For friends... do but look upon good Books: they are true friends, that will neither flatter nor dissemble.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Nguyên tác: Disgrace
Dịch giả: Thanh Vân
Biên tập: Hoa Dinh
Upload bìa: Hoa Dinh
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1076 / 18
Cập nhật: 2017-04-06 08:43:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
ai con cừu non buộc cạnh chuồng suốt ngày, trên con đường đất trần trụi. Tiếng kêu be be dai dẳng và đơn điệu của chúng làm ông khó chịu. Ông đi tìm Petrus, anh ta dựng chiếc xe đạp ở hàng rào và đang làm việc.
- Anh có nghĩ là nên buộc những con cừu ở chỗ nào đấy cho chúng gặm cỏ không?
- Chúng để dành cho bữa tiệc – Petrus nói – Thứ Bảy này tôi sẽ giết thịt chúng để làm tiệc. Ông và Lucy nhất định đến nhé – Anh ta lau sạch hai bàn tay – Tôi mời ông và cô Lucy đến dự tiệc.
- Vào thứ Bảy?
- Vâng, tôi đãi tiệc vào thứ Bảy tới. Một bữa tiệc lớn.
- Cảm ơn anh. Nhưng dù lũ cừu có dùng cho bữa tiệc cũng phải cho ăn cỏ chứ?
Một giờ sau lũ cừu vẫn ở đấy, vẫn kêu be be buồn thảm. Chẳng thấy tăm hơi Petrus đâu. Tức điên lên, ông tháo dây và dắt chúng đến cạnh đập, nơi cỏ thừa mứa.
Lũ cừu uống mãi nước, rồi mới ung dung gặm cỏ. Chúng là giống cừu Ba Tư mặt đen, giống nhau cả về kích thước, những vết loang, thậm chí cả các động tác. Rất có thể chúng sinh đôi, cùng chung số phận sinh ra cho lưỡi dao đồ tể. Đúng vậy, chuyện đó có gì đáng kể đâu. Một con cừu có bao giờ sống đến tuổi già được đâu? Cừu không thuộc về mình, cả cuộc sống của chúng cũng không. Chúng tồn tại để bị sử dụng, từng lạng da thịt của chúng để ăn, xương nghiền làm thức ăn nuôi gia cầm. Chẳng có gì thoát, trừ túi mật chẳng ai ăn nổi. Descartes[10] đã suy ngẫm vấn đề này. Linh hồn chúng lơ lửng trong bóng tối, lẩn lút, đắng hơn mật.
- Petrus mời chúng ta đến ăn tiệc – ông bảo Lucy – Sao anh ta lại làm tiệc?
- Con đoán vì chuyện nhượng đất. Nó sẽ chính thức diễn ra vào ngày đầu tháng sau. Đây là một ngày trọng đại với anh ta. Ít nhất chúng ta cũng nên có mặt và có quà tặng họ.
- Anh ta định mổ hai con cừu. Bố không nghĩ mua hai con cừu lại phải đi quá xa đến thế.
- Petrus keo kiệt từng xu. Ngày xưa ắt hẳn anh ta phải là một chàng đần.
- Bố không chắc đã thích kiểu hành xử của anh ta – đem những con vật sắp giết về nhà để chúng làm quen với những người sắp ăn thịt chúng.
- Thế bố thích như thế nào hơn? Thích giết mổ ở lò sát sinh, để bố đỡ nghĩ ngợi chứ gì?
- Đúng.
- Bố hãy tỉnh táo lên, David. Đây là nông thôn. Đây là châu Phi.
Dạo này Lucy hay gắt gỏng, ông không biết biện giải ra sao. Thông thường, ông đáp lại bằng cách rút vào im lặng. Có nhiều lúc hai bố con như những người xa lạ trong cùng một ngôi nhà.
Ông tự nhủ phải kiên nhẫn, rằng Lucy vẫn đang phải náu mình trong bóng cuộc tấn công, đây là thời gian cần thiết trước khi cô hồi phục. Nhưng liệu ông có lầm không? Nhỡ sau một cuộc tấn công như thế, con người không thể phục hồi thì sao? Biết đâu cuộc tấn công ấy lại chẳng biến thành cuộc khác và con người còn độc ác với nhau hơn?
Còn có một lời giải thích tồi tệ hơn cho tính khí của Lucy mà ông không muốn nghĩ tới.
- Lucy – ngày hôm ấy, ông hỏi, hoàn toàn bất ngờ – Con không có gì giấu bố đấy chứ? Con không vớ phải cái gì của bọn đàn ông ấy sao?
Cô đang ngồi trên xô pha, mặc bộ pyjama và áo choàng ngủ, chơi đùa với con mèo. Lúc đó đã quá trưa. Con mèo non, linh lợi, bất kham. Lucy đung đưa cái thắt lưng áo trước mặt nó. Con mèo nhanh nhẹn đập những cái chân có móng vào cái thắt lưng, một – hai – ba – bốn.
- Đàn ông? – cô nói – Đàn ông nào? – Cô kéo cái thắt lưng sang một bên, con mèo bổ theo sau.
Đàn ông nào? Tim ông ngừng đập. Con gái ông hóa điên rồi chắc? Cô không còn nhớ gì sao?
Nhưng hình như cô đang trêu ông.
- David, con không còn là một đứa bé nữa. Con đã gặp bác sĩ, đã làm nhiều thứ xét nghiệm, làm tất cả những gì người ta thấy là cần thiết. Bây giờ con chỉ có thể đợi mà thôi.
- Bố hiểu. Nhưng con nói đợi là đợi cái mà bố nghĩ là con định ám chỉ phải không? - Vâng.
- Độ bao lâu?
Cô nhún vai:
- Một tháng. Ba tháng. Lâu hơn. Khoa học không đặt giới hạn phải đợi bao lâu. Có khi là mãi mãi.
Con mèo vồ phắt lấy cái thắt lưng, nhưng trò chơi lúc này đã chấm dứt.
Ông ngồi xuống cạnh con gái; con mèo nhảy khỏi chiếc xôpha và oai vệ đi ra. Ông cầm lấy tay cô. Lúc này ông rất gần cô, một mùi ôi ôi, không tắm rửa ùa vào mũi ông. Ông nói:
- Chí ít cũng sẽ không phải là mãi mãi, con yêu quý của bố ạ. Con không cần đến thế đâu.
Lũ cừu ở suốt phần ngày còn lại gần đập, nơi ông buộc chúng. Sáng hôm sau chúng lại trở lại con đường mòn cằn cỗi cạnh chuồng.
Có lẽ chúng còn hai ngày nữa, đến sáng thứ Bảy. Dường như đây là một cách kinh khủng để trải qua hai ngày cuối cùng trong đời. Lucy gọi những thứ như thế này là lề thói của thôn dã. Ông có những từ khác: sự thờ ơ, sự nhẫn tâm. Nếu thôn quê có thể xét đoán lề thói thị thành, thì thành phố cũng có thể làm thế với lề thói thôn quê.
Ông nghĩ đến việc mua cừu của Petrus. Anh ta đã thực hiện ra sao nhỉ? Petrus chỉ dùng tiền mua những con vật mới này để giết thịt, còn túi tiền lại là việc khác hẳn. Chẳng lẽ anh ta không làm gì với những con cừu mua bằng lao động cực nhọc này? Để chúng nhởn nhơ trên đường ư? Hay nhốt chúng vào chuồng chó rồi nuôi chúng bằng cỏ khô?
Không hiểu sao ông thấy giữa ông và hai con cừu Ba Tư nà nẩy sinh một mối quan hệ. Không phải là thương yêu. Cũng không phải vì chúng có gì đặc biệt, ông chẳng thấy chúng khác gì lũ cừu trên đồng. Nhưng dù sao mặc lòng, thật bất ngờ và chẳng có lý do gì, số phận của chúng trở nên có ý nghĩa với ông.
Ông đứng trước chúng, dưới ánh mặt trời, đợi cho tiếng vo vo trong đầu ông yên hẳn, đợi một tín hiệu.
Một con ruồi đang cố bò vào trong tai một con cừu. Cái tai giật giật. Con ruồi bay đi, lượn vòng rồi trở lại, đậu lên lần nữa. Cái tai lại giật giật.
Ông tiến lên một bước. Lũ cừu khó chịu lùi lại, căng hết sợi dây.
Ông nhớ đến cảnh Bev Shaw nựng nịu con dê đực già có bìu dái bị thương, vuốt ve nó, an ủi nó, thông cảm với nó. Bà ta làm thế nào mà có được sự cảm thông như thế với động vật nhỉ? Ông không có một số thủ thuật đó. Có lẽ càng ít những điều phức tạp, con người càng dễ tốt hơn chăng.
Mặt trời đập lên mặt ông toàn bộ ánh huy hoàng của mùa xuân. Ông nghĩ, hay mình đã thay đổi? Hay mình đã thành một người như Bev Shaw?
Ông nói với Lucy:
- Bố đang nghĩ đến bữa tiệc của Petrus. Tóm lại, bố thấy không đến thì hơn. Liệu thế có khiếm nhã không?
- Có dính dáng đến việc giết thịt lũ cừu hay sao, bố?
- Có. À không. Bố không thay đổi ý nghĩ, nếu con định ám chỉ điều đó. Bố vẫn không tin động vật có cuộc sống cá nhân hoàn toàn đích đáng. Chúng sống hay chết, bố đều thấy chúng quằn quại khổ sở. Tuy nhiên...
- Tuy nhiên gì?
- Tuy nhiên, bố thấy lúng túng trong trường hợp này. Bố không thể nói vì sao.
- Vâng, Petrus và khách khứa của anh ta chắc chẳng từ chối những miếng thịt cừu vì kính trọng bố và sự nhạy cảm của bố đâu.
- Bố không yêu cầu như thế. Bố chỉ thấy không đến dự tiệc thì hơn, không phải lần này. Bố xin lỗi. Bố chẳng bao giờ hình dung câu chuyện lại kết thúc kiểu này.
- Chúa Trời mủi lòng thương theo nhiều cách bí ẩn, David. - Đừng chế nhạo bố.
Thứ Bảy là ngày đi chợ, trời lờ mờ.
- Chúng ta có đi chợ không? – ông hỏi Lucy. Cô nhún vai:
- Tùy bố – cô nói. Ông không đến quầy hàng.
Ông không hỏi về quyết định của cô; thực ra, ông nhẹ cả người.
Công việc chuẩn bị cho bữa tiệc nhà Petrus bắt đầu vào giữa trưa thứ Bảy, một nhóm năm, sáu phụ nữ khỏe mạnh, ăn mặc tươm tất như đi lễ nhà thờ đến. Họ đốt một đống lửa đằng sau chuồng. Ngay sau đó, một mùi khó chịu của những đồ thừa đang luộc lan trong gió, căn cứ vào đó ông đoán việc ấy đã xong, cả hai con, và thế là hết.
Ông có nên thương tiếc không nhỉ? Thương tiếc những sinh vật chẳng biết tự thương mình có phải là hợp thức không? Nhìn sâu vào nội tâm, ông chỉ thấy một nỗi buồn mơ hồ.
Quá gần, chúng ta sống quá gần Petrus, ông nghĩ. Giống như chia sẻ một mái nhà với những người xa lạ, chia sẻ những tiếng động, chia sẻ mùi vị.
Ông gõ cửa phòng Lucy:
- Con có muốn đi dạo không? – ông hỏi.
- Cảm ơn bố, không ạ. Bố dẫn Katy đi.
Ông dắt con chó bun, nhưng nó chậm chạp và hờn dỗi đến mức ông phát cáu, đuổi nó về nông trại và đi nhanh theo con đường mòn dài tám cây số, cố làm cho mình mệt nhoài.
Đến năm giờ, khách khứa bắt đầu đến bằng xe buýt, taxi, đi bộ. Ông theo dõi sau tấm rèm nhà bếp. Phần lớn trạc lứa tuổi chủ nhà, ù lì, khỏe khoắn. Có một bà già được đón tiếp đặc biệt om xòm: mặc complê màu xanh lơ và sơmi màu hồng chói mắt, Petrus xuống tận con đường mòn chào đón bà ta.
Trời tối trước khi một vị khách trẻ hơn xuất hiện. Tiếng chuyện trò khe khẽ, tiếng cười và tiếng nhạc vẳng trong làn gió britzơ, loại nhạc đã gắn bó ông với Johannesburg suốt thời trai trẻ. Hoàn toàn dễ chịu, ông tự nhủ, thậm chí còn thú vị nữa.
- Đến giờ rồi – Lucy nói – Bố có đi không?
Cô mặc một bộ váy dài đến đầu gối và đi giày cao gót, đeo chuỗi hạt bằng gỗ sơn rất hợp với đôi hoa tai, trông thật khác thường. Ông không chắc ông có thích mục đích ấy không.
- Thôi được, bố sẽ đi. Bố xong rồi.
- Bố không có bộ complê nào ở đây ư? - Không.
- Ít nhất bố cũng nên thắt cà vạt.
- Bố tưởng chúng ta đang ở nông thôn.
- Mọi người đều có lý do để ăn mặc chỉnh tề. Đây là một ngày trọng đại trong đời Petrus.
Cô mang theo một chiếc đèn pin nhỏ. Họ đi lên con đường mòn dẫn đến nhà Petrus, cha và con tay khoác tay, cô soi đường, ông mang tặng phẩm.
Đến cửa họ đứng lại, mỉm cười. Không thấy Petrus đâu, nhưng một cô gái nhỏ mặc áo dạ hội tiến đến dẫn họ vào.
Chiếc chuồng ngựa cũ kỹ không sàn, không trần, nhưng rộng rãi và ít nhất còn có điện. Những ngọn đèn có chao và nhiều bức tranh trên tường (những bông hướng dương của Van Gogh, một phu nhân của Trechiakov mặc áo xanh lơ, Jane Fonda trong trang phục Barbarella, bác sĩ Khumaloi ghi bàn thắng ở khung thành) làm giảm hẳn vẻ ảm đạm.
Họ là những người da trắng duy nhất. Một vũ điệu theo nhạc jazz cổ của Phi châu mà ông đã từng nghe. Những cái liếc nhìn tò mò ném lên người hai bố con, hoặc có lẽ chỉ vào cái mũ băng trắng của ông.
Lucy quen biết một vài người phụ nữ. Cô bắt đầu giới thiệu. Lúc đó Petrus xuất hiện bên cạnh họ. Anh ta không đóng vai ông chủ nhà sốt sắng, không mời họ uống, nhưng nói:
- Không còn chó nữa. Tôi không còn là người nuôi chó nữa – Lucy coi đó là một câu đùa; có vẻ như tất cả mọi người cũng coi như thế.
- Chúng tôi có chút quà tặng anh – Lucy nói – nhưng có lẽ nên đưa cho chị ấy. Thứ này dùng cho ngôi nhà.
Petrus gọi vợ từ khu nhà bếp – nếu có thể gọi chỗ đó như thế. Lần đầu tiên ông nhìn chị ta gần như thế. Chị ta còn trẻ – trẻ hơn Lucy – bộ mặt trông ưa nhìn hơn là xinh đẹp, vẻ bẽn lẽn, rõ ràng là đang có mang. Chị ta bắt tay Lucy nhưng không bắt tay ông, cũng không nhìn vào mắt ông.
Lucy nói đôi lời bằng tiếng Xhosa và đưa gói quà tặng cho chị ta. Lúc này có khoảng năm, sáu người xúm quanh họ để xem.
- Để cô ấy mở ra đã – Petrus nói.
- Vâng, để chị ấy mở ra – Lucy nói.
Cẩn thận, khó nhọc để không làm rách tờ giấy gói đẹp đẽ in hình những chiếc đàn măng đô lin và cành nguyệt quế, người vợ trẻ mở gói quà. Một mảnh vải có họa tiết Ashanti khá hấp dẫn.
- Cảm ơn – chị ta nói khẽ bằng tiếng Anh.
- Đây là một tấm khăn trải giường – Lucy giải thích cho Petrus.
- Lucy là ân nhân của chúng tôi – Petrus nói; sau đó, nói với Lucy – Cô là ân nhân của chúng tôi.
Ông thấy từ đó thật đáng ghét, hai nghĩa và khá chua ngoa. Nếu như anh ta biết là thứ ngôn ngữ anh ta nói với vẻ tự tin đến thế thật sáo mòn như bị mối ăn ruỗng từ bên trong. Chỉ có các đơn âm là còn nghe thấy, thậm chí nghe cũng không hết.
Ông đã làm những gì nhỉ? Ông, cựu giáo sư thông tin chẳng thấy được gì. Chẳng phải là thứ bắt đầu từ ABC. Đến lúc những lời lẽ huênh hoang khoác lác được xây dựng lại, thanh lọc, thích hợp để sử dụng lần nữa, ông thà chết còn hơn.
Ông rùng mình như một con ngỗng dẫm lên cỏ.
- Đứa bé – bao giờ chị sinh cháu? – ông hỏi vợ Petrus.
Chị ta nhìn ông không hiểu.
- Đến tháng Mười – Petrus xen vào – Đứa trẻ sẽ ra đời vào tháng Mười. Chúng tôi hy vọng là con trai.
- Ồ. Anh chị không thích con gái?
- Chúng tôi cầu cho có con trai – Petrus nói – Con đầu lòng là trai bao giờ cũng tốt nhất. Sau này nó có thể dạy dỗ các em gái, dạy chúng cư xử ra sao. Vâng – Anh ta ngừng lại – Nuôi con gái tốn kém lắm – Anh ta xoa xoa ngón tay cái vào các đầu ngón tay khác – Lúc nào cũng tiền, tiền, tiền.
Đã lâu lắm ông mới thấy cử chỉ đó. Người Do thái ngày xưa hay nói: tiền – tiền – tiền, với cái hếch đầu đầy ý nghĩa. Nhưng có lẽ chỉ vì Petrus ngây ngô, ít hiểu biết về phong tục châu Âu.
- Con trai cũng tốn kém chứ – ông nhận xét, góp vào câu chuyện.
- Bố phải mua cái này, bố phải mua cái nọ – Petrus nói tiếp, và đang đà nên chẳng nghe ông nói – Ngày nay, đàn ông chẳng cần trả tiền cho đàn bà. Em trả – Anh ta giơ tay lên trên đầu vợ; chị ta nhún nhường cụp mắt xuống – Em trả. Nhưng đấy là kiểu cũ. Quần áo, các thứ đồ đẹp đẽ, tất cả đều như nhau: trả tiền, trả tiền, trả tiền – Anh ta lặp lai động tác xoa xoa ngón tay – Không, con trai hay hơn. Trừ con gái ông. Con gái ông lại khác. Con gái ông giỏi giang như con trai. Gần bằng! – Anh ta cười ré lên – Này, Lucy!
Lucy mỉm cười, nhưng ông biết cô đang lúng túng.
- Con đi khiêu vũ đấy – cô nói khẽ, rồi bỏ đi.
Trên sàn, cô khiêu vũ một mình, hình như vũ điệu ấy đang là mốt. Cô nhanh chóng cặp với một thanh niên cao, chân tay lòng khòng, ăn mặc đỏm dáng. Anh ta nhảy đối diện cô, bật ngón tay tanh tách, tán tỉnh cô, làm cô bật cười.
Những người phụ nữ từ bên ngoài bắt đầu bưng các khay thịt nướng vào. Không gian tràn ngập mùi thơm ngon. Một nhóm khách mới ùa vào, trẻ trung, ầm ĩ, sinh động, không theo kiểu cũ chút nào. Bữa tiệc đi dần vào nếp.
Một đĩa thức ăn đưa đến tay ông. Ông chuyển cho Petrus.
- Không – Petrus nói – đĩa này của ông. Nếu không, chúng tôi chuyển đĩa suốt đêm mất.
Vợ chồng Petrus dành nhiều thời gian cho ông, làm ông cảm thấy như ở nhà. Những người tử tế, ông nghĩ. Những người nông thôn.
Ông liếc xéo Lucy. Lúc này anh chàng kia nhảy áp sát Lucy, nhấc chân lên cao và dậm xuống, tay đung đưa, thích thú.
Đĩa ông đang cầm có hai lát thịt cừu, một củ khoai tây nướng, một muôi cơm rưới nước sốt, một lát bí ngô. Ông tìm một cái ghế, ngồi chung với một ông già gầy giơ xương, mắt đầy nhử. Mình sắp ăn thứ này đây, ông tự nhủ. Mình sắp ăn thịt nó rồi lại cầu xin tha thứ.
Lúc đó Lucy đến bên ông, thở dồn, nét mặt cô căng thẳng. - Chúng ta về chứ bố? – cô nói – Chúng đang ở đây.
- Ai đang ở đây?
- Con nhìn thấy một đứa trong bọn chúng ở phía sau. David, con không muốn gây chuyện ầm ĩ, nhưng chúng ta có thể về ngay được không?
- Con cầm lấy – Ông đưa đĩa cho cô, rồi đến bên cửa sau.
Khách khứa ở bên ngoài cũng nhiều như ở bên trong, túm tụm quanh đống lửa, nói chuyện, uống rượu, cười cợt. Bên kia đống lửa có một người đang nhìn ông chòng chọc. Ngay lập tức mọi việc đâu vào đấy. Ông biết bộ mặt ấy, biết tường tận. Thật đáng tiếc, trong một ngày như thế này. Nhưng có một số việc không đợi được.
Đến trước mặt gã thiếu niên, ông đứng lại. Đây là kẻ thứ ba trong bọn chúng, thằng ranh học việc đần độn, thằng trêu chó.
- Tao biết mày – ông nói một cách dứt khoát.
Gã thiếu niên không có vẻ thảng thốt. Ngược lại, hình như gã chờ đợi khoảnh khắc này, chuẩn bị sẵn cho nó. Tiếng ông quánh lại vì giận dữ:
- Mày là ai? – ông nói, nhưng lời lẽ có một nghĩa khác hẳn: Mày có quyền gì mà đến đây? Cả người ông toát ra sự thô bạo.
Lúc đó Petrus đến chỗ họ, nói rất nhanh bằng tiếng Xhosa.
Ông giật tay áo Petrus. Petrus ngừng lại, nhìn ông chằm chặp vẻ sốt ruột.
- Anh biết người này là ai không? – ông hỏi Petrus.
- Không, tôi không biết có chuyện gì – Petrus nói, giận dữ – Tôi không biết có chuyện rắc rối. Chuyện gì thế?
- Hắn – thằng cha này – đã ở đây hồi trước, với những thằng bạn của hắn. Hắn là một đứa trong bọn chúng. Nhưng hãy để cho hắn kể xem có chuyện gì. Để hắn nói vì sao cảnh sát truy tìm hắn.
- Không đúng! – gã kia la lên. Gã lại nói với Petrus, một dòng suối những lời giận dữ. Tiếng nhạc vẫn trải khắp màn đêm, nhưng không người nào khiêu vũ nữa. Các vị khách của Petrus xúm lại quanh họ, xô đẩy, chen lấn, chen lời. Bầu không khí thật tồi tệ.
Petrus nói:
- Cậu ta nói cậu ta không biết ông đang nói gì.
- Hắn nói dối. Hắn biết rất rõ. Lucy sẽ xác nhận.
Nhưng tất nhiên Lucy không xác nhận. Làm sao ông có thể mong Lucy bước ra trước những người lạ, đối mặt với gã kia mà nói rằng: Đúng, hắn là một kẻ trong bọn chúng. Hắn là một trong những tên đã làm việc ấy?
- Tôi sẽ gọi điện cho cảnh sát – ông nói.
Có tiếng xì xào phản đối trong những người đứng xem.
- Tôi sẽ gọi điện cho cảnh sát – ông nhắc lại với Petrus. Mặt Petrus cứng như đá. Ông trở vào trong nhà, nơi Lucy đang đứng đợi. Tất cả lặng ngắt.
- Đi thôi – ông nói.
Khách khứa tránh đường cho họ. Trên mặt họ không còn chút gì thân thiện. Lucy để quên chiếc đèn pin, hai bố con lạc đường trong đêm tối; Lucy phải cởi giầy, họ mò mẫm qua các luống khoai tây rồi mới về đến trang trại.
Ông đã cầm máy điện thoại trong tay thì Lucy ngăn ông lại:
- David, đừng, bố đừng làm thế. Không phải lỗi của Petrus đâu. Nếu bố gọi cảnh sát, sẽ làm hỏng buổi tối này của anh ta. Hãy biết điều, bố ạ.
Ông sửng sốt, sửng sốt đủ để quay lại con gái:
- Chúa ơi, tại sao lại không phải là lỗi của Petrus? Chính hắn là người đưa bọn chúng đến lần đầu, bằng cách này hoặc cách khác. Lúc này hắn lại mặt dạn mày dày mời những tên ấy lại. Sao bố lại phải biết điều? Lucy, bố thực lòng không hiểu vì sao con không thực sự buộc tội chống lại chúng, và bây giờ không hiểu nổi vì sao con lại bảo vệ Petrus. Petrus không phải người vô tội, Petrus đồng lõa với bọn chúng.
- Bố đừng quát con, David. Đây là cuộc sống của con. Con mới là người sống ở đây. Sẽ xảy ra chuyện gì cho công việc của con, chỉ của mình con thôi chứ không phải của bố, và nếu con có một thứ quyền duy nhất thì đó là quyền không đưa ra phán xử kiểu như thế này, không phải biện minh với bản thân con, với bố hoặc với bất cứ ai khác. Còn về Petrus, anh ta không phải là nhân công làm thuê để con có thể sa thải, vì theo ý kiến của con, anh ta dính dáng với những kẻ tồi tệ. Mọi thứ đã cuốn ttheo chiều gió rồi. Nếu bố muốn chống lại Petrus, bố phải tin chắc vào cơ sở lập luận của bố trước đã. Bố không thể gọi cảnh sát. Con không muốn thế. Bố hãy đợi đến sáng. Đợi cho đến lúc bố nghe chuyện về phía Petrus.
- Nhưng đến lúc ấy thằng kia sẽ biến mất!
- Hắn không biến đi đâu. Petrus biết hắn. Vả lại, chẳng có ai biến mất ở cái đất Eastern Cape này đâu. Nơi này không phải thuộc loại ấy.
- Lucy, Lucy, bố xin con! Con muốn dàn xếp những chuyện bất công trong quá khứ, nhưng không làm thế này được. Nếu lúc này con không tự ủng hộ mình, con sẽ chẳng bao giờ có thể ngẩng đầu lên nữa. Cũng như con có thể đóng gói và ra đi. Về phía cảnh sát, nếu lúc này con quá khó xử, chúng ta sẽ không bao giờ dính dáng đến họ nữa. Chúng ta sẽ giữ im lặng và đợi cuộc tấn công tiếp theo. Hoặc tự cắt cổ mình.
- Dừng lại, bố! Con không cần tự bào chữa trước mặt bố. Bố không biết đã xảy ra chuyện gì đâu.
- Bố không biết ư?
- Không, bố không biết lúc bắt đầu. Bố thôi đi và suy nghĩ. Về phần cảnh sát, trước hết con xin nhắc bố vì sao chúng ta gọi họ: vì ích lợi của hợp đồng bảo hiểm. Chúng ta phải làm bản tường trình vì nếu không, bảo hiểm sẽ không chi trả.
- Lucy, con làm bố hết sức ngạc nhiên. Bản tường trình đó là không đúng sự thật, và con biết thế. Về phần Petrus, bố nhắc lại: nếu lúc này con nhân nhượng, nếu con chịu thua, con sẽ không có khả năng chung sống với bản thân mình. Con phải có trách nhiệm với bản thân, với tương lai, với lòng tự trọng của con. Cứ để bố gọi cảnh sát. Hoặc con tự gọi.
- Không.
Không: đó là từ cuối cùng Lucy nói với ông. Cô rút về phòng mình, đóng cửa lại, ngăn ông ở bên ngoài. Từng bước một, ông và cô cứ tách xa nhau và ông không thể làm gì. Những cuộc cãi vã của hai bố con ông trở nên giống những cuộc cãi nhau vặt của một cặp vợ chồng, mắc kẹt mà chẳng đi đến đâu. Ắt cô phải ân hận cái ngày ông đến ở cùng với cô! Chắc cô phải mong ông ra đi, sớm chừng nào hay chừng ấy.
Rồi cuối cùng cô cũng sẽ phải đi thôi. Là phụ nữ sống lẻ loi ở nông trại, cô chẳng có tương lai, rõ ràng là như thế. Ngay cả những ngày có Ettinger với khẩu súng của ông ta và hàng rào dây thép gai cùng hệ thống báo động cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nếu Lucy có một linh cảm nào đó, cô sẽ ra đi trước khi điều không thể tránh được xảy đến cho cô, còn tệ hơn cả định mệnh, tệ hơn cả cái chết. Nhưng tất nhiên cô không ra đi. Cô bướng bỉnh và mải mê trong cuộc sống cô đã lựa chọn.
Ông lẻn ra khỏi nhà. Bước thận trọng trong đêm tối, ông đến sát chuồng ngựa, từ phía sau.
Đống lửa lúc này đang lụi dần, âm nhạc đã ngừng. Một nhóm người vẫn túm tụm ở cửa sau, cái cửa rộng đủ lọt một cỗ máy kéo. Ông chăm chú nhìn qua đầu họ.
Một vị khách, một người đàn ông trung niên đứng giữa sàn. Đầu ông ta cạo trọc, cổ to và ngắn; ông ta mặc một bộ complê đen, quanh cổ là một dây xích bằng vàng đeo một tấm huy chương to bằng nắm đấm, loại các tù trưởng được ban như một biểu tượng quyền lực. Những thứ biểu trưng được đúc tại các lò ở Coventry hoặc Birmingham; một mặt in hình đầu Nữ hoàng Victoria; nữ hoàng và hoàng hậu, mặt kia là hình con linh dương đầu bò hoặc những con cò quăm đang chồm lên. Các huy chương dùng cho các tù trưởng. Tất cả chở từ Anh đến Nagpur, Fiji, Gold Coast, Kaffraria.
Người ấy đang nói, đang diễn thuyết, chốc chốc lại lên bổng xuống trầm. Ông không hiểu người đàn ông nói gì, nhưng thỉnh thoảng lại ngừng và có tiếng rì rầm tán thưởng trong đám thính giả, cả già lẫn trẻ, một tâm trạng mãn nguyện dường như đang ngự trị.
Ông nhìn quanh. Gã thiếu niên đứng gần đó, ngay trong cánh cửa. Cái nhìn của gã lướt một cách bồn chồn về phía ông. Những cặp mắt khác cũng quay về phía ông: về phía người lạ, người đã bỏ ra ngoài. Người đàn ông đeo huy chương cau mày, nói ấp úng một lát rồi lại cao giọng.
Về phần ông, ông không bận tâm nữa. Hãy để họ biết mình vẫn ở đây, để họ biết mình không lẩn lút trong ngôi nhà lớn kia. Và nếu điều đó có làm hỏng buổi gặp mặt này, cứ để nó như thế. Ông giơ tay lên sờ vào chiếc mũ băng trắng toát. Lần đầu tiên ông vui vì có nó, đeo nó như một thứ của riêng mình.
Ruồng Bỏ Ruồng Bỏ - John Maxwell Coetzee Ruồng Bỏ