Số lần đọc/download: 11105 / 15
Cập nhật: 2015-11-16 20:07:46 +0700
Chương 14 -
T
ường Thư ngồi bó gối trên ghế đá. Đêm bệnh viện cứ rờn rợn làm sao. Cuối cùng, ba cô cũng đã tỉnh lại, nhưng phải nằm viện để theo dõi và người ở lại chăm sóc ông thường xuyên là cô chớ không phải mẹ. Bà đổ thừa vì ba không muốn nhìn thấy bà, nên bà không vào, song cả Thư lẫn Lân đều hiểu khác đi và đứa nào cũng buồn vì cái sự hiểu của mình.
Thư nhìn đồng hồ, hơn chín giờ. Chắc Lân sắp vào thay cho cô về rồi. Ngày mai, ba ra viện, chị em cô ráng cực tối nay nữa song ba về nhà đâu có nghĩa là sẽ yên chuyện, khi ba và mẹ lúc này đang nhen nhóm chiến tranh từng phút một.
Càng suy gẫm Thư càng khó hiểu. Trong mắt cô và có thể trong mắt nhiều người, ba mẹ cô là một cặp xứng đôi vừa lứa, đã sống hạnh phúc hai mươi mấy năm chưa lần nào to tiếng. Vậy mà bây giờ mẹ luôn miệng nói xấu ba với con cái. Không biết với những bạn bè, người làm chung, bà có nói những gì cô đã được nghe không nữa?
Tường Thư thở dài sườn sượt như những cụ gần đất xa trời, cô chỉ khác các cụ ở chỗ còn quá trẻ nên chưa có kinh nghiệm chuyện đời để hiểu được những điều cô đang thắc mắc tại sao. Nếu bảo rằng vì ba luôn thua lỗ trong kinh doanh nên mẹ mới tỏ thái độ thì không đúng. Vì giai đoạn khó khăn nhất của gia đình cô đã qua. Cách đây mấy năm, ba gần như trắng tay vì hùn hạp buôn bán xe gắn máy trả góp bị thua lỗ. Cũng may lúc đó có cơn sốt nhà đất, căn nhà của gia đình Thư được giá gấp năm sáu lần trước kia. Ba cô bán nhà, trả nợ xong, còn dư một số làm vốn. Ông đã lấy vốn đó để tập tành kinh doanh nhà đất. Thoạt đầu là những căn nhà nhỏ, trong hẻm, ông mua vừa để gia đình ở, vừa bán nếu thấy được giá, có lời.
Trong hai năm, nhà cô dời chỗ không biết mấy lần. Cứ mua rồi bán, tích lời thành vốn, sau cùng ba mua đất và cất căn nhà mới này. Ông và bạn mở một văn phòng dịch vụ mua bán nhà đất, bán những biệt thự, nhà ở trung tâm thành phố, trị giá từng căn hàng ngàn lượng vàng. Bao nhiêu vốn và tiền vay ngân hàng nằm trong những biệt thự đắt tiền ấy, mẹ Thư rất lo, nhưng nếu đây là lý do để hai người mâu thuẫn thì không phải.
Thư rất hoang mang khi nghe ba cay cú nhắc đến tên Thiều. Gã đàn ông đó là bóng ma chen vào giữa ba mẹ cô. Thật sự có người tên Thiều không? Nếu có, ông ta là ai?
Lân vào tới với Truyền. Nó hỏi bằng giọng mệt mỏi:
- Ba thế nào rồi?
Thư trả lời:
- Ba đang ngủ. Bác sĩ bảo mai ba xuất viện.
Lân reo lên:
- Vậy thì đỡ quá.
Tường Thư lầu bầu:
- Chị chả thấy đỡ chút nào. Chẳng biết chuyện gì sẽ xảy đến nữa đây.
Lân thản nhiên:
- Chuyện gì? Ba hứa không uống rượu nữa là yên rồi. Chị đừng nghĩ lung tung. Anh Truyền sẽ chở chị về.
Vừa nói, Lân vừa đưa cô chùm chìa khoá nhà. Thư ngạc nhiên:
- Mẹ đâu?
Lân nhún vai:
- Em không biết. Nhưng mẹ có chìa khoá riêng, nên không bị nhốt bên ngoài đâu.
Tường Thư chợt bực bội. Cô không hiểu sao mẹ có thể đi như thế khi ba nằm viện. Cái tên Thiều một lần nữa lại khiến Thư nhức nhối vì thắc mắc. Cô muốn biết mối quan hệ giữa mẹ và ông ta. Đó có phải là quan hệ đặc biệt nào khác?
Tường Thư nhíu mày khi Lân che miệng ngáp:
- Em ráng thức trông chừng ba chớ đừng ngủ quên đó. Ba chưa thật khoẻ đâu.
Chìa cái máy game ra, Lân cười:
- Đã có món này, em không ngủ đâu. Chị cứ an tâm về đi.
Thư yên lặng bước theo Truyền. Nãy giờ anh đứng dựa cột hút thuốc để chị em cô to nhỏ. Suốt mấy ngày qua, Truyền vất vả với gia đình cô khá nhiều. Thư có cảm giác anh lo cho ba cô hơn cả mẹ lo. Trong bệnh viện, tưởng anh là anh Hai của cô và Lân. Chính lòng tốt của Truyền khiến Thư xấu hổ vì lâu nay cô luôn ác cảm với anh.
Thật ra, Truyền rất chân tình, trong thâm tâm, Tường Thư thấy mình mắc nợ anh khá nhiều. Giọng ray rứt, Thư nói:
- Thằng nhóc Lân kỳ quá, bắt anh đưa tới đây rồi rước tôi về tốn bao nhiêu thời gian của anh...
- Tại tôi tình nguyện. Khu mình ở vắng vẻ quá, để em về tối, tôi thật sự không yên tâm.
Tường Thư từ tốn:
- Để anh đưa đón, tôi thật sự áy náy.
Truyền bật cười:
- Có gì đâu. Mai bác Tuyển về rồi, mọi cái lại y như cũ. Lúc ấy em có nhờ tôi cũng khó.
Truyền dắt xe ra khỏi bãi gởi xe. Thư rụt rè ngồi phía sau dù đây không phải là lần đầu tiên anh chở cô. Hôm Thư bị đau chân, chính Truyền đã chở cô vào Chợ Lớn tìm ông Thày Tàu bó thuốc gia truyền cho mau khỏi. Lần đó Tường Thư phải bám vào anh để đi cơ mà. Nhưng rụt rè Thư vẫn rụt rè.
Truyền bỗng nói:
- Chúng ta kiếm món gì ăn nhé. Tôi đang đói bụng, tối nay lại làm việc khuya. Có thực mới vực được đạo, nhỏ ạ.
Thư nói:
- Nếu anh đói, tôi đâu dám từ chối.
Truyền hóm hỉnh:
- Em ngoan nhỉ. Tôi ngạc nhiên đấy.
Tường Thư ngang ngạnh:
- Tôi có ăn học chút chút, nên cũng biết cách ứng xử sao cho phải đạo. Điểm này chưa hẳn là ngoan.
Truyền dài giọng:
- Nhưng dẫu sao vẫn ngoan hơn những lúc chưa ngoan.
Thư lặng thinh, Truyền cũng chẳng nói gì thêm cho đến khi tới quán. Anh gọi hai tô phở đặc biệt vì biết từ chiều tới giờ Thư chưa ăn uống gì. Gia đình cô dạo này đang có vấn đề, ba cô không té cầu thang vì say rượu. Truyền lờ mờ đoán thế. Anh đã nghe ba mẹ Thư to tiếng với nhau mà. Dạo này chị em Thư buồn thấy rõ, cả đứa thích phá người khác, như Lân cũng lười biếng nghịch internet thì đủ hiểu nó buồn cỡ nào. Nhưng gia đình nào lại không có những hục hặc nội bộ. Truyền thấy tốt nhất đừng xen vào để gia đình Thư không ngại. Nhưng anh sẵn sàng giúp đỡ chuyện khác, chẳng hạn chuyện đón Tường Thư về tối nay.
Đó có phải là sự giúp đỡ không? Riêng Truyền lại xem đấy là bổn phận của mình. Một bổn phận tự nhiên được anh nhận vơ vào và thấy vui vui khi có dịp đưa đón chị em Tường Thư.
Chắc tại anh đang cô đơn? Cũng không hẳn thế. Anh có thể tha hồ uống bia như uống nước lã với bạn bè rồi vào vũ trường quậy tới hai ba giờ sáng mà. Anh chưa chán những cuộc vui đó, nhưng thú thật cũng không mặn mà lắm khi nhớ tới Thúy Ái. Cô rất thích vũ trường. Hai người chia tay với nhau rồi anh vẫn còn đau. Đau nhất là chuyện Ái đùng đùng tới nhà anh lấy hết những vật dụng cá nhân trước kia cô và anh mua để chuẩn bị cưới. Sau đó, Ái rành rẽ, sòng phẳng tính toán từng đồng những món tiền cô bảo đã cho anh mượn hồi hai người còn ở bên Úc. Mà thật ra, anh có bao giờ vay tiền của Ái. Sĩ diện đàn ông khiến Truyền lẳng lặng làm theo lời Ái. Anh không thể đôi co, bình luận những chuyện như vậy, nhỏ mọn và tác tệ làm sao. Vậy mà trước đó, Thúy Ái đã yêu anh rất mực. Người ta có thể đòi hết tiền bạc, của cải khi không còn yêu nữa. Thế còn những nụ hôn làm sao trả nhỉ? Có một câu chuyện kể rằng: " Hai người không yêu nhau đòi lại nhau những nụ hôn. Thế là người này hôn trả người kia. Họ trả nhau sòng phẳng nhiều đến mức chính những nụ hôn trả nợ lại hàn gắn họ với nhau. "
Với ai thì có thể chớ với Thúy Ái và anh chắc sẽ không xảy ra chuyện đó. Dù đó là một câu chuyện cười.
Tường Thư nhẹ nhàng lau muỗng đũa sẵn. Cô làm thật chậm như để giết chết khoảng thời gian " không biết phải nói gì " của hai người nhưng lại khiến Truyền thích thú, vì khi vào quán với Ái, cô không bao giờ có những cử chỉ chăm chút, tỉ mỉ như thế.
Truyền buột miệng:
- Anh chàng nào tốt số mới lọt vào mắt xanh của em.
Tường Thư nói:
- Anh lại chọc quê tôi.
- Tôi nói thật ấy chứ. À, anh chàng hồi trước của em thế nào rồi?
Thư chớp mắt:
- Anh ấy vẫn khoẻ.
- Và vẫn còn yêu em thắm thiết chứ?
Tường Thư gật đầu:
- Tôi tin là như vậy.
Truyền mỉm cười:
- Xin chúc mừng.
Đợi người phục vụ mang tới hai tô phở nghi ngút khói xong, Truyền nói:
- Thư cứ tự nhiên nhé.
Thư nhìn Truyền gắp giá, rau vào tô cho mình với vẻ ngần ngại, cô chỉ vào quán cà phê với Năng chớ chưa khi nào vào quán ăn, nên Thư không biết mình phải đáp lại sự chăm sóc của Truyền như thế nào cho đúng mực
Cô lí nhí:
- Cám ơn anh... Tôi...
Truyền hóm hỉnh:
- Ăn xong hãy cám ơn.
Rồi Truyền hồn nhiên tự phục vụ mình. Tường Thư vừa nhỏ nhẹ ăn, vừa hỏi:
- Chắc anh thường vào quán này?
Truyền gật đầu:
- Vâng.
- Và chắc không đi một mình?
- Đúng. Trước kia tôi và Thúy Ái vẫn thích ăn phở quán này. Nhà Ái cũng gần đây, nhưng bây giờ thì vĩnh viễn chấm dứt rồi.
Tường Thư ái ngại:
- Sao lại bi quan thế? Tôi thấy anh chị rất đẹp đôi.
Truyền nhếch môi:
- Chính chúng tôi cũng từng tự hào nhưng không ngờ tất cả chỉ là ảo tưởng. Tôi chả bi quan khi nói thế, nếu sau này có đi chơi với nhau, tôi và Ái đều ở cương vị khác.
Tường Thư trầm giọng:
- Không gì hạnh phúc bằng được tự do bên nhau. Vậy mà anh chị lại chia tay. Thật tiếc.
Truyền nói:
- Trước khi quyết định không ràng buộc nhau nữa, tôi từng dằn vặt đau khổ vì nghĩ như em. Có được một tình yêu không phải dễ, bởi vậy tượng tưởng lúc là người dưng của nhau tôi đã buồn biết bao.
Thư tò mò:
- Hai người không có cách nào khác sao?
Truyền uống một ngụm pepsi:
- Cô ấy chọn công việc, chọn lối sống hiện đại chớ không chọn tôi. Biết sao đây khi tôi không đáp ứng được lối sống của cô ấy.
- Nhưng mà khi đã yêu người ta phải... phải...
- Phải biết hy sinh chớ không nên ích kỷ chớ gì.
Nhìn Thư với vẻ tội nghiệp, Truyền bảo:
- Em còn quá lý tưởng, nếu không muốn nói là khờ khạo khi nghĩ vậy. Theo tôi hy sinh chưa chắc tạo được hạnh phúc trong tình yêu. Rồi một ngày xấu trời nào đó, người hy sinh biết đâu lại hét lên:" Tôi không nhịn nhục nữa, tôi chịu đựng hết nổi rồi " và tình yêu tưởng rất đẹp kia sẽ vỡ thành trăm mảnh.
Tường Thư chợt nhột nhạt khi nghĩ tới ba mẹ mình. Truyền có định ám chỉ gì không nhỉ?
Truyền nhắc:
- Em ăn đi chứ. Nghĩ ngợi làm chi cho mất ngon. Mà này! Đừng định nói với tôi trong tình yêu, em là người hy sinh nhé.
Tường Thư gượng gạo:
- Làm gì có.
Rồi cô cắm cúi... ăn. Một lát sau, Truyền nói:
- Xin Thư bỏ qua, nếu tôi không phải. Tôi có cảm giác em gặp trắc trở với anh chàng của mình, phải không?
Buông đũa, Tường Thư nhìn anh trân trối:
- Sao... sao anh hỏi thế?
- Tôi đoán được mà. Hai bác không đồng ý anh chàng à?
Tường Thư tránh ánh mắt của Truyền. Cô chợt thấy no ngang vì câu hỏi của anh. Truyền đã chạm tới nỗi đau của Thư. Lòng rưng rưng, cô chợt muốn được bộc bạch, được thổ lộ nỗi buồn của mình.
Thư nói:
- Mẹ tôi và cả mẹ Năng đều cấm hai đứa quen nhau.
- Nhưng phải có lý do chứ.
Thư rầu rĩ:
- Hai bà mẹ không thích nhau.
Truyền kêu lên:
- Tiếc thật! Nhưng em và anh chàng có thể vượt qua khó khăn này mà.
Tường Thư ậm ừ:
- Vâng. Nhưng cũng không dễ dàng gì...
Cô chưa nói hết lời đã nghe có người gọi mình. Âm thanh thảng thốt, ngạc nhiên và phẫn nộ ấy khiến Thư bủn rủn:
Năng. Đúng là giọng Năng. Anh đang bước vào quán với gương mặt trắng bệch vì giận.
Như cái máy, Thư đứng bật dậy. Cô ấp úng.
- Để em giới thiệu.
Năng khinh khỉnh:
- Anh Truyền, hàng xóm của em chứ gì.
Truyền lịch sự chìa tay ra, Năng hờ hững bắt lấy với vẻ miễn cưỡng.
Truyền kéo ghế:
- Tôi vàThư vừa nhắc đến Năng tức thời. Mời Năng ngồi.
Năng lắc đầu:
- Tôi có hẹn. Và tôi thường nghe bạn tôi nhắc tới anh.
Truyền nhíu mày. Anh chàng này nói thế có nghĩa gì nhỉ? Bạn Năng là ai, có liên quan gì tới anh mà nhắc với nhở chứ?
Như để trả lời thắc mắc cho Truyền và Tường Thư, Bích Tuyên và Thúy Ái bước vào.
Bích Tuyên reo lên đầy vẻ kịch:
- A, cậu Truyền! Thật bất ngờ.
Chạy tới ôm lấy cánh tay Năng, Tuyên tíu tít:
- Để cháu giới thiệu với cậu. Bạn thân nhất của cháu, Đỗ Hoàng Năng.
Truyền liếc vội Tường Thư và bắt gặp gương mặt nhợt nhạt của cô.
Thúy Ái ngọt ngào:
- Anh giỏi thật. Mới đó đi ăn với người khác. Xin chúc mừng hai người.
Truyền vội phân trần:
- Anh từng nói, Tường Thư là hàng xóm với anh. Thư là bạn của Năng đấy.
Năng nhấn mạnh:
- Thư có thêm anh là bạn đã sao? Thời buổi này, người ta càng nhiều bạn càng tốt. Thú thật, là bạn với Thư từ lúc hai đứa còn bé xíu, nhưng tôi chưa bao giờ vào quán với Thư ở thời điểm quá trễ như vầy. Bác Vân nổi tiếng khó, không ngờ lại nới tay với anh. Có lẽ "láng giềng gần" là trên hết, nên bác ấy mới dễ như thế.
Bích Tuyên cười cười:
- Dầu sao cậu Truyền cũng là người có uy tín mà. Ai có con gái lại không thích gởi cậu Truyền cơ chứ.
Tường Thư nuốt nghẹn xuống, cô nhìn Năng:
- Em muốn nói chuyện với anh. Em...
Năng ngắt lời cô, giọng chẳng thể hiển xúc động gì cả.
- Lúc này thì không được.
- Vậy thì ngày mai.
Năng lãnh đạm:
- Anh đang học bài thi, em biết mà.
Thư cắn môi:
- Nói chuyện với nhau năm phút thôi.
Năng nhún vai bước ra khỏi quán, Thư bước theo sau như một người thua cuộc.
Năng hất mặt lên đầy thách thức:
- Em cần nói gì thì nói, trừ những lời biện minh cho những gì anh vừa thấy.
Tường Thư ấm ức:
- Nhưng em và anh ta chả là gì cả. Ba em nằm viện, Truyền chở Lân vào thay cho em và đưa em về, vì bên ấy quá vắng vẻ.
Năng như bỏ ngoài tai lời Thư nói. Anh lạnh lùng:
- Nói chuyện khác đi. Anh ghét mọi sự phân trần.
Thư thì thầm như nhắc nhở Năng tình yêu của hai người:
- Em yêu anh.
- Yêu anh mà đi với thằng đàn ông khác. Dối trá!
- Thế anh thì sao? Anh cũng đi với người khác.
Năng nói:
- Anh đang ở tạm nhà cô Thúy Ái, anh không đi một đôi như em và Truyền. Em đã sỉ nhục anh khi trong mắt cô Ái và Bích Tuyên em là người mê hoặc Truyền, khiến anh ta ruồng rẫy cô ấy để chạy theo em.
Thư ú ớ:
- Em không có.
Năng khoát tay:
- Không đôi co nữa. Anh chưa hề tin những điều trước đây được nghe, nhưng anh tin những gì anh vừa thấy. Hãy để anh yên.
Tường Thư tuyệt vọng nhìn theo Năng. Anh rất giận, tiếc rằng những lời cô nói không làm anh nguôi ngoai.
Giờ Thư đã hiểu tại sao hôm đó cô cháu Thúy Ái lại hỏi thăm Truyền về cô. Bích Tuyên chắc chắn đã nói những điều bất lợi cho Thư, cô ta khiến Năng nghi ngờ Thư nên hôm nay anh mới tỏ thái độ như thế.
Đúng là tình ngay lý gian. Thư không thể giải thích vìNăng không tin cô. Thư muốn chết cho rồi. Cô đứng như trời trồng ngoài quán mãi tới khi Truyền bước ra.
Truyền nói:
- Đã có sự hiểu lầm nghiêm trọng, tôi sẽ gặp riêng Năng để giải thích. Giờ chúng ta về.
Tường Thư thẫn thờ nhìn vào quán. Năng đang tươi cười chớ không có vẻ gì rối rắm như cô. Cho rằng anh che giấu cảm xúc của mình chăng nữa, Thư vẫn thấy hoang mang. Anh đã thay đổi và cô đang mất anh mà không thể níu kéo.
Linh cảm được điều đó, Tường Thư không bình tĩnh được, cô bồn chồn hỏi:
- Anh sẽ giải thích thế nào với Năng đây?
Truyền mỉm cười:
- Tôi sẽ có cách của mình, Thư đừng lo. Rồi đâu sẽ vào đấy mà.
Tường Thư thở hắt ra nhẹ nhõm. Cô tin Truyền sẽ làm được điều kỳ diệu đó cũng như trước đây anh đã có cách nói để mẹ không mắng cô tội ngã bong gân vì bộp chộp. Cô tin Truyền sẽ giải tỏa nỗi oan này.