Love is one long sweet dream, and marriage is the alarm clock.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Jennings
Thể loại: Kinh Dị
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Dang Quy
Số chương: 28
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1106 / 11
Cập nhật: 2017-05-09 22:27:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Đông Lạnh
ác Jack Thaw hỏi tôi giọng khô khan:
- Cái này để vào chỗ nào nhỉ?
Tôi nhìn con chuột. Cái đuôi khô cong bám lấy thân thể của nó. Một chân bé xíu cũng đông cứng lại và giương lên dường như nó muốn kiểm tra không khí. Hai con mắt đông cứng đờ đục nhìn chằm chằm vào phía trước.
Jack Thaw chưa bao giờ đi học, cho nên bác gần như không biết đọc, biết viết, chính vì thế nên bác cần đến tôi. Trên đường đi học về gần như bao giờ tôi cũng tạt qua nhà bác.
- Chuột bắt đầu bằng chữ C vì thế nằm giữa bói cá và dơi. – Tôi chỉ tay vào chỗ giữa hai khối đá nhỏ.
Bác cười làm cho khuôn mặt càng thêm nhăn nheo, chìa ra hai cái lợi đỏ hỏn không còn một cái răng nào. Bác lại quên không đeo răng giả. Bác đẩy khối đá bói cá trên cái giá dịch sang một bên và để khối đá có con chuột vào giữa. Nó gần như chong mắt nhìn chúng tôi xuyên qua chỗ giam cầm bằng khối nước đá.
Chúng tôi liếc nhìn bộ sưu tập những động vật bé nhỏ đã bị đóng thành băng: chuột, chim, nhện, châu chấu, chấy rận và ruồi muỗi. Tóm lại, tất cả các loại nhỏ bé, bị chết đều được phân loại và đưa vào xếp trong bộ sưu tập này. Xung quanh buồng đông lạnh này là những dây giá bằng gỗ, trên các tấm gỗ đó có hàng trăm khối nước đá và giữa mỗi khối đá là xác một con vật.
Ngày trước ngôi nhà này từng là một nhà máy nước đá. Và bác Jack Thaw là người đi giao đá. Bác có một chiếc xe tải để chở các cây đá đi giao cho khách hàng dùng để ướp lạnh. Nhưng với thời gian người ta không cần mua đá cây nữa, họ bán những sập gỗ đựng đá và mua tủ lạnh. Cuối cùng thì chẳng còn một ai đặt mua đá cây nữa.
Từ đó bác Jack thôi không làm việc nữa mà chăm chú vào bộ sưu tập của mình. Cứ hễ trông thấy một con vật bé nhỏ nào bị chết bác lại mang về để đông lạnh. Sau đó bác đặt khối đá có xác ướp lên giá trong một căn phòng rộng đến mức người ta có thể cho xe tải ra vào dễ dàng.
Tôi thấy lạnh nên nói với bác:
- Chúng ta ra ngoài đi, cháu thấy lạnh quá.
Chúng tôi đi ra khỏi buồng lạnh và đi về nhà máy, bác Jack đóng cửa buồng lạnh lại. Bác Jack chỉ vào chỗ băng vết thương ở ngón tay tôi và hỏi:
- Cháu có đau lắm không?
Tôi gật đầu và tháo miếng gạc bẩn. Máu vẫn rỉ ra từ vết cứa sâu hoắm. Tôi nói:
- Cháu bị vướng vào hàng rào dây thép gai nhà Gravel.
Bác dẫn tôi đến chỗ có cái thùng sắt to tướng đặt trên một cái bệ có bánh xe. Thùng chứa nước muối. Thông thường không bao giờ bác cho tôi tới gần cái thùng này vì một lý do đặc biệt. Để làm đông lạnh các mẫu vật bác dùng nước lã. Một hôm tôi đứng gần đó, nhưng bác không biết và tôi đã chứng kiến bác uống một ngụm nuớc muối lấy trong cái thùng đó.
Bác leo lên bệ xe, múc đầy một cốc nước muối và bảo tôi nhúng ngón tay vào. Tôi chẳng nói chẳng rằng cho ngay ngón tay vào cốc nước. Khi lấy ra thì vết thương không còn rỉ máu nữa.
- Nước muối thật kỳ diệu. – Bác cười và nói rồi bác giơ những ngón tay xương xẩu lên trước mặt tôi và dọa – Cháu cấm không được nói cho ai biết đấy nhé, cũng tuyệt đối không được kể về bộ sưu tập của ta!
- Bác đừng sợ, cháu đã nói với bác hàng nghìn lần rồi còn gì. Cháu biết giữ bí mật. Không có ai, kể cả mẹ cháu không biết tí gì về vườn bách thú ướp đông của bác đâu.
Ở trường bọn bạn tôi đều nói bác Jack đã 200 tuổi và bọn chúng đều sợ bác ấy. Tôi là đứa duy nhất được bác cho vào nhà máy nước đá.
Tôi đi ra cửa. Bác Jack bảo:
- Ngày mai cháu lại tạt qua đây nhé. Mai bác ra biển, may ra bác tìm thấy một con cá chết, cháu phải chỉ cho bác để vào chỗ nào.
Bác độ này lạ lùng lắm. Lúc nào cũng chăm chăm nghĩ tới khu bảo tàng quý giá này. Nhưng phải nói bác Jack là người có trái tim vàng, là một người bạn tốt đáng tin cậy.
Tôi vẫy tay chào bác và nói:
- Cháu phải đi đây, hẹn gặp lại bác. Lúc nãy khi bị thương cháu chạy thẳng đến đây chưa kịp chào Jingle Bell.
*
* *
Jingle Bell là một con bò cái. Có lẽ các bạn sẽ hỏi tại sao giữa thành phố lại có một con bò cái. Chuyện thật là buồn. Số là con bò già này bị nhốt trong một cái chuồng sau một ngôi nhà cao tầng giữa nhà máy nước đá và xa lộ. Nó bị nhốt giữa một thành phố lớn bẩn thỉu, hôi hám đầy những chất độc hại như tất cả chúng ta vậy.
Cả đời nó chưa hề được ung dung trên bãi cỏ non. Chưa bao giờ thấy một bông hoa hoặc bầu trời xanh. Con bò cái này bị nhốt trong chuồng nhà Gã Gravel mà nó thì chó đểu.
Hai tuần qua không ngày nào con Bell không gầm lên một cách buồn bã thảm thiết.
Bác Jack bảo điều này liên quan đến mùa xuân. Bác bảo đó là do hơi đất. Giữa những khí thải độc hại hôi hám gió đã lùa vào thành phố một chút không khí đồng nội và nó đã lan tỏa qua những kẽ hở cho đến tận cái chuồng bò tăm tối sàn bằng bê-tông của nhà Gã Gravel. Con bò cái như ngửi thấy hương đồng nội, dấu hiệu của một miền quê bao la, báo cho con Bell biết rằng ở rất xa nơi này có những đàn bò đang ung dung trên bãi cỏ xanh rờn với làn gió xuân mát rượi.
Con Bell rống lên thảm thiết vì nó nhớ ánh trăng, nhớ bầu trời đầy sao, nhớ những giọt sương mai và những đêm dài yên tĩnh.
Đúng lúc bác Jack là người thất học, không biết đọc, biết viết nhưng bác là người biết sử dụng tiếng nói một cách thành thạo. Bao giờ cũng vậy, mỗi khi nghĩ tới những điều bác Jack nói về con Bell nước mắt tôi lại trào ra.
Dứt khoát phải làm một cái gì đó. Không thể cứ cầm tù con bò cái đó suốt ngày này sang tháng khác trong cái chuồng bẩn thỉu tối tăm như vậy được.
Tôi quý trọng bác Jack, coi bác như một người bạn tốt, tôi thương con bò, tôi cũng coi nó như một người bạn mặc dù nó chưa bao giờ nhìn thấy tôi. Nó chỉ nghe tiếng tôi nói và nhìn thấy cặp mắt của tôi.
Hàng ngày sau khi tan trường tôi đi vào một cái ngõ phía sau nhà Gã Gravel và leo qua hàng rào. Sau đó tôi chạy nhanh tới chỗ chuồng bò và ghé mắt nhìn qua kẽ hở của hai tấm ván. Con Bell cũng nhìn tôi qua kẽ ván. Nó và tôi nhìn nhau rất lâu. Mặc dù không chạm được vào người nhau.
Người ta có thể biết được vô số chuyện nếu nhìn thẳng vào mắt con bò. Tôi thấy rõ con Bell muốn thoát ra khỏi nơi tù hãm nó, muốn chạy khỏi nơi này. Tôi cảm thấy nó khát khao ánh nắng mặt trời và tôi biết rõ nó căm ghét Gã Gravel đã nhốt nó ở đây.
Chiều nào cũng vậy, trước khi tạm biệt nó tôi đều tuồn cho nó một chét cỏ non qua kẽ ván. Gã Gravel bao giờ cũng chỉ cho nó ăn cỏ khô và rơm. Cứ mỗi khi con Bell nhìn thấy cỏ non nó lại rống lên sung sướng, lần nào nó cũng rống sáu tiếng liền. Nghe tiếng nó kêu tôi cảm thấy như nghe những nốt nhạc đầu tiên của một bài hát, chính vì thế tôi đặt tên nó là “Jingle Bell”, tên một bài hát mừng lễ Noel.
Gã Gravel chỉ gọi nó đơn giản là con bò. Bao giờ cũng thế, hễ Gã Gravel làm gì đó gần chuồng bò thì con Gravel lại rống lên vô cùng rầu rĩ, thê lương. Người ta có thể nghe thấy tiếng kêu của nó xen lẫn với tiếng còi ô tô và tiếng phanh xe ken két.
*
* *
Đúng vào cái hôm bắt đầu xảy ra những chuyện đó thì tôi phải chứng kiến một việc thật là buồn. Tôi nhìn qua kẽ ván và thấy con Jingle Bell đang tìm cách thoát khỏi mấy cái dây buộc nó. Nó hết kéo lại giật cố nhích tới gần chỗ có một tia nắng chiếu qua lỗ hở trên mái chuồng. Cái tia nắng le lói đó chỉ lớn hơn đồng xu một chút nhưng con Jingle Bell rất thèm được đứng dưới tia nắng mặt trời đó. Các bạn hãy tưởng tượng xem con vật khốn khổ đó không thèm gì hơn là được đứng dưới tia nắng mặt trời, cho dù chỉ là tia nắng hắt híu.
Tôi hơi lui đầu lại và gào lên một cách giận dữ. Sau đó tôi quay đi và bỏ chạy. Tôi chạy qua hàng rào nhà Gravel, vút qua một hẻm nhỏ chạy về ngôi nhà cao tầng nơi gia đình tôi sống. Phổi tôi như có lửa đốt, nhưng tôi không thể kìm mình được.
Thang máy chạy chậm rì rì, mãi mới lên đến tầng 15 mà nhà tôi ở tầng 20. Tôi đập cửa thình thình cho đến khi mẹ ra mở cửa. Mẹ hỏi:
- Con làm gì mà dữ thế?
Tôi thở hổn hển nói:
- Búa đâu mẹ, búa đâu?
- Ở dưới chậu rửa mặt ấy.
Không nói một lời tôi bổ nhào vào trong bếp lấy chiếc búa đinh. Tôi hét lên: “Con sẽ về ngay” và chạy hộc tốc đến chỗ con Jingle Bell. Gã Gravel không bíết đi đằng nào. Con bò cái vẫn rống lên rên rĩ cố nhích lại về phía tia nắng.
- Chờ tao một chút, tao sẽ cho mày tha hồ thỏa thích. - Tôi bảo nó, rồi nhảy vọt lên mái nhà dùng búa đinh nhổ lấy nhổ để. Sau hơn nửa tiếng đồng hồ làm việc cật lực nhổ gần hết đinh trên mái tôn.
Gã Gravel vẫn mất tăm.
Cuối cùng tôi cũng hoàn thành công việc, gỡ được một tấm tôn to tướng, tôi giật thật mạnh và quẳng nó sang một cái vườn nhỏ gần đó. Ánh nắng mặt trời ùa vào chuồng bò, đầy xô và ngập cả bể tắm, ánh nắng tuôn xuống như thác đổ tràn ngập khắp chuồng và sưởi ấm cho Jingle Bell. Lần đầu tiên trong đời con Jingle Bell được tắm trong những tia nắng chói chang ấm áp. Nó ngẩng đầu lên cất tiếng kêu sung sướng. Nó kêu sáu tiếng liền, sau đó lại kêu thêm sáu tiếng nữa, nó kêu mãi, kêu mãi. Đây là lần đầu tiên trong đời nó được hưởng món quá trời cho đem lại sự sống cho muôn loài.
Tôi nằm trên bãi cỏ cả tiếng đồng hồ, có khi là hai tiếng cũng nên. Tôi không biết chính xác là bao nhiêu lâu. Tôi ngắm nhìn con Jingle Bell khoan khoái nằm phơi nắng mồm không ngừng nhai lại. Có lẽ nó đang tưởng tượng đến cảnh ung dung gặm cỏ trên một cánh đồng rộng thênh thang. Tôi thấy rõ niềm sung sướng của nó.
Bỗng nhiên tôi thấy vệt nắng cứ leo cao dần lên tường và một bàn tay sắt tóm chặt cổ chân tôi kéo thẳng xuống. Tôi bị lôi xềnh xệch, bụng bị xước và mài trên mái tôn vừa nóng vừa gợn sóng. Tôi cố gắng dùng tay bám thật chặt, nhưng không có chỗ nào để bám. Cuối cùng tôi lơ lửng trong không khí vào đây rồi rơi phịch trên một đống sỏi bên cạnh chuồng bò.
Tôi trông thấy cái mà tôi không muốn nhìn tí nào. Đó là Gã Gravel. Gã lừ mắt nhìn tôi từ trên xuống. Cái mũi to tướng đỏ ửng, nó hằm hằm tức giận. Hàm răng giả của nó cũng như muốn bật ra, chúng đập vào nhau lập cập có lúc như muốn bật ra khi Gã Gravel la hét. Nó lồng lộn:
- Mày là đồ mất dạy, Gã phá hoại. Tại sao mày lại phá chuồng bò nhà tao, hả?
Tôi lắp bắp:
- Con Jingle Bell… mặt trời… tôi muốn cho nó được hưởng chút ánh nắng mặt trời.
- Vì cái con bò khốn khổ khốn nạn đó, cái con bò già cấc cú đế vô tích sự, đến sữa cũng không có, mà mày lại phá cái chuồng của tao?
Tôi thét lên:
- Nhốt con Jingel Bell như vậy là tàn ác. Không thể để nó sống ở nơi tối tăm như thế được.
Grvel đột nhiên ngẩn người ra, mồm gã há hốc như mồm cá ngao. Gã gằn giọng:
- Tao sẽ cho mày biết thế nào là tàn ác. Gã rít lên, gã giương cao một đoạn dây và quật tôi tới tấp. Tôi trườn ra khỏi tầm với của nó và trèo qua hàng rào. Tôi chạy như bay qua hẻm nhỏ. Tôi nghe thấy tiếng nói độc ác của Gã Gravel vang lên phía sau lưng:
- Cái con bò đó cũng chẳng còn mấy thời gian để phơi nắng đâu. Ngày mai tao sẽ tống nó ra lò mổ. - Nói xong gã cất tiếng còi phe phé.
*
* *
Lò mổ. Nhà máy sản xuất keo dán. Nó muốn giết con Jingle Bell. Và tất cả chỉ tại tôi. Lỗi là ở tôi. Trên đường đi về nước mắt tôi trào ra. Những giọt nước mắt mằn mặn chảy qua má và vào miệng tôi.
Tôi phải cứu con Jingle Bell tội nghiệp.
Tối đến tôi ngồi vạch kế hoạch. Qua cửa sổ phòng mình tôi nhìn thấy thành phố ngập trong ánh đèn đêm. Khu nhà máy lọc dầu với muôn vàn nguồn sáng lung linh trông như một thế giới thần thoại. Tôi trông thấy khá rõ cây cầu West Gate uốn qua sông Yarra. Đó là cây cầu tự do. Con đường dẫn đến vùng đất rộng mênh mông.
Tôi để radio báo thức vào nửa đêm. Như thế tôi sẽ có thời gian để đưa con Jingle Bell đi qua thành phố và qua cầu West Gate. Chúng tôi sẽ đi qua con đường chính khi xe cộ chưa nhiều.
Khi tôi với tay định tắt đèn tôi chợt nhớ ngón tay bị thương đã lành lại hoàn toàn. Vết toạt đã lành hẳn. Chẳng bao lâu tôi ngủ thiếp đi. Tôi trằn trọc hết xoay bên này lại xoay bên kia. Tôi mơ thấy bóng ma con bò đi trong đêm sương mù dày đặc và luôn mồm kêu thảm thiết.
Đúng đêm hôm đó điện bị mất. Đúng lúc tôi ngủ cả thành phố mất điện. Và chiếc radio báo thức không chạy.
Cũng như mọi hôm mẹ đánh thức tôi lúc 7 giờ 30.
- Dậy đi con, muộn rồi! – Mẹ nói nhẹ nhàng.
Tôi nhin ra cửa sổ, ánh nắng chói chang. Tôi chồm dậy:
- Thôi chết rồi, chắc chiếc xe tải đã trên đường tới lò mổ!
- Con nói cái gì thế?
- Không ạ. Mẹ ơi, hôm nay con không ăn sáng đâu – Tôi mặc vội quần áo, quên cả chào tạm biệt mẹ và chạy vù đi.
Tôi khom người đi phía sau nhà Gã Gravel. Cầu trời nó chưa dậy!
Chiếc cửa sắt vẫn còn đóng. Nhưng thật may là chiếc búa đinh vẫn còn nằm ở chỗ bị rơi hôm qua. Tôi đập khóa và đi vào cái chuồng bò tối tăm. Con Jingle Bell háo hức kêu sáu tiếng liền se sẽ và ngước mắt nhìn tôi ra chiều sung sướng lắm.
- Suỵt! – Tôi để tay lên miệng ra hiệu bảo nó đừng kêu. Nó không hiểu, nhìn tôi và lại tiếp tục kêu.
- Yên nào, Gã Gravel mà nghe thấy thì mày sẽ toi mạng đấy, nó sẽ đưa mày vào lò mổ và nấu keo.
Tôi mở dây quàng quanh cổ và dắt nó đi ra sân sau. Lối ra duy nhất là một con đường nhỏ ở cạnh nhà rồi đi qua mảnh vườn nhỏ ở phía trước nhà. Chúng tôi đi chầm chậm không một tiếng động trên con đường hẹp đó ra ngoài. Đúng lúc đi tới gần một cái cửa sổ thấp, con Jingel Bell bỗng kêu một tiếng thật to làm ai mà nghe thấy cũng phải xây xẩm mặt mày.
Cố đi nhẹ nhàng từng bước cũng không ăn thua vì thế tôi ra lệnh cho con Jingle Bell chạy đi. Nhưng nó lại tỏ ra hoàn toàn không muốn chạy mà lại ngước nhìn ông mặt trời. Nó đã bao giờ được ra ngoài đâu? Nó ngơ ngác nhìn đường xá, nhìn xe cộ chạy như mắc cửi. Bỗng nó trông thấy một thứ làm nó sợ cuống và lồng lên chạy. Đó là cái mặt phèn phẹt ghê sợ của Gã Gravel. Con Bell vừa thoáng trông thấy bộ mặt quỷ dữ đó thì sợ cuống lồng lên chạy ra khỏi cổng vườn rồi nhào ra đường. Nó sợ thật sự. Khi chạy bầu vú nó lắc la lắc lư trông không khác gì chiếc găng tay cao su đổ đầy nước.
Lúc cần kíp con bò sữa có khả năng chạy rất nhanh. Con Jingle Bell chạy biến ra đường và tôi thoáng thấy Gravle chạy ra chiếc xe ô tô của gã.
Jingle Bell chạy đến ngã tư. Tôi hét lên:
- Sang phải, chạy ra hướng cầu cơ!
Con Jingle Bell lại chạy về bên trái vào con đường dẫn vào trong phố. Tôi cố đuổi theo nó, nhưng nó chạy nhanh quá. Nó khệ nệ chạy qua nhà máy nước đá của ông Jack Thaw. Bác Jack đang dùng vòi cao su cọ rửa con đường nhỏ trước cửa nhà mình.
Tôi gào lên gọi bác Jack:
- Giúp cháu với, bác đánh xe tải ra đi.
Bác Jack chẳng hiểu mô mê gì cả nhưng bác chạy vội vàng ra phía sau khu nhà máy. Con Jingle Bell vẫn mãi miết chạy kéo lê theo chiếc dây buộc cổ về phía trung tâm thành phố. Tôi không thể nào đuổi kịp nó.
Bây giờ con vật khốn khổ đó hoảng hốt chạy ngay giữa phố Flinder. Xe ô tô và xe tải bóp còi inh ỏi và né tránh con bò đang phi nước đại. Những người đang đi bộ hai bên đường đến công sở cũng ngơ ngác dừng chân nhìn con bò đang lồng lên ở giữa đường.
Cuối cùng con Jingle Bell đã tới trung tâm thành phố. Nó đứng lại rồi chạy rẽ ra phía nhà ga ở phố Flinder.
- Ôi không! Sao mày lại đi theo lối đó! – Tôi rên lên.
Nhưng con bò đã đi theo hướng đó. Nó bước lên cầu thang và đi về hướng nhà ga. Có lẽ mấy con tàu mới vào ga cho nên người túa ra rất đông. Con bò cái già tội nghiệp đứng ngơ ngác giữa bậc thang và kêu lên những tiếng tuyệt vọng. Trong khi đó dòng người đi qua chỗ nó đứng, trông như những con cừu đang bu quanh một chiếc ô-tô giữa đường làng.
Tôi rẽ đám đông bước vội về phía con bò, tôi cầm vội chiếc dây buộc ở cổ nó. Tôi thấy một viên cảnh sát đang bước nhanh đến chỗ chúng tôi. Ông phàn nàn về chuyện để bò đi lại trên đường phố. Nếu ông ta tóm được thế nào tên và địa chỉ của tôi sẽ bị ghi lại và người ta sẽ trả con Jingle Bell về cho chủ cũ của nó.
Tôi cuống cuồng nhìn trước, nhìn sau và lệnh cho con bò đi nhanh vào ga. Tôi gò cổ kéo con Jingel Bell lên các bậc thang, lôi nó qua thanh cửa. Người kiểm soát vé trông thấy la lên:
- Này, quay lại đi, vé của con bò đâu?
Bọn tôi cắm đầu chạy. Tôi lôi con bò đi phăm phăm qua đám đông. Một chuyến tàu sắp rời ga. Tôi vội vàng lôi con Jingel Bell nhảy phốc lên tàu. Các toa tầu đều chật ních người đi làm, họ ăn mặc sạch sẽ ngồi trên các hàng ghế hoặc đứng dọc con tàu. Mọi người dạt ra nhường chỗ cho tôi và Jingle Bell. Phần lớn những người ngồi đều bình thản tiếp tục đọc báo, còn những người đứng cố tránh không nhìn mặt nhau- họ xử sự đúng như những người khách đi tàu, không ai tỏ ra ngỡ ngàng vì có một con bò cùng trong toa.
Tàu lăn bánh rời nhà ga.
Một cậu học sinh mặc đồng phục ngồi ở góc tòa. Bỗng có một lão ngồi cạnh huých tay vào mạng sườn nó và chỉ vào bầu vú con bò cái.
- Mày không đứng dậy nhường chỗ cho quý bà kia à?
Mọi người đổ xô lại và cười vang thích thú, trừ tôi. Tôi ngượng, mặt đỏ bừng.
Một bà mặc bộ đồ trắng nói đầy vẻ bực tức:
- Tôi cảm thấy ghê tởm, ai lại cho bò lên toa hạng nhất thế này bao giờ kia chứ?
Bà ta đứng ngay gần con Jingle Bell và lấy mũi ô dí vào hông nó. Con Jingle Bell đã làm cái điều mà mọi con bò khác đều làm mỗi khi sợ hãi, nó cong đuôi lên và thả ra một bãi to đùng làm bắn tung tóe sang cả bộ y phục trắng toát của bà ta. Bà này la toáng và lồng lên như điên.
Con tàu chạy chậm dần. Phố Spencer. Phố này ở không xa tàu West Gate lắm.
- Nào, xuống thôi! – Tôi khẽ khàng bảo nó.
Mọi người hoàn toàn bất ngờ khi trông thấy một con bò ở trong nhà ga, chân tay họ hoàn toàn bất động. Bọn tôi lặng lẽ chuồn ra khỏi nhà ga và đi ra đường.
*
* *
Tôi dắt con Jingle Bell đi dọc theo xa lộ. Bọn tôi dí sát mép đường, giữ một khoảng cách khá xa với những xe tải, xe buýt đang ầm ầm phóng qua. Phải đi một hồi khá lâu tôi mới nhìn thấy xa xa bóng cây cầu West Gate uốn cong trước một khu công nghiệp sầm uất.
Con đường lên dốc từ từ, bọn tôi theo con đường dẫn lên tàu. Đi một lúc thì có tấm bảng màu xanh với dòng chữ: Cấm đi xe đạp và ngựa.
Thấy thế tôi dỗ dành con bò:
- Ổn rồi, mày không phải là ngựa, càng không phải là xe đạp.
Mặt trời lên cao, và bắt đầu nóng. Cả hai chúng tôi đi lên cầu. Xe tải, xe du lịch bóp còi inh ỏi, nhiều lái xe giơ tay dọa chúng tôi. Chưa ai thấy một Gã bé dắt con bò đi qua cầu West Gate như thế này bao giờ. Tại đây không có đường dành cho người đi bộ vì thế chúng tôi đi sát mép đường.
Vùng cổ con Jingle Bell vã mồ hôi. Mỗi khi có chiếc xe tải cỡ lớn ầm ầm chạy qua nó lại giật mình thon thót. Nó thèm muốn những cánh đồng cỏ tươi tốt nhưng suốt từ sáng đến giờ chỉ thấy những con đường dài đằng đặc trải nhựa màu đen.
- Cô bạn già ơi, đừng sợ, sang bên kia cây cầu sẽ khá hơn, chỉ vài giờ nữa thôi mày sẽ thấy những bãi cỏ xanh mơn mởn rộng tới chân trời.
Nghe thì hay, nhưng quả thật tôi cảm thấy rất lo lắng vì bò không quen đi đường trường và càng không quen phải đi trên những con đường có nền đá cứng. Jingle Bell chưa bao giờ đi xa, nếu nó không thể đi được nữa, nếu nó quỵ xuống ở đây thì biết làm sao?
Tôi lôi nó vào một công viên để cả hai có thể xả hơi chốt lát. Bỗng tim tôi rộn lên vì vui sướng vì ở tít nơi xa, sau biển đỏ chỉ đường tận bên kia công viên tôi trông thấy một chiếc xe tải nhỏ có cần cẩu. Nhất định đó là xe của bác Jack Thaw.
Nhưng ngay lập tức điều đau buồn cũng ập xuống.
Gã Gravel ngồi trong chiếc xe Volvo đang lao nhanh bất chấp đèn đỏ. Tuy nó còn cách khá xa nhưng rõ ràng nó đang đuổi theo chúng tôi.
- Đúng là Gravel rồi! – Tôi thở dài thốt lên, Jingle Bell hiểu ngay lập tức. Các bạn đừng có hỏi tôi tại sao. Nhưng quả thật nó biết. Nó gầm lên vì sợ hãi, và hốt hoảng bỏ chạy. Tôi cảm thấy không thể đuổi kịp nó. Tôi sợ nó bị lạc vì thế tôi nhảy phóc lên lưng nó.
Jingle Bell chạy sát lề đường còn tôi thì nằm rạp xuống nắm chặt hai cái sừng của nó. Xung quanh tôi vang lên tiếng còi xe ô tô ầm ĩ, những người lái xe reo hò vang dội… Đường bị tắc nghẽn. Ai cũng muốn trông thấy bằng được chú bé chăn bò.
Chao ôi, tôi thấy sợ. Con bò phi men theo thành cầu, dưới sông thuyền bè và người ngồi trong đó bé tí như những con côn trùng. Tôi đã thấy xa xa những chiếc tàu thủy đi biển đỗ ở các cửa sông. Chúng tôi đang đứng ở đỉnh cao chót vót hoặc nói khác đi dòng sông đang tít tận nơi sâu thẳm.
Cưỡi bò quả thật không phải là chuyện dễ. Tôi bị tung lên rồi lại dập xuống, hết nghiêng sang bên này lại ngả sang bên kia. Mông tôi đau nhói vì những cái xương bò nhọn chọc vào. Jingle Bell mỗi lúc một tăng tốc, nỗi lo sợ bị ngã nhào của tôi mỗi lúc một lớn hơn. Khi đến chỗ cao nhất của cây cầu, tuy không dám nhìn ra đàng sau, tôi cảm thấy Gravel đã ở sát nút phía sau.
Bỗng nhiên chiếc xe vọt lên trước chúng tôi quay ngang chặn đứng chúng tôi lại. Đó là xe của Gravel. Con Jingle Bell bị đột ngột đứng sững lại làm tôi bổ nhào ra phía trước lăn kềnh trên mặt đường. Mặt, chân và tay tôi đầy những vết xước. Đầu óc tôi sôi lên.
Gravel hét lên điên loạn: “Tao đã tóm được chúng mày. Con bò này tao sẽ tống vào nhà máy để làm keo dán, còn Gã ôn kia, tao sẽ cho mày vào đồn cảnh sát.
*
* *
Con Jingle Bell nhìn chúng tôi với con mắt nâu hiền từ, buồn bã. Nó như muốn cầu khẩn tôi giúp đỡ nó. Nhưng tận đáy lòng sâu thẩm tôi không thể làm gì được cho nó nữa vì xét cho cùng tôi cũng chỉ là một đứa bé. Con bò tội nghiệp rống lên những tiếng thống thiết, chân nó bước lên thành cầu như muốn lao xuống sông. Tôi hét lên: “Đừng, đừng!” Tôi nhào ra túm lấy đuôi nó và muốn kéo nó trở lại, nhưng không được vì nặng quá, nó đã lộn một vòng lao xuống, lao xuống, lao xuống mãi. Tay tôi vẫn túm chặt đuôi nó và cùng rơi, trước khi xuống tới mặt nước đen sì tôi còn nghe thấy tiếng cười ghê rợn, độc ác ở sau lưng.
Tôi có cảm giác bị treo lơ lửng trong không khí. Một con bò với một Gã bé bám chặt cái đuôi trôi trong một bầu không khí ô nhiễm. Cả người tôi co rúm lại vì sợ hãi, tuy có một cái gì đó làm tôi thấy bình thản. Tôi nhìn mảnh trời, nhìn khúc sông với dòng nước đen ngòm, tôi nhìn một khúc của con bò đang rơi. Chúng tôi bay lơ lửng, lộn nhào và càng ngày càng xà xuống.
- Ừm…
Cả người tôi vỗ lên mặt nước. Chưa bao giờ có tiếng vỗ to đến như thế và chưa bao giờ tôi bị đau rát đến như thế. Tôi cảm thấy xương như vụn ra, da thịt nát nhừ, đầu óc mù tịt. Hình như tôi còn hơi tỉnh đôi chút và còn nghe thấy tiếng uống nước ừng ực và càng ngày càng chìm xuống đáy dòng sông. Tôi còn cảm nhận dòng sông đang cuốn mình đi và tôi vẫn cố níu kéo đuôi con Jingle Bell.
Con Jingle Bell đã cứu sống tôi, không có nó chắc hẳn tôi đã bị chìm nghỉm và chết đuối rồi. Có đến hàng chục lần nó đã chìm xuống nhưng rồi nó lại gắng ngoi lên. Cuối cùng nó cũng cố vào được tới bờ. Nó lảo đảo chuệnh choạng lôi tôi qua một dẻo đất đầy bùn đến gần những bụi cỏ ở ven bờ. Nó quay nhìn mình giương đôi mắt màu nâu nhìn tôi rồi gục xuống.
Con Jingel Bell đã chết.
- Jingle Bell mày không được chết, mày đừng để tao phải đơn độc một mình!
Nhưng mắt nó không còn nhấp nháy mà đờ đẫn nhìn vào cõi xa xăm. Nước mắt tôi trào ra.
Thế là con Jingle Bell không còn bao giờ nhìn thấy bãi cỏ non xanh biếc, không bao giờ được ăn những ngọn cỏ xanh rờn dịu ngọt sau khi nó đã chịu biết bao nỗi đắng cay.
Tôi lết đến chỗ nó, quay đầu nó về phía mình. Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi chợt nhớ tới bài học cấp cứu và vội vàng hô hấp nhân tạo cho nó, tôi kề mồm tôi vào mõm nó và hà hơi phì phì. Nhưng không ăn thua, mõm nó to quá không khí tuồn ra hai bên mép đầy dớt nhãi qua những cái răng trắng như sữa. Tôi không đủ hơi để có thể thổi đầy lá phổi của nó.
Tôi nghe thấy tiếng cửa ô-tô đóng đánh sầm. Bác Jack Thaw trông thấy con Jingle Bell nằm bất động, chạy vội về chỗ chiếc xe ô tô và tháo chiếc gương phản chiếu. Bác để cái gương sát vào mõm nó.
Tôi nghẹn ngào:
- Bác làm cái gì thế?
- Bác thử xem nó có còn thở hay không. Nếu trên mặt gương có bám hơi nước chứng tỏ nó còn sống, nhưng nó đã chết mất rồi!
Cả hai chúng tôi nhìn vào mặt gương, nhưng nó vẫn hoàn toàn trong suốt. Bác bảo tôi:
- Đi thôi, chúng ta không thể làm gì được nữa đâu.
- Thế còn con Jingle Bell, chúng ta phải làm gì với nó?
- Nước thủy triều lên sẽ cuốn nó ra vịnh, cũng coi như đấy là một kiểu thủy táng cháu ạ.
Nước mắt tôi vẫn chảy giàn giụa, tôi thét lên:
- Không, cháu không muốn để cả mập rỉa thịt nó đâu. Chúng ta hãy mang nó theo, bác nhé!
- Nhưng mang theo bằng cách gì?
Tôi chỉ vào chiếc cần cẩu trên xe ô tô của bác và nói:
- Chúng ta lồng dây qua mình nó và cẩu nó lên xe ô tô của bác.
- Rồi đưa nó đi đâu?
- Về chỗ bác! – Và chúng tôi cùng nhau cẩu nó lên xe và đưa về nhà máy nước đá.
*
* *
Về đến nơi tôi đi ngay ra chỗ thùng nước bằng thép mà bác Jack vẫn dùng để ướp đá. Thùng đặt trên bệ có bốn bánh. Tôi đẩy, nhưng xe không nhúc nhích. Tôi bắc thang leo lên và thấy nước đầy tới sát miệng thùng.
- Cháu định làm gì thế?
- Chúng ta cho xác con Jingle Bell vào bể nước này, làm đông lạnh nó và cho nó vào kho lưu trữ của bác.
Bác trố mắt nhìn tôi rồi nói:
- Thôi được. Ngoài nó ra bác không làm cho bất kỳ ai trên thế giới này đâu!
Bác vòng chiếc cẩu và đặt xác con Jingle Bell vào bể nước to tướng. Xong xuôi tôi nói:
- Bây giờ chúng ta cùng đẩy cái thùng vào trong hầm đông.
Tôi mở cửa hầm đông. Bác Jack để nguyên cái dây cẩu bao quanh thùng xe để sau này lấy ra cho dễ.
Chúng tôi đóng cửa lại. Tôi hỏi:
- Độ lúc nào thì xong hả bác?
- Cũng phải đến trưa ngày mai mới già đá cháu ạ.
Cả hai chúng tôi cũng cảm thấy dễ chịu, dù sao như thế này cũng còn hơn là để nó trôi ra ngoài biển.
Đúng lúc đó chúng tôi nghe tiếng đập cửa thình thình. Bác Jack đi ra mở cửa. Gã Gravel, mặt nó đầy vẻ hằn học trông không khác gì một con rắn độc. Gã gào tướng lên:
- Con bò đâu rồi? Trả nó đây cho ta.
- Nó chết rồi, thế nào, mày hài lòng chứ? – Bác Jack trả lời đầy giận dữ.
- Một con bò chết cũng có thể bán được với giá 80 đô la để làm thức ăn gia súc, trả nó đây cho ta!
Bác Jack nắm chặt hai bàn tay. Tôi đã tưởng bác sẽ cho gã một trận, nhưng bác không làm điều đó. Bác đóng sầm cửa lại và nói:
- Cút đi, con bò đó ở lại đây.
Gã Gravel gào lên:
- Tao sẽ quay lại, được, tao sẽ quay lại. Các người sẽ biết tay ta.
- Thằng khốn nạn.
Tôi đi về nhà ngủ một giấc. Bác Jack ngủ ngay trong nhà máy, bác đề phòng trường hợp Gã Gravel quay trở lại.
Trưa ngày hôm sau chúng tôi mở phòng lạnh. Bác Jack lại cho xe vào và nối dây với chiếc cẩu. Cái cần cẩu rùng lên, nhưng cả khối đá nằm yên bất động. Chưa bao giờ cái cần cẩu phải nhấc một vật nặng như thế này.
- Bác thử lại một lần nữa xem nào!
Lần này tảng đá từ từ được nhấc lên và rồi nó như bật ra khỏi cái thùng. Bác Jack hạ nó từ từ xuống đất.
Con Jingle Bell đứng trong lòng khối đá to tướng. Nó gương mắt nhìn chúng tôi.
Bác Jack hỏi:
- Bây giờ để nó ở đâu?
- Con Jingle Bell có chữ cái đầu tiên là J. Mà chữ J đứng trước chữ I và chữ K, bác ạ. Vì thế ta phải xếp nó đứng sau con Ibi và trước loài chim Kôkabura.
Bác Jack đưa khối đá vào đúng vị trí của nó sau khi bác đưa chiếc thùng ra ngoài và cho nước chảy vào.
- Bác cứ dòng dây để nước tự chảy vào thùng. Bác ra đây, cháu có chuyện muốn nói với bác! – Chúng tôi bước ra khỏi hầm đông và đóng cửa lại – Bác ạ, cháu nghĩ chúng ta để con Jingle Bell tội nghiệp nằm trong căn buồng tối tăm này là không đúng. Như thế thì coi như nó vẫn bị giam hãm cầm tù. Căn buồng này không có cửa sổ, nó chẳng khác gì cái chuồng bò trước đây. Cháu muốn để con Jingle Bell được đứng giữa trời xanh trên một bãi cỏ, vả lại để nó ở đây có thể Gã Gravel quấy phá mất. Chúng ta nên đưa nó về nông thôn?
Bác Jack gãi đầu nói:
- Cháu nói đúng đấy, chúng ta khẩn trương làm ngay đi.
*
* *
Chúng tôi vần phiến đá với xác con Jingle Bell lên xe ô tô và đi tiếp. Chúng tôi đi cùng với con Jingle Bell đứng sừng sững trong khối đá trong suốt qua cầu West Gate. Một đoàn xe ô-tô rất dài chạy theo xe chúng tôi. Ai cũng muốn nhìn thấy con Jingle Bell đứng trong khối băng.
Sau khoảng vài tiếng đồng hồ chúng tôi rẽ vào một con đường nhỏ và cho xe chạy lên núi. Tôi hy vọng ở đây không có ai đi theo chúng tôi.
Xe chạy qua những dòng suối nhỏ, các ngôi nhà xinh xắn của nông dân, qua rừng bạch đàn và qua những con đường mà hai bên toàn cây xanh làm thành một hàng rào cây mát mẻ.
- Đây, đây mới là chỗ của con Jingle Bell. Cháu nghĩ đây là vị trí mà chúng ta đang tìm.
Xe chạy vào một đồng cỏ và dừng lại. Tảng băng đã teo đi nhiều, sừng con Jingle Bell đã thòi ra ngoài một đoạn. Tôi lấy chiếc xẻng ở trên xe.
- Cháu làm gì thế?
- Khi băng tan hết, chúng ta sẽ chôn nó ở đây.
- Khoan, đừng đào bới gì vội. Hãy thư thả một tí đã.
Bác Jack và tôi ngồi xuống và ngắm con Jingle Bell đông cứng tộ nghiệp đang đứng trên một cánh đồng cỏ tươi xanh. Mồ hôi thấm áo, chúng tôi ngấm mệt. Ong bay vo ve và chim hót líu lo, một làn gió nóng từ hướng bắc đổ về. Chúng tôi ngồi và ngắm con bò đóng băng bất động và thiếp đi lúc nào không hay.
Tôi tỉnh dậy, thấy trên mặt ươn ướt. Tôi ngồi chồm dậy. Lúc đó đã là ban đêm. Ánh trăng lờ mờ, tôi vội gọi bác Jack dậy. Trời tối khi tôi chẳng trông thấy cái gì cả, nhưng không khí thật ấm áp.
Tôi nghe thấy tiếng bước chân nặng nề trong bụi cây xa xa.
Bác Jack hốt hoảng:
- Cái gì vậy? Cháu đang ở chỗ nào thế?
Bỗng nhiên ánh trăng hiện lên và chúng tôi nhìn thấy nhau trong ánh trăng mờ ảo. Bác Jack và tôi đều đổ dồn ánh mắt về phía tảng băng, nhưng nó không còn nữa, băng đã tan và con Jingle Bell cũng biến đi đằng nào. Bác Jack chạy vội đến chỗ để tảng băng lúc nãy, rờ vào những đám cỏ còn đẫm nước. Bác chỉ tay vào một bãi phân bò và dấu chân, không phải là dấu chân người, mà là dấu chân bò. Vết chân đi về phía rừng cây.
Tôi reo lên:
- Bác Jack, chúng ta đi tìm đi!
Bác Jack nắm tay tôi và nói:
- Không, chúng ta đã làm xong phần việc của mình, bây giờ chúng ta đi về thôi.
Tôi nhìn bác rất lâu và không nói một lời. Tôi cảm thấy, bác nói có lý và tôi từ từ gật đầu. Cả hai chúng tôi lên chiếc xe tải. Trước khi cho máy nổ tôi chứng kiến một sự kiện tuyệt vời. Đó là tiếng gầm hạnh phúc của con Jingle Bell, nó gầm sáu tiếng liền. Nghe như những nốt nhạc mở đầu của bài hát về lễ Noel.
“Jingle Bell”.
Cả hai chúng tôi mỉm cười và cho xe chạy, không ai nói với ai một lời. Một lúc lâu sau tôi hỏi bác Jack:
- Bác có biết trước mọi chuyện sẽ kết thúc như thế này không?
Bác Jack gật đầu:
- Thế tại sao bác không cho tất cả các tảng băng ra và để cho các con vật được sống lại.
Bác Jack trầm ngâm nói:
- Bởi vì nước trong cái thùng đó là một loại nước khác. Giờ không còn nữa rồi. Bác đã dành dụm loại nước đó để dùng trong trường hợp đặc biệt. Bác chỉ nói có thế, sau này bác cũng không nói gì hơn nữa.
*
* *
Khi chúng tôi về đến nhà máy nước đá bác Jack đi ngay vào hầm đông để xem kho mẫu vật ở trong đó. Bỗng bác hét lên:
- Cháu trông này, có kẻ nào đó đã đột nhập vào đây và phá phách bộ sưu tập rồi!
Trên mái hầm đông có một lỗ thủng nhỏ, một sợi dây thùng còn treo vắt vẻo ở đó. Bốn bề không một bóng người.
Ngay bên dưới cái lỗ thủng đó là một chiếc thùng nước lớn. Tôi trèo lên và nhìn vào trong thùng. Tôi nói to với bác Jack:
- Bác ơi, có cái gì đó rơi vào trong thùng không ra được và đã bị đóng thành băng.
Bác Jack đánh chiếc xe tải tới, dùng cẩu để nâng cái thùng và đổ nghiêng sang một bên. Một khối băng to tướng rơi trên mặt đất vỡ thành nhiều mảnh. Chúng tôi ngẩn cả người khi thấy Gã Gravel đã bị đông cứng từ lúc nào. Có lẽ nó đi tìm con Jingle Bell, chui vào nhà kho lạnh và bị rớt xuống thùng nước và bị đông cứng lại. Những ngón tay của nó co quắp, mồm há hốc như muốn kêu la nhưng không phát ra tiếng. Hai con mắt thô lố nhìn về nơi xa xăm.
Bác Jack thẩn thờ nói:
- Trời ơi, chúng ta biết làm gì với nó đây?
Tôi nói với bác:
- Gravel bắt đầu bằng chữ G, đứng sau chữ D và trước chữ H, vậy ta xếp nó sau con diều hâu và trước con hải cẩu.
Những Câu Chuyện Kì Lạ Nhất Những Câu Chuyện Kì Lạ Nhất - Paul Jennings Những Câu Chuyện Kì Lạ Nhất