Có người biết cách biến những trở ngại trong cuộc đời mình thành những bệ phóng, nhưng cũng không ít người lại biến chúng thành những viên đá chắn lối đi.

R. L Sharpe

 
 
 
 
 
Tác giả: Albert Camus
Thể loại: Truyện Ngắn
Dịch giả: Tuấn Minh
Biên tập: Duy Vo
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 13
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5306 / 203
Cập nhật: 2015-06-19 17:01:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ây là lần thứ ba, tôi đã từ chối không tiếp vị linh mục tuyên úy. Tôi không có chi để nói với ông, tôi không thích nói chuyện, tôi sẽ còn chán thì giờ để gặp ông. Điều làm tôi quan tâm lúc này, là làm sao thoát khỏi máy móc, là tìm biết coi cái điều không tránh khỏi liệu có còn một ngõ thoát hay không? Người ta thay đổi xà lim cho tôi. Ở xà lim mới này, khi nằm dài thời tôi trông thấy bầu trời và chỉ có trông thấy bầu trời thôi. Tất cả những ngày của tôi đều trôi qua để nhìn trên mặt bầu trời sự tàn tạ các màu sắc vẫn từ ngày tới đêm. Nằm dài, tôi gối đầu lên hai tay và chờ đợi. Không biết đã bao nhiêu lần tôi tự hỏi liệu có những trường hợp tội nhân thoát khỏi guồng máy nghiêm ngặt này, biến mất trước khi hành hình, phá vỡ rào lính canh chăng? Thế là tôi tự oán trách đã không chú ý nhiều đến những câu chuyện về việc hành hình. Đáng lẽ người ta phải luôn luôn chú ý đến các vấn đề ấy. Không bao giờ người ta lại biết trước việc chỉ có thể xảy ra. Cũng như tất cả mọi người, tôi đã đọc các bài tường thuật trên báo chí, nhưng chắc chắn là hãy còn có những tác phẩm chuyên môn mà tôi chưa hề tò mò tra cứu. Có lẽ ở đây tôi sẽ thấy các truyện vượt ngục. Có lẽ tôi sẽ biết, ít nhất là trong một trường hợp, bánh xe ngưng lại, là trong cái dự định bất khả kháng ấy, chỉ một lần thôi, sự tình cờ và sự may mắn đã thay đổi được một chút gì. Một lần! Theo một nghĩa nào đó, tôi tưởng như thế sẽ là quá đủ cho tôi. Lương tâm tôi sẽ làm việc còn lại. Báo chí thường nói đến một món nợ của xã hội. Theo họ, cần phải trả món nợ ấy, nhưng điều ấy không nói với trí óc tưởng tượng. Điều cốt yếu là khả dĩ vượt ngục, một bước nhảy vọt ra khỏi cái nghi thức tàn nhẫn, một cuộc chạy đua đến sự điên rồ sẽ cống hiến cho mình tất cả những sự may mắn của hy vọng. Lẽ tất nhiên, hy vọng, đó là bị hạ ngay ở một góc phố trong khi đang chạy bằng một viên đạn. Nhưng suy nghĩ cho cùng, không có chi cho phép tôi sự xa xỉ ấy, mọi sự đều ngăn cấm tôi, máy móc chiếm giữ tôi.
Mặc dầu có thiên chí tôi không thể nào chấp nhận có điều xấc láo ấy. Vì rốt cuộc đã có sự chênh lệch, lố bịch giữa sự phán quyết đã đặt ra điều xác thực ấy và sự diễn tiến không nao núng của nó, kể từ lúc sự phán quyết được tuyên bố. Sự kiện bản án được tuyên bố hồi 20 giờ thay vì 17 giờ, sự kiện bản án có thể khác hẳn, sự kiện do sự quyết định của những con người thay đổi quần áo, dựa vào sự tin tưởng một khái niệm mơ hồ như dân tộc Pháp (hay Đức, hay Tàu) đối với tôi hình như mọi sự đó đã làm mất đi nhiều vẻ nghiêm trọng của một quyết định tương tự. Tuy nhiên, tôi bó buộc phải công nhận rằng kể từ giây phút mà bản án ấy được quyết định, các hậu quả của nó cũng trở nên chắc chắn, nghiêm trọng như là sự hiện của bức tường này mà tôi đang áp nén thân thể tôi dọc theo chiều dài.
Trong những lúc đó, tôi nhớ lại một câu chuyện do má tôi kể về ba tôi. Tôi không biết mặt ba tôi. Tất cả sự chi tôi biết rõ về người đàn ông này, có lẽ là do lời má tôi kể lại: ông đã đi xem xử tử một tên sát nhân. Nghĩ đến việc đi xem, ông phát ốm lên rồi. Tuy nhiên ông vẫn đi xem và khi về nhà, ông ói mửa suốt cả buổi sáng. Thế là ba tôi hơi làm tôi chán ngấy. Bây giờ tôi mới hiểu đó là lẽ tự nhiên. Tại sao trước tôi không thấy là không có chi quan trọng bằng một vụ xử tử và tóm lại, đó là một việc thực sự đáng kể đối với một con người! Nếu may mắn mà tôi ra khỏi lao xá này, tôi sẽ đi xem hết mọi vụ xử tử. Tôi ngờ là tôi đã lầm khi nghĩ đến khả dĩ ấy. Bởi vì chỉ việc nghĩ đến, một buổi sáng kia thấy mình được tự do đứng phía sau một hàng rào lính canh, hoặc là đứng bên phía khác, với ý nghĩ mình là một khán giả đi xem và sau đó có thể ói mửa cũng được, một đợt sóng vui mừng nhiễm độc dâng lên trong lòng tôi. Nhưng như thế là không hợp lẽ. Tôi đã lầm khi buông thả mình theo các giả thuyết đó vì, một lát sau, tôi thấy lạnh ghê gớm đến nỗi phải nằm co quắp dưới tấm mền. Tôi run lập cập, răng chạm vào nhau mà không giữ nổi.
Nhưng tất nhiên, không phải lúc nào người ta cũng có thể hợp lẽ phải. Ví dụ như các lần khác, tôi đã làm những vụ án luật. Tôi sửa đổi lại các hình phạt. Tôi nhận xét thấy điều chính yếu là cho người bị kết ánđược hưởng một sự may mắn. Chỉ một sự may mắn trong số một ngàn lần như vậy cũng đủ sắp xếp ổn thỏa mọi việc. Như thế, hình như tôi tưởng tượng có thể tìm ra một tổng hợp hóa chất để kẻ thụ hình (tôi nghĩ: kẻ thụ hình) ăn vào và mười người ăn thì chín kẻ chết. Đương sự sẽ biết điều đó, đấy là điều kiện. Vì suy nghĩ cho kỹ, quan niệm sự việc một cách bình thản, tôi nhận thấy sự khiếm khuyết của lưỡi dao máy chém không có sự may mắn, tuyệt đối không có sự may mắn nào!
Nói tóm lại, chỉ có một lần thôi, cái chết của người bị hành hình đã được quyết định. Đó là một việc xong xuôi, một sự trù hoạch đã dứt khoát, một sự đồng tình đã thỏa hiệp và về việc đó, không còn vấn đề trở lại nữa. Nếu do sự kỳ dị nào đó mà lưỡi dao trượt đi thì người ta bắt đầu lại. Do đấy có sự buồn thảm là tên tử tội cần phải ao ước cho máy chém chạy đều hòa. Tôi nói đây là khía cạnh khiếm khuyết. Theo mộ nghĩa nào đó, điều này là đúng; nhưng theo nghĩa khác, tôi bó buộc phải công nhận là tất cả mọi sự bí mật của một tổ chức hoàn hảo là ở đó. Tóm lại, tội nhân bó buộc phải hợp tác về tinh thần. Mọi sự tiến hành trôi chảy đều có lợi cho y. Tôi cũng bó buộc phải công nhận là cho đến nay, tôi đã có những ý kiến không đúng về các vấn đề ấy.
Đã lâu nay tôi tưởng rằng – và tôi không hiểu tại sao muốn đi tới máy chém phải trèo lên một cái giàn và leo các bậc cấp. Tôi cho nguyên do là tại cuộc cách mạng năm 1789, tôi muốn nói là tại tất cả những điều do người ta đã dạy tôi, hay cho tôi thấy về các vấn đề ấy. Nhưng một buổi sáng kia, tôi chợt nhớ lại một tấm hình do các báo chí đăng nhân dịp một vụ hành quyết vang lừng. Thực ra, máy chém để sát mặt đất một cách rất giản dị. Máy chém nhỏ hẹp hơn là tôi tưởng tượng. Cũng khá ngộ nghĩnh là tôi không được báo cho biết trước điều ấy sớm hơn. Chiếc máy chém ở trên tấm hình đăng báo đã làm cho tôi ngạc nhiên, vì nó có hình dạng của một công cụ chính xác, hoàn hảo và sáng loáng. Người ta luôn luôn có những ý tưởng quá đáng về những thứ mà mình không biết. Trái lại, tôi công nhận là mọi sự đều giản dị: máy chém cũng ở ngang với mức người tiến về phía nó. Người ta đến bên nó như là đi đến gặp một người khác. Điều đó cũng buồn nản. Cái việc trèo lên đoạn đầu đài, việc thăng tiến lên giữa không trung, trì tưởng tượng có thể bám víu vào đấy. Trong khi chính ngay ở đây cũng vậy, máy móc hủy diệt hết cả: người ta bị giết một cách âm thầm, với một chút xấu hổ và nhiều chính xác.
Lại còn có việc mà tôi suy nghĩ hoài: buổi sớm tinh sương và sự chống án của tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn suy luận và cố gắng không nghĩ ngợi đến nữa. Tôi nằm duỗi dài, nhìn bầu trời, cố chăm chú vào đấy. Bầu trời trở nên xanh hơn, đó là vào buổi chiều. Tôi lại rán thêm một cố gắng nữa để lái dòng tư tưởng đi theo một lối khác. Tôi nghe trái tim tôi. Tôi không thể nào tưởng tượng được rằng tiếng động đã theo dõi tôi từ bao nhiêu lấu ấy lại có thể ngưng đập. Không bao giờ tôi có óc tưởng tượng thực sự. Tuy nhiên, tôi thử hình dung một giây nào đó, tiếng đập của trái tim sẽ không còn kéo dài ở trong đầu tôi nữa, nhưng vô ích. Buổi sáng tinh sương hay sự chống án của tôi vẫn còn đó. Sau cùng tôi tự nhủ thầm rằng điều hợp lý nhất là tôi chớ nên tự ép buộc tôi.
Họ đến vào một buổi sang tinh sương, tôi biết thế. Tóm lại, tôi bận rộn suốt các đêm tối của tôi để chờ đợi buổi sáng tinh sương ấy. Không bao giờ tôi thích bị bắt bất thình lình. Khi nào xảy ra cho tôi sự gì, tôi thích sẵn sàng trước. Vì thế, rốt cuộc tôi chỉ ngủ chút xíu ban ngày, và suốt các đêm dài dằng dặc, tôi kiên nhẫn đợi chờ ánh bình minh hiện ra trên mặt kính của bầu trời. Gay go nhất là cái giờ khả nghi mà tôi biết là thường thường họ ra tay. Quá nửa đêm, tôi chờ đợi và rình mò. Chưa bao giờ tôi lại nghe thấy nhiều tiếng động như thế, lại phân biệt được những tiếng tinh tế như thế. Vả lại, tôi cũng có thể nói là tôi đã gặp may mắn trong suốt thời gian ấy, vì tôi không hề nghe thấy tiếng bước chân. Má tôi thường nói rằng không bao giờ người ta hoàn toàn khổ sở. Tôi tán thành má tôi ở trong lao xá, khi bầu trời nhuộm màu và một ngày mới lướt vào xà lim của tôi. Vì rằng tôi có thể nghe thấy tiếng bước chân và trái tim tôi có thể nổ tung. Dù chỉ trượt nhẹ một chút cũng khiến tôi chồm ra ngoài cửa, dù áp tai vào gỗ, tôi đã chờ đợi cuống cuồng cho đến khi chỉ nghe thấy chính hơi thở của tôi, hoảng sợ vì thấy hơi thở ấy khàn khàn và giống hệt như tiếng chó rên rỉ, rốt cuộc trái tim tôi không nổ tung và tôi lại được thêm 24 giờ nữa.
Suốt cả ngày, đã có việc chống án của tôi. Tôi ngờ là đã rút tỉa được phần ích lợi hơn hết về ý nghĩ đó. Tôi tính toán các hiệu quả và do dự suy nghĩ, tôi đạt được năng suất tốt nhất. Luôn luôn tôi đặt ra một gỉ thuyết tệ nhất: sự chống án của tôi bị bác bỏ. Vậy thời tôi sẽ chết! Chết sớm ơncacs người khác, dĩ nhiên. Nhưng mọi người đều biết rằng cuộc đời không phải là đáng sống. Kỳ thực ra, không phải là tôi không biết rằng, dù chết năm 30 tuổi hay năm 70 tuổi cũng không quan hệ mấy vì lẽ tất nhiên, trong cả hai trường hợp, các người đàn ông khác và các người đàn bà khác sẽ còn sống mãi và như thế trong hàng nghìn năm nữa. Tóm lại, không còn chi rõ rệt hơn. Vẫn là tôi sẽ chết, dù ngay bây giờ hay trong 20 năm nữa. Lúc đó, điều làm tôi hơi khó chịu trong sợ suy luận, là cái bước nhảy vọt khủng khiếp do tôi cảm thấy nơi mình, khi nghĩ đến hai mươi năm sắp tới… Nhưng tôi chỉ việc bóp nghẹ cái ý nghĩ ấy bằng cách tưởng tượng đến các tư tưởng của tôi trong 20 năm nữa khi mà rốt cuộc rồi vẫn phải tới chỗ ấy. Khi người ta chết thifcheets ra sao và chết lúc nào điều đó không can hệ mấy và dĩ nhiên như thế. Vậy (và điểm khó khăn là đừng quên cái giá trị luân lý của chữ “vậy” này) tôi phải chấp nhận việc bác bỏ sự chống án của tôi.
Đến lúc đó, chỉ lúc đó thôi, có thể nói là tôi đã có quyền, tôi tự cho phép đề cập đến giả thuyết thứ hai: tôi đực ân xá. Điều bực mình là phải hãm bớt cái đà bồng bột của khí huyết và thân thể nó là cho mắt tôi cay xè nỗi vui mừng vô lý. Tôi cần phải cố làm giảm bớt cái tiếng reo ấy, cố suy luận về nó. Tôi cần phải tự niên cả ở trong giả thuyết này để cho sự nhẫn nhục của tôi trong giả thuyết thứ nhất có thể thừa nhận được. Khi đạt được kết quả, tôi được một giờ bình thản. Dù sao sự đó cũng là đáng xem trọng.
Chính là ở trong một thời kì tương tự mà tôi đã từ chối thêm một lần nữa không tiếp vị linh mục tuyên úy. Tôi đang nằm dài và phỏng đoán buổi chiều mùa hè sắp tới, do ở màu vàng hoe của bầu trời. Tôi vừa bác bỏ đơn chống án của tôi và có thể cảm thấy các làn sóng của máu tôi lưu thông đều đặn trong người. Tôi không cần phải gặp linh mục. Từ lâu lắm, đây là lần đầu tiên tôi nghĩ đến Marie. Đã nhiều ngày lắm, nàng không viết thư cho tôi nữa. Chiều nay tôi đã suy nghĩ và tôi tự nhủ rằng có lẽ nàng đã chán làm tình nhân của một người bị kết án tử hình. Tôi cũng có ý nghĩ là có lẽ nàng bị đau hay chết rồi. Đó là theo lẽ tự nhiên. Làm thế nào mà tôi biết rõ điều ấy vì ngoài hai thể xác của chúng tôi hiện nay đã xa cách, không còn chi ràng buộc chúng tôi và nhắc nhở chúng tôi, người nọ đến với người kia nữa. Vả lại kể từ lúc đó, kỷ niệm của Marie đối với tôi đã dửng dưng. Chết rồi, nàng không còn làm tôi chú ý nữa. Tôi thấy điều đó thường tình cũng như tôi hiểu quá rõ ràng là mọi người sẽ lãng quên tôi sau khi chết. Họ không còn chi dính dáng đến tôi nữa. Mà chính ra tôi cũng không thể nói được là suy nghĩ đến điều ấy sẽ có gì đau khổ.
Đúng ngay lúc linh mục bước vào. Khi trông thấy ông, tôi hơi run run. Ông nhận thấy thế và bảo tôi đừng sợ. Tôi bảo là theo thường lệ, ông hãy đến thăm tôi vào lúc khác. Ông trả lời đây là một cuộc viếng thăm thân ái, không hề dính líu đến sự chống án của tôi mà ông không biết gì cả. Ông ngồi lên giường và mời tôi lại gần ngồi gần ông. Tôi từ chối. Thực ra, tôi thấy vẻ mặt ông rất dịu hiền.
Ông ngồi xuống một lát, hai cánh tay đặt trên đầu gối, đầu cúi xuống, nhìn các bàn tay. Bàn tay ông mảnh dẻ, rắn chắc, làm tôi liên tưởng đến hai con vật nhanh nhẹn. Ông thong thả, xoa tay nọ vào tay kia. Rồi ông ngồi như thế rất lâu, đầu vẫn cúi xuống, đến nỗi tôi có thể cảm tưởng, trong giây lát, là tôi đã quên khuấy ông.
Nhưng ông ngửng phắt đầu lên, nhìn thẳng vào mặt tôi và nói: “Tại sao ông lại từ chối những cuộc viếng thăm của tôi?”. Tôi trả lời là tôi không tin ở Chúa. Ông muốn biết là tôi có chắc chắn như thế không và tôi nói là tôi không cần tự hỏi điều ấy, đối với tôi, hình như đấy là một vấn đề không quan trọng. Lúc ấy, ông ngả người về đằng sau và dựa lưng vào tường, bàn tay để áp vào đùi. Gần như không có vẻ nói chuyện với tôi, ông nhận xét là đôi khi người ta tưởng là chắc chắn nhưng thực ra, người ta không chắc chắn đâu. Tôi không nói chi. Ông nhìn tôi và hỏi: “Ông nghĩ thế nào?” Tôi trả lời là có thể như vậy. Dù sao chăng nữa có thể là tôi không chắc chắn về sự gì liên hệ thực sự đến tôi, và chính thị điều ông vừa nói không liên hệ chi đến tôi cả.
Mắt nìn đi chỗ khác, vẫn không thay đổi dáng ngồi, ông hỏi có phải tôi nói như thế vì tuyệt vọng không? Tôi cắt nghĩa cho ông hiểu là tôi không tuyệt vọng. Tôi chỉ thấy sợ thôi, đấy là lẽ tất nhiên. Ông nhận xét: “Rồi CHÚA sẽ giúp ông. Tất cả những người tôi đã biết ở trong trường hợp của ông đều quay về với CHÚA”. Tôi công nhận đấy là quyền của họ. Đấy cũng có thể chứng tỏ là họ còn có đủ thì giờ suy nghĩ về điểm đó. Về phần tôi, tôi không muốn ai giúp đỡ tôi và nói cho đúng ra, tôi không có đủ thì giờ để chú ý đến việc gì không liên hệ đến tôi.
Lúc đó, hai bàn tay ông tỏ một cử chỉ cáu kỉnh nhưng ông đứng lên và sửa lại tất cả các nếp áo dòng. Xong rồi ông lại nói với tôi và gọi tôi là “bạn”: sở dĩ ông nói với tôi như thế không phải vì tôi bị kết án tử hình; theo ý ông, tất cả chúng ta đều bị kết án tử hình. Nhưng tôi ngắt lời ông và bảo ông rằng đấy không phải cùng một sự việc, vả lại đấy không thể, bất cứ trong trường hợp nào, là một sự an ủi. Ông xác nhận: “Đúng thế! Nhưng rồi bạn sẽ chết sau này nếu bạn không chết ngay bây giờ. Thế là cùng một vấn đề ấu sẽ được đặt ra. Bạn sẽ đề cập đến sự thử thách ghê rợn này như thế nào? “Tôi trả lời rằng tôi sẽ đề cập đến sự thử thách ấy đúng hệt như tôi đang đề cập đến lúc này.
Tôi vừa dứt lời, ông đứng ngay lên và nhìn thẳng vào mắt tôi. Đấy là một mánh lới mà tôi biết quá rõ. Tôi thường sử dụng mánh lới ấy với Emmanuel hay Cesleste và thường thường họ đều quay mắt đi chỗ khác. Linh mục cũng biết rõ mánh lới ấy, tôi hiểu ngay: ánh mắt nhìn của ông không run rẩy nữa khi ông bảo tôi: “Có phải ông không còn hy vọng gì nữa và ông sống với ý nghĩa là ông sẽ chết hoàn toàn? Tôi trả lời: “Phải!”
Thế là ông lại cúi đầu và ngồi xuống. Ông nói là ông phàn nàn thay cho tôi. Ông tưởng như sự đó không thể nào chịu đựng nổi đối với một người. Về phần tôi, tôi chỉ có cảm tưởng là bắt đầu làm tôi chán ngấy. Đến lượt tôi quay mặt đi và ra đứng dưới cửa sổ. Tôi tựa vai vào tường. Tuy không theo dõi ông, tôi lại nghe thấy ông bắt đầu hỏi tôi. Ông nói bằng mộ giọng bối rối và vội vàng. Tôi hiểu là ông đang cảm động và tôi chú ý nghe ông hơn.
Ông bảo là ông chắc chắn đơn chống án của tôi sẽ được chấp thuận, nhưng tôi đang mang cái gánh nặng của một tội lỗi cần phải loại bỏ đi. Theo ông thì công lý của loài người không có nghĩa lý và công lý của CHÚA là tất cả. Tôi nhận xét rằng chính cái công lý thứ nhất nói trên đã kết án tôi. Ông trả lời không phải như thế là nó đã rửa sạch được tội lỗi tôi. Tôi bảo không biết thế nào là một tội lỗi. Người ta chỉ bảo là tôi có tội. Tôi có tội thì tôi đền tội, người ta không thể hỏi gì tôi hơn nữa. Lúc đó, ông lại đứng lên và tôi nghĩ là ở trong xà lim chật hẹp này, nếu ông muốn cựa quậy, ông cũng không lựa chọn được: hoặc là phải ngồi xuống hay đứng lên.
Mắt tôi chăm chú nhìn xuống đất. Ông bước một bước về phía tôi và ngừng lại, hình như không dám tiến lên nữa. Ông nhìn bầu trời qua các chấn song cửa. Ông nói với tôi: “Con ơi, con đã lầm rồi, người ta có thể đòi hỏi ở con nhiều hơn nữa. Có thể người ta sẽ đòi hỏi con đấy. – Đòi hỏi cái chi? – Người ta sẽ đòi hỏi con hãy trông thấy. – Trông thấy cái chi?
Linh mục nhìn xung quanh ông và tôi thấy ông trả lời bằng một giọng đột nhiên rất mệt mỏi: “Tất cả những hòn đá này đều đổ mồ hôi đau thương, tôi biết như thế. Chưa bao giờ trông thấy chúng mà tôi không lo âu. Nhưng trong thâm tâm tôi, tôi biết là những kẻ khốn nạn nhất trong các con đều thấy hiện ra trong sự tối tăm của họ một gương mặt thiêng liêng. Chính gương mặt ấy, người ta đòi hỏi con hãy trông thấy”.
Tôi thấy hơi kích thích. Tôi nói là tôi đã nhìn các bức tường này nhiều tháng nay. Ở trên đời này không có sự chi, không có người nào mà tôi biết rõ hơn. Có thể đã lâu nay, tôi vẫn tìm ở đấy một gương mặt, nhưng gương mặt ấy đã có màu sắc của mặt trời và ngọn lửa nồng nàn của thèm muốn: đấy là gương mặt của Marie. Tôi đã tìm gương mặt ấy hoài mà không thấy. Bây giờ thì hết rồi. Và trong mọi trường hợp, tôi chẳng hề thấy chi hiện ra khỏi lớp mồ hôi đá này.
Linh mục nhìn tôi với vẻ buồn rầu. Bây giờ tôi hoàn toàn dựa lưng vào tường và ánh nắng ban ngày chảy chan hòa trên trán tôi. Ông nói một vài lời mà tôi nghe không rõ và ông hỏi rất nhanh là tôi cho phép ông hôn tôi không. Tôi trả lời: “Không”. Ông quay lại và đi về phía bức tường, thong thả lướt bàn tay trên tường và thì thầm: “Vậy con yêu thích thế gian này đến thế ư?” Tôi không trả lời.
Ông quay mặt đi khá lâu. Sự hiện diện của ông đè nặng lên người tôi và làm tôi bực bội. Tôi sắp sửa bảo ông hãy đi khỏi cho tôi yên thân, thời bỗng nhiên ông vừa la hét om sòm vừa quay lại phía tôi: “Không! Tôi không tin ông được. Tôi chắc chắn là có khi ông đã ao ước một đời sống khác”. Tôi trả lời đấy là lẽ tự nhiên, nhưng sự ấy không có chi quan trọng hơn là ao ước được giàu có, được bơi rất nhanh hay có một cái miệng xinh đẹp hơn. Cũng như nhau vậy thôi! Nhưng ông đã ngưng tôi lại và muốn biết tôi hiểu thế nào về đời sống khác biệt ấy? Thế là tôi kêu lên: “Một đời sống mà tôi có thể hồi tưởng lại đời sống này” và tôi bảo ngay cho ông biết là tôi chán ngấy rồi…!
Ông lại còn muốn nói với tôi về Chúa nhưng tôi đã tiến lại phía ông và cố gắng cắt nghĩa cho ông nghe một lần cuối cùng là tôi còn rất ít thì giờ. Tôi không muốn đanh mất chút ít thì giờ ấy với Chúa. Ông đã thử thay đổi đầu đề câu chuyện và hỏi tôi rằng sao tôi lại gọi ông là “ông”chứ không phải là “Cha”? Sự đó làm tôi bực bội và tôi trả lời rằng ông không phải là cha tôi: ông là cha của những người khác.
Ông vừa nói vừa để tay lên vai tôi: “Không con ơi! Ta ở với con, nhưng con không thể biết điều ấy vì con còn có một con tim mù quáng. Ta sẽ nguyện cầu cho con”.
Thế là, tôi không hiểu tại sao, có sự tan vỡ trong người tôi. Tôi kêu rống lên, chửi rủa ông và bảo ông đừng cầu nguyện nữa… Tôi nắm lấy cổ áo dòng của ông. Tôi trút hết lên ông tất cả đáy lòng với những xúc động lẫn lộn cả vui mừng và hờn giận. Ông có vẻ chắc chắn, phải không? Tuy nhiên, trong các sự chắc chắn của ông không có cái nào đáng giá một sợi tóc đàn bà! Chính ra ông cũng chưa chắc là đáng sống vì ông đã sống như một người chết! Về phần tôi, tôi có vẻ như chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng tôi tin chắc ở tôi, chắc hết mọi sự, chắc chắn hơn ông, chắc về đời sống của tôi và cái chết sắp tới. Phải! Tôi chỉ còn cái ấy thôi, nhưng ít ra, tôi vẫn giữ chặt lấy cái sự thực ấy cũng như nó đã giữ chặt lấy tôi. Tôi đã có lý, tôi còn có lý, luôn luôn tôi vẫn có lý. Tôi đã sống theo cách nào đó và có thể tôi đã sống theo cách khác. Tôi đã làm điều này và tôi đã không làm điều kia. Tôi đã không làm điều này trong khi tôi lại làm điều kia. Rồi sao? Như thế là tôi chờ đợi suốt bấy lâu cái giây phút này, cái lúc mà tôi sẽ được chứng minh là có lý. Không, không có sự chi là can hệ và tôi biết rõ tại sao. Ông ấy cũng biết tại sao. Từ chỗ sâu thẳm của tương lai tôi trong suốt cả cuộc đời phi lý mà tôi đã sống, một hơi thở mờ mịt dâng lên rồi qua những năm tháng chưa từng đến và cái hơi thở ấy lướt qua đến đâu là san bằng đến đó tất cả những gì mà người ta đã đề nghị với tôi trong những năm mà tôi đã sống, những năm cũng không có gì thực hơn. Có can hệ chi đến tôi cái chết của những người khác, tình yêu của một người mẹ; có can hệ chi đến tôi đấng Chúa của ông ta, các cuộc đời mà người ta đã lựa chọn, các số mệnh mà người ta tuyển định, vì chỉ có một số mệnh duy nhất là có thể tuyển định được chính tôi và cùng với tôi, hàng ngàn triệu người được ân huệ, ưu ái mà họ, cũng như ông ta, đều tự xưng là anh em của tôi.
Ông có hiểu không, liệu ông có hiểu vậy không? Tất cả mọi người đều được hưởng ân huệ. Chỉ còn có những người được hưởng ân huệ. Những người khác cũng vậy, một ngày kia người ta sẽ kết tội họ. Ông ấy cũng thế, người ta sẽ kết tội ông. Có can hệ chi, nếu can tội sát nhân, ông bị hành hình vì đã không khóc lóc trong ngày an táng mẹ ông? Con chó của Salamano giá trị cũng ngang hàng với vợ lão. Con mụ nhỏ thó như người máy cũng có tội như người đàn bà gốc Ba Lê mà Masson đã lấy, hay như Marie đã ao ước tôi lấy nàng. Có can hệ chi nếu Raymond là bồ tèo của tôi cũng như Céleste lại xứng đáng hơn y? Có can hệ chi nếu ngày nay Marie lại đưa miệng mình cho một anh chàng Meursault khác hôn? Liệu y có hiểu vậy không tên tội nhân ấy, và từ chỗ sâu thẳm của tương lai tôi…Tôi bị nghẹt thở trong khi kêu gào tất cả những điều này. Người ta đã lôi linh mục ra khỏi tay tôi và các người lính gác dọa nạt tôi. Tuy nhiên, ông ta trấn tĩnh họ và đã yên lặng nhìn tôi trong giây lát. Mặt ông đầy nước mắt. Ông quay lại và biến mất.
Tôi lấy lại sự bình thản sau khi ông đi khỏi. Tôi bị kiệt sức và gieo mình xuống giường. Tôi ngờ là tôi ngủ thiếp đi vì tôi thức dậy thì đã có các ngôi sao trên mặt. Nhưng tiếng ồn ào của đồng quê dâng lên tận chỗ tôi. Các mùi hương của ban đêm, của đất, của muối làm tươi mát hai thái dương tôi. Sự yên tĩnh và kỳ diệu của mùa hè say ngủ này tràn ngập cả người tôi như nước thủy triều. Ngay lúc đó và ở ranh giới của ban đêm, các tiếng còi hú vang. Chúng báo hiệu cuộc ra đi tới một thế giới bây giờ đối với tôi đã vĩnh viễn thờ ơ. Đây là lần thứ nhất, kể từ lâu nay, tôi nghĩ đến má tôi. Hình như tôi hiểu tại sao, khi đến cuối cùng của cuộc đời bà lại kiếm một “vị hôn phu”, tại sao bà giả đùa bắt đầu lại. Ở đấy, ở đấy cũng vậy, chung quanh viện dưỡng lão, nơi những cuộc sống tàn rụi ấy, buổi chiều cũng như một cuộc ngưng trệ u buồn. Gần cái chết đến thế, ở đấy má tôi hẳn đã cả thấy được giải thoát, và sẵn sàng để sống lại tất cả. Không ai, không ai có quyền được khóc bà. Và tôi cũng thế, tôi cảm thấy sẵn sàng để sống lại tất cả…!
Hình như cơn giận dữ lớn lao này đã tẩy sạch xấu xa, vết hy vọng của tôi, trước cái đêm tối đầy những dấu hiệu và ánh sao này, lần đầu tiên tôi cởi mở tâm hồn trước cái dịu hiền của thế gian. Thấy nó giống tôi đến thế và sau cùng thân ái với tôi đến thế, tôi cảm thấy là tôi đã rất sung sướng và tôi vẫn còn sung sướng. Để cho tất cả được hoàn tất, để cho tôi cảm thấy ít cô đơn hơn, tôi chỉ còn ao ước đến ngày hành quyết tôi sẽ có rất nhiều khán giả và họ sẽ tiếp đón tôi với những tiếng hò hét căm hờn.
o O o
HẾT
Người Xa Lạ Camus Người Xa Lạ Camus - Albert Camus Người Xa Lạ Camus