Số lần đọc/download: 1155 / 27
Cập nhật: 2017-04-04 13:33:18 +0700
Chương XIII
G
iờ này anh đang rung động vì quang cảnh và khí thế của của cuộc săn. Có chỗ nào cho sự rung động nếu tôi chính xác như cái bảng giờ tàu?
A. Conan Doyle, THUNG LŨNG KINH HOÀNG.
Đầu tiên gã nghe thấy tiếng nói từ rất xa, một lời thì thầm không sao hiểu được. Gã cảm thấy ai đó đang nói với mình nên cố tỉnh lại. Điều gì đó liên quan đến diện mạo của gã. Corso chẳng nghĩ gì về chuyện gã trông thế nào vào thời điểm ấy và cũng không màng quan tâm việc đó. Dù đang ở đâu, gã cũng cảm thấy nằm ngửa như vậy thật dễ chịu. Gã không muốn mở mắt khiến đầu đầu gã đau hơn.
Ai đó vỗ nhẹ lên mặt, gã miễn cưỡng mở mắt ra. La Ponte đang cúi xuống người gã, vẻ mặt lo lắng. Vẫn mặc quần áo ngủ
“Bỏ tay ra,” Corso nói cộc lốc.
La Ponte thở phào nhẹ nhõm. “Tôi tưởng anh chết rồi.”
Corso mở nốt mắt bên kia và cố ngồi dậy. Ngay lập tức gã cảm thấy bộ não mình lúc lắc trong hộp sọ như món thịt đông trên một cái đĩa.
“Quả thực họ cho anh nếm mùi đấy,” La Ponte thông báo cho gã một cách không cần thiết khi đỡ gã ngồi dậy. Corso nhìn quanh phòng và vai hắn. Liana Taillefer và Rochefort đã biến mất.
“Cậu thấy ai đánh tôi chứ?”
“Tất nhiên. Một gã cao, đen, mặt sẹo.”
“Trước đây có bao giờ cậu gặp hắn chưa?”
“Chưa.” La Ponte tức tối nhăn mặt. “Có vẻ cô ấy quen hắn khá thân, mặc dù… Hẳn cô ấy cho hắn vào khi ta cãi nhau trong buồng tắm. Hắn có một vết rách trên môi, nó sưng phồng lên. Người ta đã khâu vài mũi ở đó.” Hắn sờ má mình. Chỗ sưng đang xẹp đi. Hắn khẽ cười hằn học. “Hình như mọi người quanh đây đều nhận được cái xứng với mình.”
Corso tìm mãi không ra cặp kính, bực bội nhìn hắn. “Tôi không hiểu sao người ta không tẩn cho cậu một trận,” gã nói.
“Họ cũng muốn thế. Nhưng tôi bảo họ là không cần thiết. Họ cứ việc lo chuyện của họ. Tôi chỉ là một khách viếng thăm tình cờ.”
“Có thể cậu đã làm gì đấy.”
“Tôi ư? Anh đùa a? Quả đấm của anh là quá đủ rồi. Tôi giơ tay lên thế này… Dấu hiệu hòa bình. Tôi chỉ ngồi trên toa lét, bình thản và ung dung cho đến khi họ bỏ đi.”
“Anh hùng quá.”
“Còn hơn phải hối tiếc. Nhìn đây này.” Hắn đưa cho Corso một tờ giấy gấp lại. “Họ để lại cái này dưới cái gạt tàn, với đầu mẩu xì gà Montecristo trong đó.”
Corso khổ sở nheo mắt nhìn bản viết tay. Mẩu giấy viết bằng mực, kiểu chữ viết tay duyên dáng cầu kỳ như chữ viết khắc đồng với những nét chữ hoa trang trí rườm rà.
Do mệnh lệnh của ta và lợi ích quốc gia, người cầm giấy này đã làm cái hắn đã làm.
Ngày mùng ba tháng Mười hai năm 1627
Richelieu.
Dù đang trong tình trạng như vậy, gã cũng phải suýt phá lên cười. Đó là một tờ mật hàm trong chiến dịch bao vây La Rochelle khi Milady đòi giết chết d’Artagnan, sau đó bị Athos dùng vũ lực chiếm đoạt (Cắn được thì cứ cắn, đồ rắn độc) và dùng để giải thích với Richelieu về việc hành hình người đàn bà này ở cuối cuốn tiểu thuyết… Nói tóm lại, vậy là quá nhiều cho một chương. Corso loạng choạng vào phòng tắm, mở vòi và chìa đầu vào dòng nước lạnh. Rồi gã nhìn lại mình: mắt sưng húp, râu không cạo và ướt sũng. Không dễ coi lắm. Và đầu gã kêu ù ù như tổ ong. Thật không biết nói gì với một ngày khởi đầu như vậy.
La Ponte xuất hiện trong gương bên cạnh, đưa cho gã một cái khăn bông và cặp kính.
“Nhân tiện xin thông báo,” hắn nói. “Chúng lấy cái túi của anh rồi.”
“Chó đẻ.”
“Này, tôi không hiểu tại sao anh lại trút giận lên đầu tôi. Tôi chỉ ăn nằm với cô ta thôi.”
CORSO BUỒN BỰC ĐI QUA HÀNH LANG khách sạn, gã cố nghĩ thật nhanh. Nhưng mỗi phút trôi đi, khả năng gã tóm được những kẻ chạy trốn càng trở nên xa vời. Mọi thứ mất sạch trừ một mắt xích đơn độc, cuốn sách số ba. Bọn họ còn phải chiếm đoạt nó, và điều này ít nhất còn cho gã khả năng tìm được họ, với điều kiện gã phải nhanh. Khi La Ponte đi trả tiền phòng, Corso tới bàn điện thoại quay số Frieda Ungern. Đường dây bận. Gã lại gọi Louvre Concorde và xin nối tới buồng Irene Adler. Gã không biết làm sao sự việc lại phát triển theo hướng đó, nhưng gã an tâm khi nghe thấy giọng cô. Gã nói sơ qua cho cô biết tình hình và đề nghị gặp nhau ở Quỹ Ungern. Rồi gã gác máy nhìn La Ponte đi tới, hắn nhét cái thẻ tín dụng vào ví với vẻ rất đau khổ.
“Đồ chó cái. Ả chuồn đi không thèm trả tiền.”
“Đáng đời cậu.”
“Tôi sẽ tự tay giết ả, thề đấy.”
Khách sạn đắt kinh khùng và La Ponte giận điên vì bị phản bội. Bây giờ hắn đã rõ chuyện gì xảy ra và buồn rầu như Ahab khát khao báo thù. Họ lên taxi, Corso cho lái xe địa chỉ nhà Ungern. Trên đường đi gã thuật lại cho La Ponte phần còn lại của câu chuyện - chuyến tàu, cô gái, Sintra, Paris, ba cuốn Chín cánh cửa, cái chết của Fargas, vụ xô xát bên bờ sông… La Ponte nghe và gật đầu, lúc đầu hoài nghi, sau rồi lại sửng sốt.
“Tôi đã ở với một con rắn độc,” hắn sợ hãi rên rỉ.
Tâm trạng Corso rất tệ. Gã bình luận rằng rắn độc rất ít khi cắn người ngốc. La Ponte nghĩ ngợi về điều đó. Hắn không có vẻ bực mình.
“Ả là một người đàn bà kiên quyết,” hắn nói. “Và thân hình thì thôi rồi!”
Bất chấp nỗi oán hận về thiệt hại tài chính vừa rồi, cặp mắt hắn vẫn ánh lên dâm đãng khi đưa tay vân vê bộ ria mép.
“Thân hình thôi rồi,” hắn nhắc lại và mỉm cười ngớ ngẩn.
Corso nhìn chằm chằm qua cửa sổ. “Chính xác đấy là câu quận công Buckingham đã nói.”
“Buckingham nào?”
“Trong Ba người lính ngự lâm. Sau vụ chuỗi hạt kim cương, Richelieu giao cho Milady nhiệm vụ ám sát quận công. Nhưng quận công bỏ tù ả khi ả quay lại London. Tại đó ả quyến rũ viên cai ngục Felton, một thằng ngốc như cậu nhưng có vẻ ngoài cuồng tín và đạo mạo hơn. Ả thuyết phục y giúp mình vượt ngục và ám sát quận công”
“Tôi không nhớ đoạn đó. Rồi chuyện gì xảy ra với Felton?”
“Y dùng dao găm đâm quận công. Sau đó bị xử tử. Không biết là vì vụ ám sát hay chỉ vì ngu ngốc.”
“Ít nhất y cũng không phải trả tiền khách sạn.”
Chiếc xe đi dọc theo bờ kè Conti, gần nơi Corso đụng với Rochefort lần trước. Đúng lúc ấy La Ponte nhớ lại điều gì đó.
“Milady có một cái dấu trên vai phải không?”
Corso gật đầu. Họ đang vượt qua những bậc đá gã ngã xuống đêm hôm trước. “Phải,” gã trả lời. “Bị đao phủ đánh dấu bằng sắt nung đỏ. Dấu vết của kẻ phạm tội. Ả có nó từ trước khi kết hôn với Athos. D’Artagnan phát hiện ra điều đó khi ngủ với ả và suýt chết vì chuyện đó.”
“Thật kỳ quái. Anh biết đấy, Liana cũng có cái dấu.”
“Trên vai?”
“Không, ở hông. Một hình xăm nhỏ tí. Rất đẹp. Biểu tượng hoa huệ.”
“Tôi không tin.”
“Tôi thề.”
Corso không nhớ mình có nhìn thấy vết xăm hay không. Nhưng gã có rất ít thời gian để ý cái đó trong lần gặp ngắn ngủi với Liana Taillefer trong căn hộ của mình. Dường như quá lâu rồi. Bằng cách này hay cách khác, mọi chuyện luôn ngoài tầm kiểm soát. Điều đó vượt quá phạm vi một sự trùng hợp ly kỳ. Đó là một kế hoạch vạch sẵn, quá phức tạp và nguy hiểm do Liana và gã trợ thủ tiến hành và không thể coi như một trò khôi hài tầm thường mà bỏ qua. Đây là một âm mưu với đủ mọi yếu tố cơ bản của thể loại, và ai đó - một kẻ đầy thủ đoạn - đang khéo kéo giật dây. Gã cảm thấy tờ giấy của Richelieu đụng đậy trong túi. Thật quá đáng. Và còn nữa, chìa khóa của điều bí mật phải nằm trong tính mới lạ và chất tiểu thuyết của nó. Gã nhớ đã đọc đâu đó trong sách của Edgar Allan Poe hay Conan Doyle: “Bí mật này tựa hồ không thể khám phá được vì chính những nguyên nhân khiến nó có thể khám phá được: tình huống xảy ra quá thừa tính tự nhiên.”
“Tôi tự hỏi không biết đó là một trò chơi khăm quá đáng hay một mưư đồ tinh vi,” gã nói to.
La Ponte tìm thấy một cái lỗ trên ghế ngồi bằng nhựa liền bứt rứt thò tay giật mạnh. “Dù là gì đi nữa tôi cũng không thích.” Hắn nói thầm mặc dù có cả một vách kính an toàn ngăn giữa họ và người lái xe. “Tôi hy vọng anh biết mình đang làm gì.”
“Đó mới là vấn đề. Tôi cũng không chắc.”
“Sao ta không tới cảnh sát?”
“Để nói gì? Rằng Milady và Rochefort, tay sai của Hồng y giáo chủ Richelieu đã lấy trộm của chúng ta một chương trong Ba người lính ngự lâm và cuốn sách để triệu hoán Lucifer? Rằng con quỷ phải lòng tôi và hóa trang thành một cô bé hai mươi tuổi theo bảo vệ tôi? Cậu sẽ làm gì nếu cậu là thanh tra Maigret và tôi kể với cậu toàn bộ chuyện này?”
“Tôi sẽ cho rằng anh say rượu.”
“Cậu thấy đấy.”
“Varo Borja thì sao?”
“Đó là việc khác.” Corso lo lắng lẩm bẩm. “Thậm chí tôi không muốn nghĩ đến chuyện đó. Khi lão phát hiện tôi để mất của lão…”
Chiếc taxi từ từ lăn bánh giữa dòng xe cộ buổi sáng. Corso sốt ruột nhìn đồng hồ. Cuối cùng họ tới quán bar gã ngồi tối qua. Có một đám đông tụ tập trên vỉa hè và những tấm biển mang dòng chữ CẤM VÀO ở góc phố. Khi ra khỏi taxi, Corso thấy một xe cảnh sát và một xe cứu hỏa. Gã nghiến răng chửi thề thật to rồi ra hiệu cho La Ponte đi tới. Cuốn số ba cũng mất rồi.
CÔ RẼ ĐÁM ĐÔNG đi tới chỗ họ, cái túi nhỏ đeo trên lưng, hai tay đút trong túi áo khoác. Những vệt khói nhạt vẫn còn vấn vương trên các mái nhà.
“Đám cháy bắt đầu lúc ba giờ sáng,” cô nói, không để mắt đến La Ponte, như thể hắn không tồn tại. “Lính cứu hỏa vẫn còn bên trong.”
“Bà Nam tước Ungern thế nào?”
Cô phác một cử chỉ mơ hồ, không hoàn toàn dửng dưng mà là nhẫn nhục cam chịu. Như thế đó là định mệnh. “Người ta tìm thấy thi thể cháy thành than của bà ta trong phòng làm việc. Đó là nơi đám cháy bắt đầu. Hàng xóm chắc rằng đó là một tai nạn. Một điếu thuốc là vứt không đúng chỗ.”
“Bà Nam tước không hút thuốc,” Corso nói.
“Đêm qua bà ta hút.”
Corso nhìn qua đầu đám đông tụ tập gần dải băng cách ly của cảnh sát. Không thấy được nhiều lắm - đầu một cái thang dựa vào nhà, ánh đèn lóe lên đứt đoạn từ chiếc xe cứu thương bên cạnh cửa, vô số chỏm mũ bảo hiểm của cảnh sát và lính cứu hỏa. Không khí tràn ngập mùi gỗ và nhựa cháy. Giữa đám người xem, một cặp khách du lịch người Mỹ chụp ảnh cho nhau trên dải băng cách ly. Một hồi còi vang lên rồi vụt tắt. Ai đấy trong đám đông nói rằng người ta đang đưa xác ra, nhưng chẳng nhìn thấy gì cả. Và dù sao đi nữa cũng không có bao nhiêu thứ để nhìn, Corso nghĩ thầm.
Gã bắt gặp cô gái đang nhìn mình chằm chằm. Không còn dấu vết gì của đêm qua. Cô tỏ ra chăm chú và thực tế, giống như một người lính chuẩn bị vào trận.
“Chuyện gì xảy ra?” cô hỏi.
“Tôi đang hy vọng cô nói cho tôi.”
“Ý em không phải thế.” Có vẻ cô bắt đầu để ý đến La Ponte. “Anh ta là ai?”
Corso nói cho cô biết. Sau một chút ngập ngừng không biết La Ponte có hiểu không, gã nói, “Cô gái tôi đã kể với cậu. Irene Adler.”
La Ponte quả nhiên không hiểu, hắn lúng túng nhìn sang rồi chìa tay. Cô không để ý, cũng có khi cố tình không để ý. Cô qua sang Corso.
“Ông không còn cái túi,” cô nói.
“Phải. Cuối cùng vẫn để Rochefort lấy mất. Hắn chuồn đi với Liana Taillefer.”
“Liana Taillefer là ai?”
Corso trừng mắt nhìn, nhưng cô thản nhiên nhìn đáp trả.
“Cô không biết bà góa đau khổ đó sao?”
“Không.”
Cô bình tĩnh, không tỏ ra lo âu, cũng không ngạc nhiên. Không biết vì sao, Corso tin cô.
“Không thành vấn đề,” sau cùng gã nói. “Sự thực là bọn họ đã chuồn mất.”
“Đi đâu?”
“Chẳng biết,” gã nhăn mặt tuyệt vọng và ngờ vực, răng nhe ra. “Tôi tưởng cô biết chút gì đất.”
“Em không biết gì về Rochefort hay về người đàn bà ấy.”
Thái độ dửng dưng của cô tỏ ra rằng đó không hề là chuyện của cô. Cái đó càng làm cho Corso bối rối hơn. Gã đang chờ đợi ở cô một chút kích động. Nói gì thì nói, cô đã tự nguyện làm người bảo vệ gã. Gã tưởng rằng cô sẽ trách móc mình hay gì đấy như là đáng đời ông, cứ tưởng mình khôn lắm. Nhưng cô chẳng nói gi. Cô nhìn xung quanh như đang tìm một khuôn mặt quen trong đám đông. Gã cũng không biết cô đang nghĩ về chuyện đã xảy ra hay đang để tâm trí vào cái gì khác.
“Ta có thể làm gì?” gã hỏi bâng quơ. Gã hoang mang. Ngoài những lần bị tấn công, gã đã chứng kiến ba cuốn Chín cánh cửa và bản thảo Dumas lần lượt biến mất. Ba cái xác chết theo gót gã, nếu kể cả Enrique Taillefer, và gã đã tiêu mất một khoản tiền lớn của Varo Borja, không phải của gã… Varus ơi, Varus à, trả lại quân đoàn cho tôi. Quỷ tha ma bắt vận may của hắn. Vào giây phút ấy, gã những mong trẻ lại ba mươi lăm tuổi để ngồi xuống lề đường khóc òa lên.
“Ta có thể uống một ly cà phê,” La Ponte đùa cợt đề nghị, như thể muốn nói, Thôi đi các cậu, chuyện đâu đến nỗi nào, và Corso nhận ra rằng gã ngốc khốn khổ này chẳng có ý thức gì về cái đống hỗn độn khổng lồ họ đang bị lún vào. Dẫu vậy, hình như cà phê cũng không phải một ý tưởng quá tệ. Trong tình cảnh này gã cũng không nghĩ được cái gì khá hơn.
“XEM TÔI HIỂU đúng không nhé,” mấy giọt cà phê chảy xuôi theo bộ râu La Ponte khi hắn nhúng miếng bánh sừng bò vào cốc cà phê. “Năm 1666 Aristide Torchia giấu đi một cuốn sách đặc biệt. Một loại ấn phẩm an toàn phân bố trên ba bản in. Đúng thế không? Với tám trên chín bức minh họa có những khác biệt. Và ba bản in gốc phải đi cùng nhau thì câu thần chú mới hiệu nghiệm.” Hắn cắn một miếng bánh và chùi mồm vào khăn ăn. “Tôi nói đúng không nào?”
Ba người ngồi trên sân trời đằng trước khu phố cổ Saint Germain des Prés. La Ponte đang bù lại bữa sáng đứt đoạn ở khách sạn Crillon. Cô gái, vẫn còn xa lánh, lặng lẽ cầm ống hút một ngụm nước cam có ga và ngồi nghe. Cuốn Ba người lính ngự lâm mở trước mặt, cô lần giở từng trang lơ đãng đọc rồi lại ngẩng lên nghe. Còn Corso, bấy nhiêu sự kiện khiến gã rối ruột nên không nuốt được gì.
“Khá đấy,” gã nói với La Ponte. Gã ngửa người dựa vào lưng ghế, hai tay đút túi, đăm đăm nhìn những ngọn tháp. “Mặc dù cũng có thể là tác phẩm hoàn chỉnh, cuốn sách bị Nhà thờ đốt, cũng ba gồm ba cuốn sách có những minh họa thay đổi sao cho chỉ có những chuyên gia thực sự trong lĩnh vực này, những người được khai trí, mới có thể kết hợp ba cuốn theo đúng cách.” Gã cau mày, mặt nhăn nhúm, phờ phạc. “Nhưng giờ thì ta sẽ chẳng bao giờ biết nữa.”
“Ai bảo là chỉ có ba cuốn? Có thể ông ta đã in ra bốn, hay là chín bản khác nhau.”
“Trong trường hợp đó tất cả mọi chuyện này đều vô nghĩa. Người ta chỉ biết có ba cuốn.”
“Vậy là ai đó muốn ráp lại bản in gốc. Và đang thu thập những bức minh họa thực…” La Ponte nói, mồm đầy bánh. Hắn ăn bữa sáng thật ngon lành. “Nhưng y chẳng màng đến giá trị thương mại của nó. Một khi đã có những bức tranh khắc, y liền hủy phần còn lại. Và giết chủ nhân. Victor Fargas ở Sintra. Nam tước phu nhân Ungern ở Paris này. Và Varo Borja ở Toledo…” Hắn đột ngột dừng nói mà thất vọng nhìn Corso. “Thuyết này không ổn. Varo Borja còn sống.”
“Tôi có cuốn sách của ông ta. Đã từng có. Và họ quả đã cố gắng chăm sóc tôi, phục kích tôi tối qua, cả sáng nay nữa.”
La Ponte có vẻ chưa chịu. “Nếu họ để ý phục kích anh, sao Rochefort không giết anh?”
“Không biết.” Corso nhún vai. Gã đã tự hỏi mình câu đó. “Hắn có cơ hội mà không làm… Còn về chuyện Varo Borja vẫn sống. tôi không biết nói sao. Lão ta không trả lời điện thoại của tôi.”
“Vậy cũng có khả năng lão đã biến thành một xác chết. Hoặc một nghi phạm.”
“Về bản chất Varo Borja là nghi phạm, và lão có đồ nghề để dựng lên tất cả chuyện này.” Gã trỏ cô gái. Cô đang đọc và có vẻ không theo dõi cuộc tranh luận. “Chắc chắn cô ấy có thể làm mọi thứ sáng sủa hơn, nếu cô ấy muốn.”
“Nhưng cô ấy không muốn?”
“Phải.”
“Vậy thì tố giác cô ta đi. Khi thiên hạ giết người, có một cái tên thường đi kèm: kẻ tòng phạm.”
“Làm sao mà tố giác cô ấy được? Tôi ngập đến cổ vào chuyện này rồi, Flavio. Mà cậu cũng thế.”
Cô gái ngừng đọc. Cô không nói gì mà chỉ nhấp từng ngụm nước. Hai mắt cô nhìn từ Corso sang La Ponte, lần lượt dừng lại ở mỗi người. Sau cùng cô nhìn Corso.
“Anh tin cô ta thật à?” La Ponte hỏi.
“Còn tùy về chuyện gì. Đêm qua cô ấy đánh gục Rochefort và đã hoàn thành tốt công việc ấy.”
La Ponte nhăn mặt bối rồi, nhìn cô chăm chú. Hắn cố hình dung cô trong vai trò vệ sĩ. Có lẽ hắn cũng tự hỏi quan hệ giữa cô và Corso đã tiến xa tới đâu. Corso nhìn hắn vuốt râu và phóng tia mắt lành nghề quan sát thân hình cô dưới cái áo khoác len. Thậm chí dù La Ponte vẫn nghi ngờ cô, nhưng trong trường hợp cô cho hắn cơ hội thì chuyện hắn sẽ đi bao xa là khỏi phải bàn. Ngay cả trong những lần như thế này, cựu chủ tịch Hội Ái hữu những Người phóng lao Nantucket cũng vẫn muốn trở về với cái trôn. Bất kể trôn nào.”
“Cô ấy quá đẹp.” La Ponte lắc đầu. “Và quá trẻ. So với anh, thế đấy.”
Corso cười. “Nếu biết cô ấy đôi khi già đến thế nào thì cậu sẽ ngạc nhiên đó.”
La Ponte tặc lưỡi hồ nghi. “Quà tặng kiểu ấy không rơi từ trên trời xuống.”
Cô gái im lặng nghe hai người nói chuyện. Nghe vậy cô mỉm cười, nụ cười đầu tiên trong ngày, như thể vừa nghe một câu nói thật buồn cười.
“Ông nói nhiều quá đấy, ông Flovio họ-gì-thì-tùy,” cô nói với La Ponte khiến gã chớp mắt bồn chồn. Cô cười toe toét như một đứa trẻ nghịch ngợm. “Và giữa tôi với ông Corso là cái gì cũng chẳng phải việc của ông.”
Đó là lần đầu tiên cô nói chuyện với La Ponte. Hắn bối rối nhìn ông bạn cầu cứu. Nhưng Corso chỉ cười.
“E rằng tôi không nên có mặt ở đây.” La Ponte làm bộ muốn đứng lên nhưng lại thôi. Hắn giữ nguyên tư thế như vậy cho đến khi Corso vỗ nhẹ cánh tay hắn. Một cái vỗ vô tư, bè bạn.
“Đừng ngốc. Cô ấy là người của ta.”
La Ponte bớt căng thẳng, nhưng chưa hoàn toàn bị thuyết phục. “Ồ, vậy thì để cô ta chứng minh đi. Để cô ta nói những chuyện cô ấy biết.”
Corso quay sang nhìn cái miệng hé mở, cái cổ ấm áp và đầy đặn. Băn khoăn không biết ở đó có còn tỏa mùi của nóng và sốt nữa không, gã thoáng lạc lối trong ký ức. Đôi mắt màu lá cây trong trẻo chứa đầy ánh sáng ban mai, vẫn như mọi khi, bắt gặp ánh mắt chăm chú của gã, bình thản, uể oải và không nao núng. Nụ cười của cô trước đó một giây mang vẻ nhạo bang giờ đã thay đổi. Một lần nữa nó như một tiếng thở rất nhẹ, một lời nói bí ẩn không thành lời.
“Bọn tôi đang nói về Varo Borja,” Corso nói. “Cô biết ông ta không?”
Cô thôi cười và lại trở thành một người lính mệt mỏi, dửng dưng. Corso tưởng như thấy một chút khinh miệt thoáng hiện trên mặt cô. Gã giữ nguyên bàn tay trên mặt bàn bằng đá cẩm thạch.
“Ông ta đang thuê tôi,” gã thêm. “Và dùng cô theo dõi tôi.” Nhưng chuyện đó có vẻ thật ngớ ngẩn. Gã không hình dung được một nhà sưu tầm sách triệu phú lại dùng một cô gái trẻ để gài bẫy mình. “Hoặc cũng có thể Rochefort và Milady làm việc cho ông ta.”
Cô lại cúi xuống đọc Ba người lính ngự lâm mà không trả lời. Nhưng việc đề cập đến Milady nhắc La Ponte nhớ đến lòng tự hào bị tổn thương của hắn. Hắn uống hết tách cà phê rồi giơ một ngón tay lên.
“Đó là chỗ tôi không hiểu,” hắn nói. “Mối liên hệ với Dumas… Rượu vang Anjou của tôi dính dáng gì đến chuyện này?”
“Rượu vang Anjou trở thành của cậu hoàn toàn tình cờ.” Corso cạn tách của mình và nhìn kỹ hai người kia ngồi trong ánh nắng, tự hỏi không biết mắt kính vỡ có nhìn được toàn bộ khung cảnh hay không. “Đó là chỗ tôi thấy khó hiểu nhất. Nhưng có những trùng hợp thú vị. Hồng y giáo chủ Richelieu, kẻ ác trong tiểu thuyết, rất quan tâm đến những cuốn sách về huyền học. Khế ước với quỷ mang lại quyền lực, mà Richelieu là người quyền thế nhất ở nước Pháp. Và để hoàn thiện bảng phân vai, tất nhiên Đức Hồng y phải có hai thủ hạ trung thành để thực hiện mọi mệnh lệnh của ông ta - Bá tước Rochefort và Milady de Winter. Ả có bộ tóc vàng, độc địa và có biểu tượng hoa huệ của đao phủ. Rochefort da đen và mặt sẹo…. Mọi người hiểu tôi nói gì không? Hai người đó đều có những điểm đặc sắc dễ nhận ra. Trong sách Khải huyền, các đầy tớ của quỷ có thể dễ dàng nhận ra qua dấu ấn của Ác thú.”
Cô gái uống thêm một ngụm nước cam nhưng không ngẩng lên. La Ponte nhún vai như thể có một bóng ma giẫm lên mồ hắn. Hắn cảm thấy rõ rằng dan díu với một vệ nữ tóc vàng là một chuyện còn tham gia một buổi tụ tập của các mụ phù thủy là chuyện khác. Hắn cựa quậy không yên.
“Cứt thật. Hy vọng thứ đó không lây nhiễm.”
Corso nhìn hắn bực tức. “Có quá nhiều trùng hợp, đúng không? Và rồi còn thêm nữa.” Hà hơi lên mắt kính xong, gã lấy khăn ăn lau. “Trong Ba người lính ngự lâm chuyện xảy ra là Milady kết hôn với Athos, bạn của d’Artagnan. Khi Athos phát hiện vợ mang dấu ấn nhục nhã của đao phủ, anh ta quyết định thực hiện phán quyết của chính mình. Anh ta treo ả lên rồi mặc ả chết, nhưng ả vẫn sống, v.v…” Gã đeo kính lên. “Ai đó hẳn sẽ rất vui vì toàn bộ chuyện này.”
“Tôi có thể đồng cảm với Athos khi anh ta treo vợ mình lên,” La Ponte nói, hẳn là đang nghĩ đến hóa đơn khách sạn. “Tôi muốn tóm lấy ả rồi tự mình làm như thế.”
“Hoặc giả giống như Liana Taillefer làm với chồng ả. Xin lỗi vì chạm đến sĩ diện của cậu, Flavio, nhưng ả chưa bao giờ quan tâm đến cậu, dù chỉ một tí ti. Ả chỉ muốn cái bản thảo ông chồng quá cố bán cho cậu.”
“Đồ chó cái,” La Ponte cay đắng lẩm bẩm. “Tôi cá là ả hại lão. Với sự tiếp tay của anh bạn ria mép mặt sẹo của chúng ta.”
“Cái mà tôi chưa hiểu,” Corso tiếp tục, “là mối liên hệ giữa Ba người lính ngự lâm và Chín cánh cửa. Tôi chỉ phát hiện được là Alexandre Dumas ngồi chễm chệ trên đỉnh cao thế giới. Ông ta thành công với thứ quyền lực cao nhất ông ta muốn - danh vọng, của cải và đàn bà. Mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió, như thể ông có đặc quyền hay đã ký kết một khế ước đặc biệt. Và khi ông ta chết, con trai ông, ngài Dumas kia, đã viết một đoạn văn bia kỳ quái cho ông: Ông chết giống như ông sống - không hề ý thức.”
La Ponte khịt mũi. “Anh cho là Dumas đã bán linh hồn cho quỷ à?”
“Tôi chẳng cho là gì hết. Tôi chỉ đang cố tìm hiểu một bộ truyện nhiều tập ai đó viết hại tôi. Rõ ràng mọi sự bắt đầu từ khi Enrique Taillefer quyết định bán bản thảo Dumas. Chuyện bí ẩn bắt đầu từ đó. Vụ tự sát được giả định của ông ta, lần tới thăm bà góa, vụ đầu tiên tôi đụng với Rochefort… Và công việc Varo Borja giao cho tôi.”
“Tập bản thảo có gì đặc biệt? Vì sao nó quan trọng và quan trọng với ai?”
“Tôi không biết.” Corso nhìn cô gái. “Trừ phi cô ấy nói cho ta biết gì đó.”
Cô nhún vai, nhưng vẫn cúi xuống quyển sách. “Đó là chuyện của ông, ông Corso,” cô nói. “Em biết ông đã phải trả giá vì nó.”
“Cô cũng dính líu.”
“Đến giới hạn nào đó thôi.” Cô phác một cử chỉ mơ hồ, vô thưởng vô phạt rồi lật một trang. “Chỉ đến giới hạn nào đó thôi.”
La Ponte tức giận hướng về phía Corso. “Anh đã thử cho cô ta mấy cái tát chưa?”
“Câm mồm đi, Flavio.”
“Đúng, câm đi,” cô nhắc lại.
“Thật nực cười,” La Ponte càu nhàu. “Cô ta nghĩ mình là ai mà nói vậy chứ? Và thay vì dạy cho cô ta biết phải trái là gì, anh lại để mặc cô ta. Thật không giống anh tí nào, Corso. Mặc dù cô ta xinh xắn thật, tôi không nghĩ…” hắn dừng lại tìm từ. “Vì cớ gì mà cô ta ngạo mạn như vậy?”
“Cô ta đã từng đấu tay đôi với một thiên thần,” Corso giải thích. “Và đêm qua tôi thấy cô ta đánh vỡ mõm Rochefort, nhớ chứ? Chính thằng cha sáng nay đánh tôi trong lúc cậu ngồi bình an vô sự trên chỗ đàn bá đái.”
“Trên xí bệt.”
“Cũng không khác gì. Cậu trong bộ quần áo ngủ, trông không khác gì hoàng thân Danilo trong Hoa tím của Hoàng đế. Dù sao thì tôi còn không biết cậu mặc pyjama đi ngủ với người đàn bà cậu chinh phục được đấy.”
“Anh quan tâm làm quái gì?” La Ponte liếc nhìn cô gái, bối rối, căm tức. “Nếu anh muốn biết thì bởi vì về đêm tôi hay bị lạnh. Đại khái thế.” Hắn nói rồi chuyển đề tài, “Ta đang nói về Rượu vang Anjou. Kết quả điều tra thế nào?”
“Ta biết đó là tài liệu thực và do hai người làm ra - Dumas và người cộng sự, Auguste Maquet.”
“Anh phát hiện gì về người này?”
“Maquet á? Chẳng có mấy mà phát hiện. Ông ta chia tay Dumas không mấy vui vẻ gì với đủ kiểu kiện tụng và đòi tiền. Có một điều la, Dumas phung phí hết thảy khi ông ta còn sống nhưng chết thì không một xu dính túi. Nhưng Maquet thì giàu có lúc về già, thậm chí có cả một tòa lâu đài. Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp theo cách riêng với từng người.”
“Còn về chương truyện viết một nửa?”
“Maquet vạch ra cốt truyện, Dumas thêm thắt vào để tạo văn phong và chất lượng. Cậu quá biết về chủ đề rồi: Milady tìm cách đầu độc d’Artagnan.”
La Ponte nhìn trừng trừng vào cái tách trống không. “Để kết luận….”
“Ồ, tôi đã bảo có người tin rằng mình là Richelieu tái sinh và tìm cách sưu tầm toàn bộ tranh minh họa gốc trong Delomelanicom. Cũng như chương truyện của Dumas. Ít nhiều thì những thứ đó cũng chứa đựng bí mật về những chuyện đang diễn ra. Có lẽ người ấy đang muốn triệu hồi Lucifer trong khi ta đang nói chuyện ở đây. Trong khi đó thì cậu không còn bản thảo và Varo Borja không còn cuốn sách nữa. Tôi toi thật rồi.”
Gã lấy mật hàm của Richelieu từ trong túi ra đọc lại. La Ponte có vẻ đồng tình với gã. “Mất tập bản thảo cũng không nghiêm trọng,” hắn nói. “Tôi trả tiền cho Taillefer, nhưng không nhiều lắm.” Hắn mỉm cười ranh mãnh. “Ít nhất tôi đã được Liana Taillefer trả bằng thứ khác. Nhưng anh thì thực sự là phiền đấy.”
Corso nhìn cô gái vẫn yên lặng đọc sách. “Có lẽ cô ấy có thể cho ta biết tôi đang bị cuốn vào chuyện gì.”
Hắn cau mày, gõ gõ đốt ngón tay lên bàn như một tay chơi bài thừa nhận mình thua. Nhưng cô ta cũng chẳng buồn phản ứng.
La Ponte lẩm bẩm trách móc, “Tôi vẫn không hiểu tại sao anh tin cô ta.”
“Ông ấy nói với anh rồi,” rốt cuộc cô trả lời. Cô đặt cái ống hút vào giữa các trang sách như để đánh dấu. “Tôi chăm sóc ông ấy.”
Corso gật đầu vui vẻ, mặc dù trong tình trạng của gã chẳng có gì mà vui. “Cô ấy là thiên thần hộ mệnh của tôi,” gã nói.
“Thật ư? Vậy thì cô ấy phải bảo hộ anh tốt hơn. Cô ấy ở đâu lúc Rochefort lấy trộm cái túi của anh.”
“Có cậu ở đó.”
“Đấy là chuyện khác. Tôi chỉ là một gã buôn sách nhát gan. Tôi ưa hòa bình. Một loại đối lập thực sự với típ người hành động. Nếu tham gia một cuộc thi nhát gan, chắc tôi sẽ bị loại vì quá nhút nhát.”
Corso không nghe hắn nói, gã vừa có một phát hiện. Cái bóng của tháp nhà thờ trải dài trên mặt đất gần chỗ bọn họ. Hình thù to lớn đen sẫm đang dịch dần khỏi ánh nắng. Gã để ý bóng cây thập tự trên đỉnh tháp nằm dưới chân cô gái, rất gần nhưng không chạm vào cô. Bóng cây thập tự duy một khoảng cách thận trọng.
GÃ TỚI MỘT TRẠM BƯU ĐIỆN gọi đi Lisbon để xem cuộc điều tra về cái chết của Victor Fargas tiến triển ra sao. Tin tức không phấn khời. Pinto đã xem báo cáo tòa án: nạn nhân chết vì bị dìm xuống ao. Cảnh sát Sintra nghĩ động cơ giết người là cướp của. Thủ phạm hay những thủ phạm không tìm được. Tin tốt là trong thời gia ấy không ai liên hệ Corso với vụ giết người. Pinto nói thêm là y đã bỏ ra ngoài bản mô tả người đàn ông mặt sẹo, để phòng xa. Corso bảo y quên Rochefort đi, con chim đó lượn mất rồi.
Hình như tình hình không thể còn tệ hơn đằng nào được nữa. Nhưng đến buổi trưa lại còn phức tạp hơn. Ngay khi cùng La Ponte và cô gái vào tới hành lang khách sạn, gã thấy có gì đấy không ổn. Gruber đứng cạnh bàn, dưới vẻ ngoài bình tĩnh như thường lệ của hắn ẩn chứa một lời cảnh cáo. Khi tới gần, Corso thấy người gác ngẫu nhiên quay nhìn cái hộc có chìa khóa buồng Corso và khẽ giật ve áo mình, một cử chỉ mà cả thế giới đều hiểu.
“Đi thôi,” Corso nói với hai người kía.
Gã gần như phải lôi La Ponte đang lúng túng ra khỏi đó. Cô gái dẫn cả bọn theo một hành lang hẹp dẫn tới quầy bar của khách sạn trông ra quảng trường Cung điện Hoàng gia. Quay lại nhìn Gruber, Corso thấy hắn thò tay cầm điện thoại.
Khi mọi người đã ở ngoài phố, La Ponte lo lắng nhìn về phía sau. “Có chuyện gì vậy?”
“Cảnh sát,” Corso giải thích. “Trong phòng tôi.”
“Sao anh biết?”
Cô gái không hỏi gì. Cô chỉ nhìn theo Corso, chờ gã chỉ đạo. Gã lấy ra cái phong bì Gruber đưa đêm qua, bỏ tờ giấy báo tin về nơi ở của La Ponte và Liana Taillefer rồi thay vào đó một tờ năm trăm quan. Gã làm việc đó chậm chạp, vì thế hai người kia có thể thấy tay hắn đang run rẩy. Gã dán phong bì, gạch ngang tên mình rồi ghi tên Gruber lên trên, sau đó đưa cho cô gái.
“Đưa nó cho một người phục vụ bất kỳ trong phòng ăn” Lòng bàn tay gã đầy mồ hôi, gã chùi vào bên trong túi quần. Rồi trỏ bốt điện thoại bên kia quảng trường. “Gặp tôi ở đó”
“Còn tôi?” La Ponte hỏi.
Mặc dù đang khẩn trương, Corso suýt nữa phì cười. “Cậu có thể làm gì tùy ý. Mặc dù tôi nghĩ cậu nên lặn đi thì hơn, Flavio.”
Gã xuyên qua dòng xe cộ sang bên kia quảng trường về phía bốt điện thoại, chẳng chờ xem La Ponte có đi theo hay không. Khi đóng cửa bốt điện thoại và nhét tấm thẻ vào khe, gã thấy La Ponte ở cách mấy mét đang nhìn quanh, vẻ lo lắng và bất lực.
Corso quay số khách sạn và xin gặp bộ phận lễ tân.
“Có gì xảy ra vậy, Gruber?”
“Có hai cảnh sát tới, ông Corso,” viên cựu sĩ quan SS khẽ đáp. “Họ vẫn trong phòng ông.”
“Họ có giải thích gì không?”
“Không. Họ muốn biết ngày ông tới ở khách sạn và hỏi chúng tôi có biết ông làm gì cho tới hai giờ sáng không. Tôi nói không và chuyển họ qua cho một đồng nghiệp trực đêm qua. Họ cũng cần một mô tả vì không biết trông ông thế nào. Tôi bảo họ tôi sẽ liên lạc với họ khi ông quay lại. Tôi đang chuẩn bị làm việc ấy đây.”
“Ông sẽ nói gì với họ?”
“Sự thật, đương nhiên rồi. Rằng ông đi vào hành lang một chút rồi bỏ đi ngay. Rằng ông đi cùng một người có râu. Còn về quý cô, họ không hỏi về cô ấy, vì vậy tôi cảm thất chẳng có lý do gì để nhắc tới.”
“Cảm ơn ông, Gruber.” Gã dừng lại cười rồi nói thêm. “Tôi vô tội.”
“Tất nhiên là thế, ông Corso. Tất cả khách thuê khách sạn này đều vô tội.” Có tiếng xé giấy. “A. Tôi vừa nhận được phong bì của ông.”
“Gặp lại sau nhé, Gruber. Giữ phòng mấy ngày cho tôi. Tôi hy vọng sẽ trở lại lấy đồ. Nếu có vấn đề gì, hãy tính vào thẻ tín dụng của tôi. Cảm ơn lần nữa.”
“Hân hạnh phục vụ ông.”
Corso gác máy. Cô gái đã trở lại đứng bên La Ponte. Corso bước tới. “Cảnh sát biết tên tôi. Có người báo cho họ.”
“Đừng nhìn tôi,” La Ponte nói. “Tất cả chuyện này nãy giờ đã quá tầm tôi rồi.”
Nó cũng quá tầm mình. Corso cay đắng nghĩ thầm. Gã đang đứng ở giữa biển khơi hung dữ, trên một con thuyền không người cầm lái.
“Cô có ý gì không?” gã hỏi cô gái. Cô là sợi dây mong manh duy nhất nối với điều bí ẩn vẫn nằm trong tay gã. Hy vọng cuối cùng của gã.
Cô dòm qua vai Corso nhìn dòng xe cộ và rào chắn của Cung điện Hoàng gia gần đó. Cô đã bỏ cái túi đeo xuống chân. Cô nhíu mày, vẫn im lặng, đắm chìm trong suy tư như mọi khi. Trông ương bướng như một thằng nhóc không chịu vâng lời người lớn.
Corso cười như một con sói mệt mỏi. “Tôi không biết phải làm sao,” gã nói.
Gã thấy cô gái gật đầu chậm rãi, có lẽ kiểu như kết thúc một dòng suy luận. Hoặc có thể chẳng qua là cô đồng ý rằng quả thực gã không biết phải làm gì.
“Ông là kẻ thù tệ hại nhất của chính ông,” cuối cùng lạnh nhạt nói. Cô cũng tỏ ra mệt mỏi, giống như buổi tối trước khi họ trở về khách sạn. “Trí tưởng tượng của ông.” Cô vỗ lên trán. “Ông đừng nên chỉ nhìn mấy cái cây mà nghĩ là thấy cả khu rừng.”
La Ponte cằn nhằn. “Môn thực vật để sau đi, được không?” Hắn đang càng lúc càng lo lắng về khả năng quân cảnh sẽ xuất hiện. “Phải đi khỏi đây. Tôi có thể thuê xe. Nếu khẩn trương, ngày mai ta có thể vượt qua biên giới. Tiện thể xin nói mai là ngày Cá tháng Tư.”
“Câm miệng, Flavio.” Corso nhìn vào mắt cô gái tìm kiếm một câu trả lời. Gã không thấy gì khác ngoài những hình ảnh phản chiếu - ánh sáng trên quảng trường, xe cộ qua lại, hình ảnh của chính gã, méo mó và kỳ cục. Một người lính thất trận. Nhưng thất trận chẳng còn chút vinh quang nào nữa. Như thế từ lâu rồi.
Nét mặt cô gái biến đổi. Cô nhìn chằm chằm vào La Ponte cứ như đây là lần đầu tiên hắn đáng nhìn.
“Nhắc lại xem,” cô nói.
La Ponte ngạc nhiên lắp bắp. “Cô định nói, việc thuê xe?” Mồm hắn há ra. “Rõ ràng thế. Đi máy bay người ta có danh sách khách hàng. Còn trên tàu có thể bị kiểm tra hộ chiếu…”
“Ý tôi không phải thế. Nói xem mai là ngày mấy?”
“Mồng một tháng Tư. Thứ Hai.” La Ponte lúng túng mân mê cà vạt. “Ngày sinh nhật tôi.”
Nhưng cô gái không để ý. Cô cúi xuống cái túi đeo tìm gì trong đó. Khi đứng dậy, tay cô cầm Ba người lính ngự lâm.
“Ông đọc không kỹ,” cô nói với Corso và đưa cuốn sách cho gã. “Chương một, dòng đầu[1].”
Corso kinh ngạc tiếp lấy cuốn sách và liếc nhìn. “Ba món quà của ông d’Artagnan bố.” Ngay khi đọc dòng đầu tiên, gã đã biết mình phải đi đâu để tìm Milady.
-----------------------
[1] Dòng đầu tiên Ba người lính ngự lâm bắt đầu như sau: Ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Tư năm 1625, thị trấn Meung.