Kẻ nào chưa một lần thất bại trong quá trình trưởng thành, tức kẻ đó không có gan thực hiện những điều mới mẻ.

Woody Allen

 
 
 
 
 
Tác giả: Jack Kerouac
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: On The Road
Dịch giả: Cao Nhị
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 44
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 23
Cập nhật: 2023-06-22 21:34:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
[11]
ôi đến gặp Remi Boncoeur muộn hai tuần so với dự kiến. Chuyến đi từ Denver đến Frisco hoàn toàn bình yên, ngoại trừ việc lòng tôi cứ xao xuyến hoài mỗi khi xe đến gần Frisco thêm một chút. Lại qua Cheyenne, lần này thì vào buổi chiều, rồi ngoặt sang phía Tây vượt qua rặng núi, qua Creston vào lúc nửa đêm; đến Salt Lake City lúc rạng sáng, đây là thành phố chuyên sản xuất các loại xe rửa đường, ứng cử viên ít khả năng nhất cho vị trí nơi chôn rau cắt rốn của Dean; rồi xe tiến vào Nevada dưới nắng trời nóng bỏng; sẩm tối thì đến Reno với những khu phố Tàu đèn nhấp nháy; ngược lên Sierra Nevada, thấy bao nhiêu là thông, thấy sao trên trời, thấy những dãy nhà nghỉ trong núi, nơi hẹn hò thơ mộng của những cặp tình nhân ở Frisco; một bé gái ở băng sau xe kêu lên với mẹ, “Mẹ ơi, bao giờ thì đến Truckee?” Vừa đúng lúc đó thì xe tới Truckee, cái thành phố thân yêu của cô bé; rồi thả dốc xuống vùng đồng bằng Sacramento. Tôi chợt nhận ra mình đã đến California. Những làn gió ấm, nồng nàn hương cọ - làn gió như hôn được - và những hàng cọ bên đường. Xe chạy dọc Sacramento, con sông đã đi vào sách vở, trên đường cao tốc, rồi lại vào vùng đồi, lên rồi lại xuống, và bất chợt vùng vịnh mở ra trước mắt (ngay trước những tia nắng đầu tiên), le lói những ánh đèn của Frisco còn đang ngái ngủ. Khi xe vượt qua cầu Vịnh Oakland, tôi ngủ thẳng một mạch, lần đầu tiên suốt từ lúc rời Denver. Mãi tới bến xe giữa phố Chợ và phố 4, tôi mới choàng tỉnh dậy và nhận ra thế là mình đã cách xa bà cô ở New Jersey, vùng Paterson, đến ba nghìn hai trăm dặm. Tôi đi thất thểu như một bóng ma vật vờ, và đây là Frisco với những con phố dài vắng hoe, trên lề đường chằng chịt đường xe điện chìm trong sương mù trắng xóa. Tôi lang thang quanh mấy khu nhà. Đến mờ sáng, có mấy gã vô gia cư quái đản thò đầu ra xin mấy xu. Tôi nghe vẳng đâu đó tiếng nhạc. “Rồi sẽ có dịp thưởng thức thôi, nhưng giờ phải tìm ra Remi Boncoeur cái đã.”
Remi ngụ ở Mill City tại một khu phố gồm một dãy nhà ọp ẹp túm tụm trong một thung lũng, đó là dãy nhà tạm cho công nhân xưởng đóng tàu chiến trong chiến tranh; nó nằm trong một hẻm núi sâu, lọt thỏm giữa cây cối um tùm. Có cả một lô hàng quán đặc biệt dành cho dân cư ngụ, cả hàng cắt tóc và hiệu may. Theo người ta nói thì đây là cộng đồng duy nhất trên đất Mỹ có người da trắng và da đen sống cùng nhau một cách tự nguyện, thoải mái. Quả đúng là thế thật, và tôi cũng chưa từng thấy nơi nào sống động và vui vẻ hơn. Trên cánh cửa nhà Remi, tôi thấy gài một mảnh giấy từ ba tuần trước.
SAL PARADISE! [chữ to, in hoa]. Nếu không thấy ai ở nhà thì trèo qua cửa sổ.
Ký tên,
Remi Boncoeur.
Mảnh giấy bạc phếch vì dãi dầu mưa nắng.
Tôi trèo cửa sổ vào và thấy hắn nằm đó, đang ngủ với bồ là Lee Ann trên một cái giường chôm được từ một con tàu chở hàng, như sau này hắn kể tôi nghe; hãy hình dung một tay thợ máy của một chuyến tàu buôn, lủi đi lúc nửa đêm với một cái giường xoáy được, và cứ kéo lê nó theo lên thuyền nhỏ, chèo sã cánh mới vào được đến bờ. Sơ lược chân dung của Remi Boncoeur là như vậy.
Lý do khiến chuyện gì xảy ra ở San Fran tôi cũng dính vào là bởi nó gắn chặt đến mọi chuyện sau này. Remi Boncoeur và tôi biết nhau từ hồi tiểu học, cách đây lâu lắm rồi, nhưng lại chỉ thực sự gắn bó với nhau do người vợ cũ của tôi. Remi phát hiện ra nàng trước. Một buổi chiều hắn vào phòng ký túc của tôi và nói, “Paradise, dậy đi, sáo già nghệ sĩ lớn đến thăm ông đây.” Tôi đứng dậy và để rơi mấy đồng tiền khi mặc quần vào. Lúc đó vào khoảng bốn giờ chiều; hồi học đại học lúc nào tôi cũng ngủ. “Nào, nào, đừng có rắc vàng ra khắp nơi thế chứ. Tôi vừa đong được một em ngon nhất quả đất và chuẩn bị xông thẳng đến Lion’s Den cùng nàng đây.” Và hắn kéo tôi đi theo để giới thiệu. Một tuần sau nàng đã cặp với tôi. Remi người Pháp, to cao, rám nắng, đẹp trai (giống như một tay buôn lậu hai mươi tuổi ở cảng Marseille); hắn là dân Pháp nên cứ tưởng là mình buộc phải nói tiếng lóng kiểu Mỹ; tiếng Anh của hắn hoàn hảo, tiếng Pháp của hắn hoàn hảo. Hắn thích đóng bộ thật diện, phần nào như kiểu sinh viên quý tộc, đi chơi với những em tóc vàng sành điệu và đốt thật nhiều tiền. Hắn không bao giờ trách cứ tôi cái tội đã cuỗm mất bồ của hắn (điều này lại khiến hai thằng càng gắn bó với nhau). Hắn vẫn trung thành với tôi và thực sự yêu quý tôi, có trời mới biết tại sao.
Khi tôi gặp hắn sáng hôm đó ở Mill City thì hắn đang ở trong những ngày ngán ngẩm và tồi tệ thường gặp ở bọn trai trẻ tầm hai lăm hai sáu. Hắn sống vật vờ để chờ đợi một chuyến tàu biển và làm bảo vệ trong khu phố để kiếm sống. Bồ của hắn, Lee Ann, mồm loa mép dải, ngày nào cũng đãi hắn một bữa cãi vã no nê. Cả tuần họ tiết kiệm từng xu một chỉ để đến thứ Bảy đốt hết năm mươi đô trong có ba tiếng đồng hồ. Remi loanh quanh trong phòng, quần soóc, đầu đội một chiếc mũ lính rất dở hơi. Lee Ann thì ưỡn ẹo, tóc tai dựng đứng tua tủa những kẹp. Họ đấu khẩu nhau cả tuần. Cả đời tôi chưa từng gặp phải đôi nào hay cãi nhau đến thế. Nhưng cứ đến tối thứ Bảy họ lại nhoẻn miệng cười tình với nhau, dẫn nhau ra đường như một đôi sao Hollywood và biến vào thành phố.
Remi tỉnh giấc và nhìn thấy tôi trèo qua cửa sổ. Hắn cười rất to, một trong những tiếng cười to nhất thế giới, nghe chói tai. “A a a, thằng Paradise, nó trèo qua cửa sổ, nó theo đúng lời chỉ dẫn, đúng từng chữ một. Ông ở đâu đến thế? Ông đến chậm mất hai tuần lễ!” Hắn vỗ một cái vào lưng tôi, đấm vào sườn Lee Ann một cái, tựa lưng vào tường và khóc và cười, hắn đập tay xuống bàn mạnh đến nỗi cả bốn góc Mill City đều có thể nghe thấy, và tiếng “A a a” kéo dài cứ rống lên mãi không dứt vọng khắp các vách đá. “Paradise thằng cha độc nhất vô nhị mình không thể sống thiếu, ôi Paradise!” hắn hò hét.
Tôi vừa đi qua cái làng chài lưới nhỏ Sausalito, và câu nói đầu tiên của tôi là, “Phải có đến một đống dân Ý ở Sausalito.”
“Phải có đến một đống dân Ý ở Sausalito!” hắn gào lên thật lực đến vỡ phổi. “A a a.” Hắn cứ lấy tay đánh vào người mình, lăn lộn trên giường, gần như lăn ra cả đất. “Em có nghe thấy thằng Paradise nó nói gì không? Phải có cả một đống dân Ý ở Sausalito! A a a, ô ô, chà chà.” Mặt hắn đỏ lựng lên như củ cà rốt vì cười. “Ôi, ông giết tôi đấy, Paradise, trên đời này không thằng nào chán hơn ông nữa, thế là ông đã mò được tới đây, cuối cùng ông đã dẫn xác về được đến đây. Nó trèo qua cửa sổ, em nhìn thấy rồi đấy, Lee Ann, nó theo đúng lời chỉ dẫn và đã trèo qua cửa sổ, Hô hô, ha ha!”
Điều lạ lùng ở chỗ ngay cạnh nhà Remi là nhà một gã da đen, gọi là Ngài Snow (Tuyết), gã có tiếng cười, tôi xin đặt tay lên Kinh Thánh mà thề, đó là tiếng cười lớn nhất thế giới. Ngài Snow này bắt đầu cười như vậy từ ngày bà vợ cũ của gã nói gì đó, cũng bình thường thôi, bên bàn ăn tối; khi đó gã đứng dậy, sốc ra mặt, tựa lưng vào tường, ngước mắt nhìn trời, và bắt đầu cười; gã lảo đảo đi qua cửa, vịn tay vào tường nhà hàng xóm; gã say tiếng cười của mình, loạng choạng băng qua Mill City trong bóng đêm, cất tiếng cười man dại đinh tai nhức óc, như muốn gọi đến quỷ thần nào đã kích thích hắn cười như thế. Tôi không hiểu có khi nào gã ăn được trọn bữa. Có thể Remi, một cách vô thức, đã lây cái kiểu cười đó từ Ngài Snow này. Và dù công việc của Remi đang gặp nhiều khó khăn, lại còn phải ăn ở với con mụ lắm mồm này, ít ra hắn cũng học được cách cười hay hơn bất cứ ai trên đời, và chưa gì tôi đã thấy trước mọi chuyện hay ho mà chúng tôi sẽ cùng nhau trải qua ở Frisco.
Mọi chuyện được thu xếp thế này: Remi ngủ với Lee Ann trên cái giường kê giữa nhà, tôi thì ngủ trên một cái giường xếp gần cửa sổ. Tồi không được phép chạm vào Lee Ann. Remi đã đọc cho tôi nghe hẳn một bài diễn văn về vấn đề này. “Tôi không muốn nhìn thấy hai đứa giở trò mèo chuột khi cho là tôi không hay biết. Ông không thể dạy con sáo già hót điệu mới, vô ích thôi. Danh ngôn độc nhất vô nhị của tôi đấy.” Tôi đứng ngắm Lee Ann. Một món ngồn ngộn ngon lành, một tạo vật màu mật ong, phải cái tội mắt nàng cứ lóe ra những tia hằn thù cả Remi lẫn tôi. Nàng chui ra từ một thị trấn nhỏ ở Oregon. Tham vọng của nàng là lấy được một thằng chồng thật giàu và nàng nguyền rủa cái ngày nàng dính vào Remi. Vào một dịp nghỉ cuối tuần, hắn đã cho hẳn nàng một trăm đô và nàng tin ngay là mình vớ được một cậu ấm vừa được hưởng món thừa kế kếch xù. Thế mà cuối cùng lại phải chui vào cái xó xỉnh rách nát này và buộc lòng phải ở lại luôn. Nàng có việc làm ở Frisco, phải bắt xe buýt ở chỗ ngã tư và ngày nào cũng phải đi đi về về. Không bao giờ nàng tha thứ cho Remi về chuyện này.
Theo thỏa thuận tôi sẽ ở lại ngôi nhà rách nát này để viết một kịch bản độc đáo cho một hãng phim ở Hollywood. Remi sẽ cắp nách cái kiệt tác này đáp một chuyến tàu và đổi đời cho tất cả chúng tôi. Lee Ann sẽ đi với hắn. Hắn sẽ giới thiệu nàng với bố một chiến hữu, ông này là đạo diễn nổi tiếng và là bạn thân của W. C. Fields. Vậy là tôi trải qua tuần lễ đầu tiên trong túp lều ở Mill City, điên dại viết ra một câu chuyện ảm đạm về New York mà tôi nghĩ có thể làm hài lòng một ông đạo diễn của Hollywood, nhưng phiền một nỗi là câu chuyện quá buồn. Remi không đọc nổi và đồng ý mấy tuần nữa sẽ đem nó về Hollywood. Lee Ann cũng chả phí công đọc, nàng quá ghét chúng tôi. Tôi trải qua những giờ mưa gió triền miên, uống cà phê và hí hoáy viết. Cuối cùng tôi nói với Remi là viết lách không ăn thua, tôi muốn có một việc làm kia; chứ thế này thì đến thuốc lá tôi cũng phải phụ thuộc vào họ. Bóng đen thất vọng lướt qua lông mày Remi - hắn luôn thất vọng vì những chuyện ngớ ngẩn nhất trên đời. Hắn có một trái tim vàng.
Hắn xoay xở kiếm cho tôi một việc làm như của hắn, một chân kiểu như bảo vệ ở khu phố. Tôi phải làm những thủ tục cần thiết, và thật lạ lùng, bọn ma bùn ấy lại nhận tôi ngay. Tôi phải đứng tuyên thệ trước mắt cảnh sát trưởng sở tại, được lĩnh một tấm huy hiệu, một cây gậy, và thế là tôi trở thành cảnh sát bảo vệ. Tôi nghĩ bụng không biết Dean, Carlo và cả Old Bull Lee sẽ ra sao khi biết tin này. Tôi phải mặc quần xanh lính thủy, áo khoác đen và đội mũ cảnh sát. Trong hai tuần đầu, tôi phải mặc tạm quần của Remi; vì nỗi hắn rất đô và bụng rất bự, kết quả của những bữa ngốn ngấu không mệt mỏi, nên tôi phải bơi trong cái quần ấy hệt như Charlie Chaplin trong tối đi gác đầu tiên. Remi đưa cho tôi một cái đèn pin và một khẩu 32 li tự động.
“Ông lấy khẩu súng này ở đâu ra thế?” tôi hỏi.
“Mùa hè năm ngoái, khi ra bãi biển, đến ga Bắc Platte, Nebraska, tôi xuống tàu đi dạo chút cho đỡ tê chân và món hàng duy nhất tôi nhìn thấy trong tủ kính là em chó lửa bé bỏng của độc này, tôi mua luôn và suýt nữa thì tàu chạy mất.”
Nhân tiện tôi kể cho hắn nghe chuyện ở Bắc Platte, chuyện tôi mua whisky ở đấy cùng với mấy thằng, và hắn cứ vỗ mãi vào lưng tôi, nói rằng tôi là một thằng ngớ ngẩn nhất trên đời.
Cầm cái đèn pin để soi đường, tôi leo lên cái dốc dựng đứng của vách đá phía Nam, lên tận đường cái lớn, nơi có những đoàn xe phóng ào về Frisco, rồi lại trèo xuống ở phía bên kia, suýt nữa thì ngã bổ chửng, lần đến một trang trại nhỏ cạnh con suối, nơi vẫn có con chó đêm nào cũng sủa nhặng lên mỗi khi tôi đi qua. Rồi tôi bước nhanh theo con đường trắng như bạc, ngập bụi, dưới những hàng cây xứ California đen như mực, một con đường hệt như trong Mặt nạ của Zorro và như tất cả những con đường trong các bộ phim cao bồi loại B. Tôi thường rút súng lục ra và đóng giả cao bồi trong bóng đêm. Rồi tôi lại trèo qua một quả đồi khác để đến khu nhà ở. Đây là khu vực dành cho công nhân xây dựng nước ngoài ở tạm. Bọn họ đến ở đây để chờ tàu. Phần lớn đi Okinawa. Cũng phần lớn số người này đều đang trốn tránh cái gì đấy, thường là pháp luật. Có dân đầu gấu Alabama, có bọn gian manh đến từ New York, đủ hạng người, thuộc mọi vùng miền. Và bởi biết trước một năm trời làm việc ở Okinawa sẽ kinh khủng thế nào, nên họ uống tợn lắm. Nhiệm vụ của bảo vệ là trông nom để bọn họ không tung hê cả nhà cửa lên. Chúng tôi có đại bản doanh riêng trong một căn nhà bằng gỗ hết sức đơn sơ, các phòng ngăn nhau bằng ván gỗ. Ở đấy, chúng tôi ngồi quây quanh một cái bàn giấy, gỡ súng ra khỏi hông và ngáp dài, trong khi bọn cớm già dông dài kể chuyện.
Đây là một toán bất hảo, bọn chó săn từ bản chất, tất cả cùng một giuộc, chỉ trừ Remi và tôi. Remi chỉ mong kiếm miếng qua ngày, tôi cũng vậy, còn bọn kia chỉ mong bắt bớ được nhiều để được cảnh sát trưởng khen thưởng. Thậm chí bọn này còn nói rằng nếu một tháng mà không bắt được một người thì sẽ bị sa thải. Cứ nghĩ đến việc đi bắt bớ là tôi lại thấy nghẹt thở. Cho nên cứ đêm đêm, khi khu nhà ấy biến thành một bãi chiến trường thì tôi cũng xỉn luôn như bọn người kia.
Đó là một đêm tình cờ tôi phải đi gác một mình suốt sáu tiếng đồng hồ, trở thành tên cớm duy nhất ở đó; và mọi người đêm đó dường như ai cũng say xỉn cả. Bởi sáng ra, tàu họ đã đi rồi. Họ uống như cánh thủy thủ đêm trước lúc nhổ neo. Tôi đang ngồi trong đồn, thượng chân lên bàn, đọc một cuốn truyện phiêu lưu trong vùng Oregon và trên miền Bắc, bỗng nghe thấy tiếng ào ào như ong vỡ tổ vào lúc nửa đêm vốn vẫn luôn êm ả. Tôi ra ngoài. Nhà nào đèn cũng sáng choang. Người thì la hét, chai rượu vỡ choang choang. Thế này thì tôi phải hoặc làm nhiệm vụ hoặc chết.
Tôi vớ lấy cái đèn pin, đến cửa ngôi nhà ầm ĩ nhất và gõ. Cánh cửa bên trong hé ra.
“Anh muốn gì nào?”
Tôi nói, “Phận sự tôi là canh gác khu vực này ban đêm và các người nên hết sức giữ trật tự cho” - hoặc là một câu gì đó ngu ngốc đại loại thế. Thế là cánh cửa đóng sầm lại trước mặt tôi. Hệt như trong phim cao bồi. Đây là lúc phải làm cho kẻ khác tôn trọng mình. Tôi lại đập cửa. Lần này thì cửa mở toang. “Nghe đây, tôi không muốn đến đây làm phiền các vị, nhưng tôi sẽ mất việc nếu các vị cứ ầm ĩ thế này.”
“Thế anh là ai?”
“Tôi là bảo vệ ở đây.”
“Chả ai nhìn thấy anh ở đây bao giờ cả.”
“Đây, huy hiệu của tôi đây.”
“Anh định làm cái trò gì với con chó lửa kè kè bên hông kia?”
“Không phải của tôi,” tôi xin lỗi. “Súng đi mượn đấy.”
“Làm tạm một ly đã, vì Chúa.” Một ly chẳng bõ bèn gì. Tôi làm luôn hai ly.
Tôi nói, “Được chưa, các bố? Trật tự một chút, được không? Không thì rầy rà cho tôi lắm đấy, thông cảm nhé.”
“Thôi được rồi, lỏi con,” họ nói. “Cứ đi tuần đi. Rồi nếu thích thì quay lại làm một ly nữa.”
Thế là tôi đi một vòng các nhà theo kiểu đó và chẳng mấy lúc mà tôi cũng say xỉn như ai. Sáng bảnh mắt, nhiệm vụ của tôi là phải kéo quốc kỳ Mỹ lên đỉnh một cái cột cờ cao chót vót, lớ quớ thế nào tôi lại treo lộn ngược những ngôi sao xuống dưới rồi về nằm thẳng cẳng lên giường. Chiều đến, khi tới trụ sở tôi thấy bọn cớm chính ngạch đang ngồi vòng tròn quanh bàn giấy, mặt mũi nghiêm trọng.
“Nói nghe thử, thằng nhóc kia, đêm qua cả khu vực này như một cái chợ vỡ là sao? Đơn khiếu nại của dân từng chồng đây này.”
“Tôi đâu có biết,” tôi nói. “Vẫn êm ả như thường mà.”
“Bọn nó biến hết rồi. Nhiệm vụ của anh đêm qua là giữ gìn an ninh trật tự. Sếp kêu anh lắm đấy. Lại còn vụ này nữa, anh muốn vào tù hay sao mà lại treo cờ lộn ngược thế kia, ngay trên một cái cột cờ của chính phủ?”
“Lộn ngược á?” Tôi rất hoảng, tôi đâu có cố tình làm thế. Sáng nào tôi cũng kéo cờ như cái máy ấy mà.
“Vâng, thưa bố,” một gã cớm phệ từng làm lính gác ở nhà tù Alcatraz hai mươi năm nói. “Bố dám vào nhà đá lắm vì cái vụ này đây.” Ai nấy gật đầu vẻ rất nghiêm trọng. Họ lúc nào cũng ngồi mòn đít quần quanh bàn giấy như thế, và dương dương tự đắc về nghề nghiệp của mình. Họ giở súng ra lau và nói chuyện về chúng. Họ nóng lòng bắn hạ ai đó. Remi và tôi chẳng hạn.
Tay cớm từng là canh gác trại giam ở Alcatraz là một gã bụng phệ chừng sáu mươi tuổi, đã về hưu nhưng không thể rời xa cái môi trường từng nuôi dưỡng tâm hồn cằn khô của lão suốt cả cuộc đời. Tối nào lão cũng đến trụ sở bằng xe Ford đời 1935, hết sức đúng giờ và ngồi xuống bên bàn giấy. Lão giải quyết một cách vất vả mấy mẫu đơn đơn giản mà ai trong chúng tôi cũng phải điền vào: ca trực, giờ giấc, sự cố, vân vân. Rồi lão ngả người ra lưng ghế, bắt đầu kể chuyện. “Các chú lẽ ra phải có mặt ở đây hai tháng trước mới phải, khi anh và thằng Sledge” (là một tên cớm khác, một thằng búng ra sữa chỉ muốn gia nhập cảnh sát vũ trang Texas mà không được, đành phải làm việc ở đây), “bắt giữ một tên say rượu ở khu G. Boy. Các chú lẽ ra phải xem cảnh máu văng khắp nơi. Để tối nay anh dẫn các chú đến tận nơi xem vết máu khô. Phang nó bật từ bờ tường bên này sang bờ tường bên kia. Đầu tiên thằng Sledge tẩn nó, rồi đến lượt anh, thằng cha xuống nước và ngoan ngoãn chịu đi theo bọn anh. Hắn thề sẽ giết chết bọn anh khi nào ra khỏi nhà giam - ba mươi ngày thôi. Thế mà đã sáu mươi ngày rồi chưa thấy hắn quay lại.” Và đó là điểm nhấn của câu chuyện. Mấy tay cớm kia sẽ phục lão lăn lóc vì hiểu rằng thằng cha bị bắt kia đã sợ vãi mật đến nỗi không dám quay lại giết lão như đã dọa.
Lão cớm già lại chuyện tiếp, thích thú kể về những nỗi kinh hoàng ở nhà tù Alcatraz. “Bọn anh thường bắt bọn tù xếp hàng như một trung đội bước mốt hai mốt đi ăn sáng. Không thằng nào bước sai một nhịp. Mọi thứ cứ răm rắp. Các chú phải nhìn thấy tận mắt kia. Anh làm bảo vệ nhà tù ở đấy hai mươi hai năm liền. Chưa từng gặp rắc rối gì cả. Bọn tù này biết là không ai đùa với chúng. Ôi thằng mủi lòng khi phải gác tù và tất cả bọn này đều gặp rắc rối hết. Thí dụ như các chú, theo như anh nhận xét, thì còn hiền lành quá đối với bọn đấy.” Lão giơ tẩu lên và nhìn tôi một cách nghiêm khắc. “Chúng nó lợi dụng điều đó đấy, tin anh đi.”
Tôi biết điều đó. Tôi nói với lão là tôi không sinh ra để làm cớm.
“Đúng, nhưng đó là nghề mà chú đã viết đơn xin. Giờ thì chú phải quyết tâm, cách này hay cách khác, nếu không thì sẽ chẳng đi đến đâu cả. Đó là nhiệm vụ của chú. Chú đã thề rồi. Không thể thỏa hiệp với những thứ thế này. Trật tự và luật pháp phải được giữ vững.”
Tôi chẳng biết nói sao; lão có lý; nhưng tôi chỉ muốn một điều là chuồn vào đêm tối rồi bốc hơi ở đâu đó, rồi đi khắp nơi xem thử người ta làm những trò trống gì trên đất nước này.
Thằng cớm Sledge to con, cuồn cuộn cơ bắp, tóc đen húi cua và có tật cứ căng thẳng là cổ lại giật giật, trông hắn hệt một võ sĩ suốt ngày cứ đấm tay nọ vào tay kia. Hắn đeo súng lục trễ xuống hông, thắt lưng sáng lóa, và mang theo một cái roi da, cả người chỗ nào cũng có da thuộc, y như một cái phòng tra tấn lưu động: giày da bóng loáng, áo da khoác hờ hững, mũ phớt da, mọi thứ, thiếu mỗi đôi ủng da. Hắn hay giở võ ra với tôi, lao vào túm lấy đũng quần tôi và nhấc bổng lên một cách nhẹ nhàng. Nói về mặt sức mạnh thì tôi cũng có thể làm được những động tác y hệt, ném tung hắn lên trần nhà, nhưng không bao giờ tôi nói ra điều đó, sợ hắn đòi thách đấu. Một cuộc đấu sức với một thằng cha như hắn thì dám kết thúc bằng việc đọ súng lắm. Về khoản bắn thì chắc chắn hắn giỏi hơn tôi, cả đời tôi nào có bao giờ được cầm một khẩu súng. Chỉ việc lên đạn thôi cũng đủ khiến tôi phát hoảng rồi. Cha này cay cú bắt người lắm. Một đêm, chỉ có hắn và tôi đi tuần và lúc về hắn đỏ mặt tía tai vì tức.
“Tôi đã nói với mấy thằng đấy là phải trật tự, thế mà chúng vẫn làm ồn. Đã cảnh cáo lần thứ hai rồi. Tôi luôn chỉ cho người khác hai cơ hội. Không có lần thứ ba. Đi với tôi, phải bắt giữ bọn này mới xong.”
“Thôi được, thế để tôi cho họ cơ hội thứ ba. Tôi sẽ nói chuyện với họ.”
“Không ạ, thưa bố, con không bao giờ cho ai lần thứ ba cả.” Tôi thở dài. Chúng tôi đến đó, Sledge mở cửa ra và lệnh cho họ từng người một phải đi ra ngoài. Thật phiền. Xấu hổ là khác. Chuyện nước Mỹ là thế này đây. Ai thích gì thì cứ làm tùy ý. Thế thì một nhóm người nói to và uống rượu ban đêm thì có sao? Nhưng Sledge lại muốn chứng minh một điều gì đó. Hắn yên trí có sự trợ giúp của tôi nếu bọn kia chống cự lại. Họ dám lắm chứ. Họ đều là anh em họ hàng với nhau, đều là dân Alabama cả. Giải họ về bốt, Sledge đi trước, tôi đi tập hậu.
Một gã nói với tôi, “Anh bảo với thằng bị thịt đó hãy cho chúng tôi hai chữ bình yên. Bọn này có thể bị sa thải vì chuyện này và không bao giờ còn đến được Okinawa.”
“Tôi sẽ nói chuyện với anh ta.”
Đến bốt, tôi bảo Sledge xí xóa chuyện này. Hắn phồng mang trợn má nói to để mọi người đều nghe thấy, “Không bao giờ tôi cho ai hơn hai cơ hội, xin nhớ cho như vậy.”
“Cứt!” gã người Alabama nói. “Thế thì sao nào? Bọn này chỉ sợ mất việc làm thôi.” Sledge không nói năng gì nữa và ngồi viết biên bản. Hắn chỉ bắt một người. Hắn gọi xe tuần tra trong thành phố. Xe đến và đưa người này đi. Số người còn lại ra về, mặt mũi hầm hầm. “Mẹ sẽ nói sao đây?” họ nói. Một người trong số họ quay lại tìm tôi. “Anh nhắn giúp cho thằng Texas chó chết ấy rằng nếu đến chiều mai vẫn chưa thả người anh em của chúng tôi ra thì cam đoan là hắn sẽ ăn đòn đấy.” Tôi nói lại y sì cho Sledge biết, chẳng đứng về phía ai cả, và hắn vẫn không nói năng gì. Người bị bắt sau đó được thả luôn một cách dễ dàng và không xảy ra chuyện nào đáng tiếc cả. Bọn này xuống tàu ra đi. Một bọn khác lại đến thế chỗ. Nếu không phải vì Remi Boncoeur thì tôi sẽ chẳng làm việc này đến hai tiếng đồng hồ.
Nhưng có nhiều đêm chỉ có Remi và tôi đi tuần, và đó là những lúc mọi thứ rối tinh rối mù. Chúng tôi đi tuần vòng đầu tiên một cách thư thái, Remi đi kiểm tra tất cả các cửa ra vào xem đã khóa chặt chưa và hy vọng có một cái quên chưa khóa. Hắn nói, “Từ nhiều năm nay, tôi có ý định nuôi một con chó, dạy nó thành một siêu kẻ trộm biết cách lần vào nhà người ta và chôm đô la trong ví họ. Tôi sẽ luyện cho nó chỉ chôm toàn tờ xanh, sẽ cho nó ngửi suốt ngày để làm quen dần với mùi đô la. Và nếu có thể được thì tôi chỉ luyện cho nó chôm toàn tờ hai mươi đô.” Remi có những dự định kỳ quái, hắn lải nhải chuyện con chó này hàng tuần rồi. Chỉ có một lần hắn phát hiện được một cái cửa quên khóa. Tôi không ưa trò này nên đi lang thang xuống cuối hành lang. Remi rón rén mở cửa ra đụng đầu phải tay giám đốc khu. Remi ghét cái mặt cha này. Hắn hỏi tôi, “Này tên cái ông tác giả người Nga ông hay nhắc đến là gì ấy nhỉ, cái ông vẫn hay nhét báo vào trong giày và đội một cái mũ cao thành nhặt được ở sọt rác để đi dạo phố ấy?” Đó là lời của tôi khi nói với Remi về Dostoievski mà hắn đã phóng đại lên. “À, đúng rồi, đúng là ông này rồi. Dostioffski. Một thằng cha có cái mẹt như lão giám đốc này chỉ có thể mang được một cái tên thôi - đó là Dostioffski.” Cái cửa không khóa duy nhất hắn đã mò được chính là cửa nhà ông Dostioffski này. D. đang ngủ chợt nghe thấy tiếng lạch cạch ở tay đấm cửa. Lão mặc nguyên đồ ngủ, vùng dậy. Lão đi ra cửa với bộ mặt xấu xí gấp đôi thường lệ. Khi Remi mở cửa ra thì đụng luôn phải một bộ mặt phờ phạc vì mất ngủ đang sưng sỉa điên tiết.
“Thế này là thế nào?”
“Tôi chỉ mở thử thôi. Tôi tưởng đây là phòng... ừm... chứa đồ vệ sinh. Tôi đang tìm một cái chổi lau nhà.”
“Đi tìm chổi lau nhà là có ý gì?”
“À... ừm.”
Tôi bước lên và nói, “Có người nôn ở hành lang trên gác. Bọn tôi phải dọn đi.”
“Đây không phải là nơi chứa đồ. Đây là phòng của tôi. Nếu xảy ra chuyện gì tương tự như thế này nữa thì tôi sẽ cho điều tra về các cậu, và sẽ tống cổ các cậu đi. Các cậu nghe rõ chưa?”
“Có người nôn ở trên gác mà,” tôi nhắc lại.
“Chỗ để đồ vệ sinh ở cuối hành lang. Kia kìa.” Lão chỉ tay về phía đó và đứng xem chúng tôi đi lấy chổi, tất nhiên là bọn tôi buộc phải làm thế, và mang chổi đi lên gác như hai đứa dở người.
Tôi nói, “Lạy Chúa, Remi, bao giờ ông cũng sinh chuyện lôi thôi. Sao ông không ngồi yên đi? Sao cứ phải trộm cắp luôn thế?”
“Thiên hạ nợ tôi vài món, có vậy thôi. Ông không phải dạy đời tôi. Nếu ông cứ tiếp tục nói với tôi theo kiểu này thì tôi sẽ gọi ông là Dostioffski đấy.”
Remi chỉ như một thằng nhóc. Có một thời ngày trước, những ngày đi học cô đơn ở Pháp, người ta đã tước đi của hắn mọi thứ; bố mẹ kế của hắn tống hắn vào ở nội trú và bỏ mặc hắn ở đó; hắn bị đối xử tàn tệ, bị đẩy đi hết trường này sang trường khác; ban đêm hắn lang thang trên các con đường ở nước Pháp, phát minh ra những câu chửi thề từ vốn từ ngây thơ của mình khi ấy. Remi quyết giành lại những gì đã mất, mà mất mát của hắn là vô cùng; nên quá trình này sẽ kéo dài vĩnh viễn.
Tiệm ăn của khu vực chính là cái chạn thức ăn của chúng tôi. Hai thằng đảo mắt nhìn quanh để biết chắc không có ai nhìn mình, đặc biệt là để đảm bảo không có chú cớm đồng nghiệp nào đang lượn lờ; sau đó tôi ngồi thụp xuống và Remi đứng lên vai tôi. Hắn đẩy cửa sổ ra, theo dõi từ tối thì cửa này không khóa, trèo qua và nhảy xuống cái bàn dùng để nhào bột ở bên trong. Tôi lanh lẹ hơn hắn một chút nên chỉ cần nhảy lên và bò vào. Chúng tôi đến chỗ bình nước khoáng. Ở đây, biến giấc mơ thời thơ ấu của mình thành hiện thực, tôi mở nắp thùng kem sô cô la ra, thọc ngập bàn tay vào cho dính đầy kem rồi rút ra liếm láp. Sau đó bọn tôi chôm thùng kem và chén thỏa thuê, thêm xi rô sô cô la và cả dâu tây, rồi đi một vòng quanh bếp, mở tung các tủ lạnh ra xem có thể lấy được những gì mang về nhà. Tôi rứt một miếng thịt bò nướng gói vào khăn ăn. “Ông biết tổng thống Truman đã nói gì rồi đó,” thể nào Remi cũng nói thế. “Ta phải nâng cao mức sống.”
Một đêm tôi đợi hắn rất lâu để hắn nhét đầy một hộp lớn thức ăn. Nhưng bọn tôi lại không bê nó lọt ra ngoài cửa sổ được. Buộc lòng Remi lại phải tháo dỡ cả ra và để cái hộp lại. Sau đó, trong đêm khuya, khi hắn xong nhiệm vụ và chỉ còn lại một mình tôi ở đồn, một việc kỳ lạ đã xảy ra. Tôi tản bộ dọc con đường mòn cũ trong hẻm núi, hy vọng gặp được một con hươu (Remi từng nhìn thấy một chú hươu ở góc này, vùng này đến năm 1947 vẫn còn hoang vu lắm), thì bỗng nghe thấy một tiếng động đáng sợ trong bóng tối. Nó đang hổn hển. Tôi nghĩ có thể là một con tê giác đang tiến lại chỗ mình trong bóng đêm. Tôi vội lấy súng ra. Một cái bóng đen dài, đầu to tướng xuất hiện. Bỗng tôi nhận ra đó là Remi với thùng đồ ăn khổng lồ đó trên vai. Hắn vừa đi vừa thở phì phò vì cái thùng quá nặng. Thì ra hắn đã tìm thấy chìa khóa hàng ăn và ngang nhiên vác đồ ra theo lối cửa chính. Tôi nói, “Remi, tôi tưởng ông đã về nhà rồi, ông làm trò khỉ gì vậy?”
Và hắn nói, “Paradise này, tôi đã nói với ông bao nhiêu lần rồi, tổng thống Truman từng nói, ta phải nâng cao mức sống.” Tôi nghe thấy hắn thở hổn hển trong bóng đêm. Tôi đã tả lại chuyến vận tải để đưa được hàng về đến nhà gian nan đến thế nào rồi. Trèo đồi, vượt thung lũng. Hắn giấu cái thùng trong đám cỏ cao rồi quay lại tìm tôi. “Sal, một mình tôi không thể nào vác nổi. Tôi sẽ chia ra làm hai bọc và ông phải giúp tôi một tay.”
“Nhưng tôi đang trong phiên gác.”
“Tôi sẽ gác thay trong khi ông không có mặt. Dạo này ở đây khó khăn lắm, phải xoay xở đủ cách thì họa may mới sống nổi.” Hắn lấy khăn lau mặt. “Ôi, tôi đã nhắc ông bao nhiêu lần, Sal, rằng chúng mình là chiến hữu của nhau và cả hai ta đều đã cùng vào vụ này. Không có biện pháp nào khác nữa đâu. Bọn Dostioffski, bọn cớm, bọn Lee Ann, tất cả những bọn ăn thịt người ấy đều muốn lột da chúng mình. Nhưng chúng ta mới là những người quyết định xem có cho chúng lột da không. Bọn chúng có trăm phương ngàn kế. Ông nên nhớ kỹ điều ấy. Ông không thể dạy con sáo già hót điệu mới đâu.”
Cuối cùng tôi hỏi hắn, “Ta sẽ làm thế nào để khuân đi hết cái đống này?” Từ mười tuần lễ nay bọn tôi cứ chơi cái trò mọn ấy. Mỗi tuần tôi kiếm được năm mươi đô thì trung bình đã phải gửi cho bà cô bốn mươi đô. Suốt thời gian này, tôi mới chỉ ghé chơi San Francisco mỗi một đêm. Cuộc đời tôi gói gọn trong căn nhà lụp xụp này, giữa những trận đấu khẩu của Remi và Lee Ann. Đêm đêm vác súng đi tuần.
Remi biến vào bóng tối để lấy thùng còn lại. Tôi đánh vật với hắn trên con đường giống như trong Mặt nạ của Zorro ấy. Cuối cùng đồ ăn thức uống chất đống trên bàn phòng ăn. Lee Ann thức dậy và dụi mắt.
“Em có biết tổng thống Truman đã nói gì không?” Cô nàng rất khoái. Tôi bỗng bắt đầu hiểu ra rằng mọi người ở Mỹ đều là kẻ cắp bẩm sinh. Chính tôi cũng bị lây cái tính xấu ấy. Thậm chí tôi cũng bắt đầu chú ý xem thử cửa rả nhà người ta có khóa kỹ không. Bọn cớm khác bắt đầu nghi ngờ chúng tôi. Chỉ cần nhìn sâu vào mắt, bằng bản năng chắc chắn họ biết tỏng trong đầu bọn tôi đang mưu tính điều gì. Nhiều năm kinh nghiệm đã dạy họ đi guốc trong bụng những kẻ như tôi và Remi.
Ban ngày, chúng tôi vác súng lên đồi săn cun cút. Remi len lén lại gần những con chim đang gù gù, cách khoảng một mét và nhả một phát đạn 32 li. Bắn hụt. Cái cười rùng rợn của hắn lại nổ vang cả rừng núi California và vang cả nước Mỹ. “Đã đến lúc ta phải đi gặp Vua Chuối thôi.”
Đó là một ngày thứ Bảy; chúng tôi ăn mặc bảnh bao và xuống bến xe ở ngã tư. Bọn tôi đổ bộ xuống San Francisco rồi đi bát phố. Tiếng cười của Remi rền vang ở khắp nơi chúng tôi ghé qua. “Ông phải viết một truyện về Vua Chuối,” hắn khuyên tôi. Đừng có chơi khăm con sáo già này và viết lăng nhăng những chuyện đâu đâu. Vua Chuối mới chính là món ăn chọn lọc. Lão vẫn đứng ở chỗ kia kìa”. Vua Chuối là ông già vẫn đứng bán chuối ở một góc phố. Tôi chán chẳng buồn chết. Nhưng Remi cứ thúc vào sườn tôi, thậm chí còn lôi cổ áo tôi lại. “Ông viết về Vua Chuối tức là ông đã viết về những điều vì lợi ích con người trên đời này.” Tôi bảo hắn rằng tôi chẳng quan tâm xem Vua Chuối là thằng nào. “Chừng nào ông còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của Vua Chuối, thì ông sẽ chẳng bao giờ hiểu nổi những thú vị nhân sinh trên đời,” Remi dứt khoát nói.
Có một cái xác tàu cũ han gỉ nằm giữa vịnh được dùng làm hải tiêu. Remi rất khoái được bơi thuyền ra đấy, thế là một buổi trưa, Lee Ann gói ghém bữa trưa, chúng tôi thuê một cái tàu và ra đó. Remi mang theo mấy thứ dụng cụ. Lee Ann cởi hết quần áo ra nằm phơi nắng trên boong. Tôi nhìn trộm nàng từ chỗ đầu tàu. Remi chui xuống buồng máy, nơi bọn chuột đang nhảy múa tưng bừng và bắt đầu hí hoáy đập đập gõ gõ xem thử có moi được ít phụ tùng bằng đồng, nhưng chẳng còn gì hết trọi. Tôi ngồi trong cái khoang dột nát xiêu vẹo vẫn dành cho thuyền trưởng. Đây là một con tàu rất rất cũ, từng được trang bị hết sức đầy đủ, toàn gỗ chạm và tủ chìm. Đây là linh hồn của con tàu từng cùng Jack London lướt trên vịnh San Francisco. Dưới ánh mặt trời tôi mơ mộng bên bàn ăn tập thể. Chuột chạy khắp nơi trong phòng ăn. Cách đây lâu lắm rồi, một viên thuyền trưởng mắt xanh đã dùng bữa ở nơi này.
Tôi xuống với Remi đang trong buồng máy. Hắn chôm chỉa tất cả những gì còn có thể chôm chỉa được. “Chó chết! Tôi tưởng ở đây có đồng, tôi tưởng ít nhất cũng có một hai cái cờ lê cũ. Con tàu này đã bị một băng trộm vét sạch rồi.” Nhiều năm nay con tàu vẫn neo trên vịnh. Đồng đã bị những kẻ chả chắc giờ này còn sống lấy đi hết rồi.
Tôi nói với Remi, “Tôi thích được ngủ một đêm trong con tàu này xem sương mù buông, con tàu cọt kẹt và tiếng còi ở những hải tiêu vang lên.”
Remi rất khoái; hắn nể tôi gấp đôi. “Sal, tôi sẽ cho ông năm đô nếu ông có gan làm việc ấy. Ông không thấy con tàu này có thể bị hồn ma các vị thuyền trưởng cũ ám sao? Không những tôi chỉ cho ông năm đô mà còn chèo thuyền đưa ông ra, chuẩn bị sẵn bữa trưa, chăn đệm và nến nữa.”
“Nhất trí!” tôi nói. Remi chạy đến chỗ Lee Ann để thuật lại chuyện này. Tôi những muốn nhảy từ cột buồm xuống người nàng và cứ nằm đó nhưng phải tôn trọng lời hứa với Remi. Tôi bèn quay mặt đi.
Rồi tôi bắt đầu lui tới Frisco nhiều hơn; thử đem áp dụng mọi thứ viết trong sách vở để cưa gái. Tôi từng ngồi suốt đêm trên ghế đá vườn hoa với một em mà vẫn thất bại. Đó là một em tóc vàng người Minnesota, ở đấy đầy bọn đồng tính. Đã vài lần tôi đến San Francisco mang theo cả súng và khi thấy một gã xăng pha nhớt sán lại gần ở nhà vệ sinh quán rượu lén lút, tôi bèn rút súng ra và nói, “Sao? Sao? Ông anh tính sao đây?” Hắn lỉnh vội. Tôi cũng thực tình chẳng hiểu tại sao mình lại làm thế; tôi quen biết bọn đồng tính ở khắp đất nước này. Lần đó chỉ vì nỗi cô đơn ở San Francisco và sự thật là tôi có một khẩu súng. Phải khoe nó với một ai chứ. Khi đi qua một cửa hàng nữ trang, tôi chợt nảy ra ý muốn được bắn một phát vỡ tan tủ kính, khoắng sạch những cái nhẫn và vòng tay đẹp nhất rồi chạy về tặng lại Lee Ann. Rồi hai đứa có thể cùng nhau chuồn đến Nevada. Đã đến lúc tôi phải đi khỏi Frisco rồi, nếu không tôi sẽ phát điên mất.
Tôi viết những lá thư dài cho Dean và Carlo đang ở nhà Old Bull, vùng đầm lầy Texas. Họ nói đã sẵn sàng để đến San Fran với tôi ngay khi xong việc gì đó, hết việc này đến việc khác. Trong lúc đó, mọi chuyện giữa Remi, Lee Ann và tôi bắt đầu hỏng bét. Những con mưa tháng Chín ập đến cùng với những cuộc cãi lộn. Remi đã cùng nàng đáp máy bay đi Hollywood, mang theo cái kịch bản buồn thảm ngớ ngẩn của tôi và chẳng có vẹo gì. Ông đạo diễn trứ danh đang say xỉn, không chú ý gì đến họ cả. Họ phải chờ đợi, rình rập hoài ở biệt thự của ông ta tại bãi biển Malibu; cãi lộn nhau ngay trước mặt các vị quan khách khác, và cuối cùng đành đáp máy bay quay về.
Giọt nước cuối cùng tràn ly là vụ cá cược đua ngựa. Remi gom góp toàn bộ số tiền dành dụm được khoảng một trăm đô, diện cho tôi áo quần của hắn, khoác tay Lee Ann và thế là cả ba phới đến trường đua Golden Gate ở gần Richmond, phía bên kia vịnh. Để chứng minh là một tay như hắn cũng có thể hảo tâm như ai, hắn nhét một nửa số đồ ăn bọn tôi thuổng được vào một cái túi giấy to đùng và đem cho một bà góa nghèo là chỗ quen biết cũ ở gần Richmond. Bà này cũng sống trong một khu nhà tạm gần như chỗ bọn tôi, tường nhà bong tróc nứt toác dưới mặt trời California, với những đứa con rách rưới khổ sở. Bà góa cám ơn Remi. Bà vốn là em gái một thủy thủ Remi từng quen biết qua loa. “Không thành vấn đề đâu, thưa bà Carter,” Remi nói bằng giọng lịch thiệp và lễ phép nhất của hắn. “Ở đó còn ối những thứ này, xin bà cứ yên trí đi.”
Bọn tôi tiếp tục đến trường đua. Hắn cá số tiền không thể tin được, những hai mươi đô một, nên đến vòng đua thứ bảy thì đã sạch túi. Còn hai đô cuối cùng để mua cái gì nhét vào bụng cho cả ba hắn cũng nướng nốt và lại thua. Bọn tôi phải vẫy xe đi nhờ về San Francisco. Tôi lại có dịp ở trên mặt đường. Một gã lịch thiệp cho chúng tôi đi nhờ trong cái xe rất thời trang của gã. Tôi ngồi ghế trước cạnh gã. Remi phịa ra chuyện hắn bị móc mất ví tiền ở khán đài danh dự trong trường đua. “Sự thực là,” tôi nói, “bọn tôi đã bị lột sạch tiền khi cá ngựa, và để khỏi phải vẫy xe đi nhờ ai nữa, từ giờ bọn tôi sẽ nhờ đến dân cá cược chuyên nghiệp, đúng vậy không Remi?” Remi đỏ mặt lên. Chủ xe cuối cùng thú nhận gã là người điều hành Golden Gate. Gã cho bọn tôi xuống ở Palace Hotel choáng lộn, rồi lẫn vào ánh đèn rực rỡ, túi ních chặt tiền, đầu ngẩng lên cao ngạo.
“A, ô!” Remi thét lên trong đêm Frisco. “Thằng Paradise vừa được tay điều hành trường đua cho đi nhờ ô tô, và thề rằng sẽ quay sang nhờ bọn cá cược chuyên nghiệp. Ôi Lee Ann, Lee Ann của anh!” Hắn đấm nàng thô bạo. “Đúng là thằng cha ngớ ngẩn nhất trên đời! Đúng là có một đống dân Ý ở Sausalito. A, ô!” Hắn cứ cười lăn cười lộn quanh cột đèn.
Tối hôm ấy trời đổ mưa khi Lee Ann nhìn cả hai thằng bọn tôi ghê tởm. Trong nhà không còn lấy một cắc. Mưa gõ nhịp trên mái nhà. “Điệu này thì mưa đến một tuần mất,” Remi nói. Hắn đã bỏ bộ com lê ra, lại mặc vào cái quần soóc thảm hại, cái mũ lính và áo may ô. Đôi mắt nâu buồn thiu của hắn cứ nhìn trừng trừng xuống sàn nhà. Khẩu súng lục lăn lóc trên bàn. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng Ngài Snow đang cười sằng sặc đâu đó trong đêm mưa.
“Tôi bắt đầu chán ngấy cái đồ quỷ tha ma bắt ấy rồi,” Lee Ann mở màn. Nàng chuẩn bị gây sự. Bắt đầu khiêu khích Remi. Hắn đang mải lật từng trang cuốn sổ tay bìa đen trong đó ghi tên nhiều người, chủ yếu là cánh thủy thủ, những kẻ nợ tiền hắn. Bên cạnh tên, hắn viết bằng mực đỏ những lời chửi rủa. Tôi e rằng có ngày đến lượt tên tôi cũng sẽ được ghi vào cuốn sổ đó. Vừa qua tôi đã trót gửi về cho bà cô kha khá tiền nên hàng tuần chỉ đóng được bốn, năm đô la tiền ăn. Để làm theo lời của tổng thống Truman thì tôi đóng thêm vài đô la nữa. Nhưng Remi cảm thấy tôi đóng góp thế vẫn chưa công bằng; cho nên hắn đã ghi chi tiết từng khoản một lên một mẩu giấy rồi dán lên tường phòng tắm, để tôi nhìn thấy và tự hiểu. Còn Lee Ann thì lại tin chắc là Remi đã giấu tiền đi đâu không cho nàng biết và cả tôi cũng thế. Nàng dọa sẽ bỏ hắn.
Remi bĩu môi. “Em nghĩ là sẽ đi đâu được chứ?”
“Jimmy.”
“Jimmy, gã thủ quỹ ở trường đua á? Ông nghe thấy chưa, Sal, Lee Ann sắp đi cặp bồ với một thằng thủ quỹ trường đua. Đừng quên mang theo cái chổi cọ sàn, em yêu, với một trăm đô la anh vừa cúng thì lũ ngựa phen này tha hồ ngốn lúa mạch.”
Tình hình mỗi lúc một căng; mưa gió cứ thét gào. Lee Ann vốn ở đây từ trước, cho nên nàng bảo Remi hãy chuẩn bị khăn gói mà xéo đi. Hắn bắt đầu làm thật. Tôi đã hình dung phải ở lại một mình trong căn nhà nát chìm trong mưa gió với con sư tử Hà Đông này. Tôi cố can hai người. Remi đẩy Lee Ann một cái. Nàng chồm lên định với lấy khẩu súng nhưng Remi đã nhanh tay tóm được trước và ném cho tôi, bảo giấu đi; băng đạn còn lại tám viên. Lee Ann bèn la tướng lên rồi vớ lấy áo mưa, xông ra ngoài để tìm một tên cớm - còn cớm nào nữa nếu không phải là anh bạn già từng ở Alcatraz của chúng tôi. May mà gã không có nhà. Nàng quay về ướt như chuột lột. Tôi trốn vào chỗ của mình, ngồi bó gối. Lạy Chúa, mình đang làm quái gì ở cái chốn cách nhà đến ba ngàn dặm này? Tại sao mình lại đến đây chứ? Con tàu đưa mình đến Trung Quốc ở đâu rồi?
“Còn một điều nữa, đồ vô lại,” Lee Ann lại gào lên. “Tối nay là lần cuối cùng tao cho mày ăn, để mày nhét vào dạ dày bẩn thỉu của mày món cà ri cừu bẩn thỉu, món trứng nhồi óc bẩn thỉu. Để mày béo trương lên mà lếu láo trước mũi tao.”
“Được thôi,” Remi nhỏ nhẹ nói. “Hoàn toàn được. Khi cặp với em, anh không hề chờ đợi hoa hồng và ánh trăng lãng mạn nên hôm nay chẳng có quái gì phải ngạc nhiên. Anh đã cố gắng làm được chút gì đó cho em, cho cả hai người; giờ thì cả hai đều khiến tôi thất vọng. Tôi vô cùng, vô cùng thất vọng vì cả hai người,” hắn tiếp tục một cách cực kỳ thành thật. “Tôi cứ tưởng ba chúng ta sẽ có được một điều gì đó tốt đẹp và bền vững, tôi đã cố gắng, đã lao đi Hollywood, đã tìm việc làm cho Sal, tôi đã mua cho các người quần áo đẹp, tôi đã cố giới thiệu các người với những người có máu mặt nhất đất San Francisco này. Nhưng các người từ chối, cả hai đều từ chối làm theo ước nguyện của tôi, dù là nhỏ nhất. Tôi chưa từng đòi hỏi được trả ơn. Giờ thì tôi xin một ân huệ cuối rồi sẽ không bao giờ yêu cầu các người bất cứ điều gì nữa. Tối thứ Bảy này bố dượng tôi sẽ đến San Francisco. Tôi chỉ đề nghị một điều là hai người cùng đến đó với tôi và cố ra vẻ là mọi chuyện đều ổn như những gì tôi đã viết cho ông già. Nói một cách khác thì Lee Ann, em là người tình của tôi. Còn ông, Sal, là bạn tôi. Tôi thu xếp để vay được một trăm đô để chi tiêu cho tối thứ Bảy. Tôi muốn ông bố được vui vẻ một tối và khi ra đi, ông già không có lý do gì để lo lắng cho tôi nữa.”
Tôi lấy làm lạ. Bố dượng Remi là một bác sĩ nổi tiếng từng hành nghề ở Vienna, Paris và London. Tôi nói, “Ông muốn nói là sẽ tiêu một trăm đô vì ông bố dượng? Ông ấy có nhiều hơn toàn bộ số tiền ông kiếm được từ giờ đến cuối đời! Ông sẽ lại mắc nợ mất!”
“Đúng là như vậy,” giọng Remi yếu ớt và yếm thế. “Tôi chỉ yêu cầu hai người điều cuối cùng ấy thôi, là ít nhất cũng cố sao cho mọi việc đều có vẻ tốt đẹp và cố tạo một ấn tượng tốt. Tôi yêu bố dượng và kính trọng ông ấy. Ông ấy sẽ đến cùng với bà vợ trẻ. Chúng ta phải tỏ ra hết sức lịch sự với họ.” Có những lúc Remi thực sự là một quý ông lịch thiệp nhất trên đời. Lee Ann lấy làm cảm kích, và mong được gặp ông già này, nghĩ biết đâu ông này lại là một món hời lớn - nếu thằng con đã không được như vậy.
Chiều thứ Bảy đến. Tôi đã bỏ việc chỗ bọn cớm, ngay trước khi bị sa thải vì không thực hiện đủ chỉ tiêu bắt bớ, và hẳn đây là chiều thứ Bảy cuối cùng của tôi. Remi và Lee Ann lên phòng khách sạn gặp ông già trước; tôi có đủ tiền ăn đường và làm một chầu bí tỉ ở quầy bar tầng trệt của khách sạn. Rồi tôi lên lầu, trễ giờ khá nhiều. Ông già ra mở cửa, một người rất cao lớn đeo kính kẹp mũi. “A,” tôi nói khi nhìn thấy ông. “Xin chào ông Boncoeur, rất hân hạnh được gặp ông. Je suis haut!” Tôi gào tướng lên, định nói bằng tiếng Pháp là, “Tôi đang say đây, vừa làm vài chén,” nhưng thật ra cái câu tôi vừa phun ra ấy chẳng có nghĩa gì cả. Ông bác sĩ già bối rối. Thế là tôi đã hại Remi rồi. Hắn xấu hổ vì tôi lắm.
Mọi người kéo nhau đến một nhà hàng sang trọng, nhà Alfred ở Bắc Beach, ở đây Remi khốn khổ đã phải chi ra những năm mươi đô cho năm suất ăn, kể cả rượu. Và giờ mới là chuyện tồi tệ nhất. Thằng nào đang ngồi lù lù ở quầy rượu nhà hàng Alfred kia nếu không phải chính là chiến hữu cũ Roland Major của tôi? Hắn vừa đến Denver làm cho một tờ báo ở San Francisco. Hắn cũng đang say mèm. Râu tóc trông đến khiếp. Hắn nhảy bổ đến vỗ lưng tôi đúng lúc tôi vừa nâng một ly whisky lớn lên môi. Hắn sán đến cạnh bác sĩ Boncceur và cúi xuống đĩa thức ăn của ông già để nói chuyện với tôi. Mặt Remi đỏ lựng lên như quả cà chua.
“Ông có thể giới thiệu anh bạn đây được không, Sal?” hắn nói, cười yếu ớt.
“Đây là Roland Major, làm ở tờ Argus của San Francisco,” tôi nói, tỉnh bơ. Lee Ann nhìn tôi điên tiết.
Major ghé sát vào tai ông già. “Ngài có thích dạy tiếng Pháp ở trường phổ thông không ạ?” hắn nói rõ to.
“Xin lỗi, tôi đâu có dạy tiếng Pháp.”
“Ôi, thế mà tôi cứ tưởng là ngài là giáo viên phổ thông môn tiếng Pháp.” Hắn cố tình thô lỗ. Tôi chợt nhớ đến cái đêm hắn ngăn chúng tôi tổ chức tiệc ở Denver; nhưng tôi đã tha thứ cho hắn.
Tôi tha thứ cho mọi người, tôi đầu hàng, tôi say rồi. Tôi bắt đầu tán tỉnh bà vợ trẻ của ông già bác sĩ. Tôi uống nhiều đến nỗi cứ hai phút lại phải đi toa lét một lần, mà để làm thế thì tôi phải chồm qua đùi ông bác sĩ. Mọi thứ đang dần hỏng bét. Những ngày ở San Francisco của tôi sắp chấm dứt. Thật là khủng khiếp bởi vì tôi thành thực quý Remi và đúng chỉ có tôi là thằng hiếm hoi trên đời này biết được hắn là thằng chân thành và rất được. Chắc hắn phải mất nhiều năm mới vượt qua được chuyện này mất. Thật là thảm họa nếu đem so tình hình bây giờ với những gì tôi đã viết cho hắn từ Paterson, khi tôi có ý định đi theo cái vạch đỏ của mình, đường 6 xuyên nước Mỹ. Giờ thì tôi ở đây, tận cùng nước Mỹ rồi - chẳng còn đất đâu mà đi - chỉ còn nước quay lại. ít ra thì tôi cũng tính được chuyện làm hẳn một vòng: ngay lập tức tôi quyết định phải đi Hollywood và trở về bằng cách tạt qua Texas để gặp lại các chiến hữu ở vùng đầm lầy, sau đó ra sao thì ra. Người ta tống khứ Major ra khỏi nhà hàng Alfred. Dù sao thì mọi người cũng đã ăn xong, nên tôi đi theo Major; thật ra vì Remi gọi ý tôi làm thế nên tôi mới đi với Major tìm chỗ uống tiếp. Chúng tôi kiếm được cái bàn trong Iron Pot và Major nói to, “Sam, tôi không thích thằng cha ở quầy bar.”
“Gì cơ, Jake?” tôi nói.
“Sam,” hắn nói, “tôi nghĩ là nên đứng dậy nện cho hắn một trận.”
“Đừng, Jake,” tôi nói, tiếp tục trò bắt chước Hemingway. “Cứ ngồi yên đây soi và xem chuyện gì xảy ra.” Cuối cùng, hai thằng vật vờ đi ra phố.
Sáng ra, khi Remi và Lee Ann còn đang ngủ, tôi buồn bã đứng ngắm đống quần áo bẩn kếch xù mà theo thời gian biểu thì Remi và tôi phải mang đi giặt (công việc này chúng tôi vẫn làm tròn một cách vui vẻ, dưới ánh mặt trời, cùng với những cô da màu và tiếng cười chói tai của Ngài Snow), rồi quyết định ra đi. Tôi bước ra khỏi nhà. “Không, lạy Chúa, tôi đã thề là sẽ không đi đâu hết trước khi trèo được lên quả núi kia.” Đó là sườn núi hùng vĩ chạy một cách bí ẩn đến tận Thái Bình Dương.
Thế là tôi nán lại thêm một ngày nữa. Hôm ấy là Chủ nhật. Cái nóng ngột ngạt đã dịu bớt; đó là một ngày đẹp trời, đến khoảng ba giờ mặt trời đã chuyển sang đỏ ối. Tôi leo lên núi và lên tới đỉnh vào lúc bốn giờ. Những cây gỗ gòn xứ California và bạch đàn um tùm xòa bóng mát. Lên gần đỉnh thì không còn cây nữa, chỉ toàn đá tảng và cỏ. Gia súc đang gặm cỏ ở đỉnh đèo. Từ đó tôi nhìn thấy Thái Bình Dương xa xa, mênh mông và xanh thẳm, thấy cả một bức tường hơi nước trắng thoát lên từ những luống khoai tây huyền thoại làm nên màn sương mù Frisco. Một thời khắc nào đó màn sương ấy sẽ tràn qua cầu cổng Vàng mà phủ trắng thành phố mộng mơ này, rồi một chàng trai trẻ sẽ chầm chậm bước đi trên vỉa hè, tay nắm tay người tình, mang theo rượu Tokay trong túi áo. Đó là Frisco. Và những phụ nữ đẹp tuyệt trần đứng trong những khung cửa trắng chờ đợi người đàn ông của họ; và Tháp Coit, và khu bến cảng Embarcadero, và khu phố Chợ, và mười một ngọn đồi trù phú.
Tôi cứ nhìn ngắm đến chóng mặt, tưởng như mình đã nhào xuống vực như trong một giấc mơ. Ôi, người con gái tôi yêu giờ đang ở đâu? Tôi nghĩ và đưa mắt nhìn khắp nơi, như tôi đã lục tìm cái thế giới nhỏ dưới chân mình. Trước mặt tôi là lục địa Mỹ rộng lớn hùng vĩ; xa xa, ở chỗ nào đó phía bên kia, là New York, ảm đạm và phồn hoa, đang nhả lên trời những đám mây bụi và hơi nước màu nâu. Miền Đông có cái gì đó trầm mặc và thiêng liêng; nhưng xứ California thì trắng như bộ đồ mới giặt phơi trên dây. Và vô tư lự - ít nhất đó cũng là những gì tôi cảm nhận lúc ấy.
Trên Đường Trên Đường - Jack Kerouac Trên Đường