Số lần đọc/download: 3733 / 102
Cập nhật: 2015-07-19 17:27:19 +0700
Chương 15
C
ăn phòng chỉ có hai người: Hoàng Sơn Trường và mẹ cậu. Nhà lập thuyết trẻ tuổi sửa lại cặp kính cận, nhìn mẹ và nhẹ nhàng hỏi:
- Mẹ còn gì để nói với con không?
Người mẹ ngắm khuôn mặt bơ phờ của con, ái ngại:
- Tại sao con không chịu khai?
- Con đã khai hết rồi.
- Khai sự thật cơ.
- Con đã khai đầy đủ sự thật.
- Còn điều cơ bản con dấu diếm
- Ai bảo mẹ thế?
- Các đồng chí chấp pháp.
- Bọn ngu ấy không chịu tin sự thật. Khi con nói thật mà chúng nó chẳng thích nghe, khai báo chi nữa!
- Ai đã xui con, đã dạy con viết cái chủ thuyết tiểu tư sản cực kỳ phản động ấy?
- Sự suy tư của con!
- Con qua mặt cả mẹ à?
- Con nói thật.
- Mẹ không tin.
- Tùy ý mẹ.
- Mẹ sẽ khước từ con, gia đình sẽ khước từ con. Con làm ô danh sự nghiệp cách mạng của mẹ.
- Không phải đâu, con muốn làm rạng danh gia đình. Tuổi trẻ cần lập chí. Chí của con đối nghịch chí của mẹ. Thế thôi. Vì sự nghiệp cộng sản của mẹ, mẹ cứ việc từ con, càng sớm càng tốt.
- Con bằng lòng nằm tù mãn kiếp?
- Vâng.
- Con phá hủy tương lai các em con.
- Mẹ về Sông Bé hoạt động đi! Con không còn gì để trả lời mẹ nữa.
Người Phó chủ tịch Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Sông Bé đập bàn đứng dậy, bỏ ra khỏi phòng. Một mình Hoàng Sơn Trường ngồi lại trong sự im lặng của căn biệt thự hoang vắng, căn biệt thự chủ nhân đã di tản, nay biến thành một thứ nhà tù. Cậu ngồi bất động. Thời gian bước chân kiến trên nỗi hiu quạnh. Và nỗi hiu quạnh nhỏ từng giọt xuống hồn cậu.
Buổi chiều đã vướng vất ngoài kia. Tia nắng vàng thoi thóp lọt qua khe cửa. Gói thuốc còn một điếu cuối cùng. Hoàng Sơn Trường cảm thèm ly nước lạnh. Môi cậu khô, cổ họng cậu khô. Khói thuốc làm cậu nhức đầu. Khói thuốc tụ ở mí mắt cậu. Đưa tay dụi mắt, hơi khói vướng mắt và nước mắt cậu ứa ra, ứa ra mãi.
Người công an mở cửa, bước vào phòng đúng lúc ấy. Ngọn đèn néon bật sáng trưng. Trường không có mù-soa lau mắt. Cậu gở kính ra. Người công an hỏi:
- Hối hận hả, cậu tiểu tư sản?
- Ông lầm rồi, ông cộng sản à!
- Tại sao khóc?
- Nếu nói thật rằng khói thuốc khiến tôi cay mắt, ông sẽ không tin. Nhưng nếu bắt chước những anh yêu nước giả vờ nói phét rằng tôi khóc vì thương xót tổ quốc, dân tộc, chắc ông dễ tin hơn. Vậy tôi chọn sự nói phét.
- Cậu đã nói phét?
- Đúng.
- Cậu nói phét là chính cậu định viết chủ thuyết tiểu tư sản?
- Việc này tôi nói thật.
- Nói phét.
Người công an khích Hoàng Sơn Trường. Cậu đâu có ngu.
- Ông muốn thảo luận về tiểu tư sản chủ nghĩa không?
Người công an hớn hở:
- Tôi rất thích nghe.
- Vậy, trước hết, tôi cần ly nước lạnh.
- Đồng ý. Cậu còn thuốc hút không?
- Hết.
- Muốn gì nữa. Nhớ rằng, muốn gì cũng được, chỉ cần chịu thảo luận sôi nổi về tiểu tư sản chủ nghĩa.
- Tôi rất muốn thảo luận.
Người công an trở ra. Lát sau, ông ta mang vào một chai nước lạnh, một cái ly cối đầy đá, hai gói thuốc Président, một hộp diêm Samasa. Hoàng Sơn Trường uống liền một hơi cạn hai ly nước. Rồi cậu hút thuốc và bắt đầu nói:
- Để dễ dàng hiểu tiểu tư sản chủ nghĩa của tôi, tôì hỏi, ông trả lờ.
Người công an tròn xoe mắt:
- Can phạm hỏi công an?
Nhà lập thuyết cười:
- Tôi và ông thảo luận về chủ nghĩa mới. Ông tìm hiểu thì ông trả lời tôi cho nó dễ hiểu.
- Đồng ý.
- Mở đầu là câu hỏi nằm trong bản chất con người. Thí dụ: Ông cưới vợ thì vợ ông thuộc về riêng ông hay thuộc về tập thể?
- Dĩ nhiên, thuộc riêng tôi.
- Tức tài sản riêng của ông?
- Chứ sao?
- Nếu nhiều người khác đòi ngủ với vợ ông, ông tính sao?
- Tôi bảo vệ tài sản của tôi.
- Đó, tài sản của riêng ông tức là tư hữu. Bảo vệ tài sản tức là bảo vệ quyền tư hữu. Ông nặng chất tư hữu, ông giải thích giùm tôi, ông cộng sản chỗ nào?
Người công an gạt ly nước đổ tung xuống nền nhà.
- Bố láo!
Hoàng Sơn Trường chậm rãi:
- Trúng tim ông rồi hả? Ông nên thành thật đi! Người vô sản đòi bảo vệ quyền tư hữu! Khôi hài hay bố láo! Tôi hay ông?
Người công an nín thinh. Một lát, ông gật gù:
- Cậu có thể viết chủ nghĩa của cậu trên giấy không?
Hoàng Sơn Trường lắc đầu:
- Không.
- Vậy là cậu nói phét, cậu nghe lỏm ai nói, cậu kể lại chứ gì?
- Ông đánh giá tôi thấp quá. Ông kháy tôi rẻ tiền quá. Nếu ông muốn tìm hiểu chủ nghĩa của tôi, khuyên ông cứ bình tỉnh nghe tôi thí dụ rồi trả lời thí dụ của tôi. Dần dần, ông sẽ vỡ ra và ông sẽ tự hỏi ông còn là cộng sản không.
- Được, nếu thí dụ láo lếu, cậu đừng trách.
- Hoàn toàn đứng đắn. Thí dụ: Ông thích cái xe Honda của riêng ông để lau chùi, o bế, để muốn chở vợ con đi chơi lúc nào thì đi hay thích cái xe Honda tập thể, muốn đi phải đăng ký vài ngày?
- Tôi thích bỏ tiền sắm riêng Honda của tôi.
- Nó vĩnh viễn của ông?
- Nó là tài sản nhỏ của tôi.
- Là của riêng?
- Đúng.
- Của riêng, tiếng Hán-việt gọi là tư sản. Của riêng nhỏ gọi là tiểu tư sản, ông đã là tiểu tư sản rồi mà ông không biết, ông cứ chửi rủa giai cấp của ông, ông cứ nhận phứa ông là vô sản, cộng sản!
- Hay lắm, hay lắm. Nhưng ai mớm cho cậu những thí dụ đó?
- Tôi…tự biên tự diễn.
- Tôi đùa với cậu hơi lâu rồi đấy.
- Ông đừng đùa nữa.
- Ai là thầy cậu?
- Tôi. Ai là thầy của chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Lénine vĩ đại.
- Ai là thầy của Lénine vĩ đại?
- Karl Marx và Fiedrich Engels.
- Ai là thầy của Karl Marx?
Người công an thộn mặt ra. Nhà lập thuyết Hoàng Sơn Trường gỡ kính cầm trên tay:
- Ông giận tôi không thèm trả lời hả? Vậy tôi trả lời tôi giùm ông: Tư bản chủ nghĩa đẻ ra Karl Marx, tư bản là thầy của Karl Marx. Cộng sản chủ nghĩa đẻ ra tôi, cộng sản là thầy tôi. Nói rõ ràng, vì sự bất lực của chủ nghĩa cộng sản nên phải có chủ nghĩa tiểu tư sản.
Người công an vỗ vai nhà lập thuyết:
- Cậu có khùng không?
Nhà lập thuyết đáp gọn:
- Hình như tôi khùng!
Buổi tối, người ta cho Hoàng Sơn Trường ăn một dĩa cơm sường nướng. Cậu là can phạm đặc biệt nên không bị còng tay, còng chân. Tù nhân ở villa, ăn cơm dĩa, hút thuốc Présiden là tù nhân thượng hảo hạng. Ăn xong dĩa cơm sườn ngon lành, Hoàng Sơn Trường nằm dài ở góc phòng hút thuốc lá. Cậu rất sung sướng vì biết đích xác rằng cộng sản sợ hãi vũ khí tư tưởng. Và cậu chẳng còn ngạc nhiên tại sao cộng sản lên lớp chính trị nó coi thứ Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ như cỏ rác mà lại thù hận nể nang ông Ngô Đình Nhu và chủ nghĩa cần lao nhân vị.
Đến nửa đêm, người ta bịt mắt đưa Hoàng Sơn Trường tới một nhà giam khác. Khi cậu được mở mắt, mở còng, trời đã sáng và cậu thấy mình nằm trong cachot. Người ta đã lấy lại thuốc lá và diêm. Tiêu chuẩn cơm dĩa chấm dứt luôn. Cửa gió cachot gài chốt bên ngoài kín mít. Trường không biết cậu bị nhốt tại nhà giam nào. Cậu ngủ li bì, bất cần thời gian. Cachot nhỏ hẹp, không tồi tệ mấy vì có cầu tiêu và vòi nước chảy ri rỉ.
Một hôm, người ta lại bịt mắt cậu, đẩy cậu lên xe hơi chạy vòng vo những nơi nào nơi nào rồi xe dừng lại. Người ta lôi cậu ra, nắm cánh tay cậu dìu cậu leo thang lầu, đưa cậu vào căn phòng gắn máy lạnh, mở mắt cậu và bảo cậu ngồi xuống ghế bọc da sang trọng trước cái bàn giấy lớn.
Một người đàn ông khoảng dưới 60 tuổi xuất hiện. Tóc ông ta đã bạc nhiều nhưng tướng ông còn quắc thước, nước da đỏ tươi, cặp mắt trong sáng. Hoàng Sơn Trường nhận ra ông ta, hình ông ta thường đăng trên báo "Sàigòn giải phóng".
- Cậu biết tôi không?
- Dạ biết. Ông là ông Mai Chí Thọ.
- Tôi cũng biết cậu qua sự giới thiệu của mẹ cậu và của chú tiểu Thích Thanh Bần.
- Thưa ông, hân hạnh cho tôi quá.
- Học thuyết tiểu tư sản của cậu ra sao mà chú tiểu chùa An Lạc xưng tụng hết lời?
- Thưa ông, học thuyết của tôi gồm toàn thí dụ!
Một người công an đã bảo Hoàng Sơn Trương khùng, cậu muốn đóng vai trò điên khùng để tồn tại, noi gương Tôn Tẩn.
- Học thuyết…thí dụ?
- Vâng, thí dụ và thí dụ rồi vấn đáp.
- Cậu thử thí dụ xem nào.
- Thí dụ của chủ thuyết tiểu tư sản thường hay xúc phạm tới người muốn biết. Tôi sợ ông sẽ không hài lòng.
- Cứ thí dụ đi!
- Thưa ông, cái đồng hồ Rolex ông đeo trên tay của riêng ông hay là thuộc tài sản công cộng?
- Của riêng tôi.
- Nó là tư sản của ông?
- Tư sản nhỏ mọn, đáng kể gì.
- Thưa ông Giám Đốc, nếu có vị đồng chí nào lột cái Rolex của ông khơi khơi, ông nghĩ sao?
- Xin thì tôi cho, tự nhiên lột thì không được.
- Thì ông phải bảo vệ?
- Tôi bỏ tù!
- Thưa ông, đó là chủ thuyết của tôi.
Mai Chí Thọ phá ra cười. Hoàng Sơn Trường cười theo. Cậu nói:
- Ông nên theo chủ nghĩa tiểu tư sản đi!
Mai Chí Thọ vẫn cười ngất. Người cộng sản ít khi được cười, ít khi dám cười. Họ làm ra bộ nghiêm túc, khắc khổ thật tội nghiệp. Vớ được dịp cười vô tội vạ, Mai Chí Thọ cười như điên.
- Tôi theo chủ nghĩa tiểu tư sản?
- Vâng. Gốc của ông là trí thức tiểu tư sản, dẫu khước từ nó,tâm hồn ông vẫn cứ tiểu tư sản. Tôi xin phép lý luận: Cái đồng hồ Rolex là tư sản nhỏ mọn của ông như ông xác định. Vậy nó là tiểu tư sản. Ông đòi bảo vệ nó là ông đòi bảo vệ quyền lợi tiểu tư sản, ông đòi quyền tư hữu. Mãi mãi ông là tiểu tư sản.
Mai Chí Thọ hết cười. Ông ta đanh mặt lại:
- Cái mặt cậu cũng đòi lập thuyết?
Hoàng Sơn Trường nổi nóng:
- Thế kỷ trước, chắc đã có người khinh bỉ Karl Marx như ông khinh bỉ tôi hôm nay?
- Marx là vĩ nhân, cậu là tép riu.
- Trước khi trở thành vĩ nhân, Marx đã là tép riu. Thưa ông, tôi rất buồn vì người Việt Nam mình nặng tinh thần vọng ngoại. Tại sao một người Việt Nam không thể lập thuyết? Tại sao người Việt Nam suốt đời cứ phải bái tụng các chủ thuyết ngoại lai? Thuyết của tôi sẽ chẳng ra cái gì cả nhưng tôi tự hào tôi đã lập thuyết.
- Thuyết thí dụ?
-Vâng, thuyết thí dụ.
- Thuyết của cậu khôi hài, ngớ ngẩn. Nó sẽ dẫn cậu qua các nhà tù, các trại tập trung mãn kiếp cậu. Cậu chỉ là thằng nhỏ mới lớn lãng mạn và mơ mộng hão huyền, ham danh, thèm tiếng, thứ ngựa non muốn chứng tỏ ta độc đáo, ta khác đời. Thả cậu về cũng chẳng làm nên tích sự gì. Giữ cậu lại để cậu nhìn rõ cậu hơn, chừng nào hết ham luận bàn chủ nghĩa thí dụ sẽ thả. Còn thí dụ, còn nằm tù.
Hoàng Sơn Trường thấy không nên nổi nóng, không nên tự ái, cứ mặc kệ người cộng sản coi thường mình. Như thế có lợi cho sự tồn tại của mình hơn. Tư bản, ngảy xưa, nó bảo cộng sản là cái bóng ma. Cộng sản, ngày nay, nó tưởng tiểu tư sản chỉ là những thí dụ ngớ ngẩn. Nó tưởng thật hay nó giả vờ hay nó thấm đòn…thí dụ.? Mới thí dụ thôi, cộng sản đã nóng mặt. Đi vào toàn bộ tư tường sắp đặt thành hệ thống, cộng sản sẽ chết đứng, sẽ tan rã. Anh còn khoẻ và tôi đang yếu, tôi chưa thể nói hết với anh những điều tôi cần nói. Đợi tôi lớn hơn, từng trải hơn, tôi sẽ cho anh biết sức quyến rũ nam châm của tiểu tư sản chủ nghĩa cuốn hút các thứ chủ nghĩa khác. Và chính tiểu tư sản mới xứng đáng độc tôn. Vì nó thực sự tạo hạnh phúc cho con người.
- Cậu cần yêu cầu gì tôi không?
- Cám ơn ông, tôi không có yêu cầu gì cả.
- Cậu cần suy nghĩ.
- Vâng, tôi cần suy nghĩ nhiều.
- Suy nghĩ về tương lai của cậu.
- Vâng.
Người ta không bịt mắt Hoàng Sơn Trường nữa và cho cậu về đề lao Gia Định, nhốt cậu trong một cachot đủ ánh sáng và không bị còng. Những câu vấn đáp cuối cùng của Mai Chí Thọ và Hoàng Sơn Trường, mọi người ráng hiểu lấy ý mình.
Hoàng Sơn Trường nằm cachot hai tuần thì được gọi ra viết những ý nghĩ của cậu về "cái gọi là" tiểu tư sản chủ nghĩa. Cậu cố nhớ lại mấy trang nháp viết ở chùa An Lạc để dẫn vào những thí dụ và thí dụ! Càng bị viết cậu càng thí dụ vớ vẩn. Khi cạn thí dụ, cậu xào lại những thí dụ đã thí dụ. Những trang viết của cậu được báo cáo lên lãnh đạo cấp cao. Người ta kết luận cậu là thằng dở hơi, thằng cám hấp. Tuy nhiên, trong đầu óc cậu chứa chất nhiều tư tưởng phản động cần phải cải tạo dài hạn.
Nhà lập thuyết nằm trong cachot viết chủ nghĩa tiểu tư sản bằng nỗi cô đơn. Cậu bắt đầu lại những trang dẫn nhạp chẳng…thí dụ tí nào: "Cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa tư bản và cộng sản đã chấm dứt từ lâu. Bây giờ chỉ còn là tranh giành quyền lực, quyền làm chủ toàn thế giới của họ. Trong tranh giành quyền lực, họ đã thoả hiệp, toa rập gieo tai vạ xuống những vùng ảnh hưởng của họ, xuống đám tín đồ sùng bái chủ nghĩa của họ…" Hoàng Sơn Trường đã nói với chú tiểu Thích Thanh Bần:"Nhà chùa là sơ khởi, nhà tù là hoàn thành. Hoa nở ở nhà chùa, sẽ kết trái ở nhà tù". Hoàng Sơn Trường tin tưởng chủ nghĩa tiểu tư sản của cậu sẽ thăng hoa, sẽ mặt trời rực rỡ làm tan bóng tối bất hạnh âm u đang bủa kín trái đất.
Cậu nằm tù hôm nay như Chúa Giêxu bị đóng đinh trên thập giá nghìn xưa. Hạnh phúc đẻ ra bất hạnh. Nhưng bất hạnh tạo ra hạnh phúc, nỗi bất hạnh của những tâm hồn đẹp..Hoàng Sơn Trường là một trong những tâm hồn đẹp của thời đại chúng ta, của thế hệ tuổi trẻ Việt Nam rạng ngời….