To read a book for the first time is to make an acquaintance with a new friend; to read it for a second time is to meet an old one.

Chinese Saying

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: Quoc Tuan Tran
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5867 / 65
Cập nhật: 2016-06-23 09:39:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
hi tôi mở mắt, nhìn thấy rõ cô y tá đang ngồi canh chừng chai huyết thanh tiếp vào mạch máu tôi, tôi mới biết mình còn sống. Thuốc mê đã mất hiệu lực nhưng nó vẫn làm tôi mơ mơ màng màng rất khó chịu. Những gì đã xảy ra, những gì vừa xảy ra? Tôi cố mở mắt nghiêng bên trái, nghiêng bên phải, quan sát căn phòng. Căn phòng có máy lạnh và rộng lắm so với những phòng bệnh tôi đã tới nằm.
Cô y tá dịu dàng nói:
- Thưa bà, bà đừng cựa quậy e “chạy” mạch máu.
Tôi hỏi cô:
- Con trai hay con gái, hở cô?
Cô y tá rạng rỡ khuôn mặt:
- Bà tỉnh rồi, xin mừng bà. Thưa bà, bà sinh em trai. Em ngộ hết sức, cân nặng ba ký tư.
Tôi ngạc nhiên:
- Cô bảo tôi tỉnh, chắc vài giờ trước tôi ngất xỉu à?
Cô y tá đáp:
- Thưa bà, bà sinh không vất vả lắm, máu mất rất ít. Nhưng bác sĩ lạ lùng là sau đó, bà bị hỗn loạn tinh thần như một người bệnh thần kinh. Bác sĩ thử chụp thuốc mê cho bà xem khi tỉnh dậy, tâm thần bà ra sao.
Tôi nhắm chặt mắt:
- Cám ơn cô, tôi không sao cả.
Cô y tá dặn dò:
- Thưa bà, bác sĩ ra lệnh cho tôi...
Tôi cướp lời cô:
- Tôi hiểu, cấm không được suy nghĩ vẩn vơ.
Hai chúng tôi không nói năng gì với nhau nữa. Cô y tá ấp chiếc khăn lạnh lên mặt tôi. Khăn lạnh làm tôi bớt khó chịu. Cô y tá cho tôi hai viên thuốc, một màu đỏ, một màu trắng. Lúc chai huyết thanh cạn, cô y tá rút cái kim tiêm dài và to khỏi mạch máu giữa cánh tay tôi ra thì thuốc an thần vừa ngấm vào tim tôi. Tôi không hiểu những chuyện gì đã xảy ra, sau đó. Đến gần tối, tôi lại thức. Phòng tôi đóng kín cửa. Tôi vươn tay lên thành giường, chụp cái chuông điện, bấm liên tiếp mấy hồi. Cô y tá đẩy cửa phòng, bước vào. Không phải cô y tá buổi sáng. Nhưng cử chỉ nhẹ nhàng, lời lẽ dịu dàng thì vẫn như cô y tá buổi sáng. Cô đặt tay lên trán tôi:
- Thưa bà, bà cần gì?
- Cô cho tôi đi tiểu.
- Bà cứ nằm nguyên. Tôi lấy bô cho bà tiểu. Một lát nữa, bác sĩ sẽ tới thăm bà.
Cô y tá giúp tôi công việc tầm thường đó xong xuôi, vui vẻ:
- Bà cần sai tôi gì nữa?
- Cô cho tôi uống nước.
Cô y tá rót nước vô cái ấm nhỏ có vòi dài. Cô đặt miệng vòi vào miệng tôi. Và tôi uống nước. Cô y tá đưa đẩy chuyện:
- Em bé kháu quá. Thưa bà, bà bớt mệt chưa ạ?
- Cám ơn cô, tôi khá rồi.
Cô y tá rời phòng kéo kín cửa. Cô không quên bật ngọn đèn ngủ cho đỡ tối và đỡ chói mắt tôi. Tôi khá rồi. Tôi khá rồi nghĩa là tôi có thể suy nghĩ vẩn vơ. Trước hết tôi suy nghĩ cái chết dễ dàng đến buồn cười của Thái Anh. Tôi là đứa con gái nặng tình cảm, không hiểu sao với cái chết của Thái Anh, tôi chẳng xúc động chút nào. Tôi thấy Thái Anh chết có vẻ.... hề quá. Một người nặng suy tưởng, yêu si mê cuồng dại tưởng vượt trên mọi thường tình rồi để lộ cái hèn thường tình, rồi hối hận, rồi đi làm người hùng rửa nhục cho vợ mình, rồi bị đánh chết. Đúng là cái chết hề trên sân khấu cải lương do nhà đạo diễn hạng bét tạo ra. Phải chi Thái Anh chết vì danh dự của tôi trước khi nhục mạ tôi. Thì cái chết của chàng đẹp biết dường nào. Thì cái chết của chàng sẽ xoáy thêm một lỗ hổng trong tim tôi như cái chết của chị Hồng đã xoáy vào tim tôi. Tự chàng, chàng đập nát hạnh phúc của chàng, đập nát hạnh phúc của tôi và tự hủy đời chàng. Giá Thái Anh không chết, tôi cũng không lấy chàng nữa. Tôi luôn luôn sống bằng mộng tưởng. Yêu Dũng, tôi tưởng tượng Dũng là Dũng của Loan, Dũng “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh, tóc lộng bời gió bốn phương, cravate trễ khỏi cổ, đôi mắt chứa cả ước vọng của hai mươi mấy triệu người, đi trong bóng tối cách mạng. Rồi Dũng của Loan biến mất, chỉ còn ở tôi một thứ Dũng yêu có thủ đoạn và “đá” người yêu không xót thương. Lấy Thái Anh, tôi tưởng tượng Thái Anh là nhân vật phi thường trong tiểu thuyết của chàng, bao dung, đại lượng, dám ngồi trên dư luận, dám đặt gót giầy lên những lời đồn đại.
Rồi thấy Thái Anh là Thái Anh đầy đủ mặt trái, mặt phải. Nỗi đau đớn của tôi triền miên chính là vì tôi thích lãng mạn hóa cuộc đời. Tôi muốn cái gì cũng đẹp như tôi vẽ vời, thêu dệt. Và bởi vậy, khi nhận ra điều mình ấp ủ không đúng như ý mình thêu dệt, tôi chán nản ngay. Và dám bỏ rơi không thèm thương tiếc. “Coi như chị đã qua sông đắm đò” - câu thơ trong bài “Lỡ Bước Sang Ngang” của Nguyễn Bính được Hồ Hải dùng làm triết lý sống cho mình thế là đúng. Hãy coi như đắm đò rồi có bị đắm đò chắc chắn không hối hận gì cả. Nhưng dù Thái Anh không còn là người lý tưởng của tôi thì ít ra chàng cũng đã là người sống chung với tôi cả tâm hồn lẫn thể xác một đoạn đời. Chàng còn gửi tôi một bổn phận. Đó là đứa con của chúng tôi.
Cửa phòng mở. Không phải bác sĩ tới thăm mà là những người ở nhật báo Hy Vọng. Người bạn thân của Thái Anh, người đã tưởng tôi quá xúc động tin Thái Anh chết đến nỗi cái thai ra sớm trước ngày bác sĩ ở Grall tính toán, giới thiệu ông chủ nhiệm với tôi. Và lần lượt giới thiệu ông chủ bút, ông thư ký tòa soạn. Ông chủ nhiệm đặt một gói nho lên bàn. Ông buồn rầu nói:
- Anh Thái Anh mất rồi, chúng tôi có bổn phận lo cho chị và cháu. Xin chị đừng lo nghĩ gì! Số phận đã định đoạt thế, mình có lo nghĩ cũng chẳng làm sống được người chết.
Tôi mệt mỏi nói:
- Cám ơn các ông.
Ông chủ nhiệm nhật báo Hy Vọng không muốn làm phiền tôi. Ông chúc tôi sớm lấy lại sức và ra về. Còn một mình người bạn thân của Thái Anh ở lại. Anh ta có bút hiệu Thanh Triều. Thanh Triều thường tới nhà chúng tôi ăn cơm, uống trà và bàn việc văn học, nghệ thuật. Anh ra rất ngưỡng mộ Thái Anh, chỉ ao ước viết hay bằng Thái Anh. Vì thế, không bao giờ anh ta bằng Thái Anh cả. Hình như, André Gide có một câu thuộc loại “hoa thơm cỏ lạ” rằng “Bạn hãy nghĩ bạn sẽ hơn người khác và đừng nghĩ sẽ bằng người khác”. Thanh Triều chưa biết câu này chăng? Nên anh ta đã dại dột phục sát đất một người đi chung với anh một đường. Nhưng tôi không để ý chuyện này lắm. Thanh Triều là người bạn tốt của chúng tôi. Vậy đủ rồi. Anh ta kéo ghế gần đầu giường tôi khẽ hỏi:
- Chị thấy trong người thế nào?
Tôi đáp:
- Hơi khó chịu vì thuốc mê còn phảng phất.
Thanh Triều muốn nói gì mà chưa dám nói. Tôi biết, anh cố tránh chuyện Thái Anh bị đánh chết. Với tôi, lần này, sự đau khổ đã đóng băng, phải có ánh nắng thiêu đốt, tảng băng mới rã nổi. Tôi bảo Thanh Triều:
- Tôi không mệt lắm đâu anh ạ!
Thanh Triều cầm con dao ở cái kệ để nước và thức ăn lặt vặt, hỏi tôi:
- Chị dùng mấy trái nho nhé!
- Vâng.
Anh ta lấy nho, lột vỏ, bửa đôi, gẩy hạt ra và bỏ dùm vào miệng tôi:
- Chị đã thấy cháu chưa?
- Chưa anh ạ!
- Cháu kháu khỉnh quá.
- Cám ơn anh.
- Chị định đặt tên cháu là gì?
- Tôi chưa nghĩ tới.
- Chị định gửi cháu ở đây hay đem về nhà nuôi cháu?
- Tôi cũng chưa nghĩ tới.
- Thưa chị, báo Hy Vọng sẽ đỡ đầu cháu bé. Ông chủ nhiệm cam kết với chúng tôi rằng, cháu sẽ được báo Hy Vọng săn sóc tới khi cháu học thành tài. Ngày mai, báo Hy Vọng sẽ mở một trương mục cho cháu bé và mỗi tháng sẽ gửi thêm tiền vô đó. Chị cần đặt tên cho cháu đi.
- Anh để thong thả giùm.
- Nếu chị gửi cháu ở đây thì tốt nhất, bằng chị muốn đem cháu về, chúng tôi sẽ lo giúp chị một bà vú.
- Tôi tự lo cho cháu được, khỏi cần làm phiền báo Hy Vọng.
Thanh Triều nói:
- Tôi biết, dù anh đã thiệt mạng, chị vẫn còn giận anh. Nhưng chị nên biết, trước khi đi tìm thằng Dũng, anh có gặp tôi ngỏ ý hối hận vô cùng.
Tôi ngoắt tay:
- Chuyện này, anh đừng nhắc tới nữa. Tôi sẽ mệt lắm. Vả lại tôi không thích nghe thêm.
Thanh Triều hiểu ý, đứng dậy, chào tôi và ra khỏi phòng. Anh ta hẹn mai sẽ tới. Sau đó, bác sĩ đến thăm tôi. Ông vẫn khuyên tôi đừng suy nghĩ vớ vẩn. Rồi chích thuốc và cho tôi uống thuốc an thần. Suốt một tuần, nằn nì cách mấy, bác sĩ cũng không cho ẵm đứa nhỏ đến để tôi biết mặt mũi nó. Ông sợ tôi nổi cơn bóp cổ đứa nhỏ chết chăng? Trong cơn tức giận, tôi đã dọa Thái Anh là sẽ bóp cổ đứa hài nhi. Nhưng giờ này, tôi cô đơn quá. Tôi muốn nựng nịu con tôi. Mỗi ngày Thanh Triều thăm tôi hai lần. Anh ta không nói chuyện Thái Anh, không nói chuyện gì cả ngoài đứa nhỏ. Tôi đặt tên cho cháu là Hữu. Giá cháu là con gái, tôi đã đặt tên cháu là Mai. Tôi ao ước cháu là con gái để mai này, khi nó biết nó “thiếu một cái gì rất mong manh, rất huyền ảo; buổi sáng thức giấc nghe chim hót, nhớ vu vơ; buổi trưa nằm ngủ giật mình mở mắt, nhớ vu vơ; buổi chiều ngắm nắng hoàng hôn, nhớ vu vơ; buổi tối đắp chăn lên ngực cô đơn biết mấy, nhớ vu vơ; nhớ hình ảnh mà mình chưa một lần nhìn thấy” như thuở dậy thì của tôi ngày xưa, tôi sẽ bảo nó “con lớn rồi phải coi chừng”. Và tôi sẽ không giống mẹ tôi, không giống Huy, tôi bắt nó ghi chép đầy đủ những điều nó “phải coi chừng”. Như thế, nó sẽ mất nhiều mơ mộng, nhiều lý thú, nhưng, chắc chắn, nó bớt khổ đau. Thanh Triều lo giùm giấy khai sinh cho tôi. Tôi lấy Thái Anh không có giá thú nên con tôi kể như đứa con ngoại hôn. Thanh Triều dè dặt hỏi tôi:
- Có ghi tên bố cháu không?
- Có chứ. Anh nhớ ghi nghề nghiệp của bố cháu. Nó sẽ hãnh diện có người bố làm nghề viết văn dù văn nghiệp của bố nó chưa đạt tới và dù bố nó coi cái văn nghiệp đó, như đứa con hoang ngủ với điếm.
Thanh Triều tròn xoe mắt. Tôi nói:
- Anh đừng ngạc nhiên. Bố nó có lỗi với tôi chứ không có lỗi với nó. Cháu nó sẽ đau khổ nếu sau này thấy ở khai sinh thấy mình là... con hoang.
Thanh Triều chớp mắt:
- Chị lo xa xôi quá.
Nửa tháng sau, tôi rời bảo sanh viện. Cháu nhỏ gửi nuôi ở đó. Tôi về căn nhà cũ, nơi tôi và Thái Anh đã sống để nghe lòng mình vỡ rơi từng mảnh nhỏ.
Thanh Triều kiếm dùm tôi một người giúp việc đã đứng tuổi. Như vậy căn nhà bớt trống trải. Tôi hy vọng, nay mai còn có cả tiếng trẻ con khóc, tiếng võng kẽo kẹt, tiếng ru xa vắng. Thật chưa bao giờ tôi hoang mang như bây giờ. Vòng đai âu yếm mỗi lúc một nhỏ dần, cao lên và kín mít, khiến tôi khó thoát ra khỏi để mưu tính ý định của tôi. Phải chi không có Thanh Triều và báo Hy Vọng. Đời tôi, hình như, chỉ dệt bằng những ước muốn. Phải chi thiên hạ bỏ rơi tôi nhỉ?
Về nhà được hai ngày, tôi lên một cơn sốt dữ dội. Người giúp việc lo cuống quýt. Chị ta đắp cho tôi hai cái mền thật dày mà tôi vẫn lạnh ngắt. Cơn sốt kéo dài chừng mười lăm phút. Sau đó, người tôi bỗng nóng hổi. Chị Bảy - tên người giúp việc của tôi - tưởng tôi bị trúng gió. Chị ta lấy dầu hôi, cạo gió khắp lưng tôi. Hôm sau, vào buổi chiều đúng giấc hôm trước, tôi lại sốt. Sốt tung người lên. Chị Bảy đè chặt tôi mà cơn sốt tàn nhẫn vẫn làm chị xóc cơ hồ cỗ xe đi trên con đường gập ghềnh. Tôi đánh đu với nỗi chết mười lăm phút. Khi cơn sốt tạm biệt tôi thì Thanh Triều đến. Anh ta chở tôi tới bảo sanh viện. Bác sĩ bắt tôi nằm trị bệnh.
Tôi nằm ở bệnh viện uống thuốc sốt rét lu bù. Nhưng không hết sốt, bác sĩ cho uống các thứ thuốc trụ sinh, để hy vọng rằng, nếu nhau còn sót, thuốc trụ sinh sẽ làm nó thối nát và băng ra. Bác sĩ ở bảo sanh viện không nói với tôi chuyện ông nghi ngờ nhau sót. Đó là tự ái nghề nghiệp. Mỗi ngày một cơn sốt, chắc tôi sẽ chết dần chết mòn mất. Thanh Triều đưa tôi về nhà và dẫn tôi đi một bác sĩ chuyên môn khác. Ông này quả quyết tôi bị sót nhau. Nhau còn sót đã gây nên những cơn sốt khủng khiếp. Uống loại thuốc ký-ninh chỉ tổ sốt thêm và bải hoải tâm thần. Tôi nghĩ tới lần nạo nhau trước, rụng rời.
Tôi nhất định không nạo nhau, dù những cơn sốt có làm cho tôi chết.
Thanh Triều đưa tôi đến nữ bác sĩ ở đường Trương Công Định: bà Nguyễn văn Ái. Bác sĩ Ái khám bệnh, vỗ bụng tôi và quả quyết tôi không bị sót nhau. Thuốc trụ sinh đã làm tôi sốt khốn khổ. Không thèm dùng bất cứ thứ thuốc gì nữa, hoặc chỉ nên uống thuốc bổ, sẽ hết sốt. Đi đổi gió ở miền biển càng tốt. Tôi nghe lời bác sĩ Ái. Quả nhiên cơn sốt giã từ tôi. Tôi khỏi bệnh, suốt đời nhớ ơn bác sĩ Nguyễn văn Ái. Hình như bác sĩ Ái có cho tôi cái đơn mua thuốc bổ và bà chỉ lấy sáu chục bạc.
Mấy tuần sau, tôi lại sức. Cháu Hữu vẫn gửi ở bảo sanh viện. Ngày hai lần, tôi đến thăm cháu. Rồi tôi nhờ Thanh Triều công việc thăm cháu thường nhật. Tôi và chị Bảy ra Nha Trang. Tôi ra miền cát trắng, tưởng để hong vết thương. Nhưng, cuối năm nắng rất hiếm. Mùa này là mùa biển động. Khách sạn tôi cư ngụ nằm sát bờ biển. Tôi ở tầng lầu, ngày đêm nghe đại dương nổi giận. Mặt biển vẫn phẳng phiu sao những tiếng gầm nghe sợ hãi thế! Tôi không dám ở đây chờ mùa xuân sang. Chúng tôi bỏ Nha Trang.
Biết bao giờ mới gặp Mẹ Bề Trên và Sơ Joséphine được? Còn Huy nữa. Chắc nó đã ở Mỹ về rồi. Tôi nhất định không thèm nhờ vả nhật báo Hy Vọng. Chị Hồng cho tôi món tiền khá lớn, tôi gửi nội trú Hòa Hưng và vẫn chưa hề nghĩ tới chuyện xin lấy ra. Tôi còn trẻ, còn đẹp, “Gái một con trông mòn con mắt”. Tôi soi gương quả thật tôi còn đẹp. “Em nên điểm phấn tô son lại. Ngạo với nhân gian một nụ cười”. Phải ngạo mạn với cuộc đời chứ. Sinh ra đời đâu để chịu đựng nhục nhằn, tủi cực. Hình ảnh chị Hồng hiện rõ ràng trong đôi mắt tôi. Hình ảnh chị với khuôn mặt đá tổ ong. Chứ không phải hình ảnh chị với khuôn mặt đẫm lệ hôm ở trường thi. Tôi muốn đi tìm Hồ Hải. Ta cứ dấn thân vào cuộc đời dù có bị uống tận cùng đau khổ.
Trần Thị Diễm Châu Trần Thị Diễm Châu - Duyên Anh Trần Thị Diễm Châu