chính xác mà nguyên bản thực hiện hết sức dễ dàng. Tôi chờ đợi một câu nói, một nhận xét về những gì xảy ra đêm qua: câu nói đó không đến và hẳn chính tôi mới là kẻ điên đã gặp một cơn ác mộng.
Vẫn trong ngày hôm đó Jean lái xe đưa ông đến Arles để bắt tàu đi Paris - rồi từ đó đi máy bay đến một trong những nơi ông có “công chuyện”. Vào phút cuối, ông nhét vào túi tôi hai tờ tiền vốn lạ lẫm trong vùng chúng tôi sống - 500 franc, một số tiền phi lý. Tôi không nhận thấy rằng đó là cả cơ nghiệp của một kẻ khốn cùng, của cải của một kẻ gần như vô gia cư... Tôi giữ tiền cho đến khi thấy vướng víu rồi sau đó đưa cho bà, bà hết sức ngạc nhiên khi cầm tiền.
“Nó tử tế nhỉ, bà nói.
- Bố cháu... cháu...”
Lời lẽ nghẹn lại trong cổ tôi và tôi thấy dường như không có từ nào đủ mạnh. Tôi trốn đi để tránh phải nói hay phải nín lặng.
“Nhưng André này, xảy ra chuyện gì thế?” bà rụt rè hỏi trong khi tôi lao thẳng qua những gốc nho trong vườn về phía hàng hiên nơi tôi để cây đàn ghi ta.
Chẳng có gì, chẳng xảy ra chuyện gì hết.
Những ngày tiếp theo, chẳng còn đọng lại gì trong số những điều ông nói với tôi vào đêm hôm đó, có chăng chỉ là một cơn khó chịu dập dềnh trong tôi thêm vài ngày trước khi tiêu tan, như tất cả những gì còn lại.
***
Trước khi thu dọn đồ đạc rời khỏi khách sạn Métropole, tôi lang thang bên bờ hồ Hoàn Kiếm vào lúc rạng sáng khi mà, trong làn sương mù dày đặc, người dân Việt Nam đang tập thể dục, một mình hay theo từng nhóm nhỏ. Tôi vẫn luôn thích cái thời điểm ta có thể đi giữa những người khác mà không làm phiền họ, như một vong hồn lẩn vào giữa các thầy cúng đang cầu khấn. Tôi bắt chước các động tác nhẹ nhàng của họ: trong thoáng chốc chẳng còn chuyện lôi thôi hay gánh nặng gì, cũng chẳng còn tội lỗi hay sai lầm nữa. Đôi mắt lim dim, gần như còn đang ngái ngủ, tôi thả mình theo những chuyển động đang bao quanh chúng tôi, bắt thành phố trong khoảnh khắc ấy phải theo bài múa của chúng.
Tôi sinh ra ở Sài Gòn nhưng tôi nhớ mang máng hình như chúng tôi đã sống vài tháng ở Hà Nội. Khi ấy bố tôi có còn làm nghề chiếu phim nữa không? hay đã lao vào những “công chuyện” chẳng có gì để hiểu ấy? Chúng tôi thường có hai mẹ con với nhau, mẹ nói với tôi trong một cuộc điện thoại.
“Vậy hồi đó chúng ta hay làm gì?
- Con thích tàu điện. Chúng ta đi vòng quanh hồ rồi chúng ta xuống đi bộ trên chiếc cầu màu đỏ dẫn đến ngôi đền nằm trên hòn đảo. Mẹ kể chuyện cho con nghe.
- Nhưng hồi đó con mấy tuổi?
- Chưa đến hai tuổi.
- Thế mà mẹ đã kể chuyện cho con nghe.
- Dĩ nhiên!
- Những câu chuyện về cái gì?
- Về những nhân vật thần kỳ.
- Thần kỳ như thế nào?
- Thần kỳ như ở khắp mọi nơi. Các nhân vật đó ở mỗi nước mang tên gọi khác nhau nhưng thực ra là như nhau. Chúng sống trong một thế giới ngay bên ngoài thế giới này. Đôi khi người ta gọi chúng là những con quỷ, đôi khi là djinni.
- Thế còn ở Việt Nam?
- Ma quỷ, nếu chúng độc ác.
- Những chuyện đó có làm con sợ không?
- Không, con rất can đảm, André, con yêu, và mẹ không nghĩ là con tin bất cứ gì trong số những chuyện mẹ kể cho con.
- Nhưng mẹ nói là hồi đó con chưa đầy hai tuổi. Làm sao con hiểu được cơ chứ!
- Dĩ nhiên là có, con hiểu mà. Vả lại, con không ngừng đòi mẹ kể những chuyện đó.”
Mải suy nghĩ, suýt thì tôi va phải một nhóm thanh niên đang chơi cầu lông mà không nói một lời, không một tiếng hét, không một nụ cười. Trong không khí êm dịu âm u của buổi sáng, tương đối hiếm có tiếng xe ô tô và thậm chí cả xe máy, người ta chỉ nghe thấy tiếng lốp xe đạp vòng quanh hồ.
Thế rồi tôi rời bờ hồ, tiến vào một con phố có biển hiệu màu đỏ đã nhấp nháy tên Malraux nơi góc phố. Tôi rẽ trái vào một con phố nhỏ vẫn còn chìm trong giấc ngủ, ở cuối phố là hình bóng xù xì nhưng không thiếu nét đẹp của nhà thờ lớn nổi bật trên nền trời màu sữa.
Bước chân đưa tôi đi dưới những ban công bằng sắt uốn, một ngôi nhà xây dựng từ thập niên 1930 có mặt tiền mấp mô phủ giàn hoa leo. Tầng trệt là cửa hàng vẫn còn đóng im ỉm, nơi bán tượng gỗ sơn những đức ông màu đỏ, đức Phật, nhà tiên tri. Tôi đi vào một ngõ cụt tối tăm, cuối ngõ có cánh cổng bằng chấn song sắt chắn lại. Tôi đứng trước cổng sắt, do dự, ngập tràn cảm xúc, chẳng tìm cách làm gì khác ngoài việc đứng đó, mộng du giữa ban ngày. Tôi bấm chuông.
Tiếng chuông kêu to như ở trường học. Đúng lúc tôi quay đi thì nghe có tiếng chân lướt trên cầu thang và cánh cổng bằng chấn song sắt hé mở mà không hề kêu kèn kẹt lộ ra khuôn mặt nhỏ bé nhăn nheo của một người phụ nữ. Tôi ấp úng vài lời xin lỗi bằng tiếng Anh rồi định bỏ đi thì bà cầm lấy cánh tay tôi rồi ra hiệu cho tôi đi qua trước mặt bà vào trong.
Chiếc cầu thang trông như tiệm buôn đồ cũ vắng khách đã nhiều năm, có thể nhiều thập kỷ: một chiếc xe đạp han gỉ treo trên một cái đinh, một bên tay phanh lủng lẳng ở đầu dây; tôi phải bước qua những chồng tạp chí đã phai màu. Chúng tôi bước vào khu bếp ở đó một cậu con trai to béo tóc tai bù xù đang vừa ăn xúp vừa lật giở cuốn Full Metal Alchemist(2). Cậu ta hầu như không ngẩng đầu lên khi tôi bước vào. Tôi hãy còn đang lưỡng lự thì người phụ nữ ra hiệu dứt khoát cho tôi tiếp tục đi vào một căn phòng rộng cửa sổ đóng kín mít, cuối phòng một ông già mặc bộ pyjama ngồi co ro. Ông cố đứng lên khi thấy tôi nhưng không thể rồi ngã xuống chiếc ghế chao bằng gỗ gụ. Ông chìa tay cho tôi bắt và mỉm cười nói, làm lộ ra vài chiếc răng vàng:
“Chào ông, ông có khỏe không?”
Ông mặc bộ pyjama kẻ sọc như của một phạm nhân bị bỏ rơi trên hòn đảo Quỷ sau khi các tên tù khổ sai khác ra đi. Chân đi giày păng túp màu đen lộ ra đôi mắt cá chân gầy guộc và trơn nhẵn, nổi gân xanh. Qua lỗ thủng trên một chiếc giày, có thể thấy một chiếc móng chân bầm tím cắt cẩu thả. Khắp xung quanh ông, trên bốn phía tường của căn phòng đóng cửa sổ kín mít, đều treo chân dung của tổ tiên, cũng như một bức ảnh của người hẳn là danh giá nhất trong số họ, ông đốc phủ của vùng nào đó tôi chẳng biết, vận trang phục dành cho quan lại.
“Mời ông ngồi.”
Tiếng Pháp của ông hoàn hảo, cung cách hơi cổ lỗ, và tôi để cho ông chỉ dẫn như lúc trước tôi để cho vợ ông làm.
“Ông muốn uống gì? Uống trà nhé?”
Tôi đồng ý. Ông vẫy tay chẳng theo một hướng nào và vợ ông mang một ấm trà cùng hai chén nhỏ tới.
“Chẳng mấy khi có khách đến thăm, nhất là sắp đến Tết rồi. Ông làm ơn nhắc tôi khi nào đến giờ tôi đi dạo hồ nhé.
- Ông đi dạo lúc mấy giờ?
- Ngày nào tôi cũng đi vào đúng bốn giờ. Tôi chính là Immanuel Kant(3) của Hà Nội. Dù mưa dù gió, đúng bốn giờ!”
Lúc này vẫn chưa đến bảy giờ sáng. Ông chỉ cho tôi bức ảnh toàn thân vị quan.
“Đây là ông tôi, ông nói, một người quyền lực và sâu sắc.”
Ấn tượng mà tôi mang theo khi đi quanh bờ hồ và niềm tin chắc mơ hồ từng xâm chiếm tôi đã hoàn toàn biến mất. Cách duy nhất để không bị lúng túng vì bước chân vào nhà một ông già không quen biết đó là hy vọng rằng, trong lớp sương mù nơi tâm trí ông không bao giờ nảy ra câu hỏi tôi hạ cánh xuống nhà ông như thế nào.
“Ông nói tiếng Pháp thật tuyệt vời.
- Tôi học ở chỗ các linh mục, trường Puginier(4). Sau đó, chúng tôi đi Sài Gòn.
- Cha ông làm nghề gì?
- Ông ấy là nhân viên kỹ thuật, có nghĩa là kỹ sư, nhưng thời đó không dùng từ ‘kỹ sư’ cho người Việt Nam.
- Chuyện đó có khiến ông buồn không? Liệu chuyện đó có làm tổn thương cha ông không?
- Tổn thương ư, tại sao?
- Ông có quen biết người Pháp nào không?
- Người Pháp ư? Không. Tại sao?
- Chỉ đơn thuần là tò mò thôi. Thế còn những cuốn sách của Pháp, ông đã đọc rất nhiều, chắc chắn thế chứ?
- Những cuốn sách thì không. Tạp chí thì có. Hễ có dịp là tôi đi mua tạp chí ở phố Paul-Bert(5).
- Chẳng đắt đâu nhỉ.”
Ông giơ hai cánh tay lên trời.
“Có, có chứ! Đó là một thứ xa xỉ. Tôi có thể dạy ông học tiếng Việt nếu ông muốn.
- Tôi không ở đây lâu, vậy nên thôi, xin cảm ơn. Tôi rất biết ơn ông.
- Ông biết đấy, chẳng khó đâu. Tôi chỉ cho ông rồi sau đó ông tự học một mình. Chỉ cần vài tháng là ông nói tốt.
- Tôi tin chắc như vậy với một thầy giáo có trình độ như ông.
- Ông sẽ không tìm thấy thầy giáo nào giỏi hơn tôi ở đất Hà Nội này đâu, có thể là trên khắp nước Việt Nam này nữa.
- Có lẽ ông nên soạn một giáo trình.
- Có thể là tôi đã soạn rồi nhưng tôi không nhớ cất vào đâu nữa. Tôi lẫn mất rồi.
- Không sao đâu.
- Chưa đến giờ đi dạo hồ à?
- Chưa đâu. Xin phép ông tôi về đây.
- Ông vừa mới tới mà. Ông dùng thêm chén trà đã.”
Lần này ông tự đứng dậy được và kéo lê đôi giày păng túp đến tận khung cửa được chiếu ánh sáng trắng của khu bếp. Trên bàn thờ tổ tiên đặt những tấm ảnh của một thế giới khác, đồ cúng bọc trong những gói nhỏ màu đỏ và tím, cùng những thẻ hương. Ông đặt ấm trà vẫn còn ấm lên chiếc bàn khảm xà cừ.
“Ông thực sự nên học tiếng Việt. Đó là một ngôn ngữ có ích, được sử dụng trên toàn thế giới. Vả lại, với tôi thì mọi người đều có năng khiếu học tiếng Việt. Bố ông có năng khiếu đấy.
- Bố tôi đã học tiếng Việt với ông sao?
- Đã lâu rồi ông ấy không tới nhưng ông ấy có năng khiếu, tôi xin đảm bảo với ông như vậy.”
Ông để ý thấy vẻ ngạc nhiên của tôi.
“Thế không phải vì chuyện đó mà ông tới đây sao? Để học tiếng Việt ấy?
- Tôi không biết. Tôi cần cân nhắc việc này.
- Hãy suy nghĩ khẩn trương lên, như vậy chúng ta mới có thể bắt đầu sớm. Ông sẽ kinh ngạc đấy. Ha! Ha!”
Nét mặt ông mang một vẻ tinh quái.
“Bố tôi đến đây lần cuối là khi nào?
- Tôi không biết. Tôi nghĩ là cũng mới thôi: ông ấy đến với một cậu bé, cậu ấy chơi với cháu tôi.
- Khi nào?
- Tôi cho là tháng trước, hay là năm ngoái cũng nên.
- Thế cháu ông, nó đâu rồi?
- Ông chưa nhìn thấy nó sao? Nó đang ăn phở trong bếp chứ đâu. Hãy sớm trở lại nhé - như vậy ông sẽ nhanh biết đọc và viết.
- Chắc chắn rồi. Ông là một người thầy tốt.
- Đúng vậy.”
Tôi nhận ra dáng dấp cậu cháu trong bếp sau khi ăn phở xong lại đang ăn những chiếc bánh gạo nhỏ, vẫn đọc manga. Cậu chỉ dừng lại để nuốt vội một ngụm Sprite, làm nổi lên một cục yết hầu gần như chìm mất trong chiếc cổ ngấn mỡ của cậu ta.
“Ông có nhớ tên bố tôi không?
- Ông không nhớ tên bố mình và tôi là người phải nói cho ông sao? Con trai tôi biết tên tôi đấy. Ha! Ha!”
Một nét tinh nghịch trẻ thơ và ranh mãnh thoáng qua đôi mắt nhỏ gần như đã nhắm của ông, nơi ta chỉ nhìn thấy chấm nhỏ của con ngươi đen rực sáng. Tôi đứng lên và cảm ơn ông hết lời. Ông muốn giữ tôi lại và cố nài ra tiễn tôi. Qua cánh cửa phòng hé mở, tôi thấy cảnh bừa bộn và bẩn thỉu, một thế giới không được giữ gìn, nơi cậu thiếu niên lại về chỗ của mình, hẳn cậu chỉ rời vị trí vào giờ dùng bữa.
Ông già bám tay tôi để đi xuống cầu thang.
“Sắp đến giờ dạo hồ.
- Sắp rồi.
- Đây là nhà của ông nội tôi, phố Nhà Thờ. Gia đình chúng tôi đã rời đi nhưng tôi trở lại. Ông sẽ sớm quay lại chứ?
- Ngay khi tôi có thể.”
Vợ ông đi theo chúng tôi xuống cầu thang và bà đóng cánh cổng sắt lại sau lưng tôi, sau khi uể oải gật đầu chào. Tôi đi đến tận cuối hành lang, dẫn ra đường phố nhộn nhịp. Tôi uống một tách cà phê ở quán Malraux rồi quay trở lại lối vào. 11B phố Nhà Thờ. Cửa hàng bán tượng gỗ đã mở cửa và tôi dạo trong đó trước ánh mắt của hai cô gái đang thầm thì với nhau.
Tôi mua một bức tượng nhỏ có ria mép, tay cầm rìu, với giá vài đô la. Tôi nói tiếng Anh chậm rãi, hỏi xem các cô ấy có biết ông già sống ở ngay tầng trên không. “Old man? No more old man(6).” Tôi nài nỉ, tưởng rằng các cô không hiểu. Một cô vòng ra sau tấm ri đô phía cuối phòng tìm ông chủ cửa hàng, một người Việt Nam còn trẻ đeo kính lắng nghe tôi một cách lịch sự rồi sẵng giọng trả lời: “Trước đây có một thầy giáo già ở đây. Ông ấy mất một thời gian rồi, trước cả khi chúng tôi mở cửa hàng mới này.” Tôi cảm ơn rồi đi khỏi mà không yêu cầu bọc lại bức tượng chiến binh vừa mua.
Tôi lao vào hành lang và bấm chuông, bấm chuông không ngừng.
Chẳng còn ai nữa.
Rốt cuộc, có thể là ông ấy đã đi dạo bờ hồ.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước