There is a wonder in reading Braille that the sighted will never know: to touch words and have them touch you back.

Jim Fiebig

 
 
 
 
 
Tác giả: Lưu Chấn Vân
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Đông Mai
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 12
Cập nhật: 2023-03-26 23:05:38 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
ần đầu tiên Tuyết Liên tới Bắc Kinh. Đến nơi, cô có chút quay cuồng chóng mặt. Cô cảm thấy Bắc Kinh thật rộng lớn, lớn hơn rất nhiều so với thôn, thị trấn, huyện và cả thành phố của cô, rộng đến mức không nhìn thấy nổi điểm kết thúc. Hai bên đường là cao ốc nhà lầu; chốc chốc lại thấy cầu vượt cao tốc. Ngoài ra, ở Bắc Kinh, cô còn bị mất phương hướng. Tuyết Liên từng được học trong sách giáo khoa tiểu học rằng Thiên An Môn nằm phía Bắc đường Trường An. Nhưng khi ngồi trên xe buýt đi ngang qua quảng trường, cô lại phát hiện nó nằm ở phía Nam đường Trường An; hì hục chỉnh lại cái la bàn của thôn hồi lâu vẫn không đúng nổi. Xem ra thời gian ở Bắc Kinh, cô phải coi Nam là Bắc, lây Đông là Tây rồi. Nguy hiểm hơn, lý do Tuyết Liên đến Bắc Kinh là vì kiện cáo, nhưng khi tới nơi rồi, cô lại chẳng biết đi đâu để kiện, cần phải kiện với ai, những nơi cần đến kiện nằm ở đâu, người có thể tiếp nhận cáo trạng của cô ở chỗ nào? Cũng may Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đang họp, Tuyết Liên biết chắc nó sẽ được diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân, mà Đại lễ đường Nhân dân chính ở mé Tây của Thiên An Môn. Tất nhiên, theo Tuyết Liên, nó sẽ ở mé Đông. Những người tham gia họp Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc chắc chắn phải là người có chức quyền, mà không phải quyền chức thông thường. Sau khi quyết định ở lại Bắc Kinh, nhân lúc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đang diễn ra, cô sẽ tới ngồi biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn. Ngồi ở đấy biết đâu lại có thể khiến những người có quyền chức đến họp chú ý.
Để ở lại Bắc Kinh, cô cũng cần phải cũng thu xếp cho mình một chỗ ăn ở đi lại. Tuyết Liên bèn tới nhờ vả một người bạn hồi trung học, tên là Triệu Kính Lễ. Năm xưa cậu ta ngồi bàn sau Tuyết Liên, hai người học chung với nhau sáu năm. Đầu Kính Lễ rất to, giữa đỉnh đầu có một vết lõm. Tên cậu ta là Triệu Kính Lễ, nhưng cả lớp chẳng ai gọi thế cả, mà gọi là Lễ đầu to. Dần dà, cậu ta cũng quen được gọi là Lễ đầu to, có khi bất thình lình gọi Kính Lễ, chính cậu ta cũng ngẩn tò te vì chẳng biết đang gọi ai. Ba năm cấp hai, hai người chưa từng nói chuyện. Từ đầu năm cấp ba trở đi, Tuyết Liên mới biết Lễ đầu to có tình ý với mình. Lễ đầu to mất mẹ từ nhỏ, bố cậu ta làm thợ may trên thị trấn, một mình ông ấy đạp máy may suốt ngày để nuôi lớn cậu và ba đứa em trai, cảnh nhà không hể dư dả. Nhưng từ đầu năm cấp ba, hôm nào Lễ đầu to cũng mang kẹo sữa Thỏ trắng, dấm dúi từ bàn sau truyền lên cho Tuyết Liên, chẳng hiểu cậu ta lấy tiền ở đâu ra nữa. Nhận kẹo sữa được hơn hai năm, vẫn không thấy Đầu to thổ lộ. Đến khi sắp sửa thi tốt nghiệp, một buổi tối đang tự ôn tập, lúc đi vệ sinh trở về, cô thấy cậu ta đang đứng canh trước cửa phòng học. Ngó nghiêng xung quanh không thấy ai, Lễ đầu to nói: “Tuyết Liên, mình muốn nói chuyện này với cậu.”
Tuyết Liên: “Nói đi.”
Lễ đầu to: “Phải tìm một nơi khác.”
Lý Tuyết Liên: “Tìm đi.”
Lễ đầu to đưa Tuyết Liên tới trước sân đập lúa phía sau trường. Xung quanh là màn đêm đen kịt. Tuyết Liên: “Cậu muốn nói gì?”
Lễ đầu to chẳng nói vòng vo, lao lên ôm chầm lấy Tuyết Liên, sau đó đòi hôn cô. Động tác của cậu ta trực tiếp, không có giai đoạn chuyển tiếp khiến Tuyết Liên trở tay không kịp. Do quá bất ngờ, cô vô tình đẩy mạnh, khiến cậu ta bị ngã bổ chửng ra đất. Nếu là người khác, chắc hẳn cậu ta sẽ lồm cồm bò dậy và vẫn lao đến ôm hôn Tuyết Liên. Cho dù hai bên giằng co, tranh luận quyết liệt, dù Tuyết Liên nói “Mình giận đấy”, “Mình kêu lên đấy”, cậu ta vẫn tiếp tục công việc và như vậy việc vui cũng sẽ thành. Nào ngờ Lễ đầu to ngã một cái, ngơ ngẩn bò dậy, nhìn Tuyết Liên và chỉ nói đúng một câu: “Tớ cứ tưởng hai chúng mình được rồi cơ.”
Rồi nói tiếp: “Nhất định đừng nói cho chúng nó biết nhé.”
Sau đó quay người chạy mất. Lễ đầu to chạy rồi, Tuyết Liên bực đến bật cười khanh khách. Ôm cô hôn cô - cô không giận, nhưng quay ngoắt chạy khiến cô giận thật. Hôm sau gặp nhau, Lễ đầu to mặt đỏ như gấc, đầu cúi gằm, cằm chạm ngực, không dám nhìn thẳng Tuyết Liên. Lúc này cô nhận ra, Lễ đầu to là một thằng nhóc thật thà. Tuyết Liên cũng giận, không thèm để ý tới cậu ta nữa. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Tuyết Liên trượt đại học, Lễ đầu to cũng không đỗ. Cô quay về thôn. Lễ đầu to có một người cậu làm đầu bếp trong nhà khách của tỉnh nên cậu ta theo cậu học nấu ăn. Sau này cậu của Lễ đầu to ta bị điều đến làm đầu bếp ở Văn phòng đại diện của tỉnh tại Bắc Kinh, cậu ta cũng đi theo. Về sau người cậu nghỉ hưu quay về quê, một mình Lễ đầu to ở lại thủ đô. Tuyết Liên chẳng có ai thân thích ở Bắc Kinh cả. Trong tất cả số người cô quen, chỉ có mỗi Lễ đầu to nên cô đành tính việc nương nhờ cậu ta. Nhưng hồi trung học, Tuyết Liên hồn nhiên ăn kẹo của Lễ đầu to hơn hai năm, trên sân đập lúa lại dọa cậu ta sợ mất vía, cô lo Lễ đầu to để bụng việc này. Tuyết Liên cũng đã nghĩ kỹ, nếu cậu ta không để bụng thì coi như cô có chỗ dừng chân. Còn nếu không, cô sẽ quay đầu đi ngay, tìm một nơi trú khác. Mà chỗ trú này Tuyết Liên cũng đã nghĩ kỹ, chính là ga tàu hỏa. Dù chưa từng đến ga Bắc Kinh, nhưng cô biết, dưới gầm thiên hạ này, cứ tối đến là mọi người đều có thể ngủ ở đó.
Mặc dù biết Lễ đầu to làm việc ở Văn phòng đại diện của tỉnh, nhưng để tìm được đến đó Tuyết Liên vẫn phải trải qua nhiều trắc trở. Cô hỏi đường, rồi phải đổi tám lượt xe buýt, trong đó ba lượt lên nhầm xe, phải đi mấy đoạn đường vô ích. Sáng sớm tới Bắc Kinh, nhưng đến tối cô mới tìm thấy Văn phòng đại diện của tỉnh, nơi Lễ đầu to làm đầu bếp.
Đó là một tòa nhà cao khoảng 30 tầng. Đến cổng, cô mới phát hiện ra mình không được vào. Đằng trước tòa nhà có một khuôn viên, cửa khuôn viên có cổng tam quan, quanh cổng đều có tuyên canh phòng, năm sáu tên lính gác canh giữ, không cho bất kỳ người lạ nào vào. Hóa ra hơn trăm đại biểu của tỉnh đến tham dự Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đều đang ở đây. Tuyết Liên bước tới, tay lính gác tưởng Tuyết Liên là người ở đây, nhưng ngắm nghía quần áo của cô một hồi, lại thấy không giống người được ở tòa nhà này. Nhưng một tên lính gác vẫn nói khách sáo: “Mời đi chỗ khác, chỗ này là của đại biểu Đại hội nhân dân.”
Tuyết Liên cuối cùng hiểu ra, mình và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lại đụng nhau lần nữa. Cô không hề sợ hãi hoang mang, ngó vào phía trong mà nói: “Tôi không ở đây, tôi đến tìm họ hàng.”
Tên lính gác cổng khác hỏi: “Họ hàng cô cũng tới họp Đại hội nhân dân à?”
Tuyết Liên lắc đầu: “Không, cậu ấy làm đầu bếp ở đây, tên là Triệu Kính Lễ.”
Tên lính gác cổng chau mày ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Đầu bếp trong đây tôi đều quen thân, không có ai tên Triệu Kính Lễ cả.”
Tuyết Liên ngẩn người: “Người khắp huyện đều biết cậu ấy nấu cơm ở đây mà.”
Sau đó bắt đầu sốt ruột: “Sao lại không ở đây chứ? Tôi đã chạy hơn nghìn cây số tới đây đấy.”
Thấy cô thế, một tên lính gác cổng khác cũng tham gia nghĩ giúp: “Tôi cũng quen biết phía nhà bếp. Quả thật không có ai tên Triệu Kính Lễ cả.”
Tuyết Liên đột nhiên nhớ ra: “Đúng rồi! Cậu ấy còn một cái tên khác là Lễ đầu to.”
Vừa nghe tới cái tên Lễ đầu to, cả năm sáu tên lính gác đều cười ổ: “Hóa ra là Đầu to.”
Một tên nói: “Sao không nói sớm? Cô đợi đấy, tôi đi gọi cậu ta cho.”
Năm phút sau, Lễ đầu to xuất hiện. Cậu ta mặc bộ quần áo đầu bếp màu trắng, đội một chiếc mũ ống cao cũng màu trắng. Đại khái trông vẫn như hồi trung học, chỉ béo lên khá nhiều. Hồi ấy Lễ đầu to gầy, trông như cành củi khô, đầu lại to, giờ lại biến thành một tên béo mập, nhưng như vậy trông đầu cậu ta lại bé đi trong chiếc mũ ống cao màu trắng ấy. Nếu trên đường gặp nhau, chắc chắn Tuyết Liên không thể nhận ra nổi đấy là Lễ đầu to. Vừa thấy Tuyết Liên, cậu ta sửng sốt, sau đó nhận ra rồi vỗ tay đen đét: “Ôi mẹ ơi, sao cậu lại đến đầy?” Và cười hểnh hệch.
Tuyết Liên cảm thấy yên tâm phần nào. Hơn mười năm qua, Lễ đầu to đã không để bụng chuyện thời trung học. Cô nói: “Mình đi Đông Bắc thăm cô, lúc về ngang qua Bắc Kinh, tiện đường ghé thăm cậu đây.”
Lễ đầu to xăm xăm tiến tới giật lấy túi xách của
Tuyết Liên: “Mau vào đây uống nước.”
Nào ngờ một tay lính gác giơ tay chặn Tuyết Liên lại, nói: “Đầu to, có chuyện gì đứng ngoài này nói, đang họp Đại hội đại biểu nhân dân mà, người lạ không được phép vào.”
Đầu to ngẩn người, Tuyết Liên cũng ngẩn người, lo không được vào bên trong. Sau khi định thần lại, Lễ đầu to liền gạt phắt tay tên lính gác cổng: “Mả cha mày, đây là em ruột tao. Người lạ à?”
Tên lính gác vẫn ngoan cố: “Đây là quy định.”
Lễ đầu to nhổ toẹt bãi nước bọt xuống đất: “Làm chó trông cửa lại còn ra vẻ cáo vượn oai hùm. Bọn trong kia là bố mày cả à? Bố mày đang ở cữ, sợ gió máy nên không dám gặp ai à?”
Tên lính gác đỏ mặt, cũng có vẻ hơi cáu: “Đầu to, có gì nói tử tế. Sao lại chửi tao chứ?”
Lễ đầu to: “Tao chửi không phải vì mày không cho em tao vào, mà chửi mày vong ân phụ nghĩa.
Hàng ngày mày xuống bếp, tao có cho mày thiệt thòi gì không? Hôm qua tao còn cắt cho mày một miếng gân bò nữa kìa. Tao không chửi mà còn muốn đánh cái thằng khốn mày ấy.”
Nói đoạn hùng hổ định giơ tay lên đánh. Tên gác cổng đỏ mặt tía tai, vội vã nói: “Mày đợi đấy, tao báo cáo với sếp cái đã.” Rồi vừa ôm đầu, vừa lẩn ra phía sau con sư tử đá trước cổng. Mấy tên gác cổng khác đều phì cười. Tuyết Liên nhận thấy, hồi xưa Lễ đầu to là một cậu nhóc nhát như thỏ đế, giờ đã thay đổi rất nhiều.
Cậu ta dẫn Tuyết Liên băng qua tuyến canh phòng, đi vào khuôn viên; nhưng không đưa vào tòa nhà, mà dẫn cô men theo một con đường nhỏ, vòng ra phía sau. Phía sau có một căn nhà nhỏ hai tầng ghi “Khu bếp chính”. Vào trong bếp chính, cậu ta lại dẫn Tuyết Liên vào kho trữ hàng, trong đó có một chiếc giường. Hóa ra đây là chỗ ở của Lễ đầu to. Cậu ta giải thích: “Cũng vì lãnh đạo tin tưởng nên tớ vừa ở trọ, vừa trông kho hàng.”
Sau đó bảo Tuyết Liên đi rửa mặt, rồi rót trà, đoạn lại vào bếp, lát sau bưng ra một bát mỳ trộn nóng hổi cho cô. Ăn uống xong đã chín giờ tối. Lễ đầu to hỏi: “Đến Bắc Kinh làm gì thế?”
Tuyết Liên không dám nói mình di kiện, bèn bảo: “Chẳng phải nói với cậu rồi sao? Đi Đông Bắc thăm cô mình, lúc về ngang qua đây, tiện đến chơi chút, mình chưa tới Bắc Kinh bao giờ mà.”
Lễ đầu to xoa tay: “Ừ! Tham quan được đấy.”
Lại nói: “Tối nay cậu cứ ở đây.”
Tuyết Liên nhìn quanh: “Thế cậu ở đâu?”
Lễ đầu to: “Cậu không phải lo. Mình thổ dân rồi, tìm được cả chục chỗ ở ấy chứ.”
Rồi nói tiếp: “Tắm rửa rồi ngủ sớm đi nhé. Mình còn phải đi làm bữa tối cho mấy đại biểu nữa.”
Tối đó Tuyết Liên ngủ trên giường của Lễ đầu to. Còn cậu ta ở đâu, cô không hay biết. Sớm hôm sau, Tuyết Liên còn chưa dậy, đã nghe thấy tiếng gõ cửa “cốc cốc”. Cô khoác áo đứng dậy, mở cửa ra đã thấy Lễ đầu to đang sốt ruột: “Nhanh, nhanh lên.”
Tuyết Liên cứ ngỡ việc mình ở trong đây bị người ta phát hiện, muốn đuổi cô đi, thất kinh: “Sao thế?”
Lễ đầu to: “Chẳng phải hôm qua cậu bảo đến Bắc Kinh tham quan đó thôi? Mình đã xin nghỉ phép. Hôm nay mình sẽ đưa cậu đi Trường Thành. Chúng ta phải đi đón xe sớm.”
Tuyết Liên thở phào, nhưng sau đó lại sửng sốt. Cô đến Bắc Kinh có phải để tham quan đâu, để thưa kiện kia mà. Tối qua lỡ miệng nói thế rồi, ngờ đâu Lễ đầu to cho là thật. Cậu ta đã thật lòng như vậy, một phần sợ phụ ý tốt, hai là vì tối qua vừa nói xong, không tiện chữa lại ngay, nhỡ lộ ra việc đến đây để kiện cáo thì lớn chuyện. Hơn nữa, việc kiện cáo cũng chẳng phải chuyện một sớm một chiều, Đại hội đại biểu nhân dân họp tận nửa tháng kia mà.
Chính vì không phải chuyện một sớm một chiều, chẳng qua chỉ là bỏ ra một ngày mà thôi, nên cô vội vàng đánh răng rửa mặt, theo Lễ đầu to ra cửa trước, lên xe du lịch tới Trường Thành. Cả ngày dạo chơi mà Tuyết Liên ngổn ngang tâm sự. Cảnh có đẹp, có hùng vĩ cô cũng chẳng thấy có gì hay hớm, trong khi đó Lễ đầu to lại vô cùng hào hứng. Ngày thứ hai, cậu ta lại đưa cô tới Cố Cung và Thiên Đàn(5). Ngay cổng Thiên Đàn có một tiệm làm đầu, Lễ đầu to liền dẫn Tuyết Liên vào thẳng đó. Uốn tốc xong xuôi, cậu ta ngắm nghía một hồi rồi nói: “Đấy. Phải thế chứ, chuẩn người Bắc Kinh rồi đấy. Người quê hay tỉnh thể hiện ở tóc tai ấy.”
Nói xong cười khì khì. Tuyết Liên ngắm mình trong gương, cũng cười ngại ngùng. Lễ đầu to lại mời cô đi ăn đặc sản lẩu dê Bắc Kinh. Nhìn nồi lẩu bốc khói nghi ngút, gắp một miếng thịt dê, Tuyết Liên chợt cảm động khôn cùng. Đối diện giữa làn khói mờ mịt bốc lên từ nồi lẩu, cô nói với Lễ đầu to: “Đẩu to, hai ngày nay mình đến Bắc Kinh đã làm mất thì giờ của cậu quá, lại còn bắt cậu chi tiêu tốn kém thế này thật sự rất ngại.”
Lễ đầu to nghe thấy thế, có chút tức giận: “Ý gì đây? Coi mình là người ngoài à?”
Tuyết Liên: “Không phải thế. Chỉ là nói vậy thôi ” Lễ đầu to vui vẻ, đập tay xuống bàn: “Vẫn chưa hết đâu.”
Tuyết Liên: “Sao thế?”
Lễ đầu to: “Mai mình sẽ đưa cậu đi Di Hòa Viên, trong đấy còn chèo thuyền nữa cơ đấy.”
Đêm hôm ấy, Tuyết Liên nằm trên giường Lễ đầu to, trằn trọc mãi không ngủ được. Hai đêm trước ngủ ngon thế, vậy mà đêm nay lại. mất ngủ. Vô vàn biến cố từ năm ngoái đến nay, cùng với bao vụ kiện cáo từ tháng trước đến giờ khiến cô đau tận đáy lòng. Ai mà ngờ được chỉ là một vụ kiện cáo mà khó đến vậy. Ai đâu hay chỉ cần nói một lời chân thật thôi mà cũng khó đến thế. Hay như việc ly hôn cùng Ngọ cHà rõ ràng là giả, thế mà chỉ cần nói cái giả ấy là giả thôi cũng lại khó đến thế. Không ngờ chỉ vì mỗi câu nói ấy mà cô lại bị dính vào một câu động trời khác, rằng cô là Phan Kim Liên. Càng không ngờ hơn nữa, để nói rõ ràng chuyện này, cô lại hùng hổ kiện thẳng tới tận Bắc Kinh. Đến đây, còn chưa biết cách kiện thế nào, nghĩ ra mỗi cách đến ngồi chình ình biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn, mà cũng chẳng biết kết quả ra sao nữa. Lễ đầu to dù tốt, dù quen thuộc Bắc Kinh hơn, nhưng việc khác có thể bàn bạc với cậu ấy, chứ việc này thì không thể. Haiz, bất giác cô ngán ngẩm thở dài một hơi, rồi chợt nghĩ tới con gái. Từ đợt bắt đầu kiện cáo, con bé vẫn ở nhờ nhà Lan Chi. Lúc đó được hơn hai tháng, giờ đã hơn ba tháng rồi đấy, không hiểu giờ con bé thế nào. Từ lúc sinh đứa bé ra, lúc nào cô cũng chỉ mải lo giày vò Ngọc Hà, mải lo kiện tụng, còn chưa đặt tên cho nó. Rồi lại nhớ việc mình đến Bắc Kinh là để kiện cáo, không phải tới tham quan. Đừng vì đi tham quan cùng Lễ đầu to mà làm lỡ dở việc chính. Mặc dù cô không hiểu chuyện kiện cáo, nhưng cô biết nó cũng giống như mọi chuyện khác, phải tranh thủ thời gian không lại muộn. Giữa lúc trằn trọc, Tuyết Liên bỗng nghe có tiếng mở khóa cửa. Cô chợt căng thẳng, toàn thân cũng căng thẳng. Trong bóng tối, cô thấy cửa được mở ra nhẹ nhàng, thấp thoáng một bóng người. Nhìn dáng vẻ mập mạp ấy, cô đoán chính là Lễ đầu to. Tuyết Liên hiểu rằng kết quả của hai ngày đi chơi Bắc Kinh là đây. Cô vờ nhắm mắt, nằm im, cảm thấy Đầu to rón rén đến bên giường, rồi rướn người ngó mặt cô. Cả hai cứ bất động như thế tầm dăm phút. Bỗng Tuyết Liên mở choàng mắt nói: “Đầu to, đừng nhìn nữa, làm gì làm đi.”
Trong bóng tối, đột nhiên Tuyết Liên cất lời khiến Lễ đầu to giật thót. Tiếp đó cô bật đèn, thấy cậu ta đang tẽn tò đứng đó. Lễ đầu to chỉ mặc quần áo ngủ. Trên là áo ba lỗ, dưới có cái quần con, nhô ra cái bụng to tướng. Tuyết Liên đã bật đèn xanh để Lễ đầu to “làm gì thì làm”, nhưng cậu ta lại có chút luống cuống. Chính bởi câu nói đột ngột ấy của Tuyết Liên đã khiến Lễ đầu to như bị chôn chân trên nền nhà, không thể cựa quậy nổi. Mặt mũi Lễ đầu to đỏ như tôm luộc, đứng lóng ngóng xoa tay: “Nghe cậu nói kìa, cậu nghĩ mình là loại người gì thế?”
Đoạn cuống quít giả vờ tìm đồ: “Mình không có ý gì đâu, chỉ đến tìm ít men thôi. Phải ủ bột từ nửa đêm cho lên men, sáng ra mới hấp bánh xoắn được. Chẳng giấu gì cậu, Chủ tịch tỉnh mình thích ăn bánh xoắn mình làm nhất.”
Tuyết Liên khoác áo ngồi dậy: “Bảo cậu làm mà không làm, đừng hối hận đấy.”
Lễ đầu to đứng ngây như phỗng. Tuyết Liên nói tiếp: “Nếu không, hai ngày nay chẳng phải dạo chơi không công à?”
Câu nói này lại chôn chặt chân Lễ đầu to một lần nữa. Lễ đầu to nói khua tay múa chân: “Lý Tuyết Liên, cậu nói vậy là ý gì chứ? Đi chơi thì sao? Bọn mình là bạn học sáu năm đấy.”
Lúc này Tuyết Liên nói: “Đầu to, ngày mai mình không muốn đi Di Hòa Viên đâu.”
Lễ đầu to: “Thế cậu muốn đi đâu?”
Sao dám mở mồm nói mai đến ngồi biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn được chứ, bèn bảo: “Mai mình muốn đi chợ, mua ít đồ cho con.”
Lễ đầu to phấn khích nói: “Đi chợ cũng được, mình đi cùng cậu.”
Tuyết Liên: “Mình không muốn làm lỡ công việc của cậu.”
Lễ đầu to: “Mình đã nói mình xin nghỉ phép rồi còn gì. Cậu ở Bắc Kinh này ngày nào, muốn đi đâu, mình sẽ đưa đi đó.”
Tuyết Liên định cởi áo khoác của mình ra: “Đầu to, thôi cậu đừng thế nữa, muốn làm gì thì giờ vẫn còn kịp đấy.”
Cậu ta trợn trừng mắt nhìn Tuyết Liên. Một hồi lâu, lại ngồi xổm cạnh giường hút thuốc. Rồi đột nhiên nói: “Xem cậu kìa, dù muốn làm gì, cũng phải cho mình chút thời gian chứ.”
Thấy cậu ta nói vậy, Tuyết Liên bật cười khanh khách. Mười mấy năm rồi tưởng cậu ta đã thay đổi, ai ngờ vẫn là một thằng nhóc thật thà, nhút nhát. “Đấu to, mai mình muốn đi một mình, cậu cứ mặc mình nhé. Cũng nên cho mình chút không gian riêng tư chứ.”
Thấy Tuyết Liên nói vậy, Đầu to cũng không nài kéo thêm nữa, cười bảo: “Nếu cậu thật sự muốn ra ngoài một mình, vậy cậu cứ tự đi đi. Thật ra, hai ngày lang thang cùng cậu, bếp trưởng cũng có vẻ cáu mình rồi.”
Tuyết Liên lại phì cười, xoay đầu cậu ta lại, hôn một cái lên mặt.
Sáng hôm sau, Tuyết Liên thay một bộ quần áo mới, đi ra khỏi phòng của Lễ đầu to, rời “khu bếp chính”, định bụng đến ngồi biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Cô định thay bộ cánh mới vì muốn tương xứng với quảng trường Thiên An Môn hoành tráng. Nếu trông lôi thôi, nhếch nhác, nhìn như dân khiếu nại, nói không chừng chưa đặt chân vào quảng trường cô đã bị cảnh sát tóm cổ rồi ấy chứ. Hồi tháng trước, khi quyết định kiện cáo, Tuyết Liên đã sắm một bộ quần áo mới. Cả tháng trời nay vẫn chưa hề động đến, giờ đã đến lúc. Ở quê thì mặc đi đâu chứ? Tới Bắc Kinh thì hay rồi. Nhưng vừa vòng qua tòa cao ốc, đến bồn hoa trước sân, cô đã bị một người chặn đầu quát: “Đi đâu đấy?”
Tuyết Liên giật thót. Ngoái đầu nhìn thì thấy một người đàn ông trung niên to béo, mặc bộ âu phục, đeo cà vạt, ngực trái đeo phù hiệu của văn phòng đại diện, trông có vẻ rất giống lãnh đạo. Cô những tưởng việc mình ở chui trong chỗ Đầu to bị phát hiện, nhưng nghe ông ta quát hỏi “Đi đâu đấy?” chứ không phải “Ở đâu đấy?”, nên lại có chút yên tâm. Nhưng trả lời thế nào được nhỉ? Trong lúc hoang mang cô chưa biết trả lời sao, vì không thể nói thật với ông ta rằng mình đến quảng trường Thiên An Môn để biểu tình được. Nhất thời cô không nghĩ ra cớ khác nên đành trả lời: “Em ra ngoài đi dạo.”
Người đó tức giận nói: “Dạo dạo cái gì? Mau đi bê đi.”
Tuyết Liên ngớ ra đó: “Bê gì ạ?”
Người đó khẽ chỉ vào bốn, năm chồng giấy phía trên bậc thềm bồn hoa, rồi lại chỉ ra phía cổng sân: “Bê đống tài liệu này lên xe chứ bê gì nữa. Không biết hôm nay phải báo cáo công tác chính phủ à?”
Rồi nói tiếp: “Mau lên mau lên! Các đại biểu phải đến hội trường họp ngay bây giờ đấy.”
Lúc này Tuyết Liên phát hiện, phía ngoài tuyến canh phòng trước cổng sân lớn hiện có bảy, tám cái xe đỗ la liệt. Xe nào cũng đang nổ máy, trong xe chật ních người ngồi, ai nấy đều hỉ hả cười cười nói nói. Chắc người đàn ông này thấy Tuyết Liên ăn mặc sạch sẽ, tóc tai kiểu Bắc Kinh, lại đi ra từ phía sau tòa cao ốc nên tưởng cô là nhân viên của tòa nhà. Tuyết Liên cũng biết ông ta hiểu lầm, nhưng thấy ông ta sai quyết liệt như vậy cũng không dám chậm trễ. Nếu không bê mấy chồng giấy kia, kiểu gì cũng sẽ lộ ra việc cô ở chui trong đây. Hơn nữa, có mấy chồng giấy bê cũng có mệt chết được đâu. Vì thế Tuyết Liên còng lưng bắt đầu bê bốn, năm bao giấy này lên. Không bê không biết, bê rồi mới thấy nặng. Khệ nệ bê chúng tới đuôi một chiếc xe khách cỡ lớn. Vừa thò chân lên xe, đã có người kêu lớn: “Đặt phía cuối xe nhé”.
Tuyết Liên quan sát khắp một lượt trong xe. Một phần đại biểu Đại hội nhân dân của tỉnh đều ngồi ở đây, ai cũng đeo phù hiệu và nói cười không ngớt. Mặc cho Tuyết Liên nhìn ngó xung quanh, bọn họ chẳng ai thèm chú ý cả. Ở dưới nhìn lên, cô thấy xe kín người, lên xe rồi mới biết, hóa ra nửa sau xe toàn chỗ trống. Cô lại khệ nệ bê bốn, năm chồng tài liệu về phía cuối xe. Khi đống tài liệu vừa được đặt lên một chiếc ghế trống, bỗng cửa xe đóng “két” một tiếng và lăn bánh. Chắc bác tài cũng tưởng cô là đại biểu Đại hội nhân dân. Mọi người trên xe chỉ lo nói cười với nhau, không ai để ý tới chuyện ấy, chắc cũng tưởng Tuyết Liên là nhân viên nghiệp vụ của Đại hội. Còn cô giật thót, hốt hoảng quay người lại, há miệng định kêu “dừng xe”. Đột nhiên cô nghĩ, xe này đi tới Đại lễ đường Nhân dân, mà nó lại ở mé Tây quảng trường Thiên An Môn, tất nhiên, theo Tuyết Liên là mé Đông. Đáp xe này đến Thiên An Môn đỡ cái khoản chen chúc trên xe buýt, mà cũng tiết kiệm được khối tiền xe nữa. Đến được đó rồi, họ tới Đại lễ đường họp, còn Tuyết Liên ra quảng trường ngồi biểu tình, chẳng ai làm lỡ chính sự của ai cả. Nghĩ thông suốt rồi cô bèn ngồi xuống ghế.
Đang giờ đi làm, trên đường, người và xe đông nghìn nghịt. Nhưng đoàn xe vẫn chạy băng băng, bởi phía trước có xe cảnh sát hú còi inh ỏi đi mở đường. Đoàn xe đi tới đâu, đèn đỏ ở tất cả các ngã tư đều tự động chuyển đèn xanh. Các loại xe khác cùng dòng người đều bị chặn lại. Chỉ mất 15 phút, đoàn xe đã đến quảng trường Thiên An Môn. Tới nơi, Tuyết Liên quá choáng ngợp, bởi Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc diễn ra long trọng quá. Không chỉ một đoàn xe tiến vào Đại lễ đường, mà hơn 30 đoàn xe của các tỉnh và khu tự trị trên toàn quốc từ khắp nơi ùa đến. Trước Đại lễ đường, mấy chục cảnh sát đang khẩn trương chỉ huy hơn ba chục đoàn xe ấy. Cảnh sát ở đây cũng có kinh nghiêm thật. Hơn 30 đoàn xe cộng cả mấy trăm chiếc xe khách mà chỉ trong chốc lát đã đổ hết sức ngay ngắn ở trước cửa Đông Đại lễ đường. Tiếp đó, mấy nghìn đại biểu cắp nách cặp tài liệu từ trên hàng trăm chiếc xe bước xuống, rầm rập nói cười bước lên bậc thềm Đại lễ đường. Tuyết Liên trông thấy cảnh ấy mà sững sờ, ngồi im bất động. Xe trống trơn, bốn, năm tập tài liệu ở bên cạnh cũng bị người khác đem đi nhưng Tuyết Liên vẫn ngồi im ở đó, dáo dác nhìn xung quanh. Lúc này bác tài vẫn cho rằng cô là đại biểu Đại hội nhân dân, ngoái đầu hỏi: “Sao cô không vào đi?”
Tuyết Liên sực tỉnh. Nếu có thể cùng các vị đại biểu bước vào Đại lễ đường, vụ của cô có khi lại trở nên dễ dàng. Hôm nay là phiên báo cáo công tác Chính phủ, chắc chắn sẽ có rất nhiều lãnh đạo cấp Nhà nước tới họp. Có thể gặp được những quan chức cấp cao ấy, thuật lại cho họ nghe tỉ mỉ nỗi oan tình của mình, kiểu gì cũng tốt hơn nhiều so với việc ngốc ngếch ngồi ở quảng trường. Vì vậy cô không đắn đo thêm nữa, nhanh chóng nhảy xuống xe, guồng chân theo dòng người đang tiến vào Đại lễ đường. Vì ngồi xe của các đại biểu nên Tuyết Liên đã vượt qua được nhiều tuyến canh phòng và giờ cũng chẳng ai để ý tới cô nữa. Tuyết Liên ngang nhiên đặt chân lên bậc thềm của Đại lễ đường, từng bước đi tới cửa lớn.
Các đại biểu trước khi vào cửa vẫn phải tiến hành kiểm tra an toàn lần cuối cùng. Việc kiểm tra này vẫn kiểu thủ công, do nhân viên của Đại lễ đường cầm một cái máy giống vợt tennis, lia đi lia lại khắp người từng vị. Mà đại biểu có phải ít đâu, mấy nghìn người phải cùng lúc kiểm tra, nên vô cùng ổn ào và tấp nập. Các nhân viên cũng chỉ kiểm tra chứ không quá chú ý đến sự khác biệt giữa các đại biểu. Tuyết Liên đứng lẫn trong đám đại biểu khác, nên cũng dễ dàng lọt qua vòng kiểm tra. Cô theo dòng người tiến vào hội trường, vừa đến cửa, đã bị một tay cảnh vệ chặn lại. Đó là một người đàn ông trung niên, mặc thường phục, vô cùng khách sáo, vừa mỉm cười vừa chỉ vào trước ngực Tuyết Liên: “Kính chào đại biểu, mời cô cài thẻ vào ngực áo.”
Xem ra ông ta cũng coi Tuyết Liên là đại biểu. Từ khi bước vào Đại lễ đường, cô đã bị khí thế ở đây làm cho phấn khích. Chỗ nào cũng rực rỡ, lộng lẫy, ngập tràn hoa tươi, cờ bay rợp trời. Một khung cảnh vô cùng hoành tráng. Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, Tuyết Liên chưa từng thấy khung cảnh nào khí thế và trang nghiêm như vậy. Tim cô đập thình thịch, giờ bỗng nhiên bị người khác giữ lại, lòng càng hoảng. Cô cô làm ra vẻ trấn tĩnh: “A, thẻ đại biểu à? Lúc đi tôi để quên ở khách sạn mất rồi.”
Người đàn ông trung niên vẻ mặt vẫn rất ôn hòa nói: “Không sao, xin hỏi cô thuộc đoàn thể nào?”
Tuyết Liên nhanh trí, nói đoàn đại biểu của tỉnh mình. Người đó lại hỏi: “Xin hỏi họ tên của cô?”
Đến lúc này Tuyết Liên ngắc ngứ. Ai chẳng trả lời được tên của mình, có điều nói ra thì cũng có tác dụng gì chứ. Cô lại chẳng biết tên họ cửa ai trong đoàn đại biểu của tỉnh cả. Đến một cái tên cũng không có ý niệm, thế nên Tuyết Liên cứ đứng ngẩn tò te ra đó.
Người đó lại giục: “Xin hỏi họ tên của cô.”
Bí quá hóa liều, Tuyết Liên biết không thể che đậy được nữa, đành quyết chí nói: “Tôi là Lý Tuyết Liên.”
Vì chột dạ, nên cô trả lời hơi ấp úng. Có khi nói tên của người khác cô còn không ấp úng như nói tên mình. Người đàn ông trung niên cười, nói: “Được rồi, đại biểu Lý Tuyết Liên, mời cô đi theo tôi
một lát, để xác minh một chút về thân phận của cô”.
Rồi nói tiếp: “Không có ý gì đâu, vì sự an toàn của Đại hội thôi.”
Tuyết Liên đành lóc cóc đi theo. Người đàn ông trung niên dẫn cô đi ra một con đường khá rộng ở mé trái đại sảnh. Vừa đi, ông ta vừa nói gì đó vào máy bộ đàm, đến đoạn rẽ, lại đi tiếp một con đường lớn và dài nữa. Ở đây tịnh không một bóng người.
Lúc này, Tuyết Liên mới phát hiện thấy có khoảng bốn năm thanh niên mặc thường phục đang tiến sát về phía mình. Cô hiểu vậy là mình đã bị lộ tẩy, vội lôi tờ cáo trạng từ trong túi áo ra, đội lên trên đầu kêu toáng lên: “Oan quá!”
Chẳng đợi cô thốt ra hết câu, mấy tên thanh
niên như mãnh hổ đã hùng hổ xô cô ngã lăn quay xuống đất, ép sát sạt người vào mặt đất. Miệng cô bị bịt, chân tay cũng bị bảy tám cánh tay đồng loạt kìm chặt, không thể động đậy nổi. Trong ba bốn giầy ấy, ở sảnh chính, các đại biểu khác vẫn đang hoan hỉ, nói cười rôm rả và tiến vào hội trường, chẳng ai để ý tới chuyện ở ngoài này cả. Tất cả bọn họ đều bước vào trong suôn sẻ.
Chín giờ chuông kêu, trong hội trường vang lên tiếng vỗ tay như sấm dậy, các lãnh đạo bắt đầu tiến hành báo cáo công tác chính phủ.
Tôi Không Phải Phan Kim Liên Tôi Không Phải Phan Kim Liên - Lưu Chấn Vân Tôi Không Phải Phan Kim Liên