This nice and subtle happiness of reading, this joy not chilled by age, this polite and unpunished vice, this selfish, serene life-long intoxication.

Logan Pearsall Smith

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: vũ ngọc toàn
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3733 / 102
Cập nhật: 2015-07-19 17:27:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
ớ phải nói thật với cậu là tớ mất công đi tìm Phục Quốc hai ba tuần liền rồi mà chẳng thấy Phục Quốc đâu. Tớ đâm nghi. Người ta bảo tớ rằng có nhiều Phục Quốc giả do sở Công An tung ra làm mồi để câu những anh nào thích chống đối.
- Vậy cậu tính sao?
- Tớ muốn thành lập một tổ chức riêng. Như thế, mình vừa giữ được bí mật vừa thực hiện nguyên vẹn đường lối của mình.
- Đường lối của cậu thế nào?
- Giản dị lắm, tớ chống cộng sản đến cùng.
- Tớ tin cậu nhưng những thằng khác nghi ngờ cậu. Mẹ cậu nằm vùng cỡ lớn, đảng viên, phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Sông Bé, cậu đi chống cộng sản, ai dám tin.
- Cậu tin tớ là đủ. Cậu đừng nói gì về tớ.
- Bây giờ người ta nghi ngờ hết. Anh nào cũng chống cộng, đến 30-4 mới lộ mặt nằm vùng.
- Tớ con em cách mạng mà chống cộng mới hay.
- Hay mà khó tin.
- Khó tin mà có thật. Không chống cộng, tớ chẳng biết làm gì. Trường mình đã tan nát. Ông hiệu trưởng Nguyễn Sĩ Tế bị bắt, ông giám thị Đặng Lê Kim bị bắt luôn, con gái ông Kim phản động nặng, bị nhốt cả rồi. Chẳng lẽ tớ về Sông Bé làm công an hay đi thanh niên xung phong? Cậu muốn tớ trở thành công an không?
- Không, dĩ nhiên. Cậu chống cộng sản là chống má cậu, chấp nhận à?
- Chống ông nội tớ, tớ vẫn chống, nếu ông ấy cộng sản.
- Tại sao cậu ghét cộng sản vậy?
- Đời sống đổi thay cái rụp làm tớ choáng váng. Họ hàng tớ, bạn bè tớ ở Sông Bé khinh bỉ gia đình tớ ra mặt. Người ta mỉa tớ là con em cách mạng, là đảng viên tương lai, tớ rất xấu hổ. Tớ chống cộng sản, trước hết, để chứng minh tớ là quốc gia thuần túy. Sau hết, cộng sản làm đồng bào mình khổ quá. Tớ thù hận cộng sản vì nó gian ác mà nó cứ nói nó nhân đạo. Má tớ vênh vang lắm, tớ chỉ còn nhìn ra má tớ là một con mẹ đảng viên đắc thời. Tớ đã nói hết lòng tớ. Chơi với nhau, học với nhau mấy năm rồi, cậu phải hiểu tớ. Tớ không về Sông Bé, không trọ nhà chú tớ bên Thị Nghè nữa, tớ lang thang.
- Thì về đây mà sống tạm nương náu cửa Phật!
- Nay mai, cậu sẽ bị đuổi khỏi chùa. Nó sắp quốc doanh chùa. Nó cấm tu hành. Muốn tu thành thượng tọa, cậu phải chống cộng sản.
- Tớ không dám giết người.
- Chống nó bằng tư tưởng. Phật giáo là kẻ thù tư tưởng của cộng sản. Nó bắt vô số thầy chùa, cậu chưa hay à? Nó cho nổ tượng Phật ở biển hồ Pleiku rồi. Tha hồ mà tự thiêu, nó đứng nhìn thầy chùa tự thiêu, cười khanh khách.
- Cậu muốn tớ làm gì?
- Chống cộng sản.
- Cậu dám chống cộng sản mà tớ không dám sao? Chống thì chống, tu hay tù đồng nghĩa. Sống hay chết cũng đồng nghĩa.
Chú tiểu chùa An Lạc cảm khái nói một câu đầy khẩu khí của tráng sĩ chùa Tiêu Sơn. Hai thời đại khác nhau, hai hoàn cảnh càng khác nhau xa. Tiêu Sơn tráng sĩ chống nhà Tây Sơn để phục hồi quyền bính cho Lê Chiêu Thống, biểu tượng của một dĩ vãng ươn hèn, mục rã, tôi đòi. An Lạc tráng sĩ chống cộng sản, ít ra, vì những điều mà người bạn của tráng sĩ, cậu Hoàng Sơn Trường, đã tâm sự với tráng sĩ. An Lạc tráng sĩ, tên khai sinh là Nguyễn Kiến Thiết, pháp danh Thích Thanh Bần, cùng học trường Trường Sơn, cùng chung lớp 12 với Hoàng Sơn Trường.
- Cám ơn cậu đã đứng với tớ.
Hoàng Sơn Trường nói. Chú tiểu Thanh Bần mỉm cười, khuôn mặt chú, tự nhiên, đỏ au. Lòng chú đã dấy lên nỗi khát khao mới.
- Đừng cám ơn. Bây giờ, tớ làm gì?
- Kết nạp người trong gia đình phật tử. Càng đông càng tốt. Người trước việc sau. Mục đích cậu đã rõ, đường lối sẽ phổ biến từ từ. Trụ sở là chùa An Lạc.
- Được rồi.
- Châm ngôn của tớ lấy từ câu nói của Nguyễn Thái Học: “Không thành công tất thành nhân”. Tớ thù ghét cộng sản, tớ thù ghét cả cuộc sống ươn hèn. Tớ không có tham vọng gì cả.
- Tớ tham vọng gì?
- Chúng ta không có tham vọng. Tớ chống cộng để có đời sống bình yên với những kỷ niệm đẹp.
- Còn tớ, để tự do tu hành.
- Chúng ta hoàn toàn đồng ý nhé!
- Ừ.
Thật nhanh và thật đẹp, hai người tuổi trẻ đã kết hợp. Và một tổ chức chống cộng sản thành hình. Không một ly nước trà, không một điếu thuốc lá. Họ thảo luận với nhau ở dưới gốc cây đại sân chùa. Thường thường, để ngồi gần nhau, ở Việt Nam, mưu đồ đại sự đã thiên nan vạn nan. Ngồi gần nhau để tính chuyện kết hợp càng thiên nan vạn nan. Và nếu kết hợp để chiến đấu chống cộng sản thì đã luôn luôn là không tưởng. Dù ăn mặc trịnh trọng. Dù phòng họp điều hòa không khí. Dù rượu champagne mở bốp bốp. Dù thuốc lá thơm ngộp khói. Trong khung cảnh bình yên, cộng sản còn mút mít rừng già. Những phiên họp của không tưởng vẫn sẽ diễn tiến, ở nơi nào đó, ngoài Việt Nam. Và chẳng bao giờ diễn tiến tại Sài Gòn. Bởi vì Sài Gòn không còn cơ hội cho champagne nổ phù phiếm. Bài học kết hợp chiến đấu của học sinh Hoàng Sơn Trường và chú tiểu Thích Thanh Bần dạy những kẻ đầu cơ đại sự một điều khôn ngoan: Khi người ta chiến đấu cho mọi người, không vì tham vọng cá nhân, thì người ta dễ gần gũi, cảm thông, chia sẻ và đoàn kết.
Chùa An Lac ở quận 2, nằm sau đường Phạm Ngũ Lão. Qua mấy chế độ, An Lạc, tên ngôi chùa, đã đủ nói lên sự trầm tĩnh của kinh kệ, của chuông mõ, của nến nhang. Nó không sôi nổi quá đà như Xá Lợi, ồn ào quá khích như Ấn Quang, phô trương qua lố như Việt Nam Quốc Tự. Nó bình thường, không cần gào thét, không cần tuyên bố, không cần thuyết pháp công kích chuyện đời, không đòi hòa bình, không chống chiến tranh. Nhưng An Lạc đã đi vào lịch sử tranh đấu của dân tộc bằng tâm hồn đơn giản và sự thành tâm của chú tiểu Thích Thanh Bần. Tiếng chuông chùa An Lạc, với chú tiểu Thanh Bần, không còn là tiếng chuông mời gọi người về trầm tư mặc tưởng nữa. Mà là tiếng chuông dục ươn hèn thức tỉnh, thúc can đảm phóng lên vì nỗi thống khổ của đồng bào, của chúng sinh lầm than dưới gót phỉ quyền. Tiếng chuông chùa An Lạc gợi tưởng tiếng chuông chùa thời Lý của những thầy tăng mở nước vinh quang.
Chú tiểu Thanh Bần bắt tay vào việc. Thanh niên phật tử say sưa nghe chú thuyết nạn cộng sản. Chú là biểu tượng sáng chói của người tu hành sống đạo giữa đời và biết sống đạo giữa đời. “Tu hay tù đồng nghĩa. Sống hay chết cũng đồng nghĩa”. Câu nói thú vị của chú với Hoàng Sơn Trường làm nhớ nhà sư trẻ Hư Trúc dưới chân núi Thiếu Thất khi nhập cuộc chơi với Đoàn Dự, Kiều Phong. Chú hấp dẫn thanh niên. Chú lôi cuốn thanh niên vào mục đích cao cả. Đâu cần gồng mình chứng minh mình là lãnh tụ mà chú tiểu Thanh Bần đã là lãnh tụ cần thiết của thanh niên phật tử chùa An Lạc.
Một đêm, ở chùa An Lạc, Hoàng Sơn Trường nằm gác chân lên chân Thích Thanh Bần chuyện trò thầm thì.
- Tớ thấy mình phải võ trang bằng tư tưởng.
- Tư tưởng của mình là chống cộng sản.
- Không, chống cộng là mục đích, là lý tưởng thôi. Cha anh chúng ta đã chống cộng ba mươi năm, rốt cuộc thua cộng sản, cậu biết tại sao chưa?
- Chưa.
- À, tại vì họ thiếu tư tưởng hoặc tư tưởng của họ lạc hậu cả rồi. cộng sản nó thắng minh nhờ nó có tư tưởng mác xít, nó có học thuyết hẳn hoi.
- Nó có chủ nghĩa.
- Đúng. Cậu ở chùa được thày dạy thêm, được đọc nhiều sách, vậy tớ hỏi cậu vài câu. Nếu tớ sai thì mộng ước của tớ tiêu tan. Nếu tớ đúng thì tớ ôm ấp hoài bão.
- Hỏi đi.
- Đức Phật xưa có đọc sách nào không?
- Không.
- Khổng Tử, Lão Tử có đọc sách nào không?
- Không.
- Chúa Giêsu có đọc sách nào không?
- Không.
- Vậy mà họ đều lập thuyết, đều bất hủ.
- Ừ, tại vì thời đại tạo ra họ.
- Thế thì tớ có quyền lập thuyết, cậu ạ! Cậu thấy không, dân tộc mình khốn khổ, khốn nạn từ nửa thế kỷ nay vì những học thuyết ngoại lai. Tư bản đã đến. Vô sản đã đến. Cả hai học thuyết này đều bất lực trong sự tìm kiếm hạnh phúc cho dân tộc ta nói riêng, cho loài người nói chung. Cậu có thấy thằng tư bản nào học hành đến nơi đến chốn không? Cậu có thấy thằng vô sản nào đích thị là khố rách áo ôm không? Tinh hoa của tư bản và vô sản toàn là tiểu tư sản cả. Tiểu tư sản thông minh, tài hoa, lãng mạn mà cam đành làm tay sai cho tư bản và vô sản và bị chúng nó khinh bỉ, thù ghét.
- Cậu muốn lập thuyết tiểu tư sản.
- Chứ sao.
- Cậu muốn bắt chước Marx, Engels kêu gào: Tiểu tư sản các nước trên thế giới hãy vùng lên!
- Thuyết của tớ chưa chắc đã hay ho gì nhưng không có học thuyết là không có tư tưởng. Mà đánh cộng sản để thắng nó phải võ trang tư tưởng. Tuổi của tớ và kiến thức chưa cho phép tớ lập thuyết vĩ đại. Tớ kể sơ sơ cậu nghe: Dân mình rất chán vào hợp tác xã, vào công ty quốc doanh. Bản chất của dân mình – tớ chỉ nói dân mình thôi – là khoái tư hữu. Nông dân thèm quyền tư hữu nhất. Ai cũng thích có cái ao cá riêng của mình, thửa ruộng riêng của mình. Vân vân… Công nhân phải bám nhà máy ở thành phố nên đành làm chủ tập thể nhà máy! Bởi vậy, cộng sản nó không ưa nông dân. Đến lượt cán bộ trung cấp của cộng sản khoái tư hữu. Đứa nào cũng muốn cái radio riêng, cái xe Honda riêng, cái nhà riêng… Vậy thì cộng sản sao nổi! Vậy thì muôn năm tiểu tư sản. Thằng nghèo mạt biết thân phận nó không thể giàu bự nổi nên nó thù hận tư bản, bây giờ mình nói thật với nó rằng giàu bự không nổi nhưng giàu vừa vừa thì dư sức, thằng nghèo nó sẽ thù cả thằng vô sản là đứa cứ bắt nó nghèo mạt suốt đời. Đấy, sơ sơ thuyết của tớ. Mình võ trang tư tưởng tiểu tư sản, chắc chắn, sẽ có hậu thuẫn rộng lớn và sẽ tiêu diệt gọn cộng sản.
- Cậu mơ mộng quá.
- Sống là ước mơ.
- Vậy lập thuyết đi.
- Từ từ sẽ lập. Tớ và cậu sẽ là Marx-Engels và chùa An Lạc sẽ là nơi học thuyết tiểu tư sản ra đời. Chúng ta sẽ tuyên ngôn. Người Việt Nam đánh cộng sản bằng học thuyết của người Việt Nam, tạo hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam bằng học thuyết của người Việt Nam. Không, nhất định không có hạnh phúc vĩnh cửu cho dân tộc bằng tam dân chủ nghĩa của Tàu, tư bản chủ nghĩa của Mỹ, cộng sản chủ nghĩa của Đức, của Nga… Sớm mai, cậu nhớ rung giùm tớ hồi chuông cáo phó các thứ chủ nghĩa ngoại lai trên quê hương mình.
- Và thêm hồi chuông báo sinh chủ nghĩa mới, văn minh mới cứu rỗi dân tộc, cứu rỗi nhân loại ra đời.
- Ra đời ở chùa An Lạc.
- Đồng ý.
- Ra đời đúng quá độ tan rã của tư bản và cộng sản.
- Đồng ý.
- Ra đời từ đêm nay.
- Cậu làm tớ mê mẩn, Trường ơi! Này, nhà lập thuyết, tớ không biết hút thuốc lá nhưng bỗng tớ thèm hút. Cho tớ một điếu. Ở chùa suốt đời, dẫu đắc đạo, cũng chỉ tìm ra một thứ hạnh phúc cho riêng mình mà chữ nghĩa gọi là giải thoát. Giải thoát bằng tư tưởng Đức Phật. Chưa chắc kinh kệ đã đúng ý Đức Phật. Nếu đúng, vẫn là của Đức Phật, không phải của chính mình. Tôn giáo và nghi lễ giúp vui của nó đã trở nên vô tích sự trong đòi hỏi tích cực của giải thoát dân tộc. Tớ sẽ bỏ chùa. Nhân loại bên ngoài đi xa rồi mà ở bên trong, nhà chùa và nhà thờ, vẫn lải nhải giáo điều vu vạ là của Phật, của Chúa từ ngót 3000 năm, từ ngót 2000 năm. Tớ sẽ rung thêm hồi chuông báo tử cuộc đời tu hành viển vông của tớ.
Nhà sư trẻ vùng dậy. Nhà lập thuyết trẻ cũng vùng dậy. Trong bóng tối của trai phòng như trong bóng tối mông lung của thế giới hôm nay, một que diêm bật lửa. Đốm lửa nhỏ, đốm lửa tỏa ra đủ một vùng ánh sáng soi rõ hai khuôn mặt vừa lạ lùng vừa ngô nghê của thời đại. Hai khuôn mặt rất người, rất hiện thực. Hai tâm hồn ăm ắp ước mơ, sũng ướt mộng mị. Nhân loại đang hoài vọng thứ ánh sáng dẫn dắt con người về chốn bình yên tâm tưởng. Phải chăng, thứ ánh sáng ấy đã áng lên trong đêm mù mịt việt nam sau hòa bình của chiến tranh ý thức hệ ở chùa An Lạc? Đốm lửa châm hai ngọn đèn kỳ diệu. Đó là hai ngọn đèn nhận đường giữa mù khơi tư tưởng, trên giòng chìm đắm chủ nghĩa ngoại lai. Đó là hai trái tim nằm ở đầu hai điếu thuốc lá.
- Thầy chùa có thể trở thành nghệ sĩ không nhỉ?
- Tại sao không?
- Vậy tớ muốn trở thành người hát dạo. Tớ sẽ soạn ca khúc ca ngợi tình yêu và hạnh phúc của loài người đi hát rong đây đó, như thế hữu ích hơn là ngồi chùa gõ mõ tụng kinh và thuyết giảng con người loại bỏ tham vọng.
- Làm sao con người loại bỏ được tham vọng? Không tham vọng, con người sẽ là cái gì? Tham vọng là cứu cánh của đời sống. Đời sống thiếu tham vọng sẽ vinh quang hiu quạnh như Niết Bàn, nơi có mỗi một mình Thích Ca và Thiên Đàng của Giêsu cô độc. Nhưng, trước khi lên cõi riêng của mình, khi còn bấu víu đời sống, Thích Ca và Giêsu có tham vọng không? Có chứ, họ đã lập thuyết. Thế là họ đã tham vọng. Vấn đề đặt ra là tham vọng tốt hay tham vọng xấu. Còn diệt hết tham vọng thì hết chất người, hết nhân bản. Cậu sẽ chỉ ngộ nếu cậu làm người nghệ sĩ đi tạo niềm vui cho con người. Cứu khổ là tạo niềm vui. Cứu khổ không bao giờ là dọa nạt con người bằng bạo lực hay an ủi con người bằng câu kinh cũ rích. Tiếng chuông chùa và tiếng phong cầm nhà thờ buồn bã quá. Nó đã chẳng còn đủ khả năng giúp dân tộc mình vươn lên phá nát những màng lưới sắt chủ nghĩa khốn nạn chụp bủa, đè chĩu thân phận dân tộc mình. Tôn giáo là để gọi hạnh phúc về với hạnh phúc khi hạnh phúc đi vào bất hạnh. Tôn giáo không tạo nổi hạnh phúc, ít nhất, nó cũng đúng trong thời đại của chúng ta, hôm nay.
Im lặng. Hoàn toàn im lặng. Cậu học trò 18 tuổi tên là Hoàng Sơn Trường, lớn lên đầy tuổi chiến tranh việt nam; có mẹ là cộng sản; có bạn là thầy chùa; có nước việt nam chia lìa, tan nát, thù hận, tù đày, có dân tộc việt nam bất hạnh triền miên; có quê hương việt nam nghèo nàn, buồn bã. Cậu, thoạt đầu, bất bình nỗi cộng sản làm đau khổ đồng bào cậu, muốn chống đối cộng sản. Sau đó, cậu ưu tư về những kinh nghiệm chống cộng sản của cha anh. Và cậu thao thức tìm cách võ trang tư tưởng. Tình cờ, cậu ghé vô trường Văn Khoa, tham dự buổi học tập của trí thức Sài gòn. Cậu nghe người cán bộ hà nội mạt sát tiểu tư sản thậm tệ. Ra về, cậu suy nghĩ… Và cậu phác họa thuyết tiểu tư sản của cậu với chú tiểu Thích Thanh Bần. Người ta sẽ bỉ thử cậu, nếu nghe ai nói rằng cậu đòi lập thuyết. Bọn tư bản, thế kỷ trước, đã bỉ thử Karl Marx. Thế kỷ sau thì họ vỡ mày, vỡ mặt. Khi còn vô danh, việc làm phi thường của một người, thường chỉ bị miệt thị, ngó lơ. Chúa Giêsu, 1975 năm qua, chả từng bị bọn ngu xuẩn đóng đinh trên thánh giá bên cạnh những tội đồ trôm cướp đó sao! Và gần gũi nhất, hồ chí minh bồi tàu thủy đấy. Khi thành “cha già dân tộc” thì ngay ở Sài gòn chống cộng phừng phừng sau 1954, ai dám động tới hồ chí minh, kẻ đó sẽ bị chưởi rủa là đồ hỗn láo!
Vĩ nhân tương lai, dường như, không để ý chuyện thế nhân thời thượng coi rẻ mình. Chú tiểu Thích Thanh Bần ra kéo một hồi chuông khuya, hồi chuông chưa hề nghe từ có chùa An Lạc. Hồi chuông vang trong đêm vắng báo tử cái gì và khai sinh cái gì đây? Nhà lập thuyết Hoàng Sơn Trường gởi hồn mình theo âm thanh một ước mơ thật mới: Mọi người dân Việt Nam đều sẽ trở thành một tiểu tư sản trong xã hội tự do, dân chủ, công bình thật sự.
Bầy Sư Tử Lãng Mạng Bầy Sư Tử Lãng Mạng - Duyên Anh Bầy Sư Tử Lãng Mạng