Số lần đọc/download: 1385 / 7
Cập nhật: 2017-05-25 16:43:32 +0700
Chương 15 - Đường Vào Mặt Trận
C
hiếc xe Jeep Soóc đang lao nhanh trên đường số bốn mốt con đường quốc lộ đi từ Lai Châu về Sơn La, Hoà Bình. Con đường thời xưa bọn thực dân Pháp mở ra để khai hoá văn minh cho xứ Thái tự trị. Và bây giờ con đường đó đang trở thành con đường chiến dịch, một chiến dịch lịch sử vĩ đại nhất từ đầu mùa kháng chiến đến nay.
Con đường vòng vèo quanh co đi chênh vênh trên sườn núi, có lúc lên tận đỉnh dốc cao quanh năm mây mù bao phủ, có lúc lại xuống tít tận khe sâu thung lũng ngập nước và bùn. Đêm đến những đoàn xe nối đuôi nhau ra trận, những ánh đèn gầm kéo dài vô tận như sao xa. Còn ban ngày thì con đường hầu như không có bóng người qua lại, chỉ có vệt bụi đường đỏ lòm, dưới ánh nắng chói chang, trông xa như tấm lụa màu gạch đỏ quấn quanh những ngọn đồi khe núi và trải dài khắp nẻo núi rừng.
Các đoàn xe vận tải đều đã tìm chỗ trú ẩn trong rừng sâu để tránh máy bay. Bởi ban ngày bọn máy bay giặc Pháp quần đảo suốt ngày. Chúng phá cầu, phá đường, săn tìm những kho tàng, bãi xe để bắn phá, hễ chỗ nào khả nghi là chúng không tiếc gì bom đạn, làm cho đất đá bị cày sới lên hoặc ném bom na - pa đốt cháy cả khu rừng để bắn một chiếc xe hay bắn một tốp bộ đội hành quân, trú quân. Chỉ một làn khói mỏng trong rừng cũng có thể được hứng hàng tấn bom, chỉ một đàn vịt bay ở ruộng chúng cũng vãi xuống vài tràng liên thanh. Vì thế, chỉ có ban đêm đường bốn mốt mới là con đường sống động, con đường vui reo của những đoàn quân ra trận. Còn ban ngày, nó là con đường chết chóc, con đường im lặng âm thầm.
Vậy mà hôm nay chiếc xe Jeep Soóc đó lại dám đi trên con đường giữa ban ngày ban mặt. Chiếc xe không có mui và chỉ có bốn người ngồi. Đại tá Bằng Giang, tư lệnh quân khu Tây Bắc, một bảo vệ, một lái xe và Đen sỹ quan tham mưu, đang trên đường từ Sở chỉ huy tiền phương của quân khu về Tổng hành dinh của Bộ chỉ huy mặt trận gấp để báo cáo và nhận nhiệm vụ, theo điện khẩn của Tư lệnh mặt trận Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không một cơ quan bảo vệ nào lại để cho vị Tư lệnh quân khu ra đi giữa thanh thiên bạch nhật đầy nguy hiểm này, nhưng mãi bốn giờ sáng nay điện của Tổng hành dinh mới chuyển tới, yêu cầu đêm nay phải có mặt. Gần hai trăm kilômét đường rừng, không có phương tiện nào khác, ngoài xe ô tô đi suốt ngày đêm, may ra mới tới. Vị tư lệnh phải tự quyết định hành trình và đồng hành của mình.
Ông chỉ chọn một sỹ quan tham mưu có liên quan nhiều nhất đến trận đánh quyết định của một hướng chiến dịch còn lại là bộ ba của ông: Ông, lái xe và chiến sỹ bảo vệ.
Chiếc xe Jeep này ông lấy được ở trận đánh giải phóng Điện Biên lần thứ nhất cuối năm 1952, chiếc xe Jeep duy nhất của tên quan Tư đồn trưởng ở đây. Vốn là phụ lái xe khách trên đường Tuyên Quang - Hà Giang từ những năm trước 45, khi thu được xe, máu nghề nghiệp lại nổi lên, ông đã lên lái thử rồi chở lính đi chơi, vì chưa quen xe nên khi phanh cấp dốc làm xe lật nhào xuống ruộng bên cầu Mường Thanh, cũng may là ruộng nước và nông, nên không ai bị chết, cha con lóp ngóp bò lên, người đầy bùn đất trông như mặt giặc. Mãi sau mới tìm thấy một chiến sỹ lái xe, và chiếc xe đó mới trở thành chiếc xe chỉ huy duy nhất lúc bấy giờ. Cũng như một con ngựa cao và đẹp mã của tên đồn trưởng Mường Thanh, mà Đen đã phải sứt đầu mẻ trán với nó, mới thuần phục được nó và giao nó cho chiến sỹ giám mã của Tư lệnh.
Chiếc xe đi đến đâu, bụi đường tung mù lên đến đó, cứ như chiếc đầu tầu hoả kéo theo một vệt khói đỏ dài. Khi trời còn sớm và chưa có nắng, họ ung dung đi trên xe, vừa đi vừa trò chuyện và cả ca hát nữa rất vui vẻ.
Vì không những đây là chuyến xe đầu tiên dám đi ban ngày, mặt đối mặt với máy bay địch, mà còn là chuyến xe đầu tiên chở Tư lệnh đi trong vùng nguy hiểm, đầy thách thức, do đó không chỉ lái xe mà cả những người ngồi trên xe, kể cả Tư lệnh và chiến sỹ bảo vệ cũng phải dũng cảm và linh hoạt thì mới đi chót lọt được, đó là "Chuyến xe của những người dũng cảm"? Ai đó đã thốt lên khi vẫy chào Tư lệnh lên đường.
Tiếng đàn phong cầm của Đen nổi lên, hoà theo tiếng máy reo vui khi xe đang đi trên cao nguyên, dưới ánh bình minh rực đỏ, rồi xe lẩn vào trong mây mịt mù trên đỉnh núi, tiếng đàn vẫn vang vang như khúc nhạc của những thiên thần đang đi mây về gió. Còn gì đẹp hơn. Khi xe đi trên cao cứ vun vút, vun vút như bay trong mây, và nhìn xuống, những đám mây lơ lửng dưới chân mình, xa kia là cao nguyên, là thung lũng, là rừng xanh đang đón ánh bình minh long lanh ngũ sắc. Trước cảnh thiên nhiên tươi đẹp tấm lòng mình bỗng rộng mở hơn, tâm hồn mình cũng tươi vui, phơi phới. Họ đi trong mây, họ đi trong gió, họ đi trong nắng và họ đi trong tiếng đàn và lời ca tiếng hát rộn ràng của họ.
Đối với Đen, đó là những giờ phút anh vui sướng nhất. Vào khoảng mười giờ trưa, ấy là lúc mây mù đã tan, và ánh nắng chói chang đã bao chùm hết cả núi đồi, con đường đã ngập đầy tia nắng, cũng là lúc bọn máy bay của giặc như những bày quỷ sứ đi reo đau thương chết chóc và tàn phá con đường này. Làm cho lời ca tiếng hát của họ phải dừng lại, làm cho tinh thần của họ phải căng thẳng, luôn luôn sẵn sàng đối phó với quân thù.
- Chú ý quan sát máy bay!.
Tư lệnh Bằng Giang nhắc, và phân công cho mỗi người nhìn theo một hướng. Bởi vì không thể nghe tiếng máy bay được vì tiếng xe đã át cả đi rồi, mà phải nhìn, nhìn căng mắt để phát hiện máy bay chúng từ xa, để kịp xử lý tránh chúng.
Đó là trận đầu tiên, chiếc xe phải đương đầu với một tốp máy bay khu trục kiểu Hel cát. Trong khi mọi người đang nhìn về phía trước. Một người kêu lên:
- Đằng trước có máy bay!
- Không phải; con chim chứ!
Mọi người đang phán đoán xem chim hay máy bay thì đã thấy tiếng nổ của một băng 12,7 ly bắn xuống "Tắc, tắc, tắc..." nổ ròn trên đầu, rồi một tiếng "Xoẹt" một cái lướt qua.
- Dừng lại! Nhảy xuống ẩn nấp!
- Nó quay lại đấy!
Hai chiếc máy bay vòng lại và bắn vào vệ đường nơi chiếc xe đang dừng lại, nhưng không trúng, vì chiếc xe đứng nép vào sườn đồi.
- Cho xe chạy và nép sang bên kia!
- Bảo - Chiến sỹ lái xe liền cho xe chạy một đoạn và sang bên kia đường theo lệnh Tư lệnh. Quả nhiên bọn máy bay vòng lại bắn trúng ngay vào chỗ chiếc xe vừa đứng cách đó vài giây. Vệt đạn kéo dài theo sườn đồi - May quá!.
Trận oanh tạc kéo dài đã mười lăm phút rồi, chiếc xe cứ chạy rích rắc theo sườn đồi, làm chúng không thể bắn trúng được.
Khi chiếc máy bay lại lao xuống, Đen vội vàng lấy khẩu súng trường của chiến sỹ lái xe và cùng lính bảo vệ hô nhau bắn máy bay "Pằng pằng pằng...!".
- Hay lắm, bắn đi!
Quả nhiên chúng phải bật lên cao, lại càng bắn xe không chính xác được. Cuối cùng, hết đầu, hết đạn, còn hai quả bom, chúng liền ném chặn đường rồi cút thẳng.
Nhưng một quả bom đã rơi trúng đường đã làm cho cha con ông Tư lệnh lại phải mất thêm mười lăm phút nữa để san lấp đường và vừa đi vừa đẩy mới đưa xe qua hố bom được - Thế là thoát.
- Lên xe đi nhanh!
- Chú ý quan sát, thế nào chúng cũng còn lên...
- Để tao lái cho một đoạn!.
Tư lệnh nhảy lên ghế lái, và chiếc xe lại bon bon đi. Ông cho xe đi nhanh, làm cho mọi người chóng cả mặt, và chiếc xe xóc tung lên cao, nếu không bám chắc vào thành xe, người sẽ bị bật ra ngoài, làm cho cậu Bảo lái xe phải thốt lên:
- Từ từ thôi "Cụ" ơi!.
- Phải tranh thủ thời gian. Bọn vừa rồi về, còn phải báo cáo, phải bàn giao, rồi còn phải hạ lệnh thì tốp khác mới xuất phát được, chúng lên đây phải mất hai mươi phút nữa. Như vậy nhanh nhất cũng phải khoảng bốn lăm phút sau, tốp sau mới lên đánh tiếp được - Tư lệnh nói.
- Nhưng chúng có thể điện cho tốp khác đang ở trên trời gần đây lên luôn chứ ạ - Đen nói.
- ừ, cũng có thể như thế nữa - Tư lệnh đồng ý - Vậy tốp khác có thể đến nhanh hơn.
Quả nhiên, chiếc xe chạy chưa đầy hai mươi phút sau, thì một tốp "Si píp phai" loại cổ ngỗng, đã lao tới. Từ xa chúng đã nhìn thấy vệt bụi mù trên đường nên chúng đã bắn được ngay không cần bổ nhào.
- Máy bay! Cậu bảo vệ hốt hoảng kêu lên. Tư lệnh vội phanh xe, và ngay lập tức, ông cho xe đi lùi một đoạn, xe chui vào trong bụi mù mịt, mọi người đều phải nhắm mắt lại vì bụi. Một loạt đạn bắn trúng vào chỗ đầu xe lúc nãy, một loạt khác bắn chặn vượt lên xa hơn.
- A ha, trượt rồi! - Cậu bảo vệ lại cười. Mọi người đã nhảy ra ngoài ẩn tránh xuống vệ đường, khi máy bay còn đang vòng lại, cậu Bảo lại nhảy lên cho xe lao vào một khe núi gần đấy mà hai bên là vách núi dựng đứng. Yên trí.
- Mày có đánh đáo trúng lỗ tao mới chịu!.
Tuy nhiên chúng vòng lại bắn mãnh liệt hơn, làm cho đất đá trên núi văng ra rơi vào xe lộp bộp. Cậu Bảo chỉ sợ vỡ kính. Đen và cậu bảo vệ lại bắn máy bay làm chúng phải vọt lên cao. Lần này chúng quay lại ném bom, một quả bom nổ gần làm cho chiếc xe nẩy tung lên và những mảnh bom bắn vào xe.
- Thủng lốp rồi!
- Toác cả thùng xe ra nữa này!
Bọn máy bay cút rồi, cha con mới hì hục thay bánh xe, cũng may mới chỉ hỏng một lốp, và gõ lại thùng xe. Rồi lại vội tranh thủ lên đường. Nhưng một chiếc cầu gần đó bị gẫy, làm họ phải dừng lại lên rừng chặt cây để kê kích lại cầu, để lót vào vệt bánh xe, rồi xi nhan cho xe đi qua từng tấc từng phân một - Lại thoát rồi!
Họ phải mất hơn nửa giờ vì chiếc cầu này.
Chiếc xe lại bon bon trên đường đầy nằng và kéo theo một vệt khói bụi đỏ dài, đặc quánh và cuồn cuộn như một con rồng bay.
Lần này họ đi đến hơn một giờ mới bị bọn máy bay lại đến quấy rầy. Rút kinh nghiệm lần trước, tốp này đều không bắn vội mà lại thả bom trước để chặn đường và để cho nhẹ máy bay dễ lượn vòng và bổ nhào hơn.
Mọi người đều đã nhảy xuống xe, tìm chỗ ẩn nấp, chỉ còn một mình Bảo đang lái xe vào khe núi, một quả bom nổ gần hất tung đầu xe lên, làm Bảo bị bắn ra ngoài xe, đập đầu xuống đá ngất lịm đi, chiếc xe đâm vào vệ núi rồi chết máy. Đen vội chạy ra cõng Bảo vào nơi ẩn nấp để cho cậu bảo vệ và Tư lệnh cấp cứu chăm sóc. Thấy chiếc xe đang bị lộ ra ngoài, có khả năng bị chúng bắn hỏng. Đen liền chạy ra, nhẩy lên xe nổ máy, lùi lại xe, rồi quay đầu chạy ngược lại phía sau, làm cho bọn máy bay bổ nhào bắn chặn đầu xe bị hẫng, đạn chỉ cầy sới mặt đường phía sau xe. Bọn chúng cay cú lồng lộn quay lại và bắn rất thấp và bắn đuổi xe, lúc này mặt trời đang thuận hướng bổ nhào của chúng. "Được rồi, để xem, chúng mày xuống thấp đến đâu!" Đen nghĩ bụng như vậy và phán đoán, vòng sau nhất định chúng sẽ xuống thấp hơn để bắn cho chính xác. Rồi một hành động liều lĩnh có tính toán của anh đã bật lên. Anh cho xe lao nhanh lên một ngã ba trên dốc gần đó, rồi bất thình lình quay ngoắt xe lại 180 độ, sao cho đối diện với hướng mặt trời, cùng với chiều chiếc máy bay bổ nhào xuống. ánh mặt trời phản chiếu vào tấm kính của ô tô sáng rực như một chiếc đèn pha cực lớn, làm cho thằng giặc lái bị loá mắt không nhìn được mục tiêu nữa; cay cú giận cò bắn vào chiếc gương sáng ấy, nhưng khi hết chói thì nó mới giật mình, vội kéo cần lái lên, nhưng không kịp nữa rồi, chiếc máy bay đâm vào đỉnh núi sau đó và nổ bùng lên, cháy tan tành.
- A, máy bay rơi rồi, cho mày chết, tham thực thì cực thân! Cứ lao xuống mãi đi! - Cậu bảo vệ trẻ lại reo lên.
Chiếc thứ hai còn lại vội chuồn thẳng. Đen đánh xe về vị trí trước sự ngơ ngác của mọi người, vì không ngờ Đen cũng lái được xe, họ chưa thấy anh lái xe bao giờ. Mọi người đều vui mừng vì anh và chiếc xe vẫn an toàn. Họ phấn khởi vì chiếc máy bay bị đâm vào núi.
- Chắc nó hết xăng! - Chắc nó hám ăn lao xuống thấp quá!
- Họ phán đoán như vậy, mà không ai có thể hiểu được lý do chính xác của nó.
Tư lệnh giục mọi người phải đi ngay, tránh xa nơi chiếc máy bay cháy, kẻo chúng sẽ kéo đến "Trả thù"! - Đen lái đỡ cho Bảo một đoạn, vì Bảo còn đang mệt. Buổi chiều họ còn gặp máy địch mấy trận nữa. Vì đã có kinh nghiệm dử địch và đánh lừa địch nên họ đều tránh được chúng, duy nhất chỉ có bị đường tắc do chúng ném bom chặn đường là làm họ mất nhiều thời gian để khắc phục. Có đoạn Đen phải vào rừng huy động hàng trăm dân công ra san lấp hố bom gấp, mới cho xe của Tư lệnh qua được. Đến ngã ba Tuần giáo, chiếc xe rẽ vào mặt trận. Lúc này trời đã tối và Bảo đã khoẻ, Đen lại ngồi trên xe nhìn trời, nhìn sao, nhìn những đoàn xe ùn ùn ra trận mà lòng tràn ngập niềm vui.
Đêm giao thừa
Anh xuống xe giữa ngã ba đường, trời tối đen mù mịt, đồng chí Tư lệnh bắt tay anh rất chặt và căn dặn:
- Phải chuẩn bị khẩn trương chắc thắng. Mình tin ở cậu Đen nhé!.
- Vâng, Tư lệnh cứ yên tâm!.
Rồi chiếc xe lao đi, ánh đèn pha sáng rực cứ chạy xa dần xa dần, để lại mình anh bơ vơ ở ngã ba đường tối như bưng. Anh phải ngồi xuống một lúc để định thần, cho quen bóng tối và tìm phương hướng.
Anh bỗng nhớ lại đêm giao thừa năm trước, giờ này mình đang làm gì nhỉ, ở đâu? Anh nhớ ra rồi, có lẽ giờ này mình đang ngồi uống rượu ở nhà Tạo bản bên cạnh là hai cô gái Thái trẻ và xinh đẹp, rồi anh say rượu vì bị người ta ép anh uống và vì những nỗi buồn cô quạnh cứ xâm chiếm lòng anh, mặc dù các cô gái hết sức chiều lòng, mà anh vẫn bị say và ngủ quên đi liên tục hai ngày hai đêm liền...
Còn đêm giao thừa năm nay, anh sẽ đi đâu về đâu? Mà hiện nay anh vẫn còn đang bơ vơ trên ngã ba đường này? một ý nghĩ mơ hồ bỗng loé lên trong đầu anh: Có lẽ mười năm sau hoặc hai mươi năm sau... nếu còn sống, nghĩ về đêm giao thừa hôm nay đang ở đây, chắc hẳn mình sẽ lấy làm tự hào lắm? Rồi anh bỗng mỉm cười tự chế riễu mình! "Lẩn thẩn".
Mới đêm hôm qua và cả buổi sáng ngày hôm nay, anh được theo Tư lệnh quân khu tham dự một cuộc họp quan trọng tại Tổng hành dinh ở ngay sát mặt trận Điện Biên Phủ này. Anh đã được nghe đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh nói về tình hình địch, và quyết tâm chiến lược của ta. Anh ngồi ở hàng ghế đằng sau, dành cho các sỹ quan tuỳ tùng của các Tư lệnh, mà cứ há hốc mồm ra nghe, như nuốt từng lời. Phải chuẩn bị thật kỹ "Chắc đánh, chắc thắng". Chưa chuẩn bị xong chưa đánh, đã đánh là phải tiêu diệt, không những tiêu diệt về sinh lực của chúng mà còn tiêu diệt cả ý chí xâm lược của chúng nữa. Hướng phụ phải tạo điều kiện cho hướng chính, nhằm phân tán lực lượng địch, phân tán sự chỉ huy của chúng, nhằm tiêu hao lực lượng chúng, tạo điều kiện để hướng chính đánh một đòn là quyết định...
Anh nhớ lúc anh chuẩn bị bản đồ để giúp Tư lệnh quân khu báo cáo, với đồng chí tổng tham mưu trưởng nhưng đại tướng Tổng tư lệnh đã trực tiếp đến xem và nghe. Đại tướng còn hỏi thêm nhiều chi tiết về tình hình địch và đường xá địa hình, anh đều báo cáo bổ xung đầy đủ và trôi chảy, làm các thủ trưởng rất hài lòng và khen ngợi: "Tư lệnh quân khu có một sỹ quan tham mưu khá, biết làm việc".
Và bây giờ, anh đang trên đường trở về cái hướng phụ của anh, một hướng phụ quan trọng của chiến dịch, mà anh đã được quân khu giao nhiệm vụ trinh sát tình hình địch mấy tuần nay. Cái hướng mà sau chiến dịch Bắc Lai Châu hoàn thành, anh lại được quân khu điều ngay về đó, mà không được trở về hậu cứ nghỉ ngơi như đa số cán bộ chiến sỹ khác. Đến nỗi anh phải thất hẹn với cô Dì ở "Xóm nước mắt xã âu sầu...", không trở về để cảm ơn và thăm gia đình để nói chuyện về những người tù theo yêu cầu của gia đình cô được.
Tư lệnh quân khu lại giao nhiệm vụ cho anh trở về cái hướng phụ ấy, trực tiếp chỉ huy một đại đội chủ công của trung đoàn chủ lực quân khu, làm mũi nhọn đánh vào cái căn cứ quyết định nhất của hướng này, để đưa trung đoàn thọc sâu từ hướng Bắc xuống Mường Thanh, làm cho kẻ địch phải phân tán lực lượng đối phó, và khi tổng công kích nổ ra, thì chặn đường không cho chúng rút chạy về hướng Mường Lay...
Trên đường trở về lại Sở chỉ huy tiền phương ở Lai Châu, đồng chí Tư lệnh đã đưa anh đến ngã ba đường về hướng phụ này. Từ đây anh còn phải đi bộ một ngày đường nữa mới tới trung đoàn. Anh phải dừng lại ở đây, để mai có thể đi sớm. Trời rét quá, lại lác đác mưa phùn, nên anh không thể ngủ ngoài rừng được, anh liền bấm đen pin tìm đường vào một bản dân sơ tán gần đó, gõ cửa một gia đình xin ngủ nhờ.
Anh nhìn đồng hồ đúng mười hai giờ đêm, vừa lúc đó có tiếng pháo và tiếng súng nổ của các đơn vị bộ đội và dân công đón giao thừa ở các khu rừng xa xa, có cả súng tín hiệu xanh đỏ bắn lên, và có cả đèn dù pháo sáng nữa. Còn ở bản sơ tán nghèo này thì chỉ có những bếp lửa nhà sàn leo lắt và gió thổi qua kẽ vách phập phùng mà thôi.
Nhà anh vào là một gia đình có hai cụ già và hai đứa nhỏ, chỉ có ông già dậy mở cửa còn bà già và hai đứa nhỏ vẫn ngủ. Sau khi đốt lửa to để cho anh sưởi, ông già ngồi kể chuyện:
- Nhà cửa ở bản cũ, máy bay giặc nó bắn cháy hết rồi, mới phải sơ tán vào rừng, nhà cửa chật trội như thế này bộ đội à! Thóc lúa chúng cũng bắn cháy hết, hai ông bà già và hai đứa cháu nhỏ chỉ ăn khoai ăn sắn thôi khổ lắm bộ đội à? Ông mang một ớp sắn ra mời anh. Bộ đội ăn sắn đi, dân bản này bây giờ chỉ có sắn thôi, mời bộ đội ăn đi cho đỡ đói.
- Vâng! Bây giờ có sắn mà ăn cũng là tốt rồi ải à - Anh lấy một củ sắn ăn ngon lành - và hỏi tiếp:
- Thế các con đâu?
- Một đứa lớn đi lính Tây từ hồi trước giải phóng, đứa thứ hai đi bộ đội sau giải phóng, còn đứa con gái bị Tây ném bom chết, hai đứa con dâu đều bỏ con đi lấy chồng khác rồi. Khổ lắm bộ đội à! Hai ông bà ngoài sáu mươi tuổi rồi mà vẫn phải làm nuôi hai đứa cháu đấy bộ đội ạ.
Bỗng dưng khoé mắt Đen thấy cay cay. Ôi, cuộc đời này sao lắm nỗi khổ, chẳng nỗi khổ nào giống nỗi khổ nào. Anh trầm ngâm ngồi nhìn ngọn lửa và liên tưởng tới những cuộc đời người lính ở cả hai phía, đều để lại những nỗi đau và mất mát cho gia đình họ. Anh nghĩ đến những đêm giao thừa của anh thấm thoát đã bảy cái Tết xa nhà, xa quê hương, xa những người thân. Dòng liên tưởng của anh như ngọn lửa leo lét đang cháy giữa bếp lửa nhà sàn, lúc lại bùng lên, lúc lại lụi đi, chỉ còn là một đốm lửa nhỏ dần, nhỏ dần...
ấy là một cái Tết trong rừng đêm. Sau liên hoan giao thừa, đơn vị đã đi ngủ cả, chỉ còn lại những đôi trai gái, bạn của tâm tình, bên ngọn lửa rừng cũng leo lét như thế này, một cô gái đang ngả đầu vào anh mà thổn thức:
- Anh chẳng yêu em gì cả, ngày mai em đi rồi có bao giờ được gặp lại anh không?
Đó là một cô bé loắt choắt, mà anh cứ tưởng cô ấy chỉ độ mười ba, mười bốn tuổi thôi. Một cô bé mồ côi nghèo khổ, được bộ đội kéo đi nuôi, rồi biên chế vào bộ phận công vụ.
Nhưng thấy cô bé cũng hay hay, nước da tuy đen nhưng lại sạch sẽ và có nụ cười và hàm răng trắng rất duyên. Bà vợ ông Tư lệnh, một nữ sinh Trung Vương Hà Nội theo kháng chiến làm y tá, liền xin cơ quan lấy lên làm công vụ để bế con cho mình, để cho bà có nhiều thời gian "Khám bệnh" cho thanh niên, bởi vì ông Tư lệnh đã già ngoài năm mươi tuổi không thể đáp ứng được cái tuổi ngoài ba mươi của bà, nên thỉnh thoảng người ta lại bắt gặp bà nằm trong màn của lính để "Khám bệnh"! Để bà có nhiều thời gian nằm đọc tiểu thuyết bằng tiếng Pháp vừa đọc vừa dịch cho đức ông chồng nghe, người ta thường thấy đi đâu bà cũng mang cuốn sách "La tampête" (Cơn bão táp) của Tôn - Tôi, đọc cho các chàng trai trẻ nghe nữa, và đó cũng là cái cớ để làm các chàng trai say đắm "Bà tư lệnh" vừa đen vừa xấu vừa đa tình này.
Bên cạnh một người đàn bà như thế, cô Cúc - Tên cô gái nhỏ - làm sao mà không bị ảnh hưởng vì kích thích. Một hôm Đen đang ngồi đánh máy một tài liệu mật gấp, thì cô ta bế con Tư lệnh đến la cà xem và cứ dí cài bộ ngực bé bằng quả cam của cô vào người anh, làm anh cũng thấy hay hay nhưng anh phải đuổi cô ta đi để anh làm việc.
Rồi lần sau cô ta gửi một lá thư nhỏ cho anh, hẹn gặp anh bên bờ suối. Anh cũng cứ thử ra xem, ra đến nơi, nhìn thấy cô bé đang tắm truồng dưới suối và gọi anh xuống dậy bơi, anh từ chối và lỉnh ra về.
Rồi lần nữa, lần nữa, cô gái vẫn tìm cách hẹn hò với anh, thậm trí đến cả giường anh nằm. Nhưng anh đều lảnh tránh, bỏ sang nơi khác ngủ, hoặc đi ra xa. Không phải vì anh không muốn "Của trời cho" tự dưng đem đến đó. Nhưng ở đây tai vách mạch rừng, lại mật ít ruồi nhiều, chớ có đụng vào mà thêm tai vạ. Anh bạn Thư của anh chỉ vì hôn cô y tá Nhuận một cái mà hai người bị kiểm điểm lên kiểm điểm xuống đến mấy lần và còn bị "Theo dõi" thành kiến mấy năm trời. Anh chàng nhà thơ vườn Nắng Hồng, chỉ chót đi dòm gái Thái tắm truồng mà cũng bị kiểm điểm mãi. Huống chi là anh, một con người luôn luôn có kẻ ghen tuông đó kỵ, chỉ luôn luôn rình rập khuyết điểm của anh để hạ uy tín của anh, thì lại càng không dám dính vào những chuyện đó ở chốn đông vui này, cho dù cô gái ấy có xinh đẹp đến mấy. Và hơn nữa cái chất tiểu tư sản học sinh lãng mạng trong anh cũng hạn chế cho anh được những dục vọng tầm thường. Anh chỉ thích những chuyện yêu đương tiểu thuyết, thơ mộng và bay bổng trên những tầm cao "Bà tư lệnh" rất hợp gu với anh về thơ mộng, nhưng anh phải tránh xa, đó là một con quỷ cái, chớ có động vào!.
- Thế năm nay em bao nhiêu tuổi?
- Em mười tám tuổi rồi đấy còn ít à?
- Hả! Em mà mười tám?
- Vâng, nhà em nghèo khổ nên em còi người đó thôi.
- Trời ơi, thế mà anh cứ tưởng em mới mười ba, mười bốn tuổi.
- Thì mẹ em mười ba tuổi đã lấy chồng, mười lăm tuổi đã có con thì đã sao? - Thế mà cứ chê em bé mãi.
- Nhưng mà... anh thì to lớn mà -... em thì bé tí tẹo...
- Anh sợ... em không chịu nổi chứ gì? Bố em còn to hơn anh, mà mẹ em thì chẳng lớn hơn em là mấy đâu.
Rồi cô ấy ra đi một đơn vị khác, mà không có một "kỷ niệm sâu sắc" gì với anh, để cô ấy trách anh hoài. Đôi lúc nghĩ đến anh thấy tiếc "Món quà trời cho" đó. Nhưng nghĩ lại lại thấy mừng, càng để ít người vương vấn về mình, càng hay...
Anh cứ ngồi tưởng nhớ miên man bên bếp lửa nhà sàn, mà trời sáng lúc nào anh không biết. Trước khi chuẩn bị lên đường, anh đem cả cái kho lương thực của anh ra làm một bữa cơm liên hoan với gia đình, nhân ngày mồng một Tết gồm có: một kilôgam gạo tẻ, hai hộp thịt mỗi hộp ba lạng và một củ xu hào mà cậu bảo vệ của Tư lệnh ném cho lúc xuống xe. Còn gia đình góp thêm một nồi sắn luộc, và một bát dưa chua. Một bữa Tết đạm bạc mà đầm ấm tình gia đình. Chắc hẳn cũng đem lại cho hai người già đỡ nỗi tủi buồn trong giây phút ngày xuân này.
Suốt ngày Mồng một Tết, anh hành quân một mình, vượt đoạn đường gần ba mươi kilômét đến trung đoàn, để truyền đạt mệnh lệnh của Tư lệnh và nhận nhiệm vụ của anh.
* * *
Chuyện tỡnh cờ
ít ngày sau, Đen đã hoàn thành nhiệm vụ làm đại đội trưởng đại đội chủ công tấn công đồn chủ yếu quyết định ở hướng phụ phiá Bắc của chiến dịch. Thực hiện theo đúng ý địch của Tư lệnh quân khu và mệnh lệnh của Tổng hành dinh. Sau đó anh cùng đội hình trung đoàn đã thọc sâu vào Mường Thanh trong những ngày Tổng công kích.
Kết thúc chiến dịch Điện Biên thắng lợi. Đen lại được gọi trở về cương vị sỹ quan tham mưu của mình ở mặt trận Thượng Lào. Sau giải phóng Thượng Lào, hai tháng sau đó, anh lại được điều về tham gia chiến dịch tiểu phỉ ở khu vực núi Hoàng Liên Sơn - Lào Cai.
Anh đã gặp Lèng Nhục Chắn, một cô gái người Hoa trong trường hợp khá đặc biệt.
Trong toán phái viên đi đốc chiến tiểu phỉ của Đen lúc bấy giờ có anh và Minh - Quất. Quất là cán bộ chính trị, cấp bậc chính trị viên phó tiểu đoàn, và Đen cán bộ tham mưu, cấp bậc đại đội trưởng, do Quất phụ trách vì cấp bậc Quất hơn. Quất là lớp đàn anh hơn Đen cả về tuổi đời, tuổi Đảng, tuổi quân và lại trắng trẻo đẹp trai nữa.
Đến đâu Quất cũng phát huy được sở trường cán bộ chính trị của mình vào việc làm công tác dân vận và... tán gái chỗ nào Quất cũng khoe con bài đẹp trai và cán bộ cấp cao ra để làm cái mồi. Điều này thì Đen lép vế hoàn toàn và chịu phục tài ông anh Quất. Đen đành chịu thân phận đen đủi xấu xí như cái tên Đen của mình.
Đen đã dẫn Quất về nhà cơ sở của mình ở ven sông Hồng. Mẹ cô Dì thấy Quất cấp bậc cao hơn thì đon đả chào mời và bắt cô Dì quan tâm săn sóc phục vụ Quất hơn. Nhưng cô Dì vẫn dửng dưng làm bà phải quát tháo cô "Không được hỗn" Ngay buổi tối hôm đó Quất đã rủ Dì đi xem phim ở bãi chiếu bóng cuối làng, suốt lúc đi và trong lúc xem phin Quất đã tán tỉnh cợt nhả, cô Dì cũng tiếp chuyện lại một cách rất hóm hỉnh, làm cho Quất tưởng đối tượng đã xuôi, lúc trở về anh ta kéo Dì đi chậm lại, chờ cho mọi người về hết, mới ôm chầm lấy Dì mà hôn, mà bóp, mà sờ soạng. Nhưng "bốp, bốp", Dì đã cho anh chàng dâm đãng này hai cái tát liền, rồi vùng ra chạy về trước, không nói không rằng gì cả. Về nhà, cô gái lại vui vẻ như thường với Quất, làm cho bà mẹ không nghi ngờ gì cả nên lại càng tán vào cho anh ta, và cứ chửi bới cô Dì không biết nhìn người nhìn của. Chuyện đó mãi mấy năm sau Đen mới được một cô bạn của cô Dì nói cho nghe.
Hôm sau hai người lại đạp xe đi Lào Cai, lúc này cán bộ đi công tác đã có xe đạp để đi xa - Đến thị xã Lào Cai cần phải gửi xe đạp lại, vì đường vào Bắc Hà - Mường Khương nhiều dốc không thể đi xe đạp được nữa mà phải đi bộ. Hai người đang loay hoay tìm nhà thì một cô bé khoảng mười bốn, mười lăm tuổi khá xinh đẹp đi gánh nước, họ liền hỏi đến nghỉ nhờ, cô bé bằng lòng và mời hai anh về nhà - Em bảo, mẹ đi vắng sang bên Trung Quốc mua hàng đến tối mới về, nên hai anh lại định đi tìm nhà khác. Nhưng ngay sau đó bà mẹ đã về sớm, Đen nhận ra đó là người quen, Bà Cắm mới chuyển nhà sang đây- Bà Cắm còn trẻ nên Quất và Đen gọi bằng chị cho thân mật. Chị Cắm mời hai em ở lại và chiêu đói các em một bữa cơm Tàu rất thịnh soạn và bố trí cho hai em ngủ rất ngon lành. Nhà ở phố, lại nghèo, nên chật trội, hai mẹ con phải sang hàng xóm ngủ nhờ.
Sáng hôm sau, lại ăn một bữa cơm đàng hoàng nữa rồi hai người từ giã mẹ con chị lên đường đi bộ vào Bắc Hà, gửi xe đạp lại đây.
Nửa tháng sau trở về, Quất phát hiện chiếc xe của mình bị hỏng một chiếc pê đan, hỏi ra mới biết cô bé mượn tập xe đạp, bị ngã nên mới hỏng. Quất tỏ thái độ không bằng lòng và nói hơi nặng lời. Chị Cắm bắt con đem chữa đền hoàn chỉnh, Quất mới thôi. ăn cơm xong Quất lại bắt cô bé phải đi lấy giấy biên nhận sửa xe về đưa cho anh ta, mặc dầu anh ta không phải trả tiền để anh ta về thanh toán. Quất còn kêu mất vài cái lặt vặt nữa, làm chị Cắm bực mình phải đi mua đền để khỏi mang tiếng. Chồng bị hy sinh, chị sống bằng nghề thủ công đan cót để nuôi đứa con gái duy nhất ăn học. Ngoài chữ Hán ra, cô bé cũng đọc thông thạo tiếng Việt. Cô ta lấy cuốn nhật ký của Đen để ở ba lô gửi lại nhà ra xem và lấy làm thích thú. Không biết có phải vì những đoạn thơ, văn trong cuốn nhật ký đã chinh phục cô bé hay cái dáng người xấu trai nhưng chất phác thật thà của Đen đã quyến rũ được sự cảm tình của cô bé. Còn anh chàng đẹp trai, bẻm mép và hay tán tỉnh kia đã bị cô bé khinh bỉ và lãng quên.
ít lâu sau cô được tuyển vào đoàn Văn công Lào - Hà - Yên trong đội ca múa, là một trong những cô diễn viên được nhiều người ưa thích. Trong một đợt về thăm mẹ, cô mới thổ lộ với mẹ là cô đã yêu Đen và yêu cầu mẹ tìm Đen cho cô. Ngược lại trong suốt thời gian quen biết đó, Đen chỉ coi cô bé như một cô bé gái nhỏ và chỉ dậy cô học chữ, học đàn, học hát cho vui, mà không hề nghĩ rằng cô bé mười lăm tuổi ấy đã có cảm tình với anh và đã yêu anh lại muốn lấy anh nữa, mà anh chưa dám trả lời.
* * *
Nỗi đau xum họp
Hoà binh lập lại.Trong không khí tưng bừng của cả nước. Những người lính được lần lượt trở về quê hương. Nhiều gia đình được xum họp đông vui - Cha mẹ vợ con anh chị em gặp lại nhau, gia đình hạnh phúc. Cũng nhiều gia đình tang tóc đau buồn người ra đi không trở về, người ở lại bị ốm đau tàn tật, bởi quân giặc dã man, bởi đói khát và bởi hận thù truyền kiếp...
Riêng đối với Đen ngày trở về, vừa là vui, nhưng cũng là ngày buồn. Vui vì gặp gỡ gia đình và xóm làng mà bao nhiêu năm nay mong nhớ. Mặc dầu một nửa gia đình anh bị hy sinh mất mát, chỉ còn lại bố mẹ và một em trai nhỏ. Bố mẹ anh bị địch bắt tra tấn dã man, nên ốm đau bệnh tật, nay đã phục hồi sức khoẻ trở về.
Buồn vì cô gái thương yêu nhất đã bị bạo tàn chà đạp làm cô không giữ được niềm tin. Và cái đáng buồn hơn cả là cô vợ tảo hôn đã nửa chừng ra đi, nay lại kéo trở về. Bỏy năm trước đây, anh quyết chí ra đi để trả thù nhà đền nợ nước, ra đi để rửa mối hận thù của riêng mình và ra đi cũng để rũ cái nợ đời, gông cùm xiềng xích của nạn tảo hôn mà chế độ phong kiến đã gông vào cổ anh, mấy năm trời trước đó. Trước lúc ra đi anh đã nói cho cô Châu biết rõ điều này "Chẳng phải lỗi tại tôi mà cũng chẳng phải lỗi tại cô, hai ta chỉ đều là nạn nhân mà thôi cô hãy tìm lấy hạnh phúc của mình càng sớm càng có lợi cho cô!". Rồi anh ra đi, yên trí rằng cô cũng ra đi. Bây giờ trở về anh mới được biết bọn thằng Kiêng thôn đội lúc bấy giờ và mấy đứa trẻ trai lơ khác, không muốn cô Châu đi lấy chồng khác, mà cứ ở như thế, để chúng càng dễ đi lại chơi bời với cô, mà chúng đã chiếm đoạt cô từ ngày Đen còn bé ở nhà.
Cho đến khi nghe tin Đen chết ở mặt trận Nghĩa Lộ thì cô Châu mới bỏ nhà chồng trở về với mẹ để hy vọng đi bước nữa. Nhưng lúc này quá lứa lỡ thì và trai làng đều đã "Thông tỏ, ngọn ngành" nên chẳng còn ai lấy cô nữa. Cô đành ở với đứa em mồ côi trong túp lều trên mảnh đất của cha mẹ cô để lại. Cô chán đời nên đã chơi bời bừa bãi và người tình cũ của cô, anh chàng Kiêng đã đổ bệnh lậu cho cô, làm cô phải chữa mãi mới khỏi.
Anh chàng Kiêng phải viết giấy đầu hàng địch, nó mới cho đi bệnh viện để chữa. Chữa xong làm tay sai cho địch luôn nên bị ta bắn chết. Rồi hoà bình lập lại, cô được tin Đen vẫn còn sống, cô lại về nhà chồng, hy vọng chờ ngày đoàn tụ. Bố mẹ Đen sẵn lòng thương người và mang nỗi ân hận về lời hứa với bố mẹ cô trước kia, nên vẫn cưu mang cô và bao che cho cô những tội lỗi đã qua, kể cả bệnh tật mà cô đã chữa khỏi.
Khi Đen trở về thấy tình cảnh, bỏ thì thương vương thì tội. một cô gái đã gần ba mươi tuổi đầu còn lấy ai được nữa. Gia đình và những người xung quanh đều che dấu và vun vào cho cô những lời đẹp đẽ, nào chung thuỷ chờ chồng, nào hay lam hay làm, nào chịu thương chịu khó, nào quán xuyến mọi việc thay chồng, trông nom bố mẹ già.. Người ta hy vọng "Anh bộ đội" giầu lòng thương người sẽ sống với cô.
Quả nhiên, trong bộ đội người ta giáo dục tinh thần yêu nước, yêu nhân dân, vì nhân dân quên mình, hy sinh bản thân mình vì lợi ích của nhân dân. Trong Đảng người ta giáo dục tinh thần tiền phong gương mẫu của Đảng viên, quên mình vì mọi người, hy sinh vì lợi ích cá nhân mình để đem lại hạnh phúc cho quần chúng. Vậy cô Châu ở đây há không phải là quần chúng đang đau khổ, há không phải là nhân dân đang đau thương ư? Vậy thì người Đảng viên phải tiên phong gương mẫu, phải hy sinh quyền lợi của cá nhân mình để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, người chiến sỹ phải thương yêu nhân dân, hy sinh lợi ích của mình để phục vụ lợi ích của nhân dân.
Vì thế Đen đã phải hy sinh hạnh phúc của mình để đem lại hạnh phúc cho cô Châu, thế là thoả lòng mong ước của cô Châu, vừa lòng mong đợi của bố mẹ Đen. Người ta cảm phục tinh thần và đạo đức của anh bộ đội Cụ Hồ, người ta hoan nghênh tinh thần cao cả thuỷ chung của anh bộ đội Cách mạng... Đen chấp nhận tình duyên mà trong lòng vẫn sót xa, tâm hồn vẫn âm ỉ một nỗi đau đớn chua sót, mà anh phải kìm nén lại, luôn luôn phải lấy tinh thần Đảng viên, cán bộ, bộ đội ra để trấn an, để tự tu hàng ngày và kiểm thảo tư tưởng của chính mình.
Bởi lẽ trong quân đội người ta còn giáo dục tinh thần kỷ luật nghiêm minh "Quân lệnh như sơn" trong Đảng còn giáo dục tinh thần "Kỷ luật sắt". Người Đảng viên phải tiên phong gương mẫu để giữ gìn kỷ luật của Đảng của quân đội. Trong việc bỏ vợ bỏ chồng này chẳng có điều lệnh và điều lệ nào nói đến, mà lại còn nghiêm khắc hơn điều lệnh điều lệ. Những đôi vợ chồng tảo hôn chẳng có giấy tờ nào xác nhận, cũng chẳng có đăng ký kết hôn, nhưng tập tục phong kiến còn trói buộc con người hơn cả pháp luật hiện hành gần hàng chục hàng trăm lần.
Chả thế mà ngay cả đơn vị của Đen, có mấy cậu bỏ vợ vì nạn tảo hôn, mà đã bị Chi bộ Đảng đưa ra kiểm điểm suốt mấy ngày liền, rồi bị kỷ luật, phê bình, cảnh cáo thậm chí có cậu còn bị khai trừ nữa. Đã thế, quân đội người ta không ra quyết định kỷ luật nào cả, không giáng chức giáng cấp nhưng lại bị thành kiến, định kiến như những kẻ có tội phạm và người ta không xét khen thưởng, không xét đề bạt phong cấp phong chức chỉ vì "Cậu ấy không đủ tư cách!","cậu ấy đã bỏ vợ", "cậu ấu thiếu đạo đức"...vv.
Trong sâu xa của cõi lòng mình, Đen sợ cái điều này hơn, sợ cái kỷ luật vô hình nhưng lại giết người không gươm ấy hơn là những điều sáo rỗng về tình thương người, lòng chung thuỷ và hy sinh bản thân mình vì lợi ích của nhân dân... Anh sợ lại giống như một số bạn bè chỉ vì những chuyện chẳng ra gì này mà nửa đường đứt gánh vinh quang, rồi bất mãn, rồi phá phách, rồi trở về làm lại anh thợ cuốc thợ cày mà mang hận suốt đời.
Nếu như những năm trước đây, Đen vì nuôi chí trả thù và rửa hận mà quyết ra đi không trở về, mà quyết tâm phấn đấu không ngừng để vươn lên những đỉnh cao trong cuộc sống. Nhiều lúc anh đã phải hy sinh những tình cảm riêng tư của những cô gái bạn tình "Không mời mà đến", và không dám nhận quà tặng "của trời cho" của những thiếu nữ xinh tươi trên khắp nẻo đường, cũng chỉ vì cái kỷ luật vô hình đó.
Xung quanh anh chẳng đã đầy những cặp mắt rình mò của những kẻ ghen tuông đố kỵ trong những loại đồng cấp đồng xàng, và những ông cốp "Đạo đức giả, cơ hội, tả khuynh, chỉ rình rập để mong người ta có khuyết điểm để tố cáo, ton hót, tâng công, chỉ bới lông tìm vết, cường điệu, thổi phồng những khuyết điểm của anh để trị anh, hạ bệ anh và kỷ luật anh. Kể cả những cấp trên của anh, có những vị đã không cảm hoá được anh bằng tài ba, bằng đạo đức, thì họ lại dùng những thủ đoạn bới lông tìm vết, vạch khuyết điểm của anh để buộc anh phải khuất phục họ, có khi họ chỉ dựa vào sự ton hót của cấp dưới, của những kẻ nhỏ nhen, bịa đặt, đặt điều vu khống để trị anh, càng làm anh cho anh thêm khinh họ.
Thì bây giờ, trong chuyện cô vợ tảo hôn này, anh lại càng phải lên gân lên cốt để đấu tranh tư tưởng, để rèn luyện đạo đức, để giữ nghiêm kỷ luật, cái kỷ luật vô hình "Giết người không gươm" đó. Và anh phải sống, không phải sống vì mình, mà sống vì người khác, vì cuộc sống của người khác cái cuộc sống ấy không phải do anh được quyền tự do lựa chọn, mà do những người khác bày đặt cho, những thế lực khác áp đặt lên. Đó là tập tục phong kiến cũ, đó là cha mẹ anh, đó là những điều giáo dục không tưởng và cái kỷ luật vô hình kia luôn luôn như những cái khiên cái mộc dơ ra trước mắt anh và sẵn sàng chụp xuống đầu anh. Buộc anh phải sống không thực lòng và anh giả rối với cả chính mình, với cả lương tâm mình. Cấp trên cho anh về phép nhiều ngày, nhưng anh chỉ ở nhà có một ngày rồi lại ra đi, anh phải ngủ chung với cô Châu một đêm để tỏ ra mình thực lòng thực dạ. Rồi anh ra đi với lý do trở về đơn vị có công tác gấp, mà thực ra là anh đã trốn chạy, trốn chạy cái "Nỗi đau xum họp" này!.
Người ta được xum họp sau bao nhiêu năm xa cách đó là niềm "hạnh phúc". Còn anh sự xum họp này lại trở thành "nỗi đau". Thật trớ trêu thay!
Anh đã từng bao nhiêu năm tháng nhớ thương đợi chờ để có được ngày trở về xum họp gia đình này. Anh đã từng lặn lội vượt qua muôn ngàn cách trở trùng dương để mong được trở về nhìn thấy quê hương, nhìn thấy quê cha đất tổ, để được gặp lại mẹ cha, xum họp gia đình đông vui này. Thế mà niềm vui chưa được tận hưởng, điều mong ước chưa kịp thoả lòng, thì nỗi đau lại đến. một nỗi đau ung nhọt từ hàng chục năm nay mà anh chưa biết cắt bỏ, chưa có gan cắt bỏ, nay lại bưng tấy lên, xưng to hơn và sẵn sàng vỡ tung ra để huỷ diệt cơ thể anh, huỷ diệt cả tinh thần anh, huỷ diệt cả những khát vọng của anh. Ôi, nếu anh có thể dứt ngay đi được cho rảnh thì sao, nếu anh có thể bỏ đi tất cả mọi điều, để cắt được cái ung nhọt này, để được tự do, để được sống bằng cuộc sống của chính mình, cho dù cuộc sống đó có nghèo khổ xác xơ và tủi nhục đến đâu... Như một số người đã sống, như một số bạn bè anh đã làm.
Nhưng anh còn một mối thù chưa trả, anh còn một hận thù chưa nguôi. Anh chỉ có thể đi theo con đường anh đã chọn, anh đã nguyện thề, phải vươn lên, cao hơn, trên những kẻ thù của anh, trên đầu những nỗi nhục của anh. Do đó anh còn phải phấn đấu, phấn đấu không ngừng trên con đường mà anh đang đi. Và anh đành phải hy sinh cái "Hạnh phúc nhỏ nhen" này để nuôi chí lớn của mình!.
Anh trở về đơn vị và báo cáo với cấp uỷ với cấp trên về kết quả cuộc "Xum họp hạnh phúc" của mình. Được mọi người nhiệt liệt hoan nghênh và tán thưởng.
- Thằng cha ấy là người có đạo đức.
- Thằng cha ấy là người có tinh thần...
Và anh cũng vui sướng tự hào trước những lời tán thưởng ấy, anh cũng cảm thấy rằng cũng xứng đáng với những lời tán thưởng ấy!.
Anh biên thư từ chối những tình cảm với cô Dì, tuy hai người chưa có lời hứa hẹn gì cụ thể. Nhưng cô Dì đã hy vọng và đợi chờ anh, sâu sắc hơn những lời hẹn ước.
Để mặc cho đôi mắt cô ấy "nước mắt", để lòng cô "âu sầu" và để tâm hồn cô "chán ngán" thật sự.
Anh cũng biên thư cho chị Cắm, từ chối tình yêu của cô gái văn công trẻ tuổi xinh đẹp, con chị. Để mặc cho chị oán trách giận hờn, để mặc cho cô gái "căm thù" anh vì đã từ chối tình yêu của cô...
Cuối năm đó anh được cấp trên quan tâm chiếu cố. Anh được cử đi học lớp đào tạo cán bộ trung cao cấp và được dự kiến đề bạt cán bộ tiểu đoàn.
* * *
Nhưng một nỗi đau khác đã đến với cuộc đời của Đen. Chỉ sau cái ngày về xum họp của anh được ít lâu, tức là chỉ vào khoảng một hai tháng sau, thì cuộc cải cách ruộng đất lan về đồng bằng, lan đến quê anh, như một thứ gió chướng mà tốc độ nó như một trận bão lớn.
Không! Nếu chỉ như một trận bão thông thường lướt qua thì dù có tàn phá đến đâu, sau đó sự sống vẫn nhanh chóng được phục sinh. Nó còn tồi tệ hơn, giống như hai quả bom Mỹ thả xuống Hirôsima và Nagadaki trên đất Nhật, không những tiêu huỷ hết những gì trên mặt đất mà còn để lại những di chứng cho sự sống của xã hội lâu dài về sau, không ai có thể lường được hậu quả.
Gia đình anh bị rơi vào trung tâm của cơn bão đó. Đoàn cán bộ cải cách như những "hung thần" từ trên trời xuống. Chỉ trong một thời gian ngắn đã làm thay đổi toàn bộ, bộ mặt nông thôn, đến mức sau đó Đảng đã phải ra những nghị quyết, những chủ trương để sửa sai.
Những cuộc đấu tố, truy bức và đánh đập xẩy ra làm không khí nông thôn náo động.
Gia đình anh bị quy là địa chủ phản động, địa chủ vì cấy hơn một mẫu ruộng trong đó có năm sào tư điền và một mẫu công điền, địa chủ vì bóc lột sức lao động của nông dân, dưới hình thức là con dâu. Phản động vì có con (các anh trai) theo đảng phải thờ mấy ông Tây (Mác - Lênin), làm tới chức huyện uỷ viên, dẫu cho các anh bị Tây bắn chết mặc lòng! Phản động vì bố mẹ anh là cơ sở Cách mạng, cơ sở kháng chiến! Bố mẹ anh đào hầm bí mật giấu cán bộ, mẹ anh làm liên lạc bí mật cho chi bộ xã, mặc dù bố mẹ anh đều bị Tây bắt, đánh đập tra tấn và cầm tù. Phản động còn vì có con là anh đi lính cho "đế quốc" làm tới sỹ quan.
Trong số những cốt cán mới ở địa phương đó, có cô Châu "người vợ yêu quý" của anh, mà anh mới nối lại tình yêu trong một ngày ngắn ngủi vừa qua. Người ta bắt rễ, xâu chuỗi vào cô, và cô đã nhanh chóng trở thành một cốt cán tích cực nhất. Còn tích cực hơn cả thời kỳ là đội viên du kích đánh Pháp. Người ta động viên cô đứng lên đấu tố bố mẹ anh trước đình làng, một ông bố, một bà mẹ đã thương yêu cô, coi cô như con đẻ trong suốt mười năm trời. Người ta bắt cô phải ly dị với anh và cắt đứt quan hệ với gia đình anh để được kết nạp vào Đảng. Cô ta tự giác tuân theo, trở thành một bí thư chi bộ tích cực và nổi tiếng trong vùng.
Bố mẹ bị xử bắn để làm gương cho những địa chủ ngoan cố khác. Gia đình anh bị tịch thu toàn bộ tài sản chia cho nông dân...
Thật là "Hoạ vô đơn chí", đau khổ này nối tiếp đau khổ khác, tủi cực này nối tiếp tủi nhục kia. Cái ung nhọt mà anh đã phải đeo đẳng mười năm trời nó đã tự bùng lên, vỡ tung ra, để anh thoát khỏi "Nỗi đau xum họp".
Nhưng nó lại làm cho anh mất mát, đau đớn hơn, gấp hàng trăm, hàng nghìn lần, mà mãi mãi sau này không bao giờ lấy lại được.
Ngay sau đó, đang học ở trường trung cao cấp. Đen được gọi trở về đơn vị, người ta huỷ quyết định đề bạt và tạm thời điều anh về làm đội trưởng sản xuất ở nông trường Mường Sài, một nông trường gần sát biên giới.
Một lần nữa, Đen lại khoác ba lô lên đường về "Trại cải tạo" của riêng mình. Năm ấy anh vừa tròn hai mươi tuổi./.
Phủ Lý ngày 27/10/1990
Yên Bái ngày 16/11/1990
Đồ Sơn ngày 10/12/1990