Nguyên tác: On The Road
Số lần đọc/download: 0 / 24
Cập nhật: 2023-06-22 21:34:15 +0700
[13]
M
ười lăm ngày tiếp theo đó, tốt xấu gì thì chúng tôi cũng đã ở bên nhau. Khi tỉnh dậy (trong ngày đầu tiên) chúng tôi quyết định sẽ vẫy xe đi nhờ đến New York, đến đấy nàng sẽ là người yêu chính thức của tôi. Tôi đoán trước quan hệ của mình với Dean, Marylou và những người khác sẽ lôi thôi lắm đây, không thể như xưa được nữa. Trước hết phải làm việc để có đủ tiền cho chuyến đi. Terry nóng ruột chỉ muốn đi ngay, mà trong túi tôi chỉ còn hai mươi đô. Tôi không thích như thế. Và thật là ngốc cho thằng tôi, cứ nấn ná ở lại đến hai ngày, tìm hết các báo ở LA để xem thử trong mục rao vặt có tin tức thuê mướn người làm không, số tiền hai mươi đô rút lại còn khoảng mười đô. Chúng tôi rất hạnh phúc sống trong căn phòng ở khách sạn. Vào khoảng nửa đêm, tôi vùng dậy vì không sao ngủ được, kéo chăn để hở đôi vai trần màu nâu của bạn tình và nghiền ngẫm đêm LA. Những đêm khắc nghiệt, nóng nực và ầm ĩ tiếng còi báo động. Ngay ở đầu phố bên kia rắc rối đang diễn ra. Một ngôi nhà trọ cũ kỹ được dùng làm sân khấu cho một thứ bi kịch. Xe cảnh sát đậu ở cửa nhà và bọn cớm hỏi cung một ông già tóc bạc. Trong nhà khóc ầm lên. Tôi có thể nghe thấy hết, ngay giữa tiếng o o của đèn nê ông khách sạn. Cả đời tôi chưa thấy buồn như thế bao giờ. LA là thành phố cô đơn và khắc nghiệt nhất trong số các thành phố ở nước Mỹ. New York thì lạnh giá về mùa đông nhưng người ta vẫn cảm thấy ít nhiều tình người ấm áp trong một vài khu phố. Còn LA chỉ là một khu rừng hoang rậm rạp.
Nam phố Chính, nơi Terry và tôi vừa đi dạo vừa ăn xúc xích, hệt như một hội cải trang quái dị đầy ánh sáng và những cảnh man rợ. Bọn cớm đi ủng khám người qua lại ở hầu hết các góc phố. Những kẻ rách rưới nhất đất nước này đang chen chúc trên các vỉa hè - tất cả diễn ra dưới ánh sáng của những ngôi sao mờ mịt vùng Nam California, những ngôi sao đang chìm khuất vào cái quầng sáng của LA, nhà tù khổng lồ trên sa mạc. Mùi trà, mùi cỏ, ý tôi là cần sa, cứ phảng phất trong không khí lẫn với mùi món ớt đậu và bia. Âm thanh hoang dã của điệu bebop vang ra từ các quán bia, hòa lẫn với đủ mọi thể loại nhạc cao bồi và điệu boogie-woogie trong đêm nước Mỹ. Trông ai cũng giống Hassel. Những gã da đen mọi rợ đội mũ lưỡi trai và để râu dê ra vào cười ha hả; bọn hippy tóc dài thất thểu thẳng đường 66 đến từ New York; rồi bọn cặn bã miền sa mạc xách bị nhằm các ghế băng công viên thẳng tiến; có cả những mục sư Hội Giám Lý với những cánh tay áo bục chỉ, đôi khi có cả mấy bố theo chủ nghĩa tự nhiên để râu và đi xăng đan. Tôi muốn được gặp gỡ tất cả bọn họ, chuyện trò với từng người. Nhưng cả Terry và tôi đều quá bận bịu kiếm cái đút vào miệng.
Tôi bèn đến Hollywood để kiếm việc làm trong nhà thuốc ở Sunset và Vine. Bước ngoặt là đây! Các đại gia đình nhảy xuống khỏi những chiếc xe cà khổ đến từ vùng nội địa rồi đứng chôn chân trên vỉa hè, há hốc mồm ra chờ ngắm mấy ngôi sao điện ảnh, mà nào có thấy ngôi sao điện ảnh nào xuất hiện bao giờ. Khi một chiếc limousine bất chợt vụt qua, họ lại xô nhau đến tận mép đường rồi rạp người xuống nhòm qua cửa kính: một gã đeo kính đen ngòm ngồi cạnh một em tóc vàng nữ trang đầy mình. “Don Ameche! Diễn viên Don Ameche đấy!” “Không phải, đó là George Murphy! George Murphy!” Họ túa ra khắp nơi, người nọ lơ láo nhìn người kia. Mấy chú đồng tính đẹp giai định tới Hollywood mong được đóng vai cao bồi đi loanh quanh, chấm nước bọt vào ngón tay rồi đưa lên vuốt lông mày. Những cô gái xinh đẹp nhất thế giới đi ngang qua; họ đến đây để trở thành tiểu minh tinh và cuối cùng trở thành nhân viên phục vụ trong các bãi chiếu phim ngoài trời. Terry và tôi cũng mò đến để kiếm việc ở các bãi chiếu phim đó, nhưng chẳng ai thèm nhận. Đại lộ Hollywood thật tuyệt, xe cộ nối đuôi nhau; mỗi phút lại có ít nhất một vụ tai nạn nhỏ. Mọi người đổ xô về phía ánh hào quang nhưng đến nơi chỉ thấy sa mạc và trống rỗng. Dân có của ở Hollywood đứng đợi nhau trước những nhà hàng sang trọng, nói những chuyện y hệt bọn nhà giàu Broadway ở New York, chỉ khác một chút là ở đây bọn này mặc com lê bót hộp hơn và nói chuyện sáo rỗng hon. Những mục sư mặt mũi nhợt nhạt run rẩy bước qua. Những phụ nữ núc ních vừa la hét vừa chạy qua đại lộ để xếp hàng xem biểu diễn. Tôi nhìn thấy Jerry Colonna đang mua ô tô trong cửa hàng Buick Motor; gã đang đứng vuốt râu bên trong cái cửa kính lớn. Terry và tôi vào một quán ăn trang trí như một cái hang, có nước phụt ra từ các vòi kim loại gắn khắp nơi và những tảng đá lớn tạc hình các vị nữ thần và Neptune. Người ta ăn những món sầu thảm quanh thác nước nhân tạo, mặt mũi tái xanh vì nỗi buồn biển cả. Cả bọn cớm cũng kéo về LA để xin làm phim. Mọi người đổ về đây đều để làm phim, kể cả tôi. Cuối cùng tôi và Terry phải dạt về Nam phố Chính để kiếm việc rửa bát hoặc bồi bàn. Nhưng vẫn cứ vêu mõm, đến đâu cũng bị lắc đầu từ chối. Trong túi chúng tôi chỉ còn lại tất cả mười đô.
Terry nói,” Anh ạ, em sẽ đi lấy quần áo ở chỗ em gái rồi chúng ta vẫy xe đi nhờ đến New York. Phải thế thôi. ‘Nếu anh không biết nhảy điệu boogie thì em sẽ dạy anh.’” Câu cuối cùng nằm trong một bài hát mà nàng cứ hát mãi không thôi. Chúng tôi tìm đến nhà em gái nàng trong một khu người Mexico, ngoại vi đại lộ Alameda. Tôi đợi nàng ở một ngõ tối đằng sau những căn bếp Mexico, không muốn em gái nàng nhìn thấy mình. Chó chạy như điên. Đèn đường bé tí chiếu sáng những xóm ngõ sâu hun hút. Tôi có thể nghe thấy tiếng Terry và cô em gái tranh cãi trong bóng đêm dịu dàng ấm áp. Tôi đã sẵn sàng cho mọi tình huống.
Terry quay ra, nắm tay tôi đi tới đại lộ Trung Tâm, khu phố của dân da màu ở LA. Nhà cửa tồi tàn, tầng trệt có một phòng chật như chuồng gà, chỉ đủ chỗ kê mỗi một cái máy hát tự động, và cái máy chỉ toàn chơi nhạc blues, bebop và nhạc nhảy. Chúng tôi leo một cái cầu thang bẩn thỉu đến phòng của Margarina, bạn gái Terry, để đời một cái váy và một đôi giày cô này mượn chưa trả. Margarina là một cô gái lai xinh xắn có chồng là một gã da đen như con át pích và rất tốt bụng. Gã chạy luôn ra phố mua whisky về tiếp tôi chu đáo. Tôi muốn trả tiền nhưng gã từ chối. Họ có hai đứa con, chúng cứ nhảy chồm chồm ở trên giường: đó là sân chơi của chúng. Chúng ôm chầm lấy tôi và nhìn tôi tò mò. Đêm ở đại lộ Trung Tâm dữ dội - đêm trong khúc “Đại lộ Trung Tâm tuyệt vọng” của Lionel Hampton - gió thét gào man rợ ở bên ngoài. Người ta hát trong các hành lang, hát trước cửa sổ, thây kệ hàng xóm láng giềng. Terry lấy váy áo và hai bên nói lời từ biệt. Hai chúng tôi xuống cái phòng chật như chuồng gà, chọn mấy cái đĩa hát để nghe. Một cặp da đen ghé tai tôi hỏi nhỏ có thích dùng trà không - trà đây tức là cần sa - một đô thôi. Tôi nói ô kê, đồng ý. Gã bán ma túy làm hiệu cho tôi theo hắn vào toa lét, tôi cứ đứng đực ra ở đấy trong khi gã nói, “Nhặt lên đi, anh bạn, nhặt lên đi.”
“Nhặt cái gì chứ?” Tôi hỏi.
Gã đã cầm một đô của tôi rồi. Gã sợ không dám cả chỉ tay xuống sàn. Nó còn chẳng được là một cái sàn, chỉ là nền đất. Trên đó có một cái gì màu nâu giống như cục cứt chó. Gã cảnh giác một cách ngớ ngẩn. “Tôi phải cẩn thận, tuần qua cớm làm dữ quá.” Tôi nhặt cục cứt chó lên, đó là một điếu thuốc cuốn giấy nâu, rồi quay vào chỗ Terry và bọn tôi té thẳng về phòng khách sạn hút thử. Chẳng có gì xảy ra cả. Nó chỉ là loại thuốc lá thường, loại Bull Durham. Đáng lẽ phải khôn ngoan hơn trước khi bỏ tiền ra.
Terry và tôi phải quyết định lần chót sẽ đi đâu và làm gì. Chúng tôi quyết định sẽ quá giang đến New York với số tiền còn lại. Đêm ấy nàng xin được của em gái năm đô. Cả hai đứa cộng lại được gần mười ba đô. Trước khi đến hạn trả tiền thuê phòng khách sạn, chúng tôi thu xếp xong hành lý và trèo lên một cái xe con màu đỏ phới đến Acardia, California, nơi có trường đua ngựa Santa Anita dưới chân những ngọn núi phủ tuyết. Lúc này còn là đêm. Chúng tôi đang leo lên đỉnh lục địa Mỹ. Tay trong tay, chúng tôi cuốc bộ mấy dặm ra khỏi khu phố đông đúc. Đêm nay là đêm thứ Bảy. Chúng tôi đứng dưới một cột đèn đường sáng trưng, giơ ngón tay cái lên ra hiệu đi nhờ xe. Bỗng một đoàn xe ô tô chở đầy thiếu niên gầm rú phóng qua, biểu ngữ phấp phới. “A a, thắng rồi, thắng rồi!” Rồi chúng hò hét, vô cùng thích thú khi nhìn thấy một cặp trai gái (là chúng tôi) đang đứng ngẩn ngơ trên đường. Hàng tá xe nữa tiếp tục băng qua, chật ních những gương mặt búng ra sữa và những giọng còn chưa vỡ. Tôi ghét tất cả bọn này.
Chúng nghĩ chúng là ai chứ? Hét vào mặt người đi đường chỉ vì chúng là bọn du côn non choẹt chưa nhấc đít khỏi trường phổ thông còn ông bà già chúng giàu đến mức Chủ nhật nào cũng đi ăn đặc sản? Chúng là cái thá gì mà dám giễu cợt một cô gái đang gặp hoàn cảnh khó khăn và một chàng trai đang muốn được yêu? Chúng đang thọc mũi vào chuyện của chúng tôi. Sau đó cũng không một xe nào đỗ lại. Chúng tôi phải cuốc bộ trở lại thành phố và tệ hơn nữa là chúng tôi đang thèm cà phê muốn chết thì cái quán duy nhất còn mở cửa lại chính là quán chuyên bán cho bọn học sinh phổ thông, tệ nữa là bọn nhóc lếu láo lúc trước đang ngồi đó. Chúng nhớ mặt chúng tôi. Giờ thì chúng biết được Terry là một cô gái Mexico, con mèo hoang Pachuco* ; và bồ của nàng là một thằng còn tồi tàn hơn thế.
Với cái mũi xinh xắn vênh lên, nàng rời khỏi chỗ đó và chúng tôi cùng nhau lang thang trong bóng tối, dọc rãnh thoát nước trên đường. Tôi mang hành lý. Chúng tôi thở ra hơi nước trong không khí đêm buốt giá. Cuối cùng tôi quyết định sẽ cùng nàng trốn khỏi thế giới này thêm một lần nữa, rồi ngày mai muốn ra sao thì ra. Chúng tôi vào một nhà nghỉ rẻ tiền, thuê một căn phòng nhỏ nhưng khá dễ chịu với giá bốn đô - có đủ vòi hoa sen, khăn tắm, và radio treo tường. Chúng tôi ôm nhau thật chặt. Chúng tôi đã trò chuyện rất lâu và nghiêm túc, đi tắm, rồi chong đèn nói chuyện tiếp, tắt đèn vẫn tiếp tục nói chuyện. Một vấn đề được đặt ra, tôi bảo vệ ý kiến của mình, nàng chấp nhận làm đồng minh của tôi và bản thỏa hiệp được ký kết trong bóng đêm, hổn hển, sung sướng, như hai con cừu nhỏ.
Sáng hôm sau, chúng tôi quyết tâm lao vào thực hiện kế hoạch mới. Chúng tôi sẽ đáp xe đến Bakersfield và hái nho thuê, sau vài tuần vất vả ở đấy sẽ lại nhằm New York thẳng tiến, lần này sẽ đàng hoàng hơn nhiều. Thật là một buổi chiều kỳ thú khi được cùng Terry đi Bakersfield: chúng tôi ngả lưng ra sau, thư thái, nói chuyện, phóng mắt nhìn ra phong cảnh bên ngoài không chút lo âu. Mãi đến chiều muộn xe mới tới Bakersfield. Chúng tôi dự kiến sẽ gặp tất cả dân buôn hoa quả trong thành phố này. Terry nói chúng tôi có thể ngủ trong lán trại trong thời gian làm việc. Ý nghĩ được sống trong lều vải và được hái nho vào những buổi sáng mát trời này ở California khiến tôi sướng rơn. Nhưng khốn nỗi chả đào đâu ra việc, có vô số người cho chúng tôi vô số lời khuyên, nhưng chả có ma nào chịu nhận chúng tôi cả. Đành làm một bữa chén trong nhà hàng Tàu rồi lại ngán ngẩm ra đi, vượt đường sắt Southern Pacific đến khu phố Mexico. Terry liến thoắng tiếng Mexico với các đồng hương của nàng, hỏi xin việc. Đêm sập xuống và con phố nhỏ trong khu người Mexico giống như một cái bóng đèn chói sáng: các rạp chiếu bóng, các quầy hoa quả, quán bi-a, siêu thị, các cửa hàng bán đồ giá rẻ, và hàng trăm xe tải, xe con ọp ẹp, bùn đất lấm láp đang đỗ. Các gia đình người Mexico làm nghề hái nho lang thang khắp nơi, miệng nhóp nhép bỏng ngô. Terry nói chuyện với tất cả mọi người. Tôi bắt đầu tuyệt vọng. Cái tôi đang cần, cái mà Terry cũng đang cần, là được uống một ly; nên bọn tôi bỏ ra ba mươi lăm xu mua một lít rượu poóc tô xứ California rồi ra ga tàu ngồi uống. Chúng tôi tìm được một nơi có bọn bụi đời đang ngồi trên đống thùng thưa quanh đống lửa, bèn ngồi ghé vào đấy uống rượu. Bên trái chúng tôi là những toa tàu chở hàng màu đỏ bám đầy muội than buồn rầu nằm dưới ánh trăng. Ngay trước mặt là ánh sáng và cột ra đa sân bay của một Bakersfield khác, một Bakersfield tráng lệ; bên phải là nhà kho đồ sộ bằng tôn. Chao, một đêm đẹp trời, một đêm ấm áp, một đêm để uống rượu, một đêm sáng trăng và một đêm để ôm lấy người tình, để tình tự và bay bổng đến thiên đường. Chúng tôi đã làm đúng thế. Nàng uống như điên, đọ tửu lượng với tôi, uống nhiều hơn tôi và nói chuyện đến nửa đêm. Chúng tôi không nhúc nhích khỏi đống thùng đó. Thỉnh thoảng lại có những người vô gia cư đi qua, các bà mẹ Mexico dắt theo đàn con nhỏ, một cái xe con đỗ xịch và một tên cớm nhảy ra đi tiểu, nhưng phần lớn thời gian chỉ có hai chúng tôi, hòa hợp tâm hồn đến nỗi không muốn rời nhau ra nữa. Đến nửa đêm chúng tôi phải đứng lên và lảo đảo lần ra đường cái.
Terry nảy ra ý định mới: sẽ vẫy xe đi nhờ về Sabinal, quê hương nàng, và sẽ sống trong gara của cậu em nàng. Với tôi thì thế nào cũng xong. Ra đến đường cái, tôi bảo Terry ngồi lên cái túi vải của tôi cho giống một phụ nữ đang mệt lả, và lập tức một cái xe tải đỗ lại. Chúng tôi nhảy lên liền, mừng rơn. Gã tài xế là một người tốt nhưng xe tải của gã thì quá tồi. Ì ạch mãi mới leo được lên đèo. Gần sáng thì xe đến Sabinal. Tôi đã uống cạn rượu trong lúc Terry ngủ và say mèm. Chúng tôi xuống xe, tha thẩn trên một quảng trường rộng của cái thành phố nhỏ bang California này. Phải đi tìm một người bạn của em trai nàng để hỏi xem em nàng ở đâu. Chả có ai trong nhà cả. Trong lúc rạng đông vừa ló, tôi ra nằm dài trên bãi cỏ trước quảng trường và cứ luôn mồm lảm nhảm, “Mày sẽ không nói gì về việc nó đã làm ở Weed, hả? Nó đã làm gì ở Weed? Mày có nói không? Nó đã làm gì ở Weed?” Đó là trích trong phim Của Chuột và Người, khi Burgess Meredith thảo luận với viên quản lý trang trại. Terry cười rũ rượi. Tôi làm gì, nàng cũng thấy hay. Tôi có nằm mãi như thế trên bãi cỏ và tiếp tục lảm nhảm cho đến khi các bà bắt đầu đi lễ nhà thờ thì nàng cũng chẳng bận tâm. Nhưng cuối cùng tôi quyết định rằng phải tề chỉnh một chút để đi gặp cậu em nên bèn đưa nàng đến một khách sạn cũ kỹ gần đường sắt để hai đứa có thể nằm đàng hoàng trên đệm trắng.
Sáng ra, Terry vùng dậy đi tìm em trai. Tôi làm một mạch đến tận trưa. Khi tỉnh dậy nhìn qua cửa sổ, tôi bỗng thấy một chuyến tàu hàng chạy qua, có hàng trăm kẻ lang thang chất đống trên các toa không mái che, cùng đoàn tàu vụt qua mắt tôi một cách sung sướng, túi xách làm gối đầu, mũi gí vào mấy tờ báo ngớ ngẩn, một số còn đang chén những quả nho xứ California hái được bên đường. “Chúa ơi!” Tôi hét lên. “Đây đúng là miền đất hứa!” Tất cả đều từ Frisco đến; một tuần nữa họ sẽ lại quay về và cũng đông vui như vậy.
Terry trở lại cùng em trai, bạn hắn, kèm thằng nhỏ con nàng. Em trai nàng là một gã Mexico to con bụi phủi, hầu như lúc nào cũng say xỉn. Bạn hắn thì béo phì, nói tiếng Anh khá chuẩn và có vẻ hào hứng quá mức được làm đẹp lòng người khác. Xem qua thấy hắn có vẻ mê Terry lắm. Thằng nhóc con trai nàng tên là Johnny, bảy tuổi, mắt đen và rất dễ thương. Thế là chúng tôi đã ở đây, và một ngày mới lại bắt đầu.
Em trai nàng tên là Rickey. Hắn có một cái Chevy đời 38. Chúng tôi nhồi nhét lên đấy và đi đến nơi nào không biết nữa. “Ta đi đâu đây?” tôi hỏi. Gã bạn em nàng giải thích; tên hắn là Ponzo, ít nhất thì người ta vẫn gọi như vậy. Người hắn thối hoăng. Tôi phát hiện ra lý do là vì hắn làm nghề bán phân cho nông dân; hắn có hẳn một xe tải. Rickey bao giờ cũng có trong túi ba, bốn đô và nhìn đời bằng cặp kính hồng. Hắn luôn miệng nói, “Thế đấy, anh bạn. Tới đi, tới luôn đi!” Rồi hắn tới luôn. Hắn bắt cái xe cà khổ chạy đến bảy mươi dặm một giờ đến Madera ở đầu bên kia Fresno để gặp mấy nông dân về chuyện phân gio.
Rickey thủ sẵn một chai. “Hôm nay uống, ngày mai làm việc. Thế đấy, anh bạn, làm một ly nào!” Terry ngồi ở băng sau với thằng nhóc; tôi quay lại để ngắm nàng và thấy má nàng hồng lên, sung sướng vì được trở về nhà. Phong cảnh miền quê xanh ngát những ngày tháng Mười ở California cứ bày ra trước mắt. Tôi lại thấy yêu đời và sẵn sàng bắt tay vào mọi việc.
“Ta đi đâu bây giờ, anh bạn?”
“Đi gặp một bác nông dân; ở đấy còn vương vãi nhiều phân. Ngày mai ta quay xe lại đấy và hót phân. Chúng ta sẽ kiếm bộn tiền. Không phải lo lắng gì hết.”
“Tất cả chúng ta đều vào việc,” Ponzo hét tướng lên. Tôi thấy điều này thật tuyệt. Chúng tôi phóng qua phố phường Fresno và ngược lên thung lũng đến chỗ mấy tay nông dân. Ponzo nhảy ra khỏi xe và chuyện trò gì đó với mấy lão nông dân Mexico già; nhưng vẫn chưa thấy giải quyết được gì cả.
“Cái chúng ta cần bây giờ là làm một ly!” Rickey gào lên và thế là bọn tôi rồ máy đến một quán rượu ở ngã tư. Dân Mỹ chiều Chủ nhật bao giờ cũng nhậu nhẹt trong một quán ở ngã tư đường; mang theo con cái, chuyện trò om sòm và uống bia; mọi thứ đều tốt đẹp. Tối đến, bọn nhóc bắt đầu ngoạc mồm khóc còn bố mẹ chúng thì say mèm. Họ lảo đảo đi về nhà. Khắp mọi nơi trên đất Mỹ, tôi từng nhậu nhẹt trong các quán ở ngã tư với các gia đình kiểu này. Bọn nhóc ăn bỏng ngô, khoai tây chiên và chơi với nhau ở đằng sau. Rickey, tôi, Ponzo và Terry ngồi vào bàn, vừa uống rượu vừa hát toáng lên theo điệu nhạc; thằng nhóc Johnny chơi với lũ trẻ khác quanh máy hát. Mặt trời bắt đầu đỏ rực. Công việc chẳng tiến triển chút nào. Mà có gì để tiến triển cơ chứ? “Mañana*,” Rickey nói. “Mañana, anh bạn, chúng ta sẽ làm được; cứ làm một vại nữa đi, tới đi, tới luôn đi.”
Cả bọn lảo đảo ra khỏi tiệm trèo vào xe rồi phới đến một quán bar trên đường cao tốc. Ponzo là một gã ồn ào, kẻ quen mặt hết mọi người ở San Joaquin Valley. Từ đoạn quán bar trên đường cao tốc, chỉ còn lại tôi với hắn đi làm nhiệm vụ tìm một nông dân; nhưng hai thằng chỉ loanh quanh khu người Mexico ở Madera, tán gái và cố đón thêm mấy em về cho hắn và cho Rickey. Sau đó, khi mặt trời đỏ rực chìm dần xuống cánh đồng nho, tôi thấy mình đang ngồi một mình lặng lẽ trong xe, còn hắn thì đang mặc cả mua dưa hấu cây nhà lá vườn của một ông già người Mexico ở chỗ cửa nhà bếp. Mua được dưa rồi, chúng tôi bổ ra chén luôn rồi vứt vỏ xuống vỉa hè. Đủ thể loại các em xinh tươi đi ngang qua con phố dần tối. Tôi nói, “Ta đang ở chỗ khỉ nào đây?”
“Yên tâm đi, anh bạn,” Ponzo nói. “Đến mai ta sẽ kiếm bộn tiền, tối nay đừng có lo.” Chúng tôi quay lại đón Terry, em trai nàng và thằng nhóc rồi phóng về Fresno dưới ánh đèn đường cao tốc sáng trưng. Mọi người đều đói ngấu. Xe chồm qua đường sắt ở Fresno, chạy đến những con phố hoang vắng cửa khu Mexico. Những chú Tàu kỳ lạ thò đầu ra cửa sổ nhìn đường phố tối Chủ nhật; từng đoàn gái Mexico mặc quần đi lượn phố vẻ khiêu khích; điệu mambo ầm ầm vang ra từ các máy hát; từng chuỗi đèn kết hoa như trong ngày lễ Halloween. Tất cả vào một nhà hàng Mexico ăn món bánh thịt chiên giòn và bánh ngô nhồi thịt xốt đậu hầm, ngon tuyệt. Tôi rút tờ năm đô để dành cho chuyến về New Jersey ra để trả cho suất của mình và Terry. Giờ tôi còn lại bốn đô. Terry và tôi nhìn nhau.
“Đêm nay ta ngủ đâu, anh yêu?”
“Anh cũng không biết nữa.”
Rickey đã say mèm; giờ thì hắn chỉ còn phều phào nói được độc một câu “Thế đấy, anh bạn... Tới đi, tới luôn”. Đó là một ngày dài. Không một ai trong bọn chúng tôi biết chuyện gì đang diễn ra hoặc số phận mình sẽ ra sao. Thằng nhóc Johnny tội nghiệp ngủ trên tay tôi. Chúng tôi lại quay về Sabinal. Đang đi xe phanh gấp trước một quán ăn trên đường 99. Rickey muốn làm thêm một vại bia nữa. Sau quán có mấy căn nhà di động, lều trại và mấy căn phòng cho thuê tồi tàn. Tôi hỏi giá, chỉ mất hai đô. Tôi hỏi ý Terry và nàng đồng ý bởi vì chúng tôi còn thằng nhóc trên tay và giờ đây nó cần được ngủ yên. Thế là, sau khi làm mấy vại bia trong quán, nơi bọn Okie* gớm ghiếc đang nhảy theo một dàn nhạc cao bồi, Terry, tôi và Johnny vào phòng trọ để chuẩn bị đi nằm. Ponzo thì cứ loanh quanh mãi bên ngoài; hắn không biết ngủ ở đâu. Rickey về ngủ ở nhà bố hắn trong vườn nho.
“Cậu ở đâu, Ponzo?” tôi hỏi.
“Không ở đâu cả, anh bạn. Tôi vẫn ở với Big Rosey nhưng tối qua nàng đã tống cổ tôi ra khỏi cửa. Tôi sẽ ra chỗ xe tải để ngủ.”
Có tiếng đàn ghi ta bập bùng. Terry cùng tôi ngắm sao trên trời và hôn nhau. “Mañana,” nàng nói. “Ngày mai mọi chuyện sẽ tốt đẹp, anh có nghĩ thế không, Sal yêu quý?”
“Tất nhiên rồi, em yêu, mañana.” Cứ mañana suốt. Trong cả tuần tiếp theo lúc nào tôi cũng nghe thấy mañana - mañana, một từ đáng yêu và hẳn là đồng nghĩa với thiên đường.
Thằng nhóc Johnny mặc nguyên quần áo nhảy lên giường ngủ tít; cát từ giày nó chảy ra, cát của Madera. Đến nửa đêm Terry và tôi tỉnh giấc để phủi cát khỏi chăn nệm. Sáng ra tôi vùng dậy, rửa mặt rồi đi dạo một vòng. Chúng tôi đang ở cách Sabinal năm dặm, giữa những cánh đồng bông và nho. Tôi hỏi bà chủ to béo xem thử còn cái lều vải nào bỏ trống không. Còn trống đúng cái rẻ nhất, một đô một ngày. Tôi trả một đô rồi thuê luôn. Có một cái giường, một bếp lò và một tấm gương đã rạn treo trên một cái cọc; thật tuyệt. Ra vào phải cúi xuống một chút. Terry và thằng nhóc cũng vừa tới. Chúng tôi đợi Rickey và Ponzo đi xe tải đến sau. Họ mang theo bia và bắt đầu say xỉn trong lều.
“Chuyện phân gio có gì mới không?”
“Hôm nay thì muộn quá rồi. Ngày mai, anh bạn ạ, ta sẽ kiếm bộn tiền; hôm nay cứ uống bia đã. Cậu thấy bia này thế nào?” Tôi không nhất thiết phải nói gì. “Uống tới đi - tới luôn!” Rickey hò hét. Tôi bắt đầu nhận ra rằng dự định kiếm tiền bằng cái xe tải phân này sẽ không bao giờ thực hiện được. Xe đậu ngay cạnh lều. Nó xông ra cái mùi cũng giống như mùi của Ponzo.
Tối hôm ấy, Terry và tôi lên giường trong không khí màn đêm dịu dàng dưới mái lều đẫm sương. Tôi đã sắp ngủ thì nàng nói, “Anh có muốn yêu em bây giờ không?”
Tôi nói, “Thế còn thằng Johnny?”
“Nó không biết gì đâu. Nó ngủ rồi.” Nhưng Johnny đâu đã ngủ, nó chỉ không nói gì.
Hôm sau Ponzo và Rickey lại mò tới với cái xe tải phân, rồ máy đi kiếm whisky; rồi quay về nhậu nhẹt tưng bừng trong lều. Đêm ấy, Ponzo nói là trời lạnh quá và ngủ ngay dưới đất trong lều, quấn mình trong một tấm bạt lớn ngửi toàn mùi cứt bò. Terry ghét hắn lắm; nàng nói rằng hắn cứ bám lấy em trai nàng để được gần nàng.
Viễn cảnh trước mắt chẳng có gì ngoài việc tôi và Terry sẽ chết đói nên sáng dậy tôi mò luôn ra đồng xin hái bông thuê. Mọi người nói phải sang trang trại ở bên kia đường. Tôi đến đó, thấy ông nông dân đang ở trong bếp với đám đàn bà. Ông ta bước ra, nghe tôi trình bày và nói là cứ hái được một trăm pound bông thì được trả công ba đô. Tôi nghĩ mình sẽ hái được ít nhất ba trăm pound một ngày, nên nhận lời. Ông ta bèn lôi trong nhà kho ra những bao tải dài và nói sớm mai công việc sẽ bắt đầu. Tôi lao về với Terry, sướng rơn. Dọc đường, có một xe tải chất đầy nho vấp phải ổ gà và làm rơi mấy chùm nho to xuống mặt đường nóng bỏng. Tôi vội nhặt lấy và mang về nhà. Terry rất mừng. “Johnny và em sẽ cùng đi để giúp anh một tay.”
“Ôi dào!” Tôi nói. “Không cần đâu!”
“Rồi anh sẽ thấy, hái bông khó lắm chứ không chơi đâu. Em sẽ chỉ cho anh cách làm.”
Chúng tôi ăn nho, đến tối thì Rickey xuất hiện, mang đến một ổ bánh mì, một ít giăm bông và bọn tôi có một bữa picnic. Bên cạnh lều chúng tôi có một cái lều to hon, là nơi cư ngụ của một đại gia đình Okie làm nghề hái bông; người ông ngồi suốt ngày trên ghế, ông đã quá già rồi không làm việc gì được nữa; con trai và con gái ông cùng lũ nhóc con sớm tinh mơ đã vượt đường lớn sang làm việc ở cánh đồng của ông nông dân đã thuê tôi. Sáng sớm hôm sau, tôi đi theo họ. Họ nói bông hái lúc sáng sớm cân nặng hơn vì có sương và vì thế có thể kiếm được nhiều tiền hơn là buổi chiều. Nhưng đằng nào thì họ vẫn làm việc suốt ngày, từ sáng tinh mơ đến tối lặn mặt trời. Người ông từ Nebraska chạy sang đây trong thời gian xảy ra tai họa lớn những năm ba mươi - chính là đám mây bụi mù mịt mà gã cao bồi người Montana ấy từng kể tôi nghe - đem theo cả gia đình trong một cái xe tải cũ. Họ ở lại California đến bây giờ. Họ yêu công việc. Trong vòng mười năm, anh con trai ông đẻ được bốn đứa con, mấy đứa đã đủ lớn để có thể cùng hái bông giúp bố mẹ. Họ rất tự hào vì cái lều vải của họ.
“Mọi người định quay về Nebraska nữa à?”
“Ôi dào, ở đó còn gì mà về. Bọn tôi giờ chỉ khoái mua được một cái nhà lưu động.”
Chúng tôi gò người xuống và bắt đầu hái bông. Thật là đẹp. Phía bên kia cánh đồng, cũng có một dãy lều lán, xa nữa là những cánh đồng bông khô màu nâu chạy tít tắp đến tận con kênh dưới chân đồi. Xa nữa, phía đường chân trời là dãy Sierra phủ đầy tuyết trắng trong màu xanh buổi sáng tinh khôi. Làm thế này còn tốt hơn nhiều so với việc rửa chén bát ở Nam phố Chính. Nhưng tôi không biết gì về việc hái bông. Tôi mất quá nhiều thời giờ để tách bông ra khỏi cái vỏ đã nứt; người khác thì làm nhanh như máy. Tồi tệ nhất là các đầu ngón tay tôi lại bắt đầu ứa máu; tôi cần găng tay, hoặc kinh nghiệm. Trên cánh đồng còn có một cặp vợ chồng già người da đen cùng làm việc với chúng tôi. Họ hái bông cũng bền bỉ và kiên nhẫn như tổ tiên họ thời tiền nội chiến; thoăn thoắt di chuyển trong luống của mình, lưng lom khom và miệng không nói, còn bao bông cứ thế đầy lên. Lưng tôi bắt đầu đau. Nhưng cũng thật khoái khi được quỳ xuống và lọt thỏm giữa mảnh đất này. Chừng nào cần nghỉ tôi cứ nghỉ thôi, gối đầu lên đất ẩm. Chim hót véo von. Tôi nghĩ bụng mình đã tìm thấy nghề của đời mình. Johnny và Terry đến đầu cánh đồng, đưa tay làm hiệu rồi cùng làm việc với tôi. Thằng nhóc Johnny còn nhanh tay hơn cả tôi, Terry thì tất nhiên là làm gấp hai tôi rồi. Họ đi trước tôi, bỏ lại những đống bông tướng đã hái sẵn cho tôi nhét vào bao. Tôi lấy làm buồn khi phải lấy bông của họ để nhét vào bao của mình: tôi đã già lão đến thế rồi sao, không đủ sức để làm nuôi cái thân khốn khổ này nữa, nói gì đến nuôi họ! Hai mẹ con ở lại cả buổi chiều với tôi. Khi mặt trời đỏ lựng, tất cả vươn vai ra về. Tôi đặt bao bông lên cái cân ở đầu bờ, cân được năm mươi pound và được trả một đô rưỡi. Tôi mượn được một cái xe đạp của một gã Okie và đạp theo đường 99 xuống một cửa hàng ở ngã tư để mua spaghetti, thịt viên, bánh mì, bơ, cà phê, bánh ngọt rồi cho tất vào cái túi chỗ gióng xe chở về. Tôi gặp hàng đoàn xe chạy về LA, về Frisco. Tôi bực bội chửi thầm. Tôi ngước mắt lên bầu trời đen và cầu Chúa ban phát cho những con người nhỏ bé tôi yêu một cơ may tốt đẹp và thành đạt trong đời. Chả có ai ở trên đó nghe tôi cả. Lẽ ra tôi nên biết điều đó. Chỉ có Terry là đã cứu vớt linh hồn tôi; nàng nấu món ăn trên cái bếp lò và với tôi đây là bữa tối tuyệt nhất trong đời; vì tôi đang rất đói và rất mệt. Tôi thở dài như một lão da đen chuyên nghề hái bông, nằm thượt trên giường đốt thuốc. Tiếng chó sủa trong đêm lạnh. Rickey và Ponzo không còn léo nhéo đến nhà chúng tôi vào buổi tối nữa. Tôi rất hài lòng về việc này. Terry co mình nằm bên tôi, Johnny ngồi lên ngực tôi và họ vẽ hình con vật vào trong sổ tay của tôi. Ánh sáng trong lều le lói trên cánh đồng sầu thảm. Những giai điệu cao bồi bập bùng trong quán trọ, vang xa trên cánh đồng, thật buồn. Nhưng không sao. Tôi hôn Terry và chúng tôi tắt đèn.
Sáng ra, sương xuống ướt đẫm mái lều; tôi thức dậy mang khăn mặt, bàn chải răng ra phòng tắm chung của nhà trọ; rồi quay về, mặc quần áo, cái quần đã rách toạc đầu gối sau ngày đầu tiên quỳ trên đất hái bông và đã được Terry vá lại tối qua, đội lên đầu cái mũ rơm tả tơi, vốn là mũ đồ chơi của Johnny, rồi đi qua đường sang cánh đồng bông mang theo chiếc bao tải lớn.
Ngày nào tôi cũng kiếm được khoảng một đô rưỡi, chỉ vừa đủ để chiều đạp xe đi mua thực phẩm. Ngày cứ trôi đi. Tôi quên hết miền Đông, quên cả Dean, Carlo lẫn con đường gió bụi. Johnny và tôi chơi với nhau suốt; nó rất khoái được tôi tung lên cao rồi để rơi tõm xuống giường. Terry ngồi vá quần áo. Tôi đã trở thành một người con của đất, đúng như từng ước mơ khi còn ở Paterson. Người ta đồn rằng thằng chồng của Terry đã quay về Sanibal và đang đi tìm tôi; tôi chẳng ngán gì hắn. Một đêm ở quán trọ, dân Okie nổi cơn điên, trói một thanh niên vào gốc cây rồi lấy gậy phang gã một trận nhừ tử. Lúc đó tôi ngủ và chỉ được nghe thuật lại. Sau vụ này, tôi để một cây gậy lớn trong lều, phòng trường họp các bố ấy nảy ra ý tưởng dân Mexico như chúng tôi đang làm ô uế mấy cái nhà di động của họ. Họ nghĩ tôi là người Mexico, tất nhiên; và phần nào tôi cũng gần như vậy.
Tháng Mười đã tới, ban đêm trời lạnh hon. Gia đình Okie có một cái lò sưởi đốt củi và họ dự định sẽ trụ lại hết mùa đông. Chúng tôi thì chẳng có gì, thời hạn thuê lều cũng vừa vặn hết. Terry và tôi cay đắng quyết định phải ra đi. “Em quay về với gia đình đi. Vì lòng kính Chúa, em không thể cứ đem theo thằng bé Johnny lang thang trong các lều lán như thế được; thằng bé tội nghiệp bị lạnh đấy.” Terry làm toáng lên vì tôi đã phê phán khả năng làm mẹ của nàng; ý tôi đâu có như vậy. Khi Ponzo đi xe tới vào một buổi sáng xám xịt, chúng tôi quyết định sẽ gặp gia đình nàng trình bày hoàn cảnh. Nhưng tôi không được phơi mặt ra và phải trốn trong vườn nho. Tất cả đi Sabinal; dọc đường xe tải hỏng, cùng lúc đó trời lại đổ mưa to. Chúng tôi chôn chân trong cái xe nát, chửi thề. Ponzo xông ra vật lộn sửa xe dưới cơn mưa. Rốt cuộc hắn cũng biết sửa xe. Bọn tôi hẹn nhau phải làm thêm một chầu nữa, uống chết thôi. Thế là cả lũ vù tới một cái quán hủi, ngồi ở đó một giờ để nốc bia. Thế là chấm dứt chuyện hái bông. Tôi có thể cảm thấy cuộc sống cũ đang kêu gọi mình trở lại. Tôi gửi cho bà cô tít đầu kia đất nước tấm bưu thiếp giá một xu, và hỏi xin thêm năm mươi đô nữa.
Chúng tôi lái xe về nhà bố mẹ Terry. Nhà nằm trên một con đường cũ chạy giữa một cánh đồng nho. Đến nơi thì trời tối. Tôi xuống xe cách nhà một phần tư dặm. Anh sáng tràn qua ngưỡng cửa; sáu người anh em khác của Terry đang chơi ghi ta và hát. Ông già đang uống rượu. Tôi nghe thấy tiếng la hét tranh cãi át cả tiếng nhạc. Họ gọi nàng là con điếm vì nàng đã bỏ thằng chồng khốn nạn, tút thẳng đến LA và vứt lại thằng Johnny cho họ phải nuôi. Ông già la to nhất. Nhưng bà mẹ đẫy đà da nâu đã thắng ông bố, như mọi nơi trên trái đất này vợ bao giờ cũng thắng chồng, và Terry lại được phép quay về nhà. Mấy chú em lại hát lên những bài hát vui, tiết tấu rất nhanh. Tôi so vai lại dưới cơn gió lạnh và mưa, quan sát mọi chuyện từ bên kia cánh đồng nho buồn bã tháng Muôi trong thung lũng. Đầu tôi vang lên bài hát rất hay “Lover Man” mà Billie Holiday từng hát và tôi khe khẽ hát một mình giữa um tùm cây nho. “Một ngày nào đó ta sẽ gặp nhau, em sẽ lau khô nước mắt cho anh, thủ thỉ bên tai anh những lời nói êm đềm, em sẽ ôm lấy anh và hôn anh. Ôi, sao em thấy thiếu vắng anh tình nhân hỡi, ôi, anh có thể nơi đâu...” Lời bài hát không hay bằng giai điệu tuyệt vời và cả cái cách Billie hát nữa, hệt như một người đàn bà đưa tay luồn vào tóc bạn tình bên một ngọn đèn mờ mờ sáng. Gió hú từng con. Tôi bắt đầu thấy lạnh.
Terry cùng Ponzo quay lại và tất cả cùng đi kiếm Rickey trong tiếng cót két của cái xe cà khổ. Rickey giờ đây ở chung với vợ Ponzo, Big Rosey. Chúng tôi đỗ trên một con phố tồi tệ và bóp còi gọi hắn. Big Rosey đã đuổi hắn ra khỏi cửa. Mọi thứ đều đổ vỡ hết. Đêm hôm đó chúng tôi phải ngủ trong xe tải. Terry cứ ôm chặt lấy tôi, tất nhiên, và bảo tôi đừng đi. Nàng nói sẽ đi hái nho và sẽ kiếm đủ tiền cho cả hai; trong thời gian đó, tôi có thể ở tạm trong nhà kho của trang trại Heffelfinger ở cuối đường nhà nàng. Tôi chả phải làm gì ngoài việc nằm khểnh cả ngày trên bãi cỏ mà chén nho. “Vậy được không anh?”
Sáng ra, những người anh em họ của nàng lái một chiếc xe tải khác đến đón chúng tôi. Bỗng tôi hiểu ra rằng hàng ngàn người Mexico khắp vùng này đã biết rõ chuyện giữa Terry và tôi, và rằng hẳn đó phải là một đề tài lãng mạn hết sức thú vị để bàn tán. Mấy người anh em họ của Terry đều rất lịch sự và hết sức đáng yêu. Tôi đứng trên xe, mỉm cười thân mật, nhắc đến những nơi chúng tôi đã có mặt hồi thế chiến và đỉnh điểm là gì. Có năm người tất cả và người nào cũng tử tế. Hình như họ thuộc về đằng ngoại, ít ầm ĩ hơn nhiều so với đằng nội nhà Terry. Nhưng tôi vẫn khoái thằng khùng Rickey. Hắn thề là sẽ đến tận New York để tìm tôi. Tôi tưởng tượng ra cảnh hắn ở New York, mọi việc đều để đến mañana. Hôm đó hắn đang say sưa đâu đó.
Đến ngã tư tôi nhảy xuống, mấy cậu em đưa Terry về nhà nàng. Đến trước cửa nhà, họ ra hiệu cho tôi cứ lại gần; cả ông bố và bà mẹ đều không có nhà, họ đã đi hái nho cả. Thế là tôi được tự do vào nhà cả buổi chiều. Nhà gồm bốn phòng; tôi không thể hình dung nổi ngần ấy người thu xếp ra sao mà vẫn ở đủ. Ruồi vo ve trên bồn rửa. Chẳng có gì che chắn, hệt như trong bài hát, “Cửa sổ đã gãy rồi và mưa cứ hắt vào trong.” Terry giờ đang ở nhà nàng và cứ bận bịu hoài quanh mấy cái nồi. Hai cô em gái cười khúc khích khi thấy mặt tôi. Bọn con nít thì chơi cả ở ngoài đường.
Vào buổi chiều cuối cùng của tôi ở thung lũng, khi mặt trời hiện ra đỏ rực sau những đám mây, Terry đưa tôi sang nhà kho của bác nông dân Heffelfinger. Nhà bác này có một trang trại ăn nên làm ra ở đầu đường. Nàng mang chăn gối đến. Tôi thế là đàng hoàng rồi, ngoại trừ một con nhện lông lá tổ chảng lấp ló trên mái nhà kho. Terry nói nó sẽ chẳng làm gì tôi nếu tôi để nó yên. Tôi nằm ngửa ra và nhìn nó chằm chằm. Tôi đến chỗ nghĩa trang và trèo lên một cành cây. Ngồi trên cây, tôi hát bài “Blue Skies”. Terry và Johnny ngồi trên bãi cỏ, chúng tôi ăn nho. Ớ California này, người ta ăn nho bỏ vỏ, thật là sang. Đêm xuống. Terry chạy ù về nhà ăn tối và đến chín giờ tối lại mang thức ăn đến cho tôi. Tôi đốt đống lửa trên mặt sàn xi măng cho sáng. Hai đứa làm tình với nhau. Rồi Terry lại vùng dậy, chạy nhanh về nhà. Ông già la nàng lắm; ở nhà kho bên này, tôi nghe rõ cả tiếng ông. Nàng để lại cho tôi một cái áo choàng để tôi được ấm; tôi khoác áo lên vai, ra vườn nho rình rập dưới ánh trăng xem thử xảy ra chuyện gì. Tôi núp mình ở đầu một hàng nho và quỳ xuống đất ẩm. Năm nguôi anh em của nàng đang hát những bài hát tiếng Tây Ban Nha vui nhộn. Những vì sao cúi mình xuống mái nhà; khói nhà bếp từ trong ống khói tuôn ra, sực nức mùi đậu hầm ớt. Tiếng ông già làu bàu. Bà mẹ thì im lặng. Johnny và bọn nhóc chí chóe nhau ở trong phòng. Một gia đình California, tôi trốn trong vườn nho, ngẫm nghĩ về tất cả những chuyện đó. Tôi thấy như mình vừa kiếm được triệu đô; tôi đang phiêu lưu trong đêm nước Mỹ điên rồ.
Terry đi ra, đóng sầm cửa sau lưng. Tôi đón nàng trên con đường tối om. “Có chuyện gì thế?”
“Ôi, cứ suốt ngày cãi lộn nhau thôi. Ông già bắt em ngày mai phải đi làm. Ông nói không muốn nhìn thấy em lang thang vô tích sự cả ngày. Sallie, em muốn đi New York với anh.”
“Nhưng đi là đi thế nào?”
“Em cũng không biết nữa, anh yêu. Anh mà đi thì em sẽ nhớ lắm. Em yêu anh.”
“Nhưng anh phải ra đi.”
“Ừ, ừ. Ta ngủ với nhau một lần nữa, rồi anh ra đi.” Chúng tôi quay lại nhà kho, tôi làm tình với nàng ngay dưới con nhện đó. Con nhện đang làm gì thế nhỉ? Chớp mắt được một lúc trong khi lửa tắt. Đến nửa đêm nàng về nhà. Ông già nàng đang say xỉn; tôi nghe được cả tiếng quát tháo của ông; khi ông đi ngủ thì mọi thứ đều im bặt. Ánh sao tràn trề trên miền đất đang say ngủ.
Sáng ra, bác nông dân Heffelfinger thò đầu vào hỏi, “Thế nào, ngủ tốt chứ, anh bạn trẻ?”
“Tốt cả. Hy vọng là sự có mặt của tôi không làm phiền gì bác cả.”
“Không sao. Cậu cặp với con nhỏ Mexico ấy à?”
“Cô ấy rất tốt.”
“Rất xinh nữa. Một con bò lạc. Cô nàng có đôi mắt màu trời.” Rồi bác nói sang chuyện trang trại của mình.
Terry mang bữa sáng đến cho tôi. Tôi đã chuẩn bị sẵn túi vải, sẵn sàng đi New York, chỉ cần tạt qua Sanibal lấy tiền bà cô gửi nữa thôi. Tôi bảo Terry là tôi sắp đi. Nàng đã suy nghĩ suốt đêm qua và đã đầu hàng. Thẫn thờ, nàng ôm hôn tôi trong vườn nho rồi cứ theo luống nho quay về. Đi được dăm bước, chúng tôi đều quay đầu lại, vì lẽ tình yêu là một cuộc đọ gươm, và nhìn nhau lần cuối.
“Hẹn gặp lại em ở New York, Terry,” tôi nói. Nàng đã dự định chừng một tháng nữa sẽ cùng cậu em trai đến New York. Nhưng cả hai chúng tôi đều biết là nàng sẽ chẳng làm việc đó. Đi được một quãng nữa, tôi lại quay đầu nhìn nàng. Nàng đang quay lưng bước về nhà, tay cầm cái đĩa vừa đựng bữa sáng của tôi. Tôi cúi đầu xuống dõi theo. Rồi thế là, a lê hấp, tôi lại lên đường.
Tôi đi theo đường cao tốc đến Sabinal, ăn quả óc chó hái được trên cây. Rồi tôi trèo lên đường sắt SP, cứ dang tay mà đi như làm xiếc, vượt qua một tháp nước và một nhà máy. Có cái gì đó vừa kết thúc. Tôi tạt vào bưu điện ga để nhận tiền gửi từ New York. Đóng cửa. Tôi chửi thề và ngồi xuống bậc thềm để đợi. Lát sau viên phụ trách quay lại, mở cửa cho tôi vào. Tiền đây rồi; bà cô tôi lại cứu cuộc đời lười biếng khốn kiếp của tôi một lần nữa. “Sang năm đội nào sẽ vô địch giải Bóng chày Thế giới?” viên phụ trách già gầy gò nói. Tôi bỗng nhận ra thu đã sang rồi và tồi phải về New York thôi.
Tôi cứ dọc đường sắt trong thung lũng mà đi, dưới ánh nắng tháng Mười buồn đằng đẵng, hy vọng sẽ có một chuyến tàu hàng chạy qua, và mình có thể gia nhập dân bụi đời ăn nho hái được dọc đường đó, cùng đọc tranh truyện vui trên báo với họ. Chẳng có chuyến tàu nào. Tôi quay ra đường cao tốc và ngay lập tức vẫy được xe. Đây là chuyến đi nhanh nhất, thần tiên nhất đời tôi. Lái xe là một tay chơi vĩ cầm trong một ban nhạc cao bồi California. Gã có một cái xe mới toanh và phóng tới tám mươi dặm một giờ. “Tôi không uống khi đang lái xe,” gã nói và chìa ra cho tôi chai rượu. Tôi uống một ngụm rồi mòi lại gã. “Cái khỉ gì thế,” gã nói rồi uống liền. Xe chạy một mạch từ Sabinal đến LA dài hai trăm năm mươi dặm với thời gian kỷ lục là chẵn bốn tiếng đồng hồ. Hắn thả tôi xuống ngay trước cổng hãng phim Columbia ở Hollywood. Tôi đến vừa kịp để lấy lại cái bản thảo đã bị từ chối, rồi mua vé xe khách đi Pittsburgh. Tôi không đủ tiền để mua vé ô tô đến New York. Đến Pittsburgh tôi mới nhận ra.
Mười giờ xe mới chạy, tôi còn những bốn tiếng đồng hồ để khám phá Hollywood một mình. Trước hết tôi mua một ổ bánh mì lớn, xúc xích salami, tự làm cho mình mười cái sandwich dự trữ cho chuyến đi. Còn lại trong túi một đô. Tôi ngồi xuống một bức tường nhỏ xi măng đằng sau bãi đậu ô tô ở Hollywood và bắt đầu làm sandwich. Trong khi tôi đang lúi húi làm việc dở hơi này, những luồng ánh sáng lớn của một buổi ra mắt phim Hollywood rọi thẳng lên trời, cái bầu trời ồn ã vùng Bờ Tây. Ngập quanh tôi là sự náo nhiệt của thành phố vàng bên bờ biển này. Sự nghiệp Hollywood của tôi là đây - đêm cuối cùng của tôi tại Hollywood là đây, vậy mà tôi thì đang ngồi phết mù tạt lên bánh mì phía sau nhà vệ sinh của bãi đỗ xe.