Số lần đọc/download: 1211 / 3
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Chương 12. -
1
2. Đêm kinh hoàng Hắc Y uy hiếp
Đôi Phi Thúy, song hiệp ra tay
Nói tới đây, chúa nói trong ống đồng, gọi Cao Hùng.
Một bức tranh sơn thủy cuối phòng bỗng biến vào tưòng đá: Đó là một cánh cửa tự động, mở rộng trong nháy mắt. Cao Hùng tiến ra vòng tay cúi chào Quang Anh:
- Xin bái chào Đặng huynh; chúng ta đã có vài lần gặp nhau nhưng bây giờ mới giáp kiến... Chúa thượng thường nói đến tôn huynh luôn.-
Quang Anh nghiêng mình:
- Kính chào tráng sĩ, xin lỗi, kính chào hiền đệ. Tôi xin lợi dụng hơn tuổi gọi tráng sĩ là hiền đệ vì chúa thượng đã cho phép.-
Vào tiệc từ khởi Tuất, chúa tôi hàn huyên, khi đến giữa Hợi, hai thị nữ mang đèn lồng phủ phục xin phép yết kiến chúa. Thì ra Đặng Phi sai người trách chúa đã quên không đến dự tiệc với Đặng Phi, tuy đã hứa đêm qua. Chúa đã quên lời hứa, vì Quang Anh đột nhiên đến nơi Chúa bảo thị nữ cứ về, mai chúa sẽ lại vì tối nay còn bận việc cơ mật. Thị nữ thứ hai chần chừ. Chúa quắc mắt, hai người vội lui ra..
Hàn huyên tiếp tục.
Khi Quang Anh xin chúa đừng truy tố bọn thí sinh cố tình phạm huý, chúa trả lời không hề muốn truy tố, mà trái lại muốn mời cả bọn vào chầu, cho tự do trình bày quan điểm để chúa hiễu rõ hơn... Lẽ dĩ nhiên không ai dám vào phủ Trịnh, cho là dê vào hang cọp..vì vậy Quang Anh và Quốc Đức nên thuyết phục họ, hãy tin là chúa không có mặt ở văn đàn, chúa không mất lời hứa với sĩ tử. Chúa nhờ chuyển lời xin lỗi đã ra đầu đề kiêu ngạo.Chúa lại thú thực đã quá coi thường An Cựa Hầu, không tin rằng hắn có bản chính danh. Chúa cũng không ngò trong bọn Quốc Đức có người phản trắc, và An Cực Hầu đã đi đến tàn bạo kinh hồn.
Còn về việc trừng phạt kẻ lạm dụng quyền hành, làm ác, chúa nhường lời cho Cao Hùng, nhấn mạnh Cao Hùng phát giác một điều bí mật vô cùng quan trọng.
Trước khi kể lại những sự kiện xảy ra từ lúc rời Ngọc Hà, trong đêm kinh hoàng, Cao Hùng xin phép góp ý về truyện ngu ngôn « Chúa tể sơn lâm » chúa vừa nhắc lại, mà chàng đã nghe qua ống đồng. Đúng là cần phải đào tạo con dân hiên ngang, hùng mạnh. Dân mạnh, nước mạnh. Khi hổ về già, nghĩa là khi nước nhà cần chống đối nguy hiểm với ngoại xâm, mới đủ nhân tài gánh vác..còn đào tạo « dân nô », ngoan ngoãn, sợ sệt, yếu hèn thì là chương trình đem quốc gia đến diệt vong... Cao Hùng lại kể, - không biết xảy ra thời nào - mấy vua chúa chém cổ học trò, vì họ đã cả gan giương mắt nhìn « thiên nhan ».
Sau đây là lời Cao Hùng kể lại:
- Khi tôi (Cao Hùng) đến Ngọc Hà thì tư thất của họ Phan đang bốc cháy ngất trời. Nhìn qua, không thể làm gì hơn, là đuổi theo An Cực Hầu và đơàn ky binh. Bọn ấy trở lại kinh đô theo hướng nam. Dọc đường, tôi nghi ngờ có chuyện khác thường. Không biết đoàn kỵ binh thuộc binh chủng nào, quân phục tuy cảnh vệ phủ chúa, nhưng không biết sao nhiều như vậy, biết rằng quân đoàn cảnh vệ dưới quyền An Cực Hầu gần một trăm, nhưng chỉ có hai kỵ binh đêm qua có những hành động tác chiến đấu. Không biết họ ở đâu đến, vì tôi biết chắc họ không thuộc quân đoàn các Quận, mà đại bộ phận đều án ngoài thành. Cùng bốn nhân viên mật đơàn, giục ngựa đuổi theo, cẩn thận coi chừng từ đấy. Chúng tôi rẽ qua Trịnh phủ, không thấy có gì thay đổi nên tiếp tục truy tầm.
Khi đến phường Đông Tác ( Hàng Bông, Cửa Nam ngày nay ), thấy đoàn ky binh ấy vẫn đang vây quanh hai người. Nhìn kỹ đó là hai chị em Hồng Ngọc, Bích Ngọc. Quả nhiên không hổ danh nữ hiệp. Đoàn ky binh giục ngựa chạy quanh hai nàng, kẻ ném đao, người bắn tên, mà hai nàng không hề nao núng. Mấy chục mũi tên còn rải rác mặt đất. Năm sáu kỵ binh nằm lăn mặt đất, vài tên, mắc bàn đạp bị ngựa kéo lê thân xác trên đường. Đó là những tên bị trúng trâm của hai nàng. Không hiểu lúc đó còn quạt phóng trâm không, nhưng cách chiến đấu của hai nàng có một không hai. Ráp lưng nhau, đôi song kiếm luôn luôn linh động che chở hai nàng; khi thay chiều đổi thế, như một người quyết định...
An Cực Hầu, dừng ngựa quan sát ngoài vòng vây. Bỗng nhiên hắn ra lệnh một tiểu đội theo hắn, phi về hồ Thủy Quân.
Vì không thể rời xa An Cực Hầu từ lúc này, nên chúng tôi bắt buộc phải kiếm cách giải vây cho Trần gia nhị Ngọc. Chờ An Cực Hầu cùng nội bọn đi khuất, chúng tôi ném năm sáu pháo lệnh, hô xung phong cứu Trần gia nhị Ngọc... quả nhiên, trúng kế nghi binh, họ giải vây, giục ngựa theo An Cực Hầu.
Về sau, gần hết giờ Mão, xong công việc chúa ủy thác, gặp lại hai nàng ở phường Bích Câu, mới biết là hai nàng giấu bố mẹ và em trai gần đấy, vẫn dùng kế dử hổ xa đàn dê, cố tình dụ bọn kia vây đánh. Bọn ấy quyết bắt hai nàng để trả thù cho Trương đội trưởng, nhưng trên chiến trường bỏ lại tám người tử thương. Tôi mật cho đem hết các thi hài, kể cả thi hài Trương đội trưởng về trụ sở mật điều tra. Tất cả thi hài ở cổ tay trái có thích chữ chàm nhỏ: « Hắc Y cảm tử quân ». Được tin này trong khi rượt theo An Cực Hầu, tôi chắc là tên này đã phản trắc lần thứ ba, đã bí mật bỏ chúa, theo đạo Hắc Y. E rằng hắn trở về phủ ám sát chúa, chúng tôi giục ngựa đến gần An Cực Hầu. Mật vụ viên duy nhất của tôi, trên ngựa, vẫn theo sát An Cực Hầu từ khi bắt đầu đêm kinh hoàng. Hắn nhận thấy tôi, tôi ra hiệu thi hành mật lệnh. Thế là chưa đầy phút, An Cực Hầu trúng dao độc lăn xuống đường. Mật vụ viên chúng tôi xuống ngựa, đặt hắn ngang lung ngựa, tuyên bố: « chủ tướng đã bị thương, mọi người giải tán ». Thế là tất cả kỵ binh sống sót phi lên hướng Bắc. Tôi nghĩ cũng không cần rượt theo nên, đến coi thi hài của An Cực Hầu. Quả nhiên như phỏng đoán: An Cực Hầu đã là một giáo chức quan trọng của Hắc Y, theo như giấy tờ trong người và tịch thu ở tư gia hắn. Hàng giáo chức khá cao, nên không có thích chữ chàm nơi cổ tay.
Thế là phản trắc lại bỏ mạng vì phản trắc.Tôi ra lệnh vứt xuống hồ Thủy Quân, sau ra thì tôn huynh đã biết...
Đây là kết quả cuộc điều tra:
Về phần bản kê chính danh thí sinh cố tình phạm húy, như đại huynh đọc đây: Tên công tử Quốc Đức đứng đầu.
Nhưng chúa đã nói, việc này không quan trọng, cho là trò chơi tuổi trẻ, nếu chúa ở vào điều kiện trường hợp bọn ấy, chúa cũng hùa theo vui chơi. Nhưng chúa lại khám phá nhiều quyển chứa đựng những phê bình, những đề nghị hợp tình hợp lý. Đó là ý kiến chúa nói với tôi, có mặt ngài ở đây tôi nhắc lại, và nhấn mạnh tôi cũng hoan nghênh ý chúa.
Còn việc quan trọng khám phá vì vụ này, là chưong trình hành động của Hắc y Giáo chủ: cho người mật nhập vào các vùng khác, gây hoang mang trong dân chúng, như đêm qua, tàn sát lương dân, làm cho dân chúng oán hận chính quyền... nhân dịp thanh toán loại trừ những người ngoài giáo hội mà uy tín thanh danh được lòng dân chúng...
Tôi nghi rằng chính Song Lưu cũng bị Hắc y xâm nhập: hãy tìm cho ra ai đã đưa An Cực Hầu bản chính danh.
Còn về phần phủ chúa, đã ra lệnh giải tán Cảnh vệ đoàn, phát giác thêm mười binh sĩ có liên lạc với Hắc y Giáo. Chúa không làm tội, người có gia đình thì cho về với vợ con còn ai độc thân chúa cho tuỳ ý ở lại kinh thành hay trở về Van Niên Trúc Luỹ. Sau khi nghe lời phủ dụ, không thấy ai muốn trở về Hắc Y Địa; tôi biết là một khi bại lộ, Giáo chủ không dung tha. Châm ngôn của họ là phải « giết » hết nghi ngờ để khỏi mất công đề phòng nghi ngờ..
Cao Hùng nói đến đây, trời vẫn tối, tuy gần đã cuối Dần. Chúa và hai người đang theo suy tưởng trong bầu không khí trầm lặng của đêm sâu, thì một tiếng động nhỏ ở cửa ổ trông ra Thượng uyển. Trong ánh chớp, không ai bảo ai, Cao Hùng và Quang Anh đẩy chúa vào sau tủ sách cạnh bàn và thổi tắt đèn. Vừa lúc ấy, như tiếng gió rít, một loại vi tiễn tua tủa vào phòng, tiếp theo năm sáu ánh hào quang nối đuôi bay theo, và cuối cùng, một mũi tên cắm giữa bàn tiệc. Quang Anh và Cao Hùng múa kiếm đánh rớt đại đa số ám khí ấy... Đóng cửa sổ, sau khi quan sát Thượng uyển không thấy bóng ai. Kiểm điểm: đã bay vào năm ngọn vi tiễn, loại tên nhỏ bằng thép, năm sao thép năm cánh, cánh nhọn sắc bén, và mũi tên cắm giữa bàn. Dưới ánh đèn khêu lại, chúa không hề sợ hãi biến sắc. Quang Anh thầm phục.
Loại tên nhỏ bằng thép Cao Hùng và Quang Anh có biết, gọi hổ thiết mao (lông hổ bằng sắt) cách đây hai chục năm, có người sử dụng. Nhưng phải biệt tài, vì tên này không phải bắn bằng cung hay nỏ, mà phải ném bằng tay. Kỹ thuật ném vi tiễn Hổ Thiết Mai ít ai đạt bực, nên không ai dùng nữa. Còn Thiết tinh đao có mấy ngoại sĩ ngoại quốc sử dụng. Cao Hùng nói đây là một nghi vấn sau này điều tra
Cao Hùng rút mũi tên ở bàn ăn. tên có buộc một « tối hậu thư » mà nội dung như sau:
Anh Hùng Xuyên Việt Hội gửi Trịnh bạo chúa:
Sơn hà xã tắc ngả nghiêng vì chiến tranh bè đảng. Mấy trăm năm lầm than khổ ải, ngày đêm lo sợ tương lai. Non sông kiệt quệ, làng xứ điêu tàn... Đàng Trong Đàng Ngoài đua nhau sát hại sinh linh, hằn thù, oán hận là đạo lý, giết chóc, chia rẽ là phương pháp an bang, khư khư ôm giữ quyền hành là châm ngôn chính trị.
Than ôi, chúa ở nơi quyền hành tột bực, mải mê tửu sắc, dung túng thủ hạ giết hại dân lành...Một đêm gây tang tóc đau thương, tội này ngàn năm khôn rửa.
Chúa là người văn học hơn người, cớ sao bỏ gương Nghiêu Thuấn, lãnh mệnh trời để phục vụ con dân, mà nay ác tàn bạo ngược, ngồi cao để dân con phục vụ?Hẹn ba ngày, bạo chúa, giải thích tội trời, cho ác quỷ gây tang tóc dân lành nộp mình chịu tội trước thần dân.Nếu không, mũi tên công lý này sẽ dành cho bạo chúa.
Ký tên: Phi Thúy Song Hiệp
Theo sau có đóng ấn mực xanh, vẽ đôi chim chả (Phi Thúy) con trống và con mái bay liền cánh.
Đọc xong, chúa không tức giận vẫn tươi cười, nói với Cao Hùng và Quang Anh:
- Giận sao được, mấy hiệp sĩ này rất có lý. Nếu chúng ta – chúa nhấn mạnh – Chúng ta không tuyên cáo truyện An Cực Hầu cho dân gian hay, thì thần dân sẽ quy toàn bộ về ta, hai người hãy thảo tờ tuyên cáo, sáng nay công bố.-
Chúa hỏi hai người về Anh Hùng Xuyên Việt Hội thì không ai biết, lần đầu tiên nghe tên. Còn Phi Thúy Song Hiệp, thì không biết là ai, nhưng tên này đã xuất hiện cách đây vài năm, ở phường Đông Tác gần sông Tô Lịch, trong một vụ án chấn động kinh kỳ. Phi Thúy Song Hiệp đã can thiệp vào vụ này bắt một kỳ hào quyền thế, phạm tội bắt cóc và giết hại các thiếu nữ nhà nghèo … Phi Thúy Song Hiệp bắt tên này, ban đêm, trói chặt, treo lên cột cờ khu phố, ngực đeo cáo trạng, ký tên Phi Thúy Song Hiệp. Sáng sớm dân chúng bắc thang cứu, chẳng ngờ, không biết họ cố ý hay vụng tay, dây đứt, kỳ hào ấy rơi xuống thềm gạch gẩy cổ chết. Quan sở tại vào nhà hắn, tìm thấy nơi chôn hai thiếu nữ, và cứu được ba thiếu nữ khác mà kỳ hào quái ác ấy giam giữ ở hầm sâu bí mật …
Từ ngày đó, không thấy ai nói đến Phi Thúy Song Hiệp nữa.
Chúa sai người đến phường Đông Tác, vào văn khố lấy hồ sơ án ấy. Một giờ sau, chúa có hồ sơ. So bút tự, tối hậu thư và tờ cáo trạng thì có thể nói cùng người viết, và dấu ấn đôi chim chả thì đứng như in. Kết luận rằng Phi Thúy Song Hiệp này cũng là Phi Thúy Song Hiệp trước kia.
Bỗng chúa giật mình nghĩ ra điều gì? Chúa ra án thư lấy ra quyển thi của Vũ Thị Thanh Thũy - Trịnh Lệ Quân, để so bút tự. Chúa nghi ngờ nét bút mềm mại ở tờ cáo trạng và tối hậu thư là của nữ giới. Tiếc thay, quyển thi viết mẫu tự La tinh còn hai tờ kia, viết nôm. Chúa hết nghi người đẹp Trịnh Lệ Quân.
Nghĩ là thì Phi Thúy Song Hiệp hẳn là do võ nghệ trác tuyệt: phủ chúa luôn luôn canh phòng cẩn mật, mà vẫn lọt vào, rồi lại rời xa một cách tự do như thế.Chúa lại nghĩ rằng nếu đôi hiệp khách ấy muốn ám sát chúa thì vừa rồi chúa đã bỏ mạng, cho nên chúa bình tĩnh cùng Cao Hùng thảo tờ tuyên cáo.
Quang Anh đã cáo từ giờ Mão.
Về đến Chiêu Vân Các: Quốc Đức vẫn còn họp bạn ở sảnh đường. Nội bọn đã thức thâu đêm, điều tra phản tặc, và kiểm điểm thiệt hại.Kết quả cuộc thảo luận, không tìm ra phản bội trong hàng ngũ, Quốc Đức rất buồn, rút kinh nghiệm, từ nay chuyển hướng đề phòng cho Song Lưu hội. Quyết định đột nhập phủ Chúa tiếp tục cuộc điều tra
Ðêm nay không trăng sao. Mây đen đe dọa, bầu trời lặng gió. Khi Quốc Đức đến chân thành thì gần hết Sửu. Chờ sau lùm cây rậm rạp được chừng hai ba phút, một bóng đen đến nơi ra mật hiệu. Bóng đen thi lễ. Quốc Đức cúi đầu đáp lại. Bóng đen là mật vụ Song Lưu, đến cho Quốc Đức biết tình hình Trịnh phủ đêm nay: Chúa Trịnh ngủ bên cung Đặng Phi, đoàn vệ binh của chúa cũng thiên đại bộ phận sang phía Cung tần. Người ấy lại cho Quốc Đức biết khẩu hiệu tuần phòng đêm nay của đoàn cảnh vệ hơn trăm người …
Đi trong đêm tối hơn một giờ, Quốc Đức mới cám ơn Quí Đắc thiền sư cách định thần dùng nhỡn tuyến.
Mấy khu rừng Trung Vân còn âm u gấp mười lần nơi đây. Chàng mỉm cười nhìn bọn tuần cảnh xách đèn lồng đi lại trên đường thành, chàng đi qua mà không biết.
Tới vườn Thượng uyển, dùng áo khoác ngoài, đồng phục cảnh vệ đội trưởng, đàng hoàng đi giữa hành lang hoa cỏ, tránh xa mấy gọc cây có buộc dây kín đáo, đầu mối của lưới bẫy tự động.
Như dự tính, giả trang cấp bực thông thường cai đội thực công hiệu: Sau khi trả khẩu hiệu cho đoàn tuần cảnh năm người gặp giữa đường, tiếp tục tự do đi không ai để ý.
Tới cộng Đại sảnh đường, hai cánh cửa gỗ lim rất lớn. Lưỡng lự vượt tường hay tiếp tục kế giả trang. Chọn kế thứ hai, chàng gõ cổng …
Tới văn phòng chúa Trịnh, chàng rất mừng chưa phải dùng bạo lực. Bỏ tấm hỏa bài giả vào túi, lục tủ sách, án thư. Trong ngăn tủ đủ mười lăm quyển thi « phạm tội », trong số ấy có năm quyển xếp riêng, mang bí danh của ba người quá cố và hai vợ chồng Hùng Lũy.Không đụng chạm đến những quyển ấy, chàng tiếp tục tìm trong ngăn kéo án thư. Vài phút sau, kiếm được danh sách: Quả nhiên như dự đoán chỉ có năm người kể trên, tên Quốc Đức không có ghi. Thì ra khi chúa nói với thân phụ chàng, chàng đứng đầu danh sách, chỉ là chuyện « bắt nọn » mà thôi. Nhưng điều ấy không quan trọng mà điều quan trọng là Quốc Đức từ giờ phút này yên trí, các hoạt động khác của Chi Quốc Đức không bị bại lộ. Quốc Đức bỏ danh sách vào túi nghĩ đến hàng chữ son chúa phê, ấn tín rõ ràng ở cuối tờ: « Phải lễ độ mời các người này đến bình văn cùng ta. Không được dùng bạo lực. » Có đề ngày tháng, trước đêm kinh hoàng. Kết luận không phải chúa Trịnh ra lệnh thủ tiêu mấy người.
Xong việc, rút lui theo lối đến. Chẳng ngờ khi ra đến cổng Đại sảnh đường, một võ sĩ dáng điệu oai phong án ngữ, hô lớn bắt thích khách.
Võ sĩ ấy là Cao Hùng, đã dàn quân chờ sẵn ở cửa từ năm bảy phút, đuốc, lồng sáng rực.
Hai bên dưới khóm cây ít ra cũng gần ba chục người. Biết rằng quả bất dịch chúng, giờ đây thử lửa, sống còn. Quốc Ðức phóng trúc đao cắt cạm bẫy. Tức thì hai tấm lưới rơi xuống bao trùm bọn thủ hạ và trong khi bọn này còn đang lúng túng, tuốt gươm tấn công võ sĩ. Chàng không biết tên võ sĩ này vì cha chàng, giữ lời hứa với chúa Trịnh, không hề nói với ai, kể cả trong gia đình.
Biết rằng lưới có nhiều móc sắt, bọn thủ hạ còn năm bảy phút mới có thể xông ra trợ chiến, chàng bình tĩnh tấn công võ sĩ. Cao Hùng thầm khen ngưòi trí tuệ, đường kiếm này không phải của hạng vũ phu hiếu sát. Còn Quốc Đức cũng nhận thấy đường gươm chống trả của địch thủ đường hoàng minh chính. Trong những cuộc đụng độ, các kiếm khách thường dò xét nhau bằng những đường gươm, mũi kiếm đầu tiên. Tinh thần tương trọng có thể nẩy nở giữa hai địch thủ, dù có đi đến kẻ mất người còn, hiệp khách trong tinh thần kiếm đạo, không cử chỉ yếu hèn lường gạt, bao giờ cũng đường hoàng minh chính.
Nghĩ ra diệu kế, như ánh chớp Quốc Dức chạy vào sảnh đường, đóng sập hai cánh cửa lim, cài then, phi thân qua thang gác, trở lại văn phòng chúa Trịnh, đến bên bức tranh thủy mạc cuối phòng, ấn nút bí mật. Cửa mở, chàng qua văn phòng Cao Hùng, theo đường mật đóng cửa bí mật, thoát tới sông Tô. Tới bờ sông, trời chưa hửng sáng. Về nơi giấu ngựa, một ngạc nhiên đợi chàng, rồi tất cả kiêu ngạo tự phụ rớt hết xuống nước sông Tô: Hai ngọn trúc đao, hẳn là hai ngọn đầu tiên chàng dùng điều hành lưới tự động, treo bên yên ngựa, kèm theo tờ giấy:
- Trách tráng sĩ vội vàng, còn nợ ta ít ra trăm hợp. Hẹn gần đây tái ngộ. Ở Chiêu Vân Các chăng? - Không có ký tên.
Giật mình, Quốc Đức biết tay này bản lĩnh cao cường, không đuổi mình qua đường hầm bí mật, lại đến trước nơi này. Tài cưỡi ngựa hay tài phi hành của hắn tột bực. Chung quanh không thấy bóng ai, chàng nghĩ thầm nghĩ mình còn đang bận việc, hãy gác chuyện này để sau liệu định. Lên ngựa phi về Chiêu Vân Các, trời hửng sáng.