Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.

Johann Goethe

 
 
 
 
 
Tác giả: Hoàng Thu Dung
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Little rain
Số chương: 22
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 13523 / 37
Cập nhật: 2015-07-22 16:13:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
12
Càng ngày tôi càng thấy mệt mỏi và xem chuyện đến phim trường là một gánh nặng thật sự. Tôi chẳng hề hối hận đã nhận lời làm bộ phim này, nhưng mỗi ngày phải quay nhiều cảnh tôi mệt chết được. Thế mà chẳng dám mở miệng than với Trường Duy một câu cho nó nhẹ. Tôi mà bảo mệt ấy à. Thế nào anh cũng bảo thế cho sáng mắt, mà mắt tôi bây giờ cũng sáng lắm rồi. Thôi im lặng cho xong.
Nhưng điều đó cũng chả quan trọng gì, mỗi lần đến nơi quay phim mới là xấu hổ. Tôi có cảm tưởng mọi người đang chĩa mắt vào chiếc bụng to kềnh của mình và cho thế là chướng mắt. Thế là tôi chỉ dám ngồi một chỗ mà la khan cả họng. Khổ làm sao.
Thời gian sau này hình như Vĩnh Tuyên quan tâm đến tôi nhiều hơn. Không hiểu bằng cách nào mà dù đi quay ở đâu, anh cũng đặt sẵn cho tôi một chiếc ghế nệm thật êm và bắt buộc tôi nghỉ quay khi chiều xuống và tôi vì quá mệt mỏi nên nhận sự chăm sóc của anh như một điều tất nhiên phải có.
Trưa nay quay xong năm cảnh, tôi định làm cho xong cảnh cuối thì Vĩnh Tuyên không vào máy mà đến bên tôi:
- Nghỉ đi Phượng.
- Sao vậy?
- Trưa quá, Phượng có vẻ mệt lắm rồi.
Chẳng để tôi kịp phản đối, anh bỏ đi đâu đó, rồi trở lại với ly sữa lạnh trên tay:
- Phượng uống đi.
- Nhưng sao anh không quay nữa?
- Phượng mệt rồi, đừng có phí sức.
Tôi lắc đầu:
- Không sao đâu.
- Phượng nghe tôi đi, phải biết...
Tôi ngắt lời:
- Biết rồi, biết rồi, nhưng làm nhanh cho xong. Phượng không thích kéo dài ngày quay nữa đâu.
Vĩnh Tuyên cầm ly sữa, cúi xuống tôi ngọt ngào:
- Phượng uống đi cho tôi yên lòng.
- Không.
Ngay lúc đó, một người giằng lấy ly sữa trên tay Vĩnh Tuyên kề tận môi tôi:
- Uống đi chứ em.
Vĩnh Tuyên quay lại, tôi cũng ngước lên, Trường Duy đang cúi xuống tôi, cười gằn một cái. Tôi chưa biết phản ứng ra sao thì Vĩnh Tuyên lên tiếng:
- Có anh Duy đến đón Phượng về rồi, tôi xin phép về trước nhé - Rồi Vĩnh Tuyên quay đi.
Tôi nhìn Trường Duy.
- Hình như em không bằng lòng lắm phải không cưng. Anh xin lỗi.
Tôi nhìn mặt Trường Duy, cố phân tích âm điệu là lạ trong cách nói của anh, nhưng không hiểu nổi. Tôi dè dặt:
- Có gì đâu mà không bằng lòng, em chỉ ngạc nhiên sao anh đền sớm thôi.
Giọng Trường Duy hơi mỉa:
- À, vậy mà anh cứ nghĩ khác đi đó chứ, anh thật bậy quá, xin lỗi em nghe.
Tôi im lặng nghĩ ngợi. Hiểu rồi, tôi không ngốc đến độ vô tư trước thái độ của anh đâu. Nhưng giải thích thế nào đây nhỉ?
Trên đường hai chúng tôi chẳng nói gì. Tôi căng thẳng cố tìm một cách nói dẹp tan ý nghĩ ma quỷ của anh, nhưng chẳng biết mở miệng ra sao. Thế rồi tôi buột miệng:
- Em với anh Tuyên chỉ là bạn chứ có gì đâu, em không đồng ý anh nghĩ lệch lạc như vậy đâu.
Im lặng thật lâu, rồi giọng Trường Duy ngọt lịm, nhưng nghe mà chết người:
- Nhưng anh đã nói gì đâu cưng.
Tôi cứng họng, cảm thấy tuyệt vọng quá, bởi vì càng giải thích tôi chỉ càng làm anh nghi ngờ mà thôi.
Càng ngày tôi càng khó thâm nhập vào suy nghĩ của anh, hình như từ lúc nào chẳng biết chúng tôi không còn nói chuyện hay đùa giỡn với nhau nữa. Thái độ triền miên tôi đón nhận ở anh là sự xa vắng. Tôi bận quá nên không còn tâm trí nghĩ về mọi chuyện giữa tôi và anh, chỉ còn để khoảng cách ngày càng xa lắc.
Về nhà tôi thay đồ rồi lệch bệch đi xuống bếp, nhưng Trường Duy nhẹ nhàng:
- Em đi nằm đi, để anh lo.
Tôi nũng nịu:
- Nhưng em muốn hai đứa cùng làm.
Tôi chờ ở anh một nụ hôn nhẹ nhàng hoặc một vòng tay âu yếm, nhưng anh chỉ vỗ nhẹ lên tay tôi:
- Nằm nghỉ cho khoẻ đi cưng.
Tôi mím môi ngồi yên nhìn Trường Duy pha ly sữa.
- Em không uống đâu.
Trường Duy nhìn tôi, vẻ mặt vẫn bình thản:
- Ráng uống đi em, em phải khoẻ anh mới yên tâm.
Tôi cúi mặt, nghe một nỗi buồn, một nỗi day dứt cứ trăn trở. Tôi muốn được về những ngày trước đây, khi chúng tôi mới cưới nhau. Lúc ấy chúng tôi yêu nhau và vui vẻ biết bao nhiêu. Còn bây giờ... Mất hết rồi.
Không thể nào anh vô tâm với tôi được, bởi vì anh săn sóc lo lắng cho tôi đến tận cùng, nhưng với một thái độ xa cách. Lẽ ra khoảng thời gian này tôi được yêu thương hơn thế nữa, vậy mà... Cảm thấy tủi thân, tôi cắn môi, rồi nước mắt rơi dài trên mặt. Tôi nấc lên:
- Anh đừng lo cho em làm gì nữa, cứ bỏ mặc em đi.
Trường Duy quay phắt lại, anh có vẻ sững sờ khi thấy tôi khóc:
- Sao vậy, sao vậy Phượng?
Tôi giấu mặt trong tay, thút thít:
- Nếu em có lỗi gì thì anh cứ nói đi, chứ đừng nhìn em như người xa lạ nữa. Em đã làm gì đâu chứ, có khi nào anh nghĩ anh đã làm khổ em không?
Trường Duy đừng yên, khuôn mặt phảng phất một sự xao xuyến, rồi anh cúi xuống thì thầm bên tai tôi:
- Anh thương em nhiều, mà giận em cũng ghê gớm, em tưởng anh không khổ sao?
- Vậy sao anh không nói? Cứ lầm lì với em suốt ngày sao em chịu nổi chứ.
Trường Duy trầm ngâm:
- Bởi có bao giờ em chịu suy nghĩ những gì anh nói đâu, em cố nhớ lại xem.
Tôi ngồi im. Bao giờ cũng là vậy. Trường Duy xa cách tôi vì cá tính bất chợt của tôi, tôi hiểu sâu sắc điều đó. Nhưng tại sao lại như vậy chứ, có bao giờ tôi trói buộc tự do cá nhân của anh đâu. Tôi không hiểu nổi tại sao anh cứ đòi hỏi tôi phải tước bỏ cái tôi của mình. Trường Duy độc đoán lắm. Nhưng tôi không dám nói điều mình nghĩ đâu, nói ra có lẽ sẽ cãi cọ, tôi biết chắc như thế. Bây giờ tôi yếu đuối lắm, chỉ muốn được nâng niu chìu chuộng mà thôi.
Tôi nhắm mắt, úp mặt trong ngực Trường Duy. Anh lại dịu dàng yêu thương tôi và giọng nói không còn âm sắc của gai góc nữa:
- Anh biết mỗi đứa đều có công việc riêng, nhưng em đừng quá vì nó mà bỏ quên hạnh phúc của hai đứa, cũng như anh sẽ dung hoà công việc để săn sóc em. Hứa với anh nghe em.
Tôi gật đầu và vùi mặt trong cổ anh. Tôi thèm được cảm giác bình yên lắm.
o O o
Tôi ngồi cạnh bé Như Hạnh, con bé đang chăm chú săn sóc búp bê của nó, nó đặt búp bê ngồi lên chiếc xích đu nhỏ rồi loay hoay lục tung mấy món đồ chơi bằng nhựa, cuối cùng nó lôi ra chiếc muỗng và cái ly thuỷ tinh trong vắt, bàn tay bé xíu lọng cọng múc từng muỗng kê vào miệng búp bê. Tôi ngồi yên theo dõi từng cử chỉ của con, không kềm được tôi ôm chặt con bé hôn nghiến ngấu lên mặt nó.
- Hạnh của mẹ cho búp bê ăn phải không nè?
Bé Hạnh ngước lên nhìn tôi, cười tít mắt rồi lúc lắc gật đầu, nhìn thật đáng yêu. Tôi mang đồ chơi đặt quanh con bé, rồi bước lại bàn lấy kịch bản mới, đọc say sưa.
Gần hai năm rồi tôi không nhận một hợp đồng phim nào. Sáng nay chú Duy An mang kịch bản đến, tôi nhận lời không đắn đo gì cả. Thế nhưng trong lòng vẫn có một cái gì đó, một cảm giác lo ngại, như là phạm lỗi, thế nào Trưởng Duy cũng nổ cho tôi một trận, bởi vì bây giờ tôi phải chăm sóc con... nghĩ đến chuyện bất đồng với anh tôi thấy ngán quá. Lâu lắm rồi tôi sống thật hạnh phúc. Tôi sợ những trận gây gổ lắm, nhưng không vì vậy mà tôi từ bỏ ý thích của mình. Mặc kệ, rồi ra sao thì ra.
Trưa nay Trường Duy về, tôi cố ý để xấp giấy trên bàn thay cho lời giải thích. Tôi ngồi với bé Hạnh, ngầm quan sát thái độ của anh.
Trường Duy chỉ thoáng nhìn qua xấp giấy, có vẻ bất ngờ nhưng không ngạc nhiên, anh cau mặt, mím chặt môi bực tức (biết ngay là vậy mà). Tôi trân người chờ đợi trời nổi sấm sét, nhưng chẳng có cơn sấm sét nào cả mà là sóng ngầm. Trời ạ! Cái nào cũng đáng sợ như nhau cả.
Trường Duy nhún vai, cười khẩy:
- Em định đùa với anh, chơi hay làm thật đấy Phượng? Cho anh xin cái trò đùa này đi nhé!
- Thật chứ đùa gì, làm phim mà anh bảo là đùa à?
- Nhưng thời giờ đâu em làm chuyện đó, thưa em?
- Em sẽ có cách, anh đừng lo.
Trường Duy nói từ tốn:
- Cách gì vậy em thân yêu, anh nghĩ hoài vẫn không biết được em sẽ làm cách gì và anh cũng không thông minh để hiểu nổi cách giải quyết của em. Em định gởi con ở đâu đó chứ gì?
- Thì có sao đâu, mẹ cũng có thể giữ bé Hạnh được vậy.
- Điều đó đúng, nhưng em có nghĩ đến chuyện nó sẽ khóc vì nhớ em không? Từ trước tới giờ nó chỉ biết có em, bây giờ tự nhiên giao cho mẹ làm sao nó quen được.
- Từ từ nó quen thôi, chẳng lẽ vì con cái suốt ngày em phải ở nhà hoài à? Vậy mấy người phụ nữ khác đi làm thì sao?
- Em không thể so sánh với họ được, vì công việc của em không ổn định như người ta.
Thật khó mà nói qua nổi anh, bực mình quá tôi nói bừa:
- Biết thế chẳng thèm có con.
Trường Duy mím môi, có vẻ giận, nhưng chỉ im lặng. Đáng lẽ phải im lặng đi thì tôi lại lải nhải:
- Không biết bạn bè có ai khổ như tôi không, muốn làm gì cũng gặp cả một khối núi cản trở, hết chồng rồi lại đến con...
Trường Duy nổi giận thật sự:
- Cô nói xong chưa, cô có hiểu cô nói gì không? Tôi chưa thấy người mẹ nào thiếu lương tâm và trách nhiệm như cô cả. Đáng lẽ cô phải tự thấy chuyện đó mà im miệng đi.
Tôi nóng lên, hét khan cả họng:
- Tại sao tôi phải im miệng chứ, anh câm đi thì có.
Bé Hạnh giật mình, khóc thét lên. Tôi vội cúi xuống dỗ nó nín, nhưng Trường Duy đã giằng lấy đứa bé, bồng nó ra ngoài. Anh có vẻ nóng ruột khi thấy nó khóc, tôi cũng hoảng hồn ngồi yên.
Cả buổi tối chúng tôi không thèm nói chuyện với nhau. Tôi tức Trường Duy ghê gớm, càng ngày càng ghét cái tính độc đoán của anh. Nếu trong cuộc đời có ai đó cản trở công danh của tôi, thì đó chính là đấng ông chồng mà tôi đã yêu thương hết mình. Bây giờ hết yêu anh rồi, anh chỉ toàn làm cho tôi bực tức, yêu nổi gì mà yêu chứ. Nhưng tôi chẳng phải con búp bê mà Trường Duy muốn điều khiển thế nào cũng được đâu, tôi còn có cái đầu của tôi, tự tôi sẽ xoay xở lấy mọi việc, cóc cần nhờ đến anh.
Mấy lúc Trường Duy ở bệnh viện, tôi mang bé Hạnh về nhà mẹ, nhờ mẹ trông chừng nó. Chẳng bao lâu thì con bé quen với bà ngoại, thế là tôi khoẻ re.
Mỗi lần nhớ Trường Duy bảo tôi là người mẹ thiếu lượng tâm, tôi lại nổi sùng lên, nếu thiếu trách nhiệm thì tôi chẳng việc gì phải lo thế này đâu.
Ngày chủ nhật tôi rủ Trường Duy về nhà mẹ và bé Hạnh cứ quấn quýt mẹ tôi, thỉnh thoảng mới nhớ đến tôi và anh (để cho Trường Duy sáng mắt).
Có lẽ Trường Duy đã sáng mắt ra thật, anh chẳng hề có phản ứng gì, chỉ điềm nhiên như thể chuyện phải là như vậy và anh chờ xem tôi sẽ làm gì tiếp tục. Còn tôi thì còn có thể làm gì khác hơn ngoài chuyện chuẩn bị cho bộ phim mới.
o O o
Mấy hôm nay tôi cứ loay hoay mãi với những ý nghĩ rối bời, phim sắp quay xong chỉ còn vài cảnh cuối cần lấy vài bối cảnh ở Đà Lạt. Nhưng tôi không thể bỏ bé Hạnh ở nhà lâu được, buổi tối mà không có tôi con bé sẽ khóc ngằn ngặt suốt đêm. Tội lắm, tôi chịu gì nổi... Nhưng nếu mang nó theo chắc hắn không dễ dàng rồi, Trường Duy không để tôi làm vậy đâu. Lúc nào cũng gặp rắc rối trở ngại, chán đời hết sức. Mấy ngày nay cứ suy nghĩ căng thẳng, nhức đầu quá. Buổi tối, bé Hạnh ngủ, tôi ngồi ủ rũ trong ghế, buồn bã vô cùng.
Trường Duy đến ngồi bên tôi dịu dàng:
- Có chuyện gì vậy Phượng, sao tối nay em buồn quá vậy?
- Buồn lắm.
- Nói anh nghe nào.
- Thôi, nói ra lại gây nhau nữa.
Trường Duy cắn nhẹ ngón tay tôi:
- Sao lại gây, vợ chồng có gì phải nói với nhau chứ, anh sẽ cùng lo với em.
Anh mà cùng lo với tôi à, cản trờ tôi thì có, bởi vì anh chưa biết tôi buồn chuyện gì đó thôi, tôi mà mở miệng ra là lập tức giông tố sẽ nổi đùng đùng cho coi, hiểu quá rồi mà. Nhưng thôi trước sau gì cũng phải nói, vả lại vẻ mặt yêu thương của anh cũng làm tôi tin tưởng cảm động. Tôi ôm cổ anh, thỏ thẻ:
- Em phải đi Đà Lạt vài ngày để quay cảnh cuối, cho em mang bé Hạnh theo nghe anh.
Im lặng. Tôi hơi né người ra, nhìn vào mặt anh. Trời ơi, một vẻ mặt kín bưng không cảm xúc, không hứa hẹn điều gì tốt đẹp, mà ẩn chứa một trận cuồng phong sắp bùng nổ. Tôi thở dài, chờ đợi... Nhưng sao anh vẫn cứ im lặng lâu quá vậy? Nói đi chứ, cứ lầm lầm như vậy sao biết anh nghĩ gì, tôi sợ như vậy lắm. Tôi cắn nhẹ môi, len lén nhìn Trường Duy. Giọng anh thật điềm tĩnh:
- Cho rằng anh không phản đối, nhưng em có nghĩ đến sức khoẻ của con mình không?
Tôi mừng khấp khởi:
- Không sao, em sẽ giữ con thật chu đáo, anh đừng lo.
-...
- Anh cho em mang bé Hạnh theo chứ, em thương anh quá.
- Không, anh hoàn toàn không hề có ý định đó.
Tôi bậm môi, hụt hẫng:
- Sao vậy?
- Đà Lạt mùa này lạnh lắm.
Tôi hấp tấp:
- Thì em mặc áo lạnh cho nó, chuyện đó đâu có khó.
Trường Duy nghiêm khắc:
- Em muốn đi đâu cũng được anh không có ý kiến, nhưng em phải để con ở nhà, khí hậu trên đó nó chịu không nổi đâu.
Tôi nổi giận:
- Không có em ở nhà buổi tối nó sẽ khóc, thế mà anh chịu được à.
Trường Duy chợt đập bàn cái rầm, quát lên:
- Nhưng tôi là bác sĩ, tôi biết rõ cơ thể con tôi hơn cô.
Tôi đứng phắt dậy:
- Và tôi cũng không ngốc đến nỗi không biết cách lo cho con mình.
Ngay lúc đó có tiếng bé Hạnh khóc léo nhéo trong phòng, tôi chạy vội vào, dỗ con bé ngủ lại. Thế là hai bên tạm đình chiến.
Trước khi ngủ, Trường Duy còn nghiêm giọng:
- Tôi không muốn nói nhiều, nhưng nếu cô cãi tôi thì tôi sẽ không tha thứ cho cô đâu.
Tôi định cãi lại, nhưng nhớ ra bé Hạnh đang ngủ, tôi ráng nén cơn và im lặng. Chưa bao giờ. Hình như anh xem tôi là con ngốc đến nỗi không biết lo cho con, tự ái dễ sợ.
o O o
Hôm sau tôi không nhắc đến chuyện ấy nữa. Tôi biết mình sẽ làm gì rồi và từ bây giờ về sau tôi sẽ lẳng lặng làm những gì mình muốn, như thế đỡ mất công cãi cọ.
Rồi cũng đến ngày đi Đà Lạt, buổi sáng tôi chờ Trường Duy đến bệnh viện rồi mới hối hả xếp đồ cho bé Hạnh, tôi dằn lại mảnh giấy trên bàn rồi khoá cửa đi ra.
o O o
Gần chiều thì chúng tôi đến Đà Lạt, lạnh đến khô môi và tưởng như tay chân sắp bị đóng băng. Tôi cẩn thận mặc một lớp áo len cho bé Hạnh và gói con bé trong chiếc khăn lông lớn. Vĩnh Tuyên giúp tôi thu xếp đồ đạc mang theo, không có anh không biết tôi sẽ xoay trở ra sao.
Ngay buổi tối ấy chúng tôi bắt đầu tranh thủ quay cảnh đồi thông. Tôi mang bé Hạnh theo và đặt nó nằm tạm trên chiếc bàn nhỏ, con bé ngủ say sưa, tôi thấy yên tâm và làm việc đến tận khuya.
Cả ngày hôm sau mọi việc diễn ra thật trôi chảy, nhưng đến tối bé Hạnh bị nóng và ho suốt đêm. Tôi nhờ người mua thuốc cho con bé và cũng chẳng lo ngại nhiều. Ở nhà thỉnh thoảng nó cũng bị nóng như thế, vả lại tôi nghe người ta nói trẻ con hay bị nóng lắm và ho là chuyện thường, thế là tôi cố gắng thật nhanh để ngày mai còn về.
Thế nhưng bé Hạnh chẳng thấy đỡ tí nào, mà chỉ càng nóng nhiều hơn. Tối nay con bé nằm mê li bì và chẳng thể ăn gì cả. Tôi ngồi bên giường nhìn con tôi, lo phát khóc. Tôi áp mặt vào mũi nó, hơi thở con bé nóng bỏng, khò khè và đôi môi đỏ tươi. Tôi hoảng quá, bật lên khóc. Ôi, phải chi bây giờ có Trường Duy ở đây, một mình thì tôi biết làm sao bây giờ. Đêm nay chỉ có hai mẹ con tôi trong căn phòng lặng thinh của khách sạn. Tim tôi như thắt lại vì nỗi lo sợ cồn cào. Lần đầu tiên trong đời mình tôi cầu khẩn thượng đế, tôi gọi tên tất cả những đấng thần linh mà tôi biết được, hết Chúa rồi đến Phật trời. Tôi cũng không hiểu mình cầu nguyện có đúng không, nhưng tôi cần nguyện cầu để được cứu giúp, bởi vì tôi hoảng quá chừng rồi. Phải chi có Trường Duy ở đây. Tôi cần anh ghê gớm, tôi tin tuyệt đối rằng chỉ có anh mới cứu được con tôi mà thôi.
Tôi ngồi thẫn thờ bên giường, chợt giật mình vì tiếng thuỷ tinh rơi trên nền gạch. Tôi đứng bật dậy ngơ ngác, mãi mới hiểu mình vô tình quơ tay rơi chiếc ly thuốc vừa cho bé Hạnh uống. Tôi lại kề sát mặt bé Hạnh, lắng nghe hơi thở càng lúc càng nặng của nó. Quýnh quáng thêm vì sợ, tôi mở cửa chạy ào qua phòng Vĩnh Tuyên đập cửa gấp rút, làm vang động không gian yên tĩnh của đêm.
- Anh Tuyên ơi, anh Tuyên.
Vĩnh Tuyên thò đầu ra, hoảng hốt:
- Gì vậy Phượng? Có chuyện gì vậy?
Tôi lắp bắp:
- Bé Hạnh cứ mê man... Lâu lắm rồi... Làm sao bây giờ anh Tuyên.
Lúc đó mấy phòng kế bên lần lượt mở cửa, mọi người chạy qua phòng tôi, đứng nhìn bên giường bé Hạnh, tiếng lao xao. Vĩnh Tuyên bình tĩnh:
- Có lẽ phải đem bé Hạnh đến bệnh viện thôi.
Hai chữ bệnh viện làm tôi rụng rời, chết điếng cả người, con tôi nguy hiểm đến vậy sao?
Đầu óc rối bời, tôi làm mọi thứ như cái máy.
***... Thời gian đi qua chậm chạp và nặng nề quá. Trời đã sáng từ lúc nào đấy, thế là tôi đã thức trắng đêm trong bệnh viện, một đêm với căng thẳng đến hãi hùng.
Bé Hạnh vẫn sốt li bì, mê man... Trời ơi, giá mà có Trường Duy ở đây. Tôi có cảm tưởng các bác sĩ đều vô tình với tôi, chỉ có Trường Duy là lo với tất cả tâm hồn, bởi vì anh là cha nó, tôi nghĩ vậy.
Cả buổi sáng tôi không hiểu mình đã làm gì, cũng không hiểu sao Vĩnh Tuyên cứ ép tôi phải uống sữa và nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ quặc, như là thương hại, anh cứ luôn miệng bảo tôi:
- Phượng bình tĩnh lại đi. Đừng sợ quá như vậy, rồi bé sẽ khỏi thôi.
Tôi thẫn thờ:
- Làm sao gọi được anh Duy đến đây hả anh Tuyên? Không có anh ấy Phượng sợ lắm.
- Hay là tôi đánh điện gọi Trường Duy lên đây. Bây giờ đánh điện chắc ngày mai anh ấy sẽ tới.
Ôi, có vậy mà tôi không nghĩ ra. Tôi hấp tấp:
- Vâng, anh gọi giùm Phượng đi, đi ngay bây giờ đi anh Tuyên.
Vĩnh Tuyên đi rồi, tôi lại lẩn quẩn bên giường bệnh, hết đứng lại ngồi. Tôi nhìn đăm đăm khuôn mặt đỏ bừng của bé Hạnh, nếu con tôi có mệnh hệ gì chắc tôi ân hận suốt đời. Tôi gục đầu trong tay, khóc rấm rức. Ngay lúc đó một giọng nói nghiêm khắc vang lên:
- Phượng, bé Hạnh làm sao vậy?
Tôi ngẩng phắt đầu lên. Trường Duy đang đứng trước mắt tôi, bơ phờ và mỏi mệt. Trời ơi, chưa có một sự xuất hiện nào của anh làm tôi bất ngờ và mừng đến cuống cuồng như vậy. Tôi lau nước mắt:
- Làm sao anh biết em ở đây vậy? Anh có nhận điện chưa?
Trường Duy cúi xuống áp mặt nghe hơi thở của bé Hạnh, anh đứng thẳng lên:
- Điện tín nào? Tôi không nhận được điện tín nào hết. Tối qua tôi không ngủ được vì một linh cảm không hay, nên vội lên đây, cả buổi sáng tôi lùng sục các khách sạn và họ chỉ tôi đến đây.
Tôi không biết trả lời thế nào, chỉ biết khóc. Trường Duy không nhìn tôi, anh đi vội về phòng trực mượn bệnh án của bé Hạnh đọc tỉ mỉ. Tôi nín khóc, ghé mắt nhìn bệnh án, người ta chẩn đoán bị sưng phổi, có gì ghê gớm mà nét mặt Trường Duy có vẻ nghiêm trang thế. Nhìn mặt anh, tôi càng thêm chết điếng trong lòng.
Hình như đã mấy ngày qua tôi và Trường Duy thay nhau ngồi bên giường bệnh bé Hạnh. Tôi không còn khái niệm về thời gian hay không gian nữa, chỉ có một điều luôn dày vò tôi là bệnh của con tôi ngày cành nặng thêm và một linh tính kỳ lạ làm thần kinh tôi rã rời.
Không hiểu sao chiều nay tôi thấy buồn ngủ lạ lùng như cả đời tôi chưa bao giờ rơi vào trạng thái như thế, tôi gục mặt bên giường, trôi vào một vùng vô thức... Hình như Trường Duy đặt tôi nằm trên một góc giường bé Hạnh.
Cuộc đời có những điều thật kỳ lạ, có lẽ khi đưa người ta đến gần nỗi bất hạnh khủng khiếp, bao giờ thượng đế cũng chuẩn bị tránh giùm những tâm hồn yếu đuối không phải đối diện với giờ phút ghê gớm ấy. Cũng như chiều nay tôi ngủ mê mệt để khỏi thấy giờ phút con tôi từ bỏ thế giới tuổi thơ, vĩnh viễn..
Khi tôi thức dậy, ngoài trời đêm đã xuống một màn đen đặc quánh nặng nề. Tôi ngồi lên, dụi mắt. Điều đầu tiên tôi nhìn thấy là khuôn mặt thẫn thờ cũa Trường Duy bên thân hình nhỏ bé bất động của con tôi. Đôi mắt anh nhìn tôi… Trời ơi… Một ánh mắt chất chứa nỗi thù hận, đau đớn thăm thẳm. Tôi rúng động, rung giật tận đáy tâm hồn khi ý thức trọn vẹn tai họa của đời mình. Và cơn đau cứ oằn oại trái tim, tôi gục đầu bên xác con tôi, chết lặng...
Vì Sao Rơi Trong Đêm Vì Sao Rơi Trong Đêm - Hoàng Thu Dung Vì Sao Rơi Trong Đêm