Số lần đọc/download: 2795 / 65
Cập nhật: 2015-08-03 19:53:01 +0700
Chương 13
K
hí hậu Sài Gòn như sẵn sàng cho một cuộc đảo chánh, bởi vậy chánh phủ quyết định giảm mọi nghi lễ trong ngày quốc khánh, cấm chỉ mọi sự đôn quân và các tư lệnh sẽ ở nguyên vùng của mình. Hình như mọi e ngại nhắm vào cá nhân tướng Thuyết ở miền Trung với một số lực lượng xung kích sẵn sàng theo ông. Còn tướng Trị thì mất đi một dịp trình diễn cưỡi voi dẫn đầu đám lính Thượng rực rỡ với y phục cổ truyền và giáo mác tuần hành trên đường phố Sài Gòn. Giữa một không khí sôi bỏng như thế, thảm kịch Dakto nóng bỏng với ngót sáu trăm xác chết hết còn vẻ quan trọng trừ những thành phần có dính dấp liên can tới nó, trong số này phải kể tới tướng Thuyết. Ông nhà văn cố vấn tướng Thuyết vào Sài Gòn gặp tôi. Ông cho biết ông Tướng rất quan tâm tới những diễn tiến mới đây trên cao nguyên, ông tỏ vẻ căm phẫn về những khúc mắc bí ẩn đàng sau tấn thảm kịch. Ông Tướng vẫn đặt cho mình những trách nhiệm với đám người Thượng đã hứa trung thành với ông và dù phải ở xa, ông cũng muốn đích thân nghĩ và săn sóc tới đời sống của họ. Nhà văn nói:
“Ông Tướng có vẻ mến ngòi bút của anh lắm, phải chi anh có thể ra làm một tờ báo ở ngoài đó và quy tụ thêm anh em.”
Ông Trung cũng muốn tôi ra Huế gây dựng lại một tờ báo và chắc là chủ đích thì khác xa với tướng Thuyết. Nếu tôi và Như Nguyện chấp nhận ra Huế thì chắc chắn không phải vì hứa hẹn hợp tác với cả hai. Ra đó có ý nghĩa là rửa tay gác kiếm và hy vọng vẽ trở lại. Đột ngột nhà văn hỏi tôi về nhà sư Pháp Viên:
“Anh đã gặp lại ông ta chưa, nếu có thể anh sắp đặt cho tôi một cuộc gặp gỡ tay ba có lẽ tiện hơn. Chắc anh cũng biết tôi vào Sài Gòn chuyến này là với tư cách sứ giả của tướng Thuyết.”
Nhà văn cho biết tuy phong trào đấu tranh bị đè bẹp nhưng vẫn còn nhiều sức đối kháng âm ỉ trong quần chúng Phật giáo. Đó là hình ảnh một lớp tro tàn phủ trên chậu than hồng mà tướng Thuyết phải ngồi lên. Ông Tướng sẽ chẳng thể làm được gì nếu không có sự hậu thuẫn đồng tình của nhà sư. Thì ra chuyến đi của nhà văn không ngoài mục đích đem về cho ông Tướng sự ủng hộ tinh thần đó.
“Nhưng ông Tướng sẽ trả lời ra sao về hành động nặng tay với các đệ tử của nhà sư?”
Suy ngẫm một lát, nhà văn cất giọng chậm rãi đáp:
“Phải nhận là chuyến này Phật giáo đã quá đà, thế kẹt của ông Tướng là không thể chống lại đường lối của trung ương. Vả lại nếu không có sự nhân nhượng của ông Tướng phong trào tranh đấu đã không thể kéo dài đến như vậy và chắc thầy cũng thừa biết là mọi kế hoạch phản công thực sự là công trình của viên đại tá chỉ huy Tổng cục An ninh, thành phần chánh của lực lượng xung kích đó là đám Cảnh sát Dã chiến.”
Tôi hiểu rằng với một người nhiều nguyên tắc như nhà sư Pháp Viên khó mà chấp nhận thoả hiệp ngay như đó là với tướng Thuyết. Chỉ còn một hy vọng cuối cùng là sau chuyến tranh đấu thất bại, nhà sư sẽ lại mềm dẻo để thích ứng với tình thế. Ở những ngày lả đói cuối cùng, chính ông trở nên sáng suốt và thấy rõ sự kiệt quệ trong quần chúng. Họ vẫn kính trọng ông đồng thời cảm thấy mỏi mệt để tiếp tục dấn thân vào cuộc tranh đấu. Họ chỉ còn đủ sức tới để vái lậy ông như một vị thánh cùng những lời van vỉ cầu nguyện cho ông sống để đừng bỏ rơi họ. Đến nỗi có người cho ông là tàn nhẫn có thể bỏ rơi Phật tử nhưng không bao giờ xa rời mục tiêu cuộc tranh đấu. Một câu hỏi đột ngột của nhà văn khiến ý nghĩ tôi bỗng đứt quãng:
“Anh nghĩ sao mà lại ra Huế làm việc với ông Trung? Đã có nhiều bằng cớ ông Trung liên lạc với cộng sản, bằng chứng hiện nằm trong tay ông Tướng.”
Đó chẳng phải là một khám phá mới lạ. Tôi đã từng nghe điều này từ miệng ông Ủy viên Ngoại giao và cả bác sĩ Ross. Tôi vẫn tin tưởng vào mối liên hệ với ông Trung và tự nghĩ không có điều gì phải duyệt xét lại. Vả lại chuyến ra Huế của tôi có mục đích rất khác. Tôi nói:
“Nếu tôi muốn tiếp tục làm báo thì chẳng cần phải lặn lội ra mãi ngoài đó, tôi đã nhận dạy trường Mỹ Thuật và sẽ dùng số thì giờ còn lại để vẽ. Cô bạn gái của tôi ca tụng cảnh Vĩ Dạ không tiếc lời và tôi cũng muốn sống ở đó. Để tìm không khí có thể vẽ trở lại, sự tĩnh lặng đối với tôi là cần thiết.”
Nhà văn nhìn tôi bằng con mắt khác lạ, giọng hài hước:
“Vĩ Dạ trầm lặng có rồi đó nhưng sống bên sự nổi tiếng như cô ấy không chắc hoạ sĩ được yên.”
Nguyện tuy ít sống ở Huế nhưng đúng như ông nhà văn nói là cả thành phố biết tai tiếng của nàng. Lần nào cũng vậy, tôi cảm thấy khó chịu khi người nào khác nhắc tới Nguyện và nghĩ rằng dư luận khắc nghiệt đã xích tôi gần lại với nàng. Chừng như đọc được ý nghĩ đó nơi tôi, nhà văn lánh sang một chuyện khác, ông kể cho tôi nghe chuyện giải thưởng văn chương ở ngoài đó:
“Thiện chí chánh quyền đã có rồi đó nhưng lại phải xét tới tài năng của nghệ sĩ. Một triệu bạc bỏ ra không phải để phát cho mớ truyền đơn chống cộng mà chẳng có một giá trị văn chương nào. Theo tôi trước khi nói tới mục đích phải có sự chuyên chở gây được sự chú ý đó là nghệ thuật văn chương.”
“Cấp thời đòi hỏi phải có cả hai là điều quá sức của nghệ sĩ.”
Như không cảm thấy sự mỉa mai của câu nói, nhà văn vẫn giữ một giọng bày tỏ nghiêm trọng:
“Anh thấy không, bao nhiêu chất liệu để hình thành những tác phẩm lớn. Nó không phải chỉ giới hạn ở Việt Nam mà là cả một bi kịch của tương lai nhân loại. Nhiều lúc tôi hoài nghi tự hỏi phải chăng cũng như vóc dáng người mình thấp nhỏ không đủ sức để xây dựng những công trình lớn.”
“Thảm kịch Âu châu chỉ đem lại cho nhân loại những tác phẩm lớn ở các các năm sau thế chiến.”
Như tìm được một cớ giải thoát, nhà văn triển khai thêm niềm tin của mình:
“Tôi cũng hy vọng như vậy, phải cần thời gian cho mọi sự kiện lắng xuống. Nhà văn không thể sáng tác trong tình cảnh bị lôi cuốn như hiện tại.”
Lần nào cũng vậy, câu chuyện gặp gỡ với nhà văn đều mở ra những chân trời mù tăm bát ngát. Phải nhận là ở tuổi ông, giọng nói như vậy còn mang nhiều vẻ quyến rũ nhất là với lớp người trẻ. Nhà văn mời tôi đi ăn cùng với ông giáo sư nhưng vì đã có hẹn với Nguyện nên tôi phải từ chối. Tôi cũng hứa với ông nếu không trở ngại tôi sẽ thu xếp cuộc gặp gỡ nhà sư Pháp Viên trong hoàn cảnh có thể được của mình.
Rồi bỗng có tin từ ngoài Trung, tướng Thuyết đã mạnh tay với sinh viên và Phật giáo ở Huế, cùng một lúc nhà sư Pháp Viên phải chịu biện pháp bảo vệ của Sài Gòn. Tôi tới gặp nhà sư trong hoàn cảnh đó và thực hiện được cuộc phỏng vấn năm ngàn chữ mà theo ông chủ nhiệm đó là một kỳ công của một ký giả không chuyên nghiệp như tôi. Không giống những phát biểu với đám ký giả ngoại quốc, đây là lần đầu tiên một người kín tiếng như nhà sư chấp nhận một bày tỏ thái độ rõ ràng đối với cộng sản. Ông có vẻ một chiến sĩ cách mạng với những lý lẽ tất thắng trong cuộc tranh đấu của mình. Cuộc chiến đấu sẽ còn dằng dai vì ông cho rằng thiếu coup kết thúc ở Sài Gòn. Điều trông đợi vẫn không xảy ra và sự quá đà của cuộc chống đối đã dẫn tới một chiến trường hoang mang và cả một hậu phương mỏi mệt. Sài Gòn vẫn bình thản ngoài những cuộc biểu tình dắt dây của đàn bà trẻ con, được coi như một trò chơi lớn. Thêm vào đó nội bộ Phật giáo đã có những dấu hiệu tương tranh chia rẽ. Tôi chấp thuận cho Davis được ưu tiên xử dụng bài phỏng vấn. Đó là cách thế duy nhất để những dòng chữ viết ra được xuất hiện một cách nguyên vẹn không bị Thông tin kiểm duyệt và dập xoá tan nát. Davis mời tôi duyệt lại bản dịch trước khi gửi trực tiếp bằng hệ thống viễn ký về Mỹ. Đó là một ngày thứ Sáu, giờ Sài Gòn buổi chiều và bây giờ đang là buổi sáng ở thủ đô Mỹ quốc. Nếu không phải nghề báo thì còn quá sớm để trở dậy bắt tay vào bất cứ một công việc gì. Chúng tôi ngồi hút thuốc lơ đãng ngắm những bức tranh và chờ đợi chiếc máy nuốt nốt cuộn băng gồm những mẩu tin điện phải gửi về trước. Chiếc máy thẫm đen như im ngủ với chấm đèn đỏ hiu hắt. Âm thanh của dòng điện cộng hưởng nghe thoảng xa như những tiếng sóng vỗ vào một bãi biển im gió. Nơi gần cửa sổ, dưới một chụp đèn vàng ấm, người chuyên viên viễn ký đang bấm nốt những dòng chữ cuối cùng của bài phỏng vấn trên một băng giấy nhả quấn quýt xuống mặt nền. Từ một khung kính nhìn xuống, bên kia đường khách sạn Caravelle vẫn sáng trưng rực rỡ, đường Tự Do đã vắng khách ngoại quốc qua lại, có lẽ vì tình trạng bất an của Sài Gòn. Lại có chuông điện thoại reo vang, người ta cho biết tin về diễn biến của một cuộc biểu tình lớn. Tôi lại vội vã xuống đường giữa đám xe cộ dồn chạy hỗn loạn trên khắp các ngả phố. Các nhà hàng đóng kín cửa, khách bộ hành thì nhao nhác. Suốt từ bùng binh tới công trường, hàng chục xe vận tải lớn đầy nhóc lính trang bị đầy đủ vũ khí mũ sắt và áo giáp. Cạnh đó những xe cứu hoả xịt nước cay, các xe Jeep cảnh sát, cả xe sao trắng của quân cảnh Mỹ. Không khí đe doạ đàn áp ngột ngạt như những ngày tháng Tám. Đám biểu tình không quá một trăm người gồm trẻ con và đàn bà đi chân không, áo quần ướt đẫm, gạch đá và gậy gộc. Một số trang bị các túi ni lông chống hơi cay. Tất cả chẳng biết sợ là gì hăm hăm tiến tới. Tiếng kêu thét vang vang, các biểu ngữ kềnh càng đầy những kêu đòi và ép buộc. Cả một vùng tiếng động rối loạn, ở đó mọi tự do được phóng thả. Các phóng viên và đám người tò mò đông đảo bọc quanh thành một vòng đai kín. Sóng người bắt đầu bị ngăn chặn nơi một ngã tư, cũng ở đó bắt đầu một trận mưa gạch đá tấn công vào đám cảnh sát, tất cả đều bỏ chạy không một phản ứng. Đám đông lại tiến tới, chiến thắng bốc men. Những khẩu hiệu căng gió làm lung lay mấy thân thể không đủ sức đứng vững. Lại có thêm một mục tiêu trước mắt, chiếc xe Jeep sao trắng trơ trọi nằm đó. Đám trẻ nhỏ ùa xúm lại, nhiều cánh tay yếu vẫn đủ sức vật ngã khối sắt, bình xăng bị bắt lửa và bốc cháy. Ngọn lửa rát nóng bốc cao giữa những tròng mắt đỏ và tiếng la hét. Tiếng còi hú hối hả từ xa dẫn tới những chiếc xe đầy ắp lính với đủ khiên, lựu đạn cay và kềnh càng mặt nạ. Những trái cay được tung thả vào đám đông, đào rạt từng khoảng trống. Mấy phóng viên Mỹ ôm máy say ngã lảo đảo. Một đứa trẻ chui lọt qua khe chân đám cảnh sát, vồ ôm một trái khói chưa kịp ném trả đã gục xuống. Đám đông bị lùa rạt vào trong những ngõ hẻm. Vòi rồng xịt nước tung tóe trên chiếc xe vẫn bốc cháy. Trên mặt nhựa trải rộng, chỉ còn những người lính, vài phóng viên mắt xưng cay và ngổn ngang những rác rưởi gạch đá. Lại vọng từ xa tiếng còi hú, đám biểu tình đã lại lưu động tới một nơi khác. Hơn một trăm chiến sĩ nhỏ tuổi đủ tạo cảnh hỗn loạn khắp thành phố. Thêm một khuôn mặt mới của chiến tranh, quá mới với tầm hiểu biết của Davis. Trên khắp các ngả đường nơi có đám biểu tình đi qua, những đống rác lớn vẫn hừng hực bốc cháy và trên không vẫn buốt óc tiếng của những động cơ phản lực bay sát.
Trở về nhà thương với ràn rụa nước mắt, tôi gặp Davis ở đó. Anh bị một viên đá cứa rách trán, hai mắt còn húp đỏ. Davis nhờ tôi mượn điện thoại để cho tin về toà báo. Rời phòng điện thoại, Davis có vẻ mệt thực sự. Tôi chợt thấy anh không giống các nhà báo ngoại quốc khác: một đám đông đảo mà đa số còn rất trẻ, nóng nảy và hiếu động, họ sống thừa thãi sung túc trong một Sài Gòn không có bóng dáng của chiến tranh. Ở Davis thiếu hẳn cái đặc tính náo nhiệt đó, anh sống rất riêng biệt và trầm tĩnh. Bạn hữu người Mỹ bảo anh trông giống một cây trúc. Qua hai vòng cầu thang, chúng tôi bước vào một căn phòng xinh xắn. Davis buông cả sức nặng xuống nệm, quay sang hỏi tôi giọng thấm đượm buồn rầu:
“Theo anh thì người Mỹ phải làm gì nữa ở đây?”
Chưa đợi câu trả lời, Davis nói thêm giọng mệt nản:
“Người Mỹ có thể đổ máu trên cao nguyên trong đồng lầy để đánh bại cộng sản và tạo những chiến thắng nhưng họ đành bó tay chứng kiến thất bại liên tiếp trong các thành phố. Chỉ cần ít đàn bà và đám thiếu niên tay không cũng đủ làm đổ một chánh phủ, làm tê liệt mọi hoả lực và gây khốn đốn cho cả nước Mỹ.”
“Hình như anh chỉ quan tâm tới thắng bại của người Mỹ, với dân chúng ở đây vấn đề không phải vậy. Họ không muốn thấy Việt Nam là bãi chiến trường và chính lúc này họ băn khoăn tự hỏi phải làm gì cho tương lai và sự tồn tại của đất nước.”
Vẫn bằng một giọng cay đắng Davis tiếp:
“Với những người lính Mỹ phải sống trong rừng rú, tham dự các trận chiến sinh tử, đã từng bị thương tích, đã chứng kiến tận mắt các đồng đội mình ngã xuống, họ sẽ nghĩ gì khi họ đặt chân về thành phố để bị ném đá, chứng kiến những khẩu hiệu xua đuổi họ về nước.”
Câu chuyện khiến tôi mỉm cười, tôi muốn bảo với Davis tuy anh sống ở đây hàng chục năm anh cũng chẳng hiểu gì hơn về người Việt. Tôi nói:
“Có vài người Mỹ căm phẫn bảo chúng tôi là những kẻ vong ơn. Các anh chỉ biết nhìn chống Mỹ là bài Mỹ thế thôi: vấn đề không phải vậy. Đối với người trí thức Việt Nam thì cuộc chiến tranh tại đây tự trong bản thân nó mang tất cả sức nặng của một vấn đề quốc tế, một cuộc phiêu lưu thí nghiệm đầy nguy hiểm và dĩ nhiên không phải bằng hoả lực mà người ta tìm ra lối thoát. Mối bế tắc chính là cơn mê giáo điều có từ lâu giữa hai phía, đã đến lúc họ phải ý thức được rằng chiến tranh có thể đốt cháy tất cả, kể cả tương lai và mơ ước của cả một dân tộc. Bởi vậy họ phải tìm cách tỉnh dậy và thoát ra. Còn đối với đám đàn bà trẻ em kia, họ mang hình ảnh của tuyệt vọng và kiệt sức sau hai mươi năm. Họ đòi cho bằng được bất cứ cái gì ngoài thảm hoạ chiến tranh và sự chết chóc. Họ kéo nhau xuống đường tranh đấu la hét bằng tất cả năng-lực-tuyệt-vọng của họ, sức mạnh đó anh phải hiểu là thế nào. Một nhà văn lớn Việt Nam gọi họ là những mảnh bom mảnh đạn vương vãi trong chiến trận, mà đã như vậy thì không có sự vong ân và biết ơn, có phải không anh.”
Davis vẫn yên lặng, anh có vẻ thực sự quan tâm tới phức tạp của vấn đề. Tôi nói tiếp:
“Không phải tất cả người Việt đều lên án Mỹ nhưng dấu vết ngoại nhân mỗi ngày một hằn rõ trên dải đất quê hương khiến họ phải đau lòng, với họ một tên Việt cộng ngã xuống là một người Việt Nam đã chết đi. Người ta cố bảo đây là một cuộc xâm lăng nhưng bản chất chính là một cuộc nội chiến. Bởi vậy những người Việt thức tỉnh, vấn đề không phải là chọn lựa mà chính làm sao có được một ngõ thoát.”
Davis như bù đầu trước vấn đề rối rắm, anh nhún vai đi về phía cửa sổ:
“Tôi vẫn được coi là một chuyên viên về Việt Nam, thực sự đến lúc này tôi chẳng hiểu ra sao cả.”
Cả hai chúng tôi đều thực sự mỏi mệt. Vấn đề gì mở ra cũng không có một tương lai. Khi đi về phía bàn, Davis gọi tôi và có vẻ ngạc nhiên thích thú:
“Anh còn giữ lại được tấm hình này sao, chính do tay tôi chụp từ ba năm trước.”
Tôi lắc đầu bảo đây là văn phòng của một người bạn làm việc trong bệnh viện. Hắn là một Phật tử thuần thành hăng hái tham gia phong trào đấu tranh 63 nhưng sau đó hắn trở lại đời sống sinh viên thuần tuý và không mấy ưa các thầy tu bây giờ.
Đăm chiêu nhìn bức ảnh, Davis bảo lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng anh chấp nhận chứng kiến một cảnh tự vẫn có sắp đặt như vậy. Tôi bảo hình như có một nhầm lẫn nào đó nơi các nhà báo Tây phương khi gọi các vụ tự thiêu là suicide, hiểu theo triết lý Phật giáo ý nghĩa không phải thế. Davis xuống giọng bảo:
“Tôi cũng được nghe nói như vậy vào đầu năm nay khi cuốn sách của tôi vừa xuất bản tại Mỹ. Tôi cũng nhận được thư của ông Giác Nghiệp, một nhà sư trẻ Việt Nam, môn đệ xuất sắc của thầy Pháp Viên, từng theo học ở Yale. Ông tỏ ý phản đối chữ suicide trong phần tôi mô tả vụ tự thiêu của nhà sư. Theo ông, tự thiêu không phải là tự vẫn, lại càng không phải một thái độ nguyền rủa phản kháng. Tự vẫn là trốn chạy hèn nhát trong khi tự thiêu cần tới một quyết định đương đầu can đảm, hơn nữa theo quan điểm nhà Phật, đời sống không chỉ giới hạn trong sự tồn tại của nhục thể... Thú thật với anh, tôi không thể nào hiểu được và chấp nhận những lý luận vừa mới mẻ và xa lạ đến như vậy. Tôi là người Thiên chúa giáo tuy rất ít đi nhà thờ nhưng tin tưởng một cách sâu xa, với tôi tín ngưỡng là nơi những niềm tin, ở đó không hề có những giải thích của con người về ý muốn Thượng đế.”
Davis sống ở Việt Nam nhiều năm, rất được tín nhiệm về các vấn đề Á châu nhưng anh thật sự nổi tiếng vào thời kỳ tranh đấu Phật giáo, cũng giai đoạn đó đem lại cho anh giải Pulitzer về báo chí. Ánh mắt sống trong hồi tưởng, Davis tâm sự với tôi:
“Từ một tháng trước tôi đã nghe đồn kế hoạch tự thiêu của hai nhà sư tranh đấu cho năm nguyện vọng Phật giáo nhưng rồi câu chuyện cũng quên đi. Bỗng nhiên một buổi sáng tôi nhận được một coup điện thoại đặc biệt của nhà sư trẻ Giác Nghiệp, đó là cả một cơ hội vinh dự cho nhà báo và dĩ nhiên tôi nổi tiếng bằng vụ này. Những hình tôi chụp xuất hiện trên kháp báo chương thế giới và gây nhiều xúc động: cũng từ bức hình đó, báo Mỹ xúm lại chỉ trích chánh sách của tổng thống, các quốc gia Phật giáo nổi giận phản đối Hoa Kỳ, còn Trung cộng thì phổ biến khắp Á Phi và Nam Mỹ hàng triệu tấm để tuyên truyền cái mà họ gọi là vụ tự thiêu chống đế quốc Mỹ. Nhưng thú thật với anh là sau phút vinh quang đó đã để lại trên lương tâm tôi nhiều ân hận. Những vụ tự thiêu tiếp theo tôi cũng được báo trước và đều tự ý vắng mặt. Điều đó đã gây ngạc nhiên cho nhiều người nhất là với các đồng nghiệp nhưng ở trường hợp này tôi không có chọn lựa.”
Đôi mắt nâu xanh như chìm đắm. Chỉ có giọng nói của Davis và đêm im vắng:
“Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ rõ và xúc động tới rơi lệ: một nhà sư với khuôn mặt thật đạo hạnh, trông ông như một vị Phật sống, không phải ngồi trên toà sen mà là giữa ngọn lửa hồng vây kín cả thân thể. Khuôn mặt nhà sư khô co lại vì sức nóng nhưng điều kỳ lạ là ông vẫn ngồi yên bất động trong ngọn lửa đỏ, còn mọi người có mặt thì khóc xướt mướt và kêu la kinh hoàng.”
Bây giờ vào quá nửa đêm. Sự im lặng thật khác thường, vắng mọi tiếng xe, vắng cả tiếng đại bác. Ngoài phòng chuông điện thoại lại réo vang, bên đầu dây người y sĩ cảnh sát cho biết có một đám biểu tình bất chấp giờ giới nghiêm đang tiến về đài phát thanh và quân đội được lệnh phải đàn áp. Chưa biết những gì sẽ xảy ra cho đêm nay, chúng tôi thấy cần có mặt ở đó. Lại một đêm không ngủ bước sang tuần lễ thứ hai với gạch đá khói lựu đạn cay và đầm đìa nước mắt.