That is a good book which is opened with expectation and closed with profit.

Amos Bronson Alcott

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Mạnh Hùng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 287 / 20
Cập nhật: 2020-04-04 20:31:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
úng như Mác-tư-nốp hy vọng, bà con trong các nông trang hoan nghênh việc đưa các cán bộ có cương vị quan trọng của huyện về công tác ở nông thôn. Các nông trang viên đã đọc bài tường thuật đăng trên báo địa phương về cuộc họp đảng viên nòng cốt của huyện, tại khắp nơi, trong các cuộc họp bầu ban quản trị, nông trang viên hầu như reo hò hoan nghênh những người tình nguyện. Riêng ở một vài nơi là có vướng mắc.
Mác-tư-nốp thân hành đưa Plốt-ni-cốp, trưởng phòng giáo dục huyện về nông trang “Người dân cày đỏ” và tại đây anh gặp một người quen cũ - cụ Ti-khôn An-đrô-nô-vích Xtu-pa-cốp, ông già chở nhiên liệu cho đội máy kéo. Ở nông trang này, các nông trang viên không hẳn là phản đối việc thay thế lãnh đạo (thực ra, chẳng có lý do gì mà phản đối: chủ tịch cũ đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quản lý luộm thuộm và tiêu lạm công quỹ), chẳng qua là ý kiến của họ nhắm vào một hướng khác.
Người lên tiếng đầu tiên là cụ Xtu-pa-cốp:
- Đồng chí Mác-tư-nốp, đồng chí còn nhớ chứ, hồi mùa đông, đồng chí đến nhà tập thể của thợ lái máy kéo chúng tôi, chúng tôi có bàn về việc tiến lên nông trường quốc doanh và đồng chí có nói rằng tôi đi quá trớn. Làm như chỉ một mình tôi muốn đưa nông trang lên thành nông trường quốc doanh, còn ngoài ra, đồng chí chưa hề nghe ai nói đến chuyện ấy. Vậy bây giờ xin đồng chí hãy nghe cả cuộc họp lên tiếng, chứ không phải là một mình tôi.
Các nông trang viên xôn xao:
- Chúng tôi đồng ý tất, ngay hôm nay cũng được!
- Chúng tôi không hề có ý gì bài bác đồng chí Plốt-ni-cốp, có thể đồng chí ấy sẽ là một chủ tịch tốt, nhưng cứ chuyển chúng tôi lên nông trường quốc doanh là hay hơn cả!
- Chúng tôi sẽ xin với đồng chí An-đrây Ma-ca-rô-vích Cu-lê-bi-a-kin! Đề nghị đồng chí ấy tiếp nhận toàn thể chúng tôi cùng với tất cả tài sản! Đề nghị làng chúng tôi sẽ là một bộ phận của nông trường quốc doanh.
- Ở nông trang chúng tôi, hộ nào cũng có những người vẫn đi làm từng vụ ở nông trường quốc doanh.
- Đối với chúng tôi, bây giờ chỉ cần làm thủ tục cho hợp thể thức mà thôi.
- Ở nông trường quốc doanh có lương cố định.
- Lề lối làm việc ở đấy cũng khác. Có kỷ luật! Vì thế năng suất mùa màng của họ cao, mỗi con bò cho năm nghìn lít sữa một năm!
- Chứ đâu có như ở chúng ta. Ở đấy không đời nào có chuyện đội trưởng say rượu không đi làm.
- Nếu có cán bộ lãnh đạo thì ngay cả nông trang chúng tôi cũng có thể trở thành nông trang khá được, nhưng về việc gia nhập nông trường quốc doanh thì chúng tôi không phản đối.
- Đồng chí nghe thấy chưa, đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích? - cụ Xtu-pa-cốp lại đứng lên, - Có phải một mình tôi đâu, bà con đều nói cả đấy nhé. Đồng chí không thể tìm thấy ở đây một người nào chống lại đề nghị ấy đâu. Mà chống làm gì kia chứ? Giả dụ chúng tôi được tổ chức thành một bộ phận của nông trường quốc doanh thì ai ở đâu vẫn ở đấy, vườn rau vẫn là của mình, bò, lợn, tất cả vẫn nguyên như trước, nhưng lại là làm việc trong nông trường, có lương hẳn hoi. Ta sẽ dùng tiền ấy mua bánh mì, ngoài ra chẳng cần chi gì thêm về khoản ăn uống, thức ăn thì cây nhà lá vườn, số tiền còn lại dùng để sắm sửa quần áo, giày dép. Sống thế mà không sướng ư? Trước là nông trang viên, bây giờ trở thành công nhân. Như thế càng tốt hơn, gần chế độ cộng sản hơn! Còn về cái gọi là... cướp... cướp đoạt... hay gọi là thế nào nhỉ?
- Tước đoạt tài sản, - có người nào nhắc.
- Đúng! Về chuyện đó thì đồng chí đừng nghi ngại, tôi sẽ không oán thán nếu tài sản của chúng tôi được chuyển sang nông trường quốc doanh, tôi nói không sai chút nào. Người ta đã quên từ lâu những thứ mình đã góp vào làm tài sản chung khi gia nhập nông trang. Hiện giờ chẳng ai còn giữ những thứ giấy tờ ấy nữa. Chẳng những thế, tất cả những gì mà chúng tôi gây dựng được trong nông trang, các loại nhà cửa, dụng cụ, xin cũng đưa vào nông trường quốc doanh luôn. Sớm hay muộn rồi cũng đến một lúc tất cả đều là của một ông chủ. Quyền sở hữu của toàn dân!
- Nếu lấy như thế là không đúng luật, coi như lấy không tài sản của nông trang chúng tôi, thì làm bằng cách Nhà nước chuộc lại vậy.
- Thì chúng ta cũng còn nợ Nhà nước khá nhiều, đủ các khoản cho vay dài hạn. Có lẽ sẽ chẳng ai phải trả thêm cho ai đâu.
Nông trang “Người dân cày đỏ” nằm trong nửa vòng tròn tạo nên bởi đất đai của nông trường “Tsê-li-u-xkin”, một nông trường chăn nuôi lớn. Việc tổ chức làm ăn ở đấy đã được coi là kiểu mẫu, giám đốc nông trường An-đrây Ma-ca-rô-vích Cu-lê-bi-a-kin nổi tiếng khắp vùng là một người tổ chức giỏi, một nhà nông học có tài, người xây dựng không biết mệt mỏi. Các nông trang viên thấy rõ rành rành là hàng năm, bất kể thời tiết thế nào, ngay cả khi hạn hán, công nhân của nông trường vẫn thu hoạch được những vụ lúa và cỏ nuôi gia súc rất tốt. Nông trường có câu lạc bộ, tối tối thanh niên các nông trang trong vùng vẫn kéo đến vui chơi. Trên các bức tường câu lạc bộ, chỗ nào cũng thấy treo những bằng khen và bằng danh dự tặng cho nông trường để biểu dương thành tích chăn nuôi gia súc đạt năng suất cao, và những thành tích kinh tế khác. Số vật nuôi trong các trại không ngừng tăng lên. Các công trình xây dựng mới mọc lên, nông trường ngày càng cần nhân công và nhiều nông trang viên của nông trang “Người dân cày đỏ” đã từng làm việc ở đây, làm từng mùa vụ, tạm thời chưa bỏ hẳn nông trang của mình.
Tiếp theo Xtu-pa-cốp có chừng mười lăm người lên phát biểu, người nào cũng nói về việc nên sát nhập nông trang của họ vào nông trường quốc doanh “Tsê-li-u-xkin”, tổ chức nó thành một bộ phận của nông trường quốc doanh.
- Các nông trang khác thì chúng tôi không biết thế nào, đồng chí Mác-tư-nốp ạ, - một nông trang viên kết luận, - chúng tôi không biết ý bà con ở đấy ra sao, nhưng về phần chúng tôi, thì chúng tôi xin nói rõ: chúng tôi đồng ý. Nếu chỉ còn một mối nghi ngại là chúng tôi có thích trở thành công nhân không thì xin trả lời: thích quá đi chứ! Ở đâu có giai cấp công nhân ở đấy có kỷ cương hơn.
Mác-tư-nốp thỏa thuận với các nông trang viên như sau: nhất thiết không được lơ là việc củng cố nông trang, phải thay thế cán bộ lãnh đạo (Plốt-ni-cốp được nhất trí bầu làm chủ tịch), tiếp tục làm việc như trước theo Điều lệ sản xuất tập thể nông nghiệp. Trong thời gian đó, nếu tình hình ở đây đã chín muồi, sẽ triệu tập hội nghị toàn thể, ra quyết nghị nói rằng tất cả nông trang viên nhất trí yêu cầu sát nhập nông trang mình vào nông trường “Tsê-li-u-xkin” và bản thân các nông trang viên muốn trở thành công nhân của nông trường, rồi gửi quyết nghị lên Hội đồng bộ trưởng ở Mát-xcơ-va.
Ở một nông trang khác, nông trang “Kỷ niệm những người tháng Chạp”, Mác-tư-nốp phải mướt mồ hôi mới vận động được hội nghị ra quyết nghị bãi chức chủ tịch cũ, ông ta quả là một con sâu rượu. Nông trang viên không chê bai gì ông chủ tịch mới. Người được Mác-tư-nốp giới thiệu với hội nghị là Su-kin, huyện ủy viên, chủ nhiệm chi nhánh ngân hàng, - nhưng họ cũng không muốn bãi chức chủ tịch cũ là Gri-sen-cô. Gri-sen-cô trước là phi công lái máy bay khu trục, đại úy dự bị, ngực đeo ba cuống huân chương, ngồi ở bàn đoàn chủ tịch, nom đến là thảm hại, mặt húp lên sau cơn say bí tỉ, và hình như từ sáng đã kịp “làm tí chất cay”, vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn, râu ria không cạo, dửng dưng với mọi sự việc xảy ra trong câu lạc bộ của nông trang.
- Không nên bãi chức đồng chí ấy, đồng chí Mác-tư-nốp ạ! - các nông trang viên khăng khăng không nghe. - Trước đây đồng chí ấy là người rất tốt! Giản dị, hồ hởi. Đồng chí ấy đã từng làm cho nông trang chúng tôi tiến vọt hẳn lên! Hai năm đầu, đồng chí ấy làm việc tận tụy đến nỗi chúng tôi cứ cầu trời cho đồng chí ấy, xin đừng để đồng chí ấy đi làm công tác khác. Nhiều đêm đồng chí ấy không ngủ, chạy ngược chạy xuôi trên đồng, đến các trại chăn nuôi. Đồng chí ấy khuyên nhủ, dẫn chứng, chuyện trò, khiến cho kẻ quen thói biếng nhác đến mấy cũng phải nghe ra.
- Sống chết với một ông chủ tịch như thế thật cũng đáng lắm chứ!
Mác-tư-nốp thắc mắc:
- Làm cho nông trang vươn được lên, rồi lại chính mình làm cho nông trang tụt lùi à?..
- Cái ấy thì không chối cãi được. Đồng chí ấy đã làm cho nông trang tụt lùi... Bây giờ chúng tôi lại trở thành một nông trang kém nhất.
- Vậy thì phải bãi chức chủ tịch của đồng chí ấy, vì đồng chí ấy đã tỏ ra không xứng đáng với lòng tin cậy của bà con, ai tán thành đề nghị này?..
Trong phòng họp, không ai giơ tay. Phụ nữ khóc nức nở, lấy đầu khăn vuông lau nước mắt.
- Phải thương đồng chí ấy, đồng chí Mác-tư-nốp ạ! Bãi chức là thế nào? Nhục cho đồng chí ấy quá!
- Đồng chí ấy đã tốn bao công sức gây dựng nông trang chúng tôi!
- Nhưng đồng chí ấy uống rượu vốt-ca còn nhiều hơn!.. Các đồng chí ạ, những người nghiện rượu gây tác hại vô kể cho công cuộc xây dựng nông trang, vì vậy chúng ta phải khơi lên trong toàn dân ngọn lửa căm giận đối với họ. Chúng tôi nhất định không để cho những người nghiện rượu nắm quyền lãnh đạo ở bất cứ nơi nào! Nghe nói không ngày nào ông chủ tịch của các đồng chí không say rượu bét nhè. Ngay cả lúc này, các đồng chí hãy nhìn xem, ông ta đến họp mà đã tỉnh rượu đâu kia chứ?
- Cơn say cũ đấy thôi, đồng chí Mác-tư-nốp ạ.
- Ông ấy sống bằng rượu. Nếu bây giờ ông ấy phải bỏ rượu thì chỉ trong vòng một tháng là hồn lìa khỏi xác.
- Ai tán thành bãi chức Gri-sen-cô?
Trong phòng họp vẫn không có chuyển biến gì, hai ba cánh tay giơ lên tán thành bãi chức ông chủ tịch. Tiếng thở dài, tiếng nức nở...
- Đồng chí Mác-tư-nốp! Chính chúng tôi làm cho đồng chí ấy hư hỏng, - một nữ nông trang viên lên tiếng. - Chính chúng tôi làm cho đồng chí ấy hư hỏng, lỗi tại chúng tôi, vậy mà bây giờ đồng chí lại bắt chúng tôi bỏ phiếu bãi chức đồng chí ấy!.. Nông trang thì lớn, bà con thì nhiều, đồng chí ấy chỉ có một mình. Chỗ thì làm lễ rửa tội, chỗ thì ma chay, chỗ thì cưới xin, chỗ thì tiệc mừng nhà mới. Vậy mà chúng tôi không biết điều tý nào, cứ mới đồng chí ấy: “Thế nào cũng đến vui với chúng tôi nhé, đồng chí Ni-cô-lai An-đrây-ê-vích. Nể lời chúng tôi một tý, chớ khinh rẻ lòng mến khách của chúng tôi!” Chúng tôi không hiểu rằng nếu đồng chí ấy uống ở mỗi nhà một cốc thì tính ra sẽ là bao nhiêu? Phải bằng một cái toa xi-téc! Chính chúng tôi là những kẻ vô lương tâm, chứ không phải là đồng chí ấy! Vì thế, đồng chí ấy đâm ra quen với cái chất độc ấy, đến nỗi bây giờ không thể sống một ngày không có nó!
- Khi thì cưới xin, khi thì lễ lạt, thế khi mượn một chiếc xe tải ra chợ thì cũng đem một chai rượu đặt lên bàn chứ gì?
Cả phòng họp xôn xao phẫn nộ.
- Chuyện không có thì không thể dựng đứng lên được! - Chớ vu oan cho đồng chí ấy, đồng chí Mác-tư-nốp!
- Đồng chí ấy không làm những trò như thế đâu! Đồng chí ấy không phải là kẻ ăn của đút!
Hơi bối rối, biết là mình lỡ lời, Mác-tư-nốp liếc nhìn Gri-sen-cô ngồi bên bàn, đang ngủ gà ngủ gật.
- Xin lỗi. Như vậy là đồng chí ấy chỉ nghiện rượu nặng thôi, chứ vẫn là người ngay thẳng phải không?
- Đúng thế, vẫn là người ngay thẳng!
- Đồng chí ấy chỉ uống rượu thôi, ngoài ra chẳng có tội lỗi gì!
- Nhưng chắc hẳn trong nông trang của các đồng chí, vẫn có kẻ lợi dụng cơ hội ấy, - Mác-tư-nốp nói tiếp. - Một khi ông chủ tịch quanh năm ngày tháng say rượu bét nhè thì tuy bản thân ông ta không làm những việc xấu xa, nhưng những kẻ khác tha hồ làm bậy.
- Điều ấy thì đồng chí nói đúng. Tục ngữ có câu: vắng chúa nhà gà vọc niêu tôm!
- Ở đây họ đã tổ chức một trại gà trống.
- Trại gà trống như thế nào?
- Ở nhà một ông đội trưởng của chúng tôi thường có cuộc tự họp đánh bạc ăn tiền, chơi bài “gà trống”. Chúng tôi đặt cho họ cái tên là trại gà trống.
- Chính cái bọn ở trại gà trống ấy là chúa ăn của đút. Khi có việc gì cần, nếu không có chai rượu thì chờ đến gặp chúng làm gì cho hoài công!
- Lợn con bán cho chúng tôi thì không có, nhưng bọn chúng lại lấy mỗi đứa một con lợn cái và một con lợn đực con, tính vào ngày công!
- Chúng bán cỏ khô của nông trang lấy tiền uống rượu.
- Phần thì bán đi lấy tiền uống rượu, phần thì để mục thối ra. Chẳng có ai cai quản những người cho súc vật ăn, trông coi xem họ làm việc ra sao. Họ đánh đống cỏ ẩu đến nỗi khi trời mưa, nước thấm xuống đến tận dưới cùng.
- Trăm sự chỉ là vì nông trang các đồng chí không có người đứng đầu, - Mác-tư-nốp nhất quyết không đổi ý. - Không thể để như thế được nữa.
- Khổ chưa, đồng chí Gri-sen-cô! - một nông trang viên đập chiếc mũ mềm xuống chiếc ghế dài, nói bằng giọng chua xót. - Nếu như ngay từ đầu, đồng chí không bước chân đến ngôi nhà đầu tiên người ta mời đồng chí tới thì mọi sự đều ổn cả. Đồng chí cứ bảo: xin lỗi, tôi không thể đến được, bác sĩ cấm tôi không được uống rượu, đừng nài ép tôi, một giọt tôi cũng không uống đâu. Như thế rồi người ta sẽ quen đi, đinh ninh rằng đồng chí không uống được rượu, không nghĩ gì đến chuyện mời đồng chí nữa. Nhưng một khi đồng chí đã đến nhà một người, thì lại phải nhận lời mời của những người khác nữa, không thì người ta giận. Người ta sẽ trách: sao lại thế, đồng chí chủ tịch, nhà nọ có đám cưới, nhà kia tổ chức ngày sinh của một người nào đó, đồng chí đều đến ăn uống, vui chơi, vậy mà lại không thèm đến dự tiệc mừng nhà mới của chúng tôi ư. Ấy chính bởi thế đồng chí bị sa ngã, là bởi đồng chí nhu nhược! Thiếu cương quyết!
- Mà tính tình thiếu cương quyết thì không làm chủ tịch được, Gri-sen-cô đã tỉnh hẳn, đứng lên. - Thôi đừng làm mất thời giờ nữa, biểu quyết đi. Chính tôi sẽ biểu quyết tán thành việc cách chức tôi! Đã mất tốc độ... Tôi nói thế là đúng đấy, các đồng chí ạ. Đối với các đồng chí, bây giờ tôi như một lớp băng bám trên cánh, tôi làm cho nông trang sa sút... Hãy bầu đồng chí Su-kin đây này. Tôi biết đồng chí ấy từ hồi còn làm ở ngân hàng kia. Tôi đã từng cà nhau với đồng chí ấy. Tay này biết cách làm ăn đây! Cừ đáo để!.. Xin hết lời...
Ông ta lặng hẳn người đi, lại ngồi xuống, gần như gieo mình xuống ghế.
Mác-tư-nốp nghĩ một lát, rồi trình bày đề nghị của mình một cách rõ ràng hơn:
- Chúng ta sẽ không trừng phạt đồng chí ấy. Đồng chí ấy ốm, cần chữa bệnh cho đồng chí ấy. Có những bệnh viện chuyên chữa người ốm vì nghiện rượu. Chúng ta sẽ tìm cách chữa cho đồng chí ấy khỏi, đưa đồng chí ấy trở lại đời sống bình thường!.. Ta hãy ghi như thế này: “Để đồng chí Gri-sen-cô thôi giữ chức chủ tịch nông trang, đưa đồng chí ấy đi chữa bệnh”. Thế đấy: không phải là bãi chức, mà là đồng ý cho thôi giữ chức vụ... Còn đối với chủ tịch mới, đồng chí Su-kin, nếu đồng chí ấy được bà con bầu lên, đây sẽ là một điều răn nghiêm ngặt! Phải kiên quyết ngay từ đầu! Và các đồng chí nông trang viên ạ, các đồng chí cũng cần phải rút kinh nghiệm, đừng làm tội ông chủ tịch bằng lòng mến khách của mình, đừng xô đẩy đồng chí ấy vào vòng “cám dỗ”, và cũng phải giữ ngay từ đầu! Chớ mời đồng chí ấy đến làm chủ hôn, làm cha đỡ đầu. Có cưới xin hay làm lễ đặt tên con thì cũng đừng mời ông chủ tịch. Thật vậy, với một nông trang như nông trang các đồng chí, tám trăm hộ, có thể làm cho một con voi cũng nghiện rượu, chứ đừng nói gì đến một con người!..
Thế rồi, vừa cười vừa khóc, các nông trang viên rốt cuộc vẫn biểu quyết cho Gri-sen-cô thôi việc và bầu Su-kin làm chủ tịch nông trang.
Giơ-ba-nốp về làm bí thư tổ chức Đảng ở trạm máy kéo Ô-lê-si-nô, Bư-va-lức làm chủ tịch nông trang, cả hai đều chưa đưa gia đình đi vội, vẫn để ở trung tâm huyện... Một người có lẽ hy vọng cấp trên sẽ không phê chuẩn việc mình rời bỏ chức vụ cán bộ kiểm tra năng suất mùa màng về công tác ở nông trang. Người kia không rõ trông mong vào cái gì, có lẽ anh ta hy vọng rằng làm việc ở cơ sở một thời gian, rồi dần dà anh ta sẽ lại được cất nhắc lên giữ một chức vụ nào đó ở huyện.
Giám đốc nhà máy chế biến thịt Cô-ri-a-ghin có lẽ đã được một người nào đó hiểu biết chút ít y học “bầy vẽ cho” cách gây nên cơn viêm ruột thừa cấp tính, xe cấp cứu đưa ông ta đến bệnh viện. Ở đấy người ta mổ cho ông ta, không hề phát hiện thấy chứng viêm ruột thừa. Các bác sĩ cắt một mẩu manh tràng, khâu bụng ông ta lại và bảo: “Thôi được, bây giờ vừa mổ xong, đồng chí sẽ nằm điều dưỡng một thời gian cho lại sức, rồi đồng chí có thể mạnh dạn đi về một nông trang hết sức thiếu tiện nghi, thậm chí đến cả trạm y tế cũng không có nữa kia. Chúng tôi đảm bảo hoàn toàn rằng đồng chí không bao giờ mắc bệnh viêm ruột thừa”.
Hội nghị đảng viên nòng cốt họp hôm trước thì hôm sau Cô-rốp-kin đến huyện ủy gặp Mác-tư-nốp. Anh ta tái xanh, nom anh ta hốc hác, gầy rộc hẳn đi qua một đêm.
- Đồng chí Mác-tư-nốp tôi không thể đi được!.. - anh ta rên rỉ, ngồi xuống bên bàn, rũ đầu xuống, đưa tay xoa quãng đầu hói màu sáp ong, coi bộ bồn chồn lắm. Ngay cả chỗ đầu hói của anh ta, thường ngày bóng nhoáng như đánh véc-ni, hôm nay dường như cũng hơi mờ đục đi, hằn lên những vết nhăn. - Tôi không thể đi được... Ở đấy tôi sẽ phát điên lên mất. “Ở nông trang mãi mãi!” Đồng chí hãy rộng lòng hiểu cho! Mỗi người thích nghi với một hoàn cảnh sống. Có thể là tôi có bệnh. Có lẽ từ thuở bé, đã xảy ra một việc gì làm tôi kinh hoàng suốt đời... Thứ bùn lầy mùa thu ấy, những đêm đông dài dằng đặc ấy, dưới ánh đèn dầu hỏa, tiếng chó sủa dai dẳng. Buồn não ruột!.. Tôi không thể không khiếp sợ khi nghĩ đến những chuyện ấy. Ở đấy tôi sẽ ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi sẽ đâm ra ốm nặng và không còn làm được gì nữa. Tôi sẽ chẳng đem lại được ích lợi gì cho ai.
Mác-tư-nốp vừa nghe Cô-rốp-kin vừa chớp mắt một cách ngạc nhiên. Lời lẽ và bộ dạng của gã mới thảm hại làm sao chứ, gã trẻ khỏe, cao lớn, nom rất có mẽ. Xưa nay, đến các phòng làm việc, bao giờ gã cũng đi đứng rất đàng hoàng, tự tin. Tại các cuộc họp toàn thể huyện ủy, gã nói như thánh như tướng: “Một số chủ tịch nông trang phạm một sai lầm tội lỗi là đánh giá thấp tầm quan trọng của việc xây bể ủ thức ăn tươi cho gia súc. Tôi đề nghị chỉ thị cho các đồng chí ấy rõ rằng làm ngừng trệ việc xây các bể ủ thức ăn tươi là không thể được!..” Gã mất hết tinh thần rồi! Quả thật, đưa một gã yếu thần kinh như thế này về một nông trang chậm tiến thì những cơn bệnh thần kinh sẽ bắt đầu nổi lên, đánh gục hắn mất.
- Có một cách để khỏi phải dùng đèn dầu hỏa, - Mác-tư-nốp nói. - Xây trạm phát điện. Xây dựng không phải là việc mới lạ đối với đồng chí, đồng chí là trưởng phòng xây dựng của Xô-viết huyện kia mà.
- Xin chớ nói đùa, đồng chí Mác-tư-nốp ạ!.. Đâu phải chỉ có chuyện đèn dầu hỏa!.. Nói chung là tôi chán ghét toàn bộ nếp sống ở nông thôn. Sự chán ghét đó vốn có sẵn trong máu tôi. Thành thị, giai cấp công nhân bao giờ cũng có sức thu hút không thể cưỡng lại được đối với tôi!..
- Khoan đã, đồng chí Cô-rốp-kin! Tại sao lại có sẵn trong máu? Theo tôi nhớ, tôi đã đọc lý lịch của đồng chí, bản thân đồng chí xuất thân từ nông dân, đồng chí lớn lên ở nông thôn kia mà?
- Tôi xuất thân từ nông dân, đúng thế, nhưng tôi chưa từng có ý định mãi mãi ở lại làng quê. Thậm chí tôi chưa từng cầm cày bao giờ. Cho đến giờ tôi vẫn không biết đóng ngựa vào xe tải. Khi tôi vào đoàn thanh niên, các đồng chí lập tức giao cho tôi giữ việc văn thư ở Xô-viết xã. Rồi tôi phụ trách việc cấp giấy thông hành. Tôi không ở với bố tôi nữa, tôi đến ở nhà một gia đình có văn hóa, nhà của một thú y sĩ. ở đây sạch sẽ, đủ tiện nghi. Hồi được kết nạp vào Đảng, tôi cũng không làm việc ở nông trang, tôi làm ở cơ quan bảo hiểm quốc gia, rồi làm chủ nhiệm hợp tác xã cung tiêu, làm chủ nhiệm lò ấp trứng, phụ trách nhà xay. Rồi sau xảy ra hỏa hoạn. Nhà xay cháy sạch, tôi được lấy lên huyện... Đồng chí Mác-tư-nốp! - Cô-rốp-kin van vỉ. - Xin đồng chí cho tôi đi học trường Đảng của tỉnh.
- Tôi e rằng đồng chí sẽ cứ phải về làm việc ở nông trang. Còn việc đi học thì hãy khoan đã.
Cô-rốp-kin thọc tay vào mặt trong áo vét-tông, bằng những ngón tay run run, lấy ở túi ngực ra một vật gì không rõ, đặt lên đùi, dùng bàn tay che kín đi.
- Cái gì đấy? - Mác-tư-nốp hỏi.
- Nếu vậy... Sự tình đã đến nước như thế, tôi không còn cách nào khác... Nếu đồng chí không đặt mình vào địa vị của tôi...
- Đồng chí lấy cái gì trong túi ra thế?
Cô-rốp-kin giơ cho Mác-tư-nốp thấy tấm thẻ đảng:
- Đồng chí nên hiểu cho, đồng chí Mác-tư-nốp. Tôi đành đi cái bước này, cũng không phải là dễ dàng gì. Nhưng cực chẳng đã... Tôi không thể làm cách nào khác!.. Vợ tôi không đời nào chịu về nông trang... Thế thì chúng tôi phải ly dị nhau ư? Chúng tôi đã chung sống với nhau mười lăm năm, có con cái...
- Thôi được, nếu chính anh trả lại... - Mác-tư-nốp giằng tấm thẻ đảng của Cô-rốp-kin ra khỏi những ngón tay nắm rất chắc, co quắp lại trong cơn kinh giật. Anh mở tủ sắt, cất tấm thẻ đảng vào, rồi khóa lại; - Tôi tạm cất vào đấy. Rồi thế nào chúng tôi cũng gọi anh lên ban thường vụ.
Vì muốn biết rõ tâm địa con người này, Mác-tư-nốp gắng tự chủ, tạo ra một vẻ mặt dường như lấy làm tiếc về việc vừa xảy ra, bắt đầu nói bằng giọng thông cảm, hỏi Cô-rốp-kin:
- Này, thế sau đó đồng chí định làm gì, sống bằng cách gì? Đồng chí Cô-rốp-kin, đồng chí nên hiểu, bây giờ chúng tôi còn để đồng chí làm công tác lãnh đạo trong Ban chấp hành Xô-viết huyện thì thật không tiện.
- Chính tôi cũng biết là không tiện. Không sao, tôi sẽ tìm một việc làm. Dù sao, tôi là một người có học thức, có kinh nghiệm... Đành rằng lương sẽ không được như trước,.. Vợ tôi là kế toán, công việc không có gì thay đổi, tôi có nhà riêng. Chúng tôi có một khu vườn tốt... Chúng tôi sẽ sống được.
Mác-tư-nốp đứng lên, đi trong phòng:
- Đồng chí bảo là giai cấp công nhân có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với đồng chí ư? Thế thì tại sao thời thanh niên, lúc còn là đoàn viên, đồng chí không đến Ma-gơ-nhi-tơ-goóc-xcơ? Ở huyện Tơ-rô-ít-xcơ của chúng ta có nhà máy gì đâu?.. Đồng chí ham thích lọ mực, chứ không phải là yêu mến giai cấp công nhân. Viên ký lục!.. Rời bỏ thẻ đảng một cách dễ dàng.
Mác-tư-nốp không kiên nhẫn được nữa. Anh đi về phía cửa ra, dùng khuỷu tay thúc mạnh, mở toang cánh cửa, khẽ nói bằng giọng đột nhiên trở nên tức giận, khàn khàn;
- Xéo đi, tên ích kỷ hèn nhát!..
Cô-rốp-kin khom mình, lập tức lùn hẳn xuống đến nửa mét, hai vai run rẩy, luồn ra khỏi cửa.
Hắn bị khai trừ ra khỏi Đảng tại phiên họp đầu tiên của thường vụ. Cũng trong cuộc họp đó, thường vụ khai trừ luôn cả Phê-đu-lốp. Xem xét thật kỹ thì té ra nhân vật này cũng không có gì phức tạp: Y cũng là một “viên ký lục”, đồng thời cũng là một tên gian giảo. Kết quả điều tra cho biết, ngoài gỗ để làm ngôi nhà ở thành phố, y còn moi ở các kho ngũ cốc và kho hàng của nông trang “Đấu tranh” nhiều thứ khác, đủ các loại “tính theo giá thành” và dập tắt tất cả những tín hiệu đã lọt đến Xô-viết huyện, báo động về tình trạng bê bối trong nông trang ấy. Phê-đu-lốp bị khai trừ ra khỏi Đảng và bị đưa ra tòa. Việc xét vụ Cô-ri-a-ghin vờ tạo ra bệnh viêm ruột thừa phải hoãn cho đến khi ông ta ra viện,
Một tuần sau, ở tất cả các nông trang mà huyện ủy định thay thế lãnh đạo, các chủ tịch mới đã được bầu lên. Ru-đen-cô, Gri-bốp, Ni-cô-len-cô chuyển luôn cả gia đình về chỗ ở mới. Tại các cơ quan huyện, các thủ phó tạm thời thay quyền các đồng chí đã về nông trang.
Trong mấy ngày ấy, Mác-tư-nốp nhận được nhiều bức điện, nhiều cú điện thoại từ trung tâm tỉnh và thậm chí từ Mát-xcơ-va gọi về:
- Đồng chí N. là cán bộ thuộc ngành chuyên môn của chúng tôi. Sao đồng chí điều động đồng chí ấy sang công tác khác mà không bàn gì với chúng tôi cả.
- Công tác khác là công tác nào, ta hãy nói với nhau cho rõ. Đây là một công tác rất quan trọng. Chúng tôi không điều đồng chí ấy đi bán nước giải khát có hơi. Chúng tôi đưa đồng chí ấy lên tuyến đầu của cuộc đấu tranh, cử đi làm chủ tịch nông trang.
- Làm việc như thế là tự tiện!..
Khi tiếng nói trong điện thoại trở thành tiếng quát tháo, Mác-tư-nốp trả lời:
- Hãy kiện lên Ban chấp hành Trung ương về hành động của chúng tôi. Chúng tôi hiểu nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng Chín như thế này: đưa các cán bộ ưu tú về các nông trang. Nếu chúng tôi hiểu sai thì cấp trên sẽ bắt chúng tôi phải sửa. Kiện đi, kiện ngay đi, đừng để mất thời gian.
Sau đó, cuộc đàm thoại thường bị cắt đứt, và ở cả hai đầu, ống nói được đặt xuống giá đỡ của máy.
...Đêm đã khuya Mác-tư-nốp ở nhà, đã sửa soạn đi ngủ thì hồi chuông điện thoại anh mong đợi từ lâu đã vang lên. Cô điện thoại viên báo trước: “Đồng chí sẽ nói chuyện với bí thư tỉnh ủy”.
- A-lô!.. Đồng chí Mác-tư-nốp đấy phải không?
- Tôi nghe đây, đồng chí A-lếch-xây Pê-tơ-rô-vích!
- Dạo này làm ăn thế nào?
- Cảm ơn, vẫn bình thường.
- Sức khỏe ra sao?
- Gia đình thế nào?
- Mọi việc đều ổn cả.
- Nghe nói đồng chí đang uốn cung càng xe phải không?
- Không, đồng chí A-lếch-xây Pê-tơ-rô-vích ạ, huyện tôi không sản xuất thứ đó. Chúng tôi làm bánh xe, vòng cổ ngựa, nung gạch, chứ không làm cung càng xe.
- Tôi nói là đồng chí uốn cung càng xe, Thô bạo như gấu ấy... Đồng chí làm cái trò gì trong việc bố trí cán bộ thế?
Tiếng nói trong điện thoại vang ra ngoài, nghe gay gắt đến nỗi Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na, vợ Mác-tư-nốp, tuy không muốn nghe lỏm, nhưng vẫn để ý nghe cuộc đàm thoại. Thấy vẻ mặt nghiêm nghị của chồng, chị đè tay lên chỗ tim đập thình thình, ngồi phịch xuống chiếc đi-văng cạnh chồng.
- Anh bạn này, ở tỉnh ủy có những đơn khiếu nại về anh, một tệp dầy.
- Sao lại cả một tệp hả đồng chí? Đa số các đồng chí tình nguyện về nông trang. Vậy thì họ khiếu nại nỗi gì kia chứ?
- Ừ thì không phải là một tệp, đại để là có mấy lá thư... Vậy thì đồng chí định tiếp tục sống ra sao?.. Không có chủ tịch Xô-viết, không có kiểm sát trưởng ư?
Mác-tư-nốp bắt đầu trình bày tỉ mỉ kế hoạch của mình. Bí thư tỉnh ủy ngắt lời anh:
- Thôi được, hiểu rồi... Sẽ xin cán bộ của chúng tôi chứ gì? Dĩ nhiên tôi cũng nghĩ như thế, tôi đoán ra ngay khi được nghe nói về việc đồng chí làm. Tôi thừa hiểu mưu mô của đồng chí. Tôi cũng đã hiểu đồng chí ít nhiều... Chúng tôi sẽ cho các đồng chí một người về làm chủ tịch Xô-viết. Người nào, có biết không? Trưởng ty thủy lợi Mi-tin. Sao? Một tay tháo vát kiên nghị đấy. Chúng tôi sẽ xin Bộ cho một người về thay đồng chí ấy. Chúng tôi sẽ cho các đồng chí cả kiểm sát trưởng nữa, một cán bộ nào đó ở cơ quan tỉnh. Có lẽ chúng tôi cũng sẽ đưa cán bộ về các huyện, kể cả bí thư thứ hai nữa cũng nên. Cần củng cố bộ máy lãnh đạo ở một số huyện... Tất cả những việc đó đều tốt thôi, đồng chí Mác-tư-nốp ạ. Người ta còn kêu đồng chí điều này nữa: trong việc vừa qua, đồng chí có phần nào không theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể, không có quyết định của thường vụ.
- Sao lại không có quyết định của thường vụ? Sau đó chúng tôi đã đưa tất cả mọi việc ra thông qua tại thường vụ. Thường vụ chúng tôi có chín người, đồng chí A-lếch-xây Pê-tơ-rô-vích ạ, mà hội nghị đảng viên nòng cốt có hai trăm người. Chúng tôi bàn trước với các đảng viên nòng cốt của huyện. Vậy có gì là sai?
- Ờ được... như vậy là sau đó đã đem vấn đề ra xem xét tại ban thường vụ chứ gì?
- Thì đúng thế...
- Nhưng đồng chí Mác-tư-nốp này, tại sao không phải là chính đồng chí cho tôi biết những chuyện ấy? Tôi biết được là qua bộ máy của tôi, qua thư từ của những người bực tức với đồng chí. Tại sao khi nảy ra ý định điều động cán bộ như thế, đồng chí không nói với tôi ngay? Sao không gọi điện cho tôi? Sợ à? Sợ gì kia chứ?
- Không, đồng chí ạ, tôi không sợ...
- Nhưng vẫn nghi ngờ, không biết chúng tôi có cho phép không chứ gì? Để cho chắc ăn, ta cứ đặt tỉnh ủy trước việc đã rồi, phải thế không?.. Đồng chí im lặng lâu như thế là không đúng đâu. Ở các huyện khác, chúng ta cũng cần tăng cường cán bộ cho các nông trang. Đồng chí đã tìm được một hình thức làm cho công việc đó tiến triển tốt hơn. Cần phổ biến kinh nghiệm cho người khác. Đồng chí trước kia đã từng là nhà báo, đồng chí hãy viết một bài cho tờ báo tỉnh, thuật lại tất cả những việc đó: cuộc họp đảng viên của các đồng chí đã diễn ra như thế nào? Khi nào gửi bài đến? Mai à? Tốt.
Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na nhìn vào mặt chồng bằng cặp mắt tươi cười, luồn những ngón tay vào mái tóc dầy rậm của chồng, xoa bù tóc lên. Mác-tư-nốp khẽ gạt vợ ra bằng một cứ chỉ sốt ruột.
- Này, đồng chí Mác-tư-nốp...
- Tôi nghe đây.
- Rồi đây chúng tôi cũng sẽ thực hiện một cuộc điều động cán bộ. Đưa một số người về các huyện, lấy một số người ở các huyện lên, nếu chúng tôi lấy đồng chí về tỉnh ủy thì đồng chí có ưng không?
- Sao lại về tỉnh ủy là thế nào?
- Về công tác ở tỉnh ủy chứ sao. Chúng tôi sẽ chọn cho đồng chí một công tác xứng với khả năng của đồng chí. Không phải làm cán bộ chỉ đạo đâu. Chúng tôi sẽ giao một công tác lớn hơn kia? Thế nào? Ở tỉnh ủy cũng cần người lắm?..
- Quái lạ!.. - Mác-tư-nốp buột miệng thốt lên.
- “Quái lạ” cái gì?
- Nhưng tại sao lại lôi tôi đi khỏi huyện? Ở đây tôi vẫn chưa đủ thời gian làm một việc gì cho đến nơi đến chốn. Không, không! Dứt khoát không!..
- Cứ suy nghĩ đi.
- Tôi chẳng muốn nghĩ đến chuyện ấy nữa kia! Tôi chẳng nghĩ ngợi gì đâu!
- Sao lại trả lời nhõng nhẽo thế! Đồng chí có phải là một cô gái được người ta dạm hỏi đâu?
- Xin lỗi, đồng chí A-lếch-xây Pê-tơ-rô-vích, tôi không thể về tỉnh ủy được. Tôi không rời khỏi huyện này đi đâu hết! Nếu cần, xin cứ cách chức tôi đi! Ở đây chúng tôi vừa trao đổi với nhau thế này: khi một sĩ quan chỉ huy khẩu đội lâu năm, khẩu đội thường bắn giỏi. Sao lại vội đề bạt tôi lên tỉnh như thế? Tôi vẫn chưa nắm hết tình hình trong huyện... Không, xin đồng chí cứ để tôi ở đây. Công việc mới bắt đầu đi vào nề nếp. Tôi cũng muốn làm được việc gì trong huyện, để sau này vui sướng ngắm nhìn những kết quả do tự tay mình làm ra chứ!.. Không, không! Không nên. Tôi van đồng chí đây!..
- Không muốn hả?.. Ôi chao anh bạn ơi, nếu anh biết ở tỉnh ủy tôi cũng gặp khó khăn như thế nào?.. Thôi được, cứ yên tâm. Chúng tôi sẽ chưa động đến anh vội. Gửi lời hỏi thăm chị ấy!
- Cô ấy đang ngồi bên cạnh tôi đây này. Tôi sẽ nói lại với cô ấy về việc đồng chí gửi lời hỏi thăm.
- Cảm ơn. Có thể tôi sẽ tìm được bạn đồng minh là chị ấy chăng? Chúng tôi hiệp lực với nhau thì sẽ thuyết phục được đồng chí chăng?
- Không, cô ấy không ưng, cô ấy đang lắc đầu đây này.
- Như vậy là cứ để đồng chí chỉ huy khẩu đội mãi mãi phải không? Như thế cũng không đúng lắm đâu. Vậy ai sẽ chỉ huy sư đoàn, quân đoàn? Các tướng soái cũng không phải sinh ra đã là tướng soái. Họ cũng được đề bạt từ cấp dưới lên... Ngày ba mươi họp hội nghị toàn thể tỉnh ủy. Nhận được điện chưa? Đến sớm một chút, tới gặp tôi trước khi họp, chúng ta sẽ nói chuyện kỹ về vấn đề cán bộ: đồng chí cần được đỡ thêm như thế nào? Lấy người về đảm nhiệm những chức vụ gì... Đồng chí làm việc nhiệt tâm lắm, đồng chí Mác-tư-nốp ạ... Cừ đấy. Nhưng không cần dùng mánh khóe. Trong những việc như thế, bao giờ đồng chí cũng sẽ được chúng tôi ủng hộ. Thôi, ngủ ngon nhé. Chúc mọi sự tốt lành!
- Tạm biệt, A-lếch-xây Pê-tơ-rô-vích!
Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na vui mừng hớn hở, ôm ghì lấy chồng và hôn.
- Vì cớ gì? - Mác-tư-nốp hỏi, dùng mặt trên bàn tay lau môi.
- Chẳng có duyên cớ gì hết... Là bởi mọi việc đều kết thúc tốt đẹp!
- À, ra thế!.. Vậy nếu sự việc đi đến một kết cục xấu, anh bị khiển trách về việc điều động cán bộ bất hợp lý thì sẽ không hôn phải không?
- Ngốc ơi là ngốc! - Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na phá lên cười, và lại hôn Mác-tư-nốp một cái thật kêu vào má.
- Gớm chưa! Còn nói được câu gì hay ho nữa không? Bí thư tỉnh ủy không mắng, dân hình như cũng không mắng, vậy mà lại phải nghe vợ mắng là “ngốc”.
- Phê bình từ dưới lên, đồng chí bí thư ạ! Đồng chí được khen ngợi, được mời viết bài đăng báo về cuộc họp do đồng chí tổ chức!.. Xem chừng sắp đâm ra kiêu ngạo rồi phải không? Hãy yêu mến phê bình như yêu vợ mình!..
Mác-tư-nốp và Na-đê-giơ-đa Ki-ri-lốp-na còn chuyện trò một lúc lâu nữa về những việc xảy ra trong mấy ngày gần đây, trêu chọc lẫn nhau, nói đủ thứ chuyện linh tinh. Cả hai đều phấn chấn vui sướng vì mọi việc đều ổn thỏa, có thể yên tâm chờ đợi ngày mai, không lo ngại gì, tin chắc việc mình làm là đúng.
Buổi sáng, vừa thức giấc, Mác-tư-nốp trở dậy ngay và đến gần cửa sổ. Đứng ở đấy nhìn thấy cái dốc đứng đổ thẳng xuống sông, cánh đồng cỏ, những khu rừng bạch dương non ở bên kia sông và làng mạc trên khu đất cao ở đằng xa. Khi ấy, ý nghĩ trước tiên đến với anh là anh nhớ tới cuộc nói chuyện đêm qua với bí thư tỉnh ủy.
- Không, không, chúng ta sẽ không rời khỏi đây. Không đi đâu hết. Ít nhất cũng phải ở đây năm năm. Thế nào, Na-đi-a? Anh yêu mến thị trấn này, huyện này. Nên làm việc ở đây. Phải làm việc sao cho sau này người ta vẫn giữ những kỷ niệm tốt đẹp về chúng ta!..
Chuyện Thường Ngày Ở Huyện Chuyện Thường Ngày Ở Huyện - Va-Len-Tin Ô-Vet-Skin Chuyện Thường Ngày Ở Huyện