Số lần đọc/download: 7872 / 10
Cập nhật: 2015-11-21 22:38:37 +0700
Chương 12
K
hông có gì hạnh phúc cho bằng được trở về nhà và nằm quấn chăn trên chiếc giường quen thuộc của mình như Doanh Doanh hiện giờ. An ổn, không phải nghĩ ngợi vẩn vơ, mơ mộng những điều trái khuấy với lương tâm. Ôm chiếc gối to vào lòng cô cố xua đi một bóng dáng vừa thoáng qua tim. Rồi ngồi bật dậy Doanh chạy ra cửa sổ nhìn xuống vườn, lá rụng đầy lối, vàng úa buồn thiu.
- Dậy chưa cô Hai! Mặt trời tới đỉnh rồi còn ở mà nằm nướng.
Doanh không quay lại, cô đang chìm trong cõi riêng của mình... Mới một tuần thôi mà dường như mọi thứ đủ đổi thay. Mà có gì đổi thay đâu? Lá lúc nào không rụng đầy lối, vàng úa và buồn thiu, tiếng chim lúc nào không thỉnh thoảng ríu rít vang lên trong vắng lặng của khu vườn, nơi mà những con nhện thích nhả những sợi tơ buồn chăng mảnh lưới lấp lánh hạt bụi sương mai, nơi mà gió sẽ xạc xào, vi vu..
Mọi thứ không thay đổi, chỉ có lòng ta thay đổi. Ta đã vụt lớn lên, biết ao ước và đau đớn khi hiểu rằng ao ước đó sẽ chẳng bao giờ thành sự thật. Ta đã trở về nơi ta từng nương náu, nơi ta đã nhận được nụ hôn đầu vội vã không chút suy nghĩ. Nhưng ta đâu còn là ta nữa... Doanh buột miệng:
-Buồn quá Năm ơi!
-Hay thật! Đi chơi đã đời về lại than buồn. Sao không ở thêm vài ngày nữa?
Doanh phụng phịu:
-Tự nhiên lại nói mát với con. Đâu phải tại trở về nhà mà con buồn đâu.
-Chớ tại sao?
-Tự nhiên buồn.
Giọng dì Năm cằn nhằn:
-Xuống ăn sáng cho xong! Dì có mua bịch bánh cuốn để trong tủ. Ai cũng dậy hết, còn mỗi mình con là nằm nướng rồi than buồn.
-mấy hôm nay Ngọc Uyển còn học kèm không dì Năm?
-Có thầy dạy kèm thì có trò học kèm chớ sao lại không? Ý con chắc muốn hỏi ngược.
Lại rằng cậu Viễn có tới đây không chớ gì?
Doanh làm thinh. Từ lúc Khánh rời Nha Trang, cô ít nghĩ tới Viễn, tâm trí Doanh đang quay quắt vì Khánh. Nhưng cô phải quên. Cô không được quyền ngộ nhận vì anh ta chẳng bao giờ là của cô như Viễn đã là tình yêu của cô đâu. Từ hôm qua đến giờ Doanh không nhớ tới Viễn chỉ vì cô đã về đến nhà, và cô biết chỉ cần bước ngang thư viện cô sẽ nhận được trọn vẹn nụ cười lúm đồng tiền đã làm tim từng xao động.
Nhắm mắt lại Doanh lầm thầm nói với mình "hãy quên buổi tối đáng nguyền rủa ấy. Hãy nghĩ đến Viễn, đến nụ cười, đôi mắt, nhất là đôi môi của anh. Đừng phản bội một lời nói, đừng phản bội cái cúi đầu như sự ưng thuận đón lấy tình yêu của chính mình. Một tình yêu tự nguyện không bị ai ép. Với Khánh mình chỉ xúc động trước hoàn cảnh, con người và hành động hào hiệp của anh ta ở buổi đầu gặp gỡ. Đừng nghĩ gì thêm nữa.. Vì thật ra anh ta. Không! Hắn ta. À..! Gã ấy chẳng tốt làn gì, gã đã có vợ xinh đẹp, giàu sang mà còn đi tán tỉnh mình. Rõ là gã tán tỉnh chớ còn gì nữa, mà Doanh, một cô gái được dạy bảo hẳn hoi, đã có người yêu hẳn hoi (hắn cũng biết điềy này) lẽ nào lại buồn vì gã đàn ông không ra gì ấy! Hãy quên và xem như một giấc chiêm bao. Quên! Quên! và sẽ quên!".
Doanh phóng ào như chạy trốn chính mình, xuống cầu thang cô khựng lại ngay cửa bếp:
-Trời ơi! Doanh ơi là Doanh, chắc mợ đứng tim mà chết. Chạy gì dữ vậy. Bộ đói lắm rồi sao? Con ngủ quá giờ ăn sáng hơi lâu đó.
Nhìn bà Lam Tuyền trợn ngược đôi mắt, tay xòe năm ngón đỏ trên ngực, miệng vừa thở vừa nói mà Doanh buồn cười. Vẫn điệp khúc đau tim muôn thưở, thật là tội nghiệp cho trái tim vô phúc có một bà chủ bao giờ cũng muốn nó đau...
Doanh đổi nụ cười cay độc của mình thành nụ cười thân thiện một cách mau chóng đến mức nhiều lần phải đóng kịch thân thiết với mẹ con Ngọc Uyển, cô cũng chẳng hiểu vì đâu con người rất ghét gian dối như cô lại nhập vai nhanh đến thế. Hỏi dì Năm Hiềm, dì ấy buông một câu chí lý:
- Đi với phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Có gì đâu mà thắc mắc!
Và bây giờ Doanh đang khoác cho mình chiếc áo giấy đây, tội gì mà đóng kịch hoài:
-Con xin lỗi mợ Hai! Có sao không mà mặt mợ xanh mướt vậy! Hổm rày con quen chạy nhảy ngoài biển về tới nhà rồi vẫn chưa quên. Con rót nước cho mợ uống thuốc trợ tim nhe!
Xua xua bàn tay như đuổi ruồi, bà Lam Tuyền nói một hơi:
-Không cần đâu! Mợ cũng xuống tới bếp rồi! Ra vườn hít thở vài cái là đỡ! Phải chi con bé Uyển được một chút lý lắc mạnh bạo như con thì mợ đỡ lo. Đằng này nó cứ ẻo lả, thướt tha, nhu mì, hiền lành, khờ khạo, bởi vậy chơi với chị em bạn trai bị chúng ăn hiếp.
Doanh Doanh.. hiền lành thêm vào:
- Dạ! con thấy chị Ngọc Uyển như vậy mới đúng là con gái nề nếp, đôi khi con xấu hổ vì cái tính thô lỗ như đàn ông của mình, tủi thân thì suy nghĩ vớ vẩn vậy thôi, chớ mất mẹ, thiếu cha như con thì làm sao được như chị Uyển.
Đang hí hửng khoe con, nghe Doanh ngọt nhạt, Lam Tuyền đang mặt lại ngay. Bà lạnh lùng lên giọng:
-Nè, mợ khuyên con đừng nói như vậy nữa! bà mà nghe là bà sẽ buồn lắm. Công bà ngoại nuôi dạy từ lúc con còn bú đến giờ, sao lại phân bì kỳ thế! So sánh như vậy không nên!
Thản nhiên chờ cho bà Lam Tuyền nói xong, Doanh tung ngay câu mình ấp ủ lâu nay:
-Kiểu so sánh này là con học được từ mợ đó chứ! Lúc nào mợ cũng đay đi nghiến lại là thứ con mồ côi mẹ thiếu, mất cha thì chẳng ra gì. Nếu bà ngoại có hỏi con cũng trình bày. Mà mợ Ơi, làm sao ngoại nghe được lời con vừa nói, nếu mợ đừng kể lại...
Bà Lam Tuyền nghẹn lời. Qủa là cách nói vừa xấc vừa láo của con Diễm Quỳnh ngày xưa. Mà xem ra cách rào đón của nó còn ranh hơn mẹ nó nữa là khác. Hừ! Mày hỗn lắm tiểu yêu ạ! Mím đôi môi mọng lại để khỏi thốt ra lời rủa, bà cố giữ cho giọng nói vốn cao đến chối tai của mình thấp xuống đến đọ đủ ngọt ngào.
-Kià Doanh, mợ thật không ngờ, thật mợ không ngờ con lại để bụng những câu nói vô tình của mợ, những câu nói mà mợ chẳng biết mình có nói hay không nữa. Mợ là người lớn, là một người đàn bà cũng là một người mẹ, đời nào mợ lại dám thốt ra những câu ác khẩu, mợ có con gái mợ phải ăn ở sao đặng để đức cho con chứ!
Nhìn mắt Doanh Doanh khinh khỉnh cười cười như thừa biết mình đang biện hộ, Lam Tuyền giậnlắm, nhưng mà bà là người lớn, đáng tuổi mẹ con bé kia mà. Qua lại với nó thật chẳng ra gì. Rồi sẽ có dịp bà cho nó biết tay.
Doanh nghe mợ mình nói thế cô hiểu bà ta không muốn rộn đến bà ngoại, cô hả hê vì cho rằng dầu sao cô cũng đã ngăn cái miệng hay ỏn thót của mẹ con bà ta lại một bước, từ lúc hai người từ Đà Lạt vào đến giờ Doanh Doanh đã bị rầy bao nhiêu lần rồi! Bà mợ Hai thâm lắm, miệng cười cười nói nói sởi lởi ngọt ngào vậy chớ giết người chả cần gươm giáo. Cô vẫn chưa quên nét mặt rất ư là vô tình của bà ta khi.. chợt nhớ ra để "thông báo" với cô và cả.. nhà rằng "có bọn con ông cháu cha chạy xe mô tô ngon lành đến kiếm.."
Doanh nhún vai không chịu thua:
-Có thể con hiểu lầm vì bao giờ mợ cũng nói những lời ràng buộc thật sâu sắc. Nhưng lúc nào con cũng nhớ m`inh là ai.
Ngồi xuống bàn nhìn đĩa bánh cuốn đầy ấp với chả, với nem và cả bánh giá Doanh chợt no ngang. Cô thấy lo khi bỗng dưng sáng nay, sau một chuyến đi chơi dài với bất ổn của tâm hồn cô chợt dữ dằn cả gan... ng vào mợ Hai Lam Tuyền, người mà dì Năm đã có lần gọi lén là "ác tiên". Cô biết bà ta ngọt ngào như vậy nhưng sẽ không tha cho cô tội hỗn hào vừa rồi đâu.
Doanh chống tay dưới cằm, cái tật bộp chộp không chừa, bà ngoại đã bao lần rầy cô về tật này. Đúng là cô chỉ giỏi chua ngoa bằng miệng nhưng bốc đồng và nông cạn, bao giờ cô cũng ân hận việc mình đã làm, bao giờ cô cũng là con bé tùy hứng không biết điều khiển trái tim.. hở van đôi khi thích nổi loạn ẩu của mình.
-Sao không ăn mà ngồi thừ ra như vậy?
- Dạ ăn chứ ngoại!
Bà Phát nhìn Doanh rồi kêu lên:
-Bộ con tắm biển dữ lắm sao mà đen quá trời vậy Doanh?
- Dạ!
Từ hôm Khánh trở về Sài Gòn, không ngày nào Doanh và thằng cu Lâm không ra biển, cô thơ thẩn trên bãi, phóng ào xuống nước, nhảy sóng với bé Luân, cô muốn hoạt động càng nhiều càng tốt, cô sợ phải bâng quơ đi một mình trong khu vườn sực nức mùi ngọc lan mà nghĩ vẫn vơ, cô sợ nhận ra sự đổi thay của chính mình.
Nuốt một miếng chả Doanh nói:
-Ngoại biết hôn, trước hôm về một ngày con và ba đi rảo hết mấy cửa hàng mỹ nghệ Ở Nha Trang mới mua được những món ưng ý làm qùa cho dì Diễm Trang.
Bà Phát gật gù:
-Ngoại thấy món nào cũng giá trị hết, nhất là về mặt nghệ thuật, những thứ này ở nước ngoài vừa qúy vừa đắt. Phải khen ba con có mắt tinh đời.
Bà Lam Tuyền chen vào:
- Dượng Đăng là người rất sành trong việc sắm sửa qùa tặng cho phụ nữ.
Doanh khó chịu ngắt ngang:
-Ủa! Sao mợ biết?
-Ngày xưa mẹ con từng tự hào chuyện này mà!
-Như vậy phải nói ba con rất sành trong việc mua qùa cho mẹ con mới chính xác.
Bà Phát bật cười mắng yêu:
-Cha mày! lúc nào cũng bênh vực, nói gì... ng tới ba má nó là không xong.
-Tại con nghĩ đâu phải mẹ con chết rồi thì ai nói gì cũng được!
Bà Lam Tuyền ngượng ngạo:
- Doanh Doanh khó tánh quá! Con bé Uyển thì sao cũng được, nó it'' để ý một cách lắt leó lắm.
Bà còn nói gì thêm về cô con gái mình Doanh nghe không rõ khi cô thoáng thấy dáng Viễn ngoài vườn. Anh đang đi dạo với Ngọc Uyển. Cô xúc động, hình như Viễn chưa biết Doanh đã về.
- Doanh! Cô Hai con khỏe không?
- Dạ khỏe! Bà nội con cũng khỏe nhưng chỉ luẩn quẩn trong phòng thôi, đi xa phải có người dìu.
-Tóc bà ấy có bạc không?
- Dạ! Đầu cạo trọc lóc hà ngoại!
Doanh lo liếc ra cửa sổ xem thầy trò Viển - Uyển nên cô trả lời chẳng đầu đuôi. Đến khi nghe bà Phát kêu lên sửng sốt:
-Sao lại cạo!
Cô mới tỉnh hồn đáp:
- Dạ!.. Tại cô Hai nói bà nội lớn tuổi lắm rồi, để tóc búi cực quá. Với lại nội con vái gì đó nên bây giờ xuống tóc luôn.
-Không! Ngoại hỏi là hỏi cô Hai con kìa!
-À, cô hai con tóc còn đen, chẳng bạc sợi nào hết! Con nghe cô Hai nói cổ với ngoại một tuổi, phải không ngoại?
Bà Phát làm thinh, bà Lam Tuyền vuốt:
-So với cô hai con bà ngoại cực hơn nhiều, lo hơn nhiều, tóc bạn sớm là phải. Mà mẹ Ơi! Chiều nay con nhất định mua thuốc về nhuộm tóc cho mẹ, rồi mẹ thấy trẻ ra cho xem.
Doanh đứng dậy bưng dẹp đĩa, cô thường tự hỏi chẳng hiểu vì sao bà ngoại hay hỏi thăm tới cô Hai trong khi bà nội cô thì hầu như bà quên để ý tới. Chẳng lẽ vì hai người cùng một tuổi? Mà hình như bà ngoại không ưa cô Hai..
Cô hồi hộp ngồi dưới bậc tam cấp trước nhà nhìn ra khoảng vườn hoa của ông ngoại.
Viễn vừa mở cổng cho Uyển đi đâu. Anh trở vào và cười thật tươi khi trông thấy Doanh.
-Nghe Uyển nói em về rồi mà không thấy đâu. Anh tưởng em trốn anh chứ!
Kín đáo ngó quanh khu vườn vắng, ngồi xuống tay anh choàng qua vai cô:
-Nhớ không?
Doanh đáp mà không ý thức được mình đùa hay thật:
-Không!
-Anh cũng.. không. vậy là huề nhé!
Doanh xúc động khi thấy chiếc đồng tiền của Viễn. Có lẽ Khánh nói đúng, cô đã nghe lời tỏ tình bằng nụ cười duyên của Viễn vì vậy cô không thể nào hiểu sâu conngười của anh hơn nữa.
-Thật.. huề chưa? Nếu thật thì thôi!
Doanh vờ giận dỗi đứng dậy, Viễn keó tay cô lại, anh xoay mặt Doanh đối diện với mắt mình. Đặt một chiếc hôn.. khác thường lên trán Doanh, anh pha trò:
-Khét nắng, hôi cá biển và phảng phất mùi của kẻ lạ.
-Kẻ lạ nào? anh giỏi bắt nọn lắm!
Viễn lại cười giọng khỏa lấp:
-Qùa của anhd đâu?
Doanh phụng phịu:
-Em vừa cho xong. Ai biểu anh lấy không đúng chỗ. Qùa để ở môi, anh đi lấy ở trán.
-Em không "thông báo" anh đâu biết đó là qùa.
-Tại anh quên thôi, chứ anh đã từng bảo "em là món qùa qúy giá nhất mà cuộc sống dành tặng riêng anh mà!" Hay là anh tìm được món qùa khác rồi!
Viễn gượng cười với tay hái chiếc lá cúc vàng anh vò vò lá trong tay, mùi hăng hăng lan ra nhè nhẹ. Khu vườn buổi sáng yên ắng buồn bã hơn mọi khi. Sao lạ thế!
Có cái gì bất ổn rồi! Doanh thấy sốt ruột, cô không phải là người có giác quan thứ 6 nhưng linh tính mách với cô là có sự đổi thay từ Viễn, mà rõ nét nhất là nụ hôn khi gặp lại. Một nụ hôn khác bình thường. Chưa bao giờ Viễn lại hôn lên trán cô như vậy cả. Anh luông vồ vập khát khao làm Doanh ngạt thở và chẳng thú vị gì. Còn hôm nay, với nụ hôn này, phải chăng Viễn muốn lập lại ranh giới trong tình cảm của hai người?
- Doanh có biết suốt thời gian em ở Nha Trang anh đã suy nghĩ và làm gì không?
Khác hẳn với thói quen bộp chộp thường ngày, Doanh không trả lời Viễn ngay. Cô hồi tưởng những lời dì Năm nói về Viễn, rồi hình ảnh khắng khít giữa Uyển và anh sáng nay.. Lòng nhói lên một nỗi đau vì bất ngờ và thất vọng cô trầm giọng nói rất thực:
-Em đoán anh nghĩ và làm như em. Vậy mình huề nhé!
Cô đứng dậy, Viễn lại keó tay cô, Doanh biết anh không keó cô ngồi xuống để hôn như vừa rồi đâu, mà sẽ nói đôi điều gì đó sẽ làm cô cảm thấy mình bị sỉ nhục, bị tổn thương.
-Sao lại dỗi! Ngồi xuống mình nói chuyện nghiêm túc.
Doanh cay cú:
-Té ra từ trước tới giờ anh toàn nói chuyện đùa với em?
-Kìa Doanh! không phải vậy đâu. Tại sao lúc nào em cũng nông nổi, hồ đồ. Chút là giận dỗi, phải chi em trầm tĩnh và sâu sắc hơn.
-Xin lỗi anh! Em đâu thể nào như Ngọc Uyển được.
-Ý anh không muốn so sánh em với ai cả. Hơn một tuần em ở Nha Trang anh suy nghĩ rất nhiều về tương lai hai đứa, cá tánh của hai đứa.
-Có nhiều điểm bất đồng lắm phải không Viễn?
-Gần như là vậy? điểm bất đồng lớn nhất là quan điểm sống và cách nhìn thế giới quanh ta.
Một người lúc nào cũng mơ mộng khó hòa hợp với một kẻ quá thực tế. Mà khổ nỗi, cuộc đời này đã nhồi anh như nhồi qủa bóng, và biến anh thành một người không còn biết mơ mộng là gì để có thể thông cảm với em, em có nỗi khổ của em là thiếu tình cha mẹ, nhưng bù lại cuộc đời vẫn đãi em nhiều cái để em chỉ biết mơ.
Doanh bực dọc kêu lên:
-Sao lại đem em ra nói như vậy. Anh phân tích em không thương tiếc à!
- Đừng nghĩ vậy. Anh chỉ nói những điểm bất đồng của chúng ta. Suốt tuần qua anh nghĩ ra rằng yêu không có nghĩa là chỉ biết chiều chuộng, làm vừa lòng nhau như chúng ta đã vì nhau trong thời gian rồi. Anh yêu em những sẽ làm sẽ làm khổ em vì bản thân anh ngoài cái tài chưa đất dụng võ ra cũng cơ hàn đói khổ. Anh làm việc rất cực không câu nệ miễn là có tiền, anh phải thực tế tính toán sắp xếp mọi thứ trên đời. Trong tim và cả trong những ngăn tủ của anh.
Mặt Doanh nhợt nhạt dần, cô lắp bắp:
-Vậy sao! Có nghĩa là yêu nhau nên ta cần xa nhau?
Viễn không cho rằng Doanh vừa hỏi mỉa mình anh tiếp tục bứt và vò nát chiếc lá cúc khác rồi gật đầu.
-Anh yêu em nên rất khổ khi biết chúng ta khó hợp nhau, chúng ta chỉ có thể là bạn thân..
-Em hiểu rồi. Anh khỏi phải nói thêm dài dòng. Đại khái là anhd dã tìm được người hợp với anh nhiều mặt. Mà mặt mạnh nhất là cô ta giàu, có cơ hội đi nước ngoài. Anh sẽ có cơ hội.. Ăn theo như anh đã tính toán. Mà nầy! Đi du học rồi phải về, làm gì có tiêu chuẩn chồng đi du học ké vợ kỳ vậy?
-Không phải vậy đâu Doanh, em lầm rồi!
Mặt Doanh tái mét, khi đã mất tự chủ thường Doanh ăn nói rất bạt mạng và chanh chua. Ném tia nhìn hừng hực về phía Viễn, Doanh lạnh lùng nạt ngang:
-Lầm à! Đúng là tôi đã lầm anh. Hôm nay anh trở mặt với tôi khi biết được rằng tôi chẳng phải là cô tiểu thơ sẽ có nhiều của hồi môn nhất trong nhà nầy chớ gì?
Viễn lắc đầu, anh ta ngó vội vào nhà rồi tránh né bằng giọng ngọt ngào:
-Bao giờ anh cũng xem Doanh như là em gái, vì chúng ta có duyên mà không có nợ nên phải chia tay lẽ ra anh không nói với em, nhưng sợ trái tim anh sẽ gục gã trước sự trong trắng của em, nên anh phải nói ngay lúc vừa gặp lại.
- Đủ rồi! Khéo lắm, lời tỏ tình lẫn lời bội bạc đều ngọt ngào như nhau. Tôi căm thù anh.. Tôi.. tởm con người anh. Đi! Đi ngay!
Doanh nghẹn lời, cô quay lưng rã rời bước từng bước lên cầu thang trở về phòng.
Sao cô có thể bình yên ngồi nghe Viễn nói như vậy kìa. Mà lại là hình như Doanh đóan trước được từng câu, từng ý của anh ta mới kỳ.
Đau đớn gì cơ chứ! Tại cô hết thảy, mọi điều. Dì Năm đã cảnh cáo, bản thân cô đã nghi ngờ, vẻ điển trai mồm mép trơn tuột, ăn nói văn hoa, bay bướm. Hừ! Anh ta còn lương tâm để không tiếp tục lừa dối cô nữa, hay anh ta muốn chứng tỏ mình là người tốt, chưa bao giờ biết thả mồi bắt bóng, quan hệ với ai ngoài mối tình anh ta đang đeo? Chắc Viễn là người không có lương tâm đâu! Anh ta phải dứt với cô để khi đến với Ngọc UyểN, anh ta là người rất mực đàng hoàng. Đồ đểu! Doanh cắn môi để đừng buột ra tiếng rủa.
Một mối tình kết thúc gọn gàng và bất ngờ đến như thế sao chứ!
Cách đây một tuần Viễn ân cần chăm sóc từng ly cho Doanh, rồi bây giờ anh trở mặt như người ta đổi một chiếc mặt nạ. Chiếc mặt nạ trơ trẽn, ác độc và vô liêm sỉ nhất trên đời. Viễn cho rằng cô mơ mộng viển vông còn anh ta thì thực tế vì cuộc sống đã hà khắc với mình. Thật là dối trá.
Đâu phải kể cuộc sống nhẫn tâm, con người mất đi sự mơ mộng. Như Khánh đó thì sao? Anh vẫn giữ trong hồn mình một chút gì mơ mộng rất dễ yêu.. Dù anh mới thật là người bị đời làm khốn khổ. Viễn không phải là người thực tế mà anh là tuýp người sống thực dụng.
Đúng rồi. Doanh chợt hiểu ra: như Viễn là thực dụng. Mọi thứ với anh đều được tính chi li kỹ lưỡng, cả tình yêu cũng thế mà! Đã nhiều lần Viễn thổ lộ quan điểm sống, quan niệm yêu của anh với cô. Chỉ tại cô ngốc nghếch không chịu suy nghĩ để tìm xem cô sẽ ở vị trí nào trong bản sắp xếp, tính toán của anh. Một kẻ cho mình là thiên tài.
Nỗi đau nào rồi cũng phải nguôi ngoai khi lòng Doanh đã nghiêng sang một hình bóng khác. Cô thì thầm với mình:
Nghĩ tới Khánh như nghĩ tới một điểm tựa cho đỡ buồn đỡ khổ vì Viễn thôi, chứ anh ta xa lắm, xa mịt mù trong sương trong khói của giấc chiêm bao đêm nào ta đã mơ.
Doanh đã mơ một giấc đẹp và buồn. Trong mơ cô cố chạy theo Khánh để đòi cho được đóa ngọc lan khô queo quắt, anh cứ lớn vờn trước mặt cô, mắt đeo kính râm, đầu đội nón, bộ râu cắt ngang trên môi lầm lì dữ tợn. Cô đuổi theo la khan cả cổ, nhưng âm thanh cứ nghẹn trong ngực đến đau ứ, chứ chẳng bật được ra lời. Một kẻ chạy một người đuổi mệt nhòai khốn khổ, ra đến biển Khánh thảy đóa hoa khô cho cô rồi lao mình xuống muôn con sóng bạc đầu. Anh hoá ra tảng đá chập chờn chồi lên rồi chìm mất mặc cho cô la khóc.
Lúc giật mình tỉnh giấc Doanh thấy nước mắt mình ướt cả mặt gối, cô nằm thao thức đến sáng, tay mân mê chiếc nhẫn đồi mồi có chữ Viễn. Lời chúc hạnh phúc của anh không ứng rồi Khánh ơi.
Ngay hôm đó Doanh đã vứt chiếc nhẫn đồi mồi vào bếp, cô đứng chờ xem nó cháy thành tro.
-Vĩnh biệt! Vĩnh biệt mối tình đầu ngu ngốc. Vĩnh biệt nhé những mộng mơ vụng dại. Vĩnh biệt nhé đóa ngọc lan trong chiêm bao. Tất cả hãy để ta yên, hãy để ta yên...