Số lần đọc/download: 131 / 20
Cập nhật: 2020-06-24 21:50:40 +0700
Chương 14
T
ừ sau chuyến đi Thái Lan về, Thoại thường bàn luận và hỏi ý kiến tôi về những hoạt động của tổ chức chống cộng do hắn cầm đầu. Tôi làm cho hắn càng tin tôi bằng những lời khuyên.
Một buổi tối, hắn gọi điện mời tôi đến nhà và buồn rầu thông báo:
- Đội quân đầu tiên của chúng ta đã bị phá vỡ. Công an Việt cộng đã bắt được hầu hết số này.
- Ông nhận được tin này từ đâu?
- Từ trung tâm chỉ huy ở Băng Cốc.
- Hay là tin giả của Việt cộng?
- Không. Tin của một số chiến sĩ của chúng ta thoát qua vòng vây của lực lượng an ninh Việt Nam ở biên giới Lào - Campuchia.
- Bây giờ tính sao?
- Chúng ta vẫn phải kiên trì. Có một số chiến sĩ đặc biệt của chúng ta sẽ về đến Sài Gòn và đã được liên lạc với một nhóm hậu chiến trong nước.
- Liệu có bảo đảm không? Tôi ngại rằng...
- Không, không. Những nhóm này do CIA cài lại, và được kiểm tra thường xuyên suốt từ năm 1975 đến nay. Kenđơ có trao đổi với tôi rồi, hoạt động của chúng ta có sự hỗ trợ lớn của CIA.
- Nhưng bản thân chúng ta phải cảnh giác.
- Chính điều ấy mà tôi muốn nhờ Phụng trở về Việt Nam.
- Trở về Việt Nam? - Tôi hỏi lại.
- Đúng thế. Tôi đã bàn với Kenđơ, Phụng sẽ về với danh nghĩa phóng viên một tờ báo Mỹ xin vào Việt Nam viết về “công cuộc xây dựng đất nước” của Việt Nam sau chiến tranh.
- Đấy là danh nghĩa, còn nhiệm vụ cụ thể của tôi?
- Cô sẽ bắt liên lạc với “Ủy ban hậu chiến”, kiểm tra họ và chuyển đô la về cho họ khi thấy cần thiết, nghĩa là khi Ủy ban này còn hoạt động. Đồng thời kiểm tra số chiến sĩ của chúng ta đã về Sài Gòn hiện đang được giấu kín.
- Nhưng liệu phía Việt Nam...
- Cô yên tâm. Chúng tôi đã tính toán kỹ. Cô đã mang quốc tịch Mỹ. Cô là công dân nước ngoài. Họ không thể làm gì cô, nhưng họ sẽ chú ý hoạt động của cô. Nhưng tôi và Kenđơ rất tin ở cái đầu thông minh của cô.
- Bao giờ tôi phải lên đường?
- Thời gian chưa cụ thể. Nhưng bây giờ chúng tôi phải trang bị những điều cần thiết về Việt Nam cho cô. Và cả những điều cần thiết về tổ chức trong nước của chúng ta.
Trong lúc nói chuyện với Thoại, tôi cố kìm nén niềm sung sướng tột độ của tôi. Vì vậy mà gương mặt tôi lại trở nên nghiêm trang, lo sợ. Thấy vậy Thoại an ủi, động viên tôi:
- Đừng sợ. Chúng tôi đã tính toán trước mọi chuyện. Và đảm bảo an toàn cho cô. Có thể chúng tôi sẽ có người đi cùng cô để giúp đỡ.
- Thế thì tốt hơn.
Những ngày sau đó, tôi âm thầm hạnh phúc. Tôi sẽ được trở về Tổ quốc tôi. Tôi sẽ được gặp mẹ tôi, được gặp Hùng. Tôi sẽ được đứng trên mảnh đất của quê hương tôi sau bao nhiêu năm xa cách.
Việc trở về của Biền làm tôi sửng sốt. Hắn xuất hiện trước mặt tôi như một kẻ nghiện ma túy, gầy xanh và hốc hác.
- Thật may mắn cho tôi. Tôi đã thoát chết để trở về nhìn thấy Phụng - Hắn hổn hển kể khi tôi và hắn chưa kịp hỏi han nhau một câu.
Tôi mở bia cho hắn uống. Hắn ngửa cổ tu. Bọt bia dính đầy ria mép.
- Chúng tôi sống trong rừng như một bầy khỉ, đói khát và bệnh tật, suốt ngày chí chóe tranh nhau đồ ăn, đồ uống.
- Nghe nói các căn cứ của chúng ta ở đó vững chắc và đàng hoàng lắm mà.
- Vững chắc cái con... Chúng nó nói láo.
- Nhưng tài chính cho tổ chức đâu có nhỏ.
- Đ... má - Hắn chửi đổng - Tụi cầm đầu lãnh hết ráo. Có thằng nào dám mò về Việt Nam đâu. Sao tôi ngu quá chừng.
- Anh hèn nhát quá đấy. Sự nghiệp càng lớn thì gian khó càng nhiều.
- Không có sự nghiệp nào hết - Hắn nổi nóng - Tụi này chỉ là con cờ của bọn thằng Thoại thôi. Tôi sẽ tố cáo. Tôi về Băng Cốc, xin chúng ít tiền, thế mà tụi nó kêu không có. Đếch cần, tôi xin thằng bạn rồi chuồn về đây ngay.
- Một mình anh về à?
- Còn dăm thằng nữa. Không chơi với tụi Việt cộng được. Các cha nội đó ghê gớm lắm.
- Thôi, anh về được là mừng, tôi chiêu đãi anh chút gì nhé!
- Ô kê!
Chỉ sau vài phút, tôi đã làm xong hai món nhậu khá hợp khẩu vị với những tay bợm rượu.
Trong lúc ngồi uống, tôi khéo léo gợi chuyện Biền về hoạt động và thực tế của các “chiến sĩ kháng chiến” trở về giải phóng Việt Nam, đánh đuổi cộng sản. Biền vừa kể vừa không ngớt chửi Thoại và những tên cầm đầu tổ chức của hắn.
Sau khi Biền về, tôi gọi điện cho một nhà báo bạn tôi và nói với anh nên tiến hành phỏng vấn Biền và “đồng đội” của hắn về những ngày tháng xâm nhập vào vùng núi Việt Nam.
Chỉ sau đó một tuần, một cuộc phỏng vấn lý thú với những câu trả lời nhục nhã được in trên những tờ báo ngày lớn của Mỹ. Thoại và đồng bọn của hắn tức lồng lộn. Những người Mỹ và những người Việt Nam tị nạn vốn không tin gì Thoại được dịp chửi bới Thoại. Lúc đó tôi mới làm một cuộc phỏng vấn Thoại trên tờ báo ngày của Bang để chữa nhục cho hắn một phần, cái chính là để củng cố lòng tin của Thoại đối với tôi.
Từ ngày ấy, tôi không thấy Biền xuất hiện ở nhà Thoại nữa. Thỉnh thoảng tôi gặp hắn ở các cuộc gặp gỡ, hội họp, mít tinh của người Việt tị nạn. Lúc nào hắn cũng say bét nhè.
Một buổi tối, hắn mời tôi đi ăn đặc sản Việt Nam. Hắn nói, Thoại thay mặt tổ chức, vừa trợ cấp cho hắn ít tiền.
Chúng tôi đến ăn ở một quán ăn nhỏ khá nổi tiếng. Khi Biền đã hơi ngà ngà say thì có hai đàn ông ăn mặc kiểu hip-pi đeo kính đen đến trước Biền. Một tên nói như rít qua kẽ răng:
- Thay mặt tổ chức kháng chiến, trừng phạt mày vì phản bội.
Nói chưa hết câu, hắn rút nhanh trong túi áo một khẩu Côn kiểu mới và nổ súng. Gương mặt Biền toét ra bởi bốn năm viên đạn liên tiếp. Mọi người kêu rú lên. Tôi ngồi lặng người đi. Máu từ mặt Biền bắn tung tóe sang tôi. Khi tiếng nổ cuối cùng của viên đạn vừa dứt thì hai gã kia đã biến mất.
Khi trấn tĩnh trở lại, những khách ăn ở các bàn bên cạnh và những nhân viên của nhà hàng quây đến hỏi thăm tôi. Tôi không nói gì, ôm mặt khóc. Tôi khóc cay đắng khi nghĩ đến những người Việt trong cộng đồng này. Mọi người sau một phút chần chừ, vội thanh toán tiền và bỏ đi. Chỉ còn tôi vẫn ngồi như cũ. Bên cạnh, Biền ngoẹo cổ trên thành ghế, máu vẫn chảy ra từ bộ mặt nát bét của hắn.
Nửa tiếng sau cảnh sát mới đến. Ánh chớp của đèn máy ảnh hối hả lóe lên. Tôi vẫn ngồi im lặng, gục mặt vào lòng tay.
- Cô còn nhớ mặt của hai tên giết người không? - Một cảnh sát Mỹ hỏi tôi.
- Họ làm nhanh quá, như những tay găngxtơ trong phim của các ông - Tôi nhếch miệng mệt mỏi trả lời - Tôi không kịp nhớ.
- Thưa cô, chắc là không có người Mỹ nào trong nhóm kia chứ?
- Có lẽ thế, thưa ngài cảnh sát - Tôi cay đắng nói.
Sau khi làm xong những thủ tục pháp lý, cảnh sát hốt xác Biền mang đi.
Thấy tôi ngồi mãi, ông chủ nhà hàng đến bên tôi, giọng vẫn run;
- Thưa cô, chắc cô mệt lắm phải không? Mời cô lên phòng nghỉ của nhà hàng tắm giặt và nghỉ ngơi. Người cô dính đầy máu kia kìa.
- Cám ơn ông - Tôi mệt mỏi nói và đứng dậy - Tôi hết bao nhiêu nhỉ?
- Dạ thưa, cô không phải trả... vì...
- Tôi vẫn còn sống cơ mà - Tôi mỉm cười, vẻ chua chát, mở ví lấy tiền đặt lên bàn và đi ra.
Tôi mở cửa xe bước vào và ngồi im lặng rất lâu mới mở máy về nhà. Sau khi tắm rửa xong, tôi nằm mãi trong bóng tối. Váng vất quanh tôi mùi máu. Tôi thấy mệt mỏi và buồn nôn.
Sau khi chương trình truyền hình Bang phát tin về vụ ám sát Biền thì Thoại gọi điện cho tôi:
- Phụng không làm sao chứ, tôi nhìn thấy Phụng trên ti vi, người đầy máu, lo quá.
- Thật kinh khủng, nhưng Trời Phật còn phù hộ tôi.
- Lẽ ra họ không nên làm như thế trước mặt một người phụ nữ đẹp.
- Tôi sợ lắm, dù rằng may mắn vẫn còn sống.
- Phụng nghỉ đi, đừng suy nghĩ gì cả. Chúc Phụng ngủ ngon. Kẻ nào có tội sẽ bị Chúa trừng phạt.
- Cám ơn ông - Tôi uể oải trả lời.