Love appears in moments, how long can I hold a moment, as my moment fades, I yearn to catch sight or sound of you, to feel the surging of my heart erupt into joyous sounds of laughter.

Chris Watson

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: vũ ngọc toàn
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3733 / 102
Cập nhật: 2015-07-19 17:27:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 16
háng 8 năm 1978, hai mươi tù nhân đặc biệt của đề lao Gia Định và khám Chí Hoà được đưa đi lao động cải tạo ở trại Sa Ác. Hai mươi tù nhân của chín, mười vụ khác nhau; của chín, mười tổ chức khác nhau; của chín, mười khuynh hướng khác nhau, đã ngồi chung trên một chiếc xe bít bùng, người tổ chức này dính vào tay người tổ chức kia bằng một cái còng số 8 của Mỹ do Cộng Sản xử dụng. Thân phận của họ dính liền với nhau. tự nhiên họ gần gũi, thân mật, gắn bó mà khỏi cần diễn văn rào đón thăm dò ngớ ngẩn.
Họ đến Sa Ác lúc 11giờ. Đoạn đường từ thị xã Bà Rịa vào Sa Ác gập ghềnh, lồi lõm, cát đỏ mịt mù khiến họ bị nhồi tung và ngộp thở. Sau thủ tục ghi danh nhập trại, khám xét hành lý, người ta dẫn họ vô căn nhà ở góc trại, khoá chặt cửa lại. Họ mệt nhọc, mỗi người tự kiếm chỗ nằm nghỉ ngơi dưỡng sức.
Sa Ác, địa danh không có tên trên bản đồ. Nó là một hòn đảo trong quần đảo ngục tù Xuyên Mộc. Nghe tên đã hãi hùng: Rơi vào chỗ chết, đi qua gỗ! Hàng chục trại tập trung khét tiếng toả nan ở hai đầu quạt Bầu Lâm, Bà Tô… Sa Ác là nơi mút mít rừng già. Nó nằm bên đây rặng Mây Tào, cái chân của dãy Trường Sơn. Bên kia là Hàm Tân. cũng rất phì nhiêu tù ngục, phồn vinh tập trung lao cải. Một giòng sông nhỏ cơ hồ một giòng suối chảy ngang. Hình như nó bắt nguồn từ núi Mây Tào xuôi xuống gặp một nhánh của sông La Ngà. Tên nó là sông Ray. Mùa mưa, sông Ray ngầu đỏ, nước mấp mé sân trại, cuốn xoáy thác lũ. Mùa nắng, cạn khô, xe hơi chạy qua để đi về Long Khánh. Đây vốn là mật khu cộng sản và là vùng oanh kích tự do của không quân Việt Nam. Đây còn là vùng lính Úc thi thố khả năng diệt du kích cộng sản.
Rừng già Sa Ác bị bom Mỹ làm cháy rụi nhiều khu, cây cối ngả nghiêng, hố bom rải rác như những cái ao nhỏ, nước đọng đen ngầu đầy xác lá mục thối. Hầm bí mật chứa vũ khí, lương thực, hầm tránh bom còn nguyên dấu tích. Còn nguyên cả những tấm nhựa plastic tả tơi trên những miệng hầm. Còn nguyên cả những trái bom cắm xuống đất không chịu nổ. Còn nguyên cả những trái mìn của lính Úc gài bẫy cộng sản, để tù nhân cải tạo lãnh đủ. Còn nguyên cả lựu đạn, dao cạo râu, nước ngọt Coca-cola, Sprite chế tạo tại Úc Đại Lợi chôn vùi dưới đất. Còn nguyên, còn nguyên…Chỉ thêm nhà tù, cái kẻng, giây thép gai, công an, tội phạm, đau khổ, thù hận, tuyệt vọng, cam đành tháng tháng, năm năm trên cái địa danh Sa Ác không có tên trên bản đồ nhân văn, kinh tế. Có hàng trăm ngàn địa danh như Sa Ác mà chỉ tù nhân Việt Nam được biết từ khi người Mỹ phủi tay tuyên bố "lịch sử đã sang trang".
Hai mươi tù nhân đang ngủ ngon bị đánh thức dậy lãnh chiếu, chăn, chén,bmuỗng và cơm nước bữa trưa. Không có màn (mùng) cho tù nhân, dù Sa Ác đầy muỗi và thường xuyên có thứ bệnh sốt rét kỳ quái. Ăn uống xong, họ được vệ binh đeo AK dẫn ra sông ray tắm gội, giặt giũ rồi về học tập Nội Quy, Nếp Sống Văn Hoá Mới, Tiêu Chuẩn Cải Tạo… Họ được lệnh cấm liên hệ với bất cứ một cải tạo viên nào trong trại, giờ nghỉ như giờ lao động. Họ là một đội riêng. Một đội trừng giới. Cán bộ an ninh của trại chỉ định Trần Thế Tưởng làm đội trưởng.
- Tôi không làm đội trưởng nổi.
- Lý do?
- Tôi điếc.
- Anh điếc sao anh nghe rõ tôi nói?
- Tại cán bộ nói lớn.
- Các cán bộ khác cũng sẽ nói lớn.
Cán bộ an ninh chỉ định Đỗ Mậu Qúy làm đội phó kiêm thư ký.
- Tôi không biết ghi biên bản
- Học tập sẽ biết.
- Cán bộ chọn người khác đi.
- Mệnh lệnh đó, vừa học Nội Quy đã quên à, có làm không thì bảo!
- Tôi làm nhưng tôi đã nói trước với cán bộ rồi đấy nhé!
Buổi tối, Đội 37, hiểu với nhau là đội trừng giới, sinh hoạt chia tổ và chỗ nằm. Đội trưởng Trần Thế Tưởng nói:
- Tôi sẽ giả vờ điếc đấy, anh em đừng thắc mắc. Tôi cũng sẽ đóng kịch nữa đấy, anh em đừng thắc mắc. Chúng ta sẽ nói nhiều với nhau khi lao động ngoài bãi. Ở phòng, chúng ta phải im lặng, nó rình rập chúng ta.
Ngày hôm sau, Đội 37 đi lao động ngay, không được nghỉ ngơi một tuần những những trại viên khác mới nhập trại. Khi xếp hàng trong sân, chờ gọi xuất trại, cán bộ giáo dục lên lớp toàn thể trại viên và truyền lệnh cấm không được liên hệ với Đội 37. Như thế, cả trại biết Đội 37 là đội của những tay cực kỳ phản động, ngoan cường, bất khuất. Dù không nói bằng lời, họ đã bầy tỏ thiện cảm và lòng khâm phục của họ bằng mắt với hai mươi người tuổi trẻ.
- Đội 37!
Đội 37 được gọi xuất trại đầu tiên. Đội truởng ngồi. Các trại viên khác cũng ngồi ì vì Đội trưởng chưa ban lệnh đứng lên.
- Đội 37!
Phan Tiến Dzũng đứng dậy:
- Cán bộ hét thật lớn giùm. Đội trưởng của chúng tôi điếc!
Các trại viên cười khúc khích. Cán bộ trực trại nổi nóng, quát lớn:
- Đội 37!
Đội trưởng Trần Thế Tưởng đã nghe rõ, vụt dậy. Người ta đã giáo dục cả nếp sống quân sự hoá ở trại và Đội trưởng thuộc lòng. Thiếu-úy biệt kích, người có giọng sấm sét, biểu diễn màn…quân sự hoá:
- Tất cả… đứng dậy! Nón mũ lột ra. Hai hàng dọc, nhìn đằng trước..thẳng.! Nghiêm! Báo cáo cán bộ Đội 37 tổng số 20, tham gia đủ 20…
- Tham gia cái gì?
- Tham gia lao động đủ 20. Chờ lệnh cán bộ.
- Cho đi!
Đội trưởng vẫn đứng. Cán bộ trực trại hét:
- Cho đi!
Đội trưởng nhận lệnh:
- Rõ!
Đã được dặn dò, cả đội dậm chân bước như diễn binh. Chẳng người nào của Đội 37 cười nhưng toàn thể trại viên cười quên luôn kỷ luật. Một luồng gió mới thổi vào sinh hoạt Sa Ác. Những họng súng của cai ngục bớt ghê gớm đi. Quyền uy của trực trại giảm vợi. Đội 37 đã diễu cợt Nội Quy, thứ pháp chế thu nhỏ của Nhà Nước xã hội chủ nghĩa. Ngang qua chòi trực, anh cán bộ trực trại hậm hực:
- Miệng thì lớn mà tai nhỏ!
Hai vệ binh và một quản giáo dắt đội ra bãi lao động. Quản giáo phải nói lớn. Đội nhận cuốc, xẻng, búa chim và … xe (miếng vỉ lớn đan bằng tre, hai bên là hai khúc tre, người đi trước, người đi sau khiêng đất). Công tác: Phá gò mối lấp hố bom! Mấy năm bị nhốt trong tù như bầy gà kỹ nghệ, thịt nhão, da mỏng dính, nay hai mươi tù nhân tư tưởng cầm cuốc phá gò mối khươm mươi niên, rắn chắc hơn cả tường gạch xây xi-măng, tay cậu nào cậu ấy rộp da hết.
Hoàng Sơn Trường và Ngô Tỵ khiêng đất gò mối đổ xuống hố bom. Họ đã gặp nhau ở đề lao Gia Định, đã chung phòng, đã trò chuyện. Thoạt đầu, Ngô Tỵ ngạc nhiên về "người dẫn đường" lùn tì, cận thị và đã tỏ ra chán nản. Rồi nghe nhà lập thuyết lùn tì luận về chủ nghĩa tiểu tư sản, Ngô Tỵ bái phục Hoàng Sơn Trường. Đứng trên miệng hố bom, Trường hỏi Tỵ:
- Cậu thấy rõ chưa?
- Thấy gì?
- Tư bản tạo ra hố bom, cộng sản bắt chúng ta lấp hố bom. Đó, hai chủ nghĩa khốn kiếp đó đầy đoạ dân tộc mình. Từ cái hố bom oan nghiệt này, chúng ta có thể suy ra muôn vàn thủ đoạn độc ác của tư bản và cộng sản.
- Chúng ta mở mắt thế giới?
- Không, chúng ta trồng hoa tiểu tư sản trên hố bom tư bản tạo ra và cộng sản bắt chúng ta san lấp.
- Cậu hay thật.
- Nhờ các cậu giúp tớ.
Nguyễn Kiến Thiết và Trần Chiêm Đồng cũng khiêng đất lấp hố bom. Đồng hỏi Thiết:
- Trường còn suy tư về chủ nghĩa tiểu tư sản chứ?
- Luôn luôn.
- Cậu ấy tin tưởng mãnh liệt?
- Mỗi ngày mỗi tin tưởng hơn. Nếu người nào phải chết, xin hãy là tôi, đừng bao giờ là Hoàng Sơn Trường. Một trăm ngàn tù nhân chết chẳng sao cả vì họ sống vô tích sự. Lại đến vượt biên sang Mỹ sang Pháp hưởng thụ và tranh giành nhau đủ thứ. Riệng Trường cần sống để giải thoát dân tộc và nhân loại. Cậu ấy được định giá trị bằng tinh hoa của 4000 năm văn hiến.
Bốn tù nhân phá một gò mối vẫn không đủ đất cho bốn người khiêng. Buổi lao động làm quen, quản giáo chưa thèm giục giã. Giờ giải lao, hai mươi người quây quần bên nhau. Trần Thế Tưởng nói:
- Anh em mình, chắc chắn, còn phải đi nhiều trại. Số phận chúng ta đã gắn lấy nhau chặt chẽ. Chúng ta tự coi chúng ta là bó đũa. Tách riêng ra, nó bẻ gẫy hết anh em ta. Tôi rất mong, có ngày, anh Lương Việt Cương làm Đội Trưởng. Anh Cương lớn tuổi nhất, điềm đạm, từng trải, tôi muốn anh lãnh đạo chúng ta.
Lương Việt Cương nói:
- Cám ơn anh Tưởng. Tôi nghĩ đã là bó đũa thì mỗi chiếc đũa là một lãnh đạo.
Phan Tiến Dzũng nói:
- Cần thiết một đại ca.
Đỗ Mậu Qúy nói:
- Và đại ca có cái đầu. Cứ coi anh Cương là cái đầu của chúng ta đi và anh Tưởng vẫn làm đội trưởng. Cần thiết nhất là chúng ta triệt để tin cẩn nhau, đừng để cộng sản nó tạo ra sự ngờ vực giữa anh em.
Trần Thế Tưởng nói kinh nghiệm bản thân của mình ở đề lao Gia Định và kết luận:
- Nhiều tù nhân còn khờ khạo lắm. Rốt cục, ghét nhau, nói xấu mhau, thù hận nhau vì thủ đoạn chia rẽ của cộng sản.
Hết giờ giải lao, cán bộ ra lệnh:
- Lấy dụng cụ làm việc.
Đội trưởng Trần Thế Tưởng truyền lệnh:
- Thu dụng cụ nghỉ việc!
Anh em thu dụng cụ cất gọn một chỗ rồi xếp hàng. Cán bộ hỏi đội trưởng:
- Tại sao nghỉ việc?
Đội trưởng đứng nghiêm báo cáo:
- Cán bộ ra lệnh thu dụng cụ nghỉ việc.
- Tôi nói: lấy dụng cụ làm việc.
- Tôi nghe không rõ, tưởng cán bộ thấy ngày đầu cuốc gò mối anh em phỏng rộp hết tay cho nghỉ.
- Anh điếc à?
- Tôi đã báo cáo tôi điếc.
- Lần sau nhớ nghe rõ nhé! Thôi, nghỉ thì nghỉ. Tập họp về tắm.
Đội 37 về sông Ray tắm sớm nhất, nhập trại sớm nhất. Anh em hài lòng tài kịch điếc của Trần Thế Tưởng. Buổi chiều làm việc tài tử như buổi sáng. Cung cách lao động này, một nghìn năm nữa chưa lấp hết hố bom tư bản. Buổi tối, Nguyễn Kiến Thiết đề nghị Hoàng Sơn Trường cho anh em biết về chủ nghĩa tiểu tư sản. Phan Tiến Dzũng và Đỗ Mậu Qúy canh gác vệ binh đi tuần rình rập. Với cặp kính cận thật dầy. gọng nhựa, Hoàng Sơn Trường rất triết gia. Cậu nói về sự bất lực của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Cậu thí dụ tù nhân Việt Nam bị cộng sản bắt phá gò mối lấp hố bom tư bản. Rồi cậu luận về cái hay cái đẹp của chủ nghĩa tiểu tư sản. Anh em say sưa nghe Trường. Họ đồng ý phải võ trang tư tưởng mới đánh thắng cộng sản được. Hai mươi tù nhân phấn khởi. Họ tin rằng họ sẽ làm những việc mà chưa ai làm nổi tử 30 năm nay.
Công việc tạm thời của họ là phá gò mối, lấp hố bom. Được nửa tháng, trong giờ giải lao, Lương Việt Cương nói:
- Tôi muốn thay đổi thái độ lao động.
Vương Huy Dũng hỏi:
- Là thế nào?
Cương giải thích:
- Công việc là công việc. Chúng ta thử cố gắng làm việc đến nơi đến chốn xem sao. Việc nhỏ làm đến nơi đến chốn,việc lớn sẽ làm đến nơi đến chốn. Đừng nghĩ cộng sản bắt ta làm. Hãy nghĩ đó là công việc. Chúng ta cần tập cho chúng ta thói quen làm việc, và phải hoàn thành công việc. Thí dụ đánh cộng sản là phải hoàn thành công việc đánh, là phải thắng. Người khác bảo mình sợ hãi cộng sản, thây kệ họ. Cộng sản tưởng mình khiếp nhược, tiến bộ, thây kệ nó. Anh em nghĩ sao?
Đinh Vượng nói:
- Tôi đồng ý.
Mọi người đồng ý. Đội trưởng đề nghị làm khoán với quản giáo. Quản giáo bằng lòng. Đội 37 làm hết việc là nghỉ, dù sớm hay muộn. Sang tháng sau, quản giáo tăng việc. Đội họp bàn.
- Không làm thêm. Không để nó bóc lột. Trở lại lề lối cũ.
Anh em lại ỳ ra. Quản giáo đành thua, trở về mức khoán đầu tiên. Công tác lấp hố bom chấm dứt, Đội 37 chuyển sang công tác nguy hiểm là đào bom chưa nổ và khiêng xếp một chỗ. Cộng sản muốn hại Đội 37. Hố bom lấp ngàn năm chưa hết, tại sao phải đào bom chưa nổ? Hoàng Sơn Trường lại thấy thêm cái thâm độc của tư bản và cộng sản. Buổi sáng thứ hai, trước khi nhận lệnh xuất trại, các đội tập họp đầy đủ trong sân, chờ cán bộ trực trại mở sổ, Đội trưởng 37 đứng lên báo cáo dõng dạc:
- Báo cáo cán bộ: Đội 37 không đi lao động hôm nay.
Sân trại xôn xao.
- Các anh chống đối lao động hả?
- Chúng tôi chống đào bom, khiêng bom.
- Vậy là chống mệnh lệnh cán bộ.
- Nhà nước đưa chúng tôi đi lao động cải tạo chứ không đưa chúng tôi vào chỗ chết. Muốn giết chúng tôi cứ việc đem ra bắn. Còn khiêng bom thì chúng tôi không khiêng. Trừ phi ông Phạm Văn Đồng đến đây bảo đảm tính mạng của chúng tôi.
- Được, các anh ở nhà làm việc với Ban Giám Thjị.
Cán bộ lật sổ.
- Đội 1.
Đội trưởng Đội 1 đứng lên:
- Báo cáo cán bộ. Đội 1 cũng nghỉ lao động hôm nay. Gải mỉn phá núi rất nguy hiểm, cả đội bị tức ngực, sắp chết rồi.
Cán bộ trực trại bước ra khỏi chòi trực, rút súng lục bắn chỉ thiên ba phát. Vệ binh ào ào kéo tới, súng chĩa thẳng vào các tù nhân đang ngồi trong đội ngũ. Cán bộ trại hăm hở bước tới, cách tù nhân mười thước, y đứng lại:
- Thằng nào sách động đứng lên!
Phan Tiến Dzũng tự Dzũng quan tài vọt dậy, phanh ngực áo ra:
- Tao đấy, mày dám bắn không?
Đỗ Mậu Qúy cũng đứng lên:
- Tao nữa!
Nguyễn Hữu Hạnh đứng theo:
- Cả tao nữa.
Cả đội 37 đứng lên hết. Cán bộ trực trại sợ hãi. Y lùi dần, lùi dần. Vệ binh lên đạn trấn áp. Giám thị trại đã đến. Nghe trực trại báo cáo, ông ta bước tới giữa sân, khuôn mặt bình tĩnh. Và ông ra lệnh cho vệ binh thôi chĩa súng doạ nạt. Và ông nói:
- Đào bom, gỡ bom không phải là công tác của các anh. Cán bộ chỉ thử thách xem sự tuân hành mệnh lệnh của các anh ra sao thôi.. Nếu các anh cứ chấp hành, cán bộ sẽ chuyển công tác ngay, ai để các anh chết vì bom Mỹ. Đội 37 sẽ được nghỉ lao động một tuần. Các anh phải kiểm điểm lỗi lầm. Đội 1 được nghỉ 5 ngày, chờ cán bộ giao công tác mới. Các đội khác đi lao động thường lệ.
Ba hôm sau, khi các đội đã xuất trại, một chiếc xe vân tải chạy vào sân. Lệnh khẩn trương: Toàn Đội 1 thu dọn hành lý chuyển trại. Đến nửa đêm Đội 37 cũng khẩn trương lên xe chuyển trại. Sa Ác loại trừ mầm mống sách động.
Đó là nghệ thuật của cai ngục!
Bầy Sư Tử Lãng Mạng Bầy Sư Tử Lãng Mạng - Duyên Anh Bầy Sư Tử Lãng Mạng