"We will be more successful in all our endeavors if we can let go of the habit of running all the time, and take little pauses to relax and re-center ourselves. And we'll also have a lot more joy in living.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Antoine Audouard
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1141 / 11
Cập nhật: 2017-08-09 10:29:08 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 2: Hà Nội, Phố Nhà Thờ - Chương 1
rời không lạnh, nhưng Hà Nội chìm trong làn sương mù dày đặc lẫn với mưa: người nghệ sĩ lớn về màu xám, hẳn là một người gốc Bắc, bắt tay vào tác phẩm và ông phủ lên cả thành phố, sông, hồ, kéo thấp bầu trời xuống khung cảnh đường đi, những ngôi nhà và những mảnh đất bỏ không. Tôi hé mở cửa kính taxi giá cước mười đô la và mặc cho bầu không khí ẩm thấp, ấm áp ấy thấm vào mình. Tôi đi cùng một thanh niên người Việt, cậu ta chuyện trò với tôi bằng tiếng Anh về việc nhập khẩu các máy công cụ và những cơ hội kinh doanh tốt ở xứ này. Tôi không muốn làm cậu mất hứng với những ám ảnh về quá khứ của mình - và tôi là ai mà lại đi ngăn cậu trở thành một người châu Á hiện đại, chuyển kênh sang MTV và Star Sports, cá cược cho Giải bóng đá ngoại hạng Anh và kiếm tiền ở một trong những thiên đường mới của Chủ nghĩa tư bản-cộng sản?
Kể từ khi chuyện trò với cụ già bán sách, đôi lúc tôi nhận thấy dường như mình gần gũi với bố, hay đúng hơn là cảm thấy ông sống trong tôi. Không chỉ còn là cảm giác dung dưỡng một con quái vật, phải chịu đựng những cảm xúc không phải của tôi vốn bị sự nổi loạn dữ dội mà vô ích trong tôi chống lại; tôi có con mắt thần bên trong cho phép tôi, trong những điều kiện thuận lợi, soi kỹ càng vô số những câu chuyện sục sôi trong lòng, làm chúng sinh động, chiếu chúng như những hình nhân rối bóng - nếu tôi được phép ví von như vậy - lên các bức vách trong hang động lòng tôi.
Những hồi ức, những cơn sóng lan tỏa khắp người tôi không rõ nguyên cớ và, dĩ nhiên, ngay cả bí ẩn về sự hiện diện của bố tôi cũng không còn thuộc về sự hỗn độn hoàn toàn nơi duy chỉ có bản năng sinh tồn dẫn đường cho tôi; chúng tạo thành một logic mà tôi không có chìa khóa để hiểu được nhưng việc theo sát diễn biến của nó có những lúc lại khiến ta thấy khá yên lòng.
Từ thành phố Hồ Chí Minh tôi đã đặt phòng nghỉ hai đêm tại khách sạn Métropole - cái tên nổi tiếng duy nhất, nỗi luyến nhớ thời kỳ thuộc địa, mà tôi biết. Tại quầy lễ tân, một chiếc phong bì đang đợi tôi.
Tôi vào phòng và bật máy thu hình lên. Kênh CNN đang phát diễn văn của Dominique de Villepin(1) tại Liên Hợp Quốc. Tôi theo dõi từ xa các công việc chuẩn bị cho cuộc chiến tại Irắc với một cảm giác quen thuộc. Tôi không lắng nghe mà quan sát con người đó, khuôn mặt, đôi bàn tay, chiêm ngưỡng uy lực của ông. Có cái gì đó trong ông thật cao quý và gây xúc động, đánh thức một niềm tin huyền thoại vào sự vĩ đại của nước Pháp. Nhưng đồng thời đó là sự dàn dựng đáng nhạo báng một tham vọng của một thời đại khác. Đất nước của tôi sẽ không gây chiến nữa, không phải cuộc chiến ấy, không một cuộc chiến nào nữa. “Châu Âu già cỗi”, như thằng đểu ngạo nghễ khác từng nói - nhưng hắn không nhầm. Dốc cạn máu, không lúc nào được yên với những linh hồn lang thang của lịch sử nước mình, chúng tôi chỉ còn biết giễu nhại quá khứ. Chúng tôi chỉ có thể dằn từng từ như lên đồng, cho đến khi chúng mang một ý nghĩa nào đó như có phép thần. “Tại sao ngươi chết? Tại sao ngươi giết người?” tôi hét vào màn hình, không phải với vị bộ trưởng mà với chính mình - và câu trả lời duy nhất mà tôi tìm thấy đó là con trai tôi, đứa con trai mà tôi đã đánh mất và có thể sẽ không bao giờ gặp lại.
Tôi rời phòng bước ra ngoài vườn, đến ngồi trên chiếc ghế bành mây. Vào giờ này buổi sáng, các doanh nhân đang giao dịch, khách du lịch đi tham quan, còn mình tôi với người làm vườn đang ngồi xổm nhổ cỏ dại. Chiếc phong bì bằng giấy xi măng đựng một tập giấy ngả vàng viết mực xanh đã phai và một bức thư ngắn với dòng chữ đẹp nét thanh nét đậm ghi dấu việc học tập dưới thời chế độ Cộng hòa thứ III.
Ông thân mến,
Cách đây mấy ngày, lần đầu tiên, tôi đã nghĩ rằng chồng tôi sắp chết. Tôi hỏi bác sĩ khi nào thì chuyện đó xảy ra. Đó là một người tử tế, ông ấy không muốn trả lời tôi: ông ấy nói có thể là một vài ngày, một vài tuần hay một vài tháng. “Nhưng có thời hạn, phải không?”, tôi thốt lên. Ông ngắm nhìn tôi với một nụ cười rất hiền, gần như khiến tôi phát bực. “Luôn luôn có một thời hạn, thưa bà. Bà còn muốn hỏi gì nữa không? - Rõ ràng là chỉ có những câu hỏi mà ông không thể trả lời được.”
Tôi giận điên người nhưng có gì đó đã diễn ra. Tôi đã vượt qua cái ranh giới tối tăm đó: trước đây tôi biết rằng chồng tôi bị ốm, tôi chăm sóc ông ấy, tôi mang thuốc đến cho ông ấy, tôi bón cho ông ấy ăn, tôi thay quần áo cho ông ấy, tóm lại tôi làm những công việc cần thiết, đôi khi có chút cứng rắn bởi vì với một người ốm thì chẳng đùa được. Bây giờ thì tôi biết rằng chuyện đó sắp kết thúc, có thể là ngày mai, có thể muộn hơn, nhưng chẳng bao lâu nữa thôi.
Thời gian gần đây ông ấy nói nhiều về ông. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa hai người - và tại một nghĩa trang! - chính là khoảnh khắc cuối cùng ông ấy chia sẻ kỷ niệm về một chặng đường mà ông ấy đã muốn giữ kín, những điều cơ bản, kể cả đối với người thân. Ông ấy căm ghét những ai muốn “khiến ông ấy nói ra điều đó”: nhà báo, nhà xuất bản, tất cả bọn họ đều mưu toan chiếm được thiện cảm của ông ấy, ép ông ấy hé mở một giai đoạn đen tối nào đó của chế độ Cộng hòa. Ông ấy có thú vui tinh quái là để cho họ phô bày những cách mua chuộc đôi khi rất tế nhị của họ, để cho họ biết rằng sau tất cả, khi thời gian đã trôi qua, ông ấy không còn thù ghét một bài báo, thậm chí... một cuốn hồi ký nào... Và khi họ nài xin thì ông làm họ cứng họng bằng một câu trả lời. Buổi tối ông ấy vừa cười vừa nói với tôi: “Những tên đần đó đã trải qua cái gì đâu, họ thậm chí không ngờ được rằng chẳng bao lâu nữa những chuyện đó sẽ chẳng còn quan trọng.”
Từ thời còn rất trẻ ông ấy đã giữ thói quen giấu kín mọi điều, kể cả sau khi đã hết thời hạn tra cứu tài liệu lưu trữ: thói quen đó trở thành lớp da thứ hai, và phải đến khi ông lao vào tiếp cận, nhắc tới nỗi buồn sâu đậm về cái chết của bố ông, thì thói quen đó rốt cuộc mới mất đi: ông ấy thực sự chân thành khi bảo ông đến thăm chúng tôi.
Chồng tôi không phải là một người trầm uất; trong suốt cuộc đời mình, ông ấy đã hoàn thành nhiều công việc (kể cả một số việc mà ta có thể phán xét là đáng chê trách) vì thú vui giải trí. Chính cuộc đời là trò tiêu khiển của ông ấy.
Thời kỳ của những việc cấp bách đang cận kề, một thời kỳ mà các hành động của chúng ta hoàn toàn là do máy móc. Tôi đã hứa giữ ông ấy lại nhà dù có chuyện gì xảy ra, không giao ông vào tay các bác sĩ, ngoài con người tử tế đó (vì không nhìn thấy người đó nên ông ấy nói rằng con người tử tế này là “người có giọng nói ngọt như mía lùi”), người đã kê đơn lầ̀n gầ̀n đây nhất (không muộn hơn sáng nay) rằng: “Hãy để ông ấy được yên”. Ông ấy không muốn người ta cắm ống vào người với lý do để giúp ông ấy sống. Nếu ông ấy nói: “Hãy ôm hôn anh đi”, thì tôi ôm hôn ông ấy. Nếu ông ấy bảo: “Cút ngay”, thì tôi bỏ đi. Tôi thấy khó khăn hơn khi phải chấp nhận rằng đôi khi, bây giờ thì thường xuyên hơn, ông ấy không chịu ăn - nhưng tôi đã khá hơn.
Khi sắp xếp giấy tờ của ông ấy (tôi đã nói với ông ấy rằng chúng tôi đã bước vào thời kỳ của những việc cấp bách), tôi tìm thấy những tờ giấy cũ này và tôi bắt đầu đọc cho ông ấy nghe. Chuyện đó làm ông ấy mỉm cười. “Ồ, cái đó”, ông ấy chỉ nói có vậy sau khi nghe vài dòng, rồi ông ấy yêu cầu tôi không đọc nữa. Không hề ngần ngại ông ấy nói với tôi rằng những giấy tờ đó thuộc về ông, rằng chúng là điều tốt nhất mà ông ấy có thể đóng góp cho cuộc tìm kiếm của ông. “Hãy nói với chàng trai trẻ đó rằng đây là những gì tôi di tặ̣ng cho cậu ấy - rằng cậu ấy giữ quyền sở hữu chúng ngay từ ngày hôm nay, không cần phải chờ cho đến khi tôi chết và tro xương tôi được rải xong.” Vậy các giấy tờ đó đây - chúng là của ông.
Tôi đi ra vườn và làm những gì tôi vẫn thường làm. Đôi khi tôi hình dung rằng ông ấy không còn ở đây nữa và tôi tự ép mình tiếp tục chính những động tác đó, dọn lá rụng, tỉa cây, nhưng khó khăn biết bao. Tôi vẫn làm.
Chúng tôi không rời Paris nữa. Ông không cần phải đến thăm chúng tôi nhưng nếu ông đến, ông sẽ được chào đón nồng nhiệt.
Suzanne Costes.
Tôi không phí thời gian tự vấn làm thế nào bà ấy biết tôi ở Việt Nam, làm thế nào bà ấy tìm được tôi ở khách sạn Métropole. Tôi cầm nhật ký của Costes và bắt đầu đọc ngay không chậm trễ.
12 tháng Tám 1945
Chúng tôi đến bằng trực thăng Dakota của sĩ quan Patti.
Một cách chính thức, thực hiện nhiệm vụ nhân đạo cho người Pháp ở Hà Nội. Tên sĩ quan Mỹ không phải kẻ ngốc và hắn hối tiếc vì đã nhượng bộ chúng tôi. Có lẽ chúng tôi lại lên tàu đến Côn Minh nếu hắn có thể và - sẵn lòng hơn - đến Vladivostok với duy nhất chiếc vé lượt đi và lời tiến cử với bác Joseph, người cha yêu quý của các dân tộc, là giữ chúng tôi lại vĩnh viễn. Hắn không thích chúng tôi. Chúng tôi chẳng ưa hắn. Đó có phải chuyện cá nhân không? Hoàn toàn không. Hoàn cảnh éo le khiến tôi vui; còn hắn lại không phải dạng thích đùa. Một gã nghiêm túc luôn làm mọi việc một cách nghiêm túc. Việc tôi nói tiếng Anh chuẩn với giọng Oxford khiến hắn khó chịu. Hắn đã hạ mình đến mức hỏi tôi, với giọng có chút hồi hộp: “Nhưng ông đã học nói tiếng Anh ở đâu vậy?” Tôi trả lời với ngữ điệu hay nhất của mình: “Ở nước Anh, thưa ông.” Đó là một người Mỹ tư duy theo kiểu một người Mỹ hiện đại: đối với hắn, là người Pháp thật đáng hổ thẹn. Hắn sắp không phải thất vọng rồi.
Chúng tôi không hạ cánh ở Bạch Mai, sân bay ở đó ngổn ngang xe Jeep và khung máy bay. Quân Nhật ư? Sainteny dập tắt niềm lạc quan trẻ tuổi của chúng tôi khi nói rằng theo những gì anh hiểu thì những tên ấy dường như chưa biết tin về vụ đầu hàng. Như thường lệ, chúng tôi giả ngây giả ngô với Missoffe, thế là anh ta mời chúng tôi hai điếu thuốc để buộc chúng tôi im lặng nghe anh ta nói trong vòng năm phút. Patti coi như chúng tôi không tồn tại. Hắn chộp lấy cơ hội để ra lệnh cho tay phi công quay trở lại, nhưng Sainteny, thật hoàn hảo, nói với hắn rằng nếu không thể hạ cánh thì chúng tôi sẽ nhảy dù. Điều đó làm tên sĩ quan dịu lại.
Trời sáng sủa hơn bên Trung Hoa chút ít: những cơn mưa như trút đã có phần ngớt khi chúng tôi bắt đầu bay trên bầu trời Bắc Kỳ.
Chúng tôi bay trên sông Hồng đến tận Gia Lâm. Mặc dù Sainteny có vẻ ngoài bình tĩnh nhưng tôi cảm thấy sự căng thẳng trong anh. Một gã chơi bài poker chẳng có gì trong tay, chẳng giấu được quân át chủ nào trong ống tay áo và gã phải đặt một khoản tiền lớn... Kể từ khi người Mỹ xâm nhập vào đoàn tình báo M.5(2) của chúng tôi tại Côn Minh để gào thét: The war is over! Kết thúc rồi ư, chiến tranh? thì anh biết rằng đối với anh, chiến tranh mới bắt đầu. Tôi nhớ như in cái đêm hôm ấy...
Anh tập hợp chúng tôi lại và hé lộ nhiệm vụ: tái lập nước Pháp tại Đông Dương. Trung úy Missoffe, đồng đội thân tín của tôi, bắt đầu cười như nắc nẻ. “Chỉ thế thôi à!” anh ta nói, và Sainteny: “Chỉ thế thôi, Missoffe. Hơn nữa tôi xin cam đoan rằng khả năng của chúng ta là vô hạn: chúng ta chẳng có gì hết. Quyền lực của tôi không hề có giới hạn: tôi làm gì có quyền lực. Các cậu hài lòng chưa?” Tệ nhất là điều đó khiến chúng tôi thích, dĩ nhiên anh chàng biết như vậy.
Chúng tôi phải dùng vô số tiểu xảo tai quái chỉ để có được một chiếc máy bay. Trước đó, Sainteny đã tiếp xúc với những người theo chủ nghĩa dân tộc, họ khẳng định với anh rằng chúng tôi sẽ không được chào đón với hoa hồng. Cách đây ba ngày, một cuộc biểu tình của những viên chức thân Nhật biến thành cuộc chiếm ngục Bastille... Anh nói với chúng tôi rằng người Nhật chống lại chúng tôi, người Mỹ cũng vậy, và rằng người Tàu rồi đây cũng chẳng thân thiện hơn. Chúng tôi bước ra trước nhà và đi dạo giữa những hàng cây hoàng dương được xén tỉa cẩn thận nhưng cơn mưa dữ dội buộc chúng tôi chẳng mấy chốc phải rút vào trong. “Chưa có gì chính thức, anh nhắc lại, chúng ta phải tồn tại, bằng khả năng nội tại.” Đúng, chúng tôi thấy chuyện đó hơi buồn cười.
Tay phi công: cái gã thanh niên xanh xao đó đã tiết lộ chỉ thị gã nhận được với chúng tôi: bay một vòng phía trên Hà Nội, vừa bay vừa chao cánh để gây ấn tượng với dân chúng rồi trở về. Sainteny nói với Patti: “Nếu ông không muốn tới đó cũng chẳng sao, chính chúng tôi sẽ là những người đại diện cho phương Tây.” Tay phi công bắt đầu run, tin chắc rằng chúng tôi sắp bị bắn tan xác. Một tay Mẽo trẻ tuổi nguyền rủa người Pháp đã kéo họ vào tình cảnh trớ trêu này. Tôi và Missoffe bảo họ đừng cầu nguyện nữa, làm như vậy chỉ tổ đem lại điềm gở.
Chúng tôi nhảy xuống trước tiên cùng với Missoffe và hai lính dù Mỹ. Viên sĩ quan tốt bụng dù sao cũng sẽ không bỏ chúng tôi một mình: ai mà biết được, với những khả năng “vô hạn” của mình, biết đâu chúng tôi có thể tái chiếm Hà Nội.
Ngay khi chúng tôi chạm đất, một đám đông người ào tới chúng tôi: đó là những tù nhân người Ấn bị giam giữ ngay cạnh sân bay. Những tiếng hét vui sướng, tiếng reo hoan hô, sự kết thân thể hiện bằng mọi ngôn ngữ; rồi vô cùng trật tự, họ rút về trại. Tình huống siêu thực: chính những người chiến thắng trong cuộc chiến bị những kẻ chiến bại bắt làm tù binh, cả hai bên đều đợi chỉ thị chính thức để lật ngược tình thế.
Chiếc máy bay Dakota 908 đến lượt mình đã hạ cánh, Sainteny trong bộ trang phục màu trắng làm nổi bật vẻ thanh lịch tự nhiên của anh, Patti xanh như một tàu lá và khá rầu rĩ. Tôi nghe lỏm được một vài từ trong cuộc nói chuyện của hai người: “thuần túy nhân đạo”, đó là từ thần diệu mà S. nhắc lại với nụ cười ngây thơ.
Sau người Ấn, đoàn đón tiếp người Nhật đến, rõ ràng là ít thân thiện hơn: một chiếc xe Jeep, hai xe bọc thép có những tay xạ thủ chĩa súng về phía chúng tôi. Missoffe nắm lấy khẩu FM của anh ta, và với vẻ đùa cợt, nói với chúng tôi: “Đằng nào cũng chết, thì thà giết quách đi vài thằng...” Lúc ấy là lúc mọi chuyện có thể đảo lộn. Viên sĩ quan sủa tiếng Anh với chúng tôi. Sainteny bình thản đương đầu. Tôi là người phiên dịch sang tiếng Anh: “Chúng tôi làm nhiệm vụ y tế với mục đích thuần túy nhân đạo. Có 20 000 người Pháp tại Hà Nội và khu vực lân cận, nên chúng tôi phải đảm bảo điều kiện vệ sinh y tế cho họ.” Tên người Nhật: “Ai trong số các ông là bác sĩ?” Missoffe và tôi đồng thanh trả lời: “Tôi!” rồi chúng tôi nhìn nhau, hơi bối rối. Tên người Nhật đột ngột chuyển sang nói tiếng Pháp và quay về phía Sainteny mà hắn hiểu đó là người chỉ huy. “Có phải các ông giễu tôi không?” Sainteny: “Thế tôi có vẻ giễu ông à?”
Khi đi qua sông Hồng trên chiếc cầu Paul-Doumer(3) cũ kỹ mà chúng tôi từng sợ là nó đã bị phá hủy, Sainteny mỉm cười khi nghe thấy âm thanh ghê người của những rui mè bằng gỗ bị những chiếc xe Jeep và xe bọc thép làm rung bần bật. “Ta đang trở về nhà”, anh rỉ tai tôi. Anh chỉ cho tôi bãi bồi Phúc Xá phía dưới cầu: xóm nhỏ với những mái nhà tranh đã bị cuốn theo mỗi đợt lũ của dòng sông thật xứng với cái tên của nó: nước sông màu đỏ gạch. Sainteny: “Nước rút là họ dựng lại ngay ấy mà.” Phải biết rằng đê đã bị vỡ khắp vùng châu thổ này: cả mùa màng đã mất trắng, chưa kể đến lệnh trưng thu tàn bạo của bọn Nhật.
Xác chết trên đường phố, xe ba gác, trẻ con đi lượm thi thể. Quân Nhật lướt qua giữa những cái đó.
Chúng tôi nghỉ đêm đầu tiên tại khách sạn Métropole với đám người Mỹ. Sau đó quân Nhật nói với chúng tôi rằng chúng tôi không thể trú lại đó, vì lý do an ninh. Chúng tôi muốn đi đâu ư? Sainteny không chậm trễ trước sự dối trá thô thiển (vấn đề an ninh của chúng tôi ư? Chúng giễu cợt chắc!) và anh chộp lấy cơ hội: “Đến Phủ Toàn quyền.” Do dự, bàn cãi dài dòng. Rốt cuộc người ta đưa chúng tôi đến đó. Khi đi qua hàng rào sắt, Sainteny nháy mắt với chúng tôi. Với gã chơi bài poker dối trá, chúng tôi thắng ván đầu tiên mà thậm chí không cần đến đôi 7. Ai mà phát hiện được rằng chúng tôi lòe bịp?
25 tháng Tám.
Nhà tù xa hoa thì vẫn là nhà tù. Tầng nào cũng có lính gác và họ canh gác chặt chẽ quá mức theo kiểu Nhật, thậm chí đi trong khuôn viên chúng tôi cũng phải theo đúng sơ đồ đã vẽ, không được phép đi chệch. Missoffe gọi đó là “sân vận động Olympic”. Anh ta chạy chân đất, vào những giờ trái khoáy nhất. Khi tôi hỏi sao lại chạy như vậy thì anh ta trả lời: “Để khiến chúng bực mình.”
Chúng tôi đã thử lén gửi điện báo nhưng vô hiệu (sáng kiến đem theo một thiết bị nhẹ của tôi thật hay: đó là đường liên lạc duy nhất của chúng tôi với bên ngoài). Chúng tôi lúc thì phục tùng lúc lại khiêu khích chúng. Sự tự tin của chúng tôi (bản tính ngạo nghễ nổi tiếng của người Pháp) chỉ có thể so với sự yếu đuối nực cười của chúng tôi.
Thành phố - như những gì chúng tôi nhìn thấy trong những lần ra ngoài có canh gác - ngập tràn cờ đỏ sao vàng, một không khí vô cùng náo nhiệt. Không một khuôn mặt phương Tây nào. Chúng tôi đi ngang qua nơi trước đây là Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, được sử dụng làm trụ sở của Chính phủ lâm thời, đối diện với khách sạn Métropole. Các tín đồ Cơ Đốc giáo đúng là đã xây dựng nhà thờ trên phế tích của các giáo đường La Mã, Aztèque hay Inca - quyền lực của tín điều là phổ cập và có thể được truyền lại. Phủ Thống sứ được những nông dân trẻ tuổi vận quần áo chàm canh gác, với đống vũ khí hỗn tạp như ở hội carnaval gồm giáo, xiên, kiếm Nhật và súng mutke Pháp, thứ mà người Pháp không còn dùng tới từ năm 1914. Mặc dù vậy, người ta vẫn cảm thấy rằng không thể đùa được, ánh mắt họ sáng rực tinh thần lịch sử về nhiệm vụ trang nghiêm của mình. (Hoặc chỉ đơn giản là họ đang sợ hãi.)
Sau nhiều lần mưu toan thoát khỏi vòng canh gác, hôm qua chính tôi là người đầu tiên trốn thành công, lợi dụng lúc anh chàng Missoffe hay bông lơn đánh lạc hướng.
Trên các đường phố, không một bóng người Pháp. Một đám đông nhìn chòng chọc vào mặt tôi chẳng chút hữu hảo, nhưng cũng không hề khiêu khích. Nhiều người không phải là dân phố. Không một lá cờ Pháp trên các công sở. Lúc trước, Sainteny có rỉ tai bảo tôi cố gắng “tiếp xúc”. Chẳng phức tạp chút nào, tôi đến trình diện trước hàng rào nhà khách chính phủ mới. Sau khi qua hết vòng gác này tới vòng gác khác, tôi được dẫn đến một phòng khách nhỏ, người ta mời tôi uống trà và bảo tôi chờ ở đó. Bên cạnh tôi có một bức tranh bị tháo xuống, đặt úp vào tường. Đó là chân dung của Albert Sarraut, cựu Toàn quyền Đông Dương, và là bố vợ của Sainteny. Tôi toan hỏi xem liệu tôi có thể mang bức tranh về để trả lại cho một thành viên trong gia đình ông ấy hay không, nhưng tôi không dám chắc người ta có thể hiểu được kiểu hài hước đó. Các chiến sĩ Bắc Kỳ trẻ tuổi có vẻ hơi ngơ ngác giữa các bức tường không được xây cho họ, mà chống lại họ.
Và rồi tôi đã gặp họ! Trước sự kinh ngạc của tôi, toàn bộ giới lãnh đạo cách mạng ấy đều nói tiếng Pháp trôi chảy, họ trích dẫn những tác giả mà tôi chưa được đọc nhiều lắm: Anatole France, Romain Rolland hay Henri Barbusse. Dường như họ đang trong một cuộc họp hội đồng thường trực các bộ trưởng, suốt trong thời gian đó họ cứ ra ra vào vào liên tục và để được mời vào đó thì cũng dễ dàng thôi. Ngồi giữa họ - những con người rất trẻ - nổi bật gương mặt khác thường của người mà ai cũng nói đến, ở đây cũng như ở nước ngoài: đó chính là Hồ Chí Minh, người mà ngay khi đó đã trở thành huyền thoại.
Nếu không biết các tình tiết về cuộc đời của ông (tôi đã lấy được bản báo cáo của Sở Mật thám về tiểu sử đáng kinh ngạc của ông), ta sẽ tưởng rằng đó là một nhân vật bước ra từ một tác phẩm tranh khắc minh họa cuộc sống của một viên quan tỉnh xoàng xĩnh. Đúng là trang phục của ông đơn giản có chủ ý: áo ka ki, quần soóc màu xanh dương, đôi dép cao su màu trắng. Những người khác đóng bộ com lê, đeo cà vạt và đội mũ, nhưng ông có trang phục riêng, không ai bắt chước được.
Ông gầy đến kinh ngạc: trong mấy năm qua, ông vừa nói với tôi vừa cười, ông ở trong tù hay trong rừng rậm nhiều hơn là ở những nơi như thế này. Ông đã sáng tác một số bài thơ do chính tay ông nắn nót bằng chữ Hán. “Trước đây tôi có nhiều thời gian hơn cho riêng mình, vậy đấy”, ông nói với tôi kèm một tiếng thở dài. Điều mà tôi cũng được biết (không phải từ ông), đó là vẻ xanh xao của ông không phải là do thể tạng: ông được cáng đến đây cách đây hai ngày. Có tin đồn ông đã chết.
Ông thật dễ gần, một cách tuyệt vời. Dễ gần, không hẳn là từ đó, mà là như mặt trời. Giữa cảnh lộn xộn tới lui, giữa những cuộc tranh luận rõ là chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác không theo trật tự ưu tiên nào, mỗi khi ai phát biểu hay đề nghị thì ông luôn là trung tâm cho mọi người hướng tới. Trong thời gian tôi có mặt ở đó, ông dành mười phút tách ra nói chuyện riêng với tôi và dành cho tôi vị trí như một người bạn mới gặp lại. Ông có cách hướng ánh mắt đặc biệt thần tình vào người đối thoại. Chỉ có ngài, ngài là người quan trọng nhất thế giới, ngài là một “người Pháp mới”, không phải một tên thực dân, ngài là một trong những người cùng tướng De Gaulle - người kháng chiến đầu tiên của nước Pháp, giải phóng đất nước mình.
Nếu như không ở trong địa điểm và hoàn cảnh hết sức đặc biệt này thì có lẽ cách thể hiện đầy tình cảm ấy (vì ông khá mau nước mắt) có gì đó buồn cười. Ở đây, tôi thừa nhận rằng tôi để mình bị cuốn theo. Hơn nữa, tôi lại còn được nghe giảng miễn phí về lịch sử và chính trị Việt Nam. Ông đã kịch liệt phản đối quân Nhật mà theo ông việc họ chiếm đóng chỉ mang đến nạn đói và khốn khổ cho dân tộc ông. “Thế còn bây giờ, thưa ngài Chủ tịch?” Ông nói với tiếng thở dài: “Ngài cũng như tôi, chúng ta đã biết quyết định của hội nghị Potsdam(4) chia cắt đất nước chúng tôi trong khi chúng tôi chẳng có đại diện nào ở đó.” (Tôi lịch sự không nhắc ông rằng cả nước Pháp cũng không được mời tới dự hội nghị đó.) “Vậy là giờ chúng tôi chờ người Tàu đến ‘giải phóng’ chúng tôi. Ngài sẽ không quên được sự trớ trêu này: đất nước chúng tôi đã phải chịu mười thế kỷ phương Bắc đô hộ, thưa Ngài Costes, và như vậy là quá dài. Nhưng các khải hoàn môn của chúng tôi lâu đời hơn của các ngài và chúng tôi đã giành được độc lập, bằng đúng cái cách mà chúng tôi đã dùng để đuổi mọi kẻ xâm lược ra khỏi bờ cõi... Với sự kiên trì và mưu lược...” Tất cả những điều đó được nói ra với nụ cười cuốn hút nhất. Và còn thêm cả xúc giác: ông nhẹ nhàng đặt bàn tay lên cánh tay để bổ trợ lời nói; có những lúc ông ở sát gần và xúc động đến nỗi ta có cảm giác rằng ông sắp ôm lấy mình. Tôi nói về Sainteny. “Tôi muốn gặp ông ấy. Tôi tin chắc rằng những người trung thực như chúng ta sẽ hiểu nhau. Các ngài có thành thực không? Các ngài có đến với những mục đích trung thực không?” Suýt nữa thì tôi đỏ mặt. Tôi mạnh mẽ cam đoan về sự trong sáng trong các mục đích của chúng tôi. Ông bắt tay tôi, vòng tay ôm tôi.
Khi tôi ra về người ta mang rượu sâm banh ấm đến và phải uống vì tình hữu nghị bất diệt giữa nước Việt Nam tự do và nước Pháp tự do. “Vì tình hữu nghị bất diệt”... Tôi nhớ đến dư vị trong chuyến đi Liên Xô. Vietchnaia droujba. Bất tử với một viên đạn trong cổ, chuyện xảy ra cách đó cũng không lâu.
Bộ trưởng Bộ Canh nông hai mươi lăm tuổi, trích dẫn tác phẩm của Victor Hugo. Một người nhỏ bé khác, trán dô, mặc bộ vest trắng, đeo cà vạt kẻ và đội mũ quả dưa, kể tôi nghe rằng người Pháp đã bỏ tù vợ ông, hành hình chị gái của vợ ông và chồng bà, nhưng ông không oán giận, cuộc chiến của họ không chống lại những “người Pháp mới”, mà chống lại “những tên thực dân Pháp trước đây”. Tôi bắt đầu ngờ rằng câu chuyện về “những người Pháp mới” không chỉ là do ngẫu hứng. Hết mực lịch sự, tôi hỏi: “Thưa Ngài Bộ trưởng, vợ ngài đã ra tù chưa? - Cô ấy chết rồi.” Tôi xin lỗi cứ như thể chính tôi là người đã hành hình cô ấy.
Khi ra về, vẫn chính người đàn ông ấy tiễn tôi. Các chiến sĩ trẻ chào ông với vẻ tôn kính đặc biệt. Đứng trước hàng rào, khi chia tay nhau, ông chỉ cho tôi tòa nhà Ngân hàng Đông Dương trước mặt. “Đây là nơi nhuốm máu người Pháp, ông nói với tôi. Ngày 9 tháng Ba, người Pháp ẩn nấp trong đó chống cự quân Nhật suốt đêm. Đến rạng sáng, họ phải đầu hàng và quân Nhật đã dùng kiếm đâm chết họ, lần lượt từng người một. Xác của họ nằm đó cả ngày trên vỉa hè, bọc trong vải bạt. Đúng vậy, đó là một nơi đầy máu, một nơi khủng khiếp.” Tuy nhiên, vẻ mặt ông bình thản và vẫn với vẻ mặt như khi nói với tôi rằng vợ ông đã chết. “Ngài có mặt ở đó không? - Không, nhưng đó là những chuyện mà ai cũng biết. Đừng biến thành phố này, mảnh đất này thành nơi đổ máu các ngài, thưa ngài.” Thế rồi, ông để tôi lại một mình. Ông tên là Giáp.
Khi trở về, tôi suýt phải chịu phạt; nếu như chỉ có lính gác ngục để ý đến chuyện đó thì có lẽ sẽ là hình phạt về thể xác. Thế rồi tôi được chuyển đến chỗ viên trợ lý của sĩ quan Ogochi, một người trẻ tuổi có ánh mắt hiền dịu, người phải cố hét tướng lên mỗi khi có thuộc hạ xung quanh, nhưng dường như anh ta chán ngấy toàn bộ việc này. Anh ta biết rằng tất cả đang kết thúc, tôi cảm thấy anh ta lo lắng vì những chuyện tầm phào và tôi hiểu: liệu anh ta có còn một mái ấm không? Những người thân của anh ta ra sao? Cuộc đời dành cho anh ta cái gì? Anh ta nói với tôi pha chút hóm hỉnh: “Thậm chí tôi cũng chẳng yêu cầu ông phải giữ lời hứa danh dự không bỏ trốn mà ông từng hứa với tôi nữa.” Anh ta không có vẻ tức giận tôi nhưng cũng chẳng vui vẻ gì. “Trong thời gian chúng tôi ở đây, thưa ngài chỉ huy, liệu ngài có thể miễn quản thúc đối với chúng tôi được không? - Không thể được. Họ ở đó để bảo vệ các ông, theo lệnh của sĩ quan Ogochi.” Vì tôi đã khiến cuộc sống của anh ta đủ khó khăn như vậy nên tôi không cố nài nữa, tôi cảm ơn và bắt tay anh ta.
Tôi kể cho Sainteny cuộc gặp gỡ với Việt Minh. Vừa hút điếu thuốc lá Anh, Sainteny vừa hết sức tập trung lắng nghe tôi nói.
“Anh nghĩ sao? Rốt cuộc anh hỏi tôi. Có cách nào vượt qua được không?” Tôi không thể không nghĩ đến câu hỏi của Hồ Chí Minh: “Mục đích của các ông có trung thực không?” Không cần nhồi vào đầu anh những điều anh đã biết. “Có cách để vượt qua. Nhưng để đi đâu thì tôi chưa biết.” Anh nhả khói thuốc với nụ cười mơ hồ, có thể là sầu não, có thể là tinh quái. “Nói thật với anh, tôi cũng chẳng biết nữa.”
3 tháng Chín.
Những ngày này có cái gì đó thật khủng khiếp khi từ đây chỉ có thể liên lạc được với người Pháp qua những kẽ hở mà bọn Nhật để cho chúng tôi, giữa các hàng rào sắt, hứng nhận những tiếng nức nở, vài lời chửi rủa hiếm hoi, và nhất là những câu hỏi mà chúng tôi không có khả năng trả lời: khi nào địa ngục này sẽ kết thúc? khi nào chúng tôi sẽ được tự do? liệu chúng tôi có thể đưa những người đã khuất trở về và vinh danh họ? khi nào các ông sẽ quyết định làm điều gì đó?
Trong lúc nói chuyện với sĩ quan Patti, Sainteny nhìn thấy ba cô gái quấn cờ tam tài. Cái thằng đểu ấy lưu ý anh rằng chẳng dễ mà để cờ ở chỗ nào khác ngoài trên người các cô gái Pháp, nhất là lại toàn cô xinh đẹp nữa.
Có cuộc biểu tình lớn trên quảng trường Puginier(5). Sĩ quan Ogochi đồng ý cấp cho chúng tôi một thẻ ra vào, “chúng tôi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.” Cảnh tượng hùng tráng, tôi phải thừa nhận, khiến tôi nhớ đến ngày giải phóng Paris: cờ, cờ hiệu, hoa, đám đông hiền lành có cả bài hùng ca riêng. Ngay từ rạng sáng, những người nông dân đã đến, mặc quần nái đen và đội nón, gõ guốc mộc trên những nhịp cầu Paul-Doumer. Khắp thành phố tràn ngập khẩu hiệu bằng tiếng An Nam, tiếng Tàu, tiếng Anh và ít hơn, bằng tiếng Pháp. Những tấm băng rôn đó được treo ngang khắp các đường lớn của khu phố trắng, như đại lộ Rollandes(6), phố Carrau(7). “Freedom or death”(8) (tôi không để mình bị lóa mắt bởi cái giao kèo họ đã lập trong các câu chuyện của chúng tôi và với các tác giả của chúng tôi), “Vietnam to the Vietnamese”(9) và dĩ nhiên rồi, hai từ độc lập ngập tràn khắp nơi. Sự kiện này chẳng có gì là “tự phát” hết: nó là hệ quả của một quá trình tổ chức rất tỉ mỉ. Không nên tin vào vẻ bề ngoài lộn xộn, dễ gần của chính phủ lâm thời: có một ý chí hành động, có những mục đích được chỉ đạo kiên quyết.
Trong đám đông có các nhà sư mặc áo chùng màu vàng nghệ, linh mục mặc áo dòng, sinh viên đóng bộ com lê và thắt cà vạt, tóc ngắn và đeo kính, quân nhân trang bị dao rựa, một vài tên Nhật nhớn nhác, tất cả hòa trong tiếng chiêng trống. Khắp nơi rực rỡ cờ đỏ sao vàng.
Cùng đi với chúng tôi có cậu người lai xưng tên Gilbert, cả bố lẫn mẹ cậu đều bị sát hại ngày 9 tháng Ba, bố cậu là lính Pháp bị quân Nhật giết chết, còn mẹ cậu bị “những tên khủng bố” không rõ mặt sát hại. Cậu ta dịch cho chúng tôi nghe những đoạn diễn văn phát ra từng đợt từ khán đài, nơi tôi nhìn thấy rất nhiều người tôi từng gặp tại trụ sở chính phủ tuần trước thay nhau phát biểu.
Cảm giác kỳ cục. Họ không còn là những người hiền lành, “những người bạn của nước Pháp mới”, những người dân chủ chân thành và yêu hòa bình, ghét ý niệm về đổ máu ấy nữa, mà đó là những chiến sĩ yêu nước sẵn sàng một thắng hai chết. Chính Hồ Chí Minh đã trích dẫn Hiến pháp Mỹ nhưng tôi bắt đầu hiểu rằng chính Lê Nin mới là người chúng tôi phải đương đầu - một Lê Nin sướt mướt nếu muốn, điều đó cũng chẳng giải quyết được gì. Sainteny cũng bối rối như tôi. Missoffe đã biến mất và khi chúng tôi tìm lại được thì anh ta đang cười như một đứa trẻ tinh ranh. Để chọc tức anh ta, chúng tôi vờ như chẳng nhận thấy chuyện gì. Thế là rốt cuộc anh ta không chịu được nữa: “Các anh không hỏi xem tôi đã làm gì à? - Anh đã làm chuyện gì sao, thưa trung úy?” Anh ta hai tay chống nạnh: “Tôi đã vứt một túi phân qua tường nhà sĩ quan Patti.” Chúng tôi hết sức ngao ngán thì đúng hơn.
Tại Phủ Toàn quyền chúng tôi chẳng còn gì để ăn. Một số biện pháp phòng ngừa cho những tình huống cốt tử: điện bị cắt (chuyện đó xảy ra thường xuyên), chúng tôi ngốn ngấu những khẩu phần ngon lành mang từ máy bay Dakota xuống. Viễn cảnh ngày mai phải nhịn ăn trong khi chờ đợi tình hình căng thẳng dịu đi chẳng khiến chúng tôi sợ, thậm chí tôi còn có thể nói rằng điều đó làm chúng tôi vui thích. Sainteny định thông báo với sĩ quan Ogochi rằng, xét theo những gì ông ta phải nói với chúng tôi, ông ta không cần phải trình diện trước mặt chúng tôi nữa. Và nói là có cơ sở để nghĩ rằng chiến tranh đã kết thúc!
Chúng tôi khiến tất cả tin rằng chúng tôi đang giấu quân át chủ trong ván bài của mình. Chúng tôi gieo nhiều niềm tin đến mức rốt cuộc những ván bài ấy sẽ đầy ắp những con át chủ bài...
Một lý do gây thất vọng mà Sainteny hiếm khi chia sẻ với chúng tôi nhưng tôi biết anh phẫn nộ vì lý do ấy, đó là thậm chí ngay cả quyền ủy trị chính thức của nước Pháp để chúng tôi dựa vào cũng chẳng có. Tất cả những việc đó xảy ra hoàn toàn tùy tiện và anh van xin rằng ít nhất nước Pháp hãy thừa nhận chúng tôi, thế mà ngay cả điều đó chúng tôi cũng bị từ chối - có nghĩa là anh không được trả lời. Hình như thiếu tá Messmer cùng hai người đã nhảy dù xuống Bắc Bộ, mang theo chỉ thị của đích thân tướng De Gaulle: chẳng có tin tức gì về họ. Có những hoàn cảnh mà chỉ riêng việc trụ vững đã là một sự khổ luyện xứng tầm Thánh Ignace de Loyola. Chúng tôi chẳng còn tinh thần và đã nản lòng đến mức cất tiếng hát mấy bài thánh ca, trước vẻ ngạc nhiên hết sức của đội gác Nhật, chúng ngó đầu vào xem chúng tôi có bị điên không, và liệu có phải chúng tôi đã phù phép lôi ra được một két rượu cognac không. Nhưng không, chẳng có gì, anh bạn ạ: chỉ là nỗi thất vọng thôi.
Sáng hôm nay (ngày 3 tháng Chín), Patti đến thăm. Với vẻ hết sức ngây thơ, hắn thổ lộ với Sainteny: “Tôi chẳng hiểu nổi những người Việt Nam ấy. Tôi đã không che giấu với các ông mối thiện cảm tôi dành cho họ, cũng chẳng giấu chuyện tôi công khai hành động tại Washington vì sự nghiệp của họ, không phải là không có rủi ro chính trị cho cá nhân tôi. Ấy vậy mà ông thử tưởng tượng xem, người gác cổng biệt thự của tôi hôm qua đã tìm thấy trong vườn một túi... một túi phân...” Mặc dù không biết tiếng Pháp nhưng hắn đã nói từ cuối cùng bằng tiếng Pháp: chắc chắn đối với hắn việc này quá xấu xa. Missoffe nói với Patti: “Thật không thể tưởng tượng được! Ông có lý đấy: chắc họ không hiểu ông.”
Chúng tôi không đi theo các vạch trắng trên sân vận động Olympic nữa. Thật đáng tiếc cho việc tham gia của chúng tôi vào những cuộc chơi sắp tới, nhưng chúng tôi không luyến tiếc. Chính quân Nhật cũng bắt đầu biến mất rất nhanh chóng cùng với vũ khí và đạn dược của họ. Tôi nhận ra mình hợp với tay trợ lý của Ogochi: rốt cuộc đó là người châu Á đầu tiên tôi trò chuyện. Anh ta nói với tôi về điện ảnh Nhật và tôi thú nhận rằng mình hoàn toàn chẳng biết gì. Anh ta hướng dẫn sơ bộ (bằng lời) cho tôi về truyền thống kiếm đạo và những giá trị cổ xưa: khoảng cách chính xác, nhịp độ, sự phán đoán. Anh ta nói nếu người ta phân tích chính sách của Pháp tại Đông Dương theo quan điểm này thì thấy rằng chính sách đó quá kém, vì thế mà thất bại, chẳng cần xem đến tất cả những lý do khác. Từ vốn hiểu biết của mình, tôi buộc phải tán đồng. Tôi hỏi anh ta rằng, theo những nguyên tắc này, liệu các cuộc tàn sát diễn ra hầu như ở khắp nơi mà người Pháp là nạn nhân có gì để biện hộ không. Anh ta lưỡng lự. Rồi: “Điều mà các ông gọi là ‘lòng khoan dung’ cũng là một phần trong truyền thống của chúng tôi. - Nhưng sỉ nhục đối phương thì sao? - Điều đó không xa lạ với chúng tôi. Nhưng không phải nhân danh điều đó mà những vụ việc đáng tiếc này xảy ra. - Ông nói rằng những việc đó là đáng tiếc. Ông thực sự nghĩ như vậy sao?” Đôi mắt đen không rời khỏi mắt tôi. “Trong chiến tranh thường xảy ra những điều đáng tiếc, thưa ông. Ông cũng biết rõ điều đó như tôi. Cái mà chúng ta gọi là văn hóa, giữa nhiều thứ khác nữa, đó là hình thức riêng mà dân tộc chúng ta chấp nhận, ít nhiều có ý thức, để phó mặc mình theo bản năng giết người. Chúng ta sẽ nói về văn hóa của nước ông chứ?” Tôi mỉm cười nhượng bộ.
Tiếp đến, chúng tôi nói về người Trung Quốc. “Ông có biết biệt danh mà tướng Lư Hán(9) đặt cho người Trung Quốc không? - Không. - Những con châu chấu. Ông biết tại sao không? - Không. - Bởi vì họ đến hàng đàn và khi họ rời đi thì chẳng còn gì nữa. Ha ha!”
Sau chuyện đó chúng tôi uống một chén trong yên lặng và cái nắm tay vĩnh biệt không phải là không xúc động.
Một bé gái người Pháp mặc váy xếp ly bước vào trong khuôn viên và - đặc trưng của thời buổi loạn lạc đó - chẳng ai dám ngăn cản cô bé. Cô bé thấy tôi đang hút thuốc và cô bé tiến lại gần. “Cháu xin lỗi,” cô bé hỏi với vẻ hết mực lịch sự của đứa trẻ lên bảy, ông có phải là người Pháp không? Vì tôi nói với cô bé là phải nên cô bé nhất quyết cầm tay tôi rồi kéo về phía đại lộ Carnot(10) cho dù tôi có đôi chút kháng cự. “Mẹ bảo cháu đi tìm một ông người Pháp về để giúp đỡ mẹ con cháu.”
Tôi thấy một bà già kiệt sức (có thể bà không già đến vậy, khi là mẹ của một cô bé bảy tuổi, nhưng những thử thách trải qua đã khiến bà hao mòn) trong một ngôi nhà chẳng còn gì để ăn. Có một cây đàn dương cầm, một tổng phổ đang mở sẵn. Bà kể cho tôi nghe nỗi khiếp sợ mà họ đã trải qua, niềm đoan chắc mình sẽ chết, những tiếng hét trong đêm mà bà hiểu ý nghĩa, bởi vì bà được sinh ra ở đây: “Giết chết bọn Pháp!” Sinh ra ở đây ư? Vì vô tâm, tôi đã không nghĩ đến điều đó... Thật khốn nạn!... Hôm qua người làm bếp trung thành của họ, người cho đến lúc ấy vẫn bất chấp hiểm nguy xoay xở tìm đồ ăn cho họ, đã bỏ đi vì những lời đe dọa sát hại gia đình. Bà không trách anh ta, chẳng trách ai, chỉ vì bà sợ hãi và yếu đuối, không được bảo vệ. Bà biết chúng tôi ở đâu và đã sai đứa con gái bé nhỏ đến. “Khi tôi nghĩ rằng chúng tôi ở gần thành đến thế, bà thì thầm. - Tại sao bà không đến khách sạn Métropole? tôi hỏi. - Chúng tôi nghèo, thưa ông.” Rồi sau khi liếc nhìn dáng vẻ của tôi, có vẻ rất “người Pháp mới”: “Tôi không biết người ta đã kể gì với ông về những tay thực dân, thưa ông, nhưng không phải ai ở đây cũng để hốt bạc. Có những người... Có những người yêu đất nước này... và chỉ muốn...” Thậm chí bà không nói hết câu. Tôi không biết làm gì hay nói gì và thậm chí tôi cũng chẳng dám hỏi xem cha của cô bé ra sao, có thể đã bị giết trong vụ ngày 9 tháng Ba hay đã biến mất trong cơn bão táp sau đó - có thể ở Trung Quốc với đội quân Alessandri. Tôi nói với bà rằng tôi sẽ quay lại. “Đừng nói dối tôi, thưa ông. Nếu ông không làm gì được thì cứ nói ra, nhưng lời nói dối còn tệ hơn cả sự bỏ rơi. Chúng tôi chẳng làm điều gì ác.” Tôi hứa rằng tôi không nói dối.
Tất cả chuyện đó thật tử tế. Nhưng tôi định giữ lời hứa này như thế nào đây?
Tập giấy đầu tiên dừng ở đó. Tập giấy tiếp theo được viết vào tháng Giêng năm 1946: không thể biết ông ấy có viết gì vào giữa hai giai đoạn đó không.
Trong tủ sách nhỏ ở giữa quầy rượu, giữa cuốn sách của Danielle Steele và cuốn của Rosamund Pilcher bằng tiếng Đức, tôi tìm thấy một quyển sách màu vàng và đen còn lành lặn: Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ. Đông Dương, 1945-1947 của Jean Sainteny, nhà xuất bản Fayard. Tôi mở hú họa một trang: “Cuối cùng, tôi lại nài nỉ để tiến hành tổ chức việc sơ tán phụ nữ và trẻ em.” Liệu đó có phải là câu trả lời cho lời hứa chưa được thực hiện không? Liệu tôi có tìm thấy tên của Costes trong cuốn hồi ký này không? Hẳn là tôi sẽ phát hiện ra ông ở đâu đó trong một đoạn ghi chép, bên cạnh tên của Missoffe, bên vô lăng một chiếc xe Jeep, đang chờ chỉ huy. Tôi thử kết nối hình ảnh trong đầu mình - hình ảnh của ông già gần như mù lòa ấy - với hình ảnh của một trung úy trẻ trung đến để tái lập nước Pháp tại Đông Dương rồi dần dần khám phá ra rằng việc đó không đơn giản là như thế.
Thế còn cha tôi? Chẳng có gì... Khi đọc những dòng đầu tiên, tôi thấy nghẹt thở đau tức trong lồng ngực, tin chắc rằng ông đang ở đâu đó, góc một con phố, đang phá chiến lũy, hay bị dồn ra sau xe GMC, khẩu FM trên tay. Tôi thấy ông giữa một cơn lốc máu, quay cuồng vì chủ nghĩa anh hùng hay sự hèn nhát. Tôi hiểu rằng ảo ảnh đó thuộc về một thế giới đen trắng rõ nét: cha tôi người anh hùng, cha tôi tên đểu giả - hai mặt của tấm huy chương.
Tôi nổi giận: hẳn là tôi có thể tha thứ cho một người, ngồi đối diện với tôi, tay cầm ly rượu, vừa thổ lộ những lỗi lầm vừa tránh không nhìn vào mắt tôi, với sự hối hận trong sáng và những tiếng nức nở nghẹn ngào. Nhưng tha thứ cho một người chết ư? Tiếng máy điều hòa chạy ro ro đột nhiên khiến tôi thấy khó chịu.
Từ khách sạn đi ra, tôi không để ý đến những chiếc xe xích lô “Sans Souci”(11) xếp hàng ngay ngắn. Người ta đọc trong các cẩm nang du lịch rằng hoàn toàn có cơ may tìm được trong số những tài xế này một nhà văn thất thời hay một nhà thơ mới từ trại cải tạo về. Tôi thấy chủ yếu là những người trẻ tuổi gầy guộc mời chào mọi thứ mà chỉ cần trả tiền là được. Tôi gọi một chiếc xe ôm để đi năm trăm mét, trả một đồng đô la.
Trong khu ba mươi sáu phố phường, người ta đang náo nhiệt chuẩn bị Tết và những cành hoa tràn ngập khắp các gian hàng. Tôi lên tầng hai một nhà hàng và ăn những gì người ta mang tới. Tôi chào một thiếu phụ ngồi đối diện ăn mặc kiểu phương Tây, cái mũi hơi lệch chẳng làm bớt đi vẻ xinh đẹp đã hơi phai nhạt trên gương mặt - thậm chí còn khiến nó mang một vẻ cân xứng là lạ dễ thương. Rồi tôi để ý đến anh bạn đi cùng cô, ngồi cách tôi một mét, một trăm hai mươi ký béo hồng, một tay ních đầy pa tê lợn, một tay sờ nắn cặp đùi thiếu phụ. Hà Nội, 2003: dân tộc này đã hy sinh và giành độc lập để được thoải mái trong thế giới hiện đại. Tôi đứng dậy khi mới ăn được nửa bát phở. Tôi không thấy đói nữa.
Tôi lại bị lạc trên vỉa hè nơi mà cuộc sống lúc nào cũng náo nhiệt như vậy, nhưng cũng là nơi mà thay cho những chiếc đèn lồng, những bộ quần áo bằng vải tơ lịch lãm hay đồ trang sức, ngày nay người ta bán cả phụ tùng xe hơi, quan tài, gà sống, những giống cá ngoại lai, lốp xe.
Tôi trở lại được bờ hồ Tây vào lúc mặt trời lặn mà không phải tìm đường. Một dãy nhà yên bình và dường như không có người ở. Qua ô cửa sổ hai cánh mở rộng, một căn bếp nơi hai người phụ nữ đang vui vẻ đon đả; mời tôi ăn tối bằng vài từ tiếng Anh. “Đây là đâu nhỉ?” tôi hỏi. Họ chỉ cười. “Ai sẽ ăn cùng tôi nào?” Lại cười. Thêm một đoạn, tôi đi qua một hàng rào. Một anh lính trẻ hiện ra từ chòi gác. Anh có nụ cười trẻ thơ và vẻ buồn chán, buồn chán đến nỗi bắt chuyện bằng thứ tiếng mà anh ta chẳng nói được. Anh cười với tôi. “Đây là đâu vậy? - Government rest-house, come, come...”(12) Tôi hối tiếc về sự tò mò vô ích của mình nhưng thật khó mà cưỡng lại. Anh dừng lại trước từng ngôi nhà có gắn một biển số: “Giáp”, “Phạm Văn Đồng”, “Lê Duẩn”, “Hồ Chí Minh”... Cứ như mỗi vị lãnh đạo đều có nhà ở đây. “Họ đâu cả rồi?” Anh lính vẫn cười: “All gone. No one here.”(13) Ấy vậy mà các ngôi nhà vẫn còn đó, những sự hiện diện lơ lửng trên không và khó mà không nghĩ rằng họ quay lại vào ban đêm, để nghỉ dưỡng sức giữa cuộc đời rối ren, trước khi lại biến mất vào rạng đông cùng sương mù trên mặt hồ.
Tôi dúi một tờ tiền vào tay anh rồi chuồn ra tận chiếc ghế dài bên bờ hồ. Theo chiều gió, một cây liễu thả bộ tóc màu xám của nó xuống mặt hồ, rồi lại được những cơn gió vén lên. Màu xám của ban ngày hé chuyển sang màu xám của chiều tối. Chẳng còn gì ở đây đơn điệu nữa, giữa màu đen chì của những đám mây dày đặc và những vệt màu cam đang mờ dần phía xa xa.
Tôi đợi tia lửa cuối cùng tắt, thỉnh thoảng quay lại kiểm tra xem có thấy người quá cố nào đến cù vào cổ mình không. Khi thấy rằng ngay cả những ngọn lửa trong bếp cũng tắt rồi thì tôi bắt đầu đi dạo một mình bên bờ hồ.
Cầu Ô Thước Cầu Ô Thước - Antoine Audouard Cầu Ô Thước