Nguyên tác: The Glassblower Of Murano
Số lần đọc/download: 1363 / 19
Cập nhật: 2015-09-15 07:34:16 +0700
Chương 11: Lái Buôn Thành Venice
N
gay khi Leonora bước vào văn phòng của Adelino, và ngồi vào chỗ được mời, cô cảm thấy có cái gì đó đang tiến hành. Đầu tiên, có một cái bảng kẹp giấy màu trắng to che tầm nhìn yêu thích qua phá. Thứ đến, thêm hai chiếc ghế có hai người khá bất thường và hoàn toàn không quen ngồi. Adelino giới thiệu họ là: Chiara Londesa và Semi, từ Attenzione! Hãng thông tấn Milan."
Nghe thấy từ "hãng thông tấn", Leonora biết mình đã chưa hình dung được dấu chấm than đó. Họ trong ngành quảng cáo.
Dè chừng, cô nhìn mấy người lạ, khi họ nhìn lại cô như kiểu một đôi đang săm soi một miếng thịt trước khi mua. Chiara Londesa diện một chiếc áo phông lửng có hình manga gần như khiêu dâm. Đôi mắt to đen láy và tính toán của cô ta được bù lại bằng một mớ tóc dùng thuốc tẩy màu tóc ngắn tàn nhẫn. Đồng nghiệp Semi của cô ta, người xem ra không khoe họ, còn dị hợm hơn. Từ đầu xuống chân anh ta ăn mặc như một quý ngài. Anh chỉn chu – áo khoác Norfolk, cà vạt thắt rịt, và giày Lobb đánh bóng. Khi anh ta cúi tới trước Leonora có thể thấy – dĩ nhiên sao lại không? – ánh lấp lánh của cái đồng hồ túi và sợi dây xích ló ra từ trong túi áo. Cô cố nhịn cười.
Trong im lặng kéo dài Semi đứng lên rồi đi quanh ghế Leonora, vuốt cằm với một điệu bộ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ phim của James Mason. Với cái vẻ của một kẻ bán con gái mình cho dân buôn nô lệ da trắng Adelino nói, "Thấy không? Chẳng phải tôi đã nói với mấy người rồi sao?"
Semi, vẫn đi quanh, gật gù. Đang chờ giọng điền trang Brideshead sắc lẻm. Leonora thấy tiếng Ý chuẩn của anh ta là một cú sốc khi nghe. "Đúng, thật hoàn hảo."
Hoàn hảo cho cái gì?
Semi và Chiara, giờ thì mặc kệ Leonora, bắt đầu trò chuyện say sưa bằng giọng Milan thông tục. Qua điệu bộ bằng tay loạn xạ và trò chuyện huyên thuyên. Leonora phân biệt được một số từ đáng ngại. Quảng cáo báo chí. Phỏng vấn. Địa phương, rồi cả nước. Tờ rơi đến các khách sạn cho các gói du lịch. Chụp hình. Minh họa. Ở từ cuối cùng này Chiara bước tới cái bảng kẹp giấy và mở ra cho thấy một bức hình có vẻ là mô tả thiên thần tóc vàng của Botticelli đang thổi một cái kèn trompet ở cổng thiên đường. Leonora đứng lên và nhìn kỹ hơn. Cô lầm rồi. Thiên thần đang mặc quần jeans và một áo vest ôm sát. Cái trompets không phải là trompet mà là ống thổi. Cái chuông của trompet là một bình hoa tao nhã. Thiên thần đang thổi thủy tinh. Bức hình đẹp và kinh khủng, và giờ cuối cùng Leonora phải cười. Cô xoay qua ba bộ mặt hoàn toàn nghiêm túc.
"Cho phép tôi rõ ràng về chuyện này. Các người đang đề nghị tiến hành một kiểu… chiến dịch quảng cáo nào đó… trên lưng, ừm, tôi?"
"Không chỉ cô đâu, cô Manin, mà còn cả ông tổ cao quý của cô nữa." Với một cái vung tay thuần thục, Chiara lật trang. "Cho phép tôi giới thiệu: mặt hàng Manin."
Ôi không.
Những hình ảnh và khẩu hiệu thét vào mặt Leonora. Hình chụp, mô hình đóng gói.
Thêm nhiều trang nữa với những dòng tít rõ ràng: "Thủy tinh đã xây nên nước Cộng hòa", "Hãy xem Venice đích thực qua Thủy tinh của chúng tôi", "Thủy tinh Manin, do chính dân Venice thổi trong 400 năm", "Thủy tinh Manin, thủy tinh Venice nguyên thủy". Lặp đi lặp lại là những bức hình người đẹp tóc vàng (cho là chính cô) của Botticelli và một đứa trẻ da ngăm đen mặc áo choàng và cổ xếp nếp.
"Rủi quá, không có hình Corradino Manin lúc trưởng thảnh. Ông đã trốn khỏi nhà ở tuổi lên mười, nên chỉ có tấm chúng tôi cắt ra từ hình cả gia đình này." Cái nhún vai của Chiara biểu thị sự tiếc rẻ cho bi kịch cá nhân này – không phải cho sự mất mát của cậu bé, mà là chính cô ta thấy khó chịu vì thiếu một bức hình người trưởng thành. Leonora nhìn kỹ gương mặt nghiêm nghị, kín đáo của cậu bé đã lớn lên thành sự vĩ đại. Các nhà thiết kế đã cắt xén cậu khỏi bức tranh, tách cậu ra khỏi gia đình cậu một lần nữa để đứng một mình. Cô chưa từng được thấy bức chân dung này, hay thậm chí phần này trong tiểu sử của ông, và cảm thấy xấu hổ.
Làm sao mà những kẻ kệch cỡm nguyên si từ trong Commedia dell’Arte 1 này lại biết về Corradino nhiều hơn mình? Vì họ để tâm tìm. Mình phải biết thêm về ông.
Cái giọng cao của Chiara tiếp tục liến thoắng. "Chiến dịch của chúng ta tùy thuộc vào hai yếu tố chính – Corradino Manin, Mozart của ngành thổi thủy tinh, đem lại cho sự sản xuất của xưởng này tính kế tục của một lịch sử lâu dài – hình ảnh cổ xưa, liên tục với một phả hệ Venice không tì vết. Và cô, con cháu của ông – và là phụ nữ thổi thủy tinh duy nhất trên đảo. Chúng ta có thể bán tính hiện đại trong các thiết kế mới nhất theo hỉnh ảnh của cô. Hỉnh ảnh đương thời, tân tiến, nhưng luôn luôn có sức nặng của lịch sử dòng họ cô sau lưng."
Mình cảm thấy buồn nôn.
Leonora quay qua Adelino và khẽ nói nhanh bằng giọng Venice, "Chuyện này thật tục tĩu!"
Adelino đứng lên và kéo cô đến bên cửa sổ. "Xin thứ lỗi," – cái này là nói với hai người Milan đã bước vào một cuộc hội ý riêng về cái bảng trình bày, rõ ràng là đang lên kế hoạch cho một đợt tấn công kế tiếp vào tên tuổi Manin.
Adelino phát biểu bằng giọng cao, "Leonora của ta, bình tính nào. Chuyện này vẫn luôn như thế. Các thương nhân Rialto vào thời Phục hưng, và chính Corradino nữa, có lẽ cũng sẽ làm bất cứ thứ gì để vượt lên trên cuộc cạnh tranh. Họ không có những sự nhạy cảm nghệ thuật. Họ là thương nhân – cũng như tôi đây." Thấy sự phản kháng của cô, ông cầm tay cô kêu gọi lần cuối. "Leonora tôi đã kéo căng quá rồi. Tôi phải trả những món lãi ở hải ngoại; đã vay mượn nhiều để chống đỡ cho doanh nghiệp. Fornace đang tìm cách tồn tại."
Leonora nhìn qua những chóp nhọn ở San Marco. Khung cảnh đã làm cô vui chỉ vài tuần ngắn ngủi trước đây khi cô được trao công việc này. Giờ thì những chóp nhọn thân thương tựa như một cái giường đinh, một ổ gươm đao nơi cô sẽ bị đâm xuyên như một màn xiếc dạo giữa đường. Phá hôm nay vẫn phẳng lặng và trong lành, nhưng tâm trí cô có cảm giác như bị gió thủy triều vùi dập.
Tâm trí mình đang chòng chành trên biển.
"Các thợ cả sẽ nghĩ gì? Tôi là một người mới đến, một thợ học việc." Leonora nghĩ đến sự phản kháng lạnh lùng của Roberto, và mối ác cảm đối với cô mà y đã gieo rắc như một mầm bệnh khắp xưởng. "Tôi không thể tự đề cao mình kiểu này. Chuyện đó là không nghĩ nổi."
"Trái lại đấy," Adelino phản đối. "Dòng họ cô đã ở đây lâu hơn bất kỳ ai. Corradino Manin đã gây dựng nghề này. Và chính cô cũng có tài, một tài năng sớm phát triển. Đừng lo về các thợ cả, họ sẽ biết ơn. Nếu cô cải thiện được việc kinh doanh, họ sẽ khấm khá, và giữ được việc làm. Có lẽ còn được nhận tiền thưởng. Gia đình họ cũng sẽ cảm ơn cô."
Đó là một lập luận không cưỡng lại được. Nếu cô có thể làm bất cứ gì để giúp các thợ cả, cô biết mình sẽ làm. Nếu xưởng lại khá lên, chẳng phải là ngay cả Roberto, cuối cùng, cũng buộc lòng công nhận tính hữu ích của cô và quên đi sự khởi đầu đáng tiếc của họ hay sao? Hơn nữa, Leonora biết một sự thật không nói ra: nếu cô không làm điều này cho Adelino, phỏng cô còn có ích gì? Sao ông ta lại cần thêm một người thợ, lại là một người mới vào nghề?
Mình sẽ là một pound thịt. 2
"Tôi còn có lựa chọn sao?"
Đáp lại, Adelino quay qua mấy người Milan. "Cô ấy đồng ý rồi. Cứ sắp đặt cả đi."
Chiara và Semi ngẩng đầu lên khỏi tấm bảng với thoáng ngạc nhiên. Họ chưa hề cảm thấy sự tuân phục của Leonora là cái gì để phải nghi ngờ cả.
Cuối cùng Adelino chỉ còn lại một mình. Đầu ông đau buốt sau cuộc thảo luận kéo dài khi nhóm quảng cáo buộc phải có một số nhượng bộ với Leonora trong một trận chiến vì một khiếu thẩm mỹ cao. Ông liếc nhìn màn hình máy tính cũ, nơi có chân dung Corradino mười tuổi, trầm tĩnh và lặng im dưới tấm kính. Ông nói với cậu bé đã chết từ lâu.
"Ông có thể làm gì cho tôi, Corradino?"
Chợt nhận ra mình, ông quay qua cửa sổ. Cái bảng kẹp giấy đã về lại Milan nên ông có thể nhìn đăm đăm ra phá mà không bị che chắn, như một lái buôn ngày xưa chờ những con tàu của mình về đến cảng đầy tràn.
Chú thích
1 Hài kịch ứng tác ra đời ở Ý vào thế kỷ 15.
2 Nghĩa bóng: sự đòi hỏi hợp pháp nhưng quá đáng.