Số lần đọc/download: 322 / 14
Cập nhật: 2019-10-14 18:07:57 +0700
Chương 12
V
à rồi mặt trời cũng xuất hiện. Nó xuất hiện ngay sau khi bộ phim của Kurosawa kết thúc. Đó hẳn là phim Ran (Nổi loạn). Jesse dường như chăm chú hơn bình thường, rất thích các cảnh chiến tranh, thích cảnh cô tình nhân xảo quyệt bị chặt đầu; thích cảnh cuối cùng khi anh Hề mù bị trượt chân xuống phía mép vách đá, khiến anh ta cảm thấy chóng mặt.
Trong vài ngày đó, thái độ của Jesse đã thay đổi. Ở nó có nét sôi nổi đặc thù của một người trẻ tuổi, có một cái gì đó để mong chờ. Đúng hơn là một cái gì đó đang đến rất gần. Tôi tự hỏi là liệu có phải do thời tiết, những ngày mùa xuân tươi đẹp, những ngày nắng vàng, mùi ẩm thấp của đất, sự ra đi không gì cưỡng lại được của mùa đông, đã khiến nó phấn chấn rõ ràng đến vậy. Tôi cảm nhận rằng cho dù đó là điều gì thì đó cũng là một bí mật; nhưng đồng thời nó cũng khao khát được nói về điều này. Tôi biết là một câu hỏi thẳng thắn sẽ khiến nó hoảng sợ, dồn nó đến chỗ phải ngậm chặt miệng. Vì vậy, tôi buộc phải hoạt động một cách thụ động, chờ cho tới thời điểm chỉ cần một cái nhìn, tôi có thể nhìn thẳng vào mắt nó và mọi câu chuyện từ nó như dùng một chiếc móc kéo.
Chúng tôi ngồi ngoài hè, những cảm giác xúc động khi xem Ran (Nổi loạn) dần dần được xua tan, tiếng chim hót líu lo, người hàng xóm Trung Quốc của chúng tôi, đang đặt các cây nho và các loại trái cây bí ẩn vào cây sào vào trong vườn; bà ấy đã ngoài 70 tuổi và mặc một chiếc áo khoác lụa tuyệt đẹp. Trên cao, mặt trời chiếu sáng rực rỡ trong cái mùa bất thường này.
Tôi nói với một giọng đều đều nhất có thể: “Người ta thường nghĩ, tháng Ba là lúc mùa đông đã kết thúc. Chẳng cần biết đã sống ở đây bao nhiêu năm, người ta vẫn sẽ mắc sai lầm tương tự.” Tôi có thể thấy Jesse chỉ lắng nghe thôi, vì vậy tôi nặng nề tiếp tục. “Người ta nói: Ồ, thế đấy
- chúng ta đã vượt qua mùa đông. Và ngay sau đó, Jesse à, ngay sau khi những lời đó được nói ra, con biết điều gì xảy ra không?”
Nó không trả lời.
“Bố sẽ nói cho con biết điều gì xảy ra. Trời bắt đầu có tuyết. Tuyết rơi, tuyết rơi và tuyết rơi.”
“Con đã có bạn gái mới,” nó nói.
“Mùa Xuân là một thời điểm nhạy cảm,” tôi nói. (Chính tôi còn thấy mình thật nhạt nhẽo.)
Nó nói: “Bố có còn nhớ câu chuyện bố đã nói với con về Arthur Crammer, bạn cũ của bố không? Người đã chiếm mất một người bạn gái của bố ấy?”
Tôi hắng giọng. “Không phải như thế, con trai - chuyện xảy ra cách đây nhiều năm rồi - cậu ấy không hoàn toàn cướp mất cô ấy đi. Bố đã để cô ấy đi trước khi sẵn sàng làm việc đó, vậy thôi.”
“Con biết, con biết,” nó nói. (Nó có đang cười thầm không nhỉ?) “Nhưng có một chuyện tương tự như vậy đã xảy ra với con.” Nó hỏi tôi có nhớ Morgan, bạn nó hay không.
“Bạn ở chỗ làm của con.”
“Anh chàng đội chiếc mũ bóng chày.” “Ừ, đúng rồi.”
“Nó có cô bạn gái, Chloe Stanton-McCabe; họ đã bên nhau từ hồi còn học trung học. Anh chàng này khá là hờ hững với cô ấy. Con đã từng nói với, ‘Cậu nên giữ gìn, Morgan à - cô ấy thực sự rất xinh.’ Và nó bỏ đi.” - ở chỗ này, nó bắt chước giọng của một người đần độn – “Ừ, thế nào cũng được.”
Tôi gật đầu.
“Cô ấy vào học đại học ở trường Kingston. Chọn ngành kinh tế học.” “Và con bé vẫn ở bên Morgan?”
“Morgan là một anh chàng rất tuyệt,” nó nói nhanh (và bối rối). “Tuy vậy, cách đây khoảng một năm, họ đã chia tay. Một vài ngày sau đó, Jack, đứa ở trong nhóm con”.
“Một anh chàng đội chiếc mũ bóng chày nữa.”
“Không, đó là Morgan.” “Bố đang đùa mà.”
“Jack là đứa có hai má đỏ ửng.” “Bố biết, bố biết. Con nói tiếp đi.”
“Một buổi tối, Jack gọi điện cho con và nói rằng nó đã gặp Chloe Stanton-McCabe ở quán bar, và cô ấy nói suốt về con, rằng con là một người đang yêu như thế nào, vui tính như thế nào. Cô ấy nói mọi thứ về con.”
“Thế à?”
“Và bố ạ, một điều lạ lùng là khi con đi ngủ vào đêm hôm đó, con nằm trong bóng tối tự hỏi: mọi chuyện sẽ như thế nào khi được ở bên cô ấy, được cưới cô ấy. Con chỉ vừa mới biết cô ấy. Con đã nhìn thấy cô ấy ở các buổi tiệc và ở một vài quán bar nhưng chẳng thấy có gì đặc biệt và cô ấy chẳng bao giờ đi một mình.”
“Ðó hẳn là một cuộc điện thoại khéo léo, để kéo con ra khỏi nỗi buồn.”
“Đúng vậy. Rõ ràng là như vậy. Nhưng một vài tuần sau đó, cô ấy và Morgan lại quay lại với nhau. Con có hơi thất vọng, nhưng cũng không đến mức nhiều quá. Con đã có một cô bạn gái khác. Nhưng, vâng, điều đó khiến con thất vọng. Thưc ra là hết sức thất vọng.”
Nó nhìn chăm chăm ra phía con đường, những chiếc chăn trải giường, loại dành cho trẻ nhỏ, được mắc lên chiếc dây phơi quần áo dựng vội trên tầng hai. Người ta có thể cảm thấy hơi gió ấm áp đang thổi trên đường.
Nó tiếp tục: “Và một ngày Morgan nói với con - lúc đó bọn con đã tan làm, nó cũng hơi say rồi -: ‘Bạn gái tao phải lòng mày đấy, thích mày, một tuần rồi,’ và bật cười, như thể toàn bộ câu chuyện này chỉ là một trò đùa. Con cũng cười theo.
“Con gặp Chloe một vài lần sau đó; cô ấy ve vãn, tán tỉnh con nhưng vẫn ở bên Morgan. Con đứng ở quầy bar, cảm thấy có một bàn tay chạm vào sau lưng mình, con quay người lại và thấy cô gái tóc vàng hoe này vội vã chạy trốn khỏi con. Một lần con đã hỏi Morgan, con hỏi nó cảm
thấy thế nào về việc con mời cô ấy đi chơi và nó nói: ‘Được thôi, tao chả quan tâm. Tao chỉ thích ngủ với con bé ấy, thế thôi.’ Trừ khi những lời đó không phải do nó nói.”
“Bố cá là như thế.”
“Nhưng con đã siêu cẩn trọng, không bao giờ tiếp cận cô ấy. Con không muốn thấy Morgan cười nhạo mình và nói: ‘Tao chả bao giờ muốn có con bé đó và mày có thể giành lấy nó.’”
“Con cư xử rất được.”
“Bởi thể.” Nó nhìn ra phía con đường như thể tự nó đang rút ra kết luận, để có được sự thăng bằng cần thiết nhằm tận hưởng điểu này. “Cuối tuần trước, con đã đi đến quán bar nằm trên đường Queen. Con đường này giống như cảnh trong phim Mean Streets (Phố phường tồi tàn) ấy. Vừa tắm và gội đầu xong, mặc bộ quần áo mới tinh con cảm thấy thật tuyệt vời. Con đi đến quán bar, Con rất thích ca khúc đang được chơi ở đó và con cảm thấy như thể mình có thể đạt được bất cứ điều gì mình muốn trên thế giới này. Và Chloe ở đó, cô ấy về đây chơi dịp cuối tuần. Cô ấy đang ngồi ở bàn với đám bạn của mình và tất cả bọn họ đều kêu lên: ‘Ooooo, Chloe, xem ai ở đây này!’”
“Vì thế, con bước về phía bàn đó, hôn vào má cô ấy và nói: ‘Chào, Chloe,’ nhưng sau đó con không hề lảng vảng gần đó. Con đi xuống phía cuối của quán bar và ngồi uống một mình. Được khoảng một lúc thì cô ấy lại chỗ con; cô ấy nói: ‘Ði ra ngoài và hút với em một điếu thuốc đi.’”
“Chúng con đi ra ngoài; hai đứa ngồi trên hàng rào chắn trước cửa quán bar và con nói ra, chỉ như vậy thôi, con nói: ‘Anh thực sự muốn hôn em.’”
“Và cô ấy trả lời, ‘Thật không?’” “Con nói: ‘Thật.’”
“Và rồi cô ấy nói: ‘Còn Morgan thì sao?’” “‘Anh sẽ giải quyết với Morgan,’ con nói.” “Nhỡ anh ấy phát hiện ra thì sao?”
“Ngày hôm sau, con nói với Morgan. Nó nói” - Jesse hạ giọng – “‘Thế nào cũng được. Tao không quan tâm,’ Nhưng tối đó, khi chúng con đi uống bia sau khi tan làm và nó thực sự say khướt, nó say rất nhanh, nó nói: ‘Mày nghĩ mày thật tệ khi đi lại với Chloe, đúng không?’”
“Nhưng nó gọi điện cho con vào sáng hôm sau; giọng vừa chút buồn bã vừa có chút dũng cảm, và nói: ‘Nghe này, anh bạn, tao chỉ thấy hơi kỳ lạ một chút khi mày cặp với cô ấy thôi.’”
“Và con nói: ‘Ừ, tao cũng thấy thế.’”
Nó châm một điếu thuốc, đặt điếu thuốc đang cháy sang phía bên kia chiếc ghế, để cách xa tôi.
“Ðây là một câu chuyện khủng khiếp,” tôi nói. Nó ngồi trở lại ghế, nhìn chằm chằm về phía trước, tưởng tượng những điều chỉ có Chúa mới biết được, Lamaze cùng lớp với Chloe, du lịch với Eminem.
“Bố có nghĩ rằng con và Morgan có thể tiếp tục không? Ý con là tình bạn của bọn con ấy. Bố và chú Arthur Crammer vẫn có thể duy trì tình bạn mà.”
“Bố buộc phải thành thật với con, Jesse ạ. Phụ nữ có thể giống như một môn thể thao đẫm máu.”
“Sao lại như vậy được?” nó nói. Nó vẫn còn muốn nói thêm về Chloe Stanton - McCabe.
Câu chuyện này đã trở thành một bí mật được tiết lộ quá nhanh chóng.
* * *
Năm đó là một mùa hè tuyệt vời cho cả hai bố con tôi. Tôi có công việc ở chỗ này, chỗ kia (có vẻ như công việc đang dần có đà phát triển), một vài buổi ghi hình khách mời truyền hình, một chuyến đi tới Halifax cho một chương trình phát thanh về sách, một cuộc phỏng vấn khác với David Cronenerg, một chuyên mục cho tạp chí đàn ông đã mang tôi đến Manhattan. Tôi không hề thay đổi, tiền tiêu còn nhiều hơn tiền kiếm được, nhưng tôi đã không còn có cảm giác rằng mình đang bị mất tiền, không còn nghĩ rằng những điều đáng buồn, thậm chí là bi thảm, đang chờ đợi tôi trong 5 năm nữa ở đâu đó trên đường phố.
Và rồi có điều gì đó đã xảy ra, giống như giai đoạn cuối cùng của bản án. Nó khiến tôi cảm thấy như vận xui của mình vẫn đang tiếp diễn. Trong quan điểm của những người ngoài cuộc, điều này cũng không có gì ghê gớm. Tôi được mời viết phê bình phim cho một tờ tạp chí phát hành khắp cả nước. Tiền nhuận bút thì thấp, đây là hợp đồng ký một lần, nhưng - tôi giải thích điều này như thế nào nhỉ - đó là một việc mà tôi luôn luôn muốn được làm. Ðôi khi, có những việc có sức thu hút vượt xa giá trị thực tế của nó, giống như một viện sĩ mong muốn được giảng dạy tại trường Đại học Sorbonne, hay một diễn viên mong muốn được đóng chung phim với Marlon Brando. (Cho dù có thể đó là một bộ phim kinh khủng. Nhưng điều đó không thực sự quan trọng.)
Jesse làm việc vào ca tối. Nó vẫn phải thử việc, rửa và cắt rau, làm sạch mực, nhưng đôi khi họ để cho nó được làm món thịt nướng, điều này cũng giống một chút với sự quyến rũ bất cân xứng trong công việc bình luận phim của tôi. Những công việc này được thực hiện tùy hứng một cách đáng thất vọng.
Những người nướng thịt rất mạnh bạo, rất nam tính. Họ thích toát mồ hôi, chửi thề, uống rượu và làm việc vào những giờ trái khoáy nhất, tán chuyện về “gái gú” và “những tên vô công rồi nghề hưởng trợ cấp xã hội”. Và giờ đây Jesse đã nằm trong số đó. Nó thích ngồi quanh nhà với bộ quần áo trắng sau ca làm - đó là khoảng thời gian yêu thích của nó - hút thuốc và ngẫm nghĩ lại buổi tối, cái cách mà cả hội bị tổng tấn công vào ngay sau chín giờ (rất nhiều khách hàng cùng tới vào một lúc), cái cách mà chúng nó đặt nữ nhân viên phục vụ bàn vào “chiếc hộp bất lợi” (làm chậm các món cô ấy gọi). Người ta chẳng bao giờ muốn đùa với những anh chàng làm việc trong nhà bếp.
Cái cách đùa giỡn giả đồng tính trong khu nhà bếp – tất cả các nhà bếp, nó nói - thật là một kiểu đùa lạ, các anh chàng này gọi nhau là “fag” (đồng tính nam), là kẻ ngu ngốc... Chỉ có một cách gọi mà họ không thể dùng để gọi người khác, đó là “thằng khốn.” Cách gọi này rất nghiêm trọng - đó là một sự xỉ nhục thực sự.
Nó rất thích mỗi khi Chloe đến đón nó sau giờ làm; cô nàng Marilyn Monroe này với một chiếc khuyên kim cương đính trên mũi. Tất cả những đứa khác ngồi vây xung quanh, nhận xét.
“Bố có thích cô ấy không?”, vào một buổi tối, nó hỏi tôi, mặt nó dí sát
vào khuôn mặt tôi. “Có,” tôi nói.
“Bố trả lời lưỡng lự thế.”
“Không, làm gì có. Bố nghĩ con bé rất tuyệt” “Thật ạ?”
“Thật”
Suy nghĩ một chút. “Nếu cô ấy chia tay với con, liệu bố còn nói thế hay không?”
“Bố đứng về phía con.” “Ý bố là gì ạ?”
“Ý bố là bố nói bất cứ điều gì phải nói để khiến con cảm thấy thoải mái hơn.”
Im lặng. “Bố có nghĩ là cô ấy sẽ chia tay con không?” “Jesse. Chúa ơi.”
* * *
Bây giờ chúng tôi vẫn xem phim nhưng không còn thường xuyên nữa. Có thể một tuần xem khoảng hai bộ phim, đôi khi còn ít hơn nữa. Tôi cảm giác như thể thế giới xung quanh đang kéo cả hai bố con ra khỏi chiếc phòng khách và tôi thấy rằng một thứ gì đó quý giá đang đi đến với kết thúc tự nhiên của nó. Rải duy băng màu trắng.
Tôi mở đầu bằng một chương trình Buried Treasures (Kho báu bị lãng quên).
Tôi cho nó xem bộ phim Quiz Show (Trò thi đố) (1994) của đạo diễn Robert Redford, mỗi lần xem bộ phim, bạn lại thấy nó tuyệt hơn, hay hơn. Ðó là câu chuyện về một giảng viên đại học, đẹp trai, quyến rũ, Charles Van Doren (Do Ralph Fiennes thủ vai), anh vướng vào vụ tai tiếng ở một trò thi đố trong những năm 1950, tại cuộc thi, hóa ra những người dự thi đã đưa ra câu trả lời trước thời gian cho phép. Giống như việc tổ chức giải đấu World Series năm 1919, đó là một hành động xúc
phạm đến trái tim ngây thơ nhưng đầy tin tưởng của công chúng Mỹ. Việc một trong những chàng trai vàng của họ - và là con trai của nhà nghiên cứu tài ba, Mark Van Doren (do điễn viên kỳ cựu Paul Scofield thủ vai), có liên quan đến vụ việc này càng khiến vết thương thêm nhiều đau đớn.
Giống như The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại), bộ phim Quiz Show đưa người ta đến với một thế giới không đáng tin cậy về mặt đạo đức nhưng lại khiến nó tuyệt đẹp khi bạn hiểu được lý đo tại sao mọi người lại muốn về nhất và tại sạo họ lại lựa chọn ở lại đó. Tôi hướng sự chú ý của Jesse tập trung vào mối quan hệ giữa Rob Morrow, người vào vai nhà điều tra và Ralph Fiennes, người đưa ra câu trả lời “có”, một lần, cho câu hỏi mà đáng ra anh ta nên trả lời là “không”.
Một số cảnh diễn xuất tuyệt vời nhất trong bộ phim, khoảnh khắc có tác động mạnh nhất, chính là những cảnh quay đôi mắt của Ralph Fiennes. (Ở một số cảnh, dường như thể anh ấy trang điểm đôi mắt hơi quá.) Tôi gợi ý cho Jesse rằng nó nên chờ đến cảnh có cuộc trao đổi, khi có người hỏi Fiennes cách “Lincoln - Abe lương thiện” sẽ thực hiện trên một chương trình trò chơi truyền hình. Quan sát những gì Fiennes thể hiện với đôi mắt của mình. Xem cách họ đi lại khi anh ta nói chuyện với Rob Morrow: như một đặc tính của kiểu trò chơi ú òa, người ta che mắt đi rồi mở ra, ông ta nhìn vào chàng trai trẻ như thể anh ta đang nói chuyện với chính mình, anh ta biết được bao nhiêu? Anh ta biết được bao nhiêu?
Có một cảnh khi họ chơi bài poker: Fiennes đặt cược và Morrow nói: “Tôi biết là anh đang nói dối.” Người ta dường như có thể nghe thấy nhịp tim của Finnes đập dồn dập khi anh trả lời tưởng như nín thở, “Bịp bợm. Từ chính xác là bịp bợm.” Anh ấy khiến người ta gợi nhớ đến Raskolnikov trong Crime and Punishment (Tội ác và Trừng phạt) của Dostoevsky.
Jesse hỏi tôi khi bộ phim kết thúc: “Bố đã bao giờ bỏ lỡ cơ hội lên ti vi chưa?”
“Thỉnh thỏang,” tôi nói. Tôi giải thích rằng mình đã bỏ lỡ một một số tiền, nhưng điều mà tôi thực sự bỏ qua chính là hàng tá những cuộc nói chuyện hoàn toàn hời hợt, kéo dài chỉ khoảng 32 giây với những người tôi hầu như không biết. Tôi nói: “Điều đó có thể khiến một ngày của con
thêm chút tươi sáng đấy, tin hay không tùy con.”
“Nhưng bố đã bao giờ thực sự bỏ lỡ cơ hội lên tivi chưa ạ?” “Chưa, bố chưa bao giờ. Con thì sao?”
“Con có bao giờ bỏ qua việc có một người bố lên tivi không ấy ạ? Không, không bao giờ. Con thậm chí còn chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy.”
Và khi nói câu đó, nó đứng dậy và đi thơ thẩn ở trên lầu, dáng đi, sự tự nhiên trong hành động của nó - trong khoảnh khắc ấy - không còn là của một đứa trẻ mới lớn nữa.
* * *
Thêm thông tin về Kho báu bị lãng quên. Giống như việc cắn một miếng kem chuối ngay khi vừa lấy ra khỏi tủ lạnh. (Không bao giờ quan tâm đến việc lấy đĩa đựng.) Bộ phim The Last Detail (Chi tiết cuối cùng) (1973). Tôi nói: “Đây là năm lý do khiến chúng ta yêu quý Jack Nicholson.”
1. Bởi vì những lời ông ấy đã nói: “Không khó để lên đến đỉnh, điều khó khăn chính là đứng vững tại đó.” Jack đã đóng phim trong suốt 45 năm. Không ai có thể “chỉ may mắn” hoặc giả dối mà tồn tại lâu như vậy, người ta phải thật xuất sắc.
2. Bố thích Jack Nicholson vào vai thám tử - trong một cảnh quan trọng của phim Chinatown (Khu phố Tàu) (1974) - với một dải vải băng vết thương ở trên mũi.
3. Bố thích khoảnh khắc trong bộ phim The Shining (Ngôi nhà ma) khi Jack bắt vợ mình đọc những trang bản thảo cuồng loạn của cuốn tiểu thuyết mình viết và hỏi cô ấy: “Em thích nó như thế nào?”
4. Bố thích cái sự thật rằng Jack chờ đợi đến tận khi 50 tuổi để bước lên sân gôn.
5. Bố thích cảnh Jack đặt khẩu súng lên trên quầy bar với một tiếng đập mạnh trong phim The Last Detail và nói: “Tao là tuần tra bờ biển đây.”
Vai diễn thành công nhất của Nicholson chính là trong phim The Last Detail. Ông ấy vào vai Buddusky “rắn rỏi”, một người lính hải quân bị
tù chung thân suốt ngày khạc nhổ và ăn nói tục tĩu, một người hay hút xì-gà - một anh chàng rất dễ bị kích động - người đã ghìm chiếc xe độc mã chở một đứa trẻ đi khắp đất nước để tống vào trại giam.Jack muốn cho nó có được một khoảng thời gian tốt đẹp, cho đứa trẻ uống say sưa, để nó được nằm nghỉ trước khi bắt đầu thực hiện bản án.
Khi bộ phim được công chiếu, Roger Ebert đã viết rằng Nicholson đã “xây dựng một nhân vật quá toàn diện, quá phức tạp, khiến chúng ta không thể không nghĩ về bộ phim và chỉ biết ngồi xem để biết đươc anh ấy sẽ làm gì tiếp theo.” Một số bộ phim mang những lời chửi tục tĩu vào hình thức phim nghệ thuật. Bạn có nhớ người trung sĩ chế tạo đại bác trong bộ phim Full Metal Jacket (Áo ngập vũ khí) (1987) chứ? Giống như những quả bom, những lời tục tĩu có thể tạo ra rất nhiều sự thay đổi và bạn nghe thấy chúng rất nhiều trong phim The Last Detail. Các giám đốc điều hành xưởng phim mong muốn giảm bớt kịch bản trước khi chính thức tiến hành các cảnh quay. Họ thấy hoảng sợ trước số từ tục tĩu và họ biết, một cách chính xác, rằng Jack Nicholson sẽ tuôn những lời đó bằng một động tác xoay tròn tinh quái. Giám đốc của xưởng phim Columbia nhớ lại: “Trong suốt bảy phút đầu tiên, đã có 342 từ ‘mẹ kiếp’. Tại xưởng phim Columbia, chúng tôi không thể sử dụng kiểu ngôn ngữ như vậy, chúng tôi không thể thực hiện các cảnh quan hệ tình dục.”
Robert Towne, người viết kịch bản của phim Chinatown, cho biết: “Nếu bạn thực hiện các cảnh quan hệ tình dục cho xưởng phim Columbia thì diễn viên phải cách xa nhau hàng trăm dặm. Nhưng điện ảnh đã thoáng hơn và đây là cơ hội để viết về những anh chàng lính hải quân với những lời nói như những gì họ thực sự nói ngoài đời. Lãnh đạo của xưởng phim đã kéo tôi ngồi xuống ghế và nói: ‘Bob, không phải 20 từ ‘mẹ kiếp’ sẽ có hiệu quả hơn là 40 từ hay sao?’ Tôi trả lời ‘không’, đây là cách người ta nói khi họ cảm thấy bất lực trong hành động. Họ chửi rủa.” Towne nhất định không chịu lùi bước. Nicholson ủng hộ quan điểm của Towne - và khi Jack trở thành một ngôi sao sáng nhất thời bấy giờ, những tranh cãi mới kết thúc.
* * *
Lựa chọn phim cho người khác xem là một việc làm đầy rủi ro. Về phương diện nó cũng tiết lộ nhiều điều giống như việc viết thư cho một ai đó. Nó cho thấy suy nghĩ của bạn như thế nào, nó thể hiện những
điều làm lay động bạn, đôi khi nó thậm chí còn thể hiện được việc bạn nghĩ như thế nào về cái cách thế giới đánh giá bạn. Vì vậy, khi bạn hồi hộp giới thiệu một bộ phim cho người bạn của mình, khi bạn nói: “Ôi, đây là một bộ phim rất buồn cười - bạn thực sự thích bộ phim đó,” đó là một kinh nghiệm đáng buồn khi bạn bè gặp bạn ngày hôm sau và nhăn trán nói với bạn: “Cậu nghĩ bộ phim đó buồn cười à?”
Tôi nhớ có một lần, tôi giới thiệu bộ phim Ishtar (Thần tình yêu mang tai họa) cho một người phụ nữ tôi khá thích, chỉ để cô ấy nhìn tôi trong lần tiếp theo tôi gặp cô ấy. Cô ấy đã nói: Ôi, đó là những gì anh thích đấy!
Vì thế, qua năm tháng, tôi đã học được cách ngậm miệng trong các cửa hàng băng đĩa, nơi thỉnh thoảng tôi khao khát được cảnh báo những người hoàn toàn xa lạ, nơi mà tôi muốn vồ lấy dĩa phim trong tay họ và quả quyết trước khuôn mặt ngơ ngác của họ rằng bộ phim khác, chiếc đĩa ở đằng kia chẳng hạn, mới là một lựa chọn đúng. Tuy nhiên, tôi cũng có một vài bộ phim để dự phòng, những bộ phim mà khi tôi giới thiệu, sẽ không bao giờ phản lại tôi. The Late Show (1977) là một trong những bộ phim đó. Tôi chọn nó là bộ phim tiếp theo chúng tôi xem.
Đó là một bộ phim có nội dung hổi hộp và ly kỳ về một thám tử tư ốm yếu (do Art Carney thủ vai) và một nhà tâm lý học trẻ gàn dở (do Lily Tomlin thủ vai), người bị bắt trong một chuỗi các vụ giết người ở Los Angeles. Tuy bộ phim đã tồn tại được 30 năm, thực tế dường như không có mấy ai từng xem nó. Nhưng khi họ đã xem, ít nhất là đối với những người được tôi giới thiệu, tất cả đều phản ứng bằng một kiểu vui mừng đầy bất ngờ và biết ơn. Trong một số trường hợp, tôi cho rằng nó thậm chí còn khiến người khác đánh giá lại những gì họ đã nghĩ về cá nhân tôi.
Khi chuẩn bị bộ phim The Late Show cho Jesse xem, tôi đã xem lại bản gốc bài phê bình của Pauline Kael trên tờ The New Yorker. Cô ấy yêu thích bộ phim nhưng không thể nào xếp hạng cho nó. Cô ấy viết: “Chính xác thì đó không phải là một bộ phim kinh dị. Đó là một thể loại phim - một bài thơ yêu - ghét về sự nhếch nhác.”
Bộ phim The Friends of Eddie Coyle (Những người bạn của Eddie Coyle) đến và đi rất nhanh chóng trong năm 1973. Người ta không thể tìm thấy phim này trong các cửa hàng băng đĩa, không thấy ở ngay cả
các cửa hàng chuyên biệt, nơi họ tích trữ trong kho những bộ phim kinh dị từ Phần Lan. Bộ phim được đạo diễn bởi Peter Yates (đạo diễn phim Bullitt), nhưng lý do thực sự khiến người ta phải xem nó chính là vì gã phù thủy có đôi mắt ngái ngủ, Robert Mitchum, người đóng vai kẻ lừa đảo Eddie Coyle lúc còn nhỏ. Chúng ta đều biết một người nào đó giống như Eddie, một anh chàng sinh ra để thực hiện quyết định sai lầm. Bác Vanya là người phạm tội lặp lại giống như vậy.
Thời gian trôi qua, Robert Mitchum dường như ngày càng diễn xuất tốt hơn - ngực nở nang, giọng nói trầm, cách định hướng bộ phim của anh dễ dàng như một con mèo lang thang trong bữa tiệc đêm. Anh ấy có rất nhiều tài năng, và cho đến giờ, thật thú vị, nó đã mang đến cho anh ý muốn phủ nhận nó. Anh ấy đã từng nói: “Nghe này. Tôi có ba cách thể hiện nét mặt, đó là nhìn trái, nhìn phải và nhìn thẳng phía trước.” Charles Laughton, người đã từng chỉ đạo diễn xuất cho anh trong bộ phim Night of the Hunter (Đêm của gã thợ săn) (1995), đã nói rằng tất cả những thái độ thô lỗ đó tôi không quan tâm, thứ cần quan tâm là diễn xuất. Ông nói: Robert Mitchum là người có học thức, lịch thiệp, tử tế, một người đàn ông nói chuyện rất có duyên và anh ấy đã vào vai Macbeth tốt hơn bất cứ diễn viên nào khác cùng thời. Mitchum diễn xuất nhân vật này theo một cách khác: “Sự khác biệt giữa tôi và các diễn viên đồng nghiệp khác chính là vì tôi đã có nhiều thời gian sống ở trong tù hơn.”
Tuy vậy, khi chúng tôi xem những bộ phim này, thỉnh thoảng tôi có cảm giác rằng bộ dạng của Jesse đôi khi cho thấy nó đã sẵn sàng thực hiện bổn phận hơn trước. Ba mươi phút khi xem bộ phim Stardust Memories (Hồi ký của một ngôi sao) (1980) của Woody Allen, tôi có thể nói dựa trên tư thế cơ thể nó, việc nó chống người lên khuỷu tay đã để lộ ra rằng bộ phim làm nó chán ngấy và tôi bắt đầu nghi ngờ rằng nó xem phim là vì tôi, để tôi có người bầu bạn cùng.
“Con đoán xem người quay phim trong phim Stardust là ai?” tôi nói. “Ai ạ?”, nó hỏi.
“Người quay phim The Prỉnce of Darkness (Hoàng tử bóng tối).” “Gordon Willis ạ?”
“Cùng một người quay phim The Godfather (Bố già).”
“Cùng một người quay phim Klute,” nó nói lơ đãng.
Sau một hồi im lặng, tôi nhẹ nhàng nói: “Bố không nghĩ anh ta là người quay phim Klute.”
“Cùng một người mà.”
Tôi nói: “Bố cá với con 50 đô-la rằng Gordon WilIis không hề quay phim Klute.”
Nó là một người chiến thắng rất có duyên, không hề hả hê khi nó đứng lên khỏi chiếc ghế đi-văng để nhét tiền vào túi quần sau, đôi mắt nó không hề nhìn vào mắt tôi. Tôi nói một cách yếu ớt: “Bố luôn nghĩ rằng Michael Ballhaus mới là người quay Klute.”
Nó nói: “Con hiểu. Có thể bố đang nghĩ đến những thước phim đầu tiên của Fassbinder. Đó là kiểu quay mờ ảo.”
Tôi nhìn nó chẳm chằm cho đến khi nó ngước nhìn lên. “Gì ạ?”, nó nói. Nó biết rất rõ “điều đó” là điều gì.