Love at first sight is often cured by a second look.

Love is sweet when it’s new, but sweeter when it’s true.

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Mạnh Hùng
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 287 / 20
Cập nhật: 2020-04-04 20:31:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
rong cuộc họp đảng viên nòng cốt của huyện, Mác-tư-nốp thậm chí không dùng hết hai mươi phút dành cho anh, anh chỉ nói có đúng mười bảy phút.
- Tất cả chúng ta đều đã đọc nghị quyết của Hội nghị tháng Chín toàn thể Trung ương Đảng. Không cần trình bày lại những nghị quyết ấy. Trong việc thực hiện nghị quyết của Trung ương, công tác của chúng ta còn kém lắm. Cho đến bây giờ, có một việc chủ chốt vẫn chưa làm được: củng cố tất cả các nông trang, làm cho các nông trang có cán bộ ưu tú. Chúng ta hãy suy nghĩ xem nên làm như thế nào? Và phải làm ngay, không để chậm lấy một ngày. Đây là những nông trang mà theo ý chúng tôi, cần thay thế những người đang làm chủ tịch, - Mác-tư-nốp đọc danh sách.
Anh kể với hội nghị tình hình ở nông trang “Đấu tranh”, những điều anh đã phát hiện ra.
- Ai có thể chấn chỉnh lại tình hình ở đó. Cần có một bàn tay cứng rắn. Một người kiên quyết, trung thành với sự nghiệp xây dựng nông trang, một người cộng sản trung thực, chân chính. Dựa vào một người như thế, chúng ta sẽ thanh lọc được tổ chức Đảng ở đấy.
- Tống cổ hết những phần tử đã thoái hóa ấy đi! - trong phòng có nhiều người lên tiếng.
- Chúng chui vào Đảng để làm gì?..
- Bắt chúng làm những công việc bình thường để kiểm tra xem chúng có xứng đáng với danh hiệu đảng viên không?
- Nào, ta hãy giải quyết ngay những việc thiết thực, - Mác-tư-nốp kết luận. - Ta hãy bầu một tiểu ban để nghiên cứu kỹ thêm bản dự thảo nghị quyết, và tiểu ban ấy sẽ cân nhắc xem, trong số những cán bộ tích cực của Đảng, nên cử ai về công tác hẳn ở nông trang, bất kể người đó hiện đang giữ chức vụ cao như thế nào? Tôi đề nghị bầu những người sau đây vào tiểu ban: Ô-pi-ôn-kin, Ru-đen-cô, Glô-tốp, Mét-vê-đép... - Mác-tư-nốp còn nêu tên ba chủ tịch nông trang, Pô-xô-khốp, biên tập viên tờ báo huyện, Côn-txốp, bí thư huyện ủy đặc trách khu vực trạm máy kéo Ô-lê-si-nô, Đôn-gu-sin, trưởng trạm mới của trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca.
Hội nghị bỏ phiếu tán thành.
- Đồng chí Ô-pi-ôn-kin cho họp tiểu ban. Trong lúc đó, chúng ta sẽ nghỉ bốn mươi phút. Đừng ai đi đâu xa. Sau đó chúng ta sẽ thảo luận về dự thảo nghị quyết.
- Hà… - Ông Ô-pi-ôn-kin khà một tiếng, mỉm cười, ngồi vào chiếc ghế bành, khi các ủy viên của tiểu ban rời khỏi hội trường đi vào căn phòng ở đằng xa. - Đã bao nhiêu lần tôi tham gia vào những tiểu ban như thế này. Nhưng lần này, xem ra tôi sẽ được viết nghị quyết một cách thỏa chí! Rút cuộc chúng ta đã thực sự làm việc!
- Đồng chí tán thành chứ? Khri-xtô-phơ Đa-ni-lô-vích? - Mác-tư-nốp nói với Đôn-gu-sin, trưởng trạm máy kéo Na-đê-giơ-đin-ca.
Đôn-gu-sin có mái tóc đen điểm bạc, cặp mắt chói nóng của người Di-gan (trong dòng họ ông có người là dân Đi-gan), bên má có một vết sẹo sâu, nham nhở làm cho miệng ông bị kéo lệch về một bên. Ông cởi áo vét-tông, khoác ngay ngắn lên lưng ghế, xắn tay áo của chiếc sơ-mi lụa mới là, đến ngồi vào bàn.
- Hoàn toàn tán thành, đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích ạ, tôi là trưởng trạm máy kéo, tôi không chỉ chịu trách nhiệm về toàn bộ số máy kéo của tôi, tôi còn chịu trách nhiệm về tất cả các nông trang thuộc khu vực của chúng tôi. Về mặt hình sự, thậm chí tôi còn có trách nhiệm nặng hơn đồng chí bí thư thứ nhất huyện ủy. Xin hãy cho tôi những chủ tịch tốt ở các nông trang, những người mà tôi có thể tin cậy được.
- “Hãy cho tôi”, - Mét-vê-đép rỉ tai Glô-tốp. - Gớm chưa! Cái thói quen làm việc ở trên Bộ. Hẳn là ông ta định lãnh đạo các nông trang bằng mệnh lệnh đấy. Còn các chủ tịch nông trang thì coi là những người phụ tá của mình.
- Viết đi, Đê-mi-an Va-xi-li-ê-vích, - Ru-đen-cô bắt đầu đọc. - “Để thực hiện có kết quả nghị quyết của Hội nghị tháng Chín toàn thể Ban chấp hành Đảng cộng sản Liên Xô, hội nghị đảng viên nòng cốt của huyện thấy cần thiết phải đưa một số các đồng chí lãnh đạo về các nông trang chậm tiến... Hội nghị đã ghi nhận đơn của đồng chí Ru-đen-cô bày tỏ nguyện vọng muốn về công tác ở bất cứ nông trang nào, trên cương vị chủ tịch nông trang...”
- Đi cái nước ấy thì tuyệt! - Glô-tốp kêu lên với vẻ thán phục. - Xuất tướng luôn.
- Phải thế mới được I-van Phô-mích ạ! - Ô-pi-ôn-kin nghiêng đầu lia ngòi bút ken két trên giấy. - Trước kia là nông trang viên, bây giờ lại trở về nông trang. Bị bứt ra khỏi ruộng đất, bây giờ lại từ đây trở về với đất. Như thế là tốt! Cứ làm đi! Mạnh dạn ra tay! Hãy nhận nông trang “Những cột mốc của chủ nghĩa cộng sản”, hai nông trang ta ở cạnh nhau, chúng ta sẽ thi đua với nhau!..
- Duyên do gì khiến tôi xin về công tác ở nông trang, tôi sẽ trình bày với các đồng chí trong cuộc họp, - Ru-đen-cô nói. - Viết tiếp đi.
- Viết đi, - Mác-tư-nốp bắt đầu đọc. - “Hội nghị cũng cho rằng vì lợi ích của công việc, nên để các đảng viên có tên sau đây về công tác hẳn ở các nông trang...” Pô-xô-khốp! - Mác-tư-nốp quay về phía biên tập viên tờ báo huyện, - Có mang máy ảnh theo đấy không? Chúng ta sẽ chụp ảnh những người tình nguyện và ngay đêm nay cho in báo. Cả số báo ngày mai sẽ là số báo của những người tình nguyện!.. “Nên để các đồng chí...”.
Sau một lúc đắn do suy nghĩ, Mác-tư-nốp và các ủy viên của các tiểu ban bắt đầu nêu tên họ. Trong danh sách đó: các trưởng phòng chuyên môn của huyện Giơ-ba-nốp và Bư-xtơ-rốp, kiểm sát trưởng của huyện Nê-chi-pu-ren-cô, trưởng phòng tài vụ Cu-rơ-cốp, trưởng công an huyện Xa-dô-nốp, chủ nhiệm chi nhánh ngân hàng Su-kin, giám đốc nhà máy rượu mùi I-u-ri-ép, phó chủ tịch Xô-viết huyện Phê-đu-lốp, thẩm phán Gri-bốp, bí thư huyện đoàn Côm-xô-môn Rư-giơ-cốp, trưởng phòng xây dựng nông nghiệp Cô-rốp-kin, cán bộ kiểm tra năng suất mùa màng Bư-va-lức, giám đốc nhà máy liên hợp chế biến thịt Cô-ri-a-ghin, trưởng phòng giáo dục huyện Plốt-ni-cốp, và cán bộ chỉ đạo của huyện ủy Ni-cô-len-cô.
- Vậy ra số người tình nguyện của chúng ta lại vượt quá cả số cần thiết, - Ô-pi-ôn-kin nói, gạch ở dưới một gạch,
- Người tình nguyện ư? Đồng chí đừng có nói đùa. Rồi đây chúng ta sẽ nói chuyện thẳng thắn với họ, khi ấy họ sẽ là những người tình nguyện.
- Nhiều hơn số cần thiết chẳng có hại gì hết. Sẽ có lực lượng dự trữ.
Họ xét lại danh sách một lần nữa. Ô-pi-ôn-kin đọc tên họ những người được coi là tình nguyện, đưa ra những nhận xét ngắn gọn, nhưng xác đáng về từng người một.
- Giơ-ba-nốp... suy nhược thần kinh. Không biết nói chuyện bình tĩnh với mọi người. Các bà nông trang viên hay to mồm, nhưng anh ta còn to mồm hơn. Coi tướng anh ta hơi yếu, giống như những con bò mắc bệnh sảy thai truyền nhiễm. Ở nông thôn không có nhà xí ấm, không biết anh ta có chịu được không? Anh ta ngồi ra gió thì sẽ viêm phổi ngay. Su-kin thì tốt rồi, đồng chí ấy sẽ ưng thuận! Trước kia đồng chí ấy là kế toán nông trang, rồi được đề bạt làm chủ nhiệm ngân hàng. Ai chứ đồng chí ấy còn lạ gì công việc tài chính của nông trang! Đồng chí ấy sẽ giữ gìn từng đồng xu của nông trang. Còn tôi thì nên cho về thay đồng chí ấy ở ngân hàng. Tôi sẽ quản lý ngân hàng thật chặt, triệt để áp dụng cách thanh toán không chi tiền mặt! Xa-dô-nốp, lẽ ra nên đưa đồng chí ấy đi làm chủ tịch nông trang từ lâu rồi, trước là thợ lái máy kéo, đã từng làm chủ tịch nông trang, quân hàm thiếu tá, ba huân chương Vinh quang. Sau chiến tranh cái gì đã lôi cuốn đồng chí ấy vào ngành công an? Tôi đã để ý nhận xét đồng chí ấy, hễ thấy một chiếc máy kéo mới, động cơ đi-ê-den là toàn thân đồng chí ấy run lên: đồng chí ấy thèm lái máy cày ruộng lắm đấy!.. I-u-ri-ép, một con người hiếm có. Giám đốc nhà máy rượu mùi mà không uống rượu. Đồng chí ấy bảo chỉ có ngày chủ nhật, trước bữa ăn trưa, đồng chí ấy mới làm một trăm gam rượu hồ tiêu. Nên đưa những người cương nghị như thế về nông trang, đưa về nhiều hơn nữa! Cô-rốp-kin. Đưa cái tên khoác lác ấy về làm gì? Ở nông trang cần làm việc thực sự. Bây lâu nay hắn sống như thế nào? Ở Xô-viết huyện, người khác làm thay cho hắn, còn hắn suốt đời làm đặc phái viên. Một công việc không có trách nhiệm cụ thể gì cả. Bám theo sau chủ tịch nông trang và lải nhải: “Cần thúc riết vào! Phải động viên! Tăng cường!” Cấm hắn ba hoa, ném hắn vào giữa đông đảo quần chúng, bắt hắn tự động viên mình, hắn sẽ chết như một người trần truồng phải phơi mình ra ngoài trời rét đóng băng!
- Hãy cứ để tên anh ta trong danh sách, để kiểm tra xem anh ta có thái độ thế nào đối với công việc này, - Mác-tư-nốp nói. - Rút cuộc ta cũng phải lột mặt nạ một số cán bộ “tích cực”. Một phát giết hai con thỏ.
- Thẩm phán Gri-bốp. Bác ta vừa tinh ý vừa đằm tính. Có con mắt nhìn người thấu suốt. Hai mươi năm trong Đảng. Bác ta sẽ hiểu rằng tất cả mọi người phải đi lên tuyến đầu. Đảng viên phải đi trước!.. Rư-giơ-cốp. Đưa anh ta về nông trang là lẽ tất nhiên! Trẻ măng, mới bằng ấy tuổi đã ngồi lì trong phòng giấy ư? Anh ta cũng cần làm công tác thực tế, thở hít khí trời trong lành. Trong đoàn có bí thư thứ hai chứ? Bí thư thứ hai sẽ thay anh ta... Bư-va-lức ư? Ô... “Người lính” của Đảng. Bà con huyện bên, huyện Chê-rem-san, có kể cho tôi nghe về anh ta. Hồi anh ta làm việc ở huyện của họ, có lần anh ta đã được đưa về nông trang. Thế là trong cuộc họp nông trang, anh ta tuyên bố đến là hay! “Thôi được, - anh ta nói với các nông trang viên, - tôi là người lính của Đảng, tôi phục tùng quyết nghị của huyện ủy. Hãy bầu tôi làm chủ tịch. Tôi sẽ nhận lương ở quỹ của nông trang. Công việc nông nghiệp thì tôi không biết, tôi không phải là cán bộ chuyên môn, tôi sẽ làm cho nông trang của các bạn lụn bại, thành thử có lẽ tiền chỉ đủ cho tôi chi vào khoản trả lương”. Các nông trang viên không bầu anh ta. Một gã ngông cuồng, không biết chuyên môn. Thế mà lại đến huyện ta làm cán bộ kiểm tra năng suất mùa màng. Sao lại thế được? Chỉ có người làm nghề nông giầu kinh nghiệm mới xác định đúng năng suất khi chưa thu hoạch!..
- Cũng cứ giữ lại để kiểm tra, - Mác-tư-nốp đánh dấu vào bản danh sách.
- Phê-đu-lốp...
- Tên này thì ta gạch đi, - Mác-tư-nốp nói và cả tiểu ban đồng ý với anh. - Trường hợp này chẳng cần gì phải kiểm tra. Hắn bao che cho những tên ăn cắp ở nông trang “Đấu tranh”. Chúng ta sẽ khai trừ hắn ra khỏi Đảng. Và sẽ công bố quyết định trên báo. Để cho mọi người thấy cần bảo vệ các nông trang chống lại những tên gian tham như phòng chống bệnh dịch hạch!..
Khi đọc dự thảo nghị quyết của hội nghị đảng viên nòng cốt và danh sách cán bộ dự tính đưa về công tác ở hẳn các nông trang, căn phòng hội trường của Nhà văn hóa lặng phắc như tờ chừng ba phút. Người đầu tiên phá tan sự im lặng là kiểm sát trưởng của huyện Nê-chi-pu-ren-cô.
- Được, - ông nói bằng giọng kéo dài, thiếu tự nhiên, nghẹn ngào như thể có cái gì mắc trong cổ họng. - Như vậy là chúng ta giải tán trung tâm huyện! Kể cả các cơ quan tư pháp nữa ư? Ta đã đi đến chế độ cộng sản rồi à? Nhà nước tiêu vong ư?..
- Thì bây giờ chúng ta sẽ bắt đầu thảo luận, - Mác-tư-nốp nói, không trả lời ông ta. - Có chuyện để trao đổi với nhau rồi đấy. Chúng ta sẽ không bàn chung chung về một bước phát triển mới nhằm nâng cao nông nghiệp. Mà ngay ở đây, chúng ta sẽ quyết định những việc chúng ta phải làm để phục vụ cho sự phát triển đó. Làm việc bằng công sức của chúng ta, bằng hai bàn tay của chúng ta, chứ không phải bằng lưỡi.
Ru-đen-cô lên có lời với hội nghị.
Ông hồi hộp trông thấy. Không phải ông rụt rè vì lên nói trước một cuộc họp đông đảo, hàng trăm lần ông đã phát biểu trước những cuộc họp như thế, ông hồi hộp vì nhận thức rõ tầm quan trọng của giây phút này, tầm quan trọng của việc ông đã quyết định.
- Thưa các đồng chí, đúng là tự ý tôi xin về làm chủ tịch nông trang, không hề có sức ép nào của thường vụ huyện ủy, - ông bắt đầu nói. - Cái gì đã khiến tôi làm như thế?.. Nếu ở đây tôi nói với các đồng chí rằng tôi đã chán cảnh sống ở thành phố, tôi rất muốn rời thành phố về ở nông thôn, tôi vui thích được về nông trang thì như vậy là tôi nói dối... Khụ, khụ,.. - ông ho mấy tiếng, uống ít nước trong cốc. - Tôi không biết mấy năm nữa thì thế nào: chưa biết chừng khi ấy có dùng kìm cũng không lôi được tôi ra khỏi nông trang, nếu như tôi đã làm được việc gì xuất sắc. Nhưng hiện giờ thì nói thực tình, tôi tự nắm cổ áo lôi mình đến đấy.
Pô-xô-khốp, biên tập viên tờ báo huyện, vốn là tay vẽ khá, lập tức phác ngay một bức biếm họa thân thiện cho tờ “Gai nhọn”: Ru-đen-cô một tay kéo cổ áo mình, tay kia đẩy sau lưng, bắt mình tiến về phía trước, theo hướng mũi tên chỉ trên chiếc cột bên đường cái: “Về nông trang!” Năm phút sau, bức họa đã được treo trong phòng giải lao, đính vào tấm bảng gỗ dán để mọi người cùng xem trong giờ nghỉ họp.
Ru-đen-cô nói tiếp.
- Đại để là tôi về nông trang không phải với niềm thích thú như đến nhà mẹ vợ ăn bánh tráng. Bởi vì không phải tôi về nông trang “Chính quyền của các Xô-viết”, không phải về nông trang “Tháng Mười đỏ”, để tọa hưởng kỳ thành, mà về một trong những nông trang đồng chí Mác-tư-nốp vừa nói ở đây. Sẽ phải làm việc rất găng. Thời gian đầu phải kiêm cả cán bộ kinh tế, kiểm sát viên. Tôi hình dung rõ tất cả những điều đó: sẽ rất gay. Tôi cũng thấy những việc phải làm để tạo điều kiện thuận lợi hơn. Nâng cao lợi ích vật chất của các nông trang viên thì công việc sẽ chạy, guồng máy sẽ quay. Nhưng muốn cho sau khi làm tròn nghĩa vụ cung cấp lương thực, trong nông trang vẫn còn nhiều thóc, thì phải tạo được năng suất cao. Mà chỉ có thể đạt được năng suất cao, nếu như cả năm mọi người đều làm việc hết sức tốt, tin rằng lao động của họ không uổng phí. Nhưng ở những nông trang lâu nay chúng ta vẫn để cho những tên biếng nhác nắm quyền lãnh đạo, để quá lâu là khác, người ta đã mất lòng tin vào ngày công, vì thế họ làm việc kém. Các đồng chí thấy đấy, sự thể rắc rối lắm. Cần củng cố niềm tin vào ngày công! Nếu không chúng ta không thể làm cho những nông trang như thế vươn lên được! Các đồng chí ạ, đây là lý do vì sao tôi không ngại khó khăn, quyết về công tác ở một nông trang chậm tiến, bởi vì nếu chúng ta chỉ nghiên cứu những nghị quyết của Hội nghị tháng Chín Trung ương Đảng tại các cuộc họp Đảng của chúng ta thì chưa đủ, Giải thích cho các nông trang viên hiểu rõ những nghị quyết ấy là rất cần thiết, nhưng cũng chưa đủ. Nếu chỉ đọc và giải thích các nghị quyết thì ta có thể biến thành những cán bộ văn hóa. Cần thực hiện những nghị quyết đó của Trung ương Đảng!
Ru-đen-cô đã trấn tĩnh được, tiếng nói của ông trở nên rắn rỏi, vang lên mạnh mẽ, từng lời như rót vào tai người nghe, đầy sức thuyết phục.
- Những nghị quyết của Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng thật là tuyệt vời, toàn thể các nông trang viên đều cảm thấy điều đó. Nhưng họ nghĩ thầm trong bụng: nghị quyết của Trung ương thì hay, nhưng các cán bộ lãnh đạo huyện của chúng ta có thi hành sai lạc đi không? Liệu họ có chơi cái trò điện thoại hỏng với chúng ta không? Các đồng chí biết cái trò chơi ấy chứ? Khi lời nói được truyền từ người đầu tiên đến người cuối cùng, thì nó không còn là những lời nói ra lúc ban đầu nữa! Các nông trang viên nghĩ như thế này: ta hởi lòng hởi dạ, còn họ, những người lãnh đạo của chúng ta, họ có hởi lòng hởi dạ không? Liệu họ có khả năng thực hiện những gì mà Trung ương Đảng đòi hỏi ở họ không? Nói tóm lại, ngoài việc phổ biến các nghị quyết của Hội nghị tháng Chín, còn phải làm cho mọi người tin tưởng ở chúng ta, các cán bộ lãnh đạo địa phương, tin rằng chúng ta nghiêm chỉnh bắt tay vào việc, tin rằng chúng ta cũng một lòng một dạ với những người sinh sống bằng ruộng đất, chúng ta cũng hết sức muốn làm cho không một nông trang nào còn có những bông lúa lép trên các cánh đồng, những vựa thóc rỗng, những ngày công chẳng có giá trị gì! Lòng tin vào nhưng người lãnh đạo gần gũi nhất của mình, vào tâm hồn đảng viên cao cả của những người đó là điều hết sức quan trọng! Tinh thần lao động hào hứng cũng như năng suất mùa màng, tất cả đều ở đó mà ra! Những người có chức trách cao nhất huyện cần về các nông trang. Còn về việc chúng ta, những cán bộ cấp huyện có cương vị cao, rời khỏi huyện về nông thôn, đấy có phải là điều bẽ mặt không thì tôi nghĩ như thế này: hiện nay ở đâu khó khăn nhất, ở đấy công tác có quy mô lớn nhất và vinh dự nhất!
Trong cuộc họp có nhiều người là cán bộ cơ sở ở nông trang. Khi Ru-đen-cô dứt lời trở về chỗ, tiếng ồn ào tán thưởng nổi lên và tiếng vỗ tay vang dội.
- Tầu đi đúng hướng! - Có người hô to, vẫn ở nguyên tại chỗ của mình. Đấy là Đem-chen-cô, bí thư tổ chức Đảng của nông trang “Chính quyền của các Xô-viết”. Anh là thủy quân phục viên, quân hàm thiếu úy, đã tham gia phòng thủ Xê-va-xtô-pôn. - Nói đúng lắm I-van Phô-mích ạ! Các đồng chí hãy noi gương đồng chí ấy, đừng ngần ngại gì nữa!
Ở những hàng ghế đầu có một người đứng lên. Đấy là Pô-li-các-pốp, đảng viên từ năm 1918, cán bộ về hưu, một ông già rất hom hem, vấn đề đưa người về nông thôn không đụng chạm gì đến ông.
- Đồng chí Mác-tư-nốp! Tuy vậy đồng chí vẫn chưa trả lời đồng chí kiểm sát trưởng về sự tiêu vong của Nhà nước. Không có chủ tịch Ban chấp hành Xô-viết, không có trưởng công an huyện thì liệu có ổn không? Sẽ hoàn toàn không có những chức vụ ấy nữa ư?..
Câu hỏi của Pô-li-các-pốp làm phòng họp im lặng một lúc, rồi có tiếng nói rành rọt của Bư-va-lức cất lên (anh ta là cán bộ kiểm tra năng suất mùa màng, ngồi ở quãng giữa phòng):
- Chủ nghĩa vô chính phủ pha trộn với chủ nghĩa dân túy...
- Thế là bắt đầu rồi đây, - Mác-tư-nốp khẽ nói với Ru-đen-cô lúc ấy đã đến ngồi vào chỗ của mình ở bàn chủ tịch đoàn, rồi anh đứng lên. - Nói cái gì thế đồng chí Bư-va-lức? Đồng chí nói về dự thảo nghị quyết phải không?.. Không, không có chủ nghĩa dân túy nào ở đây cả. Củng cố mối liên hệ với nhân dân không phải là chủ nghĩa dân túy theo cái nghĩa như chúng ta biết trong lịch sử Đảng. Và cũng không có gì là vô chính phủ cả. Tôi vẫn chưa nói về việc chúng tôi dự định bố trí lại cán bộ như thế nào. Chúng tôi không có ý định giải tán các cơ quan huyện. Chúng tôi sẽ củng cố các cơ quan đó. Ở đây không có gì là vô chính phủ cả... Nhưng về đường lối men-sê-vích, đồng chí Bư-va-lức ạ, - chiếc bút chì Mác-tư-nốp đang xoay đi xoay lại trong tay bỗng gẫy rắc một cái, - nhắc lại đường lối men-sê-vích không phải là không có ích đâu. Người bôn-sê-vích khác với người men-sê-vích ở chỗ bọn men-sê-vích chỉ ba hoa về cách mạng, còn người bôn-sê-vích làm cách mạng.
- Nhưng đây là nói về cách mạng, - vẫn thản nhiên như không, Bư-va-lức bắt bẻ lại bằng giọng trầm âm vang, nghe thật du dương.
- Về cách mạng, đúng... Thế thì hiện nay ba mươi sáu năm sau cách mạng, đồng chí cho rằng không cần phân biệt giữa thói ba hoa và hành động thực tế nữa ư?
Bí thư huyện đoàn Côm-xô-môn Rư-giơ-cốp bồn chồn từ lúc nghe thấy tên mình trong bản dự thảo nghị quyết, liền đứng phắt dậy, giơ tay lên.
- Tôi có ý kiến được không, đồng chí Mác-tư-nốp?.. Cách mạng xảy ra đã lâu lắm rồi, các đồng chí ạ, tôi không còn nhớ được nữa. Nói cho đúng hơn, khi cách mạng xảy ra thì chưa có tôi ở trên đời. Nhưng tôi nghĩ rằng ngay cả thế hệ tôi cũng còn nhiều công việc phải làm... Năm nay tôi hai mươi nhăm tuổi... Bố tôi là đảng viên từ thời kỳ bí mật... Hai anh tôi đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh giữ nước... Nhưng phải chăng cha anh tôi đã làm được hết mọi việc thay cho tôi? Một khi Đảng đòi hỏi lúc này chúng ta phải có mặt trên tuyến đầu, nơi đang có khó khăn thì chúng ta phải đi. Nếu các nông trang viên không tín nhiệm tôi làm chủ tịch nông trang, vì tôi còn quá trẻ, thì tôi xin nhận một đội sản xuất. Tôi xin ghi tên vào danh sách những người tình nguyện!..
Khi tiếng vỗ tay trong phòng đã lặng đi, Rư-giơ-cốp nở một nụ cười rộng đến tận mang tai, vui vẻ quay về phía đoàn chủ tịch:
- Thế nào, lần này không nói quá thời gian quy định chứ? Phát biểu đúng phong cách Xpác-ta chứ?
- Ngắn và rõ! - trong phòng có tiếng khen.
- Còn việc ai sẽ thay tôi ở huyện đoàn thì tôi không lo. Có các phó bí thư. Vả lại, nếu như hôm nay tôi chết, thì hẳn là sẽ tìm được người thay tôi chứ?
- Cậu không thể chết được đâu!
- Va-xi-li, cậu sẽ sống đến trăm tuổi!
- Đồng chí Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích hãy đưa đồng chí ấy về làm bí thư Đảng ở nông trang “Rạng đông” chúng tôi! Công tác đoàn đã trở nên nhỏ hẹp so với khả năng của đồng chí ấy.
- Khoan đã, các đồng chí! - Mác-tư-nốp giơ tay lên. - Ai đi đâu, việc đó chúng ta sẽ giải quyết sau ở thường vụ. Tôi xin giải đáp để các đồng chí rõ chúng tôi nghĩ gì về các cơ quan huyện.
Anh báo cáo với hội nghị cái kế hoạch “tạm thời vẫn còn giữ bí mật” (những dự định mà anh đã kể với Mét-vê-đép và Ru-đen-cô): khi tất cả các đồng chí được cử về nông trang đã được bầu làm chủ tịch, anh sẽ xin tỉnh ủy cho thêm cán bộ.
- Tôi nghĩ rằng trên sẽ ủng hộ chúng ta, sẽ bổ sung cán bộ cho chúng ta. Cho dù còn chỗ nào tỉnh không thêm người cho chúng ta đi nữa, thì nói thực là chỉ với số người hiện có ta cũng thu xếp xong. Chọn những chủ tịch tốt cho nông trang khó hơn nhiều so với việc lấp chỗ trống trong bộ máy của huyện, - Mác-tư-nốp bảo vệ ý kiến của mình. - Miếu thiêng sẽ không đến nỗi hương tàn khói lạnh đâu! Đồng chí An-đrây Xê-mê-nô-vích này, hãy cứ lấy đồng chí là một thí dụ, - anh nói với kiểm sát trưởng Nê-chi-pu-ren-cô. - Đồng chí làm việc ở huyện bao nhiều năm rồi?
- Năm năm, - kiểm sát trưởng cau có trả lời. Ông ta ngồi khom lưng trên ghế, hai khuỷu tay chống xuống đùi, đầu gục xuống. Có lẽ ông đang suy nghĩ lao lung về dự thảo nghị quyết của hội nghị đảng viên nòng cốt.
- Thế đấy, năm năm. Vậy trong năm năm ấy, bao nhiêu năm đồng chí sống ở các nông trang làm đặc phái viên về các đợt vận động này khác? Ít nhất cũng là ba năm!
- Phải, ít nhất cũng là như thế, - Nê-chi-pu-ren-cô nói lý nhí.
- Nhưng mỗi khi xuống nông trang, đồng chí có khóa cửa viện kiểm sát không? Ai cáng đáng công việc cho đồng chí? Bộ máy cơ quan, phó kiểm sát trưởng. Vậy thì một người nào trong số những người phụ tá của đồng chí thay hẳn đồng chí cũng được chứ? Thêm nữa, hàng năm vẫn có những cán bộ chuyên môn trẻ tuổi tốt nghiệp các trường đại học của chúng ta, kể cả trường đại học pháp lý. Có thể đưa một cán bộ kiểm sát trẻ tuổi về thay đồng chí. Nhưng ai là người nên về nông trang, nếu không phải là đồng chí, một cán bộ kỳ cựu của huyện? Đồng chí nắm chắc tình hình huyện ta, chính đồng chí xuất thân từ nông dân, đồng chí hiểu biết nghề nông không kém gì một kỹ sư nông nghiệp, đồng chỉ là đảng viên mười lăm tuổi đảng. Đồng chí nên hiểu, việc đồng chí về công tác ở nông trang sẽ có tác dụng như thế nào? Các nông trang viên sẽ nói: ừ, những người lãnh đạo của chúng ta kiên quyết nâng cao sản xuất nông nghiệp, thậm chí phái cả kiểm sát trưởng về làm chủ tịch nông trang. Ngoài ra, quả thực là đồng chí cần đổi không khí đi, An-đrây Xê-mê-nô-vích ạ, cả mắt lẫn cảm quan của đồng chí đều đã kém sút. Cũng như anh hùng thần thoại Hy Lạp Ăng-tê, đồng chí cần tiếp xúc với đất để lấy thêm sức mạnh. Ý kiến dứt khoát của tôi là: đồng chí nên về làm chủ tịch chính ở nông trang “Đấu tranh”, ở đấy đồng chí sẽ được thấy cả những kết quả hoạt động của chính mình trên cương vị người duy trì luật pháp. Đồng chí sẽ thấy những sự việc làm cho sự tức giận cũng như nghị lực và tinh thần cảnh giác của đồng chí lập tức tăng lên hai trăm phần trăm!..
Nê-chi-pu-ren-cô ngồi ưỡn thẳng lên, ngả người lên lưng ghế, đảo mắt nhìn các bức tường, trần nhà, đưa lòng bàn tay lên lau vầng trán ướt, thở dài, nhưng không trả lời Mác-tư-nốp.
Cuộc thảo luận tiếp tục.
Trưởng phòng tổ chức của huyện. ủy Bư-xtơ-rốp nói cũng ngắn gọn như Rư-giơ-cốp: “Đảng cần tôi đi thì tôi sẽ đi”. Anh giới thiệu một trong những phó phòng lên thay mình, và chỉ đề nghị nên lưu ý rằng anh có ba con học các lớp cao nhất của trường phổ thông, nên cho anh về xã nào có trường mười năm.
Thẩm phán Gri-bốp nói:
- Các đồng chí ạ, tôi chọn nghề thẩm phán chỉ là do tình cờ thôi, tôi không thể nói rằng tôi có chí hướng về việc đó. Chẳng qua là sau khi phục viên, tôi muốn học cho đến nơi đến chốn. Tuổi không còn trẻ nữa, nhưng tôi vẫn quyết tâm đạt cho được trình độ học vấn đầy đủ. Tôi chỉ có thể học hàm thụ; khi ở mặt trận về, hai năm trời tôi phải nằm điều trị chữa vết thương. Tôi tưởng suốt đời tôi sẽ làm người tàn phế. Bởi vậy tôi chọn một nghề tĩnh tại như thế. Thêm nữa, xin vào trường luật cũng dễ hơn. Còn hiện giờ thì tôi khỏe mạnh, tôi có thể đi xe, đi bộ trên đồng ruộng. Công việc ở khu vực chúng tôi có thể tạm thời giao cho thẩm phán của khu vực hai. Công việc của chúng ta kể cũng nhiều, một người làm cả thì hơi vất vả đấy, nhưng tôi cho rằng nếu ta đấu tranh mạnh hơn chống việc phạm tội ngay ở địa phương, đuổi cổ những tên ăn cắp ra khỏi các nông trang ở khắp mọi nơi thì công tác của các nhân viên điều tra và các thẩm phán ở đây sẽ giảm đi nhiều. Còn công việc của nông trang thì tôi biết rõ lắm. Trước chiến tranh tôi là cán bộ chỉ đạo của một huyện nông nghiệp, vả chăng mặt trận cũng đã dạy tôi nhiều điều; hồi đó tôi là tiểu đoàn trưởng; tôi nghĩ rằng tôi có thể đảm đương được nhiệm vụ mới.
- Này, tôi thấy hình như ở đây chúng ta đi hơi quá đấy, - Glô-tốp nói. - Sao lại thế, thẩm phán là một chức vụ do dân bầu lên, bằng cách bỏ phiếu kín!..
- Thế chủ tịch Xô-viết không do dân bầu à?
- Không sao, điều cả thẩm phán đi cũng được!
- Người ta tự ý xin về nông trang thì ta sẽ được một ông chủ tịch tốt!
Phi-la-tốp có ý kiến, anh ta nguyên là kỹ sư nông nghiệp của huyện, một tháng trước đây, anh ta được điều về công tác ở nông trang mang tên Vô-rô-si-lốp, một nông trang ở xa trung tâm huyện (đừng chẳng được anh ta mới phải đi).
- Đồng chí Mác-tư-nốp ạ, về những người khác thì đồng chí giải quyết đúng đắn, còn vợ đồng chí thì đồng chí lại đưa về công tác ở một nông trang gần huyện, có thể nói là không phải lìa bỏ những tiện nghi ở nhà: đi bộ từ trung tâm huyện về nông trang mất nửa tiếng đồng hồ, một cuộc đi dạo thoải mái. Tại sao không cử chị ấy đi làm kỹ sư trồng vườn ở nông trang “Kỷ niệm về Lê-nin” hay “Bình minh”? Đến những nơi đó xa hơn, trên bốn mươi ki-lô-mét! Ở đấy cũng có những khu vườn lớn chứ như hiện nay thì không lấy gì làm hay ho lắm. Thiên hạ người ta xì xào.
Ma-ri-a Xéc-ghê-ép-na Boóc-dô-va bí thư tổ chức Đảng trạm máy kéo Xê-mi-đu-bốp-ca trả lời anh ta:
- Chẳng ai nói ra nói vào gì hết, đồng chí Phi-la-tốp ạ, chẳng qua là đồng chí bịa đặt ra thôi! Còn có cách gì khác được nữa? Đồng chí Mác-tư-nốp là bí thư huyện ủy, ở tại đây, còn vợ thì lại đẩy về nông trang “Kỷ niệm về Lê-nin” ư? Chồng một nơi, vợ một nẻo à? Chị ấy nên làm việc chính ở đây, ở một nông trang gần huyện. Mọi người đều hiểu anh chị ấy không thể thu xếp cách nào khác. Chị ấy làm việc tốt, nông trang viên đều hài lòng về chị ấy.
Một đảng viên khác, Xư-chép, kỹ sư nông nghiệp ở nông trang “Người tiền tiến” nói thêm, vẫn ngồi tại chỗ:
- Lối mị dân. Đồng chí Phi-la-tốp, trong cuộc họp nghiêm chỉnh như thế này, đồng chí không nên phát biểu bừa bãi như thế!
Mác-tư-nốp trả lời:
- Các đồng chí ạ, nếu công việc cần đến, tôi cũng sẵn sàng về bất cứ xã nào làm chủ tịch nông trang. Và vợ tôi tất nhiên sẽ cùng đi với tôi. Chúng tôi sẽ không trì hoãn lấy một ngày. Nếu cần chúng tôi sẽ đi.
- Hiện giờ chưa cần!
- Một bí thư huyện ủy có năng lực chính là người chúng ta đang cần. Đồng chí cứ ở lại cương vị của mình.
- Đừng nghe anh ta, Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích! Nói ba lăng nhăng đấy thôi!
- Nhân dân chẳng ai dị nghị gì về đồng chí đâu! Đồng chí bố trí công tác cho vợ đồng chí ở Xlô-bốt-ca, chúng tôi thấy điều đó chẳng có gì là lắt léo cả. Đúng thế, việc gì hai vợ chồng phải xa nhau?
- Đồng chí cứ điều khiển cuộc họp đi; đừng đếm xỉa đến chuyện vặt ấy!
Chủ nhiệm ngân hàng Su-kin, cán bộ chỉ đạo của huyện ủy Ni-cô-len-cô, trưởng công an huyện Xa-dô-nốp, trưởng phòng giáo dục huyện Plốt-ni-cốp đều phát biểu rất hay, chân tình. Qua giọng nói thành thật của họ, có thể hy vọng lời nói và việc làm của họ sẽ không tách rời nhau, và đúng như họ đã phát biểu trước hội nghị, bằng tình cảm của mình, họ thực sự hiểu rằng lúc này đâu là vị trí của người đảng viên chân chính và họ sẽ dốc hết sức làm cho những nông trang nơi họ được cử về công tác trở thành những nông trang tiền tiến.
Su-kin nói:
- Tất cả chúng ta đều biết rằng nông thôn chúng ta không còn con đường nào khác, ngoài con đường nông trang tập thể và nông trường quốc doanh. Bây giờ đối với mọi người, điều đó rõ như hai với hai là bốn, đấy là kiến thức chính trị sơ đẳng. Nhưng trước kia thì có con đường khác. Tôi muốn nhắc tới con đường đó với những người không hề biết nó, vì hồi ấy họ còn trẻ quá, họ đã bắt đầu quên đi... Bố tôi hồi ấy là du kích đỏ, chiến đấu trong Quân đoàn kỵ binh thứ nhất, sau nội chiến đã trở về với tấm Huân chương Cờ đỏ. Hồi ấy rất hiếm người được huân chương. Bố tôi còn sống trở về, nhưng cảnh nhà nghèo xác nghèo xơ, bốn con nhỏ, tôi là con cả, mới có mười hai tuổi, ủy ban dân cày nghèo cho vay tiền, mua cho một con ngựa, nhưng con ngựa ốm lăn ra chết, bà con lại giúp đỡ mua cho một con khác. Con này đang cày, thấy một con thỏ, đâm hoảng, kéo cả cày lồng lên, lưỡi cày cứa đứt gân chân. Đành phải bắn một phát súng cho chết hẳn đi. Bố tôi biết làm gì được? Chữ nghĩa không biết, chẳng có nghề ngỗng gì, chỉ biết cày ruộng. Nhưng lấy gì mà cày? Mùa xuân, bố tôi chẳng gieo trồng gì cả, gia sản chỉ còn hai bàn tay trắng. Bố tôi lại đi làm thuê cho những tên nhà giàu, trước cách mạng, bố tôi vẫn làm thuê cho chính những tên ấy. Bố tôi đã phải chịu đựng nỗi cực nhục ấy như thế nào? Chúng chế nhạo người anh hùng được thưởng huân chương: anh chiến đấu vì cái gì? Hai năm trời, bố tôi lang thang đây đó, làm những việc xấu xa, đi theo bọn gian, ăn cắp ngựa của bọn cu-lắc. Bố tôi bị giết chết ở khu ấp Ma-ca-ren-cô. Chính tôi cùng với các em tôi cũng phải đi cày thuê, cuốc mướn cho đến ngày tập thể hóa. Vì vậy, tôi biết con đường ấy, con đường khác. Dù là có Chính quyền Xô-viết, dù là cấp ruộng đất cho dân cày nghèo cũng không tránh khỏi nạn bóc lột người. Dù có cho tất cả mọi người vay tiền, mua sắm đồ dùng, sức kéo, dụng cụ thì cũng không ăn thua, vẫn có kẻ khéo xoay xở, làm giàu nhanh hơn, và có người không may, hoặc gia đình ít sức lao động, ốm đau, đông con, thế là ba năm sau lại có cu-lắc mới và cố nông mới. Không bao giờ chúng ta xóa bỏ được đấu tranh giai cấp ở nông thôn, nếu như không có nông trang. Ở nông thôn sau mỗi cuộc chiến tranh bao giờ cũng có những người mẹ góa con côi, đấy là những người trước tiên phải đi làm thuê cho bọn chủ giàu có... Chúng ta đã lấp hẳn con đường đó. Đây là con đường quay lại chế độ tư bản, là sự hủy diệt tất cả những gì ta đã giành được, là sự diệt vong của cách mạng! Chúng ta đã dẫn nông dân đi lên con đường mới, con đường duy nhất đúng. Những người cộng sản chúng ta đã dắt dẫn họ, chính chúng ta đã nói với nông dân, chúng tôi sẽ đưa bà con theo con đường mới, và bà con sẽ thấy rõ đời sống của mình thay đổi kỳ diệu như thế nào. Chúng ta đã đưa nhân dân lên con đường ấy, đã chỉ rõ mục đích thì chúng ta phải đưa nhân dân đến thắng lợi triệt để, chúng ta không có quyền nửa đường đi chệch khỏi sự nghiệp đó!.. Hiện nay ở nông thôn đang có khó khăn, tôi là đảng viên, tôi cho rằng tôi có bổn phận phải về nông trang. Tôi chưa từng cắt đứt liên hệ với nông thôn, mẹ và ba em gái tôi hiện đang sống ở nông trang. Đề nghị cho tôi về nông trang, nơi tôi đã từ đó mà ra.
Tiếp đó, cả kiểm sát trưởng Nê-chi-pu-ren-cô cũng lên có ý kiến:
- Đồng chí Mác-tư-nốp ạ, - ông ta vừa nói vừa đưa chiếc mùi soa ướt vò nhàu lên lau cái cổ vạm vỡ, lau ngực qua cổ sơ-mi không cài cúc, - tôi vốn hơi chậm hiểu. Tôi chưa thông ngay được, tôi cần có thời gian nghiền ngẫm... Nhưng từ nẫy, tôi vẫn ngồi đây và nghe hết, có lẽ vẫn có cách tăng cường cán bộ cho các nông trang và không phải giải tán trung tâm huyện, có thể không cần vi phạm đến...
- Vi phạm cái gì kia chứ? - Mác-tư-nốp ngắt lời ông ta một cách mềm mỏng. - Này đồng chí An-đrây Xê-mê-nô-vích ạ, tôi cam đoan với đồng chí rằng những việc chúng ta đang làm hiện nay có ghi trong nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng Chín! Chỉ cần đọc những nghị quyết đó một cách thấu đáo hơn. Hội nghị tháng Chín đã truyền đến cho chúng ta hồi chuông thứ nhất, lại còn phải chờ hồi chuông thứ hai, rồi hồi chuông thứ ba nữa chăng?
- Không, không cần chờ đến lúc bị đẩy vào cổ mới đi. “Đồ chó đẻ, đoàn tàu của các người đang khởi hành, sao các người vẫn còn ngồi đây”. Cùng lắm thì cấp trên sẽ cử một cán bộ viện kiểm sát tỉnh về thay tôi. Số cán bộ ở đây cũng đông. Còn về việc tôi không đấu tranh chống bọn ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, cảm quan nhạy bén của tôi đã cùn đi thì đồng chí nói không đúng lắm đâu, đồng chí Mác-tư-nốp ạ. Phải chăng không có những trường hợp một đảng viên phạm tội và cần đưa ra tòa, vậy mà huyện ủy không đưa hắn ra khỏi Đảng: khiển trách nghiêm khắc kèm theo cảnh cáo lần cuối cùng. Ở đây ba năm trời, Boóc-dốp bao che cho một tên ăn cắp lớn ở xí nghiệp liên hợp xay xát. Tôi đã tốn bao công sức tranh cãi với anh ta! Tất nhiên cần kiểm tra kỹ những đơn khiếu tố một đảng viên, vả chăng, đối với bất cứ công dân nào ta cũng phải có thái độ như thế. Nhưng trước đây có thời kỳ, chúng ta đặc biệt thận trong đối với đơn tố giác những đảng viên. Đấu tranh giai cấp, bọn cu-lắc, bọn bạch vệ, thiếu gì điều bọn thù địch ấy có thể vu khống người của chúng ta? Ngay bây giờ, cũng phải xét rất kỹ cái gì là thật, cái gì là vu khống. Nhưng nếu đã xác minh được rõ ràng là kẻ đó móc túi Nhà nước hay móc túi nông trang thì sao lại dung thứ cho một kẻ như thế?.. Có một tên súc sinh tiêu lạm tiền quỹ, lại còn trơ tráo hết chỗ nói! Tôi lập hồ sơ truy tố hắn, thế mà hắn dám nói với tôi: “Vậy ra ông định tống tôi vào tù phải không? Chẳng lẽ ông coi mười ngàn rúp nhỏ mọn đáng quý hơn một đảng viên tốt ư?” Được rồi, tôi sẽ chấn chỉnh lại tình hình ở nông trang “Đấu tranh”. Tôi cũng tình nguyện xin đi.
Bư-va-lức cán bộ kiểm tra năng suất nói:
- Tôi sẽ về nông trang, nếu Mát-xcơ-va cho phép điều động cán bộ như thế.
Cô-ri-a-ghin giám đốc nhà máy chế biến thịt, tuyên bố rằng bệnh viêm ruột thừa của ông ta trở nên nghiêm trọng và ông không thể về nông trang ngay bây giờ. Ông phải vào nằm viện để giải phẫu. Trong cuộc họp có mấy người đảng viên là bác sĩ ở bệnh viện huyện, lời tuyên bố của Cô-ri-a-ghin làm họ rất đỗi ngạc nhiên. Cô-ri-a-ghin hoàn toàn khỏe mạnh. Ở bệnh viện, thậm chí chưa bao giờ có “hồ sơ bệnh án” của ông ta, chưa bao giờ ông ta kêu với ai rằng ông ta có bệnh tật đau đớn gì cả.
Chỉ có Giơ-ba-nốp và Cô-rốp-kin không nói gì. Nhưng khi biểu quyết về bản dự thảo nghị quyết, trong đó có cả tên hai người, họ giơ tay tán thành.
Cuối cuộc họp, vẫn như lệ thường, sau khi thông qua nghị quyết, Mác-tư-nốp nói mấy lời bế mạc:
- Tất cả các đồng chí đã từng làm đặc phái viên xuống các nông trang nhiều lần, các đồng chí biết rõ làng xã, công việc xây dựng nông trang không phải là cái gì mới mẻ đối với các đồng chí. Nhưng trước nay, các đồng chí về nông trang chỉ là tạm thời, gia đình, nhà cửa của các đồng chí vẫn ở xa nông trang, trong thành phố. Vẫn có người chịu trách nhiệm nặng hơn các đồng chí về những việc lộn ẩu, còn các đồng chí thì cuối cùng vẫn có thể tránh xa những cái bê bối ấy và về nhà nghỉ ngơi. Khuất mắt thì hết bận tâm. Nhưng sự thể sẽ khác hẳn khi các đồng chí về công tác hẳn ở các nông trang, mỗi người một nơi. Mãi mãi gắn bó với nông trang. Cũng có thể không phải là mãi mãi, cho đến khi chết. Chưa biết cuộc đời mỗi người sau này sẽ ra sao, nhưng dù thế nào, cũng không phải là về làm việc một hai ngày ở nơi ấy. Liệu có cần an ủi các đồng chí bằng những lời dỗ ngon dỗ ngọt: không sao, rồi các đồng chí sẽ quen, dần dà có thể còn thích nữa là khác... Trên báo chí của chúng ta, đôi khi ta vẫn gặp những bài viết bằng giọng an ủi như thế: “Ở huyện N., các cán bộ chuyên môn nông nghiệp và một số đồng chí đảng viên tích cực không muốn về công tác ở nông trang. Lầm to! Sứ mạng của họ cao quý biết bao! Cuộc sống giữa đồng ruộng và rừng cây thật là tuyệt vời! Không khí nông thôn hết sức bổ ích cho sức khỏe!”. Tôi nhớ có một bài thậm chí còn quả quyết rằng xúp bắp cải nấu bằng bếp lò ở nông thôn ngon hơn cũng thứ xúp bắp cải ấy nấu bằng bếp hơi.
Trong phòng có tiếng cười, Mác-tư-nốp không hề mỉm cười, anh nói tiếp bằng giọng nghiêm trang:
- Các tác giả những bài ấy giống như cha đạo trong “Đội cứu tế”[21]. “Lầm to! Cuộc sống ở giữa đồng ruộng và rừng cây thật là tuyệt vời!”. Những thuyết giáo theo kinh Phúc âm mà! Không nên nói năng kiểu như thế với những người về công tác ở những nông trang chậm tiến. Cần nói chuyện trên tư cách đàn ông với nhau, nói thẳng, nói thật, cứ nêu ra những khó khăn, không lo rằng người ta sẽ hoảng sợ. Nông thôn cũng không ưa những kẻ nhát gan, nó không cần những kẻ như thế... Vừa rồi tôi nói rằng sự thể sẽ khác hẳn khi các đồng chí sẽ chia nhau về công tác hẳn ở các nông trang. Khi các đồng chí về đến nông trang và đưa mắt nhìn bao quát cảnh vật xung quanh, ý nghĩ đầu tiên của các đồng chí sẽ là: ta ở đây mãi mãi... Các đồng chí sẽ nhìn vẫn cái xã ấy bằng con mắt khác, con mắt của người sống ở đây. Và các đồng chí sẽ làm việc tốt hơn rất nhiều so với trước đây, khi các đồng chí là đặc phái viên! Bây giờ, không còn ai chỉ dẫn, vạch phương hướng cho các đồng chí, các đồng chí tự vạch hướng cho mình! Và đồng chí Ni-cô-lên-cô không còn trở về huyện ủy, đem theo một “bao khuyết điểm” phát hiện được ở khu vực của mình và cho rằng việc của mình thế là xong. Không thể lẩn đi đâu trốn tránh những khuyết điểm ấy được, phải tự mình khắc phục lấy... Bản thân các đồng chí sống ở nông trang, gia đình, vợ con các đồng chí cũng ở đấy, phải phấn đấu vì lợi ích của họ.
Mác-tư-nốp nhìn Đôn-gu-sin ngồi ở hàng ghế trên, kỹ sư trưởng Tsu-ma-cốp của trạm máy kéo Xê-mi-đu-bốp-ca, nhìn các kỹ sư nông nghiệp được tỉnh điều về.
- Ở đây có các đồng chí từ Mát-xcơ-va, từ trung tâm tỉnh về công tác với chúng ta. Có lẽ các đồng chí cũng thấy đau lòng về sự khác biệt giữa cuộc sống mà các đồng chí đã để lại ở nơi nào trong các thành phố với cuộc sống mà các đồng chí đã thấy trong các làng quê của chúng ta. Được, chúng ta sẽ xóa bỏ sự khác biệt đó. Nhưng chỉ có thể xóa bỏ nó bằng công sức của hai bàn tay chúng ta! Huyện ta hiện thời chưa phải là huyện tiền tiến, tỉnh ta cũng không phải là một trong những tỉnh giàu có nhất, không phải là Cu-ban, chỉ là một tỉnh trung bình. Nơi các đồng chí về công tác không phải là những nông trang có thu nhập hàng triệu đồng, nhà mái tôn, ban quản trị có xe “Pô-bê-đa”. Công việc ở đấy đã được thu xếp ổn thỏa cả rồi. Nếu nơi nào cũng như thế thì chúng ta không cần cán bộ nữa. Chúng tôi sẽ đưa các đồng chí về những nông trang chậm tiến, ở đấy hiện giờ chưa có gì hết. Chưa có rồi sẽ có. Sẽ có cả nhà riêng với phòng tắm có hoa sen, cả những hè đường giải nhựa, cả những khu vườn làm theo phương pháp của Mi-tsu-rin, cả những nhà an dưỡng riêng của nông trang, cả các tác phẩm của Sếch-xpia trong Nhà văn hóa xã. Nếu ta làm được việc thì sẽ có. Nhưng tất cả những cái đó phải tự tay ta làm nên! Khi nào mỗi người ý thức sâu sắc được điều đó thì công tác của chúng ta sẽ tiến vùn vụt! Tự tay làm nên... Mười giờ sáng mai có cuộc họp thường vụ, tất cả những người có tên trong danh sách này sẽ được mời đến dự. Chúng ta sẽ thông qua quyết định của hội nghị đảng viên nòng cốt và sẽ bàn nhau về việc giới thiệu ai đi đâu, công tác gì.
...Cuộc họp không giải tán ngay, người ta đứng túm tụm thành từng tốp trong phòng họp và hành lang; bàn tán hồi lâu về một số lời phát biểu, hỏi Cô-rốp-kin và Giơ-ba-nốp về việc tại sao họ không có ý kiến gì cả, giễu cợt cái bệnh viêm ruột thừa của ông giám đốc nhà máy chế biến thịt Cô-ri-a-ghin và cười đùa khi xem những bức biếm họa thân thiện trên tờ báo tường “Gai nhọn”.
Pô-xô-khốp đeo máy ảnh chạy theo Mác-tư-nốp ra đường:
- Pi-ốt I-la-ri-ô-nô-vích! Các đồng chí yêu cầu tôi để họ đến thợ cạo cạo mặt đã. Họ hứa một tiếng sau sẽ trở lại. Được chứ ạ?
- Những ai đề nghị như thế?
- Giơ-ba-nốp, Nê-chi-pu-ren-cô, Xa-dô-nốp.
- Chớ cho đi! Cứ chụp luôn, chưa cạo mặt cũng cứ chụp, kẻo rồi trong bọn họ sẽ có người thay đổi ý kiến. Và cho đăng báo luôn! Gửi lên báo tỉnh nữa... Nhưng mà không, hãy khoan gửi lên báo tỉnh. Khi nào công việc xong xuôi, tất cả những người ta cử đi đã được bầu lên ở các nông trang, khi ấy hãy thông báo. Đừng cho ai đi đâu cả! Cứ chụp luôn đi. Pha trò cho đồng chí kiểm sát trưởng cười lên một tý. Nom đồng chí ấy ỉu sìu quá.
Chuyện Thường Ngày Ở Huyện Chuyện Thường Ngày Ở Huyện - Va-Len-Tin Ô-Vet-Skin Chuyện Thường Ngày Ở Huyện