Every breath we take, every step we make, can be filled with peace, joy and serenity.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2544 / 113
Cập nhật: 2021-04-18 17:58:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12 -
ôi nhớ 100 ngày thím tôi chết và trở về nhà, chú tôi thương hại trên nét mặt, chú hỏi:
"Trông cháu xanh lắm, sao vậy?"
"Từ hôm đó cháu đau luôn, mất hơn một tháng".
Tôi ngồi chơi với bốn đứa em, tôi hỏi đứa nhỏ, chú nói gửi nhờ người ta nuôi hộ, chú nói giọng lo âu:
"Bây giờ không thể xuống Cảng được nữa, chú phải ở nhà trông các em, ông cũng không sống thêm bao lâu nữa, cháu có thể về nhà được không?"
Tôi không biết trả lời sao, tôi nhìn lên bàn thờ, ảnh thím tôi để phía sau bình hương, hai ngọn nến trắng leo lét cháy, trên đó có chén nước, quả trứng gà và mấy bát cơm trắng. Khuôn mặt chú tôi khô đi, tôi hỏi:
"Chú định làm gì?"
"Chú đã nhận dạy cho mấy trường, chú cũng có ý định dành thì giờ viết sách. Chú đã nói với ông về chuyện thằng Hùng, chú bắt nó phải đi học lại.
"Thân có về không chú?"
"Không, Hùng nói Thân đã xin đi xa, không biết Thân đi đâu, nó là một người có lý tưởng".
"Hôm cháu còn ở trong bệnh viện Thân nói nhận đi phục trong một bệnh viện dành cho người cùi đâu mãi trong một tỉnh ở cao nguyên Trung phần. Chú nghĩ Thân là người có lý tưởng?"
"Một người theo đuổi một mục đích cho đến cùng, trung thành với điều mình nghĩ, với chú như vậy thấy có lý tưởng. Lúc còn trẻ như cháu chú đã nghĩ như thế, cũng như ba cháu nhưng cả hai anh em không làm được theo như ý nghĩ. Nghĩ lại chú vẫn buồn. Bây giờ thì chú có những chuyện thực tế phải làm, trách nhiệm làm cho mình sống có ý nghĩa ra".
Tôi lặng im nghe chú nói, lúc sau tôi nói:
"Chú có phiền trách gì việc cháu đã làm với thím không?"
Chú tôi ngồi xuống bên, đứa em gái sà vào lòng, chú ôm lấy nó nâng niu, chú vuốt đầu cho nó áp mặt vào ngực:
"Khi tai nạn xảy ra nhìn thấy thím cháu nằm trên giường bệnh chú không dám nhìn lâu, chú không bao giờ muốn nhìn thím nữa, bởi vì nhìn thím chú không có can đảm để chịu đựng, chú không dám nhìn thím vì chú thương thím, thương nhưng chú không thể làm cho mắt thím mở ra, cho tay chân thím mọc dài. Thấy thím không chết khi đó chú mừng lắm nhưng là nỗi vui mừng đau xót. Nếu thím chết ai cũng thương nhưng chắc là khỏi phải chịu đựng dày vò đeo đẳng, chú thương thím, cũng như cháu, nhưng cả chú lẫn cháu đều bất lực và khi đó mình mong cho người thân yêu chết đi. Có lẽ thím chết sướng hơn là sống? Với cháu chú không có điều gì phải phiền trách. Chú hiểu, ai rồi cũng phải chết. Chú chỉ thương cho các em không có một người mẹ trông nom săn sóc, đó là mối bận tâm nhất cho chú hiện nay".
Tôi lặng im, lúc sau tôi thấy ông tôi đi đâu về cùng với Hùng, tôi cúi chào, Hùng lúng túng đến bên, tôi hỏi:
"Đi đâu với ông vậy?"
"Dẫn ông đi lấy thuốc, trông như anh đau?"
Tôi nói đau, rồi thôi, tôi không kiếm được chuyện để nói tiếp. Đã đến trưa chú tôi lo phụ người làm dọn cơm cúng, tôi cũng giúp một tay lau đũa bát, những đứa nhỏ nô đùa chừng như chúng không mấy nhớ đến người mẹ nữa, chúng còn nhỏ, khi lớn lên chúng sẽ nhớ và sẽ khóc. Đứng trước bàn thờ cúi đầu vái, tôi nghĩ tôi có thể nói gì nếu trên đó có linh hồn của thím tôi, tôi muốn nói: Cháu thương thím và chắc thím cũng thương cháu, thím tha thứ cho cháu như chú đã tha thứ cho cháu vậy. Tôi thấy nước mắt chảy theo hai bên sống mũi vào miệng, đã lâu tôi mới lại khóc được".
Ông tôi ngồi nói chuyện thuốc men, Hùng ngồi đọc một tờ báo cũ bọc ngoài một gói cam mà hắn đã mang về, hôm nay tôi trông hắn hiền lành và ngoan ngoãn khác hẳn lúc trước. Thật thế hay là tôi đã đổi khác. Sau khi ăn cơm chú rủ tôi xuống nghĩa trang đắp lại nấm mộ của thím. Chú nói:
"Để ít ngày nữa chú thuê người ta xây cho thím một cái mộ gạch. Chú buồn là không mang được thím về chôn ở quê như mẹ cháu. Thôi để khi cải táng vậy. Ở đây thím nằm một mình kể cũng buồn".
Chú nói chuyện nghe thản nhiên, không một chút ngập ngừng trong giọng nói khiến tôi có cảm tưởng như ngay bên chúng tôi thím vẫn còn sống. Nấm đất hôm nào nay đã dẹp xuống; vài ngọn cỏ nhú lên. Thím đã chết không biết gì nữa. Tôi không có mồ của mẹ tôi để thăm. Trong tôi một xúc động âm thầm lúc nào cũng như nằm sẵn chờ đợi. Tôi nghĩ đến bố tôi:
"Chú nghĩ là ba cháu còn sống không?"
Chú tôi đang cắm lại những nén nhang cho ngay ngắn, chú nhìn lên:
"Chú chắc ba cháu cũng mất, từ ngày đó đến nay đã hơn mười năm rồi còn gì. Nếu ba cháu còn sống thì đã có tin, ba cháu cũng thương chú lắm dù anh em không hợp nhau".
"Sao vậy chú?"
"Vì chú yên phận hơn cha cháu, ba cháu có sẵn trong người những ý nghĩ bay nhảy, đây đó. Trên đời này có ai giống ai đâu, cháu cũng chẳng giống ba cháu nữa".
Lúc ra về chú tôi cười chúm chím có vẻ thích vì điều gì, chú nói với tôi thân mật:
"Chú với ba cháu không thích chơi chung với nhau cái gì, sách vở, bàn ngồi, ngủ cũng riêng trừ chuyện xuống Bông Đỏ đi hát cô đầu thì rủ nhau, chính nhờ ba cháu mà chú mới biết đánh trống chầu. Ai đời ba cháu đi thửa trống rồi phách về nhà cho chú tập, ba cháu làm nhà tơ, tiếng phách của ba cháu giòn ghê lắm, nhiều cô đầu mê ba cháu vì tiếng phách lắm. Ba cháu là một người hào hoa, say mê gì thì ghê lắm nhưng nếu cần thì bỏ ngay không bị ràng buộc, ngay cả chuyện cô đầu".
Lúc lên xe điện tôi hỏi:
"Có phải ba cháu điên vì ông không?"
Chú lưỡng lự một lúc:
"Một phần nào thôi. Từ hồi mẹ cháu mất, ba cháu đã buồn rồi, sau đó ba cháu lại thất bại nhiều chuyện khác nữa, rồi quẫn trí mà hoá điên. Một người có tâm hồn như ba cháu nếu gặp xúc động bất ngờ thì khó mà lường được. Nhưng biết làm sao".
Gần chiều chúng tôi về đến bờ hồ, chú tôi hỏi:
"Bây giờ cháu đi đâu?"
"Cháu về nhà".
"Nhà nào?"
Tôi tự mỉm cười:
"Nhà cháu, chú ghé lại chỗ cháu cho biết, nhà của một người bạn thân đã bỏ ra ngoài, còn lại một người mẹ và một người chị buôn hàng tấm".
"Có dễ chịu không?"
"Họ là những người tốt. Cháu cũng đang tìm một việc để đi làm, có lẽ có việc làm sẽ giúp cháu bình tĩnh lại. Cháu nghĩ quá nhiều khiến thành quẫn, nhiều lúc mất thăng bằng.
"Cháu đã bỏ ý định ra ngoài chưa?"
"Bọn cháu có một mặc cảm lớn với đời sống. Chúng cháu thấy nhiều việc phải làm quá. Nhìn cái gì cũng thấy nó hỏng; từ những vấn đề tinh thần tới những cơ cấu trong xã hội, và nhất là tình trạng chiến tranh. Phải chấm dứt tình trạng chiến tranh, phải cách mạng những cơ cấu trong xã hội cho có một xã hội hợp lý, phải tìm kiếm tạo thành một giá trị tinh thần mới. Nhưng phải giải quyết ra sao cho tình trạng hiện nay, cùng đó là những vấn đề khác. Từ ngay trong đời sống gia đình chúng cháu đã có một mặc cảm bất lực. Cháu nghĩ trước nhất cháu chấp nhận tình trạng đã rồi sau này trong cuộc sống riêng tư có làm gì mới làm, ra ngoài để làm gì, tới đâu, cháu hỏi cháu vậy, cháu không trả lời được nên cháu ở lại. Một phần nữa việc chú và một vài người khác rời bỏ ngoài đó khiến cháu hiểu một phần nào kết quả của việc ra ngoài. Nhưng còn chiến tranh?"
"Chú nghĩ chắc còn lâu lắm. Chưa biết rồi đời sống còn đưa đến những biến cố nào, nhưng hẳn là còn khổ nhiều nữa".
"Biết mà không hiểu phải làm sao?"
"Như một người mang chứng nan y, biết cái chết đến từ từ nhưng không thể làm sao khác là đợi nó. Nỗi kinh hoàng là thời gian đợi chờ".
Tôi và chú tôi đi ngược lên phía chợ, tới hàng Bồ tôi rẽ trái chú tôi ngần ngừ một lúc rồi nói thôi để hôm khác sẽ lại chơi. Tôi nói vâng rồi đi luôn.
Mùa xuân trôi qua trong những ngày tháng thản nhiên nhưng tàn bạo, tôi thảng thốt mệt mề tỉnh táo, tôi không còn tìm gặp ai. Trương đã đi đến đâu. Vịnh đã đến đâu làm gì và Hợp với mối tình đầu, tôi giấu mặt trong căn nhà im vắng, tôi vẫn không quyết định việc trở về nhà và không trả lời được với chú tôi: bây giờ cháu có thể về nhà không.
Không khí chiến tranh vẫn bùng bùng vây phủ một cách thảm khốc, thành phố mỗi lúc một đông dân cư rời khỏi những làng quê không còn an ninh trong cuộc sống tranh tối tranh sáng. Họ rời khỏi cuộc sống nông dân lên thành phố làm kẻ buôn thúng bán mẹt chui rúc trong những căn nhà đổ nát, trên hè phố những kẻ tàn tật, những nạn nhân chiến tranh ngồi nơi những góc đường như những gia đình kêu khóc xin bố thí, lâu lâu thành phố lại tắt đèn, tiếng nổ khủng bố chợt đánh thức, và khi đó những khuôn mặt thất thần nhìn nhau ngơ ngác, đe dọa nằm trong cả những hang cùng ngõ hẻm, những bàng hoàng lay động làm thành một sinh hoạt giả tạo rời rã, tôi lo một công việc để bắt đầu, sau cùng chị Huệ khuyên tôi nhận việc bán vé chiếu bóng cho rạp Bắc Đô ở ngay phố hàng Giấy, bà mẹ nói:
"Ông chủ là một người bạn thân cũ của nhà tôi khi xưa, về thành mới được hơn một năm mà ông ấy đã thành giàu lớn, ai có ngờ được. Ông ấy cũng là một người tốt hôm gặp bác ông ấy hỏi thăm thằng Vịnh, bác hỏi ông có cần người làm không, ông ấy kêu đang cần người trông nom tiền bạc của rạp chiếu bóng. Bác thấy chuyện ấy cháu có thể làm được vì ban ngày nghỉ cháu có thể đi học. Ông ấy chưa nói gì đến tiền bạc, nếu muốn thì cháu nhận và nói chuyện với ông ấy".
Tôi nói:
"Vâng để cháu xem thế nào".
Chị Huệ nói:
"Làm người bán vé hát liệu có xấu hổ không?"
"Xấu hổ, có gì đâu, là việc làm cả, em cũng muốn kiếm một việc làm như thế, một việc làm bằng tay chân có lẽ thích hơn".
"Em không thích hợp đâu, việc này có vẻ nhàn, tha hồ coi chiếu bóng không mất tiền".
Tôi nói chắc chắn là thế, rồi im, chừng như chị Huệ chờ tôi nói gì nữa. Tôi hỏi:
"Bác có biết bao giờ rạp khai trương không?"
Bà mẹ dở và miếng trầu từ cối vào miệng, lúc sau mới nói:
"Bác không hỏi nhưng chừng như cũng sắp, mai cháu theo chị Huệ lên nhà ông ấy xem, nếu nhận thì tới ngay không người khác người ta nhận mất, công việc làm ăn bây giờ đâu phải nhiều gì".
Ngay buổi chiều hôm sau tôi theo chị Huệ lên nhà ông Đặng ở phố hàng Bún, căn nhà một tầng bằng gạch, chiến tranh không để lại vết tích gì, ông tiếp chúng tôi ngoài phòng khách, ông nhìn tôi từ đâu đến chân, ông hỏi tôi chuyện học hành đến đâu, tôi nói, ông bảo được, được, thanh niên mình cần phải bắt chước thanh niên Âu Mỹ nghĩa là làm việc, sống độc lập, không coi bất cứ công việc nào nên làm hay không nên làm, ông nói thao thao không muốn tôi ngắt quãng, tôi ngắm nghía ông từ chiếc đầu hói, da mặt đen, trán bóng, người thấp và tròn, ông trạc độ trên dưới bốn mươi, giọng ông thân mật một cách xã giao. Có lúc ông ngắt quãng câu chuyện với tôi để nói với chị Huệ, ông hỏi về Vịnh, chị Huệ nói Vịnh bỏ ra ngoài, ông giơ tay lên trời kêu trời đất ơi thằng nhỏ bạt tử, ra ngoài mà chết sao. Ông nhắc một vài kỷ niệm về cha Vịnh, ông nói có chút nào thương hại và chừng như cố gắng chứng minh rằng ông và cha chị Huệ rất thân với nhau, chợt như nhớ ra sự liên lạc giữa hai gia đình người bạn cũ với tôi, ông hỏi tôi:
"Cậu là thế nào với ông Vịnh?"
Tôi lúng túng một lúc, chị Huệ xen vào trả lời:
"Ngạc là cháu của mẹ cháu".
Ông Đặng ngúc ngúc cái đầu:
"Ừ phải thế chứ, Vịnh nó không có nhà mà không có ai là đàn ông đâu được. Công việc này không khó khăn gì cả, chỉ cần một người chăm, cẩn thận, tinh ý thôi. Cậu làm thừa sức mà. Còn độ tuần lễ nữa thì khai trương nhưng cậu cũng đi làm hộ tôi, bây giờ tôi cần có người giúp cho vài việc lặt vặt, vậy hôm nào thì cậu đến được?"
"Dạ thưa nếu cần thì mai cháu có thể đến".
"Thế thì hay lắm, mai nhá, cậu đến khoảng chín giờ, chín giờ đi, chúng ta bắt đầu ngay. Bây giờ thì giờ giấc còn lộn xộn ít bữa rồi sau mới bình thường".
Ông Đặng kêu người làm lấy nước mời chúng tôi; ông tiếp tục nói về những công việc làm ăn, chúng tôi chỉ biết ngồi im nghe nhưng lâu lâu ông lại hỏi ngang một câu không liên lạc gì với câu chuyện ông đang nói, tôi không hiểu trí óc của ông làm việc ra sao, có lúc ông hỏi chị Huệ: Cháu lập gia đình chưa, chị Huệ lúng túng nói chưa, chừng như ông không chú ý nghe câu nói và ông tiếp tục câu chuyện đang nói. Có lúc ông hỏi tôi: Cậu mộng ước gì, cậu định chọn một người vợ như thế nào, cậu có biết uống rượu, có biết khiêu vũ không, rồi ông khoái trá nói:
"Cậu biết không, tôi là người không biết bơi".
Câu chuyện với ông Đặng khá lâu, nhiều lúc tôi muốn đứng lên nhưng không dám hoặc không có lúc ông ngừng lại. Mãi sau chợt ông ngó đồng hồ rồi nói:
"Thôi bây giờ cháu Huệ với cậu Ngạc về nhà, tôi có hẹn với người ta, cháu về nói với đẻ bác hỏi thăm, hôm nào cháu dẫn đẻ lên chơi, nói bác mời đẻ nhá".
Tôi đứng lên, ông đưa tay bắt rất chặt rồi đưa chúng tôi ra đến bậc hiên.
Đường phố trồng tren hai lề đường những gốc bàng đã già phủ ra một quầng tán rộng làm tối lòng phố buổi chiều, những học sinh tan học từ phía trường hàng Than và trường Đỗ Hữu Vị đổ ra đông nghịt, chúng tôi theo phố cửa Bắc trở về, tôi nói với chị Huệ về ông Đặng, chị khen ông ấy là người tốt, dễ chịu chắc làm việc cho ông cũng thích. Đường phố cũ khiến tôi chợt nhớ đến Hiền, chúng tôi có lần đi với nhau trên con phố này, bây giờ thì không, bên tôi là chị Huệ lúc ngang qua chỗ gậm Cầu tôi chỉ cho chị Huệ thấy nhà ông tôi, nơi trước đây tôi đã sống, chúng tôi cũng dừng lại ngay cửa rạp Bắc Đô, một người đàn ông đang treo nơi tấm bảng lót dạ xanh một tờ quảng cáo, tôi đứng đọc thầm, chị Huệ nói:
"Nay mai người kia sẽ là bạn của Ngạc".
Tôi nhìn người đàn ông nhỏ thó, nhanh nhẹn đang cắm cúi, tôi nói giọng đùa:
"Nhưng bây giờ ông ta là một người lạ".
Một người lạ, tôi lặng đi, chúng tôi theo phố hàng Đồng trở về. Đã sẩm tối, chị Huệ bỏ áo dài rồi vội vàng đi nấu cơm, bà mẹ hỏi tôi về công việc, tôi nói đã xong, ông Đặng xem ra dễ tính và tốt lắm, tôi nói ông ấy mời bác hôm nào lên chơi, bà mẹ lắng nghe tôi nói rồi mỉm cười một mình, tôi nhủ thầm: đã có một công việc rồi, tôi thấy dửng dưng và sự buồn lại ập đến, sẽ chiều tới, đêm về, ngủ, sáng thức dậy, và cứ thế cho tới chết cũng được. Chẳng có gì, chẳng có gì, phải không. Thím tôi đã chết, những nếp nhăn chằng chịt trên má sẽ chẳng bao giờ hết đi, nhiều lúc tôi ngắm tôi một cách nhạt nhẽo. Sao mắt tôi không mù, tôi nghĩ nếu bố tôi còn sống, một hôm nào trở về nhìn thấy tôi, ông có nhận ra tôi không, biết đâu bố tôi còn sống, có khi ông có gia đình và những đứa con. Tôi biết chắc tôi không muốn trở về nhà nữa, nếu gặp chú tôi sẽ nói cho bố tôi, và cũng từ đó tôi thấy tôi trôi xa mãi những gì ràng buộc với đời sống cũ.
Những ngày đầu tiên đi làm tôi giúp ông Đặng việc thư từ giao dịch với những nhà buôn để nhận quảng cáo, trông nom việc đăng quảng cáo trên các báo, ông nói tôi được việc lắm, công việc làm cho thì giờ chạy qua mau hơn, nhưng những lúc dừng lại tôi thấy vô vị, nhiều ngày bận rộn khi ngày khai trương sát bên nên tôi phải làm việc muộn, có lần ông giữ tôi lại ăn cơm với gia đình, bà vợ ông là người nhà quê, hai người con gái đầu, cô lớn tên Tuyết, cô nhỏ tên Hạnh, sau chót là cậu con trai 9 tuổi. Tôi phải theo một người bạn của ông xuống tập sự bán vé nơi rạp Kinh Đô ở chợ cửa Nam, ở đây người bán vé là một cô gái, cô ta ngạc nhiên nhìn tôi hỏi:
"Sao ông chủ lại mượn đàn ông bán vé. Anh có thích công việc này không?"
"Ông chủ tôi không ưa con gái, có lẽ vậy - tôi cười - tôi chưa làm nên chưa biết thích hay không".
"Không ngờ tôi thành một giáo sư thực tập cho anh".
"Tôi không có xôi ga để nhập môn, xin cô nhận cho".
Con gái tự giới thiệu tên là Ánh, nàng giúp tôi dễ thân mật với nàng, lúc vắng người tôi nghe Ánh tâm sự; nàng nói đang lo mất việc vì ông chủ này định thay người khác. Tôi hỏi tại sao, nàng bảo vì ông ấy tán tôi không được. Tôi nói khổ vậy nữa, may quá tôi không phải là con gái, nhưng chắc tôi là con gái cũng không có ai tán, cô thấy vậy không. Ánh cười, tôi thấy một cái răng khểnh về phía bên trái. Ánh chỉ cho tôi việc phải làm, cách kiểm vé, ghi giờ chiếu, cách nhận tiền trả lại tiền. Tôi ngồi ở chỗ bán vé cả buổi tối, bán xong suất chiếu cuối cùng Ánh ngồi kiểm tiền, kiểm vé, vào sổ rồi đợi ông chủ đến, Ánh nói:
"Bây giờ anh có thể về được rồi, mai anh đến nữa không?"
"Có lẽ không, chẳng lẽ người ta trả lương cho tôi để đi chơi mãi sao, tôi muốn đến lắm. Tôi chờ cô rồi cùng về".
Ánh thu xếp những thứ lặt vặt, tôi rời phòng vé vào đứng phía trong coi phim đang chiếu trên màn ảnh, người đưa ghế thấy có người đứng rọi đèn pin đưa lên đưa xuống, lúc nhìn thấy tôi người đó nói, ngồi xem không, tôi nói đứng chơi chút tôi phải về, ngọn đèn tắt tôi thấy điểm sáng của đầu điếu thuốc sáng lên từng lúc, trong rạp tối bỗng ào lên theo tiếng vỗ tay, trên màn ảnh một cặp trai gái Ai Cập ngồi trên một tấm thảm bay dần lên cao thoát khỏi cuộc vây bắt của quân lính. Một phép thần thông trong những truyện cổ tích hoang đường. Họ đã thoát, những cặp tình nhân đều mong được như vậy.
"Về chưa anh?"
Tôi quay lại, trong bóng tối không nhìn thấy mặt Ánh, lúc sau ánh sáng thấp thoáng trên màn ảnh làm tôi thấy nàng mơ hồ, chúng tôi ra ngoài, tôi hỏi:
"Cô ở đâu?"
"Nhà em ở Ngõ Trạm, gần cổng xe lửa".
"Tôi cũng gần ở đó".
Chúng tôi bỏ cửa rạp ánh sáng choá loà xanh đỏ, đi qua vườn hoa, mấy hàng quà bánh, mấy người ngồi chơi lơ đãng, những khoảng bóng tối nhiều hơn khoảng sáng, Ánh nói:
"Tôi mời anh đi ăn phở gánh. Tôi đói rồi".
"Ý kiến rất hay, khuya thế này đi ăn phở thích lắm, tôi nhớ những đêm mùa lạnh đi với mấy thằng bạn ăn phở hay uống cà phê. Lâu lắm tôi không có dịp đi ăn phở như thế".
Chúng tôi sang phía bên kia vườn hoa, nơi hè đường và ngồi xuống cái ghế nhỏ quây lấy một bên gánh phở, người bán hàng nhanh nhẹn vừa xúc bánh vừa hỏi khách hàng, hai tay thoăn thoắt thái những miếng thịt mỏng bay, tôi vừa ăn vừa suýt xoa, tôi nghe những người ngồi bên vừa ăn vừa nói chuyện, những câu chuyện riêng khiến tôi không nghe ra ý nghĩa gì hết, ăn hết bát, Ánh hỏi anh ăn nữa không, tôi nói thôi cứng bụng về ngủ không được, Ánh trả tiền rồi chúng tôi đứng lên. Trên con đường Thành vắng tanh tôi hỏi:
"Khuya về trên con đường này cô không sợ sao?"
"Nhưng biết làm sao, rồi cũng quen, vả cũng chỉ có một quãng ngắn".
Tới quãng tường dài, Ánh nói:
"Tôi ở phía sau bức tường này, gia đình người anh".
Tới một cái cửa rộng hai cánh bằng gỗ khép tôi nhận đó là một xưởng sửa xe ô tô, mấy chiếc xe vận tải nằm phía sau, một ngọn đèn nhỏ treo trên một cái cột ở giữa sân, phía tay phải có một dãy nhà có người ở; ánh sáng từ những cửa chiếu ra khoảng sân bẩn thỉu, tôi đoán chừng Ánh ở một trong những căn nhà đó. Tôi nói:
"Cô ngủ ngon tôi về, hôm nào thong thả cô lên chỗ tôi làm chơi".
Ánh lặng lẽ vào khuất trong bức tường, tôi về nhà, chị Huệ ngồi ở phía ngoài hỏi:
"Sao hôm nay Ngạc về trễ vậy?"
Tôi kể chuyện đi tập sự nghề, chị nghe không nói.
Chị Huệ nhắc tôi có chè đậu đen phần tôi trong chạn bát, bà mẹ nói:
"Hồi chiều có cậu Trịnh lại tìm cháu, chút nữa bác quên, cậu ấy có lên tìm cháu ở trên rạp không? À cậu ấy có viết giấy cho cháu, bác để ở trong bàn cháu".
"Vâng, anh ấy có lên cũng không gặp cháu, hôm nay cháu làm ở chỗ khác".
Tôi lại bàn, Trịnh nói không thấy tôi nên lại chơi, vậy thôi. Tôi vơ vẩn không biết làm gì nên mắc màn đi ngủ, nằm trong màn tôi tỉnh táo nên lại trở dậy. Lúc trước tôi nghĩ nếu có công việc tôi vẫn thấy vô vị, tôi vẫn quanh quẩn những ý nghĩ đâu đâu, nhiều lúc tôi nhớ vơ vẩn về Hiền, những lời của Vịnh không làm tôi thôi nghĩ ngợi. Tôi bực tức việc Trương đi, hắn đi đâu? Tôi cố mường tượng xem hắn có thể đến một nơi nào, chẳng lẽ Trương theo con đường của Vịnh, nếu không đi đâu. Nhưng có lúc tôi lại cho rằng có lẽ Trương ở đâu quanh tôi, giấu mặt làm vẻ ngạc nhiên nhìn tôi trong cuộc sống. Hay là Trương cũng theo con đường của Thu, cả hai anh em đều đang tìm cách trả thù một kẻ trong đám đông không mặt mũi. Chúng tôi tan loãng ra. Tôi nhớ lúc trước nghe một cách ví dụ của Trương về tình trạng xã hội trong thành, Trương gọi nó như một bè chuối trong mùa nước, con sóng đã làm đứt những dây buộc và những thân chuối đó, mỗi thân chuối một vài người, chỉ còn sức để bám và trôi đến đâu đều không biết nữa. Trong đời sống người ta không tìm thấy dây nhợ của một nền tảng, từ trên tinh thần cho đến tổ chức không còn một cố kết toàn thể nào. Chiến tranh lại thúc bách mỗi giờ phút, không ra ngoài, không vào lính, tôi đứng ngoài lề. Rồi đi đến đâu, tôi vẫn hỏi vậy. Chính nghĩa quốc gia đã bị những người quốc gia phá hoại nó, vang động của những biến động lịch sử hào hùng chỉ còn là những dĩ vãng đẹp, lâu nay chàng nghe nói đến người này người khác từ hải ngoại trở về để cộng tác với Pháp, tôi hỏi Pháp bây giờ khác với Pháp khi xưa sao, tôi nào thấy gì khác, tại sao lại không có một lực lượng của những người quốc gia. Lựa chọn đặt ra cho chúng tôi thành bế tắc lúng túng rồi thành thụ động buồn chán. Mọi người chừng như cố để quên chiến tranh, quên mọi điều để sống trong sự tầm thường nhỏ bé, nhưng họ đều không quên mãi được.
Tôi tỉnh táo một cách khó chịu, đêm sâu kín, mọi người đều ngủ say phải không? Những giấc mơ nào đến với họ? Một cảnh đoàn viên trong thanh bình? Hội hè? Hay tiếng nổ, bom đạn và thú dữ?
Tuổi Nước Độc Tuổi Nước Độc - Dương Nghiễm Mậu Tuổi Nước Độc