Số lần đọc/download: 7882 / 158
Cập nhật: 2015-08-05 20:17:40 +0700
Chương 12
T
rước khi làm chuyến đi dài này, trong những ngày thầy thuốc đoán ung thư phổi, việc duy nhất ta có thể làm là đi dạo trong các công viên ngoại thành. Mọi người nói rằng trong cái thành phố ô nhiễm này, chỉ còn không khí ở công viên là chất lượng tốt, hơn không khí các công viên ngoại thành. Những gò đống nho nhỏ nổi lên gần những bức tường thành của thành phố ngày xưa là những nơi thiêu xác và mồ mả. Gần đây chúng mới được cải tạo thành công viên do đô thị hóa những năm qua đã lấn tới các mồ mả bỏ hoang, người sống xây nhà trên các sườn đồi, tranh đất cát với người chết.
Bây giờ chỉ các mỏm đồi còn bỏ hoang; chất đống ở đấy các tấm đá trước kia từng là bia giờ không dùng đến. Người già quanh vùng sáng sáng đến đây tập thể dục và đưa chim của họ đi dạo. Quá chín giờ, khi mặt trời rọi vào đỉnh đồi, họ trở về nhà, lồng chim trong tay. Cuối cùng, một mình, trong yên tĩnh, ta lấy ở trong túi ra một quyển Kinh Dịch. Ta đọc, ta đọc, và dưới ánh nắng ấm áp ngày thu, ta cảm thấy giấc ngủ xâm chiếm ta. Ta nằm lên một lát đát kê đầu vào quyển sách làm gối. Ta nhớ lại trong đầu các nét của bát quái mà ta vừa đọc, hình ảnh mầu lam sáng loáng của chúng trôi lướt trên mặt ta đang đỏ ửng vì sức nóng mặt trời.
Thoạt đầu, ta không có ý định đọc. Ta đọc thêm hay bớt một quyển sách, ta đọc hay không đọc, sự đó không hoãn đi cái giờ thiêu xác ta. Nếu ta đọc Kinh dịch thì đó chỉ là việc thuần túy ngẫu nhiên. Một bạn thời thơ ấu, biết đến tình hình ta đã đặc biệt đến thăm ta để đề nghị giúp đỡ. Anh đã nói đến các thực hành thở của khí công, qigong. Anh nghe nói một số đã dùng cách này để trị ung thư, anh biết một người thực hành một thuật liên quan với bát quái. Anh đã khuyên ta cũng thử xem, ta hiểu ý tốt của anh. Đã đến giai đoạn này con người sẵn sàng làm tất cả để đi khỏi đó. Ta đã hỏi anh có thể xoay cho ta một quyển Kinh dịch mà ta chưa đọc bao giờ không. Ngay hôm sau, anh mang sách đến. Rất cảm động, ta tâm sự với anh rằng khi còn bé, ta đã nghi anh lấy cắp cái kèn ác-mô-ni-ca ta vừa mua. Ta đã quy tội oan cho anh, vì ta lại tìm thấy cái kèn. Anh có nhớ chuyện ấy không? Một cái cười làm rạng sáng khuôn mặt tròn trặn chắc nịch của anh và anh hơi ngượng nghịu bảo ta: Nói lại cái đó làm gì? Rút cục, chính anh bối rối chứ không phải ta. Rõ ràng anh không quên nhưng anh giữ tình bạn cho ta. Lúc đó ta nhận ra chính ta, ta đã phạm các lỗi lầm, và không phải chỉ người khác mới kết oan tội cho ta. Có phải đó là một ăn năn ở phía ta? Có phải đó là trạng thái tinh thần đi trước cái chết không?
Ta không biết trong đời mình, cuối cùng liệu có phải là ta đã tỏ ra bội bạc với người khác hay người khác bội bạc với ta. Ta biết một số đã thật tình yêu ta, như mẹ ta nay đã chết, một số đã ghét ta, như người vợ mà ta chia tay, nhưng tính sổ mà làm gì, lúc ta chỉ còn quá ít thì giờ để sống? Với những người ta đã tỏ ra bội bạc, cái chết của ta có lẽ sẽ là một đền bù, còn với những người khác, ta không thể làm gì được nữa. Cuộc đời chung quy chỉ là một nút những oán hận không thể gỡ, tình cờ liệu nó có một ý nghĩa khác không đây? Nhưng kết thúc nó như thế này thì thật là sớm. Ta nhận ra ta đã không sống một cách thỏa đáng bao giờ, và nếu ta có thể có một cuộc đời khác, có lẽ chắc chắn ta sẽ thay đổi cách sống của ta, với điều kiện một phép màu xen vào.
Ta không tin vào các phép màu cũng như không tin, lúc đầu, vào số mệnh, nhưng khi người ta ở vào một tình huống tuyệt vọng, còn lại chẳng phải là các phép mầu mà người ta có thể hy vọng vào đó đấy sao?
Mười lăm ngày sau, đến ngày giờ đã định, ta đến bệnh viện để làm nội soi như đã hẹn. Lo lắng, em ta quyết đi cùng ta, trái với ý ta. Ta không muốn để lộ tâm trạng của ta trước người thân. Một mình, ta có thể tự kiểm soát ta dễ hơn, nhưng ta thuyết phục sao nổi hắn. Ở bệnh viện cũng có một anh bạn thời trung học phổ thông đang làm việc, anh đã đưa ta đến thẳng gặp người phụ trách X quang.
Đeo kính, ngồi trên một ghế quay, sau khi đọc chẩn đoán ghi trong y bạ rồi xem các phim X quang của phổi ta, ông tuyên bố cần phải làm thêm một X quang phổi nữa. Ngay sau đó, ông thảo một lá thư để ta chụp lần nữa ở một bộ phận khác, nói rõ ông sẽ đi lấy phim trước khi chúng khô.
Một mặt trời tươi tắn mùa thu chiếu sáng. Trong nhà, đặc biệt mát. Ngồi trong gian phòng này qua cửa sổ nhìn tấm thảm cỏ ngập nắng, ta có một cảm giác về cái đẹp vô cùng. Trong quá khứ, ta chưa bao giờ nhìn nắng bằng cách này. Trong khi chờ rửa tráng phim trong phòng tối, ta ngắm mặt trời qua cửa sổ. Nhưng mặt trời ở quá xa còn ta thì lại phải nghĩ tới cái sắp xảy ra trước mắt ta lúc này. Nhưng như thế thì có đòi phải suy nghĩ nữa không đây? Tình cảnh ta giống y như tình cảnh kẻ giết người đang sắp đón nhận những cáo trạng gay gắt, đang chờ quan tòa tuyên án tử hình. Hắn chỉ còn hy vọng một phép màu can thiệp vào mà thôi.
Ta chợt nhận ra ta đang niệm thầm tên Đức Phật A di đà đã một lúc rồi, lúc nào không rõ, có lẽ vào lúc ta ngắm mặt trời qua cửa sổ. Ta niệm Phật lúc ta mặc lại quần áo, lúc ta đi ra cái phòng đầy chất máy móc mà trong đó người ta bảo người bệnh nằm dài ra, cái phòng giống như một xưởng giết người.
Trước lúc đó, nếu ta nghĩ có ngày nào đó ta niệm Phật thì chắc chắn ta sẽ thấy nó là hoàn toàn lố bịch. Hễ thấy trong chùa chiền các ông bà già thắp hương, quỳ gối lầm rầm gọi Đức Phật A di đà, ta lại đều cảm thấy thương hại cho họ. Cần nói rằng sự thương hại ấy không gần với sự thông cảm. Nếu phải diễn tả cảm tưởng này ra bằng lời thì đại khái nó sẽ là: "Ôi! những con người tội nghiệp, họ đáng thương, họ già yếu. Khi nào hy vọng của họ, dù chỉ nhỏ nhặt nhất, khó thực hiện thì họ chỉ còn biết cầu xin cho ý nguyện ấy của học được thực hiện về tâm lý". Ta không thể quan niệm một người đàn ông đang độ trung niên hay một người đàn bà đẹp lại có thể cầu nguyện. Khi nào chợt nghe thấy nói đến tên Đức Phật trong miệng những tín chủ trẻ tuổi, ta lại muốn cười to hay bày tỏ rõ một vẻ ác ý. Ta không thể nào hiểu được một người đang giữa hồi thịnh đạt lại bập vào ác trò dớ dẩn loại này, vậy mà hôm nay, ta đây, ta đã cầu nguyện hẳn hoi, với lòng thành tín lớn nhất, bằng tất cả trái tim ta. Số mệnh quá đỗi ác nghiệt mà con người thì quá đỗi yếu đuối. Đứng trước cùng quẫn, con người chẳng là cái gì hết.
Và trong khi chờ bản án tử hình của ta, ta thấy mình ờ trong cái tình huống mà chẳng là gì hết nữa ta đang ngắm nhìn mặt trời mùa thu qua cửa sổ và im lặng niệm Phật.
Người bạn học lâu ngày của ta không nhịn được nữa. Anh vào phòng tối, em ta theo sau. Người ta đã bắt em ta trở ra, hắn đành chỉ thập thò ở cửa phòng bộ phận X quang. Một lúc sau, đến lượt bạn ta ra để cũng chờ ở cái cửa này. Họ đã chuyển sự chú ý từ kẻ bị kết tội sang bản phán quyết tử hình. Cái ẩn dụ này không chính xác hẳn. Ta nhìn họ vào ra như một kẻ quan sát hoàn toàn ngoài cuộc, chỉ còn mải không ngừng niệm đi niệm lại thầm tên Phật. Thình lình ta thấy hai người họ kêu lên:
- Sao thế này?
- Không có gì cả à?
- Kiểm tra lại xem nào!
- Thì đã định trước là chiều nay chỉ có một cái chụp ngực thôi mà, trong phòng tối người ta cáu kỉnh trả lời.
Em ta và bạn ta cả hai đang cầm những cái kẹp giở phim lên xem. Người kỹ thuật viên cũng ra khỏi buồng tối, anh liếc học một cái, nói vài câu gì đó không rõ rồi không màng tới họ nữa.
Nam mô A di đà Phật. Thoạt đầu chúng thay cho lời khẩn cầu Đức Phật, bây giờ chúng đang hóa ra thành cái lời diễn ta nhạt nhẽo nhất của niềm vui. Tâm trạng đầu tiên của ta là như thế. Sau khi ta thoát ra khỏi cái tình thế tuyệt vọng nỏi trên Đức Phật đã quán chiếu đến ta, phép mầu đã linh nghiệm. Nhưng ta giữ niềm vui sướng ở trong lòng, không dám nông nổi để lộ cảm nghĩ của ta ra.
Ta không bao giờ yên tâm hẳn. Ta cầm tấm phim còn ẩm bằng hai ngón tay rồi đi đến ông phụ trách đeo kính nhờ cho kiểm tra lại.
Ông nói, giang hai tay ra, cử chỉ hết sức kịch:
- Quá tốt, không ư?
- Có phải làm cái gì khác nữa không? Ta hỏi, về chuyện nội soi.
- Làm cái gì chứ? Ông hỏi ta với cái giọng quở mắng. Ông có quyền như thế. Ông cứu mạng sống con người mà.
Rồi ông cho ta đứng vào trước máy X quang, bảo ta thở mạnh, ho, quay người, sang trái, sang phải.
Thực ra ta chẳng nhìn thấy rõ cái gì cả: trong não ta, là cháo đặc, trên màn hình đen trắng là xương ngực ta.
- Chẳng có cái gì hết, đúng không? Ông lại nói với cái giọng quở mắng, tựa như ta cố tình kiếm phiền toái cho ông vậy.
- Nhưng giải thích như thế nào về cái người ta thấy trên các phim chụp phổi kia? Ta không thể ngăn mình hỏi ông câu này.
- Nếu chẳng có gì thì là chẳng có gì cả. Nó đã biến mất. Giải thích nó như thế nào? Một trận cúm, bị viêm phổi đều có thể làm hiện ra một cái bóng. Và nó biến mất khi bệnh khỏi.
Ta đã không hỏi gì về vấn đề tâm trạng. Các tâm trạng có thể làm cho hiện ra những cái bóng không?
- Hãy sống yên ổn, người trẻ tuổi! Ông cho ghế bành quay đi và không để ý đến ta nữa.
Đúng thế, ta vừa mới sống lại, ta cảm thấy mình còn trẻ hơn cả một đứa bé sơ sinh.
Em ta đã hấp tấp đạp xe đi, vì hắn còn có một cuộc họp.
Ánh nắng lại thuộc về ta. Ta có quyền hưởng nó. Ngồi trên một cái ghế tựa, ở rìa thảm cỏ, anh bạn học cùng lớp bắt đầu hùng hồn nói đến số phận. Người ta chỉ nói đến số phận lúc không còn cần thiết nữa.
- Cuộc sống là một cái gì kỳ diệu, anh nói, tuyệt đối là một hiện tượng của ngẫu nhiên. Có thể tính số lượng các khả năng tính tồn tại trong trật tự các nhiễm sắc thể nhưng các vận may bày ra cho một đứa bé sơ sinh thì có thấy trước được không?
Anh thao thao bất tuyệt. Anh hùng về di truyền học. Khi anh viết luận văn tốt nghiệp, cái kết luận mà anh đi đến lúc kết thúc các thí nghiệm của anh đã không trúng với ý kiến của người đứng đầu nhóm chỉ đạo anh và trong một lần tiếp xúc, anh đã nói trái với bí thư chi bộ đảng cũng của nhóm này. Thế là tốt nghiệp xong, anh bị cử đến một trại ở dẫy núi Đại Hưng An để chăn nuôi hươu. Sau này, anh chỉ được bổ về một trường đại học mới lập ở Đường Sơn khi mà nhiều sự rắc rối đã chấm hết. Ở đấy anh đâu ngờ tới sẽ bị "lôi ra khỏi hang ổ" và bị kết tội là "tay sai của hắc bang phản cách mạng". Anh đã chịu đựng những nỗi thống khổ trong gần mười năm trước khi người ta kết luận: "Thiếu bằng chứng". Ai có thể nghĩ rằng trước trận động đất ở Đường Sơn mười ngày, anh đã bị điều đi nơi khác, và những người từng làm cho anh đau đớn thì bị chết hết trong những tòa nhà đổ sụp của họ? Ban đêm, không ai chạy kịp ra khỏi nhà.
- Trong tăm tối, mỗi người một số mệnh! Anh nói.
Còn ta, ta phải suy nghĩ về cách sống của ta, bây giờ khi mà ta vừa mới có một cuộc đời mới.