Số lần đọc/download: 5867 / 65
Cập nhật: 2016-06-23 09:39:06 +0700
Chương 15
V
ụ án mạng trong phòng tôi là một đề tài hấp dẫn cho các nhật báo lá cải. Họ khai thác triệt để vụ án mạng đê tiện này như đã khai thác vụ đánh ghen của vợ ông Trần Thức Thời. Họ phịa ra nhiều chi tiết lợm giọng. Có cái tên tôi mà mười tờ báo viết sai cả mười. Sự sai lầm đó, được mệnh danh là “điều tra đặc biệt của...”. Một tờ báo duy nhất loan tin vụ án mạng đúng theo tin tức của cảnh sát là tờ Hy Vọng. Các phái viên săn tôi tưng bừng. Tôi bỗng nổi tiếng hơn bà Ngô Đình Nhu. Dư luận quả quyết tôi đã đưa bố con Lê Văn bước vào đường cùng. Ảnh tôi đăng ngập các nhật báo. Đó là sự hấp dẫn đối với nhà báo Thanh Triều, Huy, Sơ Joséphine, Mẹ Bề Trên, các bạn nội trú của tôi. Người đến bin-đinh Núi Trắng tìm tôi trước nhất là Thanh Triều. Tôi từ chối mọi cuộc phỏng vấn của các báo, trừ báo Hy Vọng. Thanh Triều được tôi tiếp với một nhiếp ảnh viên tại phòng tôi. Cảnh sát đã cho phép tôi về sống ở căn phòng xảy ra án mạng và trước đó là nơi chị Hồng đã tự tử. Vẫn dáng điệu quê mùa, Thanh Triều hỏi tôi:
- Chị dành ưu tiên cho nhật báo Hy Vọng một cuộc phỏng vấn nhé?
- Sẵn sàng.
- Chỗ “người nhà” xin hỏi chị ngay, tại sao chị lại đi làm gái nhảy và từ bỏ mọi ân huệ cuộc đời định tặng chị?
- Trước tôi đã là gái nhảy. Thái Anh lấy tôi ở vũ trường, tán tôi ở cửa phòng này. Anh không biết điều ấy ư? Anh bỏ chuyện “người nhà” đi, nếu muốn có một bài báo đặc sắc.
Thanh Triều nhìn tôi. Đôi mắt ngập đầy trách móc. Tôi hiểu Thanh Triều trách móc tôi nhiều. Trước hết, tôi ra đi không nói với anh ta một lời nào. Báo Hy Vọng đã ngạc nhiên vô cùng. Thanh Triều bảo ông chủ nhiệm giận tôi vì miệt thị lòng tốt của cả tòa soạn nhật báo Hy Vọng. Nghĩ mà thương hại Thanh Triều. Tôi luôn luôn thương hại anh ta. Đọc “Of Human Bondage” của Somerset Maugham có đoạn chàng Philip Carey thương hại gã kiểu mẫu của họa sĩ tên là Miguel người Y Pha Nho, tôi thấy câu thương hại đó nên tặng Thanh Triều. Gã Miguel ôm ấp giấc mộng trở thành những Émile Zola, Victor Hugo, Charles Dickens. Gã đó viết một cuốn tiểu thuyết. Khi đưa chàng Philip Carey coi, chàng này nghĩ thầm, tội nghiệp cho những con người tầm thường cứ muốn đạt tới lý tưởng của nghệ thuật. Thanh Triều là một thứ người “ghê gớm”, nói theo giọng Somerset Maugham. Nhưng, có lẽ, anh ta đã bằng lòng làm một hạng nghệ sĩ hạng nhì.
Thanh Triều hỏi tôi:
- Cháu ngoan chứ, thưa chị?
Tôi hơi lạ lùng:
- Anh không phỏng vấn cho báo nữa à?
Thanh Triều đáp:
- Tôi sẽ lọc dần những câu cho báo, những câu cho tôi.
Tôi rút thuốc Kool, mồi lửa hút. Người phóng viên nhiếp ảnh thu ngay vào ống kính một kiểu độc đáo. Tôi bất bình:
- Bây giờ chắc khỏi cần chụp ảnh nữa, ông nhà báo nhỉ?
Thanh Triều quá kém thông minh. Anh ta không hiểu nổi ý tôi muốn nói gì. Chả thế, anh ta lại nằn nì:
- Chị làm ơn để anh bạn tôi chụp vài kiểu thật lạ.
Tôi nhả khói thuốc:
- Để làm gì?
Thanh Triều trả lời:
- Để đăng báo.
Tôi nhún vai:
- Để làm gì?
Thanh Triều lại nhìn tôi:
- Để chị nổi tiếng!
Tôi biết Thanh Triều mỉa mai tôi. Tôi nhếch mép cười:
- Tôi nổi tiếng rồi, khỏi cần vài tấm ảnh, vài bài đăng trên báo các anh. Ta chấm dứt cuộc phỏng vấn. Anh Thanh Triều cảm phiền nhé!
Thanh Triều cảm thấy bị hắt hủi, đứng dậy, lững thững bước ra khỏi phòng, quên cả chào tôi. Tôi tàn nhẫn quá, gọi anh ta. Anh ấy quay lại. Tôi vẫy tay mời anh ta. Thanh Triều ngoan ngoãn trở lại phòng tôi. Người phóng viên nhiếp ảnh đứng ngoài hành lang. Tôi nói:
- Lúc nãy tôi cố ý “đuổi” anh chàng nhiếp ảnh ra.
Thanh Triều chớp mắt:
- Tôi tối dạ quá, không hiểu đấy.
Nghe Thanh Triều thành thật nói vậy, càng thương hại anh ta.
- Tôi có nhiều chuyện muốn nói riêng với anh.
- Bây giờ hả chị?
- Bao giờ cũng được.
- Chiều nay tôi mời chị đi dùng cơm được không?
- Được, tôi nhận lời. À, nếu muốn viết về tôi, anh cần nhấn mạnh rằng tôi là em ruột vũ nữ Thu Hồng bị vợ ông Trần Thức Thời tạt át-xít hủy diệt nhan sắc và cuộc đời, tôi bắt đầu trả thù cho chị tôi. Anh nhớ chứ?
Thanh Triều tròn xoe đôi mắt:
- Thật vậy ư?
Tôi không nói thêm một lời nào chung quanh án mạng nữa. Để Thanh Triều hết thắc mắc cái ý nghĩ táo bạo của tôi. Thế là thoát nạn phỏng vấn. Gặp việc gì “động trời” mới thấy ghét bọn nhà báo. Đó là bọn đỉa đói, bọn mất dạy không nề hà bất cứ một trở ngại gì để xoi bói vào đời tư của kẻ bị phỏng vấn. Người bị phỏng vấn ví đống vỏ dứa và bọn nhà báo là lũ nhặng. Đánh hơi được một đề tài hấp dẫn, lũ nhặng bu kín, đuổi không bay. Tôi ghét họ mà vẫn sợ họ. Nhà báo nhiều phép phù thủy, chỉ cần uốn cong ngòi bút một chút xíu, danh dự của ta có thể bị mòn vẹt hay sáng chói hơn. Nhà báo Thanh Triều của tôi cũng có cái khôn vặt của anh nhà báo. Nhưng còn “nhà quê” nhiều. Thái Anh ghét nghề viết báo nên chàng mới quan niệm viết báo bằng tay trái, viết văn bằng tay phải. Hồi còn sống và hồi tình yêu đang còn thắm thiết, Thái Anh hay kể cho tôi nghe cái “nhục” và những “thủ đoạn” của những người làm báo. Thái Anh luôn miệng phàn nàn những “thủ đoạn” làm tiền vặt của một số ký giả chạy ngoài. Vì những “thủ đoạn” hèn hạ, đê tiện mà báo chí ở xứ mình bị miệt thị. Dư luận nhận xét những người làm báo qua những “thủ đoạn” làm tiền vặt. Thành thử, Thái Anh cứ ao ước một ngày nào đó, văn nuôi nổi đời sống chàng, chàng sẽ giã từ báo. Giã từ đầy tiếc nhớ vì báo cung cấp chất liệu cho văn. Làm báo được đi nhiều, phải quan sát tường tận, có lợi cho sự sáng tác vô cùng.
Hình như Thanh Triều muốn tâm sự gì với tôi mà ngần ngại. Tôi phá tan sự ngần ngại của anh ta:
- Bao giờ anh lấy vợ đây?
Thanh Triều ngó tôi, hơi xấu hổ:
- Tôi đang định hỏi chị câu ấy.
Tôi cười:
- Chết chưa, sao lại hỏi tôi?
Thanh Triều không còn là nhà báo nữa. Lúc này, anh chỉ là một gã đàn ông, một gã con trai nhút nhát trong thơ tình của Vũ Hoàng Chương: “Nét thon mềm run rẩy, gắng đưa nhanh. Lòng tự thú giữa khi tìm trốn nấp”. Anh ta thở dài:
- Tôi cũng chả biết nữa. Có lẽ, tôi nghĩ chị là chỗ thân tình.
Tôi đùa:
- Nếu anh muốn đeo đuổi sự nghiệp văn chương, tôi khuyên anh không nên lấy vợ.
Thanh Triều đã bớt bẽn lẽn:
- Nhà văn phải sống cô độc à?
- Chứ sao. Sống cô độc và sáng tác trong cô đơn thì mới nổi tiếng.
- Tôi hết hy vọng nổi tiếng rồi. Một nhà văn lão thành, danh vọng lẫy lừng mới đọc cuốn truyện của tôi và bảo tôi rằng, tôi nên chọn nghề khác. Tôi trót viết lách, đành chọn nghề viết báo vậy.
Có một cái gì thật xót xa, thật chua chát rơi vào lòng tôi. Tôi không ngờ Thanh Triều dám tâm sự với lời đau đớn như thế. Cái ý nghĩ mỉa mai, gớm ghiếc tài viết văn của Thanh Triều bỗng dưng, chạy trốn khỏi tôi. Và thay bằng một sự thương xót, một sự cảm phục. Ai dám nhìn nhận mình bất tài? Ai đã biết con đường mình đeo đuổi không bao giờ nhường chỗ cho mình đi? Chỉ có mỗi Thanh Triều. Tôi đâm ra mến con người văn nghệ nhỏ nhoi này quá. Tôi chớp mắt khuyến khích anh ta:
- Anh cố gắng nữa xem sao.
- Văn chương không thể cố gắng được.
- Tôi tưởng thiên tài là sự kiên nhẫn không ngừng mà.
- Nước chảy đá mòn, điều này đúng, nhưng văn chương không có biệt tài, dẫu kiên nhẫn cũng chẳng đạt được ý mình mong muốn. Tôi lại không thích làm văn sĩ hạng xoàng. Sự cố gắng của một nhà văn là đọc, đi và suy nghĩ. Chỉ đọc, đi và suy nghĩ rồi viết mà trở thành văn hào thì đời này có biết bao văn hào. Chỉ còn mỗi cách...
- Cách gì đấy anh?
- Một phép lạ!
- Anh cho tôi biết phép lạ ấy được không?
- Chắc không.
- Sao vậy?
- Phép lạ, nói ra, nó biến mất.
Thanh Triều lảng sang chuyện khác:
- Thưa chị, dạo này chị mạnh giỏi chứ?
Tôi nhún vai:
- Tôi đang gặp rắc rối, anh biết đấy.
Thanh Triều đần mặt ra một lát. Rồi hỏi:
- Chắc chị ghét những người viết văn lắm nhỉ?
Tôi rút điếu thuốc Kool:
- Không, tôi kính trọng những người viết văn như anh.
Thanh Triều có vẻ cảm động. Anh ta nói:
- Chị quá khen, chỉ tiếc tôi đã giải nghệ.
Tôi nhả khói thuốc:
- Bây giờ người ta đua nhau đi làm văn nghệ. Người nào cũng nhận mình là thiên tài. Chỉ có anh là không nhận mình là thiên tài thôi. Tôi quý anh, vì thế.
Thanh Triều chán nản:
- Bây giờ tôi chỉ là một phái viên thầm thường.
Tôi an ủi Thanh Triều. Lại an ủi, chứ còn biết làm gì hơn:
- Thái Anh hay nói với tôi rằng người tầm thường mới làm nổi những việc phi thường. Dạo sống với Thái Anh, tôi được đọc nhiều. Tôi đã đọc cuốn “Kinh Nghiệm Đời Văn” của văn hào Erskine Caldwell do ông Trần Phong Giao dịch từ cuốn “Call in experience” sang Việt văn. Tôi thấy cái đời văn hào Caldwell cũng có một thời kỳ dài tập nghề. Thời kỳ này chẳng lấy làm gì huy hoàng cả. Thế rồi Caldwell trở thành văn hào. Ông ta xác nhận nghề văn như bất cứ một nghề nào, phải học nghề rồi mới thành nghề được. Anh đã học nghề chưa? Tôi có cảm tưởng các nhà văn Việt Nam sợ hai tiếng tập nghề lắm thì phải. Caldwell đã khuyên những người viết văn trẻ rằng, cứ gửi truyện tới khắp các báo, đừng có nản lòng. Gửi hoài cho đến khi có một tạp chí giá trị chịu đăng truyện của mình là mình biết được mình có nên theo đuổi nghề văn không. Anh đã làm thế chưa? Hay các anh quen nhau, các anh “lăng-xê” nhau, các anh thương nhau đăng bài cho nhau để kẻ được thương hại ấy tưởng mình là văn sĩ rồi.
Tôi nói một hơi dài. Lâu rồi, từ ngày Thái Anh chết, tôi mới được nói chuyện văn chương với một người thích văn chương. Thanh Triều nhìn tôi bằng một đôi mắt lạ lùng. Anh ta buột miệng:
- Chị tuyệt vời quá.
Rồi, dường như, sợ tôi hiểu lầm, anh vội nói thêm:
- Chị biết cả những điều mà đáng lẽ tôi phải biết.
Anh ta nhăn nhó:
- Trời ơi, Thái Anh đã quá ngu xuẩn!
Thanh Triều đưa hai bàn tay úp vào mặt. Khi anh ta buông tay ra, tôi thấy có hai giọt lệ ở hai đuôi con mắt anh.
- Chị sẽ đuổi tôi khỏi phòng chị, chị sẽ chửi rủa tôi. Mặc kệ, tôi phải hỏi chị để bớt ẩn ức, chị chiều tôi nhé?
- Vâng anh cứ hỏi đi!
- Tại sao chị lại nỡ gửi đời chị ở vũ trường?
Tôi dập tắt điếu thuốc. Tâm hồn tôi xốn xang lạ lùng. Thanh Triều ở trước mặt tôi. Không có gì đểu cáng đáng xúc vào thùng rác cả. Đàn ông đấy. Vẫn hấp dẫn vô cùng. Tôi thở dài:
- Tại cuộc đời, anh ạ!
Giá tôi trả lời “Tại bọn đàn ông chó đẻ, sở khanh, lưu manh” mới đúng. Nhưng Thanh Triều làm tôi hết tàn nhẫn. Tôi không yêu anh ta. Dĩ nhiên rồi. Tôi cũng chẳng có gì gần gũi anh ta, ngoài những bữa cơm anh đã cùng vợ chồng tôi ăn uống vui vẻ. Thế mà Thanh Triều gây nổi một sự bối rối nhỏ trong đầu óc tôi. Hay tôi yêu anh ta? Không, không bao giờ tôi yêu ai nữa. Yêu đã khổ thì yêu làm gì. Trả thù mọi nỗi khổ của đời mình, có lẽ, vui hơn. Thí dụ nhìn tận mắt cơn “giông tố” cuốn tình cha con lão già Lê Văn. Thê thảm, đốn mạt thật, bất nhân thật đấy, song những kẻ dìu tôi vào cảnh thê thảm, đốn mạt có thèm nghĩ vậy đâu. Thì tôi nghĩ làm gì nhỉ? “Coi như chị đã qua sông đắm đò”. Cái triết lý sống không hiện sinh mà hiện sinh này đã khiến tôi thoải mái vùng vẫy, bất kể cuộc đời sẽ đưa mình đến bờ nào. Ai ngờ được, một chút xao xuyến nhỏ cũng làm mình suy nghĩ lại. Thanh Triều vừa ném một mảnh sành xuống mặt hồ rộng rãi. Mảnh sành đã gây nên một gợn sóng nhỏ. Giữa cái lúc tôi đang đứng bên đây “sợi tóc” thì Hồ Hải đập cửa thình thình. Nàng xuất hiện. Con quỷ Sa tăng xuất hiện. Nàng trề môi, đôi môi nhẫy son:
- Nhà báo hả?
Tôi gật đầu:
- Nhà báo đấy.
Thanh Triều đứng dậy. Tôi giới thiệu hai người với nhau. Hồ Hải cay cú nói:
- Nhà báo mà “viếng thăm”, thể nào cũng có chuyện bực mình, mất ngủ.
Thanh Triều nhũn nhặn:
- Tôi mới học nghề, cô ạ!
Hồ Hải xách mé:
- Ông này viết cho báo nào?
Tôi trả lời thay Thanh Triều:
- Bạn tôi viết ở báo Hy Vọng.
Hồ Hải đốp chát:
- May quá, giá ông này viết ở báo Con Vịt, ông sẽ biết tay tôi.
Hồ Hải mỉa tôi:
- Mày quen nhiều nhà văn, nhà báo thế? Lại sắp lặng lẽ ra đi rồi hai năm sau khăn gói quả mướp trở về như lần trước hả? Lần sau mày về, tin tao đi, mày sẽ mõm như trái cam vắt hết nước, Châu Kool ạ!
Thanh Triều có vẻ khó chịu. Tôi phân trần:
- Chị Hồ Hải trước đây bị một ông nghệ sĩ lường gạt ái tình, chị đâm ra miệt thị nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo.
Tôi vội vàng hòa giải:
- Tên bạn tao là Thanh Triều. Mày rán nhớ đi. Anh Thanh Triều không phải là kẻ ghét bỏ gái nhảy. Anh tới đây để bênh vực tao.
Hồ Hải tươi nét mặt:
- Thật à, anh Thanh Triều?
- Vâng.
- Các báo đang xúm lại cấu xé Châu Kool.
- Báo Hy Vọng thì không.
Thanh Triều nói:
- Cô Hải vơ đũa cả nắm rồi đấy.
Giọng nói nhã nhặn của Thanh Triều khiến Hồ Hải dẹp cơn phẫn nộ chua chát. Nàng mỉm cười:
- Có thể lắm. Này, ông nhà báo Hy Vọng, tại sao nhà văn, nhà báo thích hút thuốc phiện vậy?
- Tôi không hút.
- Mừng cho ông nhà báo. Tôi chẳng hiểu sao bọn nhà văn, nhà báo hút thuốc phiện thì được mà gái nhảy phá hoại hạnh phúc của người khác, các ông lại quai mồm ra kết án.
Tôi không muốn kéo dài câu chuyện tay ba, sợ Hồ Hải có thể làm Thanh Triều mất lòng. Tôi nói:
- Chiều nay tụi này đi ăn ở Chung Nam, mày đi cho vui không?
Hồ Hải đáp:
- Tao có hẹn, để khi khác. Mà ba giờ tụi mình phải ra quận.
Hồ Hải cười đắc chí:
- Lão già Lê Văn bị “nhốp” rồi. Mày thấy chưa, đời đẹp biết mấy khi ta gặp cảnh bố giết con vì ta.
Thanh Triều lặng im. Hồ Hải vuốt mớ tóc lòa xòa trước trán:
- Anh Thanh Triều thừa đề tài viết văn nhé! Tôi đã đọc “Giông Tố” của Vũ Trọng Phụng, vụ án này ly kỳ hơn “Giông Tố” phải không anh?
Thanh Triều xã giao:
- Tôi chưa đọc “Giông Tố”.
Hồ Hải huýt tiếng sáo dài:
- Trời ơi, anh chưa đọc cuốn sách lẫy lừng đó sao? Bọn gái nhảy thích đọc truyện nham nhở lắm.
Thanh Triều liếm mép:
- Tôi chưa đọc thật.
Không hiểu sao giới văn nghệ lại sản sinh ra một anh nhà quê như Thanh Triều. Anh ta ngây thơ hơn con nít. Anh ta thành thật một cách đáng tội nghiệp. Thanh Triều đóng kịch chăng? Giang hồ rất kỵ giang hồ. Tay chơi không cảm tay chơi. Bọn gái nhảy biết mơ mộng chẳng bao giờ thèm tính chuyện hạnh phúc với dân đàng điếm. Mà ao ước lấy một anh chồng hiền lành, nếu thích làm lại cuộc đời. Thanh Triều hiểu vậy để “khai thác” những mẩu tâm sự của gái nhảy chăng? Tại sao không nhỉ? Bọn đàn ông đều giống nhau, ta nên đề phòng để khỏi bị đau khổ thêm.
Hồ Hải đứng lên:
- Tao về nghỉ, nhớ ba giờ gọi tao ra quận đấy.
Hồ Hải chìa tay bắt tay Thanh Triều:
- Hẹn nhà báo dịp khác.
Thanh Triều lịch sự đưa Hồ Hải ra tận cửa. Hai người nói nhỏ với nhau vài lời, tôi không nghe rõ. Chỉ thấy nét mặt Hồ Hải rạng rỡ. Sau đó, Thanh Triều cũng kiếu tôi về tòa soạn viết bài. Thanh Triều về, căn phòng tôi hoang vắng. Nó vẫn hoang vắng. Nhưng lúc này, tôi mới cảm được sự hoang vắng đánh đai lấy tôi. Tôi hút thuốc liên miên. Chẳng ấm lòng chút nào. Tôi đứng dậy sửa soạn son phấn mặc quần áo xuống Tân Định thăm cháu nhỏ.
Buổi chiều, tôi ra quận cảnh sát, bổ túc thêm những lời khai. Rồi chờ ngày hầu tòa.