Tôi chưa từng biết ai phải khổ sở vì làm việc nhiều quá. Chỉ có rất nhiều người khổ sở vì có tham vọng nhiều quá mà lại không có đủ hành động.

Dr. James Mantague

 
 
 
 
 
Tác giả: Chu Sa Lan
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1546 / 24
Cập nhật: 2017-05-20 09:10:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
au khi đưa đám tang Bảy Rượu, Trọn, Dần và Thừa xong, mặc dù Đính rủ ra chợ uống vài chai bia nhưng Kiên từ chối. Anh cần tìm một chỗ nào khuất vắng và yên tịnh để suy nghĩ hầu trả lời cho những thắc mắc về chuyến công tác vừa rồi. Đi lang thang quanh bờ hồ Trúc Bạch hồi lâu, anh nhớ lại trước nhà Quỳ có mảnh đất nhỏ nhìn ra rạch Cá Lóc. Chỗ đó vắng người nên rất yên tịnh. Anh muốn xuống đó ngồi suy nghĩ giây lát rồi sau đó sẽ vào nhà rủ Quỳ đi ra chợ ăn cháo cá xong đi qua bên Cái Cối ăn trái cây. Thấy ông xe lôi đang đậu dưới bóng cây bả đậu anh leo lên. Lát sau xe dừng dưới chân cầu Cá Lóc. Ghé sạp của bà bảy mua gói đậu phộng anh đi ra bãi đất trống. Nhằm nước lớn nên con rạch đầy nước trong xanh. Gió man mát. Chiếc cầu của nhà ai bên kia bắt de ra thật xa. Ngồi im trên thân cây dừa Kiên cố gắng tập trung tư tưởng để suy nghĩ. Theo như lời của Tuân thì mật báo viên của phòng 2 là một nhân viên rất đáng tin cậy vì đã nhiều lần anh ta cung cấp tin tức rất chính xác. Do đó nội tuyến phải nằm trong phòng 2 hoặc trong toán thám sát của anh. Nhân viên của phòng 2 tiểu khu thì nhiều lắm, nhưng biết mục tiêu, giờ giấc và lộ trình đi về của toán thám sát thì chỉ có bốn người là thiếu tá Định, đại úy Tuân, trung úy Chánh và thượng sĩ Ẩn. Bốn người đó đều có lý lịch rất sạch. Như vậy chỉ còn lại toán thám sát. Ai là người lính ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản này? Kiên tự hỏi. Trong số hai mươi lăm người lính dưới quyền chỉ huy của mình ai làm nội tuyến cho mặt trận? Ai? Kiên lẩm bẩm rồi lại lắc lắc đầu thở khì ra hơi dài. Anh là lính đánh giặc chứ không phải là nhân viên của phòng an ninh, tình báo để có khả năng tháo gỡ ra những rắc rối này. Ăn hết bịch đậu phộng rang Kiên đứng lên. Nghĩ tới lúc gặp Quỳ anh mỉm cười. Nụ hôn nồng nàn đêm ba mươi tết như còn đọng đâu đây. Mùi hoa sứ thoang thoảng. Hai tay thọc túi quần anh lững thững bước trên lối mòn lưa thưa cỏ mọc. Ra gần tới đường hẻm anh hơi khựng lại rồi lật đật nép mình sau thân cây dừa lão. Hai mắt anh chăm chú nhìn. Phía bên kia, cách xa chỗ anh đứng là Quỳ. Chiếc áo bà ba trắng, quần đen, mái tóc xõa vai, Quỳ đang đứng nói chuyện với một người đàn ông mặc chiếc quần ka ki xanh và áo sơ mi trắng ngắn tay bỏ ngoài quần. Vì người này đứng quay lưng lại nên anh không thể nhận diện hắn được song lại có cảm giác là người này rất quen thuộc với mình. Khoảng cách khá xa lại thêm hai người nói chuyện nhỏ cho nên anh không thể nghe họ nói gì. Lát sau Quỳ bỏ đi vào nhà và người đàn ông cũng quay lưng đi. Khi anh ta ra tới cây cầu ván, Kiên mới nhận diện được anh ta. Đó là Lắm, người lính thuộc toán thám sát tỉnh, tiểu đội phó tiểu đội 1, dưới quyền chỉ huy của Đán. Kiên không biết gì nhiều về Lắm. Điều làm cho anh thắc mắc là Lắm quen biết thế nào với Quỳ? Nhiều lần lui tới nhà nàng anh đâu có thấy mặt của Lắm. Anh cũng không nghe Quỳ hay ba má hoặc anh chị của nàng nhắc nhở tới Lắm. Đây là lần đầu tiên anh thấy Lắm đứng nói chuyện với Quỳ. Hai người có liên hệ tình cảm như thế nào mà lại đứng nói chuyện lâu và có vẻ thân mật lắm. Bỗng nhiên Kiên cảm thấy buồn. Nghĩ tới chuyện Quỳ âm thầm quen biết với một người khác anh cảm thấy tức nghẹn, giống như bị ai đấm một cú thật mạnh vào ngay ngực của mình.
Thấy Lắm thong dong bước trên con hẻm dẫn ra đường lớn Kiên nghiến răng. Tay đặt lên khẩu K54 được giắt trong bụng của mình, anh lại thở dài buồn bã. Có thể nào một cô gái hiền lành và đứng đắn như Quỳ lại lừa gạt mình? Có thể nào một cô gái đoan trang như Quỳ lại quen biết với một người con trai khác trong khi lại nói thương yêu mình? Có thể nào một thiếu nữ con nhà gia giáo mà anh thương yêu và kính trọng lại dan díu với một người đàn ông khác? Những câu hỏi quay cuồng trong trí não khiến cho anh đứng thừ ra cho tới khi ngước lên Lắm đã đi mất từ lâu. Suy nghĩ giây lát Kiên không đi vào nhà gặp Quỳ mà lặng lẽ trở về trại. Vừa nhai cơm tay cầm anh vừa đọc lý lịch của Lắm. Bây giờ anh mới biết Lắm sinh ra trong quận Bình Đại. Một tia sáng lóe ra. Quỳ cũng ở tại chợ của quận Bình Đại. Như vậy có thể là nàng với Lắm biết nhau. Có thể họ là bà con với nhau hoặc là láng giềng, bè bạn hồi lúc còn nhỏ. Tuy nêu ra mấy câu hỏi song Kiên lại lắc đầu phủ nhận. Anh biết Quỳ sinh ra tại tỉnh lỵ vì trong giấy khai sinh của nàng ghi tại làng An Hội. Bình Đại chỉ là quê ngoại. Nàng không hề sinh ra và lớn lên ở quận Bình Đại, do đó không phải là láng giềng hoặc quen biết từ nhỏ với Lắm. Trong hồ sơ cá nhân Lắm khai chỉ học tới lớp nhất rồi nghỉ học về làm nghề đánh cá. Sau đó không biết vì lý do gì mà Lắm lại bỏ nhà lên Sài Gòn để đi học nghề sửa xe gắn máy. Một năm sau Lắm trở về Bình Đại rồi lại lên tỉnh đi lính địa phương quân. Nhờ quen biết nên sau đó Lắm được tuyển vào toán thám sát tỉnh của thiếu úy Bằng. Đọc đi đọc lại mấy lần, Kiên nhận thấy lý lịch của Lắm cũng giản dị và rõ ràng trừ hai điểm. Thứ nhất khoảng thời gian ở Sài Gòn. Theo lời khai thì anh ta học sửa xe gắn máy ở Sài Gòn nhưng không nêu ra địa chỉ trú ngụ và luôn cả địa chỉ nơi làm việc. Thứ nhì ai đưa Lắm vào làm lính thám sát? Theo như anh biết, bất cứ người lính nào muốn được tuyển chọn vào toán thám sát tỉnh phải có thâm niên quân vụ ít nhất ba năm. Họ phải được một sĩ quan giới thiệu và bảo chứng. Thêm vào đó họ còn phải được phòng 2 chấp thuận sau khi điều tra về lý lịch của họ. Như vậy Lắm chưa đủ điều kiện để được tuyển chọn. Nhưng tại sao anh ta lại trở thành lính thám sát tỉnh đồng thời còn được thăng cấp hạ sĩ và chức tiểu đội phó. Nếu tính thời gian phục vụ, Lắm chỉ có hai năm thôi mà lại được thăng cấp hai lần. Kiên biết mình không có quyền hạn cũng như lý do chính đáng để loại trừ Lắm ra khỏi toán thám sát tỉnh. Điều mà anh muốn biết không gì khác hơn mối liên hệ giữa Quỳ với Lắm. Họ có liên hệ gì? Câu hỏi đó lởn vởn trong trí của anh suốt đêm.
- Ông thầy...
- Ông thầy...
Kiên mở mắt khi nghe tiếng gọi. Nhìn thấy Đính, Đán và Hành đang đứng trong phòng anh ngáp tiếng dài.
- Ba ông đi đâu mà sớm vậy?
Liếc nhanh Đán, Đính cười hà hà.
- Trời đất... Trưa trờ trưa trật mà ông nói sớm...
- Mấy giờ rồi?
- 12 giờ...
Hành xen vào.
- Tụi này rủ ông đi nhậu...
- Nhậu...?
Kiên hỏi gọn một tiếng. Đán cười hì hì chưa kịp trả lời Kiên lại ngáp cái nữa.
- Tôi chưa có cái gì dằn bụng... Tối hôm qua ăn cơm tay cầm...
Kiên vỗ vỗ cái bụng xẹp lép của mình. Đính xen vào.
- Ông đừng lo. Mình đi đám giỗ thiếu gì đồ ăn...
Uể oải ngồi dậy Kiên xỏ chân vào đôi giày bốt đờ sô.
- Giỗ của ai vậy?
- Tía thằng Ẩn. Nó mời nguyên cả toán thám sát của tụi mình...
Nghĩ tới lúc phải nhìn mặt Lắm, Kiên cảm thấy mất hứng thú ăn nhậu mặc dù đang đói bụng.
- Thôi ba ông đi đi... Tôi nhức đầu quá...
Đính lắc đầu quầy quậy.
- Đâu có được... Hổng có ông nhậu mất vui...
- Tôi mà nhậu gì... Phá mồi thì có...
Hành cười hà hà.
- Thì mình đi để phá mồi mà... Ông nên đi hạ cờ tây cho biết...
Biết không đi không được, Kiên đành cười trừ.
- Ừ đi thì đi... Mà tôi về sớm nghen...
Đính gật đầu liền.
- Ông muốn về lúc nào cũng được… Tôi kêu tụi nó chở ông về…
Đánh răng rửa mặt và chảy sơ lại cái đầu tóc hơi dài, Kiên theo chân ba người lính dưới quyền ra sân. Bây giờ anh mới nhớ hôm nay nhằm thứ sáu. Lá cờ vàng ba sọc đỏ rủ xuống vì không có gió. Nắng chói chang trên khoảng sân rộng lơ thơ người đi. Bên kia con đường ngoài cổng trại thấp thoáng mấy tà áo dài của các cô nữ sinh trường Phan Thanh Giản trên đường về nhà sau buổi tan trường. Thoáng nghĩ tới Quỳ, anh thầm thở dài buồn bã. Hai chiếc xe gắn máy nối đuôi nhau chạy về hướng Ngã Ba Tháp.
Vì đám giỗ đông người quá nên gia chủ phải cho dọn bàn ngoài sân trước. Hai mươi lăm người lính thám sát cộng với Kiên thành hai mươi sáu ngồi chật ba chiếc bàn tròn. Kiên ngồi đối diện với Lắm. Thoạt đầu anh hơi khó chịu nhưng nhờ không khí ồn ào và vui vẻ, thêm vài chung đế khiến cho anh tạm thời quên đi chuyện của Quỳ với Lắm.
- Dô đi ông thầy... Làm vài chung cho sần sần rồi mình bắt đầu hạ cờ tây...
Kiên cười cười. Anh nhận ra một điều là sau chuyến công tác vừa rồi lính đã thay đổi cách xưng hô với mình. Họ không còn gọi anh bằng cấp bực mà thay vào hai tiếng ông thầy. Danh từ này có một ý nghĩa đặc biệt hơn và thân tình hơn, bao gồm sự nể phục và thương mến. Nể phục ai về học thức và tư cách họ mới gọi ông thầy. Thầy đứng trên hoặc ngang hàng với cha, thành ra đôi khi một cấp chỉ huy trẻ tuổi vẫn được những người lính già gọi bằng thầy. Hai mươi lăm người lính thám sát đều lớn tuổi và có vợ con đùm đề song họ lại vui vẻ gọi anh bằng thầy. Đó là một điều thuận lợi và dễ dàng cho anh chỉ huy họ. Có nể phục, có thương mến họ mới vui vẻ tuân lệnh và sống chết với anh.
- Ông thầy hạ cờ tây lần nào chưa?
Lắm lên tiếng hỏi. Ngần ngừ một chút Kiên cười trả lời.
- Thỉnh thoảng... Ở Sài Gòn tôi cũng theo mấy thằng bạn đi thử...
Đón lấy chung đế từ tay Đính đưa cho mình, Kiên cười hỏi tiếp.
- Anh Lắm ở Sài Gòn chắc cũng đã đi ăn rồi?
Trong lúc nói Kiên nhìn Lắm đăm đăm.
- Dạ cũng có chuẩn úy...
Lắm trả lời một cách lửng lơ. Ực một hơi cạn chung đế, khà tiếng nhỏ, Kiên đưa cái chung không cho Đán đang ngồi ở bên trái của mình. Lấy điếu thuốc ra đốt, hít hơi dài rồi anh cười cười tiếp.
- Tôi nghe nói anh biết sửa xe gắn máy vậy bữa nào nhờ anh coi dùm chiếc xe gắn máy của ông Tuân...
Ngồi kế bên, Đính vọt miệng xen vào câu chuyện giữa Kiên với Lắm.
- Thằng Lắm lên Sài Gòn học sửa xe rồi về Bình Đại làm mà ở dưới đó đâu có ai mua xe chạy để cho nó sửa...
Trong lúc Đính nói, Kiên kín đáo nhận xét thấy Lắm có cử chỉ gượng gạo, lúng túng và không được tự nhiên lắm. Điều đó càng gây thêm sự nghi ngờ trong lòng anh.
- Nó mà sửa cái gì... Hôm trước chiếc Honda của ông Ẩn hư mà nó mò hoài hổng ra...
Hành cười ha hả nói đùa với Kiên. Câu nói của Hành khiến cho Lắm đỏ mặt.
- Tại bỏ lâu quá nên tui bị lụt nghề...
Hít hơi thuốc Kiên cười nói một câu.
- Anh Lắm nói đúng đó. Máy móc mà bỏ lâu không rớ tới là quên. Hồi ở Sài Gòn anh ở quận nào?
- Dạ tôi ở tại chợ Bà Chiểu...
- Vậy chắc anh ở gần rạp chiếu bóng... rạp chiếu bóng gì tôi quên mất tên...
- Ở chợ Bà Chiểu đâu có rạp chiếu bóng nào chuẩn úy...
Lắm lên tiếng. Kiên cười gật gù.
- Anh nói đúng... Tôi lộn chợ Bà Chiểu với Đa Kao hay Tân Định...
Chỉ cần một câu trả lời thôi, Kiên biết Lắm không có ở Sài Gòn hay đúng hơn chợ Bà Chiểu. Nếu đã ở Bà Chiểu, Lắm phải biết có rạp hát Cao Đồng Hưng tại chợ. Thuở còn đi học trường Hồ Ngọc Cẩn, mỗi ngày anh đều đi xe buýt ngang qua rạp hát này.
- Anh Lắm chắc nhớ Lăng Ông?
Kiên hỏi một câu. Anh thấy nét mặt ngơ ngác của Lắm. Điều này đủ chứng tỏ Lắm chưa bao giờ nghe nói tới địa điểm nổi tiếng khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Ở Sài Gòn mà không biết Lăng Ông thời cũng giống như ở Bến Tre mà không biết hồ Trúc Bạch hoặc Ngã Ba Tháp. Vừa uống rượu vừa trò chuyện cùng mọi người, Kiên vừa suy nghĩ. Không ở Sài Gòn thời Lắm ở đâu? Tại sao anh ta lại khai gian lý lịch của mình? Lắm với Quỳ gặp nhau để làm gì? Họ có bồ bịch với nhau? Kiên ngồi uống rượu mà trí óc nghĩ ngợi lung tung. Càng nghĩ ngợi anh càng buồn nhiều hơn. Bây giờ anh mới biết mình yêu Quỳ, yêu nhiều lắm. Vì thế anh mới buồn và có chút hờn ghen khi biết được Quỳ nói chuyện với Lắm.
Hơn ba giờ dù đám giỗ chưa tan nhưng Kiên ra về sớm. Đi dài dài trên con đường liên tỉnh lộ dẫn về Ngã Ba Tháp anh nhớ và muốn gặp Quỳ. Nỗi nhớ nhung bùng cháy trong tâm hồn, trong cơn la đà say khiến cho anh không tự chủ được. Thấy chiếc xe lôi chạy qua anh đưa tay vẩy.
- Bác cho tôi về Cầu Cá Lóc...
Chiều thứ sáu người đi lưa thưa. Xe chạy qua bờ hồ. Cây me còng xanh lá. Hàng cây sao dọc bên hông trường tiểu học cao ngất. Sở thú đìu hiu. Những chiếc chuồng trống không còn con thú nào. Thời buổi chiến tranh nên mọi nỗ lực đều dồn vào việc súng đạn hơn là nuôi thú rừng. Xe lôi dừng tại chân cầu. Nhảy xuống đất, trả tiền xong, Kiên bước những bước buồn tênh. Anh chỉ gật đầu chào bà bán hàng mà không mua gì hết. Con hẻm nhỏ bắt đầu có bóng mát. Tiếng lá dừa ru trong gió như điệu nhạc buồn. Chim cu gáy rời rạc. Cây cầu ván bắt ngang chiếc mương dừa lớn. Đứng chính giữa cầu anh cúi nhìn màu nước đục lờ im không chảy.
- Anh mà nhảy là Quỳ nhảy theo anh liền...
Kiên quay lại nhìn. Phía bên kia cầu ván là hình ảnh của cô gái xứ dừa. Đôi chân trần mủm mỉm. Chiếc quần vải đen. Áo bà ba trắng ngắn lộ ra hai cánh tay. Chiếc nút áo trên cùng bung ra để hở chút da thịt trắng ngần. Mắt nàng long lanh buồn vời vợi. Đôi môi hơi hé ra thành nụ cười. Quỳ đứng đó. Hình ảnh thật dịu dàng và thuần khiết, ngây thơ và mộc mạc.
- Thiệt không?
Kiên hỏi và giọng của anh có chút gì đùa cợt. Khẽ gật đầu Quỳ hỏi lại.
- Thiệt... Mà anh tính nhảy thiệt à...?
Kiên cười cười.
- Tại sao không...
Nghe giọng nói nhừa nhựa và nhìn ánh mắt hơi lờ đờ của Kiên, Quỳ nhíu mày.
- Anh say rượu phải hông?
- Chút chút...
Trả lời gọn lỏn hai tiếng, Kiên rút gói thuốc lá trong túi ra. Lấy một điếu anh dọng dọng một đầu vào cái hộp quẹt mấy lần rồi mới đưa lên môi ngậm. Tay trái cầm cái hộp quẹt, tay mặt quẹt que diêm. Lửa cháy bùng. Quỳ ngửi được mùi diêm sinh khen khét và mùi thuốc lá hăng hăng bay vào mũi của mình. Nàng nhìn đăm đăm từng cử chỉ của Kiên bằng ánh mắt biểu lộ sự thích thú và cũng nhiều thương mến.
- Anh uống rượu với ai dậy?
Quỳ hỏi nhỏ. Kiên hít hơi thuốc thật dài, ém hơi thật kỹ đoạn thở ra từ từ.
- Lính ở trong trại. Có một anh ở dưới quyền anh tên Lắm...
Khi nói dứt tiếng Lắm Kiên quay qua nhìn Quỳ như để bắt mạch hoặc tìm kiếm một điều gì. Tuy nhiên anh thấy người yêu vẫn giữ được vẻ thản nhiên không có cử chỉ khác lạ hoặc bối rối. Dường như tên Lắm không quan trọng đối với nàng hoặc không gợi cho nàng một điều gì hết. Không lẽ Quỳ với Lắm không có chuyện gì hết.... Hít liên tiếp hai hơi thuốc Kiên nghĩ thầm. Riêng Quỳ nhận thấy người yêu có thái độ hơi khác lạ. Anh có vẻ trầm tư, nghĩ ngợi. Anh có chút gì thờ ơ. Anh không vồn vả cũng như âu yếm như những lần gặp gỡ trước. Hay tại ảnh uống rượu say… Tại ảnh buồn… Quỳ nghĩ thầm trong trí.
- Anh có chuyện gì buồn hả anh?
Không biết có cái gì làm cho Kiên không phun ra hết những ý nghĩ đang quay cuồng trong trí của mình. Không biết tại sao anh lại không mở miệng, không hét vào tai của Quỳ: Tại sao em lại làm như vậy hả Quỳ. Em không biết là anh yêu em… yêu em tới độ sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho em sung sướng. Tại sao em nỡ lừa gạt anh… Tại sao em không nói cho anh biết là em không yêu anh… Em đã có người khác…. Kiên lẩm bẩm. Trong phút giây ra ngoài ý nghĩ anh đột ngột nhảy xuống nước rồi chìm lĩm. Mới đầu Quỳ nghĩ là Kiên say rượu nên té xuống nước. Sau đó nàng lại nghĩ anh cố tình nhảy xuống rạch để hù mình. Bởi vậy nàng cứ đứng yên trên cầu nhìn xuống nước. Lát sau nàng hơi hoảng khi không thấy Kiên trồi lên khỏi mặt nước. Ý nghĩ Kiên tự tử khiến cho nàng kinh hoảng tới độ chỉ kêu được hai tiếng má ơi… rồi nhảy ào xuống nước.
- Anh Kiên… Kiên…
Kiên trồi đầu lên khỏi mặt nước thật nhanh với giọng cười hăng hắc. Bây giờ Quỳ mới biết là người yêu gạt mình.
- Anh kỳ ghê… làm em sợ muốn chết… Em tưởng anh tự tử nên nhảy xuống…
Mặt mày còn đẫm nước, Kiên nhìn đăm đăm người con gái cũng đang nhìn mình với ánh mắt long lanh thật buồn.
- Anh yêu em Quỳ ơi…
Quỳ mỉm cười. Vòng tay ôm lấy người yêu nàng thì thầm.
- Em yêu anh… Cho dù có việc gì xảy ra giữa hai chúng ta em vẫn yêu anh… mãi mãi yêu anh…
Kiên ngước đầu nhìn lên trời như không muốn cho Quỳ thấy mình ứa nước mắt. Ôm người yêu vào lòng anh lẩm bẩm những gì Quỳ không nghe rõ.
Quỳ Quỳ - Chu Sa Lan Quỳ