No entertainment is so cheap as reading, nor any pleasure so lasting.

Mary Wortley Montagu

 
 
 
 
 
Tác giả: Molnár Ferenc
Thể loại: Tuổi Học Trò
Nguyên tác: A Pál Utcai Fiúk
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 154 / 12
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
rong ngôi nhà nhỏ tường màu vàng ở phố Ra-cốt im ắng lạ thường. Cả những người hàng phố hay tụ tập trong sân để buôn chuyện bây giờ cũng nhón chân đi nhè nhẹ qua cửa nhà bác thợ may Ne-me-tréc. Những người hầu đem quần áo và thảm chùi chân ra tận đằng cuối sân để giũ bụi. Ở đó họ cũng chỉ giũ rất lẹ làng để người ốm khỏi nghe thấy tiếng động. Nếu những tấm thảm chùi chân biết nhìn thì bây giờ chúng cũng nhướn mắt lên xem hôm nay sao sự giũ đập lại nhẹ nhàng thế này, khác với sự giũ đập giận dữ hàng ngày…
Bà con nhìn qua cửa kính:
- Cháu nó thế nào?
Mọi người đều nhận câu trả lời này:
- Cháu mệt, rất mệt!
Những bà tốt bụng mang đến cho cái này cái nọ:
- Bà ơi, bà nhận lấy một chút rượu này…
Hoặc là:
- Nếu tôi không xúc phạm thì đây có chút đường cho cháu…
Người đàn bà tóc hung, mắt ướt đẫm vì khóc, ra mở cửa cho những người tốt bụng. Bà chân thành cảm ơn những của họ cho mà thực tình bà cũng chẳng dùng được mấy. Bà cũng nói với người này người nọ:
- Tội nghiệp cháu nó không ăn gì. Đã hai ngày rồi, khó khăn lắm chúng tôi mới đổ cho cháu được thìa sữa đấy!
Ba giờ chiều ông thợ may về. Ông mở cửa hàng, chờ nhận công việc làm. Ông thận trọng khe khẽ mở cửa nhà bếp, ông cũng chẳng hỏi vợ điều gì cả.
Ông chỉ nhìn. Vợ ông lại nhìn ông. Cả hai người thế là hiểu nhau. Họ lặng lẽ đứng đối diện nhau. Ông thợ may cũng chẳng buồn đặt những chiếc áo vét mới nhận từ trên tay xuống. Cả hai vợ chồng nhón chân đi vào phòng chăm sóc đứa con trai đương nằm trên giường. Thật tình thì chú lính vui nhộn một thời mà bây giờ được thăng đại úy buồn rầu của phố Pan đã thay đổi rất nhiều. Chú gầy đi, tóc dài ra, khuôn mặt hốc hác. Chú không nhợt nhạt đi nhưng đó là điều buồn vì hai gò má chú luôn đỏ ửng. Cái màu đỏ này không phải là khỏe mạnh. Đó là sự truyền sáng của ngọn lửa bên trong đã cháy liên tục từ mấy ngày nay.
Hai người đứng cạnh bên cạnh giường. Họ là những con người nghèo khổ, giản dị, đã từng trải qua nhiều nguy hiểm, nhiều khó khăn thử thách, nhiều nỗi đắng cay. Họ không than phiền. Họ chỉ cúi đầu đứng nhìn xuống đất. Sau đó ông thợ may lặng lẽ hỏi:
- Nó ngủ à?
Người đàn bà cũng không dám trả lời thành tiếng, chỉ gật đầu, vì đứa con trai bây giờ đang nằm liệt giường như thế thì chẳng hiểu được: nó đang ngủ hay thức.
Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ từ bên ngoài, phía sân.
- Hình như bác sĩ đến! - Người đàn bà thì thầm.
Ông chồng bảo:
- Ra mở cửa!
Người đàn bà đi ra, bà mở cửa. Bô-co đứng trên ngưỡng cửa. Khi trông thấy người bạn của con trai mình, người đàn bà nở một nụ cười.
- Cháu vào được không ạ?
- Được, con ạ!
Cậu đi vào.
- Nó thế nào ạ?
- Chẳng thế nào cả!
- Nó không khỏe ạ?
Cậu chẳng chờ câu trả lời, đi ngay vào buồng, theo sau người đàn bà. Bây giờ cả ba người đứng bên giường. Cả ba đều lặng thinh. Họ đứng như thế bên giường và có lẽ người ốm cảm thấy rằng họ nhìn chú, vì chú mà họ yên lặng. Chú từ từ mở mắt ra. Trước tiên chú buồn rầu nhìn bố, sau đó nhìn mẹ. Nhưng khi trông thấy Bô-co, chú mỉm cười. Chú nói với cậu, giọng yếu ớt, vừa đủ nghe:
- Đằng ấy ở đây à, Bô-co?
Bô-co đến gần giường:
- Tớ ở đây!
- Đằng ấy cũng ở lại đây chứ?
- Ở lại đây!
- Ở mãi cho đến khi tớ chết chứ?
Đến đây Bo-co không biết trả lời sao. Cậu nhìn bạn, sau đó như muốn xin lời khuyên, cậu quay lại đằng sau nhìn bà mẹ. Nhưng người đàn bà lúc đó đã đứng quay lưng lại, lấy gấu tạp dề đưa lên ngang mắt.
- Con nói dại thế? - Ông bố nói và đằng hắng. - Hừm! Hừm! Con nói dại thế con?
Nhưng Ne-me-tréc Ét-nuê chẳng để ý đến câu nói của bố cậu. Chú nhìn Bô-co và lắc đầu chỉ về phía người cha.
- Ba má tớ không biết đâu! - Chú nói.
Bây giờ Bô-co cũng lên tiếng:
- Sao lại không biết! Làm bố mẹ phải biết rõ hơn cả cậu!
Chú cựa mình rồi khó nhọc ngồi dậy khỏi gối. Chú ngồi trên giường, không chịu để cho họ đỡ dậy. Chú khua tay trong không khí và nghiêm nghị nói:
- Đằng ấy đừng tin những điều ba má tớ nói, vì ba má tớ chỉ nói khích để đùa tớ. Tớ biết là tớ chết mà!
- Không đúng!
- Đằng ấy bảo không đúng à?
- Ừ!
Chú nghiêm khắc nhìn bạn:
- Vậy tớ nói dối chăng?
Họ ra hiệu chú đừng nổi giận vì không ai tố cáo chú là nói dối cả. Nhưng chú rất nghiêm khắc, bực bội vì họ không tin mình. Chú nghiêm nét mặt cho ra vẻ oai rồi thông báo:
- Vậy tớ nói với đằng ấy là tớ chết!
Bà chủ nhà áp đầu nhìn vào cửa:
- Bà ơi… bác sĩ!
Bác sĩ bước vào. Mọi người kính trọng chào. Bác sĩ là một ông già rất nghiêm. Ông chẳng nói một lời nào. Ông hơi gật đầu một cách cáu kỉnh rồi đi thẳng đến giường. Ông nắm tay thằng bé, sau đó vuốt khắp vầng trán chú. Ông áp đầu lên lồng ngực chú, nghe ngóng. Người đàn bà không thể chịu đựng được, bà hỏi:
- Thưa… bác sĩ… cháu ốm nặng hơn à?
Bây giờ bác sĩ mới nói:
- Không!
Nhưng ông nói điều này rất lạ. Ông nói mà không nhìn bà chủ nhà. Sau đó ông lấy mũ phớt và bỏ đi. Ông thợ may vội vã chạy ra mở cửa.
- Tôi tiễn ngài ra, thưa bác sĩ!
Khi họ đã ở nhà bếp rồi, bác sĩ nháy mắt ra hiệu cho ông thợ may đóng cửa phòng lại. Ông thợ may tội nghiệp đoán chừng sự việc có ý nghĩa gì khi bác sĩ muốn nói chuyện riêng, mặt đối mặt với ông. Ông đóng cửa lại. Bây giờ mặt bác sĩ lộ vẻ thân mật hơn:
- Ông Ne-me-tréc ạ! - Bác sĩ nói. - Ông là người đứng tuổi, tôi sẽ nói thực tình với ông!
Ông thợ may cúi đầu.
- Cháu không giữ được tới tháng sau đâu. Có thể cả buổi tối cũng không!
Ông thợ may không nhúc nhích. Chỉ một lát sau ông mới lặng lẽ gật đầu.
- Tôi nói, - bác sĩ tiếp, - vì ông là người nghèo và sẽ rất nguy hiểm nếu một tai họa đến bất ngờ với ông. Vậy… điều tốt, nếu… nếu… ông lo đến… nếu ông lo đến chuyện… đến chuyện mà lúc này thường phải lo đến… - Ông còn nhìn một chút, sau đó bỗng nhiên đặt tay vào vai ông thợ may: - Trời phù hộ cho ông! Một giờ sau tôi sẽ trở lại!
Ông thợ may không nghe được điều này nữa. Ông chỉ nhìn trơ trơ sàn gạch đã được cọ trắng của nhà bếp. Ông cũng chẳng nhận ra là bác sĩ đã về. Đầu ông rối bời: cần phải lo liệu… cần phải lo liệu đến chuyện mà lúc này thường phải lo. Bác sĩ nói câu đó là thế nào? Chắc không phải là quan tài!
Ông loạng choạng bước vào phòng, ngồi xuống ghế. Không có thể cạy được ở ông một lời, mặc dù vợ ông đến bên ông:
- Thầy thuốc nói gì?
Ông chỉ gật đầu, gật đầu hoài.
Bây giờ hình như có một niềm vui sướng tràn ngập trên nét mặt chú bé. Chú quay về phía Bô-co:
- I-a-nốt này. Lại đây!
Cậu đi đến bên bạn.
- Đằng ấy ngồi xuống đây, cạnh giường này. Đằng ấy có dám không?
- Sao lại không dám! Vì sao lại không dám?
- Vì có thể là đằng ấy sẽ sợ rằng tớ sẽ chết đúng lúc đằng ấy ngồi ở đây, trên giường tớ. Nhưng chuyện đó không cần sợ vì nếu tớ cảm thấy chết thì tớ sẽ nói trước cho!
Cậu ngồi bên chú.
- Nào, cậu muốn gì?
- Đằng ấy… - chú vừa nói vừa ôm cổ và ghé vào tai Bô-co như muốn nói chuyện thật bí mật. - Bọn áo đỏ làm sao?
- Chúng mình đánh bại chúng!
- Thế sau đó?
- Sau đó chúng về Vườn cỏ và họp nhau lại. Chúng chờ cả buổi tối nhưng A-trơ Phe-ri không đến. Chờ chán rồi chúng bỏ ra về.
- Thế vì sao A-trơ Phe-ri không đến?
- Vì nó xấu hổ quá. Nó biết rằng quân nó sẽ cách chức chủ tướng vì nó đã thua trận. Rồi sau bữa trưa nay chúng lại họp nhau lại. Cuộc họp này A-trơ Phe-ri đã dự. Đêm qua tớ thấy nó đi tới trước nhà cậu!
- Ở đây à?
- Ừ. Nó hỏi ba cậu rằng cậu có đỡ không?
Đến đây Ne-me-tréc rất hãnh diện. Chú không tin ở tai mình:
- Chính nó à?
- Chính nó!
Chú thích quá. Bô-co tiếp:
- Vậy để tớ nói, chúng tổ chức họp ở đảo, làm ồn ào lên. Chúng cãi nhau khủng khiếp, ai cũng muốn đánh đổ A-trơ Phe-ri. Chỉ có hai thằng theo nó: thằng Ven-đao-ít và Xe-be-nít. Bọn Pát-xtô cũng chống lại nó kịch liệt vì thằng Pát-xtô anh muốn làm chủ tướng. Cuối cùng chúng cũng hạ chức chủ tướng cũ và chọn thằng Pát-xtô anh làm chủ tướng. Nhưng cậu biết xảy ra chuyện gì không?
- Chuyện gì?
- Chuyện là khi chúng đã yên rồi, đã có chủ tướng mới rồi thì người canh giữ Vườn cỏ đi đến đảo bảo chúng rằng ông giám đốc không chịu được mãi tiếng ồn ào này, ông đuổi chúng ra khỏi Vườn. Họ rào đảo lại. Họ sẽ dựng cửa ở đầu cầu!
Đến đây viên đại úy cười khoan khoái.
- Nào, hay quá! Và sao đằng ấy biết được?
- Côn-nay vừa kể lại, lúc tớ đến đây tớ gặp nó. Nó đi ra khu đất trống, Hội mát-tít lại có cuộc họp!
Đến đây chú bé nhăn mặt lại.
Chú nói nho nhỏ:
- Tớ không thích những thằng này. Những thằng này đã viết tên tớ bằng chữ thường!
Bô-co vội làm bạn yên lòng:
- Chúng nó đã chữa lại. Không những chữa lại mà còn viết tên cậu bằng toàn chữ in vào sổ cái!
Ne-me-tréc lắc đầu, vẻ không bằng lòng.
- Chuyện này không đúng. Đằng ấy chỉ nói thế vì tớ ốm, đằng ấy muốn an ủi tớ!
- Không phải vì thế mà tớ nói. Tớ nói đúng đó. Tớ nói với lời của tớ, đúng mà!
Chú bé tóc hung lại giơ ngón tay gầy guộc chỉ vào không khí:
- Bây giờ đằng ấy cũng nói dối để an ủi tớ!
- Nhưng…
- Đừng nói!
Chú kêu lên. Chú, viên đại úy đã dám thét tướng quân. Nếu hiểu lời quát của chú ở khu đất trống thì đó là một tội rất kinh khủng, nhưng ở đây thì không. Bô-co kiên nhẫn mỉm cười.
- Được! - Cậu nói. - Nếu cậu không tin tớ, sau này cậu sẽ thấy, chính cậu sẽ thấy ngay. Họ đã làm một bằng danh dự tặng cậu. Họ sẽ mang đến đây ngay. Họ mang đến cho cậu. Cả hội sẽ đến đây.
Nhưng chú bé tóc hung bây giờ vẫn không tin.
- Nếu sau này tớ thấy, lúc ấy tớ sẽ tin.
Bô-co lắc vai. Cậu nghĩ thầm: “Nó không tin càng tốt vì nó sẽ vui sướng hơn nếu nó trông thấy họ!”
Nhưng chuyện này vô tình cũng làm cho người ốm rạo rực lên. Sự bất công trước đây mà Hội mát-tít đã mắc lỗi đối với chú làm chú rất buồn phiền. Chú tự trêu tức mình.
- Đằng ấy thấy đấy, - Chú nói. - chúng nó đối với tớ thật là tồi!
Bô-co không dám nói vì sợ sẽ làm chú xúc động hơn. Thậm chí khi chú hỏi cậu:
- Tớ nói đúng, phải không?
Cậu buông lửng:
- Cậu nói đúng!
- Còn tớ, - Ne-me-tréc ngồi lên gối. - tớ cũng đã chiến đấu vì họ như vì những người khác để họ có khu đất trống. Tớ biết rằng không phải tớ chiến đấu cho bản thân tớ, vì tớ sẽ không bao giờ trông thấy khu đất trống nữa!
Chú im lặng. Chú đăm chiêu nghĩ tới cái điều khủng khiếp này, chú sẽ không trông thấy khu đất trống nữa. Chú là trẻ con. Chú vui lòng bỏ lại ở đây tất cả những gì có trên trái đất này, chỉ riêng khu đất trống, chỉ riêng khu đất trống “khu đất trống dịu hiền” là không thể bỏ lại được.
Một sự việc không xảy ra với chú trong suốt thời gian chú ốm: bây giờ trong mắt chú ứa ra những giọt nước mắt. Nhưng không phải cái buồn rầu đã làm chú khóc mà là sự giận dữ bị bất lực trước một cái gì to tát quá không cho phép chú một lần nữa đi vào phố Pan, dưới các pháo đài, bên nhà lều. Bây giờ chú nghĩ đến nhà chứa máy, nhà chứa xe, đến hai cây dâu mà chú thường hái cho Tre-le vì nhà hắn nuôi tằm. Chàng công tử này cần lá dâu. Tre-le lại là thằng ăn diện. Tre-le tiếc quần áo mịn màng của nó sẽ bị đi đời nếu nó trèo cây. Tre-le sai chú lên cây bởi vì chú là lính. Chú nghĩ đến cột ống khói cao ngất, vui vẻ phụt khói, nhả những luồng hơi trắng như tuyết lên bầu trời xanh những luồng mây giây lát vào không khí. Và tiếng vù vù quen quen của chiếc cưa hơi vẳng đến đó, khi nó ăn sâu vào những khúc gỗ đã cắt thành từng đoạn nhỏ.
Nét mặt chú đỏ bừng, mắt chú long lanh. Chú kêu lên:
- Tôi muốn đi ra khu đất trống!
Bô-co nắm tay chú:
- Ít nữa cậu khỏe, tuần tới cậu sẽ đến. Cậu khỏi bệnh, cậu lại đến đó mà!
- Nhưng không khỏi! - Chú nói mạnh hơn. - Bây giờ tớ muốn đi! Ngay bây giờ! Đưa quần áo cho tớ và tớ đội chiếc mũ phố Pan lên đầu!
Chú sờ dưới gối, vẻ mặt đắc thắng, chú lục lọi chiếc mũ cát-két xanh đỏ bị bẹp mà chú không xa rời một giây lát, chú đội mũ lên đầu.
- Đưa quần áo cho tớ!
Người cha buồn rầu nói:
- Sau này nếu con khỏi bệnh hãy đi, Ne-me-tréc ạ!
Nhưng lúc đó chú không nhịn được nữa. Chú kêu lên, giọng gần như bị đứt hơi:
- Tôi không khỏi rồi!
Chú nói câu này như ra lệnh, nhưng không ai chống lại cả.
- Tôi không khỏi! - Chú kêu lên. - Các cậu nói dối tớ vì tớ biết rõ là tớ chết và tớ muốn chết ở đó, nơi tớ thích! Tớ muốn đi ra khu đất trống!
Tất nhiên không thể nói đến chuyện đó được. Tất cả vội đến bên chú dỗ dành, giảng giải làm chú yên lòng:
- Bây giờ không thể đi được…
- Trời xấu lắm…
- Để đến tuần tới…
Bây giờ họ lại nói cái câu buồn rầu mà khó nhọc lắm họ mới dám nói trước con mắt thông minh của chú:
- Để con khỏi bệnh…
Nhưng tất cả bị bác lại. Khi họ nói thời tiết xấu thì mặt trời chiếu nắng ấm, long lanh vào sân nhỏ; mặt trời chiếu nắng mùa xuân tràn trề, mạnh mẽ mà mọi sự sống đều được nhận. Chỉ có Ne-me-tréc là không nhận lại sự sống đó. Cơn sốt đã ngấm khắp người chú bé. Chú vùng vẫy điên dại, mặt đỏ bừng, lỗ mũi nhỏ mịn màng của chú như nở rộng ra. Chú diễn thuyết:
- Khu đất trống, - Chú kêu lên. - là cả một vùng chủ quyền! Các cậu không biết điều đó bởi các cậu chưa bao giờ chiến đấu vì Tổ quốc cả!
Bên ngoài có tiếng gõ cửa. Người đàn bà đi ra.
- Mình ơi! - Bà nói với chồng. - Ông Trét-ne-ki đến đấy!
Ông thợ may đi ra nhà bếp. Cái ông Trét-ne-ki này là viên chức thủ đô, ông thuê ông Ne-me-tréc may quần áo. Khi trông thấy ông thợ may, ông giận dữ nói:
- Cái bộ áo màu nâu có hàng cúc kép thế nào?
Từ bên trong vẳng ra tiếng diễn thuyết buồn rầu:
- Kèn vang dậy… và khu đất trống đầy bụi… Tiến lên! Tiến lên!
- Bẩm ngài, - Ông thợ may nói. - nếu ngài muốn thì bây giờ có thể mặc thử được, bẩm quan lớn, nhưng mời ngài hãy thử ở nhà bếp này… Xin ngài nghìn lần thứ lỗi… vì con trai tôi đang ốm nặng… nó nằm trong nhà…
- Tiến lên! Tiến lên! - Một giọng trẻ con kêu khàn khàn vọng từ phía nhà trong. - Theo tao! Tổng tấn công! Chúng mày thấy quân áo đỏ ở kia không? Đi trước là A-trơ Phe-ri cầm giáo bịt bạc… Chúng ném tao vào nước bây giờ!
Ngài Trét-ne-ki chú ý:
- Gì thế?
- Thằng bé tội nghiệp nó kêu!
- Nếu nó ốm thì nó kêu làm gì?
Ông thợ may nhún vai:
- Nó cũng chẳng ốm, bẩm ngài… Nó giãy giụa trong hơi thở cuối cùng… Thằng bé khốn khổ nó lên cơn mê sảng…
Rồi ông đưa bộ vét màu nâu có hai hàng cúc từ trong phòng ra. Bộ áo đã được may thử bằng những sợi chỉ trăng trắng. Khi ông mở cửa ra, tiếng nói vọng sang:
- Trong chiến hào trật tự! Chú ý! Bây giờ chúng nó đến… Chúng nó cũng ở đây rồi! Kèn đâu, thổi đi mày! - Chú bắc tay lên miệng làm kèn: - Tò, tò, tò… te, te, te… tí, te…! - Rồi chú kêu Bô-co: - Mày cũng thổi đi!
Bô-co buộc phải bắt tay làm kèn. Bây giờ cả hai đều thổi: một giọng khe khẽ, mệt mỏi, khản đặc, yếu ớt; giọng kia khỏe khoắn nhưng buồn rầu vang vang. Những giọt nước mắt làm cổ họng Bô-co nghẹn cả lại, nhưng cậu vẫn cố nén chịu và giả vờ tỏ ra vui sướng.
- Đáng tiếc, - Ông Trét-ne-ki vừa nói vừa cởi ống tay áo ra. - nhưng tôi rất cần bộ áo màu nâu!
- Tò, te… tí, te…! - tiếng vẳng từ phòng trong sang.
Ông thợ may đỡ áo vét-tông cho khách hàng. Rồi ông bắt đầu khe khẽ nói:
- Xin mời ngài đứng yên!
- Cắt dưới nách này!
- Bẩm ngài, vâng! (- Tò, tò… te, tí, te…!)
- Ở đây cái cúc này cao quá, sau phải thấp xuống, vì tôi thích khi nó nằm gọn trong lồng ngực!
- Bẩm quan lớn, vâng!
- Tổng tấn công, tiến lên!
- Và hình như cái ống tay hơi ngắn!
- Tôi không nghĩ như thế!
- Nhưng phải nhìn kỹ lại. Cái áo vét-tông nào ống tay cũng ngắn quá. Đây là thói quen xấu của ông!
“Đây lẽ nào là thói quen xấu của tôi ư?” - Ông thợ may nghĩ và đánh dấu ống tay áo vét-tông. Bên phòng trong tiếng ồn ào mỗi lúc một to hơn.
- Ha ha! - Giọng trẻ con kêu lên. - Sao mày ở đây à? Bây giờ mày đứng trước mặt tao đây! Thế là tao đã bắt được mày, thằng chủ tướng đáng kinh sợ! Nào bây giờ, nào bây giờ! Xem ai khỏe hơn?
- Cho bông vào nhé! - Ông Trét-ne-ki nói. - Ở vai một ít, ở ngực trái - phải một ít.
- Phụp! Tao vật mày xuống đất!
Ông Trét-ne-ki ném chiếc áo màu nâu xuống, ông thợ may đã đỡ lấy chiếc áo mặc cho hắn.
- Khi nào thì xong?
- Ngày kia!
- Được! Nhưng phải làm đi, đừng có để lại một tuần nữa mới lấy được. Có việc gì khác bây giờ không?
- Chỉ có thằng cháu nó đang ốm, bẩm quan lớn…
Ông Trét-ne-ki lắc vai:
- Đây là chuyện buồn, rất đáng tiếc, nhưng tôi nói là tôi rất cần áo, phải làm nhanh. Ông làm ngay lập tức đi!
- Vậy để sau này…
- Thôi chào! - Ông Trét-ne-ki nói, rồi vui vẻ bỏ đi. Hắn còn kêu trở lại một lần nữa khi ra đến cửa: - Nhưng phải ngồi làm ngay đi!
Ông thợ may cầm chiếc áo vét-tông màu nâu duyên dáng mà nghĩ đến lời bác sĩ nói. Cần phải lo đến chuyện thường phải lo lúc này. Vậy là ông ngồi làm ngay. Ai biết được số tiền công may chiếc áo vét-tông kia sau này ông nhận sẽ dùng để làm gì? Hình như vài phô-rinh sẽ chuyển đến tay ông thợ mộc để làm cỗ quan tài nhỏ. Còn ông Trét-ne-ki sẽ hãnh diện đi oai vệ trong bộ áo mới ở đại lộ dành cho việc dạo mát trên bờ sông Đu-na.
Ông trở lại phòng và lập tức ngồi may luôn. Bây giờ ông cũng chẳng nhìn đến giường, chỉ vội vã cầm kim chỉ để nhanh chóng làm xong công việc, bởi vì công việc rất gấp theo mọi cách. Ông Trét-ne-ki cũng cần mà hình như ông thợ mộc cũng cần. Bây giờ viên đại úy tí hon không chịu được nữa rồi. Chú lấy sức đứng lê trên giường. Chiếc áo ngủ của chú dài đến tận mắt cá chân. Đầu chú đội mũ cát-két nghiêng trông rất oách. Chú chào. Đoạn chú thở khò khè, chú nói, cái nhìn của chú mơ màng đâu đâu ấy:
- Báo cáo ngài tướng quân, tôi đã vật ngã tướng quân áo đỏ xuống đất, xin thăng cấp! Bây giờ chúng mày phải coi tao như một viên đại úy thật! Tao đã chiến đấu vì Tổ quốc, và tao sẽ chết vì Tổ quốc! Tò, te! Tí te! Thổi đi, Côn-nay!
Một tay chú vịn vào đầu giường:
- Ném bom đi, các pháo đài! Ha ha! Ông I-o-nô kia kìa! Chú ý, ông I-o-nô ơi! Lão cũng là đại úy, lão I-o-nô ạ! Và chúng nó chẳng ghi tên lão bằng chữ thường đâu. Ớ ờ! Chúng mày là những đứa xấu bụng! Chúng mày ghen ghét với tao vì Bô-co mến tao, vì tao là bạn nó, chứ không phải chúng mày - cả Hội mát-tít là một sự ngốc nghếch! Tao ra! Tao ra khỏi hội! - Chú khe khẽ nói thêm: - Xin ghi vào biên bản!
Ông thợ may đứng bên chiếc bàn thấp nhỏ bây giờ cũng chẳng thấy, chẳng nghe được gì hết. Ngón tay xương xẩu của ông lượn nhanh trên vải áo vét-tông, đường kim sáng loáng trên chiếc đê khâu. Ông chẳng thiết nhìn đến giường dù ông có được cả thế giới này đi chăng nữa. Ông sợ rằng nếu mình nhìn đến đó thì chẳng làm gì được nữa, và ông sẽ vứt chiếc áo màu nâu mịn màng của ngài Trét-ne-ki xuống đất, ông sẽ nhoài người ra ôm lấy con trai nhỏ.
Bây giờ viên đại úy ngồi xuống giường, chú lặng lẽ nhìn cái chăn.
Bô-co khẽ hỏi:
- Cậu mệt à?
Chú không trả lời. Bô-co đắp chăn cho chú. Người mẹ sửa lại gối dưới đầu con:
- Bây giờ con nằm yên. Nghỉ đi!
Chú nhìn Bô-co nhưng có thể nhận thấy cái nhìn của chú bị đờ đẫn đi rồi. Nét mặt chú trở nên ngơ ngác. Chú nói với bạn:
- Ba ơi!
- Không, không phải! - Tướng quân nghẹn ngào nói. - Mình không phải là ba đâu… Cậu không nhận ra à? Mình là Bô-co I-a-nốt.
Sau đó người ốm nói, giọng mệt mỏi, mê dại, vô nghĩa:
- Mình… là… Bô-co… I-a-nốt…
pan17
Một phút lâu im lặng. Chú bé nhắm mắt lại và thở dài não ruột tưởng như mọi nỗi đau thương của mọi người đều trút vào tâm hồn bé bỏng của chú.
Im lặng.
- Hình như nó sẽ ngủ say! - Người đàn bà tóc hung thì thào, bà đã khó nhọc vì nhiều đêm thức trắng.
- Để yên cho nó ngủ! - Bô-co thì thầm trả lời.
Họ ngồi nghiêng trên chiếc đi-văng màu xanh lá cây đã cũ kỹ. Bây giờ ông thợ may cũng ngừng tay. Ông đặt cái áo vét-tông màu nâu xuống đầu gối và gục đầu xuống chiếc bàn thấp. Mọi người yên lặng. Một sự yên lặng buồn ngủ, một con ruồi bay qua cũng có thể nghe thấy tiếng.
Những giọng trẻ con từ ngoài sân vọng qua cửa sổ. Hình như có nhiều trẻ ở ngoài. Chúng nói chuyện với nhau khe khẽ và thình lình có một tiếng quen quen đập vào tai Bô-co. Cậu nghe thấy một cái tên mà người nào đó thì thầm gọi:
- Bo-ro-ba-sơ!
Cậu đứng dậy, nhón chân đi ra khỏi phòng. Khi cậu mở cửa kính nhà bếp, bước ra sân, cậu thấy những nét mặt quen thuộc. Một đám trai phố Pan đứng xì xào gần cửa ra vào.
- Vâng! - Ve-i-xơ thì thầm. - Đây là cả Hội mát-tít.
- Các cậu muốn gì?
- Chúng tớ mang cho nó một bằng khen danh dự, được viết bằng mực đỏ, và hội xin lỗi nó, viết tên nó toàn bằng chữ in trong sổ cái. Quyển sổ cái cũng có ở đây. Đây là toàn bộ đại biểu!
Bô-co lắc đầu:
- Vậy sao các cậu không đến sớm được?
- Sao thế?
- Vì bây giờ nó ngủ!
Các đại biểu trong đoàn nhìn nhau.
- Chúng tớ không đến sớm được vì vừa qua có một cuộc tranh cãi gay go xem ai là trưởng đoàn đại biểu. Cuộc tranh cãi kéo dài cả nửa tiếng, cho đến khi chúng tớ cử Ve-i-xơ!
Người đàn bà xuất hiện trên ngưỡng cửa.
- Cháu chưa ngủ! - Bà nói. - Bây giờ cháu nói mê sảng!
Đám trẻ đứng nghiêm. Tất cả rất hồi hộp.
- Vào đây, các cháu! - Người đàn bà nói. - Hình như thằng bé tội nghiệp sẽ hồi tỉnh lại nếu thấy các cháu!
Rồi bà mở cửa ra. Đám trẻ lần lượt bước vào, hồi hộp, trân trọng như chúng bước qua cửa nhà thờ. Sau khi người cuối cùng đã bước vào thì cửa đóng khe khẽ lại và đám trẻ đứng ở ngưỡng cửa, trầm lặng, trang nghiêm, mắt mở thao láo. Chúng nhìn ông thợ may, nhìn giường. Ông thợ may gục đầu vào cánh tay, yên lặng, cũng chẳng ngẩng nhìn lên. Ông không khóc. Ông chỉ mệt, mệt lắm. Trên giường, viên đại úy mở mắt thao láo. Chú thở nặng nhọc, hít sâu, cái miệng nhỏ mong mỏng của chú há ra. Nhưng chú chẳng nhận ra ai cả. Bây giờ chú thấy những sự việc mà mắt trần tục không thể thấy được.
Người đàn bà đẩy nhẹ đám trẻ.
- Đến đó đi các cháu!
Bọn trẻ chậm rãi đến bên giường. Nhưng chúng đi nặng nề. Đứa nọ ẩy đứa kia.
- Mày đi đi!
- Mày đi trước đi!
Bo-ro-ba-sơ nói:
- Mày là trưởng đoàn đại biểu!
Đến đây Ve-i-xơ chầm chậm bước đến bên giường. Mọi người khác ngượng ngùng đi đằng sau. Cậu bé cũng chẳng nhìn họ.
- Nói đi mày! - Bo-ro-ba-sơ thì thầm.
Ve-i-xơ bắt đầu nói, giọng run run:
- Cậu… Ne-me-tréc…
Nhưng Ne-me-tréc không nghe thấy. Chú chỉ thở hổn hển và nhìn chòng chọc lên tường.
- Ne-me-tréc! - Ve-i-xơ nhắc lại, và cậu đã khóc trong cổ họng. Bo-ro-ba-sơ nói thầm vào tai nó:
- Mày đừng gào lên!
- Tao không gào! - Ve-i-xơ trả lời và điên lên vì nó có thể nín khóc mà nói được ngần ấy. Sau đó nó gắng hết sức: - Thưa đại úy rất kính trọng! - Nó bắt đầu bài diễn văn và rút trong túi ra tờ giấy: - Khi chúng tôi đến đây… tôi như một trưởng đoàn… để thay mặt hội… vì chúng tôi đã lầm… và tất cả chúng tôi đều xin lỗi cậu… và trong tấm bằng khen danh dự này… ở đây có ghi tất cả…
Nó quay lại đằng sau. Hai giọt nước mắt long lanh trong mắt nó. Nhưng nó không thể bỏ được giọng nói trịnh trọng, không thể bỏ được niềm vui sướng lớn nhất của họ để đổi lấy bất cứ kho tàng thế giới nào.
- Thưa ngài thư ký, - nó nói thầm ra phía sau, - đưa sổ hội đây!
Le-xích nhanh nhẹn đưa ngay. Ve-i-xơ hớn hở đặt xuống cạnh giường và giở trang có đề “Ghi chép”.
- Cậu nhìn đây! - Nó nói với người ốm. - Cái đó đây!
Nhưng mắt người ốm từ từ khép lại. Họ chờ đợi. Sau đó Ve-i-xơ nói:
- Nhìn đây cậu!
Chú không trả lời. Bây giờ tất cả đều đi đến bên giường. Người đàn bà đi len giữa bọn trẻ. Bà cúi xuống con trai.
- Mình ơi! - Bà nói với chồng bằng giọng là lạ, kinh ngạc, run rẩy. - Nó không thở nữa…
Bà ôm đầu chú vào lồng ngực.
- Mình ơi! - Bây giờ bà kêu to hơn, không để ý đến cái gì cả. - Nó không thở nữa!
Bọn trẻ lùi về đằng sau. Chúng đứng trong một góc căn phòng nhỏ, sát bên nhau. Quyển sổ hội rơi từ giường xuống, vẫn mở ngỏ chỗ Ve-i-xơ lật trang.
Người đàn bà bây giờ đã thút thít khóc.
- Mình ơi! Tay nó lạnh quá!
Và trong cái yên lặng nghẹn ngào, tiếp theo những lời đó, có thể nghe thấy ông thợ may cho đến bây giờ vẫn ngồi câm lặng, không nhúc nhích trên ghế đẩu, đầu ngả xuống cánh tay, bỗng nhiên khóc nức nở. Ông khóc khe khẽ vừa đủ nghe như những người lớn tuổi, trưởng thành vẫn thường khóc. Vai ông giần giật vì khóc. Và đến bây giờ, thật tội nghiệp, ông vẫn chú ý đến cái áo vét-tông màu nâu xinh đẹp của ngài Trét-ne-ki. Ông trượt đầu khỏi đầu gối để cho những giọt nước mắt khỏi rơi vào.
Người đàn bà ôm lấy đứa con đã chết của mình mà hôn, sau đó bà quỳ trước giường con, gục mặt vào gối, bà cũng bắt đầu khóc nức nở. Còn Ne-me-tréc Ét-nuê, thư ký Hội mát-tít, đại úy khu đất trống phố Pan, nằm ngửa trên giường. Đôi mắt trắng bệch, nhợt nhạt nhắm nghiền, và bây giờ chú hoàn toàn chẳng trông thấy gì, chẳng nghe thấy gì về những việc xảy ra quanh chú vì các vị thiên thần đã đến đó để thăm viên đại úy Ne-me-tréc và họ mang chú đi…
- Chúng ta đến muộn quá! - Bo-ro-ba-sơ thì thầm.
Bô-co đứng giữa phòng, đầu cúi xuống. Trước đó vài phút, khi ngồi cạnh giường, cậu cố nín khóc. Và bây giờ cậu cảm thấy ngạc nhiên rằng mắt cậu ráo hoảnh, cậu không khóc được. Sau đó cậu nhìn quanh. Một sự trống rỗng không thể đo được trong tâm hồn cậu. Cậu thấy bọn con trai đang nép người ở góc phòng. Đứng trước là Ve-i-xơ, tay cầm bằng khen danh dự mà Ne-me-tréc không thể nào trông thấy nữa.
Cậu đi đến bên họ.
- Các cậu về nhà đi!
Và những người tội nghiệp này gần như vui sướng vì được đi khỏi nơi này, khỏi căn phòng bé nhỏ, lạ lùng, nơi mà người bạn nhỏ của chúng đang nằm tắt thở trên giường. Chúng nối đuôi nhau sờ sợ đi từ phòng đến nhà bếp, từ nhà bếp ra ngoài sân ngập nắng, Le-xích ở lại sau cùng. Nó cố ý ở lại cuối. Khi tất cả đã ở ngoài, nó nhón chân đi đến bên giường và khẽ nhặt quyển sổ hội từ dưới đất lên. Nó nhìn xuống giường, nhìn viên đại úy tí hon đang lặng lẽ.
Sau đó Le-xích cũng đi theo những đứa kia ra sân ngập nắng. Những chú chim đậu trên cây xơ xác trong sân, những chú chim sẻ non, vui vẻ hót líu lo. Chúng đứng trong sân ngắm bầy chim nhỏ. Chúng không hiểu toàn bộ sự việc. Chúng biết rằng người bạn nhỏ của chúng đã qua đời nhưng chúng không biết cái ý nghĩa của nó. Chúng ngạc nhiên nhìn nhau, giống như những người đang ngắm nhìn một sự việc nào đó thật khó hiểu, thật xa lạ mà lần đầu tiên trong đời bây giờ chúng mới nhìn thấy.
Lúc chiều xuống Bô-co rảo bước trên đường phố. Cậu phải học vì ngày mai là một ngày nặng nề. Bài tiếng La-tinh dài và đã từ lâu cậu chưa bị hỏi bài. Chắc chắn là ông giáo Rát sẽ gọi cậu. Nhưng cậu không muốn học tí nào. Cậu ném phịch cuốn sách và cuốn từ điển ở nhà rồi bỏ đi.
Cậu thơ thẩn không mục đích trên các đường phố. Cậu muốn tránh gặp phố Pan và vùng quen thuộc gần đó, lòng quặn đau khi nghĩ đến việc phải từ biệt khu đất trống trong ngày buồn bã hôm nay.
Nhưng dù cậu đi theo phía nào cũng vậy, mọi nơi đều có một cái gì gợi cậu nghĩ đến Ne-me-tréc.
Đường Uyn-luê…
Ở đây hai người cùng với Trô-nóc-cô-sơ đã lê chân tới lần đầu tiên khi họ vào Vườn cỏ để do thám.
Đường phố Quê-dơ-te-léc…
Cậu nhớ ra nó, một lần vào buổi trưa, sau khi tan học, bọn cậu đứng ở giữa phố nhỏ này và Ne-me-tréc diễn tả lại rất nghiêm chỉnh việc bọn Pát-xtô trong ngày trước đó đã cướp đi những viên bi của chú ở khu vườn Viện bảo tàng. Trô-nóc-cô-sơ và Ne-me-tréc đi đến nhà máy thuốc lá và khịt khịt bột thuốc lá từ song sắt cửa sổ hầm, rồi chúng ho sặc sụa.
Vùng ven Viện bảo tàng…
Cậu quay trở lại, đi khỏi nơi đó. Cậu cảm thấy càng tránh khu đất trống thì cái cảm giác đau đớn lại càng hút cậu về phía đó mạnh hơn. Sau đó, bất thần cậu quyết định đi ra khu đất trống, không đi vòng, mà đi thẳng, dũng cảm; lúc đó có một cái gì nhẹ nhàng bay vào tâm hồn cậu. Cậu chạy vội để đến đó càng nhanh hơn. Cậu cảm thấy càng ở gần vùng chủ quyền của bọn cậu, sự bình thản càng lớn, càng tràn ngập trong lòng. Đến phố Ma-ri-a, cậu cảm thấy sự bình thản này rõ rệt hơn, và cậu bắt đầu chạy đến đó sớm hơn. Khi cậu đến góc khu đất trống, chiều mỗi lúc càng tối sầm lại. Cậu trông thấy cái bờ rào rất đỗi quen thuộc, tim cậu đập thình thình. Cậu phải dừng lại. Bây giờ cậu chẳng việc gì mà vội, cậu đã ở đây rồi. Cậu lần đi với những bước chân chầm chậm về phía khu đất trống mà cánh cửa nhỏ đang để ngỏ. Trước cổng, lão I-o-nô đang ngậm tẩu thuốc lá, lưng dựa vào bờ rào gỗ. Khi trông thấy Bô-co, lão vừa cười nhăn nhở vừa vẫy tay về phía cậu:
- Ta đã đánh bại chúng nó!
Bô-co mỉm cười buồn rầu trả lời. Nhưng lão I-o-nô đã hăng hái nói:
- Chúng ta đã đánh bại!... Ta ném chúng ra… Ta đuổi chúng ra…
- Vâng! - Tướng quân khe khẽ nói.
Sau đó cậu đứng trước mặt lão I-o-nô, lẳng lặng một lúc rồi nói:
- Lão I-o-nô có biết chuyện gì xảy ra không?
- Chuyện gì?
- Ne-me-tréc qua đời rồi!
Lão Tốt nhìn nhớn nhác. Lão rút tẩu ra khỏi miệng.
- Thằng Ne-me-tréc nào đó? - Lão hỏi.
- Thằng bé tóc hung ấy mà!
- Ôi! - Lão Tốt nói và đặt tẩu trở lại miệng. - Tội nghiệp!
Bô-co bước qua cửa đi vào. Khu đất thành phố rộng trống rỗng là nhân chứng của biết bao nhiêu giờ phút vui vẻ, bây giờ nằm lặng lẽ trước mặt cậu. Cậu đi chầm chậm trên bãi đến chỗ bờ chiến hào. Trên chiến hào còn hằn lại vết tích chiến tranh. Trên mặt cát đầy những dấu chân. Những đống đất bờ hào lõm xuống khi các cậu trai leo lên khỏi hố để xung trận.
Những đống gỗ đứng bên nhau, tối sầm, đen kịt. Trên nóc những đống gỗ là những pháo đài mà tường đổ đầy những đạn đại bác bằng cát của chúng.
Tướng quân ngồi xuống bờ rào, tì cằm lên lòng bàn tay. Bây giờ trên khu đất trống im lặng. Buổi tối chiếc ống khói sắt nhỏ lại nguội đi, nó chờ đến sáng khi những bàn tay chăm chỉ lại đốt nóng dưới lò. Chiếc máy cưa cũng nghỉ, ngôi nhà nhỏ ngủ giữa những cành nho dại đang ra búp. Xa xa, giống như trong giấc mộng, tiếng ồn ào của thành phố vẳng đến. Xe cộ đi lại rì rầm, người ta reo hò đây đó và từ trong các cửa sổ đằng sau nào đó của một ngôi nhà bên cạnh, hình như là nhà bếp, là nơi có ngọn đèn đang sáng, vọng lại tiếng hát vui vui. Một người hầu gái nào đó đang ngân nga.
Bô-co đứng lên đi vòng về phía nhà lều. Cậu dừng lại chỗ Ne-me-tréc đẩy ngã A-trơ Phê-ri, giống như xưa kia Đa-vít đánh ngã Gô-li-át (Trích trong Kinh thánh: Đa-vít là vua thứ 2 của Ít-xra-en đã dùng mưu đánh bại Gô-li-át là người khổng lồ của dân Pa-le-xtin). Cậu cúi xuống đất tìm những dấu chân quý giá đã biến đi trong cát, tựa hồ như người bạn nhỏ của cậu đã đi khỏi thế gian này. Mảnh đất chỗ này bị đào bới, nhưng cậu không nhìn thấy những dấu chân trong đó, mặc dù cậu có thể nhận ra dấu chân bé nhỏ của Ne-me-tréc, bởi nó nhỏ lắm đến nỗi bọn áo đỏ cũng ngắm nghía khi chúng trông thấy nó nhỏ hơn cả chân của Ven-đao-ít. Rồi trong cái ngày đáng nhớ đó…
Cậu vừa thở dài vừa đi tiếp. Cậu đến bên pháo đài số 3, nơi chú bé tóc hung lần đầu tiên trông thấy A-trơ Phe-ri khi hắn nhìn chú và kêu lên: “Đừng sợ, Ne-me-tréc!”.
Tướng quân mệt nhoài. Cái ngày hôm nay đã giày vò thân thể và tâm hồn cậu. Cậu đi loạng choạng như người say rượu. Khó khăn lắm cậu mới trèo lên được pháo đài số 2 và nằm vật trong đó. Ở đây ít nhất cũng không có ai trông thấy cậu, không ai làm phiền cậu để cậu có thể trầm tư trong những kỷ niệm thân yêu và hình như cậu phải khóc thật to nếu cậu khóc được.
Cơn gió đưa những âm thanh lại phía cậu. Cậu nhìn từ pháo đài xuống dưới, thấy hai bóng người đen đen nho nhỏ trước cửa nhà lều. Trong bóng tối, cậu không nhận ra họ, cậu chú ý xem họ có phải thuộc phe của cậu không, xem cậu có nhận ra được tiếng nói của họ không.
Hai chàng trai khe khẽ nói chuyện với nhau.
- Này, Bo-ro-ba-sơ, một người nói. - Bây giờ chúng ta đang ở chỗ này, chỗ mà Ne-me-tréc tội nghiệp đã cứu lãnh thổ của chúng ta!
Họ yên lặng. Sau đó có tiếng vẳng lại:
- Bo-ro-ba-sơ này, chúng ta hãy làm lành ở đây đi, ngay bây giờ, nhưng mãi mãi và thật sự. Chúng ta cứ giận nhau mãi thì chẳng có ý nghĩa gì cả!
- Được! - Bo-ro-ba-sơ cảm động nói. - Tao làm lành với mày. Mà cũng vì thế mà chúng ta đến đây.
Lại im lặng. Họ đứng lặng lẽ, đối diện nhau. Cả hai cùng chờ cho bên kia làm lành trước. Cuối cùng Côn-nay lên tiếng:
- Vậy xin chào bạn!
Bo-ro-ba-sơ cảm động đáp lời:
- Vậy xin chào bạn!
Họ đứng hồi lâu như vậy, tay nắm tay. Họ không nói với nhau một lời, chỉ ôm chặt lấy nhau. Chuyện này cũng xảy ra. Cái điều lạ lùng này cũng đến. Từ trên pháo đài Bô-co nhìn xuống hai bạn nhưng không lên tiếng. Cậu muốn ở lại một mình và cậu nghĩ là không nên quấy rầy chúng làm gì.
Sau đó hai bóng người nhỏ ấy đi về phía đường phố Pan, vừa đi vừa nói chuyện khe khẽ. Bo-ro-ba-sơ nói:
- Bài tiếng La-tinh ngày mai dài quá!
- Ừ! - Côn-nay nói.
- Đối với mày dễ thôi, - Bo-ro-ba-sơ thở dài, - vì hôm qua mày đọc bài rồi. Nhưng tao thì từ lâu chưa được gọi, vài ngày nữa sẽ đến lượt tao!
Côn-nay nói:
- Chú ý nhé, trong chương hai không cần đọc từ dòng thứ mười đến dòng thứ hai mươi ba. Mày đã đánh dấu vào sách chưa?
- Chưa!
- Vậy mày không học phần bỏ đi chứ? Bây giờ tao đến nhà mày đánh dấu vào sách mày.
- Tốt quá!
Thế là các cậu này đã nghĩ đến bài học. Họ chóng quên lắm. Ne-me-tréc đã qua đời, nhưng ông giáo Rát vẫn còn sống và cái chính là chúng vẫn còn sống.
Chúng đi thong thả rồi biến vào đêm tối. Bây giờ chỉ còn lại một mình Bô-co, nhưng cậu không chịu ngồi yên ở pháo đài. Đêm đã khuya. Tiếng chuông thánh thót bay đi từ phía nhà thờ thị xã I-ô-giép.
Cậu rời khỏi pháo đài và dừng lại trước cửa nhà lều. Cậu thấy lão I-o-nô đi từ cổng nhỏ phố Pan về phía nhà lều. Con chó Héc-tô chạy bên cạnh vẫy vẫy đuôi ngửi ngửi. Cậu chờ họ.
- Thế nào? - Lão Tốt nói. - Ông nhỏ không về nhà à?
- Có, tôi đi đây! - Bô-co trả lời.
Lão Tốt lại ngặt nghẽo:
- Ở nhà có bữa cơm tối nóng sốt!
- Có bữa cơm tối nóng sốt! - Bô-co nhắc lại như một cái máy và nghĩ đến cảnh ở đường phố Ra-cốt, trong nhà ông thợ may nghèo, hai người nho nhỏ bây giờ cũng đang ngồi ăn tối trong bếp: ông thợ may và vợ ông. Và trong phòng ngọn nến cháy bập bùng. Ở đó có chiếc áo vét-tông màu nâu xinh xắn có đơm hai hàng cúc.
Tình cờ cậu ngó vào nhà lều. Cậu trông thấy những dụng cụ lạ lùng dựa vào tường gỗ: những tấm sắt tây tròn, đỏ, trắng, hình tròn giống như cái đĩa mà những người gác đường sắt gắn ở bên cột chắn khu tàu tốc hành chạy xình xịch trước đoạn gác. Cậu thấy trên đỉnh cái tạo vật ba chân này có cái ống màu vàng thau và những cây sào sơn trắng.
- Cái gì đây? - Cậu hỏi.
Lão I-o-nô nhìn vào.
- Cái này à? Cái này của ông kỹ sư!
- Của ông kỹ sư nào?
- Của ông kỹ sư kiến trúc.
Tim Bô-co đập thình thịch sợ hãi.
- Kỹ sư kiến trúc à? Ông ấy muốn làm gì ở đây?
Lão I-o-nô rít hơi tẩu.
- Họ sẽ xây dựng!
- Ở đây ấy à?
- Ừ. Thứ hai này thợ đến, họ sẽ đào khu đất trống họ làm hầm… làm chân móng…
- Cái gì ạ? - Bô-co kêu lên. - Họ dựng nhà ở đây ư?
- Dựng nhà! - Lão Tốt nói một cách thờ ơ. - Ngôi nhà ba tầng… Khu đất trống của ai thì người đó cho dựng nhà.
Lão đi vào lều.
Thế giới quay cuồng trong đầu óc của Bô-co. Bây giờ những giọt nước mắt đã ứa ra. Cậu đi vội, sau đó chạy như bay ra cổng. Cậu trốn khỏi nơi này, trốn khỏi mảnh đất đơn bạc này, mảnh đất mà bọn cậu đã chịu đựng như thế, chiến đấu anh dũng như thế để bảo vệ nó, bây giờ nó bội bạc ruồng bỏ bọn cậu để cho người khác đặt lên lưng nó một trại lính cho thuê, mãi mãi.
Đến cổng, cậu còn ngoảnh lại nhìn một lần nữa, như người ruồng bỏ Tổ quốc của mình vĩnh viễn. Trong cái đau đớn vô tận này, nỗi đau đã làm lòng cậu se lại khi nghĩ đến nó. Chỉ có một tí ti thôi, một niềm an ủi rất nhỏ bé hòa lẫn trong đó. Nếu Ne-me-tréc không sống nổi đến giờ phút tiếp đoàn đại biểu Hội mát-tít đến xin lỗi thì ít nhất chú cũng không thể sống nổi khi chú biết họ lấy Tổ quốc của chú, cái mảnh đất mà vì nó chú đã hy sinh.
Ngày hôm sau cả lớp ngồi câm lặng, rất trật tự, rất trang nghiêm. Ông giáo Rát nhấc những bước chân nặng nề, lặng lẽ lên bục giảng để mặc niệm chú Ne-me-tréc. Giọng nhỏ nhẹ, ông ra lệnh cho cả lớp ba giờ chiều mai ai cũng mặc quần áo đen hoặc ít ra thì quần áo màu tối tập trung ở phố Ra-cốt. Bô-co I-a-nốt nghiêm nét mặt nhìn xuống ghế. Giờ này trong tâm hồn thơ ngây của đứa trẻ hửng lên một chút phỏng đoán về cuộc đời. Cuộc đời thực ra là cái mà tất cả chúng ta đều phụng sự, đấu tranh cho nó khi buồn rầu, khi thì vui vẻ.
Nguyên bản tiếng Hung “A Pál Utcai Fiúk” của Molnár Ferenc.
Nhà xuất bản Mora Könyvkiadó.
Bu-đa-pét 1972
Những Cậu Con Trai Phố Pan Những Cậu Con Trai Phố Pan - Molnár Ferenc Những Cậu Con Trai Phố Pan