Love appears in moments, how long can I hold a moment, as my moment fades, I yearn to catch sight or sound of you, to feel the surging of my heart erupt into joyous sounds of laughter.

Chris Watson

 
 
 
 
 
Tác giả: Nguyễn Tuân
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3598 / 115
Cập nhật: 2016-03-10 08:46:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thời Và Thơ Tú Xương - Phần 1: Quê Nam Định Của Tú Xương.
ọc thơ Tú Xương, thấy bật lên một địa phương. Về địa lý cả nước ta được phản ánh vào phú và thơ Tú Xương, hình như cũng chỉ thấy mỗi một địa phương đó mà thôi. Ấy là vùng Nam Định. Trong thơ Tú Xương, trong phú Tú Xương, chỉ rặt có cảnh Nam Định, sự Nam Định, lời Nam Định, người Nam Định, nhất là cái đám quan to lại bé, tiểu thương tiểu chủ. Nói chung là cái đám giai cấp tiểu tư sản vào lúc dở giăng dở đèn Tây về mở rộng tỉnh. Toàn là thực tiễn Nam Định, Nam Định đã quán triệt toàn tập thơ phú Tú Xương. (Trừ ra mấy câu dưới đây là vượt ra ngoài phạm vi địa lý Nam Định:
"Hay mình thấy tớ nay Hoàng Thao
Mai Phố Giấy mà bụng mình ghen..."
"Nay đi Phố Giấy, mai đào hát,
Khi ở sông Thương, lúc tỉnh Hà... "
Câu trên, ở bài văn tế sống vợ. Câu dưới ở một bài thơ cảm hoài. Chỉ ở hai câu đó, là có nói đến những địa danh ngoài khu vực Nam Định, là thấy nói đến Hà Nội, như cái phố nhà hát ả đào Hàng Giấy; thấy nói đến con sông Thương của tỉnh Bắc Giang).
Ỏ đời sống hàng ngày, không rõ nhà thơ ngông Tú Xương đã giang hồ phiêu bạt tới những đâu, nhưng ở thơ Tú Xương, chỉ thấy toàn một màu Nam Định. Có cái vẻ như Tú Xương khoanh riêng ra cái vùng Nam Định đó mà cấy thơ mình vào. Tính địa phương trong thơ Tú Xương nó độc đáo và nó đã tạo chiều sâu, tạo thêm nét sắc cho phong cách hiện thực của nhà thơ. Tính địa phương đó (nó không phải tư tưởng địa phương chủ nghĩa) đã có góp phần vào tính dân tộc của thơ Tú Xương.
Trước khi đặt chân vào miền thơ Tú Xương, ta hãy cùng nhau lướt qua cái vùng Nam Định ấy. Hiểu thêm một thành phố sinh quán trú quán đó của nhà thơ, để càng hiểu thêm thơ Tú Xương, và hiểu thêm một con người thơ của tỉnh Nam Định.
o O o
Thói thường, mỗi khi dẫn ra một tỉnh nào, người ta hay hô sông hô núi vùng đó ra. Tên sông tên núi gần như là tên hèm của một tỉnh. Nhắc đến người của Nam Định, trước đây người ta hay gọi một cách văn hoa là khách non Côi sông Vị 1. Sông Vị là sông Vị Hoàng sau này bị lấp đi.
Non Côi là núi Gôi ở ngay chỗ ga Gôi cạnh đường xe lửa Nam Định đi Ninh Bình. Núi Gôi không có rừng rậm, không lâm tuyền, nó rộng khoảng một cánh ruộng, nó to như một quả gò, cao bằng một quả đồi. Người chủ một vườn hoa cá thể ở một vùng bao la đất thịt quý một hòn non bộ như thế nào, thì cả tỉnh Nam Định quý cái núi Gôi như vậy. Trên một vùng bình địa mà những cái nhô lên theo chiều cao hầu hết là những nóc chuông nhà thờ đạo, nhất định người ta phải quý cái cao điểm non Côi (Gôi) đó. Thêm nữa, non Côi lại là nơi hàng năm hay có hội hè. Nó là cái địa điểm tập kết của mùa xuân cũ trên đất Nam Định. Quanh núi Gôi, đã trảy hội bao nhiêu thế hệ trai thanh gái lịch của tỉnh Nam và của cả mọi người tứ chiếng miền Bắc. Người ta rước, người ta thi vật, người ta kéo chữ múa cờ; những người trai trúng các giải thì thường được thiếu nữ chín huyện Nam Định kén làm chồng. Ngày hội vui quanh núi Nam Định này, còn là một cái hội chợ bán mua nông cụ đầu năm của gần sáu mươi vạn nông dân tỉnh Nam (nay đến trên một trăm vạn). Cái tấm lịch xuân tươi của vùng Gôi đã được cả thơ dân gian ghi lại:
Mùng một chơi cửa chơi nhà
Mùng hai chơi chợ, mùng ba chơi đình
Mùng bàn chơi chợ Quả Linh
Mùng năm chợ Trình Mùng sáu non Côi
Qua ngày mùng bảy nghỉ ngơi
Bước sang mùng tám đi chơi chợ Viềng
Chợ Viềng một năm mới có một phiên
Cái nón em đội cũng tiền anh mua.
Non Côi, sông Vị thành ra một đôi câu đối của Nam Định, một vế đối sơn, một vế đối thủy. Vế của núi thì vui như ca dao vừa nói đó. Còn vế sông thì... hơi buồn. Cái sông Vị ấy lấp đi lâu rồi!
Sông Vị mất tích ấy ở về phía Đông phố Minh Khai (tên mới của phố Hàng Nâu cổ truyền. Hàng Nâu là một cái phố cũ, nhiều nhà gác cửa mắt cáo, cái nhô ra cái lùi vào như hàm răng khểnh của một cô gái không đẹp nhưng rất có duyên. Phố có nhiều kiểu nhà lối kiến trúc cổ trông dễ bồn chồn vương vít. Khi còn con sông Vị ở ngay sau lưng phố, thuyền lái nâu vào sát nách phố Minh Khai này. Những cái cót nâu, bịch nâu lù lù trên bến và trong nhà. Những dáng người tung nâu từ mạn thuyền tung lên, những tiếng đếm nâu, đếm từng củ một, nó không như tung gạch cặp díp đến từng đôi một.
Đúng với cái tên nâu sồng của nó, phố Hàng Nâu xưa là một cái phố lam lũ của người lao động chân tay. Nó cũng là cái phố của những nhà nho thanh bạch. Phố "thượng lưu" ngày xưa của thành Nam thì phải là những phố hiện đại lúc ấy như phố Carô Cửa Đông hoặc phố Bôn be nhiều ký phán, và quan tắt và mọi thứ phụ tùng bổn xứ của bộ máy Pháp. Phố Hàng Nâu, cứ tan chợ chiều, là thấy diễu qua những quang, gánh, thúng, mẹt của những người bán tôm tép rau cỏ nhì nhằng. Nó là một cái phố ngoại ô, cái phố bìa bao tỉnh, giống như xóm nghèo vẹo bắn ra ở tận chân lũy tre làng. Nó rất đúng với cảnh trong thơ Tú Xương:
Trời kia khiến vậy sông nên bãi
Ai khéo xoay ra phố cả làng.
Nam Định ít núi mà nhiều sông. Con sông Vị lấp đi, nhưng con sông đào vẫn chảy đều cạnh thành phố công nghiệp, con sông đào Nam Định vẫn nối liền sông Đáy với sông Hồng, trung tâm phố cũ cách sông Hồng khoảng năm cây số. Kế hoạch mở rộng Nam Định trong mười lăm năm tới đây là sẽ dịch nó ăn ra mé sông Hồng. Ngày vui đó đang tới dần. Ờ, ngày đó, bên cạnh một số tượng vĩ nhân dựng lên cho Nam Định, có một pho tượng Tú Xương ở bờ sông, nghĩ cũng hay. Tú Xương không gọi đò nan bên sông Lấp nữa, mà nay ra hẳn cửa sông Hồng mà gọi thuyền máy. Trên bến mới, gợi lại một tiếng đò xưa của người cũ, thành phố chỉ càng đặm đà thêm!
Trong thời đế quốc Pháp chiếm nước ta, tỉnh Nam Định bị Tây đánh đi đánh lại hai lần.
Lần thứ nhất, vào năm 1873, ngày 12 tháng 12. Thành Nam Định ba cổng thành (cửa Nam, cửa Tây, cửa Đông) cùng bị đánh luôn một lúc, và thằng quan tư Gạc Nhe (Francis Garnier) liền bắc thang leo vào thành. Lúc tai biến đó của cả tỉnh và thành Nam Định, Tú Xương được ba tuổi thơ. Mười năm sau, Tú Xương lên mười ba, thì Tây lại đánh thành Nam Định lần thứ hai.
Thành Nam Định mất vào ngày 27-3-1883, dưới sự chỉ đạo quân sự của quan tư Rivie (Henri Rivière). (Có phải đó là một cái duyên cái nợ gì giữa hai thành phố Hà Nội và Nam Định, khi hai thằng quan tư đánh thủ đô Hà Nội đó lại vẫn là hai thằng tư lệnh Tây đánh Nam Định, để rồi hai tướng Tây đó cùng bị mất đầu dưới mã tấu Cờ Đen!).
Trước ngày Nam Định thất thủ lần thứ hai, quan tư Rivie gửi thư cho quan Tổng đốc Nam Định:
"...Vì sự tôn kính và lễ độ trong quan hệ với chúng tôi, vì sự tự do đi lại của chúng tôi trên sông nước, vì sự an ninh của chúng tôi tại Bắc Kỳ, và để cho các vị khỏi mưu phá sự yên tĩnh, chúng tôi buộc thành Nam Định phải trở nên vô hại đối với chúng tôi từ nay. Và do các lẽ đó, quan lớn phải thân chinh trao lại thành đó cho chúng tôi(?) Nếu 8 giờ sáng mai, ngài không thân hành tới pháo thuyền sơn trắng của tôi, tôi sẽ buộc tôi xử sự với ngài như là đối với kẻ địch".
Thư nó gửi ngày 25. Ngày 26 nó bố trận, và ngày 27 nó đánh luôn ta. Tàu chiến một đoàn nó gồm những chiếc mang tên là Các bin, Gươm Thổ Nhĩ Kỳ, Lưỡi tầm sét, Chộp, Tò te (tôi dịch những tên Carbine, Yatagan, Hache, Surprise, Fanfare) cộng thêm một số tàu thủy và thuyền gỗ. Đạo thủy quân đánh bộ cho đổ bộ đại bác từ pháo thuyền lên bờ. Nó đánh từ lúc sớm đã rõ mặt người, cho cốt mìn vào thành, cốt phá cửa Đông. Tên trung tá Carô (Carreau) ham phá cửa Đông nên gãy chân, cưa chân rồi chết. Tên thằng chết trận này, trùng với tên một thứ bài hoa bài ít xì (con rô), sau thành tên cho trại khố đỏ Nam Định, thành tên cho trường học Pháp Việt thành Nam, rồi thành tên cho một đường phố buôn bán chính của thành phố Nam Định. Nhưng mặc cho Tây gọi là phố Carô, cho đến mãi sau này, ta vẫn cứ gọi là phố Cửa Đông. (Cũng như Tây muốn lưu danh một thực dân quan văn Harmand đã bình định tỉnh Nam, đặt tên phố Hác Măng, nhưng người Nam Định vẫn cứ gọi phố đó là Cửa Trường - (Trường thi).
Hạ xong thành Nam Định được chín ngày, Tây đặt luôn sở Đoàn thu thuế (để vét cho nhanh về kinh tế!) và sau đó liền thiết lập luôn đồn quan binh. Và lính Pháp liền đi đốt Trường Thi. Bộ máy đàn áp của nó lúc bấy giờ danh nghĩa chỉ có hai mươi tám văn võ Pháp, nhưng tay sai bổn xứ của nó đã đông như dòi chồ, ghê nhất là một tên cha cố ta mang tên thánh Phao Lồ (Paulus Trinh).
Cũng cần biết thêm rằng Nam Định có bảy mươi lăm cây số ven biển, là đất phát triển đạo, thường niên lễ Xăngty, rước to hơn cả Hà Nội. Tỉnh Nam Định, cứ năm người dân thì có một người tin đạo Thiên Chúa. Thiên Chúa giáo Nam Định, phần lớn là các dòng Tây Ban Nha, có chủng viện đào tạo mỗi khóa tới năm trăm kẻ giảng.
Sáu huyện miền hạ trong tổng số chín huyện tỉnh Nam là rất vô khối gác chuông nhà thờ. Những cái nóc chuông nhọn hoắt, xa trông chân giời cứ như là rừng cột buồm trên ngấn bể. Tên cố Váckiê là tay sai đắc lực của đế quốc, đầu độc thanh niên công giáo, và nhất là dụ dỗ người đi làm phu Tân Thế giới và làm culi cao su đất đỏ Nam Kỳ. Sau kháng chiến thắng lợi, bọn phản động dụ dỗ và bức ép nông dân có đạo phải bỏ ruộng đi Nam tới ba vạn rưởi người trong số mười chín vạn giáo dân; từ trước ngày tiếp quản đã có một trăm ba mươi bảy cha cụ phản động bỏ con chiên và đào ngũ thánh đường miền Bắc. Theo nguyệt san Missi chữ Pháp của giáo hội thì riêng địa phận Bùi Chu có một trăm hai mươi cha đạo bỏ lại con chiên mà vù chạy đi Nam.
Tỉnh Nam Định vừa là một đất văn học, vừa là một đất có truyền thống chống Pháp, đóng góp trí dũng vào các phong trào và các cuộc vận động chung trong nước.
Phong trào văn thân, nhiều bậc khoa bảng và sĩ phu cùng nhân dân đều tham gia vào. Nhiều thanh niên ưu tú có dự vào các luồng xuất dương ra nước ngoài để vận động cách mạng. Lúc tổng khởi nghĩa, Nam Định giành chính quyền chỉ sau Hà Nội có hai ngày. Và lúc Toàn quốc Kháng chiến, quân và dân Nam Định giam chân quân đội viễn chinh Pháp trong thành phố Nam Định suốt ba tháng ròng. Thời chiếm đóng, thành tích du kích chín huyện hậu địch Nam Định đã góp nhiều vào việc tổng kết chiến tranh du kích trong chiến tranh ái quốc vừa qua. Và hòa bình trở lại trên miền Bắc, Nam Định cũng là một trong những thành phố được giải phóng đầu tiên.
Thành phố Nam Định có cái thế và có cái sức lực của một thành phố tựa hẳn vào một bên sông đào. Lúc còn sông Vị Hoàng đổ ra sông đào, và sau này lấp sông Vị Hoàng đó rồi, Nam Định vẫn là một cửa khẩu của một khu vực kinh tế. Dọc sông là chợ, là kho hàng, là các mỏ cân nhà buôn lớn, là gác nhà trọ, quán cơm, và những xe phở nghênh ngang cái hình tàu thủy có ống khói! Chạy song song với kè đá bờ sông là đường sắt nối liền ga chính ra tận bến tàu. Và trên đường xe lửa cạp lấy bờ sông, những chuỗi dài chuỗi dài toa xám đòi ăn hàng đòi bốc hàng. Bến tàu lúc nào cũng dồn toa, đầu xe lửa xích xích xúp lê cả ngày cả đêm. Và chao ôi, quên sao được cái tiếng còi tàu thủy và nhị hát xẩm Đò Quan Đò Chè!
Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về Nam Định với anh thì về
Nam Định có bến Đò Che,
Có tàu Ngô Khách có nghề ươm tơ.
Tiếng còi tàu thủy ngày đêm quanh năm vang vang trên sông đào. Hình như lúc nào cũng vô khối người về người đi Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng. Bến Nam Định như là một cái địa điểm sinh ly của đất tăng bo, luôn luôn nối tiếp lũ lĩ những người vai tay nải, nách chiếc chiếu, mà bước chân lên tàu, mà bước chân xuống tàu.
Trước năm có phong trào Bình dân, ở cửa khẩu Nam Định, tàu thủy ăn bến nhả bến có tới gần bốn ngàn chiếc, nghĩa là tính đổ đồng, tàu đi tàu về bến mỗi ngày khoảng mười chuyến nhả bờ áp bờ. Nhìn vào sổ cuống vé, mỗi năm cứ trên dưới một triệu vé tàu thủy.
Dọc sông và lùi sâu vào các phố răng bừa, là những bịch, những bồ, những cót, những tràn, những mỏ cân, những kho. Kho chai, kho chăn, kho chiếu, kiện sợi, con tơ, thập trà Tàu, những dây giăng ra bao nhiêu là tảng cao ban long, cao quy bản, hàng gác thuốc bắc, hàng gian khô dầu, hàng dãy nhà gạc hươu, mai rùa, vẩy tê tê. Và các lẫm thóc, đụn gạo, kho thóc, quầy ngô. Nước mắm và ruốc đặc, chum và kiệu cao bằng đầu người bằng cổ người cứ xếp hàng mà lập chính giữa các sân gạch. Mùi hồi quế lẫn với mùi mắm muối trà hương, mùi bao tải gạo hấp hơi. Túi bụi mà cân, mà ghi sổ, mà cho ra tàu thủy tàu hỏa. Có gia đình cả ngày chỉ cầm chổi quét theo mọi thứ rơi rụng trên hè, ở cầu tàu, ở bực toa, là đủ sống rồi.
Từ cái bến tàu thủy tới tấp, giờ ta đảo vào một cái chợ tỉnh tấp nập. Chợ Rồng. Đủ thứ miếng sống miếng chín. Hoa, lá, quả, tươi cũng đủ mà phơi khô rồi cũng có. Đủ các mặt hàng của núi của sông của biển, của đồng rừng của đồng xuôi, như bất cứ cái chợ lớn tự trọng nào của những khu vực phồn vinh cả thật sự và giả tạo.
Nhưng đặc sắc nhất của chợ Rồng mà không nơi chợ tỉnh nào sánh được là tơ tằm và chuối ngự. Tơ chín vàng, chuối chín vàng, lụa choé vàng. Màu hoa hòe nở rộ vào giữa mùa nhập trường thi chữ Hán ngày xưa, cũng khó mà đọ được với vàng chuối vàng tơ của chợ Rồng chói lọi.
Cái màu vàng giãy nảy lên ấy, tưởng chỉ có được trong nghệ thuật và tranh màu, chứ không ngờ nó lại ê hề giữa thiên nhiên và gian chợ tỉnh Nam. Tơ, lụa, chuối làm cả chợ rực sáng lên như nhuộm tắm trong một cái ráng trời óng lộng cuối mùa thu. Nó vàng một cách vừa êm mịn vừa nhộn nhịp, đông đảo như mấy sân áo cà sa vàng sư sãi Miên Lào. Tỉnh Nam là đất cũ vua nhà Trần 2 cung nữ đời Trần có truyền thống lao động, cái giống chuối thành ra tên là ngự ấy, không biết có dính gì đến những bàn tay cung nữ nhà Trần không? Chỉ biết rằng cả thiên hạ đều khen chuối ngự Nam Định là ngon thơm, và lành.
Vỏ mỏng tang, ruột chuối ngọt ánh lên chất cát đường. Có những buồng chuối, khi mình vén những tua lá chuối khô phủ lên nó như những tấm áo nâu cũ màu, thì thấy, eo ôi! Nó xếp tầng gác lên tới hai chục nải. Có người vì buồng chuối ngự mang từ Nam lên thủ đô làm quà, mà đành đi tàu thủy; nó lâu thời giờ hơn tàu hỏa ô tô, nhưng cho chuối đi tàu thủy nó đỡ bị lắc, gãy, rụng, đảm bảo hơn. Tôi đã từng nghe một số bà con Nam Định hay nói:
"Đọc thơ Xương, ăn chuối ngự". Ý muốn khoe hai thứ "thổ ngơi" quý giá của tỉnh Nam Định mình.
Nếu muốn thưởng thức cái thật ngọt thật lành, ngọt lành đến cái mức gái đẻ ngày xưa cũng không nỡ kiêng khem, thì xin mời nếm chuối ngự; còn mà muốn nếm sang cái vị chua mặn, mặn chát đi như ruộng đồng bể Nam Định, thì xin mời nếm vào thơ Tú Xương thành Nam chúng tôi!
Trước đây, thời đế quốc, Nam Định là một cửa khẩu thương nghiệp. Nay, thời cộng hòa dân chủ và xã hội chủ nghĩa ta, Nam Định là một khu công nghiệp to của miền Bắc. Nhà máy liên hợp không ngừng làm ra vải khổ rộng, khăn mặt, voan, xát xi, lụa kẻ, nhung kẻ. Hoàn toàn thay đổi khác hẳn ngày xưa là đời sống người thợ dệt nay đi Người ta thường nhắc đến cái khéo tay nền nếp của những nghề thủ công tỉnh Nam thành Nam. Người thợ ngõa, thợ mộc Nam Định. Người thợ tiện, người thợ chạm, người thợ thêu Nam Định. (Những phường thợ chắc tay và hoa tay ấy đóng lại ở phố nào thành Nam thì tên phường tên nghề họ bỗng chốc chuyển thành tên cái phố của Nam Định).
Lúc này, nghĩ càng thấy thương nhớ tới anh thi sĩ kiết thiếu áo Tú Xương ngày xưa vẫn đụp cái áo bông rách giữa cả mùa hè. "Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông", "Một tuồng rách rưới con như bố" và bố thì ốm đóng áo bông đụp ra tiếp khách.
Tôi nghĩ rằng kinh tế Nam Định phát triển thì nền văn hóa của đất văn học Nam Định ngày lại càng mở mang. Và tới một lúc nào đó, những người thợ máy dệt Nam Định sẽ đòi cho Tú Xương phải có một pho tượng dựng ngay giữa thành phố Nam Định giàu có cả về vật chất lẫn tinh thần. Họ có thể sẽ trích ngay quỹ phúc lợi của họ ra mà đổ vào cái khuôn tượng nhà thơ Nam Định tỉnh họ.
Pho tượng ấy nay còn đang hình thành trong lòng người này người nọ, nhưng hôm nay đây, chúng ta đã có bia cho Tú Xương rồi. Mặc dầu nó mới chỉ là một tấm biển sắt treo lên tường vôi, chứ chưa phải là bằng đá trắng đá xanh bia cổ truyền, hoặc sơn mài dân tộc, mặc dầu thế, tôi vẫn cứ thấy cảm động. Tấm bia ấy dựng tại giữa nhà ông Tú ở phố Hàng Nâu Nam Định. Trong một mái nhà gạch cổ, kiểu rất cổ, giữa một cái phố cổ thật là độc đáo, một ngày mùa đông 1961, tôi tần ngần trước một tấm bia:
"Nơi đây, nhà thơ Trần Tế Xương tức Tú Xương (1870 - 1907) đã sống với gia đình, đã ngâm vịnh văn thơ và trao đổi tâm sự với bạn bè, trong đó có cụ Phan Bội Châu và một số nhà nho yêu nước khác.
Nơi đây nhà thơ Trần Tế Xương đã sản sinh 3 và "lưu lại cho kho tàng văn học Việt Nam những kiệt tác có tính chất thời thế và đặc biệt có tính chất đả kích mạnh mẽ vào chế độ xã hội đương thời, một xã hội phong kiến suy tàn dưới triều Nguyễn, một xã hội lố lăng bỉ ổi của thời kỳ đầu thực dân Pháp xây dựng nền đô hộ trên đất nước ta".
Tôi không thêm lời về cái lối văn bia đó. Mà ở đây, tôi chỉ muốn toàn tâm vào sự quý mến tấm lòng của những người sống đang biết ơn kịp thời tới một người thơ. Một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam.
Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học - Nguyễn Tuân Tiểu Luận Và Chân Dung Văn Học