Số lần đọc/download: 273 / 21
Cập nhật: 2020-06-05 12:47:39 +0700
Chương 13
O
ng Cao Văn Tầm xuất thân từ một làng quê tỉnh Nghệ An nhưng ra thành phố học, làm việc từ năm mười lăm tuổi. Tiếng nói giờ cũng là tiếng nói của người thành phố. Quê hương xứ sở tuy vậy vẫn còn đậm đà dấu nét ở cái ý chí gan góc hơn người, cái ý chí khăng khăng trên cơ sở, sở hữu một trí tuệ vững vàng, một tầm nhìn sâu xa và một tấm lòng rộng mở.
Lưng tròn, vai rộng, mặt to, miệng vuông, hai con mắt hiền từ có ánh nhìn âu yếm như mắt voi, mũi nở, tiếng nói âm vang đĩnh đạc, tiếng cười sảng khoái, phong nghi nghiêm chỉnh, đàng hoàng. Nhìn ông thoáng qua đã có thể đoán định, nếu ông không xuất thân từ một gia đình hào môn vọng tộc, hiển hách, thì ít ra cũng là trong một gia đình khá giả, gia phong có căn cốt chỉnh tề.
Tuổi ngoại năm mươi, lặn ngòi ngoi nước với nghề gần bốn chục năm, ông Tầm đã trải đủ mọi cảnh huống, mùi đời ấm lạnh, tan hợp, bi hoan. Buồn cho đời ai đó không có lịch sử. Còn ông, ông là một nhân vật của cuốn biên niên sử của công việc. Đời ông công trạng nối tiếp công trạng. Nhưng ông lặng lẽ khiêm nhường, giấu mình, tuy vẫn luôn luôn mở rộng tâm hồn chào đón, tiếp nhận các nguồn năng lượng khác để làm cho mình giàu có, bác tạp thêm.
Ông sở hữu một trí lực lớn, do ông vừa uyển chuyển vừa khúc triết. Ông gần cả nghệ thuật lẫn luân lý. Nhâm thấy rất gần ông, thoạt tiên có lẽ là từ phong độ ông, ông rất hay ngồi lặng lẽ trong cô tịch. Cửa sổ buồng ông mở ra một khung trời mây và một mặt hồ xanh thẳm, ở trong một nghề nghiệp luôn luôn có biểu hiện là hành động và hành động, sống như ông, tất nhiên là một cách sống khác lạ so với nhiều người. Nhất là với cấp trên, những người không ưa ông.
Bậc tài tử thường gây ảo giác cho những người xung quanh. Ông với Nhâm cũng vậy. Ông tạo ra màn hồi quang tự kỉ với những kinh nghiệm sống đọng lại ở tàng thức ông từ trong quá khứ mà chỉ nhờ vận dụng những định luật phức tạp và tế nhị một số ít người có năng lực đặc biệt mới thấy nó hé lộ. Nhâm có cảm tưởng ông đạt đến quyền năng khác thường với Nhâm và các nhân viên dưới quyền ông nhờ ở thế thượng phong trí tuệ và những suy tưởng sâu xa độc lập, đầy cá tính. Ông là một con người đầy bản lĩnh ung dung tự tại, ông có một lối đi riêng. Nhiều người không ưa ông, họ cho là ông kiêu ngạo và thật tình trong ngầm ẩn, ông hay chế nhạo, thậm chí coi thường họ.
Mâu thuẫn thiện - ác là vĩnh cửu, trong khi các mâu thuẫn khác, như mâu thuẫn giai cấp, có thể lúc này tăng lúc khác giảm. Một lần ông nói vậy. Và dư luận đã lập tức xì xầm rằng, ông định móc máy việc gia đình ông bị quy sai là địa chủ trong cải cách ruộng đất năm 1955. Ông không bị quy sai thì bây giờ ông phải đeo lon cấp tướng, chứ sao chỉ là thiếu tá? Ấy thế, thành ra khi ông nói: Thống trị, sai khiến người khác, cũng là một thứ dục vọng, thì ông bị mang tiếng ngay là kẻ hay kèn cựa, gây mất đoàn kết nội bộ.
Câu chuyện của ông với đám trinh sát trẻ thường xoay quanh một chủ đề duy nhất: Bản chất người của con người. Mười sáu tuổi ông đã là trinh sát viên. Vụ án đầu tiên ông tham gia điều tra là vụ hung thủ giết ông già trồng tam thất ở xã Lao Chải tỉnh Lao Cai, rồi trốn biệt. Ông đóng vai một thanh niên Mèo đi hải xảo, cưỡi ngựa, xách lồng chim Họa mi đi chơi xuân. Một tháng trời sau, tìm được tung tích hung thủ, ông đến thị trấn biên giới nọ. Tiếp cận nó lúc nó vừa nhấc bát rượu lên ngang mặt, ông dùng cặp mắt phóng chiếu tia thần lực mạnh đến nỗi tên nọ há hốc mồm, đánh rơi bát rượu xuống đất. Có một sức mạnh ở ngoài trần gian, chỉ cảm được mơ hồ thôi, ông nói vậy vì cho rằng tổng số kinh nghiệm thu được, tập trung lại ở nơi gọi là tàng thức, và chính đây là nơi góp phần tạo rõ linh cảm, linh giác, sức mạnh bí ẩn của con người.
Coi ông như một người cha tinh thần, Nhâm rất thích được nghe lời ông răn dạy Ông thường nói, chớ có nên lăng xăng. Không có việc gì làm thì hãy ngồi yên tĩnh. Lúc đó năng lực sẽ tăng lên gấp bội. Mà năng lực thì cần xiết bao cho con người, cho sự nghiệp! Chế ngự ngọn lửa bản năng, sự nghiệp mà ông và đồng nghiệp đang theo đuổi thật không đơn giản. Thực hiện công lý chưa bao giờ thôi là một gánh nặng. Bắt bọn tội phạm, cho chúng vào tù cũng tức là để bảo vệ sự thần thánh của con người, sự sạch sẽ của xã hội. Tất cả những việc ấy đòi hỏi những kinh nghiệm của nhiều kiếp sống, đức tin và thủ pháp nghề nghiệp. Sự sống thực sự vốn có tính cách bao la rộng rãi chứ không thu hẹp trong phạm vi bản ngã cá nhân.
Ông nói:
- Chân lý không đến ngay một lúc đâu. Từng giọt một nó đến! Nó được ý thức bằng kinh nghiệm. Ngôn ngữ nhiều khi bất lực là thế. Còn với công việc, nghĩ rằng việc gì cũng làm được là bậy. Bó tay là phần nhiều! Và nếu làm được thì nhờ phần lớn ở duyên cơ, vận hội. Duyên cơ bất khả lộ. Nhưng cảm biết được. Nói tư duy là tồn tại là chưa đủ, là thô thiển. Sự sống còn bí ẩn hơn nhiều!
Có cảm giác ông là người chăn dắt linh hồn con người, ông có chính đạo, đức tin, lòng nhân ái và các bí quyết. Phảng phất ở chân dung ông dáng nét siêu hình. Nhưng, ông cũng là con người của hành động, thực tiễn. Nội dung cuộc sống của ông Cực kỳ phong phú. Ông đã góp phần phá mấy trăm, mấy ngàn vụ án lớn, nhỏ? Chưa ai tổng kết. Những thành công của ông làm nhiều kẻ phát ghen. Quan hệ của Nhâm và Quyến ông biết từ rất sớm: Ông không phản đối. Nhưng gặp Quyến rồi, ông bảo Nhâm:.“Rất đáng yêu, nhưng khó nắm bắt”. Nhâm nghĩ ông rất giỏi khoa tướng số! Tu mi đài các cao sang cũng gần gụi với thói phong tình. Ông nói xa xôi vậy. Rồi ông tiếp:
- Thành vợ thành chồng, thì dễ, không cần dạy nhau cũng được. Nhưng, yêu thế nào cho đẹp thì phải bảo nhau đấy, Nhâm à.
o O o
“Con người ta, giống như mọi sinh vật trên cõi giới, có sinh, có tử. Nhưng lẽ sinh tử của con người bao hàm một triết lý sâu xa. Vì sinh ra như một ngẫu nhiên, nhưng con người lại phải phấn đấu để trở thành một tất yếu, để cuộc sống của mình xứng đáng với tước hiệu con người. Than ôi! Đau lòng lắm thay, hôm nay chúng ta họp mặt ở đây để vĩnh biệt người bạn. người đồng chí, người anh hùng, người trinh sát tài ba, dũng cảm của chúng ta, liệt sĩ Thiếu úy Hà Văn Trừng!
Đó là mấy câu mở đầu bài điếu văn rất dài của ông Tầm, Trưởng Công an Quận sắp về hưu, đọc trong lễ truy điệu Trừng. Và Nhâm đã nhớ, sẽ nhớ làm lòng.
Chiều xuân ẩm ướt. Bầu trời nặng mây. Hàng thông xanh đặc u trầm. Khung cảnh đượm vẻ sầu thương, hòa hợp với hơi văn mang khí vị cổ xưa và buồn bã của ông Tầm cùng không khí buổi chia phôi đứt ruột, nát gan.
Nghẹn ngào, ông Tầm đọc tiếp:
- Liệt sĩ Hà Văn Trừng sinh ra trong một gia đình nông dân có công với cách mạng. Lớn lên nghe chuyện, Trừng đã biết ông nội mình là chiến sĩ Nam tiến, năm 1947 đã hy sinh anh dũng trên mặt trận Tuy Hòa, Phú Yên, miền Nam Trung Bộ. Lớn hơn chút nữa. Trừng đã biết cha mình là người sĩ quan trung úy từ chiến trường chống Mỹ trở về một làng quê Hải Dương, bên đường Năm, vào những năm cao trào xây dựng hợp tác xã. Người cha bằng công việc đã truyền cho con trai mình tình yêu cuộc sống và lòng ngay thẳng trung thực. Tình yêu cuộc sống cùng một cội nguồn với tình yêu quê hương làng xóm ruộng đồng đã được Trừng tiếp nhận từ tấm bé, qua những ngày sống, lao động vừa Cực nhọc vừa thơ mộng nơi ruộng đồng, sông nước làng quê. Năm 1980, Trừng sáu tuổi. Chú đã bắt đầu theo cha đi tuần phòng. Và một đêm nọ bỗng thức giấc, chú nhận ra trong cái lều canh điếm cá của cha trong vai người bảo vệ, chỉ còn lại có mình mình, “Thầy ơi”! Chú bé cất tiếng gọi, Chú không thể nghĩ cha chú lúc ấy đang một thân một mình đương đầu với bọn lưu manh đang xông vào phá kho thóc hợp tác xã. Cha chú đã đánh ngã ba tên cướp. Ông quyết không lui bước. Nhưng bọn cướp có tới mười tên và chúng có cả dao, súng. Trừng lồng đi tìm cha. Chú tìm thấy cha sớm hôm sau, một thi thể nát nhừ, ngoài cánh đồng làng. “Con lạy thầy! Con sẽ ghi tạc mối thù này”. Nghẹn ngào phục xuống bên cha, Trừng từ đó đinh ninh lời thề.
Òa lên xung quanh Nhâm những tiếng khóc nghẹn của Cúc và đồng đội. Không cầm lòng được, ông Tầm lấy khăn bịt miệng, ngực dội lên tiếng nấc nghẹn hồi lâu, rồi mới nói tiếp được:
- Hà Văn Trừng là con đẻ của cuộc sống chiến đấu chống lại cái ác độc, xấu xa. Hai mươi tám tuổi đời, mười năm đứng trong đội ngũ chiến sĩ an ninh. Trừng là một con người cương trực, yêu công bằng, lẽ phải, giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha. Hàng chục chiến công của anh đã góp phần tô đẹp truyền thống hào hùng của chúng ta. Vì vậy Trừng dứt khoát không thể buông tha tên cướp đầu sỏ đường Năm cùng đồng bọn. Lê Văn Sở tức Sở đen, Sở chó, Sở đại bàng, Sở đầu bò đã có hơn mười tiền án. Y đã đập chết một em nhỏ chín tuổi để cướp sợi dầy chuyền một chỉ. Đã cưỡng hiếp và bóp cổ bà cô y để chiếm đoạt năm chục triệu đồng. Đã cùng đồng bọn gây ra hàng chục vụ cướp của giết người khác ở trong vùng. Đã dùng lê phanh thây đồng bọn vì nghi ngờ bọn này phản bội. Hơn năm nay, y tung hoành trên trục đường Năm và tập trung ở vùng đất từ cây số Sáu mươi đến cây số Tám mươi. Lương dân trong vùng ai cũng khiếp sợ thói hung bạo của y. Y thách đố cả chiến sĩ công an: “Tao sẽ chấm muốt từng thằng một”! Trong vùng, y trắng trợn bắt về, cưỡng hiếp bất cứ cô gái nào y thích. Hàng chục phụ nữ đã khổ nhục vì y. Mới tháng trước đây, y phóng xe máy trên đường, thình lình dùng vỏ chai bia Tầu đập chết một cán bộ đi xe máy cùng chiều rồi cướp xe của ông: Y chặn xe bộ đội, kéo lái xe xuống đường, đánh đập tàn nhẫn chỉ vì không cho y quá giang. Có lần vào nhà cụ Ngừng, bắt cụ nấu ăn, nhưng thấy nhà cụ chỉ còn một bát gạo, y liền cởi giầy bắt cụ liếm chân. Gần đây, Sở và đồng bọn khống chế cả vùng ngã ba Viềng, tự tiện lập trạm thu thuê đò xe qua lại. Y đòi lấy một thiếu nữ tên Yến, con một đồng chí cán bộ văn hóa huyện đã về hưu. Cô Yến đã đính hôn. Mặc! Y hẹn: Không lấy y, y giết cả nhà. Rồi định ngày rằm tới sẽ đến rước dâu về.
Tội Sở đã đến lúc bị trừng phạt. Nhận trách nhiệm, Trừng nghiên cứu đường đi nước bước, quy luật hoạt động của y thật tỉ mỉ kỹ lưỡng. Một tuần liền anh đóng vai một người thợ chữa cối đến vùng ngã ba Viềng để nhận mặt Sở. Tuần lễ sau. anh làm người đi siếc cá trên sông nước trong vùng để tìm hiểu đường đi lối lại của bọn y. Ngày mồng mười vừa rồi, đang phiên nghỉ trực, nhưng nhận được tin cấp báo: Sau một thời gian xảo quyệt ém mình, vì đánh hơi thấy bị săn lùng, Sở đột ngột xuất hiện ở thôn nhà cô Yến, Trừng liền tình nguyện thay bạn, tức tốc lên đường. Với chiếc xítdờca Ural cũ kỹ, anh quyết tranh thủ thời gian chặn tay kẻ ác gây tội. Không ngờ, còn cách mục tiêu chừng năm cây số, xe bị nổ lốp. Trừng đón xe buýt. Tới nơi thì được tin bọn Sở đã chuyển hướng gây tội ác sang địa phương khác. Trừng xuống xe buýt, lội tắt qua cánh đồng, lên một đường làng, dự đoán thế nào bọn Sở cũng qua đây, anh leo lên một cành đa mọc ngang qua mặt đường đón lõng. Hai giờ chiều, Sở đi xe máy qua, anh như thiên thần từ cao xanh buông mình ụp lưới trừng phạt xuống đúng đầu Sở cùng tiếng gầm như sấm động.
Những tưởng đã có thể kết thúc cuộc đuổi bắt thì ở đây, lúc này mới nhận ra, Trừng của chúng ta đã tốn sức quá nhiều. Mà tên Sở thì sức lực còn gần như nguyên vẹn, nên sau lúc hốt hoảng, y đã lấy lại được bình tĩnh. Và cuộc vật lộn giữa chiến sĩ công an với tên đại gian đại ác đã diễn ra vô cùng quyết liệt!
Than ôi, sức trai như Tiết Đinh Sơn cử vạc ngàn cân cũng còn có lúc cạn kiệt nữa là. Nhưng, Trừng quyết không buông tha tên cướp! Vùng ra được khỏi tay anh, tên ác ôn rút dao nhọn. Vô cùng tỉnh táo và nhanh nhẹn, anh đã đánh bật hung khí trong tay tên cướp xuống dòng mương bên cạnh đường. Đôi bên chỉ còn tay vo. Lúc này sức Trừng đã tận. Nhưng, người xưa nói: Việc trời vốn mạnh, người phải luôn luôn mạnh hơn và không ngưng nghỉ mới theo kịp được! Trừng ghi nhớ điều đó và những năm tháng tập rèn gian khổ đã không phụ anh. Anh còn sở đắc một sức mạnh tiềm tàng, là lòng nhân ái, đức tin tâm linh, là nguồn thần lực rút từ trong lý tưởng chiến đấu chế ngự cái ác. Vì vậy, anh dồn hết sức bình sinh lao tới ôm chặt tên Sở và đẩy y cùng mình lăn xuống con mương, dùng cái chết của mình để diệt trừ tên đại gian ác nọ.
Giữa tiếng rền rĩ khóc thương của những người đứng trên bờ huyệt, giọng ông Tầm chênh chao, nghiêng ngả. Ông nức nở không thành lời:
- Hà Văn Trừng ơi! Hai mươi tám tuổi đầu. Nào có phải tiền định như có lần em nói: Một cái chết trẻ! Tôi muốn nói với các bạn rằng: Chúng ta luôn cố gắng loại trừ sự hy sinh, cái chết, dẫu là cao cả, ra khỏi đời sống của chúng ta. Chúng ta luôn nhấn mạnh đến tính ngẫu nhiên của cái chết. Nhưng, than ôi, lúc này đây, trong công cuộc vĩ đại chế ngự, tiêu trừ cái ác, như một mặt tồi tệ nhất nằm trong bản thể cuộc sống này, khi bóng đêm tội ác còn đang tồn tại như là một thực thể, lẽ nào lại có được một vương quốc của sự tuyệt đối an toàn. Cái chết như một sự cần thiết đã xuất hiện và cái chết của Trừng đã đưa cuộc sống của chúng ta lên một bình diện cao hơn.
Không thể kìm mình được nữa, ngửa mặt lên trời, ông Tầm nấc nghẹn:
- Trừng yêu quý của anh ơi! Đau như cắt ruột lúc này là lòng anh cùng đồng đội và người yêu của em, em có biết không? Thôi, em về với đồng ruộng quê hương sông nước, với tuổi ấu thơ trong trẻo, với hồn thiêng sông núi em nhé! Vĩnh biệt em! Vĩnh biệt em!
Ông Tầm bỏ mũ, cúi gằm mặt. Xúc động lớn, trời bỗng buông mưa bụi. Mái đầu hoa râm của ông Tầm chả mấy lúc đã trắng bạc. Cúc ôm bó hoa cẩm chướng ngồi xuống và dang hai tay ôm choàng lấy ngôi mộ mới đắp. “Anh Trừng ơi, sao anh nỡ bỏ em"! Cô kêu thống thiết, rồi bỗng dưng bật dậy, ôm choàng lấy ông Tầm, nghẹn ắng: “Bác Tầm ơi, cháu biết làm thế nào bây giờ, bác ơi".
Mắt nhòe lệ, Nhâm ước ao giá như lúc này, anh có Quyến bên mình.